BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73902)
(Xem: 62309)
(Xem: 39506)
(Xem: 31225)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiên nhiên của Kim Tuấn

11 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 1098)
Thiên nhiên của Kim Tuấn
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Có một nhà thơ đến và đi cùng mưa nắng, vui và buồn cùng gió sương, cười như hoa nở, khóc như lá úa, thấy cuộc đời tươi đẹp hồn nhiên; khi yêu thì viết “Thời của trái tim hồng;” lúc lang thang trên đường phố lẻ loi vẫn thấy “dấu bụi hồng;” nhà thơ ấy sống suốt một đời với thiên nhiên, ở đâu yêu thiên nhiên đó, viết về bãi cỏ dòng sông con đường hè phố nơi đó: đó là nhà thơ Kim Tuấn (Huế, 10.1940 - Sài Gòn, 9.2003). Cho nên nhắc đến Kim Tuấn là nhắc đến không gian và thời khí xung quanh anh, đọc Kim Tuấn là đọc về bối cảnh đời anh.

Trong đám cưới thi sĩ và chị Hải Phương (đứng) ở Sài Gòn hồi thập niên 60s. Hàng ngồi, từ trái qua là tài tử xi nê Huy Cường, nhà thơ Viên Linh, họa sĩ Đinh Cường và nhà thơ Kim Tuấn. Hình do anh chị Hải Phương San Jose cung cấp.


Trong bài thơ “Khi Tôi Về” nổi tiếng của anh do Phạm Duy phổ nhạc, tả người lính trở về, anh không tả ngay những người thân yêu, mà tả không gian bối cảnh cái đã:

Khi tôi về, con chim sâu nằm trong tổ ấm, dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự, và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa.

Là một nhà giáo từng dạy học đó đây, nơi nào cũng được anh nhắc nhở trong những vần thơ để lại, không phải bút ký du lịch mà trong cảm thức tự nhiên, không có mục đích gì ngoài điều anh quyến luyến với thiên nhiên và cuộc sống quanh mình:

 Ngày anh về thăm Cù lao Phố

Chiều lửng lơ dòng sông uốn quanh

Chiều lửng lơ âm vang tiếng sóng

Chiều Biên Hòa và nỗi nhớ trong anh

Chiều Biên Hòa nhà ai cuối xóm

Lao xao hoa bưởi trắng trên cành

(Kim Tuấn, Chiều ở Biên Hòa)

 

Không cứ phải cư ngụ nơi đó anh mới viết về nơi đó, chỉ đi qua thôi cũng đủ để Kim Tuấn viết rồi:

Chiều qua rừng cao su / Gió lạnh và sương mù

Bụi đường xa áo đỏ / Gió quanh đèo vi vu

Chiều qua rừng cao su / Lá vàng bay trong nắng

Hoa vàng ven lối đi / Chân đồi con suối vắng

(Kim Tuấn, Tạ Tình Phương Nam, 31)

 

Kim Tuấn buồn đến đâu, thiên nhiên buồn đến đó, bài thơ “Kỷ Niệm” của anh đã từng bước len lỏi vào lòng người, qua nhạc phổ của Y Vân:

Từng bước từng bước thầm / hoa vông rừng tuyết trắng

Rặng thông già lặng câm / “Em yêu gì xa vắng?”

 

[Câu hỏi trong hai dấu ngoặc là do nhạc sĩ Y Vân thêm vào, chính ra đó là câu “Hai đứa nhiều hối tiếc,” ở đây câu của Y Vân đắc địa hơn, song hồn của bài thơ và hồn của nhà thơ, cùng hồn của thiên nhiên, đã bốc lên thân mật và đằm thắm biết nhường nào, và đó chính là tâm cảm và nhạc điệu của thi sĩ.]

Có một độc giả đã đặt ra cho Kim Tuấn vấn đề này, và anh đã trả lời thật xác đáng.

Hỏi: Thơ nếu muốn dễ đi vào lòng người, có lẽ nhờ vào âm nhạc, bằng chứng là hai bài hát phổ thơ của chú là “Anh Cho Em Mùa Xuân” và Những Bước Chân Âm Thầm.” Vậy chú nghĩ sao?” Kim Tuấn đã trả lời: “Quan niệm nhờ âm nhạc để đi vào lòng người, e không đúng. Bằng chứng là trước khi nhạc sĩ phổ thành ca khúc, thơ đã đi vào lòng người nhạc sĩ.” (Theo tạp chí Áo Trắng của SV Đại Học Y Khoa Huế, tr. 50)

Trong các thành phố từng in dấu chân, có lẽ Pleiku là nơi nhà thơ Kim Tuấn đã nặng lòng nhiều nhất. Anh đã dạy học nơi đó, là thông dịch viên Anh ngữ cho Quân Đoàn II ở đó, và đã tổ chức Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku thành công rực rỡ với mỗi đêm có khoảng 2000 người tham dự tại hội trường Trung Học Tuyên Đức và song song với Phòng Triển Lãm Tranh thường trực của ba họa sĩ Đinh Cường, Hạ Quốc Huy và Nguyễn Thanh Hiền. Tạp chí Văn tường thuật: “Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku được khai mạc ngày 23 và bế mạc ngày 26 tháng 7, 1973 vừa qua đã gặt hái được những thành quả rực rỡ. Ngoài giới chức văn hóa địa phương còn có sự tham dự của một số nhà văn, nhạc sĩ, học giả tiếng tăm tại thủ đô như Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ, Nhạc sĩ Phạm Duy, Lê Uyên và Phương, các nhà văn Mai Thảo, Duyên Anh, Du Tử Lê, Ngô Xuân Hậu, Hạ Quốc Huy, Đinh Cường... Nhà thơ Kim Tuấn (có công tổ chức - cùng với Sở Học Chánh Pleiku) đã xuất thần khi diễn đọc bài thơ ‘Roma, Italia’ của thi sĩ Cao Tiêu và được toàn thể vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.”

Cảm thức Kim Tuấn còn bộc lộ rộn ràng và thắm thiết với thành phố anh yêu qua những đoạn thơ sau đây:

Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù

Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng

Anh còn phút nào để nói yêu em.

 

Buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời

Chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi

Những đứa bạn về từ mặt trận xa

Những đứa bạn đi áo đường bụi đỏ

Những ngày mưa nghe bỗng lìa nhà

Những ngày mưa âm thầm nhỏ giọt

Những ngày mưa âm thầm đã qua.

 

Buổi chiều ở Pleiku có bữa cơm ăn vội

Có tập hợp 7 giờ

Có cấm trại, cấm quân hàng tháng...

Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền...

Buổi chiều ở Pleiku có gì đâu hở em? [...]

 (Viên Linh, viết để nhớ bạn cũ, mất tháng 9, năm 2003. Cảm ơn họa sĩ Đinh Cường cho thêm tài liệu.)

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn