BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vài cảm nghĩ nhân ngày 30 tháng Tư

27 Tháng Tư 20226:44 SA(Xem: 479)
Vài cảm nghĩ nhân ngày 30 tháng Tư
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Người Việt đã lưu lạc đến những phương trời xa lạ, tận châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, châu Á, và nhất là Trung Quốc lẫn Ấn Độ, từ trăm năm đến cả ngàn năm qua. Nhưng chưa bao giờ số người Việt lưu vong nhiều như bây giờ. Và ngày càng gia tăng.

Sống xa quê hương mà vẫn còn giữ được truyền thống và bản sắc dân tộc, đặc biệt là ngôn ngữ, là điều quý hiếm, nhất là đối với thế hệ thứ hai và ba trở đi.

Gần 47 năm kể từ 30 tháng Tư năm 1975, người Việt lưu vong đã rất thành công về nhiều mặt, nhất là ở khía cạnh cá nhân, nhưng bên cạnh đó cũng đối diện với nhiều thử thách lớn, nhất là ở khía cạnh tập thể. Một, nạn phân hóa trong hoạt động nhóm, cộng đồng. Hai, thế hệ kế thừa phần lớn xa lánh hay chưa đủ tích cực để nhận lãnh trách nhiệm chung. Ba, các hoạt động chính trị để thay đổi Việt Nam thiếu sự liên minh, phối hợp điều hướng và không tạo được sự ảnh hưởng đáng kể lên vấn nạn độc tài tại Việt Nam.

Đầu tiên, về nạn phân hóa, những đảng phái chính trị, tổ chức hội đoàn, và Cộng Đồng (tức Ban Điều Hành các tổ chức cộng đồng người Việt) lần lượt chia năm xẻ bảy. Gần 47 năm sau, hiếm có một tổ chức nào vẫn còn nguyên vẹn. Thực ra, bất đồng ý kiến đưa đến phân rã cũng là điều bình thường trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội dân sự đối với mọi sắc dân, không riêng gì người Việt Nam. Cái khác ở đây, mà có thể tránh hay giảm thiểu phần nào, theo tôi là ba yếu tố sau. Một, phần lớn các tổ chức đều thiếu những yếu tố cấu thành của thiết/định chế (institution). Vì thế nên khi có bất đồng mà không giải quyết một cách hợp tình hợp lý, không công bằng và minh bạch, nó có nguy cơ gây phân rã. Hai, quy trình lấy quyết định hay giải quyết công việc chung có khi quan trọng hơn chính quyết định hay kết quả đưa ra. Những tổ chức có nền tảng thiết chế sẽ cố gắng xây dựng những giá trị của mình thành văn hóa để ăn sâu vào trong cách cư xử và hành động. Các tổ chức Việt Nam nên tìm hiểu và học hỏi từ phương thức điều hành và giải quyết xung đột. Ba, cách giao tiếp (communication) giữa người Việt dễ có vấn đề với nhau. Trong khía cạnh này, nó bao gồm cả cảm xúc, từ ngữ sử dụng, khả năng tự chủ (self-control), cộng với thói quen không nói thẳng nói thật mà nói quanh co, hay nói xấu sau lưng, cũng như tung tin đồn nhảm. Những tính cách này dẫn đến tình trạng nghi kỵ lẫn, gây tổn thương cho nhau, rồi coi nhau như kẻ thù nghịch. Mặc dầu những sự bất đồng ban đầu không lớn đến độ không thể ngồi xuống lắng nghe và giải quyết với nhau.

Kế đến, về thế hệ kế thừa, nhìn một cách tổng quát thì hiện nay giới trẻ Việt Nam tham gia chính trị vào dòng chính mạch tại Mỹ, Úc, Canada, có vẻ thành công hơn là tham gia vào sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam. Ngoài thành công phần nào về hoạt động chính trị, càng ngày càng cho thấy, giới trẻ Việt Nam đang đi những bước vững chắc vào nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hay từ thiện v.v… Đây là điều rất tích cực và đáng hãnh diện. Nhưng sự tham gia của họ trong cộng đồng Việt Nam rất giới hạn. Điều này làm cho chúng ta đặt câu hỏi vì sao người trẻ Việt Nam, có tài năng và nhiệt huyết, lại không mặn mà hay tránh tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng người Việt? Theo kinh nghiệm lẫn quan sát của tôi, nhất là qua một thời gian dài làm việc với người trẻ, tôi cho rằng ba yếu tố về thiết chế, quy trình và giao tiếp mà đã nói ở trên đã ảnh hưởng nhiều lên việc tham gia và sự cam kết của giới trẻ trong các hoạt động cộng đồng Việt. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là tính cách dân chủ trong sinh hoạt. Người trẻ không thấy rằng ý kiến của mình, hay cá nhân mình, được tôn trọng trong môi trường hoạt động của người Việt.

Ba, với căn cước tị nạn, điều tự nhiên là nhiều tổ chức hội nhóm và cộng đồng Việt Nam đã hoạt động chính trị mạnh mẽ kể từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 với ước mong thay đổi Việt Nam. Nỗ lực liên minh giữa các tổ chức cũng có, nhưng cho đến nay cũng chỉ giới hạn và ngắn hạn. Chiến lược đường dài, và nhân sự chuyên môn để thực hiện, khá khan hiếm. Trong công cuộc này, biết người biết ta là điều vô cùng quan trọng. Đánh giá đối thủ không chính xác hay đánh giá khả năng của chính mình một cách sai lệch, tự ti hay tự cao, đều có hệ quả của nó.

Ngay cả cho đến gần đây, một số người, kể cả vài nhà hoạt động tại Việt Nam, lạc quan cho rằng chế độ cầm quyền sớm muộn gì cũng phải sụp đổ. Một lý do phổ biến thường đưa ra là mức nợ của nhà nước Việt Nam. Có người biện luận nhà nước Việt Nam đang nợ nần chồng chất và ngày càng gia tăng, nên mức nợ cộng với nạn tham nhũng tàn phá sẽ không thể duy trì được chế độ, như bài viết của Nguyễn Vũ Bình vào tháng 11 năm 2016. Nếu vậy thì khả năng Nhà nước Nhật sụp đổ phải là cao nhất, vì tỷ lệ nợ quốc gia so với tổng sản lượng GDP của Nhật là trên 200% từ nhiều năm qua. Khả năng Nhà nước Mỹ sụp đổ cũng cao v.v… Theo Statista thì năm 2021, tỷ lệ này của Nhật là 256.86%, và sẽ còn trên 250% đến năm 2026. Việt Nam thì nợ quốc gia là 174.46 tỷ năm 2021, và đến năm 2026 thì ước đoán lên đến 291.58 tỷ. Tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP thì năm 2021 là 47.8% và năm 2025 là 45.25%. Như thế, tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP của Việt Nam thuộc hạng rất thấp so với đa số các nước khác.

Nhưng cho dầu tỷ lệ đó cao đi nữa, nó chưa phải là lý do duy nhất hay trọng yếu làm sụp đổ một chế độ.

Hiện nay nhà nước Việt Nam đang tập trung vào phát triển kinh tế, ổn định xã hội, và có lẽ chủ trương dần dần chuyển đổi chính trị một cách tiệm tiến theo quy trình và chủ động của họ. Theo Ngân hàng Thế giới thì với mức phát triển trung bình khoảng 5%, trong 25 năm tới, Việt Nam mong muốn đạt được nền kinh tế với mức thu nhập cao (dù chỉ là thấp trong vòng cao đó, lower high income economy). Về mặt chính trị và xã hội, lực lượng dân chủ và xã hội dân sự chưa đủ mạnh để có thể thách thức chế độ hiện nay, tuy vấn nạn và hệ quả từ chính sách và cung cách cầm quyền của chế độ có rất nhiều bất cập và tai hại. Trong hai năm qua, nhà cầm quyền tiếp tục chủ trương bàn tay sắc đối với tất cả những nhà hoạt động dân sự, từ những người hoạt động dân chủ đến làm báo đến môi trường. Không gian xã hội dân sự ngày càng bị xiết lại. Chỉ trong năm 2021, chế độ đã kết tội 32 người bất đồng chính kiến và kết án 26 người khác vì quan điểm chính trị. Hiện có hơn 150 tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhưng chế độ sẵn sàng chấp nhận sự phê phán của những tổ chức nhân quyền và các chính quyền dân chủ, từ Mỹ Anh Úc đến Liên hiệp Âu châu. Họ tính toán rằng nếu nới lỏng không gian này, một lúc nào đó họ sẽ không còn khả năng kiểm soát. “Giết từ trong trứng nước” hay “giết lầm còn hơn bỏ sót” vẫn là chủ trương không thay đổi.

hochiminhvidai
Dân chủ hóa cũng là con đường và tiến trình để gỡ bỏ những cái xấu, cái không hiệu quả. Hình minh họa.


Hoàn toàn chưa có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ từ bỏ độc đảng và chuyển đổi sang dân chủ.

Một cách khách quan, dựa trên những thông tin dữ kiện đang có hiện nay, các hoạt động của người Việt trong và ngoài nước nhằm tác động lên tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam trong thời gian qua là không đáng kể.

Muốn có tác động và tạo thay đổi, trước hết là nhu cầu phải cải tổ chính mình. Bắt đầu bằng tư duy, rồi hành động. Sau đó là nhu cầu cần cải đổi quan hệ một cách sâu sắc với các tổ chức bạn và cộng đồng quốc tế.

Nói một cách ngắn gọn, trong vòng ba chữ, là “dân chủ hóa”. Nó là chìa khóa cho quan hệ “ta bạn thù”. Dân chủ hóa sẽ giúp cho tổ chức mình mạnh hơn, liên minh được với các tổ chức bạn. Như vậy, chúng ta mới có thế và lực để đối diện với thù. Dân chủ hóa cũng sẽ là yếu tố nền tảng để hóa giải, một phần lớn, nạn phân hóa và vấn đề thế hệ kế thừa, như có trình bày trên. Khi đã cải tổ chính tổ chức của mình (nếu không thì cũng bị đào thải như nhiều đảng chính trị đã có tại Việt Nam trước đây), và chịu ngồi lại với nhau trong thế liên minh chung, nó vừa là thử thách vừa là cơ hội để làm quen môi trường đa nguyên dân chủ, với bao tiếng nói quan điểm khác biệt. Một khi thế và lực từ liên minh các tổ chức với nhau, trong lẫn ngoài nước, được hình thành và phát triển, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy và áp lực chế độ cầm quyền. Lẽ ra xây dựng thế liên minh phải được thực hiện lâu rồi, nhưng thà bây giờ còn hơn là sau này. Khi đã bỏ lỡ cơ hội, vực dậy tinh thần là việc làm khó khăn. Nếu như tiếp tục trong tình thế hiện nay, mỗi tổ chức cứ hoạt động riêng lẽ, thì hiệu quả rất giới hạn và sự mỏi mệt qua thời gian sẽ không gặt hái được như thành quả mong đợi.

Dân chủ hóa cũng là con đường và tiến trình để gỡ bỏ những cái xấu, cái không hiệu quả. Trong văn hóa dân chủ đích thực, những sai lầm hay những việc làm vô hiệu quả sẽ được chỉnh sửa. Nó là cơ hội để xác định lại nguyên tắc, giá trị, mục đích và nhiệm vụ của mình. Thay đổi tư duy và tự làm mới mình để thích hợp với bối cảnh mới là cần thiết. Hiểu rằng chế độ cầm quyền tại Việt Nam hiện nay chưa bao giờ là cộng sản, và sẽ không bao giờ là cộng sản. Vì vậy, việc chống cộng, và chống một cách mù quáng, cuồng nhiệt có khi lại đi sai mục đích, đi lầm đường. Từ trước đến nay nhà cầm quyền Việt Nam luôn luôn là một chế độ độc tài toàn trị, không chấp nhận hay chia sẻ quyền lực với bất cứ ai. Để chống cộng, chỉ có thế lực dân chủ và con đường dân chủ hóa mới đủ khả năng và chính nghĩa để huy động sức mạnh hầu thay đổi. Trên bình diện thế giới, Mỹ và khối tự do đã chiến thắng độc tài toàn trị Liên Xô. Trên bình diện quốc gia, các nước Đông Âu đã chiến thắng những chế độ cầm quyền độc tài toàn trị bên trong nước mình. Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan là những ví dụ thành công điển hình. Xu hướng độc tài sẽ trở lại, bằng cách này hay cách khác, để thách thức dân chủ, cho nên chỉ khi nào mầm mống dân chủ thật sự vững chắc thì mới đứng vững lâu dài.

Việt Nam cũng phải đi qua con đường này để dân chủ hóa hầu canh tân Việt Nam.

Bởi vì không thể chống độc tài toàn trị bằng tư duy độc tài toàn trị khác. Nó vừa phản khoa học và vừa phản tác dụng.

Phạm Phú Khải

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/v%C3%A0i-c%E1%BA%A3m-ngh%C4%A9-nh%6543876.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn