Trong một bản tin của Đài RFA vào đầu tháng Một 2024 cho biết người Việt đang có mặt ở Canada và nhiều quốc gia Trung Mỹ để tìm cách vượt biên giới, nhập cư lậu vào Mỹ. Trong một đoạn video ngắn của một trong những người tham gia đi lậu, xuyên qua hàng rào biên giới để đến với giấc mơ Mỹ post trên facebook, có vài người thoáng qua trước ống kính, cho thấy passport đeo trước ngực là của Việt Nam. Như vậy là sau 50 năm được gọi là thống nhất đất nước, người Việt đã tạo ra nhiều con đường để đi khỏi đất nước, tìm đến một vùng đất mới trong nhiều thân phận như du lịch, lao động, du học…. và nay thì có cả vượt biên bằng đường bộ vào Mỹ, qua biên giới Mexico, Nicaragua, Canada…
Ai đã tạo ra các tuyến đường này, và đã trở thành những hướng dẫn viên “đen” để vạch ra lộ trình đầy mới mẻ này cho số đông người Việt? Một phóng sự mới đây của CNN cho biết, dẫn đầu của ngành công nghiệp bí mật đưa người sang Mỹ, là Trung Quốc, và nhiều người Việt Nam (chủ yếu là phía Bắc) đã tìm và gõ cánh cửa này.
Khác với miền Nam, vốn là nơi cứ vài gia đình là có một người ở nước ngoài, và cũng là nơi có kết nối chặt với nguồn tiền kiều hối giàu có hàng năm, người Việt miền Bắc tìm một con đường đến các nước tư bản phát triển it nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là họ phải bỏ ra những số tiền cho những đường dây buôn người và kết quả rất khó đoán. Mục đích của những người Việt ở miền Bắc là để thay đổi cuộc sống, tương lai, chủ yếu với việc làm ra tiền.
Trong các số liệu nhập cư lậu bằng đường bộ vào Mỹ, CNN ghi nhận đứng đầu là người Trung Quốc. Các biến động ở Trung Quốc là do người Trung Quốc vay mượn, đánh liều những số tiền dành dụm cả đời, cho một chuyến đi quyết không quay về. Điều khó nghĩ, là những người di dân bất hợp pháp (phần lớn là tuổi trẻ) đang chạy trốn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một siêu cường mới nổi. Người Việt Nam xuất hiện trong những đoàn quân đó, cũng từ một quốc gia luôn quảng bá về mình là một quốc gia thăng tiến và đầy hứa hẹn sẽ nằm trong top các cường quốc kinh tế.
Những hình ảnh ghi nhận, cho thấy những nhóm người chia nhau tiến vào các chặng đã hẹn trước, nằm bên kia bờ rào biên giới nước Mỹ. Họ mang theo ba lô, mang theo một ít quần áo dự phòng một ít tiền và điện thoại không quá đắt tiền, để không bị bọn tội phạm hoặc băng đảng cướp trên đường đi đến biên giới. Hầu hết đều kiệt sức vì căng thẳng của hành trình về phía bắc.
Giống như hàng trăm ngàn người xung quanh cũng phải đi bộ hàng tuần để đến được Hoa Kỳ, họ bị thúc đẩy bởi nỗi tuyệt vọng phải trốn thoát và tạo dựng một cuộc sống mới, bất chấp những gì không chắc chắn ở phía bên kia. Hoa Kỳ nhưng một chiếc chén đựng những ước mơ mà họ đã đọc, đã nói với nhau. Vì vậy, phải làm mọi thứ để vào được nước Mỹ rồi thì mới định được phần tiếp theo.
Một người Việt giấu tên, nói anh có người thân đã đi vào Mỹ bằng cách này. Người nhà anh may mắn có hẹn trước với một người đưa đón với giá $1200, ngay khi đặt chân đến biên giới gần San Diego, thì được nhận diện và chở đi ngay. Nhưng không phải nhóm người Trung Quốc nào cũng may mắn tìm được đường dây đưa đón nhanh như vậy. Đi theo chân một nhóm di dân lậu, phóng viên Yong Xiong cho biết khi vào được đất Mỹ, nhiều nhóm dựng lều, mặc áo hoodie và thêm áo khoác; họ tụ tập quanh đống lửa và chỉ chờ cho đến khi các nhân viên kiểm soát biên giới Hoa Kỳ đi tuần và phát hiện, đưa họ đi xử lý. Với họ, đó là thành công bước đầu, vì họ tin như vậy sẽ là khởi đầu cho cuộc sống của họ ở Mỹ, nhờ vào các chính sách nhân đạo của chính phủ.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2023, hơn 31.000 công dân Trung Quốc đã bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ khi vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ từ Mexico – so với mức trung bình khoảng 1.500 người mỗi năm trong thập kỷ trước. Ngoài người Trung Quốc, người ta còn thấy khoảng 400 người Miến Điện, Ấn Độ, Việt Nam… vào danh sách hồi giữa tháng Năm 2023.
Câu hỏi đặt ra, là vì sao Trung Quốc lại dẫn đầu trong các đường dây buôn người đi lậu vào Mỹ? Ba năm phong tỏa và hạn chế vì Covid-19 đã khiến người dân khắp Trung Quốc mất việc làm – và vỡ mộng trước sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của Đảng Cộng sản cầm quyền đối với mọi khía cạnh của cuộc sống dưới thời Tập Cận Bình. Giờ đây, hy vọng rằng hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi hoàn toàn sau khi các hạn chế kết thúc một năm trước đã tan biến, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ghen tị của Trung Quốc đang chững lại.
Một phần khác trong số những người ra đi, là sự nhận thấy những hạn chế đối với đời sống cá nhân ở Trung Quốc, nơi Tập Cận Bình đã giám sát một cuộc đàn áp sâu rộng về tự do ngôn luận, xã hội dân sự và tôn giáo ở đất nước 1,4 tỷ dân này. “Chúng tôi là những người theo đạo Cơ đốc”, một người đàn ông trung niên ăn mặc chỉnh tề trả lời đơn giản khi được hỏi điều gì đã dẫn anh đến đó – một khu trại trống trải cách nhà hàng ngàn dặm.
Những lời tâm tình này làm chúng ta nhớ đến hàng ngàn người Việt đang tị nạn vất vưởng ở Thái Lan, trong đó có hơn 1000 người các sắc tộc thiểu số khai trong hồ sơ đệ nạp Cao Uỷ nhân quyền, là họ muốn được sống yên ổn với niềm tin tôn giáo của mình. Khoảng 10% những người Việt tỵ nạn ở Thái, là về vấn đề chính trị. Lý do của việc những người Việt ở đây không thể tham gia vào làn sóng di dân lậu đường bộ vào Mỹ, bởi yếu tố đầu tiên là họ không được cấp đủ giấy tờ ở quê nhà, và không đủ tiền cho một hành trình dài như vậy. Hơn nữa, các chuyến đi của họ đều bí mật và cấp bách.
CNN đã phát hiện ra thông tin về một loạt các lựa chọn và gói du lịch được tiếp thị cho những người đến từ Trung Quốc muốn thực hiện chuyến hành trình đến biên giới Mỹ. Với giá từ $9.000 đến $12.000, khách có thể trả tiền cho những kẻ buôn lậu để sắp xếp phương tiện di chuyển cho các phần của hành trình về phía bắc, cũng như một chiếc thuyền và hướng dẫn viên để băng qua rừng nhiệt đới tùy chọn, bao gồm tất cả.
Đối với những người có khả năng chi tiêu nhiều hơn, ít nhất là 20.000 USD, lộ trình sẽ trở nên dễ dàng hơn: ví dụ: trợ giúp xin thị thực nhập cảnh nhiều lần vào Nhật Bản, cho phép nhập cảnh miễn thị thực vào Mexico và vận chuyển đến biên giới.
Hầu hết những người vào Mỹ đều làm giấy xin tị nạn chính trị và tôn giáo, nhưng xác suất thành công đang trở nên ngày càng thấp, vì số người nộp đơn mỗi lúc một nhiều. Nhưng đơn tị nạn vì tự do, là một chuyện thực tế – nhiều nhất được nhìn thấy. Một phụ nữ tên Chen nói với Reuters rằng họ ra đi vì chồng cô bị chính quyền Trung Quốc giam giữ và đánh đập vì anh ta lên tiếng về chính trị và đi nhà thờ.
Năm 2023, Việt Nam cũng chứng kiến nhiều luật sư và trí thức trẻ chạy ra khỏi nước, tị nạn để tìm sự an toàn chính trị cá nhân. Nói sau khi ra đi, một luật sư nói ông không cảm thấy yên ổn hành nghề trong nước, và bản thân mình có thể bị bắt bất cứ giờ nào.
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
(tổng hợp từ CNN, Reuters,…và các số liệu của chính phủ Mỹ)