15.- Địch Phóng Loa – Ta Chiêu Hồi.
Ngày N+8 : Ban ngày ba bữa ăn chính, bằng đạn pháo tổng cộng vài trăm quả đủ loại, và vài lần pháo lẻ tẻ vài mươi quả. Nghe đạn pháo kích nổ mãi rồi cũng quen tai.
Hễ có tiếng đề-pa thì lính ta chạy vào hầm gần đó ẩn nấp. Nổ xong thì lại tiếp tục làm việc hoặc đi lại ngoài trời.
Ban đêm, biết ta không còn có Spector lên vùng nữa, thì các “Vẹm cái” lại bắt loa kêu gọi đầu hàng.
Không biết mấy con Vẹm “cái” này sinh ở tỉnh nào của “miền Bắc điêu tàn”, mà cứ kêu SQ, HSQ, và Binh Sĩ hãy bỏ “súng, đàn” xuống đầu hàng đi, sẽ được “Cách màng” khoan hồng.
- “Đ.M làm gì có “đàn” ở đây mà kêu bỏ”, một anh lính Kinh trẻ chửi đổng như thế !
Viên Thiếu Úy Trưởng Ban 5 Tiểu Đoàn vốn là người Bắc giải thích :
- Chắc hẳn các cô này là người vùng Nghệ-Tĩnh, giọng nói rất khó nghe, những chữ có dấu “nặng” họ nói thành dấu “huyền”. Đây là súng, “đạn” họ nói thành súng, “đàn”.
Nghe Thiếu Úy Đức Trưởng Ban 5 của Tiểu Đoàn, giải thích cho người lính trẻ, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng trong hầm Truyền Tin mĩm cười, sực nhớ có lần đọc được một bài báo nói về hai câu thơ Kiều :
…Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo…
Đây là hai câu thơ nói về Từ Hải. Trong báo giải thích đại khái (quên tên báo và tên tác giả !) rằng : Dùng chữ “quen thói” ở đây, là làm ô trọc đi cái hình ảnh anh hùng tráng chí của Từ Hải.
“Thói” là để chỉ những thói quen xấu xa, như quen thói cờ bạc, quen thói rượu chè, quen thói điếm đàng…
Chứ Từ Hải là một bậc anh hùng, đâu phải là những phường đầu đường xó chợ, mà dùng chữ “thói” như thế.
Ở đây là : Giang hồ “quen thú” vẫy vùng, tam sao thất bản thành “quen thói”, làm nhẹ thể đi cái anh hùng đội trời đạp đất của họ Từ.
Còn câu dưới là “gươm đạn” chứ không phải gươm đàn ! Tác giả trong bài báo giải thích, là ở vùng Nghệ-Tĩnh có một loại cung bắn bằng “viên đạn” thay vì bắn bằng mũi tên (?).
Người ta gọi đó là “cung đạn”, nhưng người vùng đó khi nói chữ có “dấu nặng” thành “dấu huyền”, cho nên cung đạn thành “cung đàn”.
Ở câu Kiều này có ý mô tả Từ Hải trên vai mang cung bắn bằng đạn, và một tay cầm gươm, san bằng những nỗi bất công của trò đời.
Nguyễn Du vốn là người Nghệ-Tĩnh nên viết là “gươm đạn”. Khi những người ở xứ khác đến vùng này, nghe dân địa phương ngâm Kiều thì tưởng là “Gươm đàn”…
Sự giải thích của tác giả trong tờ báo đó, về câu trên thì có thể cho là đúng.
Nhưng câu “gươm đàn…” này, lúc đó đọc thì vẫn chưa cho là hợp lý lắm, vì người đọc là dân miền Nam chưa từng sống ở vùng Nghệ- Tĩnh.
Còn nói là Tử Hải là một trang anh hùng tài tử, một tay cầm gươm, một tay gãy đàn mà đi đoạt thành phá lũy… thì cũng có phần khiên cưỡng đó chăng ?
Có lẽ sự mĩm cười nói trên, là điều khoái chí, khi nghe chính các cô Vẹm người Nghệ-Tĩnh nói đến hai chữ “súng đàn” này… mà liên tưởng đến hai chữ “gươm đàn” kia vậy.
Tiếp theo mấy giọng Vẹm cái kêu đầu hàng, lại đến tiếng nói của Trung Sĩ Thanh cũng kêu gọi đầu hàng.
Tiếng của anh ta lần này có giọng hơi khàn vì cảm lạnh, chắc chắn là anh ta đã bị tra tấn rất nhiều…
Các đồng đội người Kinh trong trại, đang rơi nước mắt thương cho số phận của anh.
Nhưng rồi chợt nghĩ đến hoàn cảnh đang bị giặc Cộng bao vây như thế nầy, mà cũng chạnh thương mình !
Có điều là đêm nay chỉ nghe bọn Vẹm phóng loa kêu đầu hàng, chứ không có pháo kích hoặc tấn công.
Toàn bộ quân nhân các cấp nằm ngoài giao thông hào, chờ quyết chiến nếu địch tấn công, cũng tùy cơ chia nhau người ngủ người canh giặc, vì thế mà cũng đỡ mệt phần nào.
Cũng đêm hôm đó, Tiểu Đoàn Trưởng bàn với Trung Sĩ I Đức cố tìm cách phóng loa phản tuyên truyền, bằng cách kêu gọi bọn Vẹm chiêu hồi.
Trung Sĩ I Đức cho biết, là trong kho còn có “cặp loa” do Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ để lại, nhưng hệ thống phát thanh đã bị hư.
Đức sẽ tìm cách phục chế, và dùng máy Cassette của riêng anh phát thanh một cuộn băng, mà trong đó có bài Chiêu Hồi, và những bài ca nói về Hà Nội, và các bản nhạc tình cảm khác, để phản tuyên truyền lại.
Tuy nhiên, có điều là phải cho chạy máy điện mới được. Tiểu Đoàn cũng có một máy phát điện loại nhỏ, để có điện dùng trong hầm Truyền Tin, hầm thuyết trình và hầm ngủ Tiểu Đoàn Trưởng. Mỗi đêm từ 7 giờ 30 tối, máy điện chạy cho đến 10 giờ khuya thì tắt.
Từ sau khi bị địch tấn công đến giờ, máy điện không cho chạy nữa, nhưng máy vẫn còn tốt vì được đặt trong hầm kiên cố.
Máy điện sẽ được cho chạy lại, và có thêm bao cát che chắn kín hơn, cũng như các bóng đèn được che bớt ánh sáng lọt ra ngoài.
Hôm sau, Ngày N+9, ban ngày địch tiếp tục pháo kích quấy rối, ban đêm đến lúc 9 giờ lại phóng loa kêu gọi đầu hàng.
Lập tức Trung Sĩ I Đức cho chạy máy điện, và bài ca “Chiêu Hồi” lại vang lên… “Tung cánh chim tìm về tổ ấm…”.
Sau đó là lời của Trung Sĩ I Đức kêu gọi các cán binh V.C., hãy tìm cách chiêu hồi về với Quốc Gia sẽ được cơm no áo ấm, chứ không bị bạc đãi, vv…
Rồi tới bài “Hà Nội ơi !, tóc thề thả gió lê thê… biết đâu ngày ấy anh về…” và… “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…” và sau đó là tiếng nói của 3 tên tù binh :
- “Các đồng chí hãy về chiêu hồi đi, nếu có mang theo súng sẽ được thưởng nhiều tiền… Bản thân ba anh em chúng tớ thuộc Đại Đội Pháo Biệt Lập xuất phát từ Hà Tây, nay về chiêu hồi và được cho ăn uống đầy đủ, không bị khổ cực như ở mật khu…(Đáng tiếc là đã quên danh hiệu Đại Đội Pháo của 3 tên tù binh này) …Các nữ đồng chí thân gái ở trong rừng rậm lại càng cực khổ nhiều hơn nữa, các nữ đồng chí nếu về chiêu hồi sẽ được khoan hồng, và không ai động đến thân xác đâu… Hãy về chiêu hồi đi…”.
Rồi cuộn băng Cassette lại mở tiếp các bài hát đầy tình cảm của Miền Nam, và không ngờ lại có cả bài “Kỷ Vật Cho Em” nghe rất là bi thương ai oán…
…Nào là “Anh sẽ về trên đôi nạng gỗ… Anh sẽ về bại tướng cụt chân… Anh sẽ về trên chiếc băng ca… trên Trực Thăng sơn màu tang trắng… Poncho buồn phủ kín đời anh… Chiếc khăn sô trên đầu vội vã… Hòm gỗ cài hoa…”.
Bài hát này được phát lên, lại là con dao tuyên truyền hai lưỡi, mà lưỡi đâm về phía ta thì lút cán hơn là về phía địch.
Bởi vì cái cảnh Trực Thăng mang màu tang trắng… Poncho buồn phủ kín đời anh… là chỉ có lính của ta nghe, và thấm thía nhiều hơn là cán binh Việt Cộng.
Nhưng dầu sao thì cũng là bài hát phản chiến, cho những người đang lâm vào trận chiến, mà cái chết đang rình rập từng giây phút.
Phân tích kỹ hơn, ta thấy lợi điểm của bài Kỷ Vật Cho Em này, đối với Căn Cứ Biên Phòng Dakpek lại có nhiều hơn, khi phát thanh nghe lồng lộng giữa đêm khuya… khiến địch quân chùng tay súng chiến đấu hơn là phe ta.
Bởi lính Thượng trong Căn Cứ thì không biết tiếng Việt, còn lính Kinh thì đã chấp nhận tử thủ rồi, nên chẳng có ảnh hưởng là bao.
Trái lại cán binh Việt Cộng bị tác động nhiều hơn, bởi những câu “Anh sẽ về trên đôi nạng gỗ… bại tướng cụt chân… hòm gỗ cài hoa…” những thứ mà những kẻ sống trong rừng sâu như họ mới thật là hãi sợ không lường !
Nếu bị thương, bị cụt chân ở trong mật khu thiếu thuốc men băng bó, thì quả thật là đau khổ khôn cùng, thà bỏ xác giữa rừng còn hơn…
Lời chiêu hồi và các bài hát của ta, nhờ cặp loa phóng đi rất mạnh và rất xa, một lúc thì thấy im tiếng loa cầm tay của bọn chúng…
Và… nhiều đêm sau đó, lại không nghe loa kêu gọi đầu hàng của các Vẹm cái, và tiếng nói của Trung Sĩ Thanh nữa.
Có lẽ chúng thấy im hơi tốt hơn là lên tiếng. Thay vào đó, nếu tiếng loa chiêu hồi của ta vang lên, thì chúng lại pháo kích.
Có lần, một trái Cối 82 ly trúng trên nắp hầm máy phát điện, nhưng không có thiệt hại, và từ đó ta cũng không phát loa nữa.
Là một quân nhân VNCH, tôi thật kính phục những tấm gương chiến đấu anh dũng của tất cả quân dân trại Dakpek khi đọc thiên hồi ký này. Qua giọng văn trong sáng và chân tình, thiên hồi ký chiến trường của Thiếu Tá đã lôi cuốn tôi đọc đi đọc lại mãi. Duy chỉ có một điều nhỏ tôi xin góp ý kiến để nếu có thể mong Thiếu Tá hiệu đính. Đó là 2 chữ "cần vụ" được dùng vài lần như trong câu: "Viên Thiếu Tá vội ra lệnh cho tên lính cần vụ đứng gần đó, đi kêu Thiếu Úy Trợ Y đến coi vết thương cho Vinh, vừa bóp mạnh vào tay Vinh như có ý chúc lành, và đi nhanh về phía hầm truyền tin để liên lạc về Pleiku."
Thiết nghĩ 2 chữ "cần vụ" này không có trong QLVNCH. Kính chúc Thiếu Tá luôn vui khoẽ.