BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73333)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Văn mẫu" thời nay và những khái quát văn học thiếu gương mẫu

13 Tháng Bảy 200012:00 SA(Xem: 848)
"Văn mẫu" thời nay và những khái quát văn học thiếu gương mẫu
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Mấy năm gần đây, ở ngành giáo dục, trong chương trình giảng dạy văn học, rộ lên phong trào các thầy, các giáo sư, các tiến sĩ tung ra hàng chục cuốn "văn mẫu" dành cho học sinh trung học học gạo, học tủ để đi thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Chính một số vị giáo sư, tiến sĩ tự ra đề văn, tự mình viết bài văn mẫu, dù có ghi là tham khảo nhưng vẫn thấy đề trên từng bài là "bài học ". Những bài văn do các thầy nổi tiếng với học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ viết ra để thành bài học cho học sinh đi thi thì đích thị là những bài văn mẫu rồi. Đưa ra văn mẫu có phải là một phương pháp sư phạm hợp lý chăng? Hay nó che lấp mất mọi khả năng sáng tạo độc lập của học sinh trong tiếp nhận thẩm mỹ văn học, không cho các em tìm kiếm lối viết văn riêng của mình? Dạy văn học mà tìm cách lấp hết lối sáng tạo của học sinh thì còn gì văn chương nữa ? Một trong những cuốn văn mẫu vừa được NXB Đại học quốc gia Hà Nội tái bản năm 2000 với số lượng lớn, dày 627 trang :" 217 ĐỀ VÀ BÀI VĂN" của các vị : GS. Nguyễn Đăng Mạnh( chủ biên), TS. Đỗ Ngọc Thống, TS. Hà Bình Trị, Chu Văn Sơn. Trên một số tờ báo, chúng tôi đã phê bình từng bài văn mẫu không làm gương trong hành văn, trong nghệ thuật tu từ, trong ngữ pháp, trong những kết luận sai sót nơi cuốn sách trên. Nay chúng tôi xin nêu ra những bất cập của bài văn mẫu " Ôn tập môn văn học Việt Nam cuối lớp 10" in từ trang 130 đến trang 137 sách đã dẫn . Đề văn như sau :" Truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam đã phát triển thành một trào lưu mạnh mẽ với nhiều thành tựu rực rỡ vào nửa cuối thế kỷ thứ XVIII và nửa đầu thế kỷ thứ XIX. Em hãy giải thíchchứng minh hiện tượng trên dựa vào những điều đã được học về thời đại về sáng tác của Phạm Thái, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du".

Câu thứ nhất của đề văn trên còn có điều không ổn :" Truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam...". Phải bỏ đi từ "chủ nghĩa" thì mệnh đề trên mới chính xác. Truyền thống nhân đạo, thương người vốn dĩ là một chủ đề lớn vào bậc nhất của văn học Việt Nam từ văn chương bình dân đến văn chương bác học. Còn chủ nghĩa nhân đạo ( Humanism ), hay chủ nghĩa nhân văn là một khái niệm mang tính hệ thống đặc thù phương Tây thời Phục Hưng từ thế kỷ thứ XIV -XVI, đòi giải phóng tư tưởng và tình cảm con người thoát khỏi ràng buộc của thời phong kiến, thoát khỏi sự nô lệ vào định mệnh thần quyền Thiên Chúa giáo. Văn học phương Đông và văn học Việt Nam xưa hoàn toàn không có khái niệm về chủ nghĩa nhân đạo, chỉ có truyền thống nhân đạo mà thôi. Do đó việc áp đặt khái niệm chủ nghĩa nhân đạo lên thời kỳ rực rỡ nhất của văn học Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ XVIII - đầu thế kỷ thứ XIX như đề văn trên là không đúng. Câu thứ 2 của đề văn trên còn phải bỏ đi hai lần từ "và", thay bằng hai dấu phảy mới khỏi bị rườm rà, lủng củng. Đã viết văn mẫu cho học sinh học thì trước nhất tác giả phải làm gương từ chuyện hành văn, việc giữ cho câu văn đúng ngữ pháp. Xin lấy một ví dụ ở trang 133 về câu văn thiếu chủ ngữ :" Nhưng qui mô và toàn diện hơn cả là bản án Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du". Cái gì "qui mô và toàn diện hơn cả " ?

Tác giả bài văn mẫu này quả tình đã hiểu rất sai tinh thần thi ca Hồ Xuân Hương khi viết :"...Hồ Xuân Hương tài hoa và ngỗ ngược ". Hồ Xuân Hương "tài hoa" thì không ai cãi; nhưng khi bảo bà "Ngỗ ngược" phải chăng là muốn ca ngợi bà ? Qua thi ca, ta biết Hồ Xuân Hương bề nổi có vẻ như là một người đàn bà có cá tính mạnh, hay cười cợt, châm chọc thói hư tật xấu thiên hạ. Nhưng bên trong thực chất Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ đau khổ, cô đơn tột cùng không chỉ trong khát vọng về hạnh phúc lứa đôi. Bà cười nấc lên thành tiếng khóc thi ca. Bảo bà "ngỗ ngược"như bài văn mẫu dạy học sinh trên tức là bảo bà không coi ai ra gì, bất chấp phải trái, hỗn hào, gàn bướng, vô giáo dục như một mụ diều tha, quạ mổ, mất hết nữ tính, nhân tính. Trước khi dẫn bài thơ "Mời trầu" là bài thơ thể hiện sự dịu dàng nhất, trữ tình nhất, khiêm nhường, tha thiết, cô đơn nhất của bà, tác giả bài văn mẫu không chỉ hiểu sai hoàn toàn tinh thần bài thơ, mà còn tiếp tục thoá mạ "bà chúa thơ Nôm" như sau :" Đường hoàng khẳng định cá tính ngang ngược của mình như một thách thức đối với xã hội phong kiến ". Một thi hào dân tộc, một người đàn bà cười ra nước mắt bằng thơ như Hồ Xuân Hương, sao lại bị tác giả bài "văn mẫu" thoá mạ đến nỗi phong cho cá tính bà là "ngang ngược"một cách ngang nhiên như thế ? Hồ Xuân Hương - người đàn bà cao sang bậc nhất thi đàn Việt Nam chứ phải đâu là quân trốn chúa lộn chồng, du côn du đãng mà gán cho bà là "ngỗ ngược", "ngang ngược" như bài văn mẫu kia ?

Có lẽ các tác giả cuốn văn mẫu không hiểu nổi thơ Hồ Xuân Hương nên mới xúc phạm đến bà cỡ đó. Ai là người từng đọc bài " Đền Sầm Nghi Đống" cũng biết là Hồ Xuân Hương chửi xỏ tên tướng giặc xâm lăng. Nhưng tác giả bài văn mẫu này không hiểu ra được điều đơn giản ấy, lại đưa ra một câu bình sai hết tinh thần bài thơ :" Đối lập với quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ, nữ sĩ đặt mình không phải ngang hàng, mà lên trên những đấng nam nhi". Hồ Xuân Hương có thèm coi tên tướng giặc xâm lăng kia là "đấng nam nhi " đâu mà so sánh" ngang hàng" trên dưới với hắn. Đấy là bà chửi xéo, nói mỉa, diễu cợt cái chí "làm trai" của các vị bại tướng xâm lăng :" Ví đây đổi phận làm trai được / Thì sự anh hùng há bấy nhiêu !". Rằng "làm trai" gì lũ mày, "anh hùng" gì lũ mày(!) Quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống chỉ huy kéo sang đây cướp nước bị vua Quang Trung đánh cho tan tác, chạy thục mạng, bị giết cả đại tướng, còn "anh hùng "nỗi gì, "nam nhi " nỗi gì để Hồ Xuân Hương thi tài cao thấp ? Thi ca có nghĩa bóng, nghĩa đen, dẫu có lúc nói vậy mà không phải vậy. Phân tích thơ mà không biết tìm ý nghĩa bên trong của hình tượng thơ, dẫn đến sự hiểu sai như trên thì quả là tai hại.

Chúng ta đều biết chế độ phong kiến Việt Nam hình thành từ khi Ngô Quyền giành lại độc lập dân tộc, kéo dài suốt Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn, cho tới khi Pháp xâm lược, hay nói cho chính xác đến năm 1945. Các triều đại phong kiến Việt Nam lúc thịnh suy khác nhau, nhưng triều đại nào hầu như cũng có công lớn với đất nước trong việc giành và giữ độc lập dân tộc, tuy cũng có khi suy thoái gây nhiều khổ đau cho nhân dân, gây nội chiến nhồi da xáo thịt như cuộc chiến Lê- Mạc, Trịnh- Nguyễn. Các anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng...đều mang hệ tư tưởng phong kiến. Các thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm tới Tú Xương, Nguyễn Khuyến cũng đều do hệ tư tưởng phong kiến sinh ra. Phong kiến Việt Nam kéo dài cả nghìn năm chính là ông cha, là lịch sử là văn hoá dân tộc. Tất nhiên, ý thức hệ phong kiến còn nhiều hạn chế nếu dùng thế giới quan hiện đại hôm nay để đánh giá. Nhưng chúng ta phải nhìn nền chính trị phong kiến Việt Nam bằng cái nhìn duy vật lịch sử, nghĩa là cần phải khách quan, phải gắn với tinh thần khoa học, không áp đặt quan niệm hôm nay vào ngày qua, không chụp mũ lịch sử, vơ đũa cả nắm. Tinh thần gạn đục khơi trong chính là tinh thần nhân đạo Việt Nam truyền lại từ thời ông cha, từ thời phong kiến :" Thân tàn gạn đục khơi trong / Là nhờ quân tử khác lòng người ta " (Kiều ). Cho nên, khi đánh giá lịch sử, chúng ta cũng nên học theo tinh thần câu Kiều này để mang khí chất "quân tử khác lòng người ta " mà "gạn đục khơi trong " quá khứ .

Chúng tôi xin trích ra đây những khái quát vơ đũa cả nắm, phủ nhận sạch trơn hết cả nghìn năm văn hiến cha ông thời phong kiến của bài văn mẫu này như sau :" Cái gọi là tam cương, ngũ thường của đạo lý phong kiến, lâu nay vẫn chi phối tinh thần của con người, chỉ là giả dối, là trái với tự nhiên và lòng người "... "...Đánh vỗ mặt vào những "hiền nhân quân tử " vốn là linh hồn và bộ mặt cao đạo của chế độ phong kiến, vạch trần bản chất dốt nát và đạo đức giả của chúng... "..." Chế độ phong kiến đã trở nên hết sức thối nát và tàn bạo... "... Tuy có những hạn chế lịch sử về thế giới quan và nhân sinh quan Nho giáo ví như coi thường phụ nữ, trọng cổ hơn kim, trung quân mù quáng...nhưng những thành tựu lớn nhất của 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam là giành và giữ được đất nước, trừ nhà Nguyễn để mất nước vào tay quân Pháp. Cha ông ta đã nêu cao đạo lý yêu nước thương nòi, lấy dân làm gốc, xây dựng nên nền văn hoá Việt Nam rất đỗi rực rỡ, tự hào, sinh ra hàng loạt anh hùng và thi sĩ ... là những mặt tích cực không thể phủ nhận. Không, đạo lý phong kiến của ông cha nghìn năm vẫn dạy làm người phải giữ : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, "thương người như thể thương thân", "bầu ơi thương lấy bí cùng " là hết sức nhân bản, đâu có "giả dối", có "trái với tự nhiên", "tàn bạo, dốt nát", "đạo đức giả" như bài văn mẫu này chụp mũ .

Nếu với những áp đặt phi khoa học, lên án thậm tệ ý thức hệ phong kiến, phủ nhận tất cả những mặt tích cực của ông cha như thế, thử hỏi làm sao "giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc"như nghị quyết Trung Ương từng chỉ ra, làm sao dạy đúng được tinh thần nhân văn thơ Lý Trần, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ ...?

Trần Mạnh Hảo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn