Khi đã biết đọc, biết viết một cách thành thạo, trẻ sẽ rất ham đọc sách. Vì chúng mong muốn được tìm hiểu thế giới bí ẩn qua trang sách, bởi còn rất nhiều điều thú vị chúng chưa biết mà giờ chúng háo hức muốn biết. Ở tuổi này, trẻ đã có khả năng lý luận và hiểu được những gì chúng đọc. Sở thích đọc này của trẻ cần phải có sự động viên và ủng hộ của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải chọn lựa và khuyên bảo con nên và không nên đọc những loại sách gì. Đối với lứa tuổi 6 - 7 thì chưa nên đọc truyện phức tạp mà chỉ nên đọc truyện tranh, báo Nhi đồng, các loại sách học ở lớp và những sách có liên quan đến việc học tập của các em.
Ham mê đọc sách cũng là một trong những biểu hiện của sự ham học hỏi. Nhưng không nên để các em quá lạm dụng vào việc này, mất quá nhiều thời gian sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Nhiều khi cha mẹ không thật chú ý đến điều này, cho nên nhiều em đã ham mê đọc truyện tranh hơn cả học bài. Truyện tranh là thể loại mà hầu hết tuổi thiếu nhi rất ham thích, nhưng chỉ cho các em được phép đọc vào thời gian rảnh rỗi. Còn thời gian học bài thì tuyệt đối không được đọc sách truyện. Hãy coi việc đọc truyện tranh là một phần thưởng giải trí cho các em sau khi đã hoàn thành tốt bài vở ở lớp.
Không phải đứa trẻ nào cũng thích đọc sách ngay từ nhỏ, thậm chí có em rất lười đọc. Học ở lớp, nghe bài giảng của thầy cô thôi chưa đủ, mà còn phải đọc lại bài sau khi về nhà. Vậy nên việc đọc sách trước và sau khi đến lớp cũng là một cách tự học rất tốt cho các em. Cha mẹ cần động viên vào tạo dựng cho con trẻ thói quen này ngay từ khi còn nhỏ.
Đọc cho vui và đọc để học khác nhau như thế nào? Hãy dạy cho trẻ biết phân biệt giữa việc đọc một quyển sách cho vui, để giải trí với việc đọc sách học. Giải thích cho trẻ hiểu, việc đọc giải trí có thể đọc một lần, còn đọc để học thì phải đọc nhiều lần và đọc rất nhiều. Vì mục đích của việc đọc để học là chuyển những kiến thức trong sách đó vào đầu và ghi nhớ lại. Hãy dạy con trẻ cách học trong sách. Giai đoạn thứ nhất là chuẩn bị: trẻ phải có cái nhìn tổng quát về chương học và bài học. Bạn hãy chỉ cho trẻ cách làm, sau đó dạy trẻ hãy đọc đến tiêu đề, hiểu rõ chương này chia làm mấy phần. Sau đó sẽ đọc chi tiết và cần ghi nhớ những điều quan trọng.
Nếu trong sách có bản đồ, sơ đồ thì phải quan sát cẩn thận để hiểu bài hơn. Nếu có những câu hỏi hay tóm tắt cuối chương thì nhắc trẻ phải đọc cho thật kỹ. Đó chính là những nội dung chủ yếu được tóm tắt lại.
Sau đó, dạy cho trẻ cách đọc để học, để ghi nhớ chứ không phải chỉ đọc cho vui. Đọc sách chính là cách tự tìm hiểu và lĩnh hội tri thức tốt nhất. Cần phải đọc một cách chủ động, có thể dạy trẻ dùng bút chì gạch dưới những câu quan trọng cần ghi nhớ. Đó cũng là một cách đọc sách giúp ghi nhớ nội dung rất tốt. Mỗi lần đọc một chương hay một cuốn sách, cha mẹ có thể hỏi và trao đổi với trẻ để trẻ có thể ghi nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, ở tuổi tiểu học thì chưa nên bắt các em đọc những loại sách quá dày và chi chít chữ. Lựa chọn các em những loại sách tham khảo dành cho lứa tuổi của các em, nó phù hợp với khả năng hiểu biết của tuổi các em.
Không phải đứa trẻ nào cũng có thú vui đọc sách, đôi khi còn rất lười. Cha mẹ cần phải giúp con trẻ tạo dựng hứng thú với sách báo ngay từ khi chưa biết đọc. Điều đó sẽ kích thích trí tò mò, ham tìm hiểu của các con. Lựa chọn những sách phù hợp với từng lứa tuổi để các con không nhàm chán. Cũng cần phải nghiêm khắc với trẻ trong việc đọc sách. Vì đôi khi chúng ham đọc truyện tranh hơn đọc sách học.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319 Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn