BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77129)
(Xem: 63214)
(Xem: 40615)
(Xem: 32251)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tân Cảnh thất thủ

11 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 3338)
Tân Cảnh thất thủ
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
41

Trích trong cuốn "Thép và Máu, Thiết Giáp Trong Chiến Tranh Việt Nam"


Nói đến cuộc tổng công kích của Cộng Sản Bắc Việt vào mùa hè năm 1972, hẳn những người sống trong giai đoạn lịch sử này ít ai là không biết đến căn cứ Tân Cảnh, thuộc quận Dakto, tỉnh Kontum, nằm ở phía Tây-Bắc Vùng 2 chiến thuật nơi đã xảy ra những trận đánh khốc liệt giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Cộng Sản. Sau khi phỏng vấn các kỵ binh có mặt trong trận chiến này, chúng tôi nhận thấy một số sử gia và cựu quân nhân Hoa Kỳ viết về Tân Cảnh và Dakto 2. Tuy nhiên có nhiều điểm liên quan đến các đơn vị thiết giáp thuộc Quân Đoàn 2 không đúng với sự thật.



Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày những chi tiết có thật về việc chỉ huy và điều động thiết giáp đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, cho đến ngày cuối cùng của căn cứ Tân Cảnh.

DIỄN TIẾN TÌNH HÌNH

Theo các nguồn tin tình báo, tù binh và hồi chánh, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 ghi nhận từ cuối tháng Giêng năm 1972 có nhiều đơn vị Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) từ Cam Bốt và Lào đã xâm nhập vào khu vực phía Bắc tỉnh Kontum. Cũng theo nguồn tin nói trên thì chiến dịch tiến công của quân Cộng Sản được chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 27 tháng 1/1972.

Lực lượng Cộng Sản Bắc Việt tại cao nguyên do Mặt Trận B-3 chỉ huy gồm có Sư Đoàn 320, Sư Đoàn 2, các đơn vị cơ hữu của Mặt Trận B-3 với quân số tương đương một sư đoàn, và Trung Đoàn 203 Chiến Xa từ Bắc vào. Ngoài những đơn vị kể trên, Bắc Việt còn điều động Sư Đoàn 3 Sao Vàng và các đơn vị địa phương gia tăng hoạt động tại vùng duyên hải thuộc tỉnh Bình Định và miền Nam Quân Khu 2.

Những mục tiêu chính trong kế hoạch tấn công cao nguyên của Cộng Sản Bắc Việt là căn cứ Tân Cảnh, căn cứ Dakto II, cùng các căn cứ hỏa lực dọc theo Rocket Ridge, thị trấn Kontum và Pleiku. Rocket Ridge là một dẫy cao điểm chạy dài từ Bắc xuống Nam, nằm dọc theo phía Tây Quốc Lộ 14, tọa lạc hầu như ở giữa Tân Cảnh và Kontum.

Những vụ tấn công của các đơn vị Cộng Sản nằm sẵn tại địa phương nhằm mục đích làm rối loạn hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời hỗ trợ cho hai sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt tấn công vào Kontum. Mọi cố gắng của Cộng Sản Bắc Việt trong giai đoạn này nhằm thực hiện cho được mưu đồ chia cắt lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa làm hai phần.

Kể từ khi được tin địch xuất hiện, các đơn vị không-kỵ và trực thăng võ trang Hoa kỳ đã nỗ lực thám sát và phát hiện được 6 lằn xích song hành và nhiều chiến xa Bắc Việt tại phía Đông căn cứ 609 và thung lũng Plei Trap, nằm về phía Tây của Rocket Ridge. Chiếu theo kết quả quan sát của không-kỵ và tuần thám của Biệt Động Quân Biên Phòng, trong tháng Giêng năm 1972, cố vấn Quân Đoàn 2 đã hướng dẫn hơn 60 phi vụ B-52 phá hủy các khu vực có Cộng quân ẩn nấp. Nhằm bẻ gãy kế hoạch điều quân của Cộng Sản, trong vòng ba tuần lễ đầu của tháng Hai, Không Lực Hoa Kỳ đã thực hiện hơn 80 phi vụ B-52 cho khu vực hành quân Tân Cảnh.

Vào đầu tháng Giêng năm 1972, Chi Đoàn 1/14 Chiến Xa của Việt Nam Cộng Hòa (thuộc Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh dưới quyền điều động của Sư Đoàn 22 Bộ Binh) do Đại Úy Trần Châu Giang chỉ huy, đang tiến hành nhiệm vụ giữ an ninh trục lộ Kontum-Võ Định, thì được Thiếu Tá Vũ Khánh Dư (Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 14) cho lệnh tập trung tại phi trường Phượng Hoàng nằm về phía Tây căn cứ Tân Cảnh. Tân Cảnh nằm về hướng Bắc thị xã Kontum khoảng 25 dặm, nguyên là một căn cứ hỏa lực trên một địa thế cao, có thể nhìn bao quát Dakto.

Sau đó, chi đoàn lại được lệnh di chuyển ngay đến Ben Het, cách Tân Cảnh gần 20 cây số, để tăng cường phòng thủ khu vực này. Ben Het là một tiền đồn, nằm cuối Tỉnh Lộ 512, án ngữ vùng ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào (Việt Nam - Cam Bốt - Lào). Tiền đồn này nhòm xuống đường mòn Hồ Chí Minh, do Tiểu Đoàn 95 Biệt Động Quân Biên Phòng trấn giữ. Chi đoàn 1/14 với 15 chiếc M-41 lập thế trận trên các cao điểm trọng yếu chung quanh Ben Het. Nhiệm vụ của chi đoàn này là phối hợp với Biệt Động Quân để phát hiện và ngăn chận địch quân.

Đại Úy Giang cho biết: "Trong thời gian phòng ngự, chi đoàn được tin chiến xa địch xuất hiện ở hướng Nam Ben Het, nhưng không phát hiện được và chưa xảy ra một cuộc đụng độ nào với chiến xa Cộng Sản. Chỉ có một lần duy nhất là với đại bác 76 ly trên pháo tháp, chi đoàn đã tập trung hỏa lực đẩy lui một đợt tấn công của quân Cộng Sản vào vị trí phòng thủ của lực lượng biên phòng Việt Nam Cộng Hòa trên sườn núi nằm về hướng Đông Ben Het."

Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của tình hình, ngày 7 tháng 2/1972 Trung Tướng Ngô Du (Tư Lệnh Quân Đoàn 2, kiêm Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật), đã cùng ông John Paul Vann, Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn, điều động Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, các đơn vị yểm trợ, tiếp vận sư đoàn, Trung Đoàn 47 Bộ Binh tại Bình Định, và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh tại Kontum, lên trấn giữ vùng Tân Cảnh, nơi đây trước kia là khu vực hoạt động của Trung Đoàn 42 Bộ Binh.

Thêm vào đó, một chi đội chiến xa M-41, thuộc Thiết Đoàn 19 được gửi đến tăng phái cho Thiết Đoàn 14 để phòng thủ căn cứ Tân Cảnh. Nếu kể cả chiến xa của Thiết Đoàn 19 thì tổng số chiến xa M-41 đặt dưới quyền điều động của Thiết Đoàn 14 là 22 chiếc. Vào thời điểm này Thiết Đoàn 14 được phối trí như sau: Chi Đoàn 1/14 Chiến Xa do thiết đoàn trực tiếp điều động trong khu vực hành quân Dakto, Chi Đoàn 2/14 Thiết Kỵ tại Kontum và Chi Đoàn 3/14 Thiết Kỵ tại Bình Định, hai chi đoàn này không nằm trong hệ thống chỉ huy trực tiếp của thiết đoàn.

Sau khi tái phối trí, Đại Tá Lê Đức Đạt, tân tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, đảm trách khu vực hành quân Dakto, kể cả bốn trại biên phòng Ben Het, Dak Mot trên tỉnh lộ 512, Dak Pek, Dak Seang trên quốc lộ 14, phía Bắc Tân Cảnh, và hai căn cứ hỏa lực 5 và 6 nằm ở Bắc Rocket Ridge. Bộ Tư Lệnh Hành Quân Sư Đoàn và Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 14 đóng tại căn cứ Tân Cảnh.

Khoảng tháng Ba năm 1972, vào mỗi đêm từ Ben Het hướng về phương Bắc, người ta có thể nhìn thấy ánh đèn pha và nghe thấy tiếng động cơ nổ vang rền của đoàn cơ giới Cộng Sản di chuyển về hướng Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh bên Lào.

Tại Vùng 1 Chiến Thuật, ngày 31 tháng 3/1972, ba sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa và pháo binh yểm trợ ồ ạt tiến chiếm vùng Phi Quân Sự ở phía Nam Vĩ Tuyến 17. Hai ngày sau, Công Trường 5 và 7 Việt Cộng tấn công vào thị xã Lộc Ninh (ở tỉnh Bình Long) gần biên giới Việt Miên. Ngày 5 tháng 4/1972, Cộng quân cắt đứt trục lộ giao thông giữa An Lộc (ở tỉnh Bình Long) và Saigon.

Trong khi đó, tại Vùng 2 Chiến Thuật, theo tài liệu tịch thu cho biết Sư Đoàn 320 Cộng Sản Bắc Việt và Trung Đoàn 54 Pháo đã xuất hiện tại vùng Tam Biên, nhưng cố vấn trưởng của Quân Đoàn 2 lúc ấy vẫn còn đặt nghi vấn.

Ngày 8 tháng 4/1972, nhiều cuộc chạm súng cấp đại đội xảy ra tại Nam Rocket Ridge. Sau đó, ngày 11 tháng 4, hàng loạt mưa pháo cỡ 130 ly, 122 ly và hỏa tiễn đủ loại dồn dập đổ xuống căn cứ hỏa lực Charlie (nằm về phía Nam Căn Cứ Hỏa Lực 5) được trấn giữ bởi Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù. Trưa ngày hôm sau, vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng là Trung Tá Nguyễn Đình Bảo bị tử thương bởi một trái đạn nổ chậm chui vào hầm chỉ huy. Sang đến ngày 14, sau khi pháo kích tới tấp với 330 quả đạn đủ loại, Trung Đoàn 48 Cộng Sản Bắc Việt khai triển trận đánh biển-người. Lúc 22 giờ 30, tiểu đoàn Nhảy Dù lui binh khỏi căn cứ.

Trong khi đó, vào ngày 19 tháng 4, trong nỗ lực kiểm soát các vị thế cao chung quanh căn cứ Tân Cảnh, Tiểu Đoàn 1/42 (đọc là "Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 42") Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa đã bị hai tiểu đoàn Cộng quân vây hãm đến nỗi không nhận được tiếp tế từ bất cứ đơn vị bạn nào. Đến ngày 21, sau khi chiến đấu đến hết đạn dược, chỉ có 63 người trong số 350 quân nhân của tiểu đoàn này mở đường máu trở về hậu cứ.

Ngày 20 tháng 4, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh rút Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, một Lữ Đoàn Nhảy Dù, cùng với 3 tiểu đoàn ra khỏi Vùng 2 Chiến Thuật. Để điền khuyết, Sư Đoàn 23 Bộ Binh với Trung Đoàn 53 cơ hữu và Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân được gửi vào từ Huế để đảm trách khu vực hành quân của sư đoàn Nhảy Dù.

Lúc 19 giờ 30 ngày 21 tháng 4, Căn Cứ Hỏa Lực Delta về phía Nam của Rocket Ridge bị tràn ngập sau một trận pháo kích và tấn công của bộ đội và chiến xa Cộng quân. Lúc ấy Căn Cứ Delta chỉ được phòng thủ bởi một đại đội Nhảy Dù và một đại đội Biệt Động Quân. Trước kia, căn cứ này đã từng được các Tiểu Đoàn 2 và 7 Nhảy Dù thay nhau trấn đóng.

Ngày 22 tháng 4, Đại Úy Trần Châu Giang được lệnh để một chi đội chiến xa (5 xe tăng M-41) ở lại Bến Het. Sau đó, thành phần còn lại gồm 2 chi đội M-41 và 2 thiết quân vận M-113 thuộc ban chỉ huy chi đoàn đã cùng di chuyển về phi trường Phượng Hoàng (còn được gọi là phi trường "Dakto II") túc trực chờ lệnh.

Chiều ngày 23 tháng 4, Đại Úy Giang được lệnh xuất phái cho Trung Đoàn 47 Bộ Binh tại phi trường Dakto II một chi đội chiến xa. Vào lúc 20:00 giờ đêm, chi đoàn với thành phần còn lại gồm một chi đội xe tăng M-41 và hai thiết vận xa M-113 đã được lệnh di chuyển đến kho đạn Tân Cảnh và phòng thủ tại đây cùng với một đại đội Thám Kích của tiểu khu Kontum. Kho đạn nằm kế bên cổng phụ căn cứ Tân Cảnh, đối diện với sân bay L-19 nằm dọc theo Tỉnh Lộ 512.

Từ hơn một tuần lễ trước, cả Tân Cảnh lẫn Dakto II đã bị quân Cộng Sản bao vây. Mỗi ngày căn cứ Tân Cảnh phải chịu đựng sức tàn phá của trên dưới 1,000 trái đại bác và hỏa tiễn đủ loại rót vào. Đặc biệt sáng ngày 23 tháng 4, một chiến xa M-41 thuộc Thiết Đoàn 19 nằm tại cổng chính căn cứ Tân Cảnh đã bị phá hủy bằng đạn xuyên phá mà xa đội ước đoán là do hỏa tiễn B-40 từ ngoài vòng rào phóng vào.

Nhưng ban cố vấn Hoa Kỳ lại không nghĩ như vậy, vì B-40 chỉ có tầm bắn hữu hiệu khoảng 100 thước, mà lúc ấy địch quân còn cách vị trí của chiến xa hơn 500 thước. Sau khi quan sát tại chỗ để tìm hiểu, ban cố vấn đã xác nhận đó là loại hỏa tiễn chống chiến xa mới xuất hiện, được điều khiển bằng giây điện, có tầm bắn tối đa là 2,500 thước và có thể xuyên phá được 400 ly thép. Đây là loại hỏa tiển AT-3 Sagger do Nga Sô chế tạo, được Cộng Sản Bắc Việt xử dụng lần đầu tiên tại Tân Cảnh và trên chiến trường Việt Nam.

Vào lúc 10 giờ 30 phút sáng 23 tháng 4, một tiếng nổ long trời của hỏa tiễn AT-3 đã phá hủy phần lớn trung tâm hành quân của Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Phòng truyền tin và quân dụng bị tiêu hủy. Về nhân sự có 20 quân nhân chết và bị thương nặng bởi những mảnh đạn tung tóe trong hầm.

Khoảng 11 giờ trưa, ông John Paul Vann đáp trực thăng xuống Tân Cảnh cho biết: Quân Đoàn 2 không có khả năng phản pháo, còn vấn đề di tản thương binh Việt Nam là cả một sự cố gắng của Hoa Kỳ. Trong dịp này Đại Tá Đạt cũng trình bày tình hình chiến sự vào giờ chót, nhưng ông Vann không đả động gì đến đề nghị diệt địch bằng pháo đài bay B-52 của tướng Ngô Du trước đây. Sau khi kiểm thảo với cố vấn sư đoàn, ông Vann chỉ thị cho họ thi hành kế hoạch đào thoát và lẩn trốn, rồi bay trở về Pleiku, đem theo một số dân chính của ban cố vấn sư đoàn.

Neil Sheehan, tác giả cuốn A Bright Shining Lie, đã cho biết: "Ông John Paul Vann không đồng ý với tướng Ngô Dzu về việc đề cử Đại Tá Lê Đức Đạt, nguyên tư lệnh phó Sư Đoàn 22 Bộ Binh, thay thế Thiếu Tướng Lê Ngọc Triển để làm tư lệnh sư đoàn, mà ông muốn chỉ định một sĩ quan khác do ông ta lựa chọn." Chính vì vậy mà Đại Tá Đạt đã gặp nhiều trở ngại trong vấn đề chỉ huy và yểm trợ hành quân. Sự kiện này đã đưa đến tình trạng bất hòa giữa cố vấn và đơn vị trưởng, và đã rất nhiều làm lợi cho Cộng quân.

Cũng theo Neil Sheehan thì ông John Paul Vann đã nặng lời đe dọa Đại Tá Đạt một cách trắng trợn khi gặp mặt lần cuối cùng trong trung tâm hành quân sư đoàn ở Tân Cảnh như sau: "Đại Tá Đạt, ông sắp là vị tư lệnh sư đoàn đầu tiên trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa làm mất sư đoàn, vì ông đang bị tràn ngập và sắp bị tiêu diệt nếu ông không..."

Sau khi cố vấn John Paul Vann rời khỏi Tân Cảnh, vào khoảng giữa trưa hàng loạt hỏa tiễn điều khiển AT-3 phóng vào căn cứ gây thiệt hại nặng nề cho quân trú phòng, đồng thời phá hủy một số pháo đài kiên cố và 4 xe tăng M-41 còn lại. Nhưng sự thiệt hại quan trọng nhất lại là tinh thần chiến đấu của quân nhân các cấp xuống rất thấp, nhất là sau khi họ thấy quân đoàn không can thiệp để xin B-52 yểm trợ hành quân như thường lệ.

Về chiều, phía ngoài vòng rào căn cứ, các đơn vị Bộ Binh thuộc Trung Đoàn 42 vẫn giao tranh ác liệt với Cộng quân dọc theo đường thông thủy dẫn vào cổng trai. Khoảng 7 giờ tối, Cộng quân thu dọn chiến trường rồi lui binh sau khi phóng đi một loạt hỏa tiễn B-40 và B-41 vào các cao điểm ở gần phi đạo L-19.



DIỄN TIẾN TRẬN ĐÁNH

Lúc 9 giờ đêm, quận trưởng Dakto báo cáo lên bộ tư lệnh sư đoàn: "Chiến xa địch xuất hiện, chạy qua ấp Dak Brung hướng về quận lỵ Dakto." Trung tâm hành quân Sư Đoàn 22 liền xin vận tải cơ võ-trang AC-130 Spectre lên ngăn chận. Khoảng 2 tiếng sau, một chiếc AC-130 xuất hiện trên vòm trời Tân Cảnh. Phi cơ này dùng hồng ngoại tuyến phát hiện được 18 chiến xa Cộng quân tiến từ Tây sang Đông hướng về Dakto. Vào khoảng nửa đêm, đoàn chiến xa này quẹo về hướng Nam, theo Quốc Lộ 14 xuống Tân Cảnh.

Vì nhận thấy sẽ có một cuộc đụng độ lớn, và không thấy sư đoàn ra lệnh phản công, nên Đại Tá Kaplan, cố vấn trưởng của Sư Đoàn 22, đã tập họp ban cố vấn lại để lưu ý mọi người về kế hoạch đào thoát và lẩn trốn. Rồi ông tập trung họ trong một pháo đài để chờ lệnh. Cũng trong thời gian này, chiếc AC-130 Spectre báo cáo có 3 chiến xa địch bị hạ tại ấp Dak Brung. Vào lúc 00:00 giờ ngày 24 tháng 4, một thành phần thuộc Sư Đoàn 2 Cộng Sản Bắc Việt tấn công vào cao điểm ở phía Đông Tân Cảnh, gần ngôi chùa Phật giáo. Đồng thời, hai thiết vận xa PT-76 lờ mờ xuất hiện ở phía Bắc kho đạn.

Sau khi dừng lại, hai chiếc PT-76 của Cộng Sản phất cờ ra hiệu cho nhau. Vào lúc này tinh thần kỵ binh Việt Nam Cộng Hòa đều lên rất cao. Cả hai chi đội trưởng của Chi Đội 1 và 2 tại Dakto và Ben Het theo dõi tình hình trên tần số chỉ huy của chi đoàn, đều xin trở về với chi đoàn để chiến đấu. Đại Úy Giang liền liên lạc với thiết đoàn để xin chấp thuận cho tập trung để điều động toàn khối. Nhưng có lẽ thiết đoàn gặp trở ngại truyền tin nên không thấy đáp nhận.

Trên bầu trời Dakto, chiếc AC-130 Spectre đang trút đạn bắn vào đoàn chiến xa Cộng quân tiến từ Dakto xuống Tân Cảnh. Ở hướng Đông, một chiếc AC-47 Hỏa Long (cũng một loại vận tải cơ võ-trang) của Không Quân Việt Nam Việt Nam Cộng Hòa cũng đang yểm trợ cho đơn vị bạn bị địch tấn công. Ngoài hai phi cơ nói trên và pháo binh yểm trợ trực tiếp, vào lúc này Sư Đoàn 22 Bộ Binh không nhận được một sự yểm trợ hỏa lực nào khác.

Cho đến 3 giờ sáng ngày 24 tháng 4, Chi Đoàn 1/14 Chiến Xa vẫn không liên lạc được với Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh, nên Đại Úy Giang đã tự ý ra lệnh cho Chi Đội 1 và 2 tập trung tại Tân Cảnh để tác chiến. Do đó cả 2 chi đội nói trên đều rời bỏ vị trí, về Tân Cảnh ngay sau khi nhận lệnh.

Chi Đội 2/1 tại Ben Het có 5 xe tăng M-41 do chuẩn úy Nguyễn Thi chỉ huy. Vào phút chót, một chiếc bị trục trặc nên được bỏ lại. Bốn chiến xa kia tuy không có bộ binh tùng thiết nhưng cả bốn chiếc cũng theo Tỉnh Lộ 512 tiến về Tân Cảnh. Khi tới eo Tử Thần, một chiến xa nữa bị hư. Xa đội này tự sửa chữa rồi trở lại căn cứ Ben Het. Kể từ đó chi đội chỉ còn lại 3 xe tăng M-41 mà thôi. Lúc ấy chi đội trưởng vẫn cho lệnh tiếp tục tiến.

Vừa di chuyển tới cầu Dak Mot thì đoàn xe gặp ổ phục kích nằm trên cao điểm phía Bắc đầu cầu. Ổ phục kích này phóng hỏa tiễn B-40 xuống. Sau một cuộc giao tranh ác liệt, phân đội chiến xa bị loại khỏi vòng chiến và vị sĩ quan chi đội trưởng bị bắt. Sau này khi vào tù ở Quảng Ngãi, Chuẩn Úy Nguyễn Thi bị Cộng Sản xử bắn trước tù binh về tội tổ chức đào thoát.

Khoảng 06 giờ 30 sáng, quân Cộng Sản chọc thủng phòng tuyến phía Đông Bắc Dakto II bằng chiến xa có bộ đội tùng thiết. Cũng trong thời gian này, khoảng một tiểu đoàn bộ đội Bắc Việt và một chi đội chiến xa T-54 cùng tấn công vào hướng Tây Bắc của chu vi phòng thủ.

Trong khi đó Chi Đội 3/1 với các xe tăng M-41 tại Dakto II, sau khi được lệnh tập trung của chi đoàn trưởng, đã di chuyển tới đầu phi trường Phượng Hoàng thì đụng địch. Sau đó chi đội này mất liên lạc truyền tin với chi đoàn.

Đại Úy Charles Carden, cố vấn của Trung Đoàn 47 Bộ Binh đã thuật lại như sau:

Khoảng một tiếng đồng hồ sau khi Tân Cảnh bị tấn công, một trực thăng UH-1 đến Dakto II đón 6 viên cố vấn Hoa Kỳ của Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Chiếc trực thăng này bị trúng đạn phòng không, cháy và rớt ở phía Nam chu vi phòng thủ. Tại khu vực phòng thủ của trung đoàn, chính ông được mục kích 2 chiến xa T-54 địch tiến vào phi trường rồi tách làm hai ngả. Một chiếc tiến về hướng Tây của phi trường, án ngữ lộ trình chuyển quân từ Ben Het về Dakto II. Chiếc kia từ hướng Bắc chạy vào giữa phi trường, tấn công vị trí phòng thủ của Trung Đoàn 47 Bộ Binh.

Ngay lúc đó, hai xe tăng M-41 thuộc Chi Đoàn 1/14 liền điều động và tác xạ. Mỗi chiến xa M-41 bắn 3 phát đại bác 76 ly vào sườn Tây của chiếc T-54. Lúc ấy cố vấn Carden, chỉ cách chiến xa địch khoảng 100 thước, nhìn thấy chiếc T-54 bị trúng đạn và bốc khói, nhưng chưa bị hạ. Chiến xa T-54, vỏ thép dày 105 ly, nặng 36 tấn, đã hồi phục mau lẹ rồi quay nòng súng lại bắn hạ một chiến xa M-41 bằng 2 quả đạn 100 ly. Ngay sau đó chiếc T-54 này cũng hạ chiếc M-41 còn lại bằng trái thứ ba. Đây là trận xa chiến cuối cùng tại mặt trận Dakto II.

Trong cuộc giao tranh này, Trung Sĩ Nguyễn Kim Dũng chiến đấu rất anh dũng. Dù đã bị thương nhưng vẫn xử dụng đại liên 50 trên chiến xa M-41 để tác xạ yểm trợ chiến xa phía trước cho đến khi tử thương. Chuẫn Úy Nguyễn Kim Vượng, Chi Đội Trưởng của Chi Đội 3/1 Chiến Xa bị bắt sau cuộc phản công này.

Đúng 4 giờ sáng, hai chiếc PT-76 của Cộng quân ở phía Bắc kho đạn bắt đầu tấn công. Chi Đội 1/1 khai hỏa bắn trúng cả hai chiếc PT-76, nhưng xe không cháy mà chỉ nằm quay ngang trước cổng kho đạn. Để phản công, Cộng quân phóng hỏa tiễn AT-3 vào Chi Đội 1/1 do Thiếu Úy Trần Nhuần chỉ huy. Chiến xa chỉ huy bị trúng đạn, Thiếu Úy Nhuần chết ngay tại chỗ. Đại đội thám kích giữ kho đạn đã tự động rút lui lúc nào không rõ.

Trong khi ấy, 4 xe tăng M-41 còn lại và hai thiết vận xa M-113 của ban chỉ huy chi đoàn đã anh dũng chống trả. Trung Sĩ Nguyễn Văn Khánh, hạ sĩ quan truyền tin trên chiếc M-113 đã nhảy lên thay thế xạ thủ đại liên 30 bị tử thương. Trong khi Trung Sĩ Khánh đang bắn vào các bộ đội Cộng quân đang bảo vệ hai chiếc PT-76 thì một trái hỏa tiễn B-40 của đối phương phóng trúng vào xe M-113 chỉ huy. Kết quả trung sĩ Khánh tử thương và Đại Úy Giang bị thương.

Đại Úy Giang được đồng đội cõng chạy vào rừng, nhưng bị bắt vào ngày 3 tháng 5/1972. Vào tháng 3 năm 1973, theo hiệp định ngưng bắn Paris, Đại Úy Giang được trả tự do trong dịp trao đổi tù binh giữa hai miền Nam Bắc.

Vào lúc mờ sáng, ngày 24 tháng 4, ông John Paul Vann bay trực thăng lên Tân Cảnh đón toán cố vấn sư đoàn về Pleiku. Cùng lúc này, các đơn vị của Sư Đoàn 2 Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa dẫn đầu đã tấn công bằng 2 mũi dùi tiến từ hướng Bắc và Đông vào căn cứ Tân Cảnh. Lúc 6 giờ sáng, các xe tăng T-54 theo đội hình hàng dọc tiến vào cổng chính. Nhưng sáng hôm đó sương mù dày đặc, không quân chiến thuật không hoạt động được, trực thăng võ trang còn cách xa khoảng 30 phút bay, nên các đơn vị trú phòng hoảng hốt, rối loạn hàng ngũ, vội vã tìm cách đào thoát khỏi căn cứ.



Theo tin tức ghi nhận được từ các sĩ quan thuộc bộ tư lệnh tiền phương của Sư Đoàn 22 Bộ Binh thì mặc dù chiến xa địch đã đột nhập vào căn cứ, nhưng quân Cộng Sản chưa dám xuống hầm chỉ huy. Do đó khoảng 10 giờ sáng, Sư Đoàn đã liên lạc được với không quân chiến thuật để xin đánh về hướng Bắc, ngã đường đi ra phi trường L-19, phá hủy hàng rào để mở đường máu cho các đơn vị rút chạy.

Thiếu Tá Vũ Khánh Dư, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 14 Kỵ Binh, đã tử thương ngay tại hàng rào. Riêng về Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, thì có nhiều nguồn tin khác nhau về cái chết của ông. Trong quyển sách A Bright Shining Lie, tác giả Neil Sheehan cho biết là Đại Tá Đạt đã ra khỏi hầm chỉ huy, bị thương ở phi trường Dakto II và có thể đã tự sát. Một sĩ quan khác trong trại giam tù binh đã cho biết lúc rút lui khỏi căn cứ Tân Cảnh, ông nhìn thấy Đại Tá Đạt chạy băng qua gò đất cao, nguyên là khu mộ chiến sĩ vô danh, rồi kể từ đó không ai biết thêm tin tức gì nữa.

Sau 25 năm Tân Cảnh thất thủ, Trung Tá Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn Nhảy Dù, đã thuật lại trong bài "Kẽm Gai Bọc Thây Anh Hùng" như sau:

Khi Đại Tá Đạt ra tới hàng rào, chính Trung Tá Lạc (từ căn cứ Võ Định) là người sau cùng tiếp chuyện với Đại Tá Đạt trên đầu máy vô tuyến. Khoảng hai phút sau khi dứt liên lạc với Đại Tá Đạt, sĩ quan liên lạc pháo binh sư đoàn, tên Hưng, gọi Trung Tá Lạc để báo cáo. Cuộc điện đàm được tóm lược như sau: Đại Tá Đạt vừa bị tử thương, kẽm gai quấn chặt lấy ông, không gỡ ra được. Sau đó, lúc 14 giờ 10, một tiếng nổ long trời ở đầu máy bên Tân Cảnh đã chấm dứt cuộc đàm thoại giữa Trung Tá Lạc và vị sĩ quan pháo binh sư đoàn.

Sau khi mất Tân Cảnh, ngày 25 tháng 4/1972, tướng Ngô Du cho lệnh triệt thoái quân phòng ngự tại các Căn Cứ Hỏa Lực 5 và 6. Trục lộ từ Tân Cảnh về Kontum lúc đó hầu như bị bỏ ngỏ.

Hà Mai Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn