Người ta đồn rằng, ông Phùng QuangThanh bị ám sát ở Pháp, nhưng khả năng này ít có cở sở vì ông Thanh là khách mời của Chính phủ Pháp, sang làm việc và hơn nữa, các hãng truyền thông tại Pháp vốn nhạy tin và chẳng ai cấm được họ, đã không nói gì.
Sau đó tin đồn chuyển qua hướng ông Phùng Quang Thanh đã bị phái thân Mỹ bắt và giam giữ tại một địa điểm bí mật trước thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng qua thăm Mỹ.
Lại có tin khác nói ông Phùng Quang Thanh qua Trung Quốc tị nạn. Thậm chí có người ta khẳng định có các hình ảnh trong tay cho thấy, ông Phùng Quang Thanh đã rời Pháp qua ngả Thụy sĩ và từ đó đào thoát "bí mật" sang nước khác!
Đáng quan tâm hơn, một tờ báo Trung Quốc, Boxun, có bài phân tich về sự biến mất của tướng Phùng Quang Thanh. Theo quan điểm của tờ báo, điều này liên quan tới việc tranh giành quyền lực trong Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) lần thứ 12.
"Năm 2016 tới đây, sau Đại hội ĐCSVN giới lãnh đạo của Việt Nam sẽ có thay đổi lớn, Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu phái thân Mỹ rất có thể giành được vị trí Tổng Bí thư, điều đó cho thấy việc loại bỏ phái thân Trung Quốc sẽ là đòi hỏi tất yếu trong giới lãnh đạo Việt Nam. Sự ra đi của Đại tướng Phùng Quang Thanh gần đây cho thấy, đây là kết quả tất yếu của tình hình này. Đến lúc đó, phái thân Mỹ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối, còn phái thân Trung Quốc khó có thể trụ được trước sức mạnh của phái thân Mỹ do Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Điều đó cho thấy, có lẽ các lãnh đạo cao cấp thân Trung Quốc buộc phải chấp nhận, và họ sẽ bị loại bỏ khỏi giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam để trở thành những nhân vật bên lề và cuối cùng phái thân Hoa cũng sẽ phải rời khỏi chính trường Việt Nam" - bài báo viết.
Trong lúc dư luận không biết tin vào đâu, thật giả ra sao, thì truyền thông của nhà nước Việt Nam Việt Nam lại đưa ra các thông tin về tướng Thanh bất nhất và không hợp lý.
Bài "Việt Nam và Pháp tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng" của Vietnam Plus (thuộc Thông tấn Xã Việt Nam), ngày 20 tháng 6 năm 2015, đăng ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bắt tay thân mật Đại tướng Phùng Quang Thanh (vào ngày 19 tháng 6).
Thế nhưng báo Tuổi Trẻ ngày 01 tháng 07, lấy nguồn từ Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương cho biết Đại tướng Phùng Quang Thanh "đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần".
Như vậy, ông Thanh đi sang Pháp làm việc rồi nhân tiện ở lại trị bệnh hay đi Pháp trị bệnh? Cách đưa tin này rất vô trách nhiệm vì mập mờ. Có thể hiểu sự việc theo một logic là, ngay sau khi làm việc tại Pháp xong, ông Thanh đã tức tốc về Việt Nam, rồi quay lại Pháp trị bệnh vàp ngày 24 tháng 6. Điều này có thể xảy ra nhưng rất khó tin.
Trả lời BBC Việt ngữ ngày 09 tháng 07, ông Phạm Gia Khải, giáo sư, thành viên Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương nói "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh "đã được cho ra viện" sau ca phẫu thuật u phổi", nhưng "vẫn tiếp tục ở lại Pháp để đợi được kiểm tra" và "ngày giờ xuất viện cụ thể và nơi ở hiện nay của ông Thanh thì không nắm rõ".
Ông Khải cũng cho hay, ông Thanh đã gọi điện trực tiếp về cho Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu hôm 03 tháng 07 và thông báo tình hình sức khỏe "rất tốt".
Có vẻ như để củng cố lòng tin của dư luận, báo chí trong nước còn loan tin ông Phùng Quang Thanh đã gửi tham luận đến Hội thảo khoa học do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tổ chức hôm 14 tháng 07, 2015 tại Hà Nội.
Tiếp theo, nhà báo Huy Đức, một người được cho thạo tin, viết trên trang Facebook của mình rằng "Phùng tướng quân về đã gần một tuần, bệnh không nguy kịch như đồn đại, để thiên hạ thôi thêu dệt tốt nhất là nên tạo tình huống xuất hiện ít phút trên truyền hình".
Thông tin này của nhà báo Huy Đức càng làm cho dư luận hoang mang hơn vì tin rằng, nhà báo Huy Đức có nguồn khả tín.
Bỗng nhiên, bản tin của Hãng thông tấn Đức DPA trong ngày 19 tháng 07 cho hay, tuớng Phùng Quang Thanh đã chết trong ngày Chủ nhật 19 tháng 07 tại bệnh viện Georges Pompidou của Pháp, nơi ông Thanh được điều trị bệnh ung thư phổi.
Hãng tin DPA nói rằng, đây là một nguồn tin từ quân đội, nhưng người cung cấp tin từ chối vì anh ta không có thẩm quyền nói với báo chí.
Tuy cách cung cấp tin của DPA thận trọng nhưng một hãng thông tấn chính thức sẽ không đưa ra nếu nguồn tin không đủ xác tín. Vì vậy chúng ta bắt đầu có thể kết luận: Cái chết của ông Thanh rất có thể là có thật.
Ngay lập tức trên mạng xã hội lan tràn tin tướng Thanh chết và dẫn đường link của DPA để chứng minh.
Không biết phản ứng của báo chí trong nước ra sao trước thông tin này. Sáng ngày thứ Hai ngày 20 tháng 07 tờ Tuổi Trẻ Online còn đăng tin "Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gửi thư chúc mừng Quân chủng Phòng không - Không Quân và Quân chủng Hải quân"! Nếu quả thực tin của DPA chính xác, không thông báo về cái chết của tướng Thanh thì không thể, mà thông báo thì bằng nhổ nước bọt vào chính mặt mình.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh là một người theo đuổi chủ trương thân Trung Quốc. Mới đây, tại hội nghị của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, ông Phùng Quang Thanh nói rằng, “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
Tuy nhiên, việc thân Trung Quốc của ông Thanh, theo tôi, không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết có nhiều ẩn khuất này, bởi vì ban lãnh đạo của ĐCSVN, trong đó cả ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đều thân Trung Quốc.
Nhiều nhân vật quan trọng và tướng lĩnh quân đội đã đột nhiên ra đi vào đúng lúc thay đổi quyền lực trong quá khứ, cho phép suy diễn có bàn tay lông lá của một thế lực mafia nhúng vào cái chết của ông Thanh.
Phùng Quang Thanh là ứng viên sáng giá vào chức vụ Chủ tịch nước trong Đại hội ĐCSVN lần thứ 12. Trong khi đó giữ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước là tham vọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Loại bỏ đối tượng cản đường là những điều thường xảy ra trong nội tình của ĐCSVN.
The Economist, một tờ báo rất uy tín, trong bài "Power plays - Vietnam’s new friendship with America reflects political drama at home" hôm 4 tháng 07, đưa ta hai kịch bản cho chính trường Việt Nam hiện nay.
Kịch bản thứ nhất: Nguyễn Tấn Dũng sẽ giữ chức Tổng Bí Thư, bổ nhiệm đàn em là Nguyễn Xuân Phúc hoặc Nguyễn Thị Kim Ngân làm Thủ Tướng; Trương Tấn Sang tiếp tục ở lại, hoặc nếu nghỉ hưu thì Trần Đại Quang hoặc Phùng Quang Thanh lên thay.
Kịch bản thứ hai Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước và dung hoà với Trương Tấn Sang bằng cách chọn một thân hữu của Sang làm Thủ Tướng.
Trên cơ sở của bối cảnh này, cái chết của tướng Phùng Quang Thanh tạo thêm một thuận lợi cho việc tranh giành và mặc cả quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng.
Chỉ mỗi cộng đồng mạng xã hội là sung sướng và hoan hỉ đón nhận tin cái chết của tướng Phùng Quang Thanh.
Ông Thanh đã đi ngược lại với tâm tư và tình cảm của người dân trước việc bành trướng và tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Dù thế nào đi nữa cũng là sự trả giá!
Lê Diễn Đức
Nguồn Blog Lê Diễn Đức
Gửi ý kiến của bạn