BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73922)
(Xem: 62311)
(Xem: 39508)
(Xem: 31229)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện ở xứ Thiên đường

26 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1183)
Chuyện ở xứ Thiên đường
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Trưa hôm nọ, cùng với mấy vị trong công ty, ngồi ở Country Club tiếp mấy ông bạn ở Quảng Ninh lên. Chủ khách gặp nhau hàn huyên bên chén rượu mạnh, rất bốc. Trong số đó có Bình đen, công dân vùng than Cẩm Phả thân yêu, khét tiếng một thời.

Khi rượu đã ngà ngà, hắn nâng ly chào cả mâm rồi giới thiệu: Em quê ở Cẩm Giàng, lớn lên thất học, làm nghề bán bánh chưng đất ở ga, kiếm bữa cơm bữa cháo qua ngày. Rồi dạt ra đất mỏ anh hùng, nhờ cơ chế của Thiên đường mà nên cơ nghiệp.

Chuyện “ôn cố tri tân” vì thế mà rất cởi mở. Thằng Tuấn Thanh hóa quê hương của xứ “Đào rau má, phá đường tàu” nhắc lại kỷ niệm xưa khi một số làng ở quê hắn, nhằm giải quyết “vấn đề xã hội”, Ủy ban xã cấp giấy chứng nhận đi ăn xin cho một số nhân dân với mục đích phòng ngừa công an kiểm tra, xua đuổi ở Hà Nội.

Chuyện này giờ nói lại, giới trẻ không mấy ai tin. Nhưng với lớp chúng tôi thì thấm thía vô cùng.

Năm 197 mấy, khi còn học ở Đại học Hàng Hải, có lần đáp tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng. Theo lịch, tàu khởi hành vào lúc 11h am, nhưng mãi tới 1h chiều tàu mới rời Thủ đô yêu dấu. Khoảng 2h pm thì tàu vẫn ở ga Gia Lâm, cách HN 10km, thế rồi khoảng 16 h tàu cũng tới Cẩm Giàng, địa danh này cách HN 40 cây. Do chờ tàu từ sáng, lại chưa có cái gì vào bụng nên đến đây bị cái đói hành hạ chịu không nổi, tôi đành vét nốt mấy đồng tiền lẻ, quyết định mua hẳn một quả bánh chưng dằn bụng.

Mấy bà già phát giá hai hào, vét hết các túi, không đủ tiền đành từ chối. Rồi khi tàu chuẩn bị lăn bánh, một thiếu niên ra vẻ “cháu ngoan” của cụ chạy theo: “một hào, bán nốt cho chú đây”. Khấp khởi mừng thầm vì mua được món rẻ tôi ung dung mở lớp lạt, bóc từng lớp vỏ bên ngoài rồi không thể tin vào mắt mình: Bánh chưng đất!

Đắng cay là vậy nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, mình đang sống ở Thiên đường gì đó, nơi mà người lao động làm chủ tập thể và không có chế độ người bóc lột người, còn thế giới bên ngoài toàn là bọn “tư bẩn” chạy theo đồng tiền, chiếm đoạt giá trị thặng dư của công nhân làm thuê sáng tạo ra.

Cách đây ít lâu, trên một tờ báo mạng có đăng lại bài “Sự bất lực giáng cú đấm vào kinh tế” của tờ “Granma” cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Bài báo đã rung chuông báo động về hiện tượng ăn cắp đường ray, tà vẹt, bu lông, tài sản Thiên đường. Phong trào này đã dẫn đến thảm họa trật đường ray hoặc hàng hóa nguy hiểm bị va đập, như tàu chở các bồn đựng dầu.

Tôi bảo thằng Tuấn: Mày xuất khẩu công nghệ “phá đường tàu” sang bên kia bao giờ thế? Hắn cười: cơ chế Thiên đường nó đẻ ra thế, cần gì phải xuất!

Cũng theo Granma newspaper, từ đầu năm đến nay Công tố viện đã khởi xướng ít nhất mười lăm vụ án chống lại ăn cắp có tổ chức đường ray, tà vẹt, bu lông, dây thép, các thanh sắt, và các tất cả những gì thuộc thiết bị đường sắt. Các cuộc trộm cắp ở quy mô lớn làm biến mất nhiều đoạn đường giao thông của xe lửa. Thiệt hại tới hàng ngàn tấn thép.

Trộm cắp tài sản nhà nước Thiên đường đang trở thành phong trào là cách làm khá phổ biến từ lâu. Gọi là xứ Thiên đường nhưng cuộc sống ngày càng đi xa khái niệm đó. Sự khan hiếm hàng hóa kéo dài và ngày càng trầm trọng là thứ không thể biện minh được.

Không chỉ “Phá đường tàu” nhưng truyền thống của xứ Thanh thời Thiên đường mà ở Cuba, người dân còn trộm cắp cả biển chỉ đường, là thứ mà người dân có thể dùng để vá, lợp mái nhà.

Một thanh tà vẹt bê tông theo giá của nhà nước khoảng 25 USD, tương đương với mức lương hàng tháng của công chức. Nếu mang bán ra chợ đen sẽ được 60 USD. Một tấn đường ray, đủ để xây dựng một đoạn đường tàu dài 12,5m giá 1.200 USD, giá chợ đen khoảng hơn gấp đôi thế. Người Cuba còn lấy nó dùng vào việc xây dựng chuồng trại vật nuôi, hàng rào và thậm chí cả nhà cửa.

Một anh bạn tôi vừa có cơ hội thăm xứ Thiên đường Bắc Hàn cũng có những câu chuyện tương tự. Tình cờ, bước vào một cửa hàng bách hóa nào đó, nhưng chỉ bày lèo tèo mấy mớ rau, một ít quần áo may sẵn nói là “hàng mẫu không bán”. Nghe anh nói thấy khó tin, nhưng khi về Cửa Lò, có lần gặp mấy tay thủy thủ của xứ Thiên đường lên bờ, họ sà vào các cửa hiệu và mua không thiếu một thứ gì. Từ xà phòng, kem đánh răng, quần áo cũ, dày dép, mỗi ông mang một bao tải nặng lặc lè vác xuống tàu.

Khan hiếm, thiếu thốn là vậy, nhưng với những công dân xứ Bắc Hàn Thiên đường thì Lãnh tụ Kim của họ vẫn là “Vầng thái dương của thế kỷ XXI”, đáng kính vô cùng.

Bình đen bảo: ông thấy chưa? Chúng ta vẫn sướng chán, được như vậy là nhờ ơn Tiệc, không có đổi mới thì chúng ta vẫn như xứ Thiên đường ở bên kia bán cầu, đúng không! Thằng Tuấn “phá đường tàu” bảo: Em gái tớ lấy chồng, bị chồng nó đánh gẫy 2 chiếc răng, nó bảo, vẫn còn sướng chán vì con bạn nó bị đánh gẫy nhưng 4 chiếc!

Dẫu sao thì chúng ta vẫn hướng đến Thiên đường!

Phan Thế Hải

26-07-2010

Theo blog Phan Thế Hải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn