BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73942)
(Xem: 62318)
(Xem: 39510)
(Xem: 31236)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một cái tết không thể quên

01 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1412)
Một cái tết không thể quên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trên cõi đời này, mấy chuyện hên xui may rủi thường quanh quẩn và lảng vảng quanh ta như hình với bóng. Có được một niềm vui, chớ vội cho đó là điều may; gặp phải chuyện buồn, đừng bi quan cho đó là chuyện rủi. Hên xui hay may rủi, có khác nhau chăng chỉ là do thái độ của tha nhân khi tiếp nhận nó. Trong dịp "năm hết Tết đến", tôi xin gửi đến quý bạn đọc một vài kỷ niệm vui buồn để cùng quý vị chung vui trong mấy ngày Xuân.

 Dù đã hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng mấy chuyện buồn vui mà anh em cựu tù nhân chúng tôi đã gặp trong cái Tết đầu tiên tại nơi mệnh danh là "Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa" quả thật không thể xóa nhòa được trong tâm trí. Chúng tôi còn nhớ rõ, Tết Đinh Tỵ năm 1977, một số tù nhân chính trị chúng tôi đang bị nhốt tập trung trong một "trại học tập cải tạo" dưới chân đèo Lủng Lô (đèo nối liền hai tỉnh Sơn La và Hoàng Liên Sơn). Trong những ngày cận Tết, bọn Cộng Sản rầm rộ lo chuẩn bị cho ngày Tết; chúng tuyên truyền và quảng cáo rằng "Đảng và Nhà Nước, kế thừa truyền thống lịch sử, sẽ áp dụng chính sách Đại Nhân Đại Nghĩa của Dân Tộc đối với tù nhân, là những kẻ lầm đường lạc lối. Mặc dầu đất nước đang khó khăn, nhưng Đảng và Nhà Nước vẫn tích cực tổ chức cho tù được hưởng một cái Tết lớn đầu tiên tại Miền Bắc. Vì lý do đó, vô số trâu bò lợn sẽ được thu mua đem về trại để tổ chức Tết." Song hành với việc quảng cáo là tù nhân sẽ đuợc ăn Tết lớn, bọn cán bộ cộng sản đã tung ra hết đợt "thi đua học tập" này đến đợt "thi đua lao động" khác, nói là để lập thành tích dâng Đảng và Nhà Nước trong dịp cuối năm. Đối với nhân dân Miền Bắc, họ đã quá rành khi nghe đến mấy chữ "thi đua", đặc biệt là "thi đua lao động". Đây chỉ là những dịp để chính quyền các cấp tạo cơ hội bóc lột sức lao động của nhân dân. Riêng đối với tù nhân trong các trại, đây là dịp bọn cai tù ra lệnh cho tù phải cật lực sản xuất, làm ra nhiều "của cải vật chất" để bọn chúng trục lợi. Bọn cai tù đã bịp bợm với địa phương rằng, chúng cần thêm tiền để cho tù ăn Tết lớn nên bọn chúng liên lạc vận động với những công trường và nông trường trồng trà quanh vùng để có được những "khế ước" cung cấp cũi đun. Để đạt được mục tiêu, bọn cai tù ra lệnh cho toàn thể trại "thi đua đốn cũi", chỉ tiêu của mỗi người là hai thước khối cũi mỗi ngày. Một chỉ tiêu quá cao! vì chưa bao giờ có tù nhân nào đốn được một thước khối cũi trong một ngày. Đây là một việc lao động quá nặng nề, cực nhọc và nguy hiểm, vì trời mưa, đường núi trơn trợt và rừng đầy rắn, rết, vắt, mòng.... Song nhờ vào tinh thần chịu đựng, nhờ vào sự tương trợ giữa các tù nhân với nhau và với ý chí phải sinh tồn bằng mọi giá, hơn nữa, nhờ một số anh em tù nhân có óc tháo vát nên đã tìm ra được những "kho cũi" nhỏ đủ để cho toàn trại đạt được chỉ tiêu.

Nhờ đạt được "thành tích", nên trong đợt tổng kết thi đua, một số anh em chúng tôi đã được các bạn đồng tù "chiếu cố" và bình bầu cho là "cá nhân xuất sắc". Tuy đã biết đây là một trò bịp để bóc lột sức lao động, nhưng dù sao cũng có một phần vui, vì ngoài klhẩu phần Tết (chẳng ra gì so với lời tuyên truyền của bọn cai tù), mỗi cá nhân xuất sắc được tặng thêm một lạng thuốc lào và một ít "Bánh Bích Quy Cộng Sản". Trong cảnh tù đày, có thêm được một tý "của cải vật chất" (chữ của cộng sản) và quan trọng nhất là được lời an ủi của những người đồng cảnh ngộ, quả thật đó là một niềm vui. Nhưng than ôi! vui hay là may mắn chưa được bao lâu, thì cái họa đã đến một cách trầm trọng và quá nặng nề!

Số là trong buổi đúc kết đợt thi đua, chúng tôi, những cá nhân xuất sắc, lại được anh em đề cử làm đại diện để đạo đạt nguyện vọng lên ban chỉ huy trại. Anh em cho rằng với đầu óc "tháo vát", "dám ăn dám nói" chúng tôi có đủ khả năng đối đáp với đám cán bộ công sản của trại. Khi cán bộ Cộng Sản hỏi "Các anh có muốn dùng tiền của gia đình và thân nhân gửi cho các anh trước khi chuyển ra Bắc để mua một ít kẹo bánh liên hoan trong dịp Tết không ? Ai có tiền đăng ký và muốn mua, trại sẽ mua giùm." Với tâm trạng của những người tù bị đói ăn triền miên, chúng tôi nghĩ "thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt canh thâu", thà được một buổi no nê còn hơn chịu cảnh đói "gối đầu", nên mọi người đồng ý đề nghị dùng tất cả số tiền anh em đang có để mua khoai mì (sắn) đem vè chia cho tất cả anh em mỗi người 5 kí (chia đều cho những người có tiền cũng như những người không có tiền). Được mọi người đồng ý, chúng tôi không đắn đo suy nghĩ, trả lời ngay cho cán bộ khi được hỏi. Chúng tôi nói "Bánh kẹo và xa xỉ khác xin bỏ qua, chúng tôi đề nghị dùng tất cả số tiền gia đình gởi cho để mua khoai mì (sắn) và chia đều cho mỗi người 5 kí". Khi lời nói của chúng tôi vừa chấm dứt thì tên trại trưởng quắt mắt nhìn chúng tôi như muốn ăn tươi nuốt sống. Tay trái của y đập mạnh xuống bàn và tay phải vung lên trời; trong khi đó thì mồm của y hét lên "Phản động! Phản động! Quả thật mấy anh là những tên phản động! Giải tán và về lán gấp!" Mấy tên đại diện chúng tôi chưa hiểu rõ "mô tê răng rứa" chi hết thì bọn lính bảo vệ đã cho đạn lên nòng súng, ra lệnh giải tán và lùa chúng tôi lập tức phải về lại lán. Lúc đó vào khoảng 7 giờ tối.

Mười một giờ đêm, trong lúc bọn tù chúng tôi đang còn thao thức, chưa ngủ được vì biến cố xảy ra lúc ban chiều, thì tiếng kẻng của trại đã nổi lên, đồng thời bọn lính coi tù chia nhau chạy xuống các lán hối thúc tù nhân mau chóng tập trung lên hội trường để sinh hoạt. Vừa mưa lạnh, vừa lo âu, không ai hiểu vì lý do gì lại có cuộc tập họp bất thường. Lên đến nơi, chúng tôi mới biết được là cán bộ cấp trên, tức là Liên trại trưởng (người kiểm soát nhiều trại) muốn nói chuyện với tù nhân về cuộc sinh hoạt của trại lúc ban chiều.

Khác với thái độ giận dữ, hung tợn của tên trại trưởng lúc ban chiều, Liên trại trưởng tỏ ra ôn hòa và cởi mở hơn. Tuy nhiên nghe kỹ mới thấy rõ, mỗi một lời của y là một bản án rất nặng đối với việc các đại diện tù nhân đề nghị mua sắn lúc ban chiều. Y nói, "các anh là những người có học, sành tâm lý chiến, chắc mấy anh rõ, tổ tiên, ông bà ta coi cái Tết là thời gian thiêng liêng, dù túng thiếu và đói kém đến đâu đi nữa, cũng cố dành dụm để cho con cháu có một cái Tết đầy đủ. Cách mạng Việt Nam (Cộng Sản Việt Nam), thừa kế truyền thống đại nhân, đại nghĩa của dân tộc, khoan hồng độ lượng, không những tha tội chết cho các anh, mà còn tốn công tốn của, tạo điều kiện thuận lợi và đưa các anh ra Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa để học tập, học cái hay cái đẹp của cách mạng. Các anh đã không cám ơn cách mạng mà còn ngạo nghễ, khinh bỉ, coi rẻ cách mạng, nghe theo lời tuyên truyền của bọn đế quốc, rêu rao là Cộng Sản Việt Nam quá nghèo, nuôi tù không nổi, nên các anh lợi dụng ngày Tết, một dịp thiêng liêng, để giở mòi phản động, đưa ra đề nghị mua sắn để ăn no trong ba bữa Tết. Quả thật các anh là một bọn cực kỳ phản động, và phản động có hệ thống (?). Tôi cảnh cáo các anh! Cách mạng dù khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng tốn kém tiền bạc và thời gian, quyết tâm dạy dỗ, uốn nắn các anh chóng trở thành những người tiến bộ. Chúng tôi biết tuyệt đại đa số các anh đều muốn tiến bộ, chỉ có một thiểu số, một ít phần tử phản động trong đám người mà các anh cử làm đại diện, còn muốn ngông cuồng chống phá. Cách mạng sẽ có biện pháp trừng trị bọn này. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp trên, mấy tên đại diện có những hành động phỉ báng cách mạng sẽ bị kỷ luật, cùm một chân và cắt phần ăm mỗi ngày còn 200 gam (khẩu phần thường ngày: 400 gam chất bột và nước muối). Tuy nhiên, để tỏ lòng khoan hồng đại lượng của cách mạng, những tên có đầu óc phản động sẽ bị kỷ luật sau khi đã được liên hoan Tết". Đến đây, quả thật chúng tôi mới vỡ lẽ và biết rằng, vì quá đói, và muốn trung thực phản ảnh, nhưng bọn cai tù lại coi đó là thái độ châm chọc và khinh khi chúng, nên chúng mới có thái độ giận dữ như trên. Ai đã từng bị đói triền miên và lại bị đói trong cảnh giá lạnh mùa đông ở miền cao nguyên Việt Bắc mới cảm thông được nổi khổ của anh em tù chính trị chúng tôi. Ban ngày bụng đói meo mà phải lao động cật lực. Ban đêm vừa đói, vừa lạnh không thể nào ngủ được. Khi chợp mắt được đôi chút thì lại mơ thấy mình đang được đi dự những bữa tiệc linh đình với sơn hào hải vị. Giật mình thức giấc thì lại va chạm với cái thực tế đói lạnh. Viết đến đây tôi lại nhớ đến cái chết của Đại tá T.. Bọn Việt Cộng thấy Đại tá T. kiệt sức sắp chết nên mới đến hỏi "anh có nguyện vọng nhắn gởi gì không?" Đại tá T. chỉ nói được một câu "Cho tôi xin một kí sắn" rồi ông từ từ lịm đi. Đúng là chuyện "buồn năm phút", nhưng cũng có cái may là được ăn Tết cái đã, còn mọi chuyện khác thì "hạ hồi phân giải."

Đêm mồng ba Tết, trong lúc bọn tù chúng tôi đang còn mơ màng và chập chờn trong giấc ngủ, thì bổng giật mình kinh hãi vì nghe rất nhiều loạt đạn nổ dòn, kể cả tiếng nổ của mấy cây đại liên bố trí trên các sườn đồi chung quanh trại. Chen lẩn trong tiếng nổ là tiếng goòng báo động của trại và tiếng hô lớn của bọn tuần tiểu :Có tù trốn trại!... A! thằng B trốn trại, bắt lại, bắt lại!" Trong lúc chúng tôi đang kinh hoàng thì bọn lính bảo vệ, trang bị đầy người, xông vào lán để khống chế. Chúng la lớn :"Nằm yên tại chỗ! Đứa nào chống đối, giết ngay!" Chúng vừa khống chế vừa tới từng chỗ nằm của tù để điểm danh. Chúng muốn biết ngoài anh B còn có người nào đã trốn thoát không.

Trong lúc bọn bảo vệ đang điểm danh thì đèn đuốc trên Bộ Chỉ Huy được thắp sáng và loa phóng thanh oang oang báo động cho dân quanh khu vực biết là có tù trốn trại, phải đề cao cảnh giác, phát hiện và vây bắt. (Các làng xã đã được lệnh là phải vây bắt tù trốn trại, nếu xã nào có tù trốn trại đi ngang qua mà khônmg bắt được, sẽ phải bị cúp thực phẩm). Không khí trại trở nên "khẩn trương", náo nhiệt như một vị trí chiến thuật đang chuẩn bị đối phó với một đợt tấn công của địch. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, bọn cai tù đã điểm danh xong và xác nhận là chỉ có một mình anh B trốn trại và đã bị bắt lại. Bọn cai tù rút lui, đèn đuốc lại được tắt, bóng đen trở lại bao trùm trại với một sự yên lặng đến mức nghẹt thở. Chúng tôi ai nấy đều chập chờn khó ngủ, có nhiều người còn thì thầm nhỏ to, lo cho số phận của người anh em trốn trại, không biết bây giờ ra sao?

Sáng dậy, theo đúng quy định sau tiếng goòng, bọn tù chúng tôi lại được tập họp để điểm danh và được phân công đi lao động như thường lệ, xem như không có chuyện gì xảy ra. Riêng mấy tên đại diện mà tôi là người dẫn đầu, được lệnh lên trình diện trại. Biết trước số phận, chúng tôi ai nấy đều chuẩn bị chăn mền, bọc theo một ít thuốc và đồ vệ sinh cá nhân để đi thọ phạt. Điều đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên nhất, là khi đến ban chỉ huy trại, người chúng tôi gặp đầu tiên không phải là tên trại trưởng mà là Liên trại trưởng, con người đã tỏ ra hiền hòa nhưng nặng nề kết án anh em chúng tôi trong buổi kiểm thảo vào tối ngày 27 Tết vừa qua. Chúng tôi há hốc mồm và ngẩn người khi nghe y cật vấn "Mấy anh mang chăn mền đi đâu? Có lệnh trình diện trại, chớ có ai nói sẽ làm gì đâu mà các anh lại mang theo những thứ lẩm cẩm đó. Trả lời mau!" Một lần nữa, tuy đã cứng họng, nhưng đã lầm lỡ nhận cái chức đại diện rồi, nên phải thay mặt anh em đáp: "Báo cáo cán bộ cấp trên, hôm nay là ngày thọ phạt, nên chúng tôi chuẩn bị đó thôi" (Đại diện là mặt to, nên chỉ có những tên mặt to, mặt thớt mới ngu mà nhận những chức vụ này; nếu tái sinh, có cho ăn kẹo cũng không dám làm!) Nghe xong, y "à" lên một tiếng lớn rồi rồi lại phang cho một câu quá đau "Đúng là ngụy, các anh bết quá!" Rồi y tiếp "Dẹp mấy thứ lặt vặt đó đi, vào trong sinh hoạt!" Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi vào đến trong phòng, chúng tôi thấy anh B mặt mày nhem nhuốc, miệng dính đầy nhọ sắn nướng, đã ngồi sẵn đó (ăn sắn nướng, miệng chùi chưa sạch).

Thành thật mà nói, ở trại cải tạo đã là một chuyện khốn nạn rồi; trong trại mà phải tham dự những buổi học tập và sinh hoạt lại càng là môt chuyện đáng sợ hơn nữa. Vì lý do đó, khi nghe nói đến sinh hoạt là bọn tù chúng tôi đã cảm thấy rờn rợn. Song khi đã vào trong thì khác hẵn. Nói là vào sinh hoạt, nhưng thực ra là một buổi "chiêu đãi" của cán bộ cấp trên, vì vừa nghe Liên trại trưởng nói chuyện, vừa được "liên hoan" bánh kẹo mà bọn cán bộ ăn thừa lại sau ba ngày Tết.Trong lúc bọn cần vụ đang mang trà bánh, tên Liên trại trưởng cũng bắt đầu mở miệng. Thái độ của y rất lịch sự, nhưng với luận điệu của kẻ chiến thắng, và giọng lưỡi của kẻ cả. Y chậm rãi mạt sát bọn đại diện tù một cách rất triệt để. Y chẳng hề nhắc nhở đến chuyện trốn trại của anh B, cũng không đá động đến việc áp dụng kỷ luật đối với bọn đại diện tù trong dịp Tết. Mặt y có vẻ hiền hòa, nhưng lời lẽ của y thốt ra quả thật ác độc. Y nói "Tôi tưởng các anh là những sĩ quan cao cấp của Ngụy, tối thiểu các anh cũng phải có tư cách, trọng danh dự. Tôi không ngờ các anh xem miếng ăn quá trọng mà quên hẳn đến tính mạng. Nếu hôm qua các đồng chí của chúng tôi thẳng tay thì giờ này anh B đâu còn sống. Con trâu ăn cỏ mà nó lao động một cách tích cực; con người các anh ăn cơm mà lại quá làm biếng. So với nhân dân ở ngoài, các anh còn hơn họ nhiều. Mặc dầu cách mạng đang gặp khó khăn, nhưng đã nuôi mỗi anh 400 lạng mỗi ngày. Các anh còn đòi hỏi gì hơn nữa?" Nói xong, y ra lệnh cho giải tán; bảo chúng tôi, kể cả anh B trở về trại và cũng không quên dùng sáo ngữ "Chúc các anh học tập tốt, lao động tốt, sớm trở thành người tiến bộ để vể đoàn tụ với gia đình". (Phải đợi 11 năm sau, chúng tôi nhờ Mỹ và quốc tế can thiệp mới tiến bộ được và trở về đoàn tụ với một gia đình tan nát!)

Kiểm điểm lại tình hình, chúng tôi thấy anh B bị bắt vì tội trốn trại quả thật là một điều không may xảy ra cho chúng tôi, tuy nhiên nhờ được sự lanh trí và tài đóng bi hài kịch quá giỏi của anh, nên không những anh, mà tất cả chúng tôi đều thoát được nạn. Số là khi bọn tuần tra bắt được anh là lúc anh đang ngồi cạnh một bếp lửa dưới một hố sâu để nướng sắn. Mặc dầu khi chộp được anh, bọn lính đã dùng bá súng và gót giày liên tiếp đánh đạp anh, nhưng anh vẫn cố giữ cho được túi khoai mì và vẫn ngấu nghiến mấy củ sắn nướng. Ngay cả lúc bọn lính áp giải anh lên ban chỉ huy trại anh cũng cố giữ cho được túi sắn nướng. Liên trại trưởng ở gần đó, nghe bắt được tù trốn trại cũng ghé đến.

Bọn cáo già cai tù không dễ gì tin được là tù vượt ngục chỉ là đễ đi ăn cắp sắn; cho nên bọn chúng chỉ hỏi qua loa rồi cho lệnh tống giam vào nhà kỷ luật và cùm chân lại. Tuy nhiên B vẫn tiếp tục đóng kịch, anh cố khẩn khoảng với Liên trại trưởng cho anh thêm vài phút, rồi anh ngồi bệch ra trên cỏ, vừa tiếp tục ăn khoai mì, vừa xin thêm một ít muối và nước để giải quyết cho hết túi khoai mì trên tay. Liên trại trưởng nhìn anh ta ăn một cách ngon lành và ăn luôn cả vỏ sắn, xơ sắn và tim sắn. Liên trại trưởng thấy vậy liền ra lệnh để cho anh ta thong thả ăn, đồng thời đến gần B và hỏi "Anh không sợ bảo vệ của tôi bắn chết hay sao mà dám trốn ra khỏi trại để đi ăn cắp sắn?" B bình tỉnh trả lời "Cần no đã, việc khác tính sau." Chứng kiến đưọc cảnh tù sợ đói hơn cả sợ chết, kèm theo đó, sau khi điều tra tại chỗ, Liên trại trưởng biết được khẩu phần của tù bị bọn cai tù ăn chận và bớt đi rất nhiều; vì thế Liên trại trưởng đã ra lệnh ân xá. Tuy bị khinh khi, bị đánh giá thấp, nhưng toàn thể được thoát nạn và cũng từ đó lương thực của tù có khá hơn đôi chút, tuy rằng vẫn còn bị xới bớt. Riêng chúng tôi, những kẻ dự định trốn trại đều biết rõ, B không phải ra khỏi trại để đi ăn trộm sắn, nhưng thực ra là muốn lợi dụng ba ngày Tết, nghĩ rằng bọn lính sẽ lơ là việc tuần tra nên tìm cách lén ra khỏi trại để thăm dò địa thế, đồng thời đem giấu bớt một số muối và ít gạo mà chúng tôi đã đánh cắp được trong lúc đi xay lúa ở nhà máy xay, để chuẩn bị trốn trại. Quả thật việc của B bị bắt là một chuyện rủi ro, tuy nhiên nhờ đó mà chúng tôi thấy rõ sự đánh giá sai lầm và chủ quan của những anh em dự định trốn trại.

Ba ngày Tết, đúng bọn lính có vui chơi và say sưa thật đó, nhưng chúng tôi quên hẳn yếu tố bảo mật và an ninh tối đa của bọn Cộng Sản Việt Nam. Chúng áp dụng kiểu "xa luân chiến". Trong lúc bọn lính giữ tù được thả dàn vui chơi tối đa, thì bọn Cộng Sản lại điều động một bộ phận khác tới tăng cường mà chúng tôi không một ai hay biết. Chúng tôi thất bại, không tổ chức trốn trại được, nhưng cùng lúc đó, một số tù ở trại khác đã thoát ra được, tuy phần lớn đều bị bắt lại và có người còn bị bắn chết tại chỗ.

Khỏi bị kỷ luật, anh em tù chúng tôi cảm thấy đã có phần may mắn, tuy nhiên không biết bọn cai tù có còn giở quẻ gì nữa không vì bản chất bọn chúng là thù rất dai. Vì lý do đó, trong lòng chúng tôi vẫn hồi hộp lo lắng. Qua đến mồng năm Tết, khi được phân công lao động, anh em đều bảo nhau cố gắng đừng để chuyện gì xảy ra. Một số tù chúng tôi còn nặng đầu óc dị đoan nên nói rằng "mồng năm, mười bốn, hăm ba; đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn." Một số khác chế nhạo rằng "Ở tù, nhất là ở tù Cộng Sản thì đã là tận số rồi, còn gì nữa mà hên với xui". Tuy nhiên bảo nhau cẩn thận vẫn là hơn. Đến chiều, lúc tiếng kẻng chấm dứt giờ lao động, chúng tôi ai nầy đều thấy thư thái. Một ngày căng thẳng đã qua, chúng tôi cảm thấy an tâm về lán nghỉ ngơi.

Không ngờ, khoảng mười một giờ đêm đó, trong lúc anh em còn đang mơ màng thì nghe tiếng bọn bảo vệ bước vào lán. Chúng có hai thằng võ trang, tay cầm súng, tay cầm đèn bước vào và gọi tên tôi, bảo lên trình diện cấp chỉ huy trại. Dưới ánh sáng của ngọn đèn leo lét, nhưng tôi cũng nhìn thấy những khuôn mặt của một vài anh em nằm gẩn tôi tái mét. Phần tôi như đánh lô tô trong bụng, tay chân có vẻ bắt đầu loạng quạng. Tôi vội vả mặc quần áo và mang đôi dép râu của trại phát cho. Thế mà cũng phải mất đến hơn mươi lăm phút. Nhưng nhìn lại thì tôi mới biết là đã mang lộn dép chân phải qua chân trái. Mắt bắt đầu hoa lên. Tôi nghĩ, chắc chúng muốn trả thù nên đem tôi đi thủ tiêu. Bước về hướng ban chỉ huy trại mà tôi có cảm tưởng như phải sắp bước lên đoạn đầu đài. Đến khi gặp tên trại trưởng, quả thật tôi không còn tự chủ được nữa. Miệng thì lắp bắp báo cáo, nhưng mồ hôi lưng bắt đầu nhỏ giọt tuy rằng mùa đông ở cao nguyên Miền Bắc trời rất lạnh. Nhưng tên trại trưởng lại nở một nụ cười rất hiền hòa và nói "Anh S., anh hãy ngồi xuống, uống một tý trà cho ấm bụng đã! Trại định nhờ anh làm một công tác cho nhân dân trong vùng."Đã hoảng, nghe câu nói này càng thêm hoảng hơn. Sau khi vội vả nốc hết tách trà gừng vào miệng tôi lấy lại bình tỉnh và nghe tên trại trưởng nói tiếp:

"Nghe nói anh trước đây có học nghề thuốc và mát tay, nay con gái của ông Bản trưởng người dân tộc quen với trại đang chuyển bụng mà đêm hôm quá xa không chuyển được về trạm xá, nên trại nhờ anh đi đỡ đẻ giùm. "Lạy Chúa!", quả thật tôi đã từng đưa vợ đi đẻ, nhưng có bao giờ thấy đàn bà đẻ ra sao đâu mà giờ đây lại phải hứng lấy lấy cái của nợ này. Mở miệng mắc quai, không biết phải làm thế nào để từ chối đây.

Tôi chưa kịp phản ứng thì tên trại trưởng lại tiếp:

"Cán bộ quản giáo có phản ảnh là anh biết nhiều về y lý, xin anh đừng từ chối. Trại sẽ ghi công anh".

Quả đúng là thần khẩu hại xác phàm. Trước đây, trong những lúc ngồi tán gẩu với anh em, tôi thường hay kể những chuyện vui ở Cơ Thể Học Viện đường Trần Hoàng Quân tại Sài Gòn. Ở tù buồn, nghe chuyện tiếu lâm đã khoái, tả chuyện đàn bà lại càng làm cho bạn tù thích thú hơn. Nhưng chuyện mua vui từ đó được truyền miệng, và những tên quản giáo (cai tù) lại tưởng đó là chuyện thật. Và cứ thế, chúng báo cáo lên cấp trên. Quả thật bọn cai tù Miền Bắc đánh giá rất cao về sự hiểu biết của những Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị lưu đày ngoài đó. Nhiều anh em không những có nhiều sáng kiến lại còn "khéo tay khéo chân", nên mặc dầu thiếu thốn phương tiện mà họ sản xuất ra rất nhiều thứ gia dụng đầy nghệ thuật. Ví như, chỉ có tre với nhựa trải đường, mà anh em đã tạo ra được những chiếc ghe để đánh cá; chỉ với vài mảnh ván, họ cũng đã sản xuất ra nhiều cây đàn mà tiếng rung không thua gì những cây đàn sản xuất tại Hà Nội.

Biết rằng không thể từ chối được một cái lệnh có tính cách áp đặt như thế, tôi miễn cưỡng nhận lời và xin một ít "cồn", thuốc đỏ, một ít bông băng và cũng không quên trở lại lán để năn nỉ với những anh em khác xin thêm một ít thuốc trụ sinh và một lưỡi dao cạo thật bén. Tôi cùng hai tên lính võ trang thẳng đường lên Bản để làm nhiệm vụ "đỡ đẻ". Chân tiến bước nhưng dạ vẫn bồi hồi, không biết giải quyết ra sao đây. Cái chuyện "đỡ đẻ" chỉ qua là những chuyện "phét lát" qua phim ảnh, có ngờ đâu nó lại rơi đúng vào mình đêm mồng năm Tết. Đang lúc quẩn trí, tôi sực nhớ lại câu chuyện tiếu lâm kể lại một chuyện khoe khoang là "mát tay" trong việc "đỡ đẻ"... Anh chàng nọ, khi nghe tiếng thét kinh hồn của người sản phụ sinh khó đứa con đầu lòng, đã không hoảng sợ mà còn giở trò hề bằng cách lấy một nắm kẹo, vuốt trên bụng sản phụ để dụ đứa bé mau ra sớm để "ông cho ăn kẹo".

Sản phụ tuy đau đớn quá độ, nhưng cũng phải bật cười và nhờ đó đứa bé đã lọt lòng mẹ một cách mau mắn. Nghĩ đến đấy, tôi buộc miệng cười khiến hai tên vũ trang hiểu lầm mà hỏi "Bộ ông hay đỡ đẻ lắm sao mà có vẻ thích thú vậy ?" Lại một lần nữa có sự hiểu lầm! Câu chuyện "đỡ đẻ" cho con gái ông Bản Trưởng người thiểu số, đến giờ này, đã hai mươi mấy năm trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ lại tôi còn giật mình. Thật là họa vô đơn chí khi phải làm một chuyện mà mình không biết hậu quả sẽ ra sao ? Nhưng may mắn thay, khi tôi đến thì mọi chuyện hầu như đã an bài và sản phụ đã "mẹ tròn con vuông". Ông Bản trưởng đã lo liệu đủ mọi thứ, một bà Mụ vườn cũng đã được mời đến sẵn. Sở dĩ ông ta phải nhờ cậy đến ông trưởng trại cải tạo là vì ông ta muốn tăng cường "thầy thuốc giỏi". Cả Bản đều biết là các Sĩ Quan Miền Nam, việc nào cũng giỏi, nên ông đã xin tăng cường để phòng hờ cho con gái mình khi sinh đứa con đầu lòng. Nhờ thế tôi đã thoát nạn. Tuy nhiên, sẵn cơ hội đó tôi cũng "lên mặt", chỉ cho gia đình ông Bản trưởng một vài điều cần thiết về vệ sinh đối với một sản phụ mới sinh, ngoài ra cũng không quên "ra lệnh" cho bà mụ vườn khử trùng tất cả những áo quần của sản phụ bằng cách bỏ vào nước lã rồi đun sôi. Tôi cũng giúp cho sản phụ một ít thuốc trụ sinh và một ít thuốc bổ "made in France" đã xin được của anh em tù. Dân thiểu số ở Miền Bắc thấy được viên thuốc trụ sinh con nhộng là vô cùng mừng rỡ. Xong việc, hai tên vũ trang lại hộ tống tôi về trại trước sự thán phục và nhiệt liệt cám ơn của ông Bản trưởng và gia đình.

Gặp lại anh em, tôi đã trở thành mục tiêu để bạn tù diễu cợt hầu giải trí. Đặc biệt là mấy ngày sau đó, gia đình ông Bản trưởng đã gửi tặng cho tôi một ít thịt rừng với xôi nếp thì câu chuyện "mát tay" của tôi nổi lên như cồn và giải sầu cho anh em tù nhân không phải là ít. Đề tài giải trí chưa được mấy hôm thì đã bị dập tắt vì một số anh em gốc lực lượng đặc biệt đã phải bị chuyển trại để giao cho công an quản lý và tên tôi lại nằm trong số những người tù đó. Bọn Cộng Sản luôn luôn cảnh giác đề phòng, nên chúng chẳng bao giờ để cho tù liên lạc mật thiết với nhau. Cùng ở trong một phòng thì ít lâu chúng lại buộc phải đổi chỗ nằm.

Cùng ở trong trại thì lâu lâu chúng bắt xáo đổi từ đội này sang đội khác. Chúng không muốn cho tù ở quen một chỗ, sợ tù gây được cảm tình với dân địa phương và dễ tìm cách trốn trại. Đặc biệt khi chúng biết được một tù nhân nào đó được cảm tình với dân địa phương là chúng cho người ấy chuyển trại ngay. Tôi nghĩ rằng việc chuyển trại của tôi cũng chắc chắn không ngoài quy luật đó.

 Phùng Ngọc Sa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn