Giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống hay văn vẻ như nhà văn của xứ sở Dagestan viết.
– Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác.
Đó là một nét đẹp văn hoá, cao hơn nữa là nền tảng văn hoá để làm hành trang phát triển.
Nhưng nhiều khi, người ta lạm dụng quá, bị gọi là ăn mày dĩ vãng, là cổ hủ, lạc hậu.
Trong thực tế có nhiều phong tục lạc hậu quá, cần phải bỏ đi. Có người lợi dụng việc bãi bỏ những thứ lạc hậu để kiếm lợi ích cho mình, cũng như những người muốn giữ cái lạc hậu để giữ lợi ích của mình. Cuộc sống luôn có hai mặt như vậy.
Đến tận bây giờ, sau gần 40 năm thành lập, đạo Dương Văn Mình vẫn tồn tại đâu đó trên những vùng núi Tây Bắc, mặc dù chính quyền Việt Nam liên tục ngăn chặn, triệt phá và người sáng lập ra đạo này bị xử phạt 5 năm tù, ông chết vào năm 2021, thọ 60 tuổi.
Năm 2024, nhóm phóng viên của báo QDND thuộc khối bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng đã thực hiện phóng sự đấu tranh với tổ chức của Dương Văn Mình trên vùng đất Tuyên Quang. Theo sự lên án của nhóm phóng viên này, thì tổ chức Dương Văn Mình đã phá hoại những nét văn hoá của đồng bào dân tộc như
– Làm biến dạng phong tục tập quán, bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc như thờ cúng tổ tiên, hát dân ca, thổi kèn, đánh quay, ném pao. Đồng thời làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của 6 tỉnh Tây Bắc, để lại hệ luỵ lâu dài và khó khắc phục.
Gần 20 năm trước, phong trào đi phượt chụp ruộng bậc thang, ruộng tai mèo, thung lũng lên cao điểm. Những gã đàn ông dưới xuôi rộ lên mốt đeo khăn rằn, để râu chỏm ở cằm, khoác máy ảnh to kếch xù, cưỡi con xe cào cào đua nhau dọc ngang các tỉnh Tây Bắc săn hình ảnh mây núi, con người của Tây Bắc. Tôi cũng đi cùng một vài anh bạn như thế , đến những nơi như thế.
Tình cờ vào một nhà dân, tôi nghe câu chuyện về ông Dương Văn Mình.
Người dân ca ngợi ông đã đem một thứ đạo mới, khiến cho mọi người đỡ khổ, nhất là việc đám ma. Tục lệ cũ khi nhà có đám, nếu có con trai, phải mổ trâu bò làm ma. Nếu con trai ở xa, thì xác người chết không được chôn, phải đóng hai cái cọc gỗ lên tường, nhấc nách người chết dựng đứng vào đó. Đến bữa nhét cơm vào mồm, rơi cũng kệ, coi như đang còn sống. Khi nào con trai về mổ trâu, bò thì mới được đem chôn.
Ông Mình đã tạo ra nghi thức mới, người chết được mang ra nhà tang lễ, kiểu nhà đơn sơ, đến đó khâm liệm, làm nghi thức tôn giáo pha trộn Tin Lành, Thiên Chúa Giáo, chút thần thánh địa phương cho mọi người dự, rồi đem chôn.
Xét về tính thực tế thì cách tổ chức tang lễ của ông Mình nhanh gọn, sạch sẽ, không tốn kém mà vẫn đạt được thoả mãn tâm linh của bà con dân tộc, thứ tâm linh là cứ phải có ông trời, ông thánh, ông chúa gì gì đó trong nghi thức thì họ mới yên tâm.
Ông Mình vận động bà con quyên tiền xây nhà đòn ở mỗi nơi và tổ chức tang lễ theo kiểu ông nghĩ ra. Ông bị kết án 5 năm tù vì quyên góp lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng công dân, hành nghề mê tín dị đoan vào năm 1990.
Người dân nói ông không lừa đảo ai, bảo mọi người góp tiền làm việc chung. Cái này có lý, vì nếu ông Mình lừa đảo thật thì chẳng dễ gì sau khi ông ra tù, uy tín của ông vẫn cao và tổ chức của ông vẫn phát triển rộng rãi hơn. Ông soạn thảo quy ước và gửi đơn đến chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh, trung ương để mong được công nhận.
Không được chính quyền công nhận, ông Mình liên hệ được với các cơ quan nhân quyền, tôn giáo quốc tế nhờ giúp đỡ.
Câu chuyện trở sang màu sắc chính trị, tôn giáo, an ninh từ đó. Đặc biệt là người dân miền núi suy tôn ông như một giáo chủ, như một vị thánh của một đạo mới mang tên ông, đạo Dương Văn Mình. Có nhiêu câu chuyện mang tính thần thoại trong dân chúng ở nơi đây về ông, khiến cho đạo của ông càng thu hút thêm người và cũng như càng thêm sự nghi kị của chính quyền.
Chính quyền đã nỗ lực dùng nhiều biện pháp khác nhau để dập tắt đạo Dương Văn Mình.
Chúng ta không đi sâu về tính chính nghĩa hay pháp luật ở vụ việc này, vì ở mỗi góc nhìn, vì lợi ích của mình, người ta có những quan điểm khác nhau.
Nhưng một thực tế là ông Mình sống được trong lòng 10 nghìn người dân vùng núi, hẳn nhiên là cái lợi ích ông đưa ra cho họ là thiết thực, không dễ gì ông đem một cái đạo pha trộn để đánh bật văn hoá tin ngưỡng của bà con dân tộc cả ngàn năm một cách nhanh chóng như vậy. Vấn đề không phải ở cái đạo gì, mà ở chỗ cái đạo ấy nói rằng làm đám ma như này, bỏ kiểu làm đám ma cũ thì bà con đỡ khổ, đỡ nặng gánh, mà đúng là bỏ cái kiểu đám ma cũ như kia đi, thì đỡ nặng gánh biết bao nhiêu cho người dân.
Tôi nghĩ không phải chính quyền Việt Nam hiện nay, mà bất cứ chính quyền nào khác đi nữa, cũng mong người dân bỏ những hủ tục quá lạc hậu và gây gánh nặng cho người dân. Tuy nhiên, nếu giáo dục theo kiểu chính sách đường lối của chính phủ, đảng, nhà nước vào người dân vốn dĩ nặng tính tâm linh sẽ không mấy hiệu quả, việc này cần thời gian rất lâu dài để người dân tiếp xúc với văn hoá thời đại và tự ý thức từ bỏ những cái cũ lạc hậu kia đi.
Những ông thầy mo, thầy cúng là người chửi bới đạo Dương Văn Mình rất nhiều, họ nói ông là quỷ, là phản động, là ma hiện về để dụ dỗ bà con bỏ ông bà, tổ tiên. Cái đám này, đương nhiên là thích người dân càng theo hủ tục chúng càng có lợi. Bởi nếu theo cái mới, chúng không còn đất kiếm ăn trên nỗi khổ của người dân. Chúng đe doạ chúng là con cháu của thần linh, là người giữ văn hoá, là người nói chuyện với thần linh để bảo vệ dân làng, dân bản.
Chỉ là một câu chuyện diễn ra tận vùng Tây Bắc xa xôi, chẳng nhiều người biết đến. Tuy nhiên nó cho thấy một điều, có những thứ hủ tục cần phải bỏ, để xây dựng cách sống mới trong đời sống văn hoá, đời sống làm việc hàng ngày sẽ rất cam go nhất là đụng đến cái gọi là truyền thống, phong tục, văn hoá, tín ngưỡng đã ăn sâu vào trong tâm thức con người. Không phải quá khứ nào, truyền thống nào cũng giá trị cả. Trong quá trình tiến hoá của nhân loại trên toàn thế giới, có vô vàn thứ tư duy, vô vàn những quá khứ huy hoàng phải bỏ lại.
Những người khởi xướng đổi mới, cải cách, bỏ điều cũ là những người dám nghĩ dám làm.
Nhưng cũng cần những người khác có tri thức, có can đảm để nhận ra mình đã lỗi thời, là vật cản dòng chảy văn minh, từ đó rút lui để tạo thuận lợi cho luồng thay đổi. Ví dụ những ông thầy mo, thầy cúng kia nhận thực được điều ông Mình làm, họ công nhận và ủng hộ ông thay đổi các thủ tục và tuyên truyền rằng thần linh Tây Bắc đồng ý như vậy vì thương người dân qúa khổ vì hủ tục. Còn truyện đạo mới nào đó cho phép làm vậy là do bọn xấu mượn danh thần linh Tây Bắc để trục lợi. Như thế sẽ hạn chế ngay được ảnh hưởng của đạo Dương Văn Mình từ đầu mà vẫn đưa bà con thoát khỏi những thói quen tai hại.
Ở đời những người thay đổi mạnh mẽ đã ít, nhưng những người bảo thủ không dám vì cái chung mà can đảm rời bỏ quá khứ có lợi ích gắn bó với mình, còn càng ít hơn.
Hội Vlog 1977 có câu lan truyền cõi mạng.
– Bỏ đi mà làm người.
Trong thời đại này, những con người nào ở vị trí cao hiện tại hoặc trong quá khứ, tự thấy mình lỗi thời, không bám vào cái quá khứ nào đó để hưởng danh, lợi. Tự biết bỏ đi để không cản trở dòng chảy hiện thực, đó mới thực sự là Con Người trong chính bản thân mình, là anh hùng trong mắt những người hiểu chuyện. Chỉ cần tự hào với tâm khảm mình, với một số tri kỷ của mình, thế là đủ.
Bùi Thanh Hiếu
Nguồn: https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/pfbid01SeoV4cooEu2gt1tLMt6mmxeLKej3ppq9djYM9UDhHTS
(*) Viết tại Berlin trong một chiều mưa lạnh, chẳng có mấy khách hỏi mua hàng thuốc bổ não, khớp. Tác giả từ một đại tá an ninh, điệp viên hai mang, trưởng ban tổ chức hải ngoại, trưởng ban tuyên giáo hải ngoại ….như bao lời đồn, đã ý thức được thời cuộc, từ bỏ tất cả chức vụ dân mạng khoác cho, để thành một người bán thuốc bổ tầm thường như bao nhiêu người bán hàng online khác.