BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhân bàn về cuốn văn mẫu "217 đề và bài văn", nghĩ thêm về việc soạn lại bộ sách giáo khoa văn

13 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 988)
Nhân bàn về cuốn văn mẫu "217 đề và bài văn", nghĩ thêm về việc soạn lại bộ sách giáo khoa văn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Suốt nhiều năm ròng dư luận xã hội thể hiện qua các lần họp quốc hội, rồi báo chí đã viết hàng trăm bài vạch ra hệ thống sai lầm của bộ sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học. Đến nỗi năm qua Bộ Giáo Dục phải làm một cuộc chỉnh lý hợp nhất lại mấy bộ sách giáo khoa, trong đó có sách giáo khoa văn trung học. Tuy nhiên, khi bộ sách chỉnh lý hợp nhất in ra lại bị dư luận phê phán trên các phương tiện thông tin đại chúng và ở lần họp quốc hội vừa qua vì SGK vẫn thiếu chuẩn mực. Chính vì vậy, nhà nước đang đầu tư một số tiền cực lớn cho Bộ Giáo Dục & Đào Tạo để soạn lại toàn bộ hệ thống sách giáo khoa, trong đó có SGK môn văn. Để giúp hội đồng soạn sách đang bắt tay làm việc có thể tham khảo, tránh cho việc in ra bộ SGK văn trung học mới lại mắc sai lầm, rồi bị phê phán và phải in lại liên tục như vừa qua, tốn tiền công quỹ, chúng tôi đã viết hàng chục bài báo chỉ ra những cái sai một cách hệ thống trong sách giáo khoa văn trung học chỉnh lý hợp nhất. Lần này, chúng tôi lại cho đăng nhiều bài trên các báo, chỉ ra những cái sai từng bài cụ thể của cuốn văn mẫu dành cho học sinh trung học "217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN " dày 627 trang, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản năm 2000. Cuốn sách này của các vị : GS. Nguyễn Đăng Mạnh ( chủ biên ), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị, Chu Văn Sơn vừa ra đề, vừa tự làm bài văn mẫu. Ba trong số các vị trên là tác giả đang giữ trọng trách nơi việc quản lý môn văn trung học và hội đồng soạn sách giáo khoa văn của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, nên những cái sai của các vị này có thể sẽ lại kéo vào bộ sách giáo khoa văn trung học sắp tới. Bài viết này, thông qua những điều sai trái của cuốn văn mẫu " 217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN ", chúng tôi muốn góp ý về việc soạn lại SGK văn trung học, nhằm tránh cho việc báo chí lại phải mất công phê phán khi bộ sách xuất hiện trong một hay hai năm tới.

Trong tình hình giáo dục xuống cấp như hiện nay, với việc buôn bán bằng cấp hoành hành, nạn dạy và học sai mục đích giáo dục đang có cơ làm hư hỏng hàng loạt thế hệ, nên việc đặt lại nhận thức về việc dạy và học môn văn thiết tưởng là điều hết sức quan trọng. Mở đầu phần "Lời nói đầu " của cuốn văn mẫu "217 đề và bài văn ", người chủ biên cuốn sách viết :"Hiện nay, trong phạm vi nhà trường, để đánh giá trình độ học văn của các em, Nhà nước hầu như chỉ có một phương thức duy nhất là yêu cầu viết một bài văn theo một đề bài nhất định ( tất nhiên trong giới hạn của chương trình môn học). Như vậy, viết được một bài văn có chất lượng, ấy là năng lực có ý nghĩa quyết định nhất đối với các em trên con đường tiến lên từ lớp này qua lớp khác, đặc biệt là qua các kỳ thi hết cấp và tuyển sinh đại học - nói riêng về môn văn ". Có thật " Để đánh giá trình độ học văn của các em, Nhà nước hầu như chỉ có một phương thức duy nhất là yêu cầu viết một bài văn theo đề bài nhất định " hay không ? "Yêu cầu viết một bài văn", một bài thi môn văn thiết tưởng cũng là việc quan trọng trong quá trình học môn văn, nhưng không phải là "phương thức duy nhất" để Nhà nước đánh giá "trình độ học văn của các em " ! Văn học là nhân học, là khoa học và nghệ thuật của tâm hồn con người thông qua vẻ đẹp ngôn ngữ, hình tượng mà nhận thức, cảm hoá thế giới. Do đó học văn cũng là học làm người, là cách tốt nhất để học sinh yêu tiếng mẹ đẻ, yêu văn chương dân tộc là nền tảng của tình yêu Tổ quốc. Nhà nước đâu chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với việc dạy và học văn là để làm một bài tập làm văn, làm một bài thi như tác giả văn mẫu kết luận. Nhà nước, nhân dân kỳ vọng vào các công dân tương lai, vào con em mình thông qua việc học văn, để không chỉ biết viết tốt một bài luận mà quan trọng hơn còn để nuôi dưỡng một tư tưởng, một tình cảm thẩm mỹ đúng đắn, sâu sắc, làm định hướng cho thẩm mỹ văn hoá, đặng đủ sức tiếp nhận bao nguồn mạch nhân văn từ tâm hồn cha ông truyền lại trong văn chương. Đấy mới là mục đích cao cả, thiêng liêng của việc dạy và học văn. Đưa ra tiêu chí "Nhà nước hầu như chỉ có một phương thức duy nhất là yêu cầu viết một bài văn "..."để đánh giá trình độ học văn của các em" là lối giảng dạy sai phương pháp sư phạm, thực dụng chủ nghĩa, mì ăn liền chủ nghĩa, hình thức chủ nghĩa. Nhận thức về việc dạy và học văn cốt học để làm bài tập, cốt để đối phó với thi cử như thế, làm sao chúng ta có thể thực hiện được mục đích của học văn là học làm người như Nhà nước và nhân dân kỳ vọng ?

Từ nhận thức không chuẩn mực dẫn đến phương pháp luận thiếu khoa học chỉ trong một gang tấc. Ấy là việc một số giáo sư, tiến sĩ khá nổi tiếng giảng dạy đại học, hoặc tham gia viết sách giáo khoa, tham gia quản lý bộ môn văn của Bộ Giáo Dục... lại cho ra những tập văn mẫu do chính các thầy ra đề, các thầy làm bài tập làm văn mẫu, dù ghi là bài văn tham khảo, nhưng trên mỗi bài lại ghi rõ là "Bài học" như cuốn "217 đề và bài văn" vừa dẫn trên. Dạy văn cốt ở việc truyền cho các em tinh thần độc lập trong tiếp nhận thẩm mỹ văn chương, hướng cho các em phát hiện ra cá tính sáng tạo trong nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh, biết tự mình tìm ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Đưa ra những bài văn mẫu để làm "Bài học " như cuốn sách trên, chính là phương cách học tủ, học vẹt rất phản sư phạm. Ngay cả với những bài văn mẫu thực sự hay, đúng đắn về kiến thức, hấp dẫn, truyền cảm trong nghệ thuật viết văn thì việc lấy cái bóng của thầy làm nguyên mẫu cũng vẫn lấp hết khả năng độc lập sáng tạo của học sinh. Đằng này, những bài văn mẫu trong cuốn sách trên quả tình còn nhiều phương diện chưa hề mẫu mực.

Chúng tôi đã viết khá nhiều bài đăng trên các báo phê bình từng bài văn mẫu cụ thể trong cuốn "217 đề và bài văn". Điều chúng tôi bất ngờ nhất là việc các tác giả trên tung ra nhiều bài văn mẫu sai ở ngay khâu cơ bản nhất là viết một câu văn tiếng Việt còn nhiều sai sót về tu từ, về ngữ pháp, thiếu trong sáng, rườm rà, lủng củng... là những lỗi chính ra phải được thử thách, sửa chữa ở bậc trung học cơ sở. Chúng tôi có thể lấy rất nhiều dẫn chứng làm bằng, nhưng vì giới hạn của bài báo, chỉ nêu vài thí dụ thôi. Ở trang 543, tác giả viết một câu văn quá lủng củng sau :" Nếu ở "Rừng Xà Nu", NGƯỜI TA THẤY sức sống CỦA Xà Nu là bất diệt, dòng nhựa Xà Nu được truyền lại nguyên vẹn từ NHỮNG cây cổ thụ đến NHỮNG cây non, thì ở NHỮNG con người Xô Man NGƯỜI TA CŨNG THẤY dòng máu Tây Nguyên cũng được truyền lại trọn vẹn từ lồng ngực NHỮNG thế hệ già sang trái tim NHỮNG thế hệ trẻ "( Những chữ hoa nghiêng đậm do TMH nhấn mạnh, là những từ ngữ thừa phải bỏ cho câu văn trong sáng ). Nghĩa là, câu văn trên phải bỏ bớt đi 13 chữ mới thành câu văn đúng văn phạm. Ở trang 557, tác giả viết một câu văn hết sức rườm rà, lủng củng sau :" Nó VỪA là cuốn gia phả, VỪA LÀ MỘT CUỐN LỊCH SỬ, VỪA là bảng vàng ghi công để tuyên dương công trạng, VỪA LÀ một cuốn bia căm thù khắc sâu những món nợ máu với đế quốc, VỪA LÀ một cuốn nhật ký ghi lại những việc hàng ngày, VỪA NHƯ một bản quyết tâm thư cả MỘT đại gia đình, mà nói chung, cuốn sổ này như một thứ biểu tượng về sứ mạng lịch sử ". Câu văn trên phải bỏ bới đi 15 chữ mới thành câu văn trong sáng.

Nhưng có lẽ phần sai về kiến thức, giảng giải không đúng bài trích giảng trong các bài văn mẫu trên mới là điều quan trọng nhất. Bài văn mẫu phân tích bài thơ "Độc Tiểu Thanh ký " của Nguyễn Du của tác giả văn mẫu ở trang 93 hiểu chưa đúng phần lớn bài thơ đã đành, lại đưa ra những kết luận rất sai ví như viết :"Văn chương là vật vô tri, làm gì có số mệnh, định mệnh". Chả là tác giả văn mẫu hiểu sai câu thơ :" Văn chương vô mệnh lụy phần dư ". Câu thơ này phải hiểu như sau mới chính xác : (văn chương của nàng Tiểu Thanh yểu mệnh ( vô mệnh), trước khi chết, nàng đã đốt hết tập thơ của mình, nhưng còn sót lại mấy tờ cũng bị vợ cả đốt mất). Nhưng tác giả văn mẫu, sau khi kết luận tầm bậy " Văn chương là vật vô tri, làm gì có số mệnh, định mệnh", bèn giảng giải câu thơ rất sai như sau :"Ấy vậy mà đối với Nguyễn Du, văn chương cũng có mệnh, cũng biết vương vấn, cũng biết "lụy" trước những nỗi oan khuất của kẻ tài hoa". Ở trang 53, tác giả làm văn mẫu phân tích bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương đã tỏ ra chẳng hiểu gì bài thơ này đến nỗi viết :" "Đến câu tiếp theo không còn là giọng mời chào nữa, mà là một lời mắng hẳn hoi"..."Đừng xanh như lá bạc như vôi". Đúng thế, mời mà như mắng người ta". Người làm bài văn mẫu này còn tỏ ra chẳng hiểu thơ Hồ Xuân Hương khi cho thơ bà là :"Những vần thơ ngang ngược, oái oăm, bằng cái tôi ngông nghênh, kiêu ngạo". Ở trang 135, 137 tác giả văn mẫu còn chưa tha nữ thi hào dân tộc, khi viết về bà như một xúc phạm như sau :"Hồ Xuân Hương tài hoa và ngỗ ngược"..."Đường hoàng khảng định tính cách ngang ngược của mình". Tác giả bài văn mẫu vẫn một giọng áp đặt, lớn lối, xúc phạm hết thi hào này đến thi hào khác của dân tộc là ngang ngược như khi viết về Tú Xương :" Cái giọng điệu vừa xót thương, chua chát, vừa ngang ngược ác khẩu của Tú Xương" (tr. 533). Chưa hết, đến bài phân tích văn Nguyễn Tuân, một lần nữa, tác giả văn mẫu lại dùng hội chứng ngang ngược để ngang ngược hoá văn và đời của văn hào này bằng nhiều kết luận hãi hùng. Đó là những đánh giá ở trang 518, về văn Nguyễn Tuân và đời ông như saù :"văn ngông" "văn nghêng ngang và lan man", "văn suy tôn chính cái tôi ngông ngạo", "văn chơi, văn đùa", "khoe tài, khoe chữ", "gây sự, trêu ghẹo người ta", "lông bông", "cố tình coi khinh những gì người đời cho là quan trọng", "đề cao, thiêng liêng hoá những gì đời cho là tầm thường, xoàng xĩnh"...( tr. 518). Hoặc ở trang 325, tác giả văn mẫu viết về Nguyễn Tuân :" Khẳng định cái tôi ngông nghênh, ngang ngạnh nhưng rất đỗi tài hoa " Những kết luận về văn và đời Nguyễn Tuân như trên quả thực đã giáng vào nhà văn lớn vừa được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu một đòn kinh khiếp.

Cứ với giọng áp đặt, trịch thượng, búa rìu khi bình văn thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Tuân như vừa dẫn trên, tác giả văn mẫu thừa thắng xông lên vùi dập hết nhà văn này đến nhà thơ khác. Nguyên Hồng được tác giả văn mẫu gán cho một thứ chủ nghĩa quái dị là :" Nhà văn của một chủ nghĩa nhân đạo thống thiết "( tr. 335). Văn chương muốn hay phải truyền cảm, tình cảm. Tác giả văn mẫu gán cho sự truyền cảm dạt dào trong thơ Xuân Diệu là tư tưởng, như vậy hoá ra tình cảm là tư tưởng ư :" Niềm mong ước thiết tha và chân thành đó là tư tưởng nổi bật chi phối toàn bộ các sáng tác của ông"..."Một tư tưởng chi phối tất cả, ấy là một niềm khát khao giao cảm với đời ". Ngoài những đánh giá, kết luận sai lạc khi bình văn đầy tràn trong cuốn sách, tác giả văn mẫu còn khá nhiều lần tỏ ra sai về kiến thức như khi các ông nói không đúng về Thơ Đường như sau :"Thơ Đường thiên về tính trừu tượng khái quát, ít khi miêu tả chi tiết cụ thể. Do đó Thơ Đường cũng ít dùng đến những màu sắc cụ thể đập mạnh vào cảm giác người đọc. Thơ Đường thiên về trí tuệ nên thường chỉ gợi liên tưởng chứ ít miêu tả trực tiếp".

Từ cuốn văn mẫu không mẫu mực và hàng loạt bài soạn trong SGK văn trung học sai trái mà hàng trăm bài báo đã phê phán trên báo chí vừa qua, đến nỗi soạn lại thành SGK chỉnh lý hợp nhất vẫn cứ sai chứng tỏ rằng nước ta, hay nói cụ thể ra là Bộ Giáo dục & Đào tạo đang khủng hoảng lớn trong khâu soạn SGK. Việc hàng chục vị giáo sư, vị tiến sĩ soạn SGK văn trung học, khi bị báo chí phê bình là soạn sai, có vị bị phê phán hàng chục bài trên các báo, hầu như không có vị nào trả lời lại công luận rằng họ sai đúng ra sao là một việc không bình thường. Khi báo chí viết cả trăm bài phê bình như vậy, nếu sai thì nhận, nếu thấy chưa thoả đáng thì tranh luận lại. Đằng này, một số vị giáo sư ấy quyết không chịu trả lời báo chí, lại cứ kêu ca rằng báo chí không chịu đăng bài họ phản hồi, kêu gọi tổ chức hội thảo về SGK văn trong ngành giáo dục, nơi hầu như toàn bộ là một kênh với họ. Việc hội thảo công khai trên báo chí là cuộc hội thảo chân chính nhất, nơi thật giả, đúng sai thoả sức phơi bày quyết không có chuyện riêng tư, phe phái, vì trọng tài cuộc tranh luận là toàn bộ xã hội. Nhưng một số vị giáo sư không chịu trả lời công khai, lại cứ muốn hội thảo kín, nơi đa phần các vị giáo viên đều là bạn bè hoặc học trò của họ. Việc vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Nguyễn Minh Hiển đã chân thành nhận sai lầm, thiếu trách nhiệm trong việc soạn SGK văn, tuy đây là hậu quả của vị Bộ trưởng tiền nhiệm , là một cử chỉ chân tình, thiện chí, rất đáng biểu dương.

Theo chúng tôi, Bộ Giáo Dục không chỉ thành lập một Uỷ ban, một Hội đồng tu thư, mà quan trọng nhất là khâu nhân sự. Với những vị tham gia soạn SGK văn trung học mắc nhiều sai lầm, soạn lần nào sai lần ấy thì dứt khoát không mời soạn sách. Chả lẽ, nước ta không còn người tài để soạn SGK văn hay sao mà quanh đi quẩn lại mấy chục năm cũng chỉ mấy vị ấy? Tại sao không mời một số thầy dạy văn giỏi trung học tham gia soạn SGK văn ? Điều quan trọng không kém là cần phải có Hội đồng duyệt SGK có trình độ, vừa công tâm thiện chí. Một bộ SGK văn trung học ĐÚNG và HAY sẽ là tiền đề kéo các thế hệ học sinh từ cõi chán chường môn văn về lại niềm hứng khởi mới ban đầu .,.

Trần Mạnh Hảo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn