Chiến dịch Điện biên Phủ, tôi là chính trị viên đại đội pháo (Tô Vĩnh Diện) đã được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên. Đại tướng rất thân tình với anh em. Chúng tôi kính mến lắm. Khi Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, tôi làm Tổng Biên tập báo Phòng không, Không quân. Năm 1970 tôi làm phó chính ủy trung đoàn bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đưa cả đơn vị vào bảo vệ Trường Sơn. Khi Trung Quốc đánh ta, tôi lại được chiến đấu ở biên giới phía Bắc.
Từ ngày lãnh trách nhiệm Tổng Biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Sự (1982) tôi nhiều lần được gặp Đại tướng để xin ý kiến. Trong các buổi gặp bao giờ Đại tướng cũng rất thân tình, cung cấp nhiều tư liệu quý giá với những chỉ bảo thật căn kẽ, thấu đáo.
Tôi rất khâm phục trí tuệ uyên thâm, uyên bác và sức làm việc hết sức dẻo dai của Đại tướng nhưng rất thắc mắc là tại sao năm 1980 Đại tướng đã thôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và năm 1982 đã thôi Uỷ viên Bộ Chính Trị.
Đôi lần trong bối cảnh thân tình tôi đã định hỏi trực tiếp Đại tướng nhưng rồi lại ngần ngại, lần lữa.
Một hôm, trong một bữa cơm thân mật tại nhà thượng tướng Trần Văn Trà tôi nêu câu hỏi vì sao Đảng không tận dụng tài thao lược và trí tuệ siêu việt của Đai tướng Võ Nguyên Giáp trong lĩnh vực quốc phòng mà lại bắt Đại tướng phụ trách việc sinh đẻ có kế hoạch?
Thượng tướng bảo tôi: Chủ yếu là do mâu thuẫn với anh Ba (Lê Duẩn) nhiều việc:
“Từ những năm 1950 anh Văn đã không đồng tình đánh Nhân Văn Giai Phẩm và ngay thời gian đó vẫn thường thăm hỏi, sẻ chia chân tình với một số nhà văn có tài”.
Anh Tư (tên thường gọi của Thượng tướng Trần Văn Trà) kể tiếp: “Khi đánh xét lại anh Văn bị coi như trùm trưởng dấu mặt. Đối với cải cách ruộng đất và cải tạo công thương tư doanh cả ở miền Bắc và sau này ở miền Nam anh Văn cũng không tán thành.
Mâu thuẫn với anh Ba càng sâu sắc hơn khi sau ngày 30/4/1975 anh Ba chủ trương bắt chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn đi cải tạo trong khi mình thì nhất trí với anh Văn là nên phân biệt hàng binh và tù binh, nên đối xử với những người bại trân như nước Mỹ thế kỷ 18 trong chiến tranh Nam - Bắc. Phía Bắc thắng, phía Nam đầu hàng mà không bị xử lý gì. Cha ông ta xưa cũng từng đối xử với giặc Tàu bại trận như vậy”.
(Văn bia Vĩnh Lăng kể về chiến công Lê Lợi- Nguyễn Trãi đánh thắng quân Minh còn ghi rõ: “Những quân giặc bị bắt và những quân đầu hàng có đến mười vạn người, đều tha cho về cả. Đường thủy thì cấp cho hơn 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa; răn cấm quân sỹ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc)”).
Một hôm, tôi đến hỏi Đại tướng để xác minh lời kể của thượng Tướng Trần Văn Trà. Đại tướng dẫn tôi ra ngoài vườn vì sợ trong nhà bị đặt máy ghi âm. Đi hết mấy vòng sân vườn, Đại tướng xác nhận: Các điều anh Tư nói đều đúng hết. Nhưng thôi đừng quan tâm. Lịch sử rồi sẽ minh xét như vụ án Lệ Chi Viên, cụ Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc nhưng lịch sử đã minh oan lâu rồi.
Hôm ấy Đại tướng đã ký tặng tôi tấm ảnh chụp giữa hai người.
Tháng Hai năm 1984 Hội đồng Khoa học Hoàng gia Anh chọn 10 danh tướng trong số 90 vị tướng nổi tiếng từ Cổ đại đến hiện đại. Việt Nam vinh dự được chọn 2 vị: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1994, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin nhờ tôi làm chủ biên xuất bản cuốn sách “10 danh tướng thế giới”.
Tôi viết hai phần: “Lời nói đầu” và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi lấy tài liệu của Bách Khoa Toàn Thư về quân sự và quốc phòng của Mỹ (International military Defende Encyclopedia). Họ ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết lời với nhiều tài liệu xác thực. Sách phát hành, tôi bị người của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đến nhà 4, 5 lần quy kết tôi bịa đặt, quá đề cao Tướng Giáp.
Tin Đại Tướng ra đi làm tôi quá xúc động nên có dấu hiệu bị tai biến mạch máu não. May nhờ cấp cứu kịp thời và chỉ xuất huyết nhẹ nên đã qua khỏi.
Người đến viếng nhà Đại tướng quá đông. Tivi đưa tin hàng trăm ngàn người. Xem tivi thấy các phố đông kín người. Tôi rất lo không đi viếng được. May mà có cháu của Đại Tướng đến đón nên 8 giờ sáng mồng 10/10, vợ chồng tôi đã được vào lễ. Tôi phúng bức trướng ghi: “Kính Viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Đại Danh Nhân Danh Tướng Thế Gian – Đời Đời Kiếp Kiếp Lưu Danh Thiên Tài”.
Phạm Quế Dương – Hội Viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam.
Nguồn Dân Luận
Gửi ý kiến của bạn