Vẫn nhớ lần cuối gặp anh Ba , mượn cái xem máy của anh để chạy đi chạy lại mua đồ mấy hôm làm triển lãm tại trường đua Phú Thọ. Lúc trả xe bên bến đò, anh Ba trầm ngâm tâm sự.- Anh dạo này giữ gìn cũng không blog gì nữa, vợ mình sắp đẻ, giờ phải đưa đón hai đưa lớn đi học. Lỡ có chuyện gì thì chẳng chăm được gia đình.
Vài tháng sau đó, anh Ba vắng biệt trên giang hồ, sau khi blog bị lấy mất anh cũng không màng. Dường như anh dồn tất cả sức để chăm sóc gia đình của mình, nhất là cháu bé thứ ba sắp chào đời. Chiều hôm bị bắt lúc 3 giờ chiều, anh vẫn nghĩ chỉ là bắt một lúc như mọi khi, anh còn nhắc công an.
- 5 giờ tôi còn có 2 đứa con phải đón đấy.
Không ngờ từ đó đến nay, anh không gặp lại những đứa con mình, kể cả đứa bé mới sinh anh còn chưa kịp đặt tên. Hôm gặp vợ, anh viết dòng chữ cho vợ
- Đặt tên con là Phan Khôi.
Mảnh giấy không đến tay chị Liên, tay công an cầm giơ tờ giấy cho chị đọc qua thấy dòng chữ anh viết rồi thu luôn.
Không biết anh Ba đặt tên cho bé Phan Khôi giống nhà báo Phan Khôi có ý gì trùng nhau không. Cụ Phan Khôi là một nhà báo dũng cảm, trong bất kỳ chế độ nào cụ cũng lên tiếng phản ánh những thói xấu mà chế độ đó sở hữu. Năm 1928 cụ Phan Khôi đã có những bài báo phê phán thói hư, nết xấu của chế độ phong kiến, thực dân trên tờ Đông Pháp Thơi Báo. Sau này cụ Phan Khôi tham gia hoạt động kháng chiến, tuy nhiên khi cách mạng thành công nắm vững quyền lực, số phận những con người hay thích tự do như cụ lâm vào tình cảnh thê thảm, cùng với các bạn của mình như Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Phùng Quán, Quang Dũng....
Tôi thì tin rằng anh Ba muốn gửi gắm cho những người cầm bút một tấm lòng và ý chí như bậc tiền bối Phan Khôi.
Ngày mai bé Phan Khôi tròn một tháng tuổi, chị Liên vợ anh Ba lúc này thật vất vả, vừa chăm bé vừa lo gia đình, công ty của anh Ba từ khi anh bị bắt không người quản lý, chị Liên đành phải tạm ngừng hoạt động công ty. Lo cho bé mới sinh và hai đứa lớn, và cả người chồng đang ở trong tù nữa. Không nói hết chắc hoàn cảnh như vậy thế nào ai cũng hiểu.
Bế cháu Phan Khôi trên tay, nhìn gương mặt thông minh, láu lỉnh của bé, bỗng những dòng thơ mình làm cho Tí Hớn hôm nao ùa về trong tâm trí.
Ngày Con Không Bố
Ngày con hỏi bố đâu ?
Mẹ lau mắt nói bố đi làm con ạ.
Bố đi làm mãi không về mẹ nhỉ?
Làm mẹ buồn mẹ khóc phải không.?
Bố hư thế nhưng mẹ đừng mắng bố
Bố sắp về chỉ tí nữa thôi.
Bố đi làm có lẽ năm năm
Hoặc có thể là mười năm biền biệt
Bố đi làm con đang trong mẫu giáo.
Tí bố về con đã lớp mười hai.
Bố đi làm ở chốn xa xăm
Trong núi đá Ba Sao hay trên đồi Ninh Khánh
Bố đi làm ở lò gạch bãi sông Thao
Hay mỏ than Phú Sơn hình lòng chảo
Bố đi làm rừng Thanh Lâm, Thanh Cẩm
Hoặc Kỳ Sơn, Quyết Tiến, Cổng Trời
Bố nhớ con, bố làm gần Hà Nội
Chỗ Thanh Xuân, Tân Lập, Văn Hòa
Để mỗi tháng vào ngày đã hẹn
Con theo bà hoặc mẹ đến nơi thăm.
Bố đi làm sẽ chẳng có lương
Đỡ đần mẹ nuôi con ăn học
Để con sống trong cái nhìn dè bỉu
Của ” lũ người quỷ ám” thức thời kia (1)
Chúng ném sau lưng con những lời khinh miệt
Bố mày ngu, mày mới khổ thế này.
Cố lên con dù vắng tiếng bố ru
À ơi cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Không có những tối đầy cổ tích
Ai ở hiền ông Bụt sẽ đóai thương
Con phải ngủ thật ngon như có bố
Vẫn hàng đêm đưa tay làm gối con nằm
Ngủ đi con ”Ngủ đi mộng thật bình thường” (2)
(1) Lũ Người Quỷ Ám. Tiểu thuyết của Đốt( 2)''ngủ đi mộng thật bình thường” trích trong bài thơ Ngậm Ngùi thơ Huy Cận( thân phụ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ). Những địa danh trong bài thơ như Phong Quang, Cổng Trời, Lò gạch Sông Thao, Mỏ than Phú Sơn là tên của những trại tù hay còn gọi văn hoa là trại cải tạo.
Không như Tí Hớn, Bé Phan Khôi không biết mặt bố Ba, cũng như bố Ba chưa hề nhìn được mặt bé .
Trở về nhà ngày trong hôm ấy,trên đường về ngẫm cái sự viết blog mới đắng cay làm sao. Những cũng tình nghĩa là bao, mình và anh Ba chỉ biết nhau trên blog, thế mà gặp như anh em thân thiết từ bao giờ. Anh Ba là người chu đáo và tận tình, anh tận dụng thời gian để đưa đón mình đi những nơi mình muốn đến. Anh tính toán cặn kẽ vì thời gian không có nhiều, có lúc anh đưa mình đến nơi, quay về đưa vợ đi khám thai, rồi đưa vợ về quay lại đón mình. Với bất cứ người anh em bạn bè nào gặp khó khăn, anh luôn ở bên cạnh xem giúp được bạn điều gì. Dẫu việc anh làm khiến nhiều kẻ có thế lực thù ghét anh, biết vậy nhưng anh không sờn lòng từ Lê Trần Luật , Nguyễn Ngọc Quang.... với ai, anh Ba cũng tận tâm, hết lòng như vậy.
Lần nào vào Sài Gòn cũng gặp anh Ba, lần này không thấy anh , cảm thấy Sài Gòn bỗng mênh mông lạ thường. Bâng khuâng với lời thơ Quang Dũng
- Bao giờ tôi gặp em (anh) lần nữa.
Ngày ấy thanh bình đất nở hoa.
Anh Ba đang nhắn chị Liên kiếm cho anh cặp kính vì anh không đọc nổi những biên bản làm việc với công an. Chị Liên đều đặn 15 ngày gửi quà cho anh một lần. Anh Hải Điếu Cày thì tự nhiên mấy lần gần đây cháu Dũng con anh mang đồ tiếp tế đến thì người ta không cho nhận mà cũng chẳng nói lý do. Đời vẫn có những chuyện khó hiểu, không có lý do như vậy, và bởi vậy mới có những con người như các anh.
Người Buôn Gió
14-01-2011
Theo Blog Người Buôn Gió
Gửi ý kiến của bạn