BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72627)
(Xem: 62054)
(Xem: 39149)
(Xem: 31019)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Chuyến Bay Định Mệnh

20 Tháng Ba 201512:00 SA(Xem: 1984)
Những Chuyến Bay Định Mệnh
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43
Phạm Văn Bản, SVSQ Khóa 4/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức, thuộc Trung Đội 411, Đại Đội 41 và Liên Đoàn 4. Mãn khóa ngày 5 tháng 12 năm 1970 và đi du học Hoa Kỳ. Tốt nghiệp phi công tại Sheppard AFB, Texas ngày 14 tháng 12 năm 1972. Về nước và phục vụ tại Phi Đoàn Thần Báo 520, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Vào những tháng cuối năm 1974, phi đoàn 520 (Thần Báo) chúng tôi nhận lệnh di chuyển về biệt đoàn 74 zulu, cùng với hai phi đoàn 526 (Satan) và 546 (Thiên Sứ) đóng quân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Cũng kể từ những ngày ấy, trung tâm hành quân của biệt đoàn được đặt tại một khu trường cai nghiện cũ, Sư Đoàn 5 Không Quân. Nơi đó kế cận với ủy ban quân sự liên hợp của Cộng Sản Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hàng ngày di chuyển qua lại trong căn cứ, chúng tôi, những sĩ quan phi hành lúc nào cũng giữ tác phong quân kỷ và lịch sự chào hỏi với nhóm Cộng quân đang đóng tại nơi đây.


Nhưng ngoài chiến trường kia chúng tôi nghiêm khắc với bản thân, chi ly tính toán trong việc điều chỉnh từng trái bom hay đầu đạn hỏa tiễn sao cho rót trúng địch quân. Nhiệm vụ của những người hoa tiêu khu trục chúng tôi là yểm trợ quân bạn, đang ngày đêm miệt mài chiến đấu bảo vệ đời sống an lành của đồng bào miền Nam Việt Nam tự do.

Tình hình chiến sự lúc này cũng đang leo thang mãnh liệt. Phía Cộng quân đã mở được những trận tấn công lớn, có chiến xa T54 tháp tùng, được trang bị hỏa lực phòng không mạnh… nhằm ngăn chận các phi vụ oanh kích của chúng tôi đang yểm trợ bộ binh. Với những dàn phòng không cao xạ của địch, khi phát hỏa làm thành một trận thiên la địa võng… tưởng đâu đã giúp địch quân dễ dàng tung hoành, tấn công đánh phá các đơn vị tiền phương của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đây là những tiền đồn đang đóng rải rác, trải dài và trấn dọc theo biên giới Lào Miên, ngăn chận cuộc xâm nhập của Cộng quân từ đường mòn “hồ chí minh” đổ qua hướng Hạ Lào.

Bởi thế, những danh xưng của Cộng quân từ các cấp lớn nhỏ, những đoàn chiến xa T-54, những dàn cao xạ phòng không, những địa danh mà địch chuyển quân… thì bất cứ người hoa tiêu nào trong biệt đoàn chúng tôi, ai cũng phải biết và ai cũng thuộc lòng. Chúng tôi thuộc lòng tọa độ địch, thuộc lòng đơn vị địch, thuộc lòng hỏa lực địch.

Vì chiến tranh gia tăng ác liệt, cho nên những số phi vụ hành quân của phi đoàn cũng được tăng theo. Trung bình mỗi hoa tiêu thường trực ba bốn phi xuất trong ngày, ngoại trừ bay những phi vụ cấp cứu, bảo vệ vùng cho bạn mình, đã bị lực lượng phòng không Cộng quân bắn rơi. Số hoa tiêu tử trận của phi đoàn Thần Báo theo thứ tự của thời gian là Thiếu Úy Nguyễn Văn Xi, Trung Tá Huỳnh Văn Vui, Thiếu Tá Nguyễn Minh Sơn, Thiếu Úy Phan Văn Mỹ Anh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Cử, Thiếu Úy Nguyễn Trường Thới…

Tôi mãi sao quên được những ngày mãn khóa phi hành ở Hoa Kỳ về nước, Xi và tôi lại được Bộ Tư Lệnh bổ nhiệm về phục vụ Phi Đoàn 520, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân, và trở thành cặp bài trùng đơn vị kể từ ngày ấy. Sau khi trình diện đơn vị, Xi rủ tôi về Sài Gòn, vào Salon Cự Phú lấy ra hai chiếc Vespa mới toanh. Chúng tôi chạy về đơn vị, rồi giao xe cho nhóm bảo trì phi cơ, để sơn lại xe theo màu ngụy trang của A-37, gắn huy hiệu phi đoàn và khắc nổi tên mình trên xe, trông oai phong lẫm liệt.

Hai cây súng P-38 của chúng tôi, cũng được mang đi mạ bạc và đánh xi bóng lưỡng, báng súng gỗ thì tháo bỏ đi, và thay vào loại báng làm bằng nhôm phi cơ, có khắc hình long phụng và tên tuổi. Đạn thì được đánh bóng, gài vào bao đai da với những loại đặc biệt và hiếm qúy như đạn chài, đạn chì, đạn bi, đạn lửa, đạn xuyên phá… mà chúng tôi “ngoại giao” với cảnh sát tỉnh Phong Dinh mới có. Tài tử cao bồi Texas cũng đâu sánh bằng!

Hằng ngày, Xi và tôi tranh nhau đánh giặc mỗi khi có phi vụ ra ngoài tiền tuyến, ai phá sớm mục tiêu thì thắng. Hằng chiều, chúng tôi về hậu phương lãnh giải bằng một chầu ở quán Nhớ Đời quận Bình Thủy, một cảnh tuyệt đẹp nơi miền sóng nước tây đô. Sở dĩ chúng tôi thường chọn nhà hàng này, vì đặc sản hấp dẫn như trong thi ca, “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không.” Cho nên, mỗi khi nhận được lệnh hành quân, là cả hai chúng tôi phải tranh nhau, chạy vào phòng dù lấy nón áo súng đạn, khoác vội lên người, leo xe phóng ra phi đạo. Câu châm ngôn dùng trong quyết định thành bại hàng ngày của chúng tôi, là mở máy sớm, cất cánh sớm, đánh giặc sớm… Nếu ai bay trễ, đến lúc mục tiêu khi đã bị đánh tan tành, thì đương nhiên người ấy thua cuộc và tự giác bỏ tiền bao nhậu, không thể chối cãi!

Tuổi xuân đôi mươi của chúng tôi lững lờ, trôi theo thời gian hoạt động tác chiến của đơn vị, tới một ngày định mệnh, vô tình tọa độ hành quân đó lại là quê hương sinh trưởng của Xi – quận Mỏ Cày tỉnh Kiến Hòa. Lúc ra phi đạo mở máy, Xi liên lạc gọi tôi, “Tao đi trước, về xem cái nôi ra sao!”

Xi tiến đánh mục tiêu trước tôi, đang khi tôi làm vòng chờ, ngoài vùng hỏa tuyến. Tôi chăm chú nhìn bom Xi vừa thả, còn đang rơi lơ lửng, và vừa lúc Xi kéo tàu lấy lại cao độ, thì đột nhiên một loạt hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 từ bờ Sầm Giang bắn lên. Trông đầu đạn đỏ lừ và đang chạy theo đuôi phản lực tàu Xi, tôi vội gọi Xi bắn ra trái sáng, để phá hủy loại hỏa tiễn tầm nhiệt này. Nhưng định mệnh đã an bài cho Xi, bởi rằng vệt dài khói trắng ác nghiệt kia đã theo kịp tàu Xi tạo thành một khối lửa như ngọn đuốc thắp sáng rực trời, rồi nổ tung như xác pháo trên bầu trời xanh bao la, bàng bạc điểm vài áng mây.

Hình của Phòng Điện Ảnh SĐ4/KQ: A37 và Phạm Văn Bản bị bắn gãy cánh đã đáp khẩn cấp, an tòan tại phi trường Trà Nóc vào một buổi sáng của năm 1974

Tôi nức nở khóc, và gọi Xi đến khan cả giọng: “Thần Báo 12 nhẩy dù”… không tiếng trả lời! “Thần Báo 12, đây 22 nghe rõ, trả lời!” Lời điện đàm lần cuối của tôi, trong tiếng nấc nghẹn ngào với dòng lệ tuôn trào. Cũng trong ngày Xi tử trận, ông Nguyễn Văn Công, thân phụ của Xi kể lại cho tôi nghe sau này, rằng hôm ấy ông cũng đang ngồi trên chiếc máy cày, cày thửa ruộng bên bờ Sầm Giang, là phần đất ông chia cho gia đình Xi ngày đó. Chính ông cũng thấy tiếng nổ chát chúa vang lên trên nền trời, chiếc phản lực cơ A-37 đã thành khối lửa, nổ tan rồi lao xuống dòng sông… Trời! Không ngờ, người phi công xấu số kia, lại là con ông! Một trưởng nam yêu qúy nhất của gia đình và gia tộc.


Mới ngày nào cặp bài trùng Xi và tôi, học cùng lớp cùng trường, cùng bằng tốt nghiệp trường sĩ quan bộ binh Thủ Đức và cùng về trình diện binh chủng Không Quân. Chúng tôi cùng học sinh ngữ, cùng sống trong “thành phố lều: tent city” với bao kỷ niệm buồn vui đời quân ngũ… rồi cùng hợp ca trên đài truyền hình Sài Gòn, chào tạm biệt quê hương trước khi lên đường, cùng đi du học Hoa Kỳ. Đặc biệt trong khóa học phi hành của chúng tôi, chỉ có Xi và tôi là hai người đã có gia đình vợ con, còn lại toàn là độc thân… nên chúng tôi hiểu nhau và cảm thông cho nhau nhiều hơn.

Ngày về Sư Đoàn 4 Không Quân ở căn cứ Trà Nóc, thì Xi yêu cầu tôi, phải lấy hai căn nhà chung nhau trong khu Hoàng Hoa 3, để dễ dàng chạy thông thương qua lại… Tới hôm nay, giờ đây phi vụ định mệnh làm cho chúng tôi âm dương cách biệt! Sau giờ phút tìm kiếm Xi, nhưng bặt tăm dấu tích vì không thấy dù mở. Cuối cùng, tôi cũng đành phải bay hợp đoàn với phi tuần trưởng Thiếu Tá Bùi Văn Minh, làm vòng chào vĩnh biệt người bạn về Trời! Về với Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi! Tôi cô đơn trở về đơn vị mà lòng buồn vời vợi, buồn mất bạn, buồn tợ như chim bằng gãy cánh! Và từ buổi ấy tôi sống thầm lặng trong đơn vị và bặt tiếng cười, như ngày nao với Xi.

Năm sau, ngày 26 tháng 01 năm 1975, thì định mệnh lại đến với nghiệp phi hành của tôi. Ngay từ sáng sớm hôm ấy sau phiên họp thường nhật phi đoàn vừa dứt, thì điện thoại đỏ của bàn sĩ quan trực reo vang, lệnh hành quân của phi vụ Thần Báo 01 ban ra, gồm có phi tuần trưởng Thiếu Tá Mai Văn Hiền danh hiệu Thần Báo 11 và tôi, phi tuần viên danh xưng Thần Báo 12.

Cũng như thường nhật, vừa nghe lệnh là chúng tôi tới bàn sĩ quan trực, lật sổ ghi nhận tọa độ, lập phi trình, lấy điều kiện thời tiết và tình hình địch bạn, rồi vào phòng dù lấy nón áo súng đạn, làm hành trang lên đường ra trận đánh giặc. Nhưng hôm nay, nhìn qua mục tiêu Thiếu Tá Hiền – đương kiêm sĩ quan đặc trách hành quân của phi đoàn – ân cần dặn tôi: “Bản à, xuống đánh cẩn thận, phòng không mạnh lắm đó!” Tôi nhìn anh, cái nhìn cảm phục biết ơn, rồi trả lời anh bằng cái gật đầu.

Anh Hiền cũng biết vì kể từ ngày Xi chết, tôi thường trầm tư và có những phi xuất bay thấp săn địch liều mạng! Bởi thế, anh thường nhắc tôi bay bổng cẩn thận, mỗi khi có chuyến đi đánh giặc chung, anh thường bắt tôi phải giữ cao độ cao hơn. Có lần, tôi bị hỏa tiễn tầm nhiệt rượt đuổi, anh Hiền gọi tôi bắn trái sáng, và anh đếm cho tôi nghe để bắn: “one thousand one, one thousand two, one thousand three! Hack,” tôi đã bóp cò sau tiếng “hack,” hạ gục loại đầu đạn SA-7 ác nghiệt kia. Thông thường, mỗi khi chúng tôi tiến đánh mục tiêu, thì địch quân lại thường nhắm bắn phi cơ số 2, đang khi vòng bom thả đầu của phi cơ số 1 vừa rơi khiến chúng còn đang bàng hoàng tìm nơi ẩn náu, bởi thế chúng chưa kịp bắn phi cơ số 1.

Sáng nay, phi trình nửa giờ cất cánh của chúng đang tôi nhắm hướng Tây Ninh, và bình phi ở cao độ 15 ngàn bộ, tức bay cao hơn đỉnh núi khoảng 5 ngàn… Bỗng nghe phi cơ quan sát điện đàm và hướng dẫn chúng tôi vào đánh tại một mục tiêu, chân núi Bà Đen. Từ trời cao chúng tôi thấy khói màu bốc lên tại khu Điền Long, và quan sát viên cho biết tăng T-54 của Cộng quân đang tiến lại từ hướng nhà máy đường mái ngói đỏ phía bắc khoảng 100 bộ.

Chúng tôi vừa định được tọa độ và mục tiêu địch, để làm vòng đánh bom, thì ít phút sau phòng không của địch đã rải lên trời nổ bung ra như nấm. Phi cơ số 1 vừa thả bom, nhìn theo mục tiêu của anh Hiền vừa đánh, tôi nhận ra đoàn tăng T-54 xạ kích xong là chúng nấp vào một bụi cây ven rừng. Nhưng vị trí ẩn náu của chúng đã bị tôi khám phá ra, và vòng bom phi cơ số 2 phải đánh trúng mục tiêu, khiến chiếc tăng được nhận làm của lễ toàn thiêu.

Thời gian phục vụ Thần Báo chẳng mấy chốc mà đã hai năm kỷ niệm ngày về của tôi, mười năm kỷ niệm ngày thành lập phi đoàn được tổ chức trọng thể tại câu lạc bộ Mây Bốn Phương. Tôi đã có hàng ngàn giờ bay trên phiếu phi hành, có hàng trăm phi vụ oanh kích trên vùng trời địch đóng, không riêng lãnh thổ Việt Nam mà còn không tạc trên những bầu trời Hạ Lào, Cao Miên với bao hiểm nguy vào sinh ra tử… nào là đột phá đường mòn Hồ Chí Minh, tấn công Cục R, san bằng địa đạo Củ Chi hay thủ đô Lộc Ninh... là những địa danh mà Cộng quân tưởng là an toàn bí mật. Nhưng đồng thời, sau hai phi xuất bay sáng trong ngày hôm ấy, một trận ở Điền Long núi Bà Đen và một trận ở Long Tần núi Mây Tào, thì phi vụ thứ ba tôi đã bị bắn rơi và trọng thương trong trận Klong Khot, là trận đánh ngăn chận đường tiến quân của Công Trường số 9 miền Bắc, đang xâm nhập vào miền Nam qua ngõ Hạ Lào và Cao Miên.

Một lần nữa, anh Hiền và tôi lại cùng thực hiện phi vụ thứ ba trong ngày. Đúng lúc 3 giờ chiều hôm ấy, tôi vừa đánh xong vòng bom thứ hai vừa dội xuống Klong Khot, trong lúc tăng tốc để lấy lại cao độ, thì tôi bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn trúng máy cánh trái, tàu nổ tung tôi trúng thương. Sau khi tỉnh lại thì thấy tàu quay cuồng, tôi cố dựt lại cần lái, nhưng đã bất khiển dụng nên phải nhảy dù.

Rồi thời gian làm tôi bất tỉnh, sau khi hai trái hỏa tiễn của ghế bay trong phòng lái phụt nổ, ném tôi vào không gian bao lâu để cho dù mở thì tôi hoàn toàn không biết. Nhưng không khí lành lạnh làm tôi hồi phục thì thấy mình đang lơ lửng, đong đưa. Tôi bắt đầu cảm thấy thấm mệt, có lẽ máu trong những vết đạn trên người đang nhỏ ra. Nhìn lên nóc dù hoa đang mở, tôi cũng đã đếm được nhiều vết đạn thù bắn vào loang lổ, của cái dù chính cũng như dù phụ. Nhìn xuống mục tiêu mà tôi vừa đánh bom, thì đạn địch đang bắn và tôi phải cố gắng lái dù chạy theo chiều gió, tránh xa địch quân chừng nào hay chừng nấy. Có lẽ tôi cũng đã chạy xa lắm, đã thoát khỏi vòng vây địch quân, để rồi chuẩn bị tìm một bãi đáp an toàn cho dù hạ cánh trong khu rừng hoang vắng, trên phần đất Cao Miên cách xa biên giới Tây Ninh mà tôi ước chừng, khoảng một trăm cây số.

Khi đáp xuống, cánh dù của tôi lại bị cành cây cao của rừng máng lại. Tôi bị treo toòng teng trên cao, khỏi mặt đất tới hơn chục thước. Tôi lần tay trong áo lưới lấy ra cuộn dây cứu hộ, nối dài thân dù để tìm đường hạ người xuống đất. Tôi cởi phăng áo lưới và chui vào một bụi cây đã chọn, ẩn nấp trước khi thấy mình sắp sửa ngã gục. Rừng hoang vắng, tiếng cú gọi hồn rít lên xa xa… đang tạo ra những âm thanh ma quái lạnh người. Tôi loay hoay vặn máy vô tuyến liên lạc nhỏ đang cầm trên tay, với những tiếng kêu sè sè dù đã chỉnh lại rất nhỏ nhiều lần, nhưng vẫn cảm thấy còn oang oang như muốn làm dấu kêu địch bắt tôi. Tôi mỉm cười với cái ý tưởng nhút nhát ban đầu, sống đơn độc trong rừng… và đặt máy xuống một bên, đè trên những chiếc lá khô xào xạc. Rút cây súng ngắn ra, nạp đạn cẩn thận rồi đặt cạnh máy vô tuyến, đề phòng địch tấn công bất thường. Tôi bắt đầu mở ba lô hành trang, lấy sách hướng dẫn mưu sinh thoát hiểm ra và đọc ngấu nghiến, rồi lấy thuốc cá nhân ra uống. Băng bó những vết thương rỉ máu, và ăn chút lương khô đề tôi lấy lại sinh lực. Nhìn dòng chữ nhắn gởi trên sách, khi bị thương thì máu trong mình đổ ra, và cũng là lúc khát nước nhất, mà uống nhiều nước thì rất khó cứu sống. Tôi mỉm cười nhìn những giòng chữ đậm, in rõ nét trên trang mưu sinh thoát hiểm của mình.

Ngoài kia trời tối dần, màn đêm buông rủ làm tắt lịm những tiếng beo hú cọp gầm như bao oan hồn hiển hiện… sau bức điện morse đánh đi, các bạn hoa tiêu của tôi khắp nơi tìm đến nào là trực thăng, nào là F5, nào là A37 đánh bom và thả trái sáng, tạo vành đai an toàn cho tôi trú ẩn qua đêm. Vì đạn bắn như mưa, nên mãi tới sáng mới được trực thăng bốc lên, tải thương về tiền đồn biên giới Trà Teng, là nơi tôi đánh bom giải vây hôm trước, để tạm thời băng bó lại vết thương cho tôi.

Trên trực thăng tôi bị ngất xỉu nhiều lần vì mất máu, nhưng những lúc tỉnh lúc mê thì lại khát nước. Lúc tôi khát và thấy có người cầm bông thấm nước từ chiếc bidon, rồi ông đặt bông nước trên môi tôi. Có những lúc quá khát, tôi đã nảy ý định muốn dành lấy bidon nước trước mặt mà tu. Nhưng lại bị dựt lại, tôi mở mắt ra nhìn thì thấy ông đó, là tướng hai sao. Với tác phong quân kỷ, tôi muốn dơ tay chào ông theo nghi lễ quân cách, nhưng cánh tay lại bị cột chặt vào bangka. Ông tướng nhìn tôi mỉm cười gật đầu, vì ông đã hiểu ý muốn của tôi, đó chính là Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, người sau đó tuẫn tiết khi Sài Gòn thất thủ.

Trực thăng của Thiếu Tá Đức đang lái lượn vòng, tìm bãi đáp, tôi cựa quậy và liếc nhìn xuống vai áo trận rách nát của mình… thấy vật lạ, ba bông mai vàng mới toanh, cấp bậc đại úy đã được Thiếu Tướng Nam tuyên thăng tại mặt trận. Ông gắn cho tôi lúc còn bất tỉnh… và thấy tôi ngơ ngác nhìn, ông nói, “Nằm nghỉ đi em, Thần Báo số 2.” Một kỷ niệm đẹp, đáng ghi nhớ trong đời binh nghiệp của tôi. Có lẽ đã sáng đẹp nhất trong lòng tôi cho tới ngày hôm nay, đó là hình ảnh của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Người thanh sát mặt trận khi tôi đánh bom, và sau khi tàu tôi trúng đạn, phải nhảy dù… Vị Tư Lệnh của Quân Đòan IV này đã túc trực 24/24 trên trực thăng quan sát mục tiêu chiến trường và tọa độ mà tôi đang ẩn náu… cho tới khi cứu được tôi. Đó là kỷ niệm sống mãi trong tôi, và tôi đã khóc thương Thiếu Tướng Nam khi nghe người sĩ quan tùy viên của ông thuật chuyện lại với tôi trong trại tù cải tạo.

Qua những tấm gương khí tiết oanh liệt như Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, và hoa tiêu khu trục của Phi Đoàn Thần Báo như Trung Tá Huỳnh Văn Vui, Thiếu Tá Nguyễn Minh Sơn, Thiếu Úy Nguyễn Văn Xi, Thiếu Úy Phan Văn Mỹ Anh, Thiếu Úy Nguyễn Văn Cử, Thiếu Úy Nguyễn Trường Thới đã anh dũng chiến đấu và hiến thân để bảo vệ cho nền tự do dân chủ Việt Nam, đã thúc dục lòng tôi luôn suy xét về việc thất trận của ngày 30 tháng 04 năm 1975, để tìm ra những nguyên nhân gây ra mất nước, và từ những chỗ mất ấy mà chúng ta có thể khởi công đi tìm… Cũng bởi thế mà tôi cảm nhận rằng, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đã thiếu vắng một nền tảng triết thuyết dân tộc làm căn bản trong công cuộc xây dựng kiến thiết quốc gia, nêu cao chính nghĩa dân tộc, và khai triển rộng rãi sách lược quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước một cách thực tế, vận động toàn dân toàn diện trong việc giữ nước, phát triển tự do dân chủ một cách vững chắc minh chính.

Nhìn lại buổi sáng ngày ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc 10 giờ tại phi trường Bình Thủy, chúng tôi nhận lệnh của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc và thực hiện phi vụ oanh kích ngay vành đai khu vực an ninh phi trường, vì tin tức ghi nhận Cộng quân đã tràn qua Lộ Tẻ Ba Xe. Khi vác dù ra phi đạo lấy tàu đánh giặc, thì rất nhiều anh em quân nhân các cấp trong Sư Đoàn 4 Không Quân lúc ấy đã tràn ra dọc theo bãi đậu và cất tiếng hoan hô cổ vũ chúng tôi. Khi cất cánh thi hành công tác, tôi mở máy nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh mà nước mắt của mình tuôn trào.

Ôi tình quê hương! Tình tuyệt vời và tuyệt vọng! Đẹp và buồn làm sao! Một nỗi buồn trào dâng và len lén trong tim người lính trẻ, với chuyến bay định mệnh.

Phạm Văn Bản

Nguồn Bất Khuất

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn