BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77473)
(Xem: 63332)
(Xem: 40779)
(Xem: 32402)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bách Việt, trăm dòng

27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 1233)
Bách Việt, trăm dòng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
11
Sinh ở đâu mà giạt bốn phương

Trăm con cười nói tiếng trăm dòng

Ngày mai nếu trở về quê cũ

Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.

(Thủy Mộ Quan)

 Bách Việt là tên “gọi chung các nước ở phía Nam nước Tàu ngày xưa, ở miền Chiết Giang và Mân Việt.” (1. Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt) Một số những định nghĩa khác, nói Bách Việt là những nước ở phía Nam sông Dương Tử; “theo ức đoán, có lẽ người Việt Nam là một giống của Bách Việt.” (2. Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Tự Điển)



Bách là một trăm, mà ngày xưa, cũng là một số nhiều, nhiều lắm, không cần đích xác là một trăm, hay chín chục, đó “là con số trong huyền thoại của nhiều dân tộc.” (3. Hoàng Văn Chí, Duy Văn Sử Quan) Con số 100 trong Huyền sử Văn Lang, Âu Lạc, lại thêm một lần nữa, được dùng để chỉ dân Việt, qua câu chuyện bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con trai, 50 người theo mẹ lên Núi, vì là giống Tiên; 50 người theo cha xuống Biển, vì là giống Rồng. Lịch sử ta phân ly ngay tự buổi đầu, tuy chỉ phân đôi chứ không phân ba, nhưng chỉ mới phân đôi thôi cũng đã đánh nhau, giết nhau từ thuở sơ khai cho đến tận bây giờ.

Cuộc phân ly nào cũng bi thảm. Đã phân ly từ dòng giống, còn phân ly từ gia đình, hôn nhân. Như chuyện vua Hùng gả công chúa cho Sơn Tinh, khiến Thủy Tinh hàng năm nhớ chuyện mất vợ hụt, dâng nước lên núi đánh tình địch, làm cua cá rồng rắn lên theo, chết vô số kể. Sơn Tinh đánh xuống, hẳn là bằng hỏa công các thứ, cũng làm hươu nai cọp báo chết đuối rất nhiều. Đọc lại sử sách Việt, thấy cuộc chiến tương tàn xảy ra hết đời này tới đời khác. Cuộc tương tàn hiện tại vẫn còn xảy ra, 37 năm sau ngày đất nước gọi là thống nhất. Đây chỉ là cuộc “thống nhất hận thù, thống nhất đau thương,” nói theo một nhà thơ. (3. Nguyễn Chí Thiện, Tiếng vọng từ đáy vực) Nhà cầm quyền thắng trận trị vì ở trong nước vẫn gọi những người thua trận, ở trong nước hay đã ra hải ngoại, là “các thế lực thù địch.” Thời thế một nước từ khi có sử, đã được kể lại trong sử sách, thơ văn. Tư tưởng và lý thuyết thơ văn mỗi thời đã cho ta thấy quá khứ phân ly tàn hại như thế nào. Ở Tầu có Đông Châu Liệt Quốc, Thủy Hử, ở ta có Hận Sông Gianh, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Bến Hải, các hồi ký trại tù tập trung cải tạo Trại Ba Sao, và sau 30 tháng tư 1975 tác giả bài này có Thủy Mộ Quan, toàn tập thơ nói về những cái chết trên đường vượt biên, những nấm mồ dưới đáy Biển Đông. (4.Viên Linh, Thủy Mộ Quan)

Tập thơ xuất bản năm 1982, lúc ấy có hàng chục ngàn người Việt Nam đang sống trong các trại tị nạn cộng sản ở Đông Nam Á. Cuộc trốn chạy cộng sản Việt Nam xảy ra như thế nào, báo chí thế giới có ghi lại, loan tin hay làm phóng sự. Dư luận và Quốc Hội Mỹ đem ra bản thảo, danh từ “thuyền nhân” chính thức được dùng trong các văn kiện của nước Mỹ.

Nhà thơ Nguyên Sa viết: “Thủy Mộ Quan với 171 đoạn thơ, mỗi đoạn bốn câu, mỗi câu bảy chữ, nhị thập bát tú [...] Bạn tìm thấy không trong đáy sâu thẳm của Thủy Mộ Quan tâm sự của người binh bại, thật nhiều hồi tưởng, đầy ắp những thuyền nhân u uất trong lòng biển [...] Còn nhiều thứ khác nữa, lịch sử nước ta, sự ngăn cách vạn lý người phương Bắc và người phương Nam, suy tưởng về văn chương ta mấy chục năm.

Đoạn 76 Viên Linh viết:

 Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông

Xương bày như thú cháy rừng hoang

Nhưng rừng không cháy nào đâu thú:

Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan.

(trang 38)

 Có kẻ bên trời thức trắng canh

Hồn xưa binh bại quẩn chân thành

Lắng nghe tiếng kẻng đồn quân cũ

Hối hả ra đường rảo bước nhanh.

(đoạn 2, trang 13)

 Ôi tôi muốn mặc vội quần áo, chạy ra cho kịp, hô to có mặt. Tôi muốn khóc.

(Nguyên Sa, Đọc thơ Viên Linh, tạp chí Đời - Đăng lại trên Người Việt số 238, 1983)

Trong mục Điểm Sách của tuần báo Tin Việt ngày 8 tháng 8, 1983, nhà phê bình Lê Huy Oanh viết: “Nhưng từ Tháng Tư Đen 1975 Viên Linh đã nhận thấy chuyện riêng của đời mình nhỏ hẳn lại trước một biến cố khủng khiếp nhất của đất nước, [...]Cảnh huống bi đát đó đã tạo ra một phong trào vượt biển vĩ đại nhất trong lịch sử của nhân loại, vừa hào hùng vừa bi thảm, kéo dài suốt mấy năm nay và hiện vẫn đang tiếp diễn. Biển Đông gần như là ngả đường duy nhất giúp hàng triệu người thoát khỏi địa ngục của cộng sản, nhưng vốn có sự tàn nhẫn vô tình cố hữu của nó, Biển Đông đã là mồ chôn của rất nhiều thuyền nhân xấu số. Hai phần đầu của tập thơ Thủy Mộ Quan đã phát biểu nỗi đau chung của đất nước. Ta thấy tác giả bị ám ảnh ghê gớm bởi cái chết tập thể: cái chết của chế độ tự do tại miền Nam, cái chết của biết bao chiến sĩ tự do trong các nhà tù cộng sản, cái chết của trăm ngàn thuyền nhân trên đường vượt biển. Do đấy tập thơ có đầy đủ hình ảnh của Sự Chết, đã khiến cho kho tàng thi ca Việt Nam có thêm một loại thơ chứa đựng những hình ảnh mới lạ chưa hề có trước 1975. Hãy thử đọc vài bài:



Đời sau vét biển Thái Bình Dương

Thợ lặn tìm ra vạn cốt xương

(Hậu thế áng chừng ta động đất

Nền văn minh cổ cũng điêu tàn.)

(Đoạn 18, Đời sau vét biển, trang 18)

 Thuyền trôi hơn tháng giữa trùng khơi

Gạo hết từ lâu nước cạn rồi

Em nhỏ trắng thơm mùi thịt ngọt

Ngày thuyền tới bến mất em tôi.

(Đoạn 87, Thuyền trôi, trang 41)

 Mười một cùng đi hề sót bốn

Năm người chết đói hề hai chìm

Nhìn xem tên mập hề vô dụng

Trừ bắp đùi y hề thịt mềm.

(Đoạn 88, Mười một cùng đi, trang 42)

 Nhưng mong ước của Trăm Dòng cuối cùng là sự trở về của một dòng: Dù con cái của các thuyền nhân sinh ở nước nào cười nói tiếng nước ấy, nhưng tác giả nhìn thấy cuối cùng khi đau đớn vì vận nước, rồi ra họ chỉ khóc bằng một thứ tiếng: tiếng Mẹ đẻ.

Westminster, 25 Tháng Tư năm thứ 37, 2012


Viên Linh

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn