BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73929)
(Xem: 62313)
(Xem: 39508)
(Xem: 31232)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một trận thư hùng

22 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 1851)
Một trận thư hùng
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Viết trong sương mù của chiến tranh
(Written in the fog of War)

Mới tờ mờ sáng, tôi đã tỉnh dậy. Ngước mắt lên nhìn mé rừng, nhìn thấy một giải sương mù vây quanh sườn núi, trông như một con bạch xà khổng lồ. Lồm cồm đứng lên đi tìm chỗ “giải sầu”, sau đó lại mò về chỗ ngủ, tôi ngồi chồm hổm trên nón sắt, phì phèo điếu thuốc lá đầu tiên trong ngày.

Chú Đơ tà loọc thấy tôi đã thức giấc cũng lục đục bò dậy. Chỉ độ một lát sau đã ngửi thấy mùi cà phê thơm phức, trộn lẫn với mùi mì gói. Mới bảnh mắt tôi đã ngồi xì xụp ăn sáng uống cà phê. Chứ Đơ o bế tôi kỹ lắm, vì được ở Đại đội Chỉ huy cũng phần nào đỡ nguy hiểm. Tôi cũng có cảm tình đặc biệt với chú vì thấy chú hiền lành ngây ngô, thường bị bạn bè chọc ghẹo hoài. Chú người to lớn lực lưỡng, dân xứ Quảng. Mấy thằng quỷ sứ lâu lâu lại hỏi chú:

-Đồ nghề đủ chưa?

Chú thật tình trả lời:

-Dạ, đụ rồi!

Thấy chú đang xúc cát cho vô bao bố, chúng hỏi:

-Làm chi rứa?

Chú trả lời:

-Dạ, em đang xục c... c!

Thế là cả bọn lại ôm nhau rũ ra cười.

Mới ngày hôm qua, Tiểu đoàn đang nghỉ dưỡng quân ở hậu cứ thì được lệnh đi Long Khánh. Sau khi họp tại Bộ Chỉ huy của Sư đoàn 10 (sau này là Sư đoàn 18), Tiểu đoàn lại lục tục kéo đi về hướng Xuân Lộc rồi quẹo vào tỉnh lộ 763 lên hướng Bắc. . Đến xẩm tối thì đoàn quân ngưng lại ở một khúc quanh gần mé một rừng cao su. Hai đại đội đóng tại một ấp nhỏ có lèo tèo vài mái nhà tranh, ba đại đội gồm cả đại đội chỉ huy tiến lên con đường mòn phía đông bắc của ấp để đóng quân qua đêm.

Tôi thấy mấy ông Đại đội trưởng bắt đầu kéo lên Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Họ chụm đầu vây quanh Thiếu tá Bảo, Tiểu đoàn trưởng, tay chỉ trỏ vào những tấm bản đồ. Họ đang bàn định kế hoạch hành quân cho ngày. Tôi đang châm điếu thuốc thứ hai thì thấy Bằng già lò dò trở về, tiến lại chỗ tôi:

-Ông cho con cái của ông chuẩn bị, đúng 8 gìờ tiến quân.

Gọi là Bằng già Đại đội trưởng Đại đội Chỉ huy để phân biệt với Bằng Sún Trưởng Ban Ba. Hơn nữa, trong đám giang hồ chỉ có anh chàng này có vợ con lỉnh kỉnh. Dân Bùi Chu, rất ngoan đạo, sáng nào cũng lần tràng hạt, lúc đụng độ thì đọc kinh nhặng cả lên. Tôi lừng khừng hỏi Bằng già:

-Ông có tin gì nóng hổi chăng?

Ngập ngừng giây lát rồi Bằng già trả lời:

-Có tin chúng nó đang chuyển quân. Lính chính quy, hình như thuộc Sư đoàn Thép. Có thể đụng độ lớn. Úynh nhau với đám này tất nhiên tóe lửa.
Tôi cho kêu Trung sĩ Được lên dặn dò:

- Anh căn dặn đàn em, cho chúng nó chuẩn bị tinh thần và đồ nghề.

Rồi tôi ngồi lim dim, nhớ lại mấy ngày vừa qua du hí tại Saigon, trong lòng thoáng chút buồn man mác.

Tôi về làm Y sĩ trưởng cho Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến -Tiểu đoàn Sói Biển-đã được hơn nửa năm.



Trong thời gian đó cũng đã đi hành quân vài lần, nhưng chỉ ở các vùng quanh Saigon, chằng hạn như ở Lái Thiêu, Bình Dương hay Long Thành. Chưa có đụng trận nào. Sướng nhất là những ngày ở Lái Thiêu, suốt ngày ăn trái cây, la cà quán mì chú Ba đầu đường hay đấu hót với mấy em nữ sinh mình thon chân dài-con gái vùng này nổi tiếng mỹ miều! Thỉnh thoảng lại dọt về Saigon, nhẩy vô Queen Bee nghe mợ Lệ Thu rên rỉ. Thời này cậu Jo Marcel đóng đô tại đây, cậu có một em ca sĩ người Mỹ o bế tôi kỹ lắm, theo tôi xuống tận Thủ Đức.

Vui nhất là hôm đại đội của Quan ba Kim Tiền khám phá ra kho súng, toàn là CKC báng gỗ bóng loáng, Tiền có tặng tôi một khẩu đem về treo làm kiểng ở nhà.

Hôm mơi về trình diện Tiểu đoàn, tôi đã gặp Quan Hai Phạm tòng Rong Chỉ huy hậu cứ và Quan Ba Lê bá Bình Tiểu đoàn Phó. Gặp nhau là chịu đèn liền, sau này Rong, Bình Tiền và tôi trở nên bạn chí thân, coi nhau như anh em ruột thịt. Họ đã cưu mang tôi sau khi tôi bị thương sống lêu bêu ở Saigon.

Đúng 8 gìờ sáng, Tiểu đoàn nhổ neo. Trời nắng và đã bắt đầu nóng nực.

Trước đó, Bình đã đến gần tôi nói nhỏ:

-Lát nữa, moa sẽ dẫn thằng Tiền và thằng Sử đi trước. Bộ Chỉ huy đi giữa, hậu vệ là thằng Hưng và thằng Tân. Đi theo thế chân voi. Hôm nay không có thì gìờ đấu láo với Bắc Bình Sơn Tây được!

Tôi mỉm cười. Bắc Bình Sơn Tây Khánh Ly là tên cúng cơm của tôi trên máy 25.

Chúng tôi lầm lũi tiến vào rừng cao su trước mặt. Độ khoảng gần một tiếng sau, khi cả đoàn quân đã lọt vô rừng, thì phía trước bỗng đứng khựng lại. Rồi có tin truyền xuống:

-Cẩn thận! Trinh sát kiếm ra đầy hầm hố của tụi nó!

Tôi liếc mắt nhìn Thiếu Tá Nguyễn năng Bảo, trong lòng càng cảm phục. Vóc người nhỏ thó, nhưng có đôi mắt sáng quắc. Tôi được biết ông mò từ Hạ sĩ quan lên đến chức Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng. Kinh nghiệm chiến trường đầy mình. Chiều hôm qua, ông đã ra lệnh cho Tiểu đoàn dừng quân trước mé rừng cao su. Nếu ló ngớ xông vô là đã lọt vào bẫy của địch trong lúc kém phòng bị và ở thời thế bất lợi.

Sau một hồi lục soát không thấy gì, đoàn quân lại lục tục tiến lên. Qua rừng cao su dến chân một giẫy núi cao vời vợi, cây cối âm u. Trinh sát phạt cây mở đường cho tiểu đoàn leo lên, đến khoảng gần trưa thì đến lưng chừng núi.

Chưa kịp nhỉ ngơi thì đã nghe tiếng AK 54 và M16 nổ ròn rã phía đằng trước.

Hôm nay mới là Baptême de feu của tôi đây!

Theo lời căn dặn của Bình từ lâu, tôi lẳng lặng kiếm gôc cây lớn ngồi phì phèo hút thuớc. Lúc mới nghe tiếng súng, tôi cũng giật mình ngơ ngác. Sau một hồi nghe riết rồi cũng quen, tim không còn nhẩy rumba nữa. Tôi lắng tai nghe để phân tích tiếng của AK và M16, tiếng nổ của AK nghe cắc cắc, tiếng nổ của M16 kêu phụp phụp, xen lẫn với tiếng của B40 và M72 cùng tiếng nổ chát chúa của lựu đạn.

Rừng có những cây cổ thụ to mấy người ôm, thân cây cao vút vươn thẳng lên trời, ánh nắng yếu ớt xuyên qua vòm lá xanh dầy đặc, mưa nhỏ thì người đứng dưới không bị ướt. Khi tiếng súng ngưng thì sự im lặng trở nên âm u ghê rợn.

Qúa trưa, trời đổ vài cơn mưa rào ngắn ngủi. Mỗi lần đổ mưa là tụi địch hô xung phong ầm ĩ. Bình trả đũa bằng cách cho xả hỏa lực tối đa, làm át tiếng hô xung phong của chúng. Độ vài lần chẳng thấy xung phong xung phiếc mẹ gì hết. Bèn thấy tuồng này dẹp luôn.

Thỉnh thoảng mấy cành cây khô trúng đạn rớt xuống kêu răng răc. Những tiếng động hoà trộn thành một bản nhạc hỗn loạn làm tôi nhớ đến bản Walkyrie của Wagner.

Chợt có tiếng kêu:

-Có mấy đứa con ghẻ ở phía trên. Đại bàng ra lệnh cho Y tá lên săn sóc.

Tôi thấy mấy chú Y tá nằm nín khe. Tôi bèn trườn mình bò lên. Chú Đơ thấy vậy lẽo đẽo bò theo.

Bò qua chỗ Tiền núp sau một thân cây, Tiền thấy tôi la khẽ:

-Ông núp sau thân cây kia đi, đừng bò lên nữa. Tụi nhỏ của tôi đang kéo mấy đứa ghẻ sắp về.

Lát sau, thấy họ dìu về hai chú, một chàng bị thương ở tay, chàng kia bị thương ở bắp đùi, vết thương xoàng, không có gì nguy hiểm. Tôi chích cho mỗi đứa một phát chống Tetanus, một mũi Morpnine và Penicillin, rồi để cho chú Đơ băng bó cho họ. Tôi lại tà tà bò trở về Bộ Chỉ Huy (BCH). Nhờ vụ này mà tôi được gắn Anh Dũng Bội Tinh.

Đến khoảng 3 giờ chiều bỗng thấy nhốn nháo, rồi thấy người ta giải về BCH một tên tù binh. Tên này bị thương ở chân, và bị Đại đội của Sử tóm được. Hắn được giao cho ban 2 khai thác.

Đầu tóc bù xù, mặt non choẹt, mặc bộ đồ nâu, chân đi dép Bình trị thiên, vết thương ờ chân đã được Y tá của tôi băng bó.

Tôi tò mò nhìn hắn, vì đây là tên Cộng Sản đẫu tiên mà tôi được gặp trong đời. Trong thời cắp sách đến trường, tôi chưa hề dính đến chính” chị” chính em, chỉ biết học hành rồi ăn chơi đàn đúm với bè bạn. Cũng nghe phong phanh Cộng Sản xâm lăng, nhưng chẳng hề bận tâm. Đến khi khoác áo chinh y lên người mới tỉnh giấc mơ!

Tôi ngắm chú tù binh trong bụng chửi thầm:

-“Bố tiên sư, đây là sứ giả của ông Giáp, ông đưa cái chú hỉ mũi chưa sạch này vào giải phóng cho tôi, để cho tôi được hưởng cái thiên đường xã hội chủ nghĩa của ông. Thực ra, tôi chỉ thấy nó là nạn nhân của những tham vọng điên cuồng, làm khổ đồng bào đồng loại bị ép sống theo lối này kiểu kia, chẳng hề được tự do lựa chọn sướng theo cái sướng của mình, khổ theo cái khổ của mình, như thế mà gọi là giải phóng thì là cái đếch gì?”.

Sau khi bị thẩm vấn, chú tù binh bị trói, ngồi ủ rũ trong một xó, có lính của ban 2 canh phòng. Khi nào có trực thăng tải thương sẽ chở chú và mấy đứa con ghẻ ra hậu cứ.

Tôi tán tỉnh ông Trung úy ban 2:

-Trung úy cho tôi tán gẫu với hắn vài câu được không?

-Được chứ, Bác sĩ. Có khi nó lại tiết lộ nhiều bí mật đáng giá, bác sĩ cho tôi biết với nhá!

Tôi lại gần tên tù binh, lân la gạ gẫm:

-Hút thuốc không?

Hắn gật đầu:

-Xin ông một điếu.

Tôi châm điếu thuốc rồi đưa tận mồm cho hắn hít vài hơi. Kề cà một lúc hết điếu thuốc, tôi hỏi tiếp:

-Tên chi?

-Dạ, em tên Nhỡ.
-Bao nhiêu tuổi?

-Dạ, em 19.

-Đi lính bao lâu?

-Dạ, được 6 tháng.

Thấy hắn nhăn mặt cọ quậy chân đau, tôi mở bi-đông cho hắn tợp miếng nước.

-Tại sao lại phải vào trong Nam đánh nhau?

-Họ bảo miền Nam bị Mỹ xâm chiếm, dân chúng sống đói khổ lắm.

Tôi bật cười. Guồng máy tuyên truyền bịt mắt dân, cho ăn toàn bã mía! Dân càng ngu thì càng dễ trị.

Tôi tiếp tục gợi chuyện:

-Quê quán ở đau?

-Quê em ở Ninh Bình, làng Yên Vệ.

Tôi giật mình đánh thót. Quê tôi cùng ở Yên Vệ, Ninh Bình. Tại sao lại có cái sự ngẫu nhiên kỳ quái vậy?

Bố mẹ tôi bỏ quê lên sinh sống ở Hà Nội. Tôi nhớ mang máng hồi cón nhỏ có lần về quê ăn giỗ, có món cá mè sương cứng ngắc thịt tanh ngòm!

Tôi hỏi tiếp:

-Bố mẹ làm gì?

-Bố em làm ruộng, mẹ em bán hàng sén ngoài chợ.

-Có mấy anh em?

-Dạ, em có một anh, một em trai và một em gái.

Tôi nghĩ thầm: chắc thằng anh đùn cho thằng em đi lính. Định hỏi nữa, bỗng nghe tiếng sụt sịt. Tôi quay lại nhìn và ngạc nhiên thấy mặt hắn nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Tôi lẳng lặng đứng giậy bỏ đi, trầm ngâm suy nghĩ. Con người ta, ai cũng vậy, hễ nhớ tới người thân là cầm lòng không đặng.

Tôi trạnh nhớ tới bà mẹ già đầu tóc bạc phơ, rồi miên man nhớ đến từng ngưới tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...

Đến xế chiều, không ai bảo ai, tự nhiên ngưng tiếng súng. Mọi người uể oải bỏ cơm xấy mì gói ra ăn.

Sau đó BCH họp kiểm kê tình trạng. Tôi báo cáo có hai đứa con bị thương nhẹ, chưa cần di tản. Ông Bảo ra lệnh:

-Tối nay phân tán mỏng, hầm hố đào cho kỹ, có thể chúng sẽ cối. Cấm không được ồn ào và hút thuốc, sẽ lộ vị trí. Sáng mai Đại úy Bình lại dẫn 2 đại đội xuống núi. Nếu địch rút đi rồi thì ta sẽ lục xoát. Nếu chúng còn ở lại thì mình tiếp tục nghênh chiến, từ từ sẽ xin yểm trợ sau.

Tôi mắc võng nằm đu đưa trên miệng hầm. Bỗng có tiếng gọi nhỏ:

-Anh Khánh, anh ngủ chưa?

Bật mình ngồi dậy, tôi nhận ra đây là Chuẩn úy Phong thuộc Đại đội của Tiền. Phong là em trai của Thuyên, bạn thân của tôi từ thời Trung học. Tình cờ Phong và tôi cùng phục vụ chung một Tiểu đoàn. Tôi hỏi:

-Ủa, Phong đấy hả? Có chuyện gì đấy cậu?

Phong ngập ngừng:

-Em muốn nhờ anh một chuyện.

Tôi sốt sắng trả lời:

-Có chuyện gì, Phong cứ nói. Anh sẵn sàng làm hết mình trong khả năng của anh.

-Sáng mai, em sẽ dẫn tiểu đội Trinh sát xuống làm bàn. Nếu em có mệnh hệ nào, nhờ anh chuyển hộ lá thư này cho cô bạn em. Địa chỉ có ghi trên phong bì. Còn nếu em sống sót thì xin anh trả lại em lá thư.

Tôi cầm lá thư rồi cố gắng an ủi:

-Phong ơi, sống chết có số mạng. Cậu cứ bình tĩnh làm tròn nhiệm vụ, có lẽ cũng không sao đâu. Anh sẽ làm như lời en dặn.

Phong líu ríu cám ơn rồi quay về đại đội. Tối hôm ấy may thay chúng tôi được một đêm bình yên. Không hiểu tại sao chúng không cối. Tôi nằm suy nghĩ mông lung một lát rồi cũng quay ra đánh một giấc đến sáng.

Bình minh mới ló rạng đã thấy Quan Ba Bình nai nịt gọn gàng, đầu đội nón sắt, mình mặc áo giáp đeo giây ba trạc, tay cầm bản đồ, tay cầm máy nghe dẫn theo chú tà loọc đeo máy 25 cùng mấy đứa cận vệ, lừng lững xua quân xuống núi.

Đi qua chỗ tôi, Bình nói:

-Ông lên chỗ Đại Bàng nghe máy 25 theo rõi tình hình.

Tôi bông đùa (chứng nào tật nấy):

-Ông úynh bỏ mẹ chúng nó đi cho tôi. Mấy thằng nhà quê làm cậu ba vất vả!

Mới chỉ độ 15 phút sau là đã nghe súng nổ rầm trời. Hôm nay là ngày xả láng đây.

Tôi đã cho Y tá dọn sẵn chỗ nhận thương binh, cùng chuẩn bị truyền nước biển và thuốc men. Tôi hỏi Thiếu tá Bảo xem trên bản đồ có chỗ nào có thể cho trực thăng tản thương đáp xuống được. Ông cho tôi biết đây là rừng rậm, không có chỗ cho trực thăng đáp xuống an toàn được, chỉ có cách là trực thăng thả cáng xuống rồi kéo thương binh lên.

Tôi nghe mà toát mồ hôi hột, nhưng đành vậy, chứ biết làm sao khác? Hai Cố vấn Mỹ bảo đảm với tôi là sẽ cố gắng xin MEDEVAC nếu cần, tôi cũng vững dạ đôi chút. Hai người này rất có cảm tình với tôi vì thấy tôi nói tiếng Anh thông thạo. Từ sáng cho đến xế trưa, có ba lần địch hô xung phong, hai bên bắn nhau xối xả, xử dụng đủ các loại súng, đại liên, B40, M72, lựu đạn nổ vang rền, cây cối đổ gẫy kêu răng rắc... Hai con mãnh thú vờn nhau bất phân thắng bại, chưa bên nào đưa ra đòn chí mạng.

Tôi ngồi trên BCH, nghe qua máy 25 báo cáo biết mình chỉ có ba đứa con ghẻ nhẹ, đám Y tá đại đội săn sóc được. Mình tịch thư được khẩu đại liên. Thiếu Tá Bảo chỉ tay trên bản đồ phán:

-Tụi nó bám sát mình nên không xin Pháo Binh yểm trợ được. Chỉ còn xài gunship thôi.

Tôi thấy ông bàn tán xì xồ với cố vấn Mỹ. Độ hơn nửa tiếng sau là có tiếng trực thăng phành phạch bay lượn trên không phận Bình được lệnh bắn trái khói chỉ phương hướng, sau đó gunship nhào vô làm việc.

Rà rà rà rà rà... Ràràràràrà... Ràràràràrà...

Sau bốn năm lần bắn như vậy, từ Đông qua Tây rồi từ Tây qua Đông, chiếc gunship bay trở về căn cứ.

Bên phía địch vắng lặng như tờ.

Ấy thế mà khi Bình cho quân lên thám thính, chúng vẫn nổ súng ngăn chặn. Thế mới biết chúng đã chuẩn bị chu đáo, xây cất hầm hố rất kiên cố để tránh hỏa lực hùng mạnh của ta.

Điều này chứng tỏ đây là một đoàn quân rất lớn và rất điêu luyện. Chúng đang chuyển quân thì đụng độ với tụi này.

Đang phì phèo điếu thuốc bỗng nghe tiếng chân chạy thình thich. Tôi ngoảnh lại thấy hai chú Y tá đang còng lưng khiêng một thương binh nằm trên cáng.

Tôi nhận ra người bị thương là Chuẩn úy Phong.

Mặt Phong nhợt nhạt, nhịp thở thoi thóp. Tôi bắt mạch thấy mạch chạy nhanh và loạn. Bụng đã được Y tá đại đội băng bó, máu đỏ ngấm ướt thấm cuộn băng. Nước biển đang được truyền, thuốc men đã cho đầy đủ --Tetanus, Demerol, Penicillin. Cấp cứu sơ đẳng tối thiểu. Anh cần được giải phẫu khẩn cấp. Tôi lấy ống cao su thông bọng đái cho anh, nước tiểu trong, đỡ một mối lo. Không có ống thông dạ dày.

Tôi chạy lại nói với viên cố vấn Mỹ:

-I need MEDEVAC RIGHT AWAY!

Tên này gọi máy 25 liền khi đó. Độ nửa tiếng sau có tiếng máy bay trực thăng lượn trên đầu.
Chúng tôi làm theo như đã dự định. Chiếc cáng được thả xuống, chúng tôi cột Phong vào cáng rồi chiếc cáng được từ từ kéo lên. Mọi việc hoàn tất trong khoảng 20 phút.

Ở phía chiến tuyến, Bình cho quân bắn xối xả để cầm chân địch.

Đến 5 giờ chiều thì im tiếng súng. Tôi thấy quân ta lục tục kéo trở về sườn núi. Mấy chú con ghẻ được đưa về chỗ lựa thương, tôi khám xét họ không thấy gì nguy kịch. Tôi thầm nghĩ:

-Kể cũng trớ trêu, đánh nhau trong 2 ngày liền, bắn không biết bao nhiêu là đạn, thế mà chỉ có 1 người bị thương nặng, 6 người bị thương nhẹ, chẳng có ma nào ngỏm củ tỏi. Lý do chính của tử vong trong chiến tranh vẫn là tai nạn!

Hôm nay tinh thần căng thẳng nên không thấy đói, chỉ khát nước và thèm thuốc lá.

Đang mơ màng triết lý còm thì nghe một tiếngnổ chát chúa. Tôi chạy lại chỗ phía người đang nhốn nháo.

Trước mặt tôi là một cảnh tượng hãi hùng: Một chú nằm gục trên ba lô, năm chú khác đang ôm đầu ôm tay ôm chân rên rỉ.

Thì ra bị mắc mưu địch. Ngày hôm trước, hai đứa con bị ghẻ để lại ba lô trên chiến tuyến, không lấy về được. Hôm nay Trinh sát xông lên kéo về được. Buổi chiều đem trả cho khổ chủ, khi mở ra thì tanh banh vì chúng gài lựu đạn. Cũng may lúc đó không qúa đông người vây quanh.
Tthương binh đưọc đưa về chỗ lựa thương, tôi và Y tá xem xét các vết thương, băng bó và cho thuốc men. Như thế tổng cộng tôi có 11 đứa con bị ghẻ, các vết thương từ nhẹ cho đến trung bình, có thể cầm cự đến ngày mai được.

Tôi tiến về phía BCH đang ngồi họp với cố vấn Mỹ, tình hình căng thẳng. Tôi thấy Thiếu Tá Bảo đang nói chuyện qua máy 25, măt mũi hầm hầm.

Một lát sau, ông quăng máy xuống, chửi thề rồi ra lệnh:

-Họ bắt mình rút. Nội tối nay họ xin B52 dội bom.

Với lý lẽ nặng ký như thế thì cãi thế chó nào được. Chúng tôi lục tục thu dọn đồ đạc. Lệnh ban ra: Tuyệt đối giữ im lặng, không được xử dụng đèn đóm, nắm aó nhau mà đi. Mấy thương binh được đồng đội và Y tá dìu theo.

Hì hục mò mẫm như vậy đến độ gần nửa đêm thì kéo ra tới chân rừng. Chúng tôi tản mạc kiếm chỗ nằm nghỉ qua đêm.

Độ 2 giờ sáng thì nghe tiếng ì ì của B52, sau đó mặt đât rung chuyển như đang lên cơn động kinh.

Ngày tới, sau khi họp và nhận tiếp tế, chúng tôi lại được lệnh leo lên núi trở về mục tiêu hôm qua. Tuy trong bụng ấm ức nhưng lệnh trên ban xuống thì phải thi hành. Trong đầu, tôi gọi Sư Đoàn 10 là Sư Đoàn Lục vân Tiên.

Độ khoảng gần trưa thì trở lại sườn núi vị trí cũ. Quang cảnh hoang tàn, cây cối trần trụi, cành gẫy nằm ngổn ngang. Phía trước yên lặng bao trùm phảng phất mùi tử khí. Tiến sâu lên nữa không gặp sự kháng cự nào. Mặt đất lổm chổm hố bom, la liệt hầm hố bị bật tung lên. Trong một hầm nhỏ có một xác chết cháy nằm còng queo bị bỏ lại. Mặt đất có chỗ dầy vết máu.

Về sau, Tình Báo bắt được tài liệu của địch cho biết trong hai ngày qua, họ đã thiệt hại nặng nề.

Một tuần sau, chúng tôi được trỏ về hậu cứ dưỡng quân. Sau trận baptême de feu, tôi không bị qùe đui sứt mẻ gì, lại còn được gắn Anh Dũng Bội Tinh, kể cũng le lói lắm! Hiện nay huy chương còn giữ, cùng với Chiến Thương Bội Tinh treo trên tường. Kỷ niệm một đờì người.

Tôi dò la biết Phong đã mất, thương tích qúa nặng, mất máu quá nhiều, chịu không nổi. Tôi theo địa chỉ đem lá thơ lại cho cô bạn của Phong --cô Lê thị hoàng Yến, đường Lê văn Duyệt. Đến nơi, người nhà cho biết cô đã đi du học bên Thụy Sĩ! Tôi ngẩn ngơ không biết làm gì với lá thơ. Sau cùng, tôi quyết dịnh trao lại thơ này cho Thuyên, anh của Phong, để anh lo liệu. Không biết bây giờ cô Hoàng Yến lưu lạc phương nao? Cô có biết rằng đã có chàng trai trẻ bạc mệnh nghĩ tới cô trước khi lâm trận không?

Mới tháng tám vừa qua, tôi gặp lại Bình ở Bắc Cali. Hai đứa ngồi uống rượu trên Top of the Mark ở Nob Hill, San Francisco. Nhìn qua cửa kính xuống San Francisco Bay, đằng trước mặt là đảo Alcatraz, một bên là Golden Gate Bridge, một bên là Bay Bridge, phong cảnh thật là hùng vĩ.

Bình cười nói:

-Thật không ngờ sau bao nhiêu năm, tụi mình lại còn ngồi đây cụng ly với nhau. Tôi trả lời:

-Tiếc không còn ông Bảo, thằng Bằng già và thằng Tiền. Thằng tòng Rong thì chui ở Texas.
Bình nói:

-Số mạng cả, cụ ơi. Trời cho ai thì người nấy hưởng. Bắt sống thì phải sống, muốn chết cũng không được.

Ngưng một lát ,Bình nói tiếp:

---Cụ có nhớ ,hồi đó tụi mình đi chơi khuya về thường hay ước mong có đêm sẽ dinh mợ Khánh Ly về hậu cứ tiểu đoàn , để mợ đứng dưới gốc cây si, chiếu đèn pha xe Jeep rọi vào mợ để mợ hát bài Nhìn những mùa Thu đi cho chúng mình nghe không?

Tôi nhìn Bình, thấy trong lòng ấm áp. Đây là một người bạn thân mà tôi qúy mến nhất, hiền lành chân thật, trước sau như một. Sau bao nhiêu hoạn nạn, tôi chưa hề nghe anh nói xấu người nào, cũng như nghe anhbuông lời kêu la than vãn.

Sau Tiểu đoàn 3, tôi về Tiểu đoàn 7, rồi làm Y Sĩ Lữ đoàn, tham dự chiến dịch đánh Cao Mên, rồi bị thương khi rút về Chương Thiện. Ít lâu sau tôi được giải ngũ. Trong thời gian dưỡng thương sống lêu bêu ở Saigon và Thủ Đức, Tiền, Bình và bạn bè đã cưu mang tôi tận tình, cho xe đưa rước, ngày đêm ăn nhậu phòng trà tửu điếm sống như một công tử con nhà giầu.

Bình tham dự các trận Hạ Lào, Cổ Thành, Quảng Trị, Đông Hà, được thăng tới chức Trung Tá Lữ đoàn Trưởng.

Sau 75, Bình kẹt ở lại và bị đầy ải đi Suối Máu, rồi Yên Bái, Nam Hà, Hàm Tân. Sau đó được tha và di tảnqua Huê Kỳ năm 1991 với gia đình theo chương trình HO.

Những Cố Vấn Mỹ theo Bình rất phục tài cầm quân và tinh thần chiến đấu của Bình. Năm 2003, họ vận động cho Bình được tặng Silver Star là Huy chương cao qúy nhất mà Thủy Quân Lục Chiến Huê Kỳ trao tặng cho quân đồng minh.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bình được tác giả Richard Bodkin trình bày trong cuốn RIDE THE THUNDER phát hành năm 2009. Cuốn sách này viết lên sự ngưỡng mộ và kính phục mà TQLC Huê Kỳ dành cho TQLC Việt Nam nói chung và Trung tá Lê bá Bình nói riêng.

Hiện nay, Bình vui sống tuổi già với vợ con và các cháu tại miền Bắc Cali. Nếu có người đáng được hường hạnh phúc thì chính là Lê bá Bình vậy.

TÔN KÀN
Cuối Thu 2012
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn