BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76371)
(Xem: 63032)
(Xem: 40422)
(Xem: 32018)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chín ngày trong một đời người

16 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 2841)
Chín ngày trong một đời người
54Vote
41Vote
30Vote
21Vote
11Vote
3.97
"Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ"

 Nguyễn Duy


 Cách !…

Tiếng bập khóa khô khốc vang lên sau tiếng "rầm" của cánh cửa sắt xà lim sập mạnh… Thế là tôi đã được ở trong nhà tù, một cái nhà tù đích thực theo nghĩa đen mà cách đây ít phút tôi chưa hình dung được nó một cách cụ thể. Thậm chí tôi cũng chưa nghĩ tới nó cách đây đã hơn hai năm khi tôi làm bài thơ "GỬI ANH CÔNG AN AN NINH CHÍNH TRỊ"! Khi dám dấn thân đi vào con đường thế sự đầy gai góc thì có cái ngày này là điều tất yếu.

Lúc đó là khoảng 17 giờ ngày 25-04-2001, cái ngày định mệnh ở cái tuổi xấp xỉ cổ lai hy của tôi. Vừa bất hạnh và cũng vừa "vinh dự" được ở trong cái nhà tù nổi danh của thành phố Hải Phòng được xây dựng từ thời mồ ma "đế quốc Pháp", và được bàn giao lại cho chế độ xã hội chủ nghĩa tiếp tục quản lý sử dụng, nằm trên con đường mang tên ông Tổng bí thư đầu tiên của ĐCSĐD kèm theo câu xú ngôn nổi tiếng từng làm ghê rợn của một thời: "TRÍ - PHÚ - ĐỊA – HÀO, đào tận gốc, trốc tận rễ" mà cung bậc âm hưởng của nó lên cao hay xuống thấp đã tưởng rằng chỉ còn "vang bóng một thời" mà vẫn còn tác oai tác quái đến hôm nay.

Để chứng minh cho lời hù dọa có hiệu lực của ông, cái đập vào mắt đầu tiên của tôi là ở góc tối của buồng tù có một cái cùm chân bằng những thanh sắt đen xì cực to đang giương mắt nhìn tôi như đe dọa. Quả thật đã từng trải qua bọn "trâu điên, ó đỏ" và những làn đạn lửa tử thần khi xung phong mà khi thấy "con quái vật cùm đen xì" tự nhiên cảm thấy chờn chợn, ghê ghê vừa sợ hãi, vừa căm giận. Tự nhiên bên tai tôi văng vẳng câu nói của ai đó "La méchanceté boit elle même la plus grande parti de son poison". (Sự tàn bạo tự nó uống một phần lớn thuốc độc của nó !).

 * * *

Trên chiếc taxi vận tải nhỏ bon bon hướng Hà Nội – Hải Phòng có 2 người: tôi và thằng cháu, con cô em ruột tôi lái xe chở bột đá xuất đi Ý cho một doanh nghiệp ở Hải Phòng.

Tuýt… tuýt… tuýt…

Tiếng còi giật giọng chói tai trước mũi xe cắt ngang cơn lơ mơ của tôi và sau đó vang lên tiếng loa pin cầm tay oang oang: "Chú ý ! Được nhân dân phát hiện và báo trên ô tô có mang hàng cấm, phải dừng lại để kiểm tra".

Nhờ tiếng loa mà tôi tỉnh hẳn giấc lơ mơ và tự nhủ thầm: "Thôi thế là mình bị rồi"… Lúc đó là khoảng gần 13 giờ ngày 24-04-2001. Tôi bị bắt tại trạm giao thông Quán Toan cách Hải Phòng chừng 10 cây số.

Chẳng hiểu từ lúc nào, 2 xe U-oát [1] và nhiều xe máy cùng hơn một chục công an (công an) vừa mặc cảnh phục, vừa mặc thường phục đã vây quanh xe ô tô của tôi. Một công an nhảy lên buồng lái ép tôi ngồi sát vào trong và ra lệnh cho cháu tôi lái theo một cái U-oát dẫn đường, còn các xe khác bám theo sau. Cũng chẳng rõ vài ba trăm mét hay một cây số gì đó thì đoàn xe dừng lại trước một căn nhà mà tôi chắc là Trạm giao thông Quán Toan. Nói là dân Hải Phòng qua lại nhiều lần trên Đường 5, quả thật tôi chưa hề biết cụ thể trạm Quán Toan là "khắc tinh" của các “anh hùng xa lộ”.

Họ ra lệnh cho tôi mang hành lý vào Trạm. Tôi khoác cái ba lô du lịch nhỏ chỉ có một bộ quần áo dự phòng và khăn mặt cùng bàn chải đánh răng. Còn cái túi ni lông xách tay trong đó đựng một số sách và tài liệu của bạn bè Hà Nội gửi “đọc cho vui" và cho biết những cuộc đời ẩn sau những cuộc đời, trọng lượng khoảng trên dưới 1kg, tôi để lại xe không mang theo vì mấy ông công an an ninh đâu có phải "tay mơ" mà để lọt tang chứng. Vây xung quanh tôi, một ông già nhỏ thó tới mười mấy anh công an cao to, lực lưỡng.

Trạm là một căn phòng lớn như một căn phòng tiếp khách của một cơ quan, có một cái bàn to dài xung quanh đầy đủ ghế tựa. Không phải là qua cơn "hoạn nạn" thì tha hồ "bốc phét", nhưng quả là lúc ấy lòng tôi bình thản chẳng phải vì tôi can đảm gì mà là tôi chủ quan suy nghĩ mình có tội gì mà bắt. Tôi toan ngồi xuống nghỉ cái đã rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng không được… họ giục tôi đứng lên và tự mở ba lô các đồ linh tinh để họ khám. Tiếp theo họ ra lệnh tôi phải cởi thắt lưng và lột cái áo len ngắn tay để họ kiểm tra. Tôi phản ứng gay gắt: "Các anh có từng đấy người mà định làm nhục người già như tôi sao? Muốn khám cởi quần áo thì cũng phải có nơi khám riêng đàng hoàng chứ".

"Bác cứ bình tĩnh, đây chỉ là thủ tục bắt đầu thôi". Lời thốt ra từ một anh công an cao, to, đẹp trai với bộ mặt đằng đằng nghiêm nghị. Sau đó họ mang cái túi nilon tài liệu vào và hỏi: "Túi này có phải của bác không?". Tôi gật đầu và họ ra hiệu cho tôi tự lấy các tài liệu ra để lên bàn. Khi lục lấy tài liệu ra tôi liếc mắt thì ngoài một người ghi biên bản còn có cả camera đang chĩa vào mặt tôi. Thì ra họ đã chuẩn bị chu đáo đón lõng tôi mà nào tôi có biết. Trong số công an đã thấy thì tôi thấy xuất hiện thêm một nhân vật mới, một người mặc bộ complet màu nâu nhạt đã hơi cũ. Ông ta trạc hơn 60 tuổi theo bộ mặt và mái tóc đã bạc. Trông ông có dáng một ông giáo già về hưu, hiền lành gây một cảm giác nhẹ nhõm trong tôi. Nhưng vì thấy ông chắp tay sau lưng, đi đi lại lại ngoài hành lang, trầm ngâm không nói một câu, tuy thỉnh thoảng có trao đổi một vài câu gì đó có vẻ chỉ đạo. Vậy là "cốp" rồi, tôi nghĩ vậy và bắt đầu cảnh giác với ông ta dù tôi biết mình cảnh giác cũng bằng thừa, vì tôi đã sa vào cái lưới của ông rồi. Đột nhiên, rất nhanh, tôi nghĩ đến chuyện ngụ ngôn của hai mẹ con nhà Chuột.

Chuột con lần đầu tiên đi quanh sân quan sát những người sống quanh nó. Khi nó về khoe với mẹ: "Mẹ ơi, con sợ quá, con gặp một ông cao to ghê gớm, đầu ông đội một cái mũ đỏ chót, có bộ lông óng ánh và đôi chân có vẩy cùng với một cái cựa rất dài và nhọn. Khi ông quạt cánh gió thổi vù vù và hét lên "cúc cù cu" váng cả tai. Con sợ quá, chạy chối chết. Rồi sao nữa… mẹ chuột hỏi. Sau đó con thấy một ông già hiền lành có bộ lông vằn vàng mượt mắt lim dim đang nằm sưởi nắng. Chuột mẹ khuyên con ra sao tôi không dám dài lời kể tiếp. Nhưng mai ngày mà đối thoại hay bị hỏi cung trước ông già công an hiền lành này thì từ câu chuyện ngụ ngôn trên hẳn cũng răn dạy được tôi một điều gì. Nhưng sau này khi tiếp xúc nói chuyện với ông, tôi mới thấy tôi nhầm.

Tiếp tục việc kiểm tra "tang vật". Gồm: quyển "Nền kinh tế tri thức" rất dày, một quyển viết về "Giáo sư Dương Quảng Hàm" của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, một quyển "Hồi ức tháng Năm" của nhà cách mạng lão thành Phí Văn Bái do Nhà xuất bản Thanh Niên. Ba quyển trên là của anh Lê Hồng Hà tặng tôi. Ba lá thư gửi Bộ chính trị của đại tướng Võ Nguyên Giáp, của nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm và của ba ông tướng viết chung: Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, trung tướng Lê Tự Đồng và một số các bài viết của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, của nguyên Viện trưởng Viện Marx – Lénine Hoàng Minh Chính và một vài bài viết khác tôi chưa kịp đọc. Đến thăm các bạn, các anh ấy cho thì cứ đút bừa vào túi để về Hải Phòng đọc sau. Riêng có quyển "Tổ Quốc ăn năn" của Nguyễn Gia Kiểng thì tôi chịu, không nhớ là của ai cho. Và cũng chỉ có quyển này mà công an truy hỏi tôi nhiều hơn cả. Họ bắt tôi tự ghi ngày tháng năm hôm bị bắt, ký tên và ghi rõ họ và tên dưới chữ ký từng tài liệu. Nếu là quyển thì phải ký tờ đầu tiên và tờ cuối cùng. Nếu là tài liệu chỉ có hai, ba trang thì cũng phải ghi vào trang đầu và ký vào trang cuối. Tôi viết và ký kiên tục đến mỏi tay. Tôi có thói quen ký tên rồi mới ghi ngày tháng năm, cho nên khi tôi vừa mới ghi tên thì đã có tiếng giục nói gay gắt của một công an đằng đằng sát khí: "Bác phải ghi rõ ngày tháng năm vào". Tôi bực mình mỉa mai: "Ông yên tâm đi, cả một đống tài liệu này chưa làm tôi ngại thì trốn vài chữ ngày tháng năm để làm gì". Một bầu không khí căng thẳng xung quanh tôi. Tôi nghĩ "không hiểu khi công an bắt được một tên trùm buôn ma túy thì cũng căng thẳng đến thế này là cùng chứ gì?… Mọi thủ tục đã hoàn tất bước đầu và chuẩn bị giải tôi về Hải Phòng. Trước khi đi tôi yêu cầu họ một điều: "Nếu những gì xảy ra ngày hôm nay mà các ông cho tôi là phạm tội thì tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn là do tôi. Còn thằng cháu tôi, cháu hoàn toàn không hề biết việc bác nó làm, nên tôi xin các ông trả tự do cho cho cháu để cháu đi giao hàng cho chủ". Lời đề nghị của tôi được họ chấp nhận, sau khi khám xét lật từng ngóc ngách của xe, họ áp giải cháu tôi tới nơi giao hàng và 18 giờ họ trả tự do cho cháu tôi về Hà Nội. Họ áp giải tôi ra xe U-oát. Trước khi mở cửa xe cho tôi lên, chú lái xe công an nói vui với tôi một câu: "Chả mấy khi "bác" đi xe của công an, vậy cũng đi để cho biết". Tôi cũng đáp đùa vui một câu: "Đúng vậy. Cũng cần biết đệm xe của công an có êm không?". Có một điều thấy cũng cần nói ngay là tôi chuẩn bị sẵn sàng đón nhận cái còng số 8 bập vào nhưng điều đó đã không xảy ra.

Đoàn xe bon bon về Hải Phòng. Qua cơn mưa nhẹ, bầu trời Hải Phòng như bừng sáng hơn. Vẫn những xe cộ, dòng người hối hả ngược xuôi, nhịp sống của tự do loang loáng hiện qua mắt, bỗng dưng tôi tự cường điệu hoàn cảnh của mình lên một chút và lẩm bẩm:
"Chết vì Tổ quốc
Chết vì vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng”.

Bốn câu thơ của nhà thơ yêu nước vĩ đại Nguyễn Thái Học chợt đến với tôi để tự động viên, để che bớt sự sợ hãi, sự hèn nhát căn bệnh cố hữu nấp trong sâu thẳm của con người sau khi chia tay với khói lửa chiến tranh đã 26 năm trời lại xuất hiện. Sống nín nhịn, sống cam chịu đã thành thói quen mài nhẵn con người tôi gần hết cả một đời người, mà mới "ú ớ" một vài suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn phép thì lại đã dính vào vòng lao lý. Đang mung lung suy nghĩ bỗng một thoáng rùng mình, lần đầu tiên kể từ khi bị bắt tôi nghĩ đến vợ và các con tôi. Chả có gì để chứng minh thần giao cách cảm là có thực, nhưng sau này được trả tự do tôi mới biết cái giờ phút kỳ diệu đó là lúc nước mắt của vợ tôi, của các con tôi khóc vì sợ hãi khi nhà tôi bị lục soát tanh bành Xe đi trên đường Điện Biên rồi rẽ trái, tôi chợt hiểu tôi được đưa về số 14 Lê Quýnh mà đến hôm nay tôi cũng chưa biết tên thật đúng của cái cơ quan công an đó.

Xe đỗ trên một cái sân rộng có kẻ đường biên của một bãi cầu lông. Trước mặt tôi là ngôi nhà chính 2 tầng khang trang. Tôi được giải xuống một phòng ở dãy nhà ngang một tầng. Người hướng dẫn tôi vào và nhiệt tình xách giúp tôi cái xô nhựa to có đựng rượu nếp cái ngâm trứng gà của cô em ruột cho là trung tá V.L., một anh công an đặc biệt có đôi mắt như luôn xói và tâm can người đối diện và trên môi như luôn thường trực một nụ cười mỉm mà không rõ anh có cười thực hay không. Phòng có kê một cái giường một, trải chiếu hoa sạch sẽ. Một cái tủ bằng tôn kẽm trắng to để tài liệu và một bộ bàn ghế làm việc kiểu cơ quan thường thấy.

Tôi vừa đặt chiếc ba lô xuống giường thì một anh công an khác đi vào cầm 2 cái bánh mì kẹp patê. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là trung tá P. (sau này tôi mới biết chức vụ vì khi anh là người bắt tôi anh mặc thường phục). Vừa đưa một cái bánh mì cho trung tá V.L. anh vừa nói với V.L. đồng thời cũng liếc mắt sang tôi như để nói với cả hai người: "Này cậu cầm lấy ăn đi. Bác ạ, từ sáng đến giờ chúng tôi đã được ăn uống gì đâu". Trung tá V.L. cầm lấy cái bánh mì nhưng một thoáng lúng túng vì anh chợt nhận thấy tôi là một kẻ cũng cần phải được ăn nên anh nhường cái bánh mì cho tôi và mời tôi. Tôi lịch sự từ chối vì nhu cầu ăn của một ông già như tôi có thể nhịn qua bữa là thường, huống chi ở tình huống này còn bụng dạ đâu mà ăn. Tôi xin phép ra sân để các anh ăn cho tự nhiên. Ăn xong V.L. yêu cầu tôi vào tiếp tục làm việc, có nghĩa là bắt đầu cuộc hỏi cung sơ bộ. Xấp giấy trắng kẻ học sinh và cái bút bi trước mặt anh bắt đầu hỏi và tự ghi chép. Bỗng nhiên anh có một cử chỉ hết sức bất ngờ và gây một thoáng xúc động trong tôi. Anh tự chỉ tay vào mặt anh và nói: "Bác Quận ạ. Bác trông mặt cháu có phải là bộ mặt của kẻ bất lương không? Mấy năm nay tôi chỉ nghe tên bác hôm nay mới được biết mặt. Tôi hiểu bác và mong bác cũng hiểu tôi để chúng ta tiến hành công việc cho thuận lợi". Và trong 10 ngày dược anh hỏi cung liên tục, anh đã nói đúng. Anh tên thật là V.L. một công an họ Vũ lương thiện hỏi cung một tù nhân cũng họ Vũ, cũng dám tự nhận mình là một người lương thiện. Lúc "bác, cháu" lúc "bác, tôi" các đại từ nhân xưng giữa tôi và V.L. hơi lộn xộn. Nhưng khi chính thức làm việc, V.L. gọi tôi là anh và xưng tôi. Trước mắt tôi lúc này một V.L. xởi lởi được thay thế bằng một trung tá công an V.L. khó đăm đăm và nghiêm nghị.

Hỏi: Anh cho biết họ tên, tuổi, chỗ ở?

Đáp: Tôi là Vũ Cao Quận, 69 tuổi ở số 1C – ngõ 246B – đường Đà Nẵng – phường Cầu Tre – Hải Phòng.

Hỏi: Anh có nhận tội là đã mang theo những tài liệu cấm, chống Đảng không?

Đáp: Tôi nhận là có mang theo một số sách, tài liệu, nhưng nội dung của các quyển sách đó lại do một số Nhà xuất bản được phép in ấn. Còn các tài liệu thì toàn là các bài viết gửi Bộ chính trị góp ý kiến về Đại hội IX của đại tướng Võ Nguyên Giáp, của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm, của 3 ông tướng: Thượng tướng Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo và trung tướng Lê Tự Đồng, của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và một số các bài viết khác mà tôi cũng chưa kịp xem. Những bài tôi đã đọc qua chẳng thấy nội dung có gì chống Đảng, và đáng cấm cả. Còn nếu theo các ông đó là những tài liệu cấm thì đài, báo chí công bố cho toàn dân biết để mà tránh chứ, theo logic hợp lẽ với lẽ đời, hợp với luật pháp thì các ông phải điều quân đi truy bắt các ông viết các tài liệu trên chứ. Bắt người viết chứ sao bắt người đọc…

Tôi toan nói tiếp thì bị cắt ngang.

Hỏi: làm sao mà anh quen và có mối liên hệ với các ông: Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà và Nguyễn Thanh Giang…?

Đáp: Trình bày thì dài, nhưng tôi xin nói ngắn gọn. Tình đời, tình người thôi… Khi ông Độ là tướng thì tôi mới là anh tiểu đội trưởng, không có mối liên hệ nào trực tiếp cả. Cách đây có dễ hơn 40 năm, tôi có được nghe, được đọc một số bài viết về thanh niên của ông Độ. Ông Độ hiểu thanh niên công nông đồng thời ông cũng hiểu những tâm tư của bọn thanh niên tiểu tư sản và tầng lớp trên chúng tôi, tự nhiên nảy sinh trong tôi lòng kính trọng vu vơ thôi, vì địa vị xã hội của ông so với tôi lúc đó xa cách quá. Tôi đến với ông khi ông bị "thất sủng" và đau yếu, một người lính già đến với một chủ tướng già. Giản đơn có vậy thôi, chứ không phải thấy người sang bắt quàng làm họ. Còn quen với các ông khác chẳng qua cũng là tất yếu, tình bạn của sự nổi dậy của tư duy.

Đang nói dở thì một công an bên ngoài đi vào không nói, không rằng quẳng một băng video vào trước mặt tôi. Hành động nghiệp vụ này hơi non một chút nên họ chẳng tìm thấy một phản ứng gì thay đổi trên nét mặt tôi. Tôi vẫn bình thản ngồi lặng lẽ để chờ câu hỏi tiếp nhưng lòng thầm nghĩ: "Thế là các chú em đã đến khám nhà tôi rồi". Cái băng video đó là của anh Trần Độ tặng tôi quay cảnh các anh: trung tướng Trần Độ, Nguyễn Văn Đào (nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội), Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, đại tá Thế Kỷ, đại tá Võ Hạ, trung tá Vũ Đức Tĩnh, Vũ Cao Quận, được vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mời đi viếng mộ Nhà báo lão thành cách mạng Thôi Hữu ở Thái Nguyên. Mãi về sau này lắm lúc tôi tự hỏi: các công an nghiệp vụ có tự cảm thấy xấu hổ khi mình vi phạm pháp luật đi thu những thứ không thuộc về chứng cứ phạm pháp. Những người trong băng video đều là những công dân tự do đi thăm viếng liệt sĩ và họ thu cả ảnh tôi chụp chung với vợ chồng Trần Trọng Hải và Anbina Trebontasova cùng cháu Ella Trần Hải Yến trong dịp ra thăm và tặng tiền cho cô gái Nga bán bia ở Cẩm Phả. Họ tịch thu cả chiếc máy chữ nhỏ của tôi.

Rồi giờ nghỉ cũng đã tới, sau khi ký vào biên bản hỏi đáp trung tá V.L. thu xếp nhường giường ngủ ở phòng làm việc của anh. Khoảng 18 giờ vợ tôi mang cặp lồng phở đến cho tôi và được V.L. đưa vào tận phòng cho tôi. Tôi tuyên bố: "Tôi tuyệt thực sẽ không ăn cho đến khi nào tôi được gặp vợ tôi". Và tôi bỏ đi nằm, khoảng 30 phút sau, anh V.L. vào gặp tôi và nói: "Bác phải ăn đi, chả lẽ bác lại để tôi lập biên bản không ăn thì thật buồn cười quá". Tôi nói: "Lập biên bản là quyền của các ông, còn nếu tôi không được gặp vợ tôi thì tôi sẵn sàng chuẩn bị cho cái chết của tôi rồi. Tôi sẽ tuyệt thực đến chết vì tôi chẳng còn gì để mất cả". Lại khoảng 1 giờ 30 phút sau (tức là khoảng 20 giờ) anh V.L. lại vào phòng giục tôi ăn. Tôi kiên quyết không ăn. Thấy vậy anh đấu dịu: "Thôi bác ăn đi. Sau khi bác ăn xong tôi sẽ để bác gái vào gặp bác". Tôi cảnh giác hỏi lại: "Anh bảo đảm chứ?". V.L. đáp có vẻ hơi bực: "Chẳng lẽ tôi lại nói dối bác sao…?"

Dù suốt từ sáng tôi mới uống một tách cà phê mầu ở Hà Nội với Đắc Kính cho tới bây giờ tôi cũng không hề thấy đói. Bởi lẽ sau biến cố bệnh tật hôm 27 tết âm lịch, tôi bị liệt nửa người phải đi bệnh viện quân đội 203 cấp cứu nên đầu tôi luôn bị như say sóng và nhu cầu ăn tôi có thể nhịn vài ba ngày cũng được. Để có sức "chiến đấu" cho ngày mai tôi chỉ ăn hết nửa xuất phở, chủ yếu là ăn hết số thịt bò để tăng thêm sức chịu đựng.

Giữ đúng lời hứa, sau khi tôi ăn xong trung tá Vũ Lương cho phép vợ tôi vào gặp tôi. Khi vợ tôi bước vào phòng, tôi vội quệt nước mắt trong bóng tối và lòng thấy thanh thản lạ thường.

Chỉ có biết được mình sắp bước vào cuộc đời giam giữ, lao tù mới thấy việc được gặp vợ là quý giá biết chừng nào. Tội nghiệp vợ tôi, khi lấy chồng mới mặc chiếc áo cưới hôm trước thì hôm sau đã phải khoác áo tang trắng trong đám ma của bố chồng. Ở với chồng chưa kịp bén hơi nhau thì lại tiễn đưa chồng vào Nam chiến đấu. Cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, người vợ trẻ tiễn chồng ra mặt trận hẳn biết rằng cái ngày trở về là không hẹn trước.

"Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"… Liệu có mấy người chinh chiến trở về. Đằng đẵng chờ chồng, gánh nặng đè lên vai với đồng lương kế toán ít ỏi nuôi mẹ đẻ lẫn mẹ chồng. Hoà bình trở lại cũng chưa được một ngày sung sướng thì hôm nay… chồng chưa đỡ đần được bao nhiêu thì lại mang gánh nặng vì chồng. Với bản lĩnh vững vàng vợ tôi không hề khóc lóc, vẫn bình tĩnh kể sơ qua việc nhà tôi bị lục soát một cách vô cớ. Các con lo lắng và thương bố lắm. Về phần tôi cũng chưa hình dung những gì sẽ xẩy ra tiếp theo với số phận tôi, nhưng trong suốt chiều dài về lịch sử đàn áp của đất nước này như: Vụ “H.122”, “Cải cách ruộng đất”, "Nhân văn giai phẩm", "Nhóm chống Đảng"… thì tôi lại trở lại với bản năng của người lính: cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với hoàn cảnh xấu nhất. Thật trớ trêu, gần hết cả cuộc đời cầm súng chiến đấu từ lúc tóc còn xanh đến khi đầu bạc luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và cảnh giác với mọi kẻ thù thì hôm nay… cũng lại cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với cái trước mặt: chẳng bạn, chẳng ta, cũng chẳng phải thù.

Đêm ấy (24-04-2001) sau những thao thức rồi tôi cũng thiếp đi sau một ngày căng thẳng. Khoảng 5 giờ 30 sáng tôi bị đánh thức bởi tiếng mở khóa buồng tạm giữ và tiếng oang oang của viên công an trực: "Dậy đi ông, sáng rồi". Rất chu đáo anh chỉ cho tôi chỗ rửa mặt và các nhu cầu vệ sinh khác. Chỉ ít phút sau tôi biết anh là trung tá Th. với vóc dáng to đậm, ngăm ngăm, khuôn mặt mang dáng dấp của một nông dân, với vẻ hồn nhiên, chất phác và thái độ ân cần, vồn vã. Tất nhiên đây chỉ là một nhận xét bên ngoài của tôi… Chợt chuyện ngụ ngôn về mẹ con nhà Chuột lại hiện trong tôi. Cách đây hai hôm trước khi bị bắt, một ông bạn tôi đã từng có chức vụ cỡ thứ, vụ trưởng của ngành công an bảo tôi: "Ông chớ có tin bọn công an". Tôi nói vui hỏi lại: "Thế thì chính tôi tin ông sao được. Vì ông cũng cỡ tổ sư của ngành công an đó sao?". Nhưng riêng trung tá Th. đã gây cho tôi một cảm giác nhẹ nhõm khi tiếp xúc. Và cũng trung tá Th. là người cùng trung tá V.L. là người hỏi cung tôi nhiều nhất trong 9 ngày bị giam giữ.

8 giờ sáng ngày 25-04-2001, ngày làm việc thứ hai của công an với tôi. Người hỏi cung tôi là thiếu tá V.N.C. cùng trung tá V.L. . Hình như V.N.C. có quân hàm thấp hơn nhưng chức vụ lại cao hơn V.L. 

Sau khi bố trí đặt micro trước mặt tôi và thợ camera đã sẵn sàng chĩa máy thẳng vào mặt tôi, V.N.C. nói:

- Chúng ta bắt đầu làm việc; trước khi làm việc anh có ý kiến gì không?"

Đáp: "Thứ nhất, tôi lấy quyền của một công dân xin được xem lệnh bắt tôi. Thứ hai, nếu tôi có tội, tôi yêu cầu được xét xử trước tòa án. Thứ ba là, khi nói với các ông về nỗi thống khổ của nhân dân, của đồng đội tôi, tôi hay dễ xúc cảm, tôi mong các ông đừng xuyên tạc những giọt nước mắt xúc động của tôi thành biểu lộ của sự ăn năn hối lỗi trước cơ quan công an như kiểu Như Phong làm trên báo An ninh Thế giới để bôi xấu, để vu khống một số nhà trí thức và nhân sĩ".

Tôi cảm tưởng họ chẳng hề có lệnh bắt tôi, nhưng đòi hỏi của tôi đối với họ chẳng có ý nghĩa gì, vì chỉ khoảng 5 phút sau họ đã mang tới cho tôi xem lệnh bắt giữ tôi có đủ chữ ký của Viện kiểm sát nhân dân thành phố. Có nghĩa là họ có hàng mớ lệnh ký lưu không của Viện Kiểm sát, còn khi họ định bắt ai thì cứ việc bắt chứ không cần qua thủ tục bắt giữ, khám xét công dân của pháp luật.

V.N.C.: Tôi xin trả lời yêu cầu thứ hai của ông là ông yên tâm nếu ông phạm tội thì chúng tôi sẽ đưa ông ra tòa xét xử.

Tiếp theo, sự hỏi cung tôi cũng chẳng có một quy trình trật tự nào, theo kiểu tiện đâu hỏi đó hay đó là thủ pháp của công an thì tôi cũng không rõ.

V.N.C.: Tôi đã đọc những bài viết của anh. Anh có nhiều ngoa ngôn lắm.

Đáp: Xin ông cho dẫn chứng.

V.N.C.: Trong một đoạn bài viết của anh có câu: "Vợ tôi khóc không phải vì cái lý tưởng quái đản này mà vì sợ tôi theo chân anh vào nhà đá". (Câu này trích trong thư riêng của tôi gửi cho Thanh Giang, thư hoàn toàn riêng tư giữa tôi và Thanh Giang. Thanh Giang đưa cho một ông bạn đọc. Rồi chả hiểu từ lúc nào lá thư được vi tính cho nhiều người đọc). Vậy theo ông cái cụm từ "lý tưởng quái đản" đó, ông định nói lên điều gì?

Đáp: Thưa ông, từ lý tưởng chỉ là một danh từ chung, nó chẳng chỉ rõ một vấn đề cụ thể nào. Nó chỉ có ý nghĩa cụ thể khi nó gắn liền với một mục đích nào đó. Ví như: Lý tưởng vì lợi nhuận, vì danh lợi, vì đồng tiền. Còn tôi nói chữ "lý tưởng quái đản" đó theo nghĩa của riêng tôi. Tôi đang ở trong một tổ chức, cùng theo một ý tưởng, một mục đích tốt đẹp, một lý tưởng cao cả. Đang là đồng chí, đồng đội của nhau, chỉ vì tự ái vì một câu nói hoặc một ứng xử hoặc một phản ánh trung thực dễ bị lãnh đạo bực mình nhưng cũng chỉ có tính chất giữa cá nhân với cá nhân. Thế mà cậy có chút quyền lực cấp phường vu cáo đẩy đồng chí mình về phía đối kháng. Tìm mấy kẻ cò mồi, chân gỗ dưới quyền moi móc chuyện cũ đã qua bốn năm năm "dám đề nghị đổi tên nước, đổi tên đảng, đổi cờ đảng". Và trắng trợn đến bẩn thỉu vu cho là "hay bàn chuyện đa nguyên, đa đảng". Cho nên tôi dùng cụm từ "lý tưởng quái đản" là để chỉ một cái mục đích đẹp đẽ, một "lý tưởng cao cả" lại sản sinh ra lũ quái đản này.

Nhân đây nói ngoài lề về chuyện đề nghị "đổi tên nước, đổi tên đảng, đổi cờ đảng" của tôi. Khoảng năm 1995 hay 1996, nhân cuộc hội nghị mở rộng của Đảng bộ Phường tới các bí thư, phó bí thư học tập, thảo luận nghị quyết Đại hội VIII, nhân danh cá nhân đảng viên, tôi đề nghị lên Đảng bộ cấp trên và xin bảo lưu ý kiến của mình gồm 3 điều:

- Thứ nhất: Xin đề nghị đổi tên đảng cộng sản Việt Nam trở về tên Đảng lao động Việt Nam thân thương vì suốt mấy chục năm nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và chiến thắng khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập của chính quyền Sài Gòn, giang sơn thống nhất thu về một mối là dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam quang vinh. Cái tên Đảng Lao động Việt Nam rất thân thương ăn sâu, bám rễ trong lòng nhân dân rồi, trong lòng người lao động rồi.

- Thứ hai: Xin trả lại tên nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" vì cái tên thiêng liêng đó Bác Hồ vĩ đại là người khai sinh, đặt tên cho nước. Ngày nào chưa thực sự có chủ nghĩa xã hội thì ngày đó tên nước vẫn phải là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Thứ ba: Giang sơn Việt Nam là hương hỏa của tổ tiên ông cha để lại cho con Hồng cháu Lạc, của cả dân tộc, của những thân phận nhỏ bé như: chị bán rau, anh xe thồ đến các thân phận cao quý như các nhà khoa học, trí thức, các văn nghệ sĩ chứ không phải là của riêng giai cấp công nông. Cương lĩnh chính trị của Đảng cũng xác nhận là Đảng cộng sản Việt Nam là đảng của toàn dân tộc. Vậy nếu đảng muốn là đảng được toàn dân tôn vinh thì trên lá cờ của đảng phải là biểu trưng của toàn dân tộc, của bốn ngàn năm lịch sử, chứ không thể là mô hình búa liềm của riêng công nông. Và mẫu cờ búa liềm cũng là mẫu cờ ngoại lai của Liên Xô, một đất nước mang lá cờ này đã sụp đổ thảm hại.

Khi hội nghị lấy biểu quyết về 3 vấn đề của tôi thì chỉ có một mình tôi thui thủi giơ tay. Tôi liếc nhìn những người vừa là đồng chí, vừa là đồng ngũ cựu chiến binh của tôi, mới cách đây ít hôm khi nhâm nhi bia bọt với nhau đa số gần như tuyệt đối của "tiểu hội nghị bia bọt" đó là đều luyến tiếc cái thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cái thời Đảng Lao động Việt Nam, đều im lặng.

Thế mới biết:
Trước uy quyền, líu giọng đến lặng câm
Thân ngang dọc đành âm thầm uốn lưỡi…

Nhưng lúc ấy chẳng cấp nào "buộc tội" tôi cả. Cho đến năm 1999, tôi làm "giấy xin ra Đảng" một phần vì niềm tin, phần khác tôi không đồng tình với cách đối xử với tướng Trần Độ. Thế là họ "cộng" cái tội từ những năm 1995 vào biến người Đảng viên xin ra đảng thành bị khai trừ khỏi đảng.

Hỏi: Anh nghĩ gì về những người như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Thanh Giang, Phạm Quế Dương… và đánh giá về họ?

Đáp: Hãy để lịch sử đánh giá và phán xét về họ. Còn riêng đối với tôi thì về tuổi tác có người vào bậc cha chú. Về hiểu biết cuộc đời, về trí thức họ bậc thầy của tôi. Về công lao đối với Tổ Quốc, họ đều là những bậc công thần xin đừng ai quên điều này. Còn về nhân cách, tôi kính trọng họ.

Trong buổi sáng hỏi cung đó có thể có nhiều điều nữa mà tôi không nhớ hết mà chỉ nhớ một số ý hỏi đáp chính. Buổi chiều vợ tôi được mời đến để chứng kiến việc mở niêm phong bì những gì đã thu giữ ở nhà tôi trong một cái hộp các tông lớn. Bởi vì buổi chiều hôm trước khi thu giữ tài liệu nghiên cứu lý luận, thư tín và các sách báo tài liệu khác của tôi không thể ghi vào biên bản thu giữ chi tiết được nên công an đã cho tất cả vào hộp các tông niêm phong lại có chữ ký của vợ tôi. Sau khi vợ tôi ký nhận là việc niêm phong còn nguyên vẹn rồi ra về. Xung quanh một cái bàn rất dài, kiểu bàn họp, hộp các tông được phá niêm phong; tài liệu, sách báo, thư tín, sổ tay kể cả những tấm ảnh chụp với bạn bè được trải ra. Cả buổi chiều hôm đó tôi phải ký và viết đến mỏi tay để xác nhận của tôi. Nhưng rồi cũng không xong, lại phải đóng niêm phong số tài liệu còn lại để ngày mai ký tiếp. Lúc đó là 16 giờ 30 ngày 25-04-2001. Mọi người ra về chỉ còn lại V.N.C. và V.L. ở lại làm việc tiếp với tôi. Tôi đề nghị với thiếu tá V.N.C.: "Thưa ông, 24 tiếng tạm giữ tôi đã hết. Nếu còn bị giữ tiếp thì xin ông cho xem lệnh mới của Viện Kiểm sát thành phố".

Dù biết rằng lời đề nghị đó cũng chỉ bằng thừa, vì chỉ một loáng trung tá V.L. đã có lệnh tạm giam 3 ngày của Viện Kiểm sát. Tôi ký vào 3 bản đó thì họ đề nghị tôi chuẩn bị đồ đoàn để chuyển đến trại giam trung tâm. Tôi vơ vội cái màn bọc vào cái chăn len vợ tôi mới gửi tối qua rồi ra xe.

Chờ tôi ở cổng là chiếc xe con chở tù chuyên dụng loại nhỏ. Khi tôi lom khom chui vào xe thì đã thấy một bạn tù là một thanh niên chừng 25, 26 tuổi gì đó. Xe chạy trên đường phố quen thuộc mà mới mấy hôm trước tôi cùng bạn bè chơi bóng bàn xong ra ngồi nhâm nhi bia bọt, nói chuyện trên trời, dưới biển đâu có nghĩ tới thân chim lồng, cá chậu thế này. Mải nghĩ mới chừng dăm phút xe đã tới cổng trại giam. Đáng lẽ xe đi thẳng vào trong sân trại nhưng vì vướng mấy bà bạn hàng gồng gánh nên xe đỗ ở ngoài đường. Một thoáng xấu hổ khi chui ra khỏi xe. Ôi, cái thân trai đã từng "gươm đàn nửa gánh, một thời dọc ngang" mà giờ đây trong cái thân hình còm cõi của một ông già vai đeo một quai ba lô, một tay ôm bọc chăn màn gói vội lôi thôi lếch thếch, mặt mũi hốc hác bước vào lúc này nhỉ?… Bọn bạn bè cũ và cả mấy ông già bạn bè mới cũng khó tưởng tượng nổi là Vũ Cao Quận thảm hại thế này. Nếu bạn nào vẽ được tranh biếm họa thì cũng được bữa cười nôn ruột, cười ra nước mắt.

Khoảng 17 giờ ngày 25-04-2001 tôi, công dân Vũ Cao Quận chính thức bị nhà cầm quyền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa bắt bỏ tù, một nhà tù thực sự 100%. Còn ngôn từ tạm giam hay tạm giữ chỉ là câu chữ của giấy tờ. Đến hôm nay dù chỉ là những dòng hồi ký, tôi cực lực phản đối việc bắt giữ vi hiến và phi pháp này.

… Qua cổng chính đến một cái sân nhỏ, có lẽ là phòng giam của tù nữ vì tôi thấy mấy cô khoảng 35, 40 tuổi gì đó đang lao động quét dọn, vừa làm vừa chuyện trò, vẫn vô tư, vui vẻ. Nhìn cảnh lạc quan của mấy nữ tù nhân, tuy lạ lẫm bỡ ngỡ nhưng tôi tự thấy hình như họ truyền niềm tin một điều gì tốt đẹp ở cái nơi khốn khổ này cho tôi. Rồi qua một sân lớn có căng lưới bóng chuyền họ dẫn tôi vào một căn phòng hình lục lăng thì phải, vì có nhiều cửa sắt dẫn đến các khu nhà giam. Giữa sàn có kê một cái bàn làm việc dài và ghế băng. Ngồi đó có khoảng 5, 6 công an quản giáo cấp đại úy hay thiếu tá gì đó, ở cạnh tường tôi đã thấy có một hai tù nhân đã ngồi ở ghế đó, tôi toan ngồi vào nhưng một công an giọng lạnh tanh: "Này, ngồi xuống đất". Tôi vừa căm phẫn, vừa cam phận của một người tù tôi ngồi bệt xuống đất. Ngồi cạnh tôi là một cháu thanh niên mặt mũi sáng sủa. Cháu chủ động hỏi tôi: "Bác bị bắt về tội gì?". Tôi trả lời: "Chính tôi cũng chưa hiểu tôi bị bắt về tội gì !". Có thể cháu tưởng tôi là một ông già lẩm cẩm nên không hỏi nữa. Chợt một câu nói tưởng như bâng quơ, nhưng đây là một lời dằn mặt hay nhắc khéo của một tù "tự giác" có vẻ là tổ trưởng gì đó nói: "Mẹ kiếp. Vào đến đây mà cứ làm như… lại còn đội mũ…". Tôi chợt nhớ đến "cái mũ vải" lão ông của đời thường tôi đang đội. Nghĩ bụng, ai vào tù bao giờ mà biết vào tù phải bỏ mũ. Tôi vo viên cái mũ đút vào túi quần. Chưa yên, trong khi chờ bàn giao tôi cho trại giam, mấy cặp mắt quản giáo trừng trừng nhìn tôi như nhìn một con vật lạ. Quả có thế, những lão già có tuổi gần 70 như tôi sa chân vào đây không nhiều. Một công an có bộ mặt to béo đỏ hồng như tây hỏi giật giọng: "Này, dắt gái hay ma túy hả?". Tôi nhẫn nhục không trả lời. Nhưng lại một tiếng vu vơ khác, lần này từ miệng một thiếu tá công an mang phù hiệu quân y (chắc là bác sĩ): "Già rồi mà còn chống Đảng". Có lẽ bị sự kìm nén về "môi trường" và thái độ khinh bạc, tôi phản ứng ngay: "Này, anh biết gì về tôi mà chống Đảng với không chống Đảng?". một giọng đáp lại ngay: "Im cái mồm, vào đây đừng có lý sự." Ở chốn tù đày này lời nói đầy quyền lực ấy là một chân lý, trước "dùi cui" đừng có lý sự. Tôi "tiếp thu" và câm miệng ngay.

Bàn giao xong, họ ra lệnh khám xét tư trang. Trên nền đất bẩn thỉu, họ bắt tôi lôi quần áo từ ba lô ra và cả chăn màn, họ sai cái cậu tù có vẻ tổ trưởng tới lộn tùng phèo đồ đoàn của tôi. Họ thu lại cái bàn chải, hộp sữa bột vợ tôi mới gửi có vỏ bằng sắt. May mà có cái kính và mấy trăm ngàn nhờ V.L. chuyển giúp cho vợ tôi. Nhưng chưa xong… tay thiếu tá bác sĩ gọi tôi lại gần bàn đo huyết áp cho tôi. Khi tôi vén tay áo thì lộ ra cái đồng hồ nữ tí xíu của con gái tôi, họ nói: "Ồ, lại còn định giấu đồng hồ hả". Nghĩ bụng thân còn chẳng tiếc, tiếc gì cái đồng hồ. Đã bao giờ vào tù đâu mà biết đồng hồ tí xíu mà cũng bị thu, ừ nộp thì nộp. Họ lập biên bản thu giữ cái đồng hồ, nhưng hôm được trả tự do tôi cũng chẳng đòi lại. (Khoảng 6 tháng sau, khi trung tá P. biết việc này anh đã nhiệt tình lên tận trại giam nhận lại đồng hồ trao cho tôi). Mọi thủ tục đã xong, một đại úy to béo như tây hất hàm ra lệnh cho tôi theo anh ta. Qua hai lần cửa sắt, tôi đến khu buồng giam mà hôm sau tôi mới biết tên nó. Đó là khu G. tôi được dẫn vào phòng G1 được đề biển bên ngoài là "Phòng tạm giam". Qua cánh cửa sắt vào phòng tạm giam là một cái sân nhỏ chừng 10m2 có xây một bể nước chứa khoảng gần khối nước và một cái chạn để thức ăn và bát đũa cho tù nhân. Khi cửa buồng giam được mở, tôi bước vào đã thấy có hai bạn tù đã ở trong đó. Họ thu dọn và chỉ chỗ nằm cho tôi.

Đây là một căn phòng có diện tích khoảng 12m2, chỗ ở là 9m2 còn lại là nhà vệ sinh và chỗ tắm. Nhưng trước khi tả về chi tiết căn phòng thì cái cùm chân bằng sắt đen xì nằm ở góc phòng làm tôi vừa ghê sợ lẫn ghê tởm vì nếu không "may mắn" được ở trong nhà tù của chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và nhân đạo thì sao thấy được sự hiện hữu của nó ở đây. Vì có giàu trí tưởng tượng thì cũng tưởng nó phải ở những căn hầm xà lim cầm cố hoặc những chuồng cọp ở mãi tận ngoài Côn Đảo tít mù khơi. Và nhất là nó có mặt ngay ở cái phòng tạm giam này thì sự vô nhân đạo, vi hiến, vi pháp luật nhân lên gấp trăm lần.

Sau khi xếp cái ba lô lên giá, tôi trải chiếc chăn len thay cho chiếu chuẩn bị chỗ ngủ xong tôi mới quay sang làm quen với 2 ông bạn tù và quan sát buồng giam kỹ hơn. Tr.T. là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất bao bì, 65 tuổi với án 15 năm tù vì làm thất thoát hơn 2 tỷ đồng, ông đã ngồi tù được 5 năm rồi, có nghĩa là ông ngồi tù vào cái tuổi 60, cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận. Cái tuổi điều gì nghĩ cũng thuận tai, bon chen làm gì để đến nỗi thế này. Người thứ hai là M. một chủ hãng karaoke có hạng ở KA, 59 tuổi với án 10 năm tù mới thụ án được 8 tháng và chuẩn bị đi trại xa. Tr. T. là người xởi lởi hay nói chuyện chủ yếu là dốc bầu tâm sự. Tôi không quan tâm đến tội trạng của ông nhưng ông là người tốt đối với tôi, dù tôi chả là gì đối với ông nhưng những ngày sau ông là người săn sóc lo miếng ăn cho dễ ăn đối với tôi trong hoàn cảnh đạm bạc của nhà tù. M. trầm lặng, ít lời như luôn cảnh giác một điều gì.

Chỗ nằm của tù nhân, thay cho giường 2 tầng là tầng trệt là sàn cao hơn đường đi chừng 10 cm. Tầng 2 là sàn đúc bê tông cách tầng trệt 1 mét. Cả hai mặt sàn nằm đều lát đá hoa. Nhà vệ sinh và chỗ tắm ốp gạch men trắng, hố vệ sinh tự hoại. Nói chung buồng G1 kể cả cái sân nhỏ là một căn nhà nhỏ lý tưởng cho một cặp vợ chồng trẻ nghèo ở đời thường. Tất nhiên là không có cái sàn bê tông tầng 2. Căn buồng ngủ rất sạch sẽ, liền kề là nhà vệ sinh cũng rất sạch sẽ. Không mạng nhện, không thạch sùng, không muỗi, kiến, cho nên đồ tiếp tế cho tù nhân như thịt kho, gà luộc, ngan rán… ăn không hết bảo quản để trên giá ba lô có quạt trần quạt 24/24 không kém gì để ở tủ lạnh. Cũng cần nói thêm là không có chuột và gián, nếu ở nhà như nhà tôi thì sự sạch sẽ còn thua căn buồng tù tôi đang ở. Trên góc cao gần sát trần có cái giá để một cái tivi 14 inch Sanyo. Tivi được mở từ 18 giờ đến 22 giờ 30. Chủ nhật mở cả ngày[1]. Sở dĩ tôi kể tỉ mỉ sự tốt đẹp, nhân đạo của một buồng tù xã hội chủ nghĩa như một bát cơm gạo trắng rất ngon tương phản với con gián chết nằm chềnh ềnh trên bát cơm là cái cùm chân ở góc tường trệt. Chưa lúc nào tôi cảm nhận thấy hết cái hay, cái thâm thúy về thuyết "cái gậy và củ cà rốt" len lỏi vào tận chốn ngục trung này.

Vì họ chuyển tôi từ phòng tạm giữ ở số 14 Lê Quýnh lên trại tạm giam trung tâm (từng có tên cũ là trại tạm giam Trần Phú) nên khi vợ tôi lên đưa cơm thì tôi đã bị chuyển đi rồi. Do đó chiều hôm đó tôi không có suất ăn. Dù rằng trước đó hai bữa tôi chỉ ăn qua loa chút phở và cháo, nhưng ở tuổi tôi, tôi có thể nhịn thêm bữa trưa mai cũng được. Trong khi hai ông bạn tù đang mê mải xem tivi tôi lặng lẽ mắc màn đi nằm thì Tr.T. kêu lên: "Ối, suýt quên. Nhân có ông Quận mới đến không có cơm chiều, hôm nay ngoài cơm có bữa chè tù". Tr.T. lôi từ tầng trệt lên một cái xô nhựa đỏ có nắp đậy và một cái cặp lồng nhựa cũng màu đỏ, vừa đặt lên sàn ngủ ông vừa nói như giải thích cho bạn tù mới: ở nhà tù mỗi thàng được ăn hai bữa chè, hai bữa thịt, hai bữa cá. Hôm nay chè chiều nên tôi múc một xô và một cặp lồng, các ông ăn tự nhiên, bỏ thì phí lắm. Khi mở nắp xô và cặp lồng, tôi có cảm tưởng phải mười đến mười hai người mới ăn hết chỗ chè đó. Ông múc ra hai cái bát nhựa mỏng, bé tí như bát cho các cháu mẫu giáo ăn vì trong tù không được dùng bất cứ thứ gì cứng. Oâng mời tôi và M. ăn. Tôi ở nhà vốn khoảnh ăn chè, nhất là chè "bà cốt" tôi lại càng không ăn nên toan cảm ơn và từ chối thì ông lại nói: "ông ăn đi một tí mà lấy sức". Nể lời ông, tôi cầm bát múc ăn. Ông nhường tôi cái bát và thìa của ông cho tôi, còn ông ăn bằng cái muôi nhựa to và ăn luôn vào cặp lồng.

Miếng ăn được hưởng cái "ân huệ" đầu tiên của nhà tù là miếng chè tù tôi đang nhai và nuốt trong mồm. Định nghĩa cho đúng từ "chè" là món cháo gạo tẻ nấu thật nhuyễn với đường vàng có thoang thoảng mùi gừng. Tuy không muốn ăn và bụng cũng không thấy đói nhưng thật thú vị càng ăn càng thấy ngon nên khi ông múc cho bát thứ hai tôi cũng ăn hết. Tóm lại ngon thì ngon, ba chúng tôi cũng chỉ ăn hết chừng hai phần mười số chè. Tr.T. cẩn thận đậy nắp xô lại cất xuống tầng trệt nói là để mai nếu không bị thiu thì vẫn ăn tốt. Tôi chợt nhớ tới "Đêm Giữa Ban Ngày" hoặc "Chuyện Kể Năm 2000" phải sống trong cái vai kịch bi thảm ấy thì con người sẽ ăn được bất cứ thứ gì miễn là sống, ăn những của thiu thối vất trong nước gạo của nhà tù. Mà cũng khó tưởng tượng nổi là con người biến thành con thú từ lúc nào mà chỉ dùng hai hàm răng mà ăn ngấu nghiến hết mười quả dứa còn cả vỏ. Chỉ nguyên nói về miếng ăn thì tôi "một tù nhân" ngây ngô, ngốc nghếch này chắc phải học hỏi các bậc đàn anh tù tội còn dài dài như: Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Phùng Văn Mỹ, Bùi Ngọc Tấn… hoặc các bậc sư tổ về tù tội như: thiếu tướng Đặng Kim Giang, Vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, Viện trưởng Viện Mác Lênin Hoàng Minh Chính… để chuẩn bị tinh thần cho chuỗi ngày tù không định sắp tới.

Tuy nhiên suy nghĩ cũng chỉ là suy nghĩ, vì thời kỳ "trung cổ Việt Nam" của hai bạo chúa họ Lê cũng qua rồi và bước tới thời kỳ hy vọng đất nước Việt Nam sẽ tươi sáng hơn, sẽ tự do dân chủ hơn, sẽ nhân hậu thương dân hơn dưới sự trị quốc, an dân của "minh quân" Nông Đức Mạnh mới lên ngôi cách đây 3 ngày. Lòng thanh thản tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn