BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chín ngày trong một đời người

16 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 2664)
Chín ngày trong một đời người
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54


Các bạn ạ, tôi cũng chỉ là một con người, có đủ các tính xấu vốn có. Tôi cũng mắc cái bệnh "huyễn ngã thị dục" của Dale Carnegie viết trong "Đắc Nhân Tâm". Mới ti toe, chập chững viết được ít trang tản văn và mấy bài thơ con cóc mà lại có người đến xin "tác phẩm", quả thật mũi tôi cũng hơi to ra. Tôi vui vẻ tặng V. Thấy tôi tặng V., Phóng nói: "Em cũng rất thích đọc, nếu có thể thì anh cho em xin một cuốn. Từ chối lúc này là sự thiếu lịch thiệp, thực lòng tôi không muốn tặng anh ta, chẳng phải vì "cảnh giác" gì mà vì tôi đã có cảm nhận là anh ta không phải loại người của "thế sự". Suýt nữa tôi nghĩ sai về bác Lê Tần, một nhà giáo già đáng kính trọng.

Đáp: Tôi có tặng cho HT một cuốn và nhân tiện có bác Lê Tần có mặt tôi cũng tặng bác ấy. Gẩy đàn và làm thơ mà không có người đọc, người nghe thì buồn quá, nên tôi có tặng bạn bè cũng chỉ vì lý do rất đời thôi.

Hỏi: Anh còn gửi cho những ai?

Đáp: Tôi chưa cầm bút bao giờ. Thực ra tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tôi là nhà văn, "nhà gì" cả. Nên tôi làm có 4 quyển. Một quyển tặng đại tá Võ Hạ, một quyển tặng tiến sĩ Thanh Giang, một quyển tặng nhạc sĩ Đ.Q.T. ở Hà Nội, một người tôi chưa quen chưa biết mặt nhưng đã mến mộ những bài viết của tôi khi còn trứng nước. Còn một quyển tôi gữ. Tôi chưa dám nghĩ những bài viết lại có thể trở thành "tuyển tập" nếu không có sự khuyến khích của đại tá V.H. và khá đông bạn bè. Còn nghĩ đến việc tặng người này, người nọ, tôi coi đó là một sự "cao ngạo và lố bịch".

Hỏi: Anh chưa thật sự thành khẩn khai báo. Việc anh chế bản vi tính photocopy ở đâu, chúng tôi cũng đều đã biết, nhưng muốn tự anh nói ra thì tốt hơn.

Đáp: Thưa các ông, chả có gì làm tôi sợ khi phải nói về cuốn sách của tôi. Tôi có viết tên tuổi, địa chỉ đàng hoàng điều đó chứng tỏ tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng xin nói thêm là khi tôi in 4 cuốn đầu tiên thì nhân viên của Tổng cục 2 đã biết và đã tìm đến đại tá V.H. muốn được có một cuốn. V.H. có hỏi ý kiến của tôi. Tôi trả lời V.H. "sách của tôi đã ghi rõ tên tuổi, coi như canh bạc chơi đến con bài cuối cùng rồi thì lật ngửa thôi. Anh cứ cho họ nếu họ cần." Và V.H. đã đưa họ 2 quyển sau khi họ còn cẩn thận gửi lại 50.000đ để photocopy.

Hỏi: Sao không thấy anh nhắc đến ông Đ.Đ.V., còn ông B.N.T. nữa?

Đáp: Đ.Đ.V. chỉ là người bạn thân chơi bóng bàn với tôi, qua hệ đơn thuần chỉ là thể thao. Anh ấy không phải là bạn về thế sự nên không có quan hệ trao đổi tài liệu với nhau nên không nằm trong bộ nhớ của tôi. Còn ông B.N.T. là một nhà văn nổi tiếng, ông không phải là bạn tôi mà vì mến mộ tôi đến làm quen với ông. Ông không thích những chuyện liên quan đến chính trị nên ông chỉ coi tôi như một người bạn qua đường. Do đó giữa chúng tôi không hề có quan hệ trao đổi sách báo, tài liệu.

Hỏi: Thế còn ông T.?

Đáp: Ông N.T.T. cũng chỉ là một người bạn bóng bàn như Đ.Đ.V. Ngoài ra ông ấy chỉ là một người thích trao đổi về thơ ca chứ không quan tâm đến thời sự, chính trị. Nếu tôi có tặng cho ông N.T.T., cho Đ.Đ.V. thì cũng giống như tôi tặng cho bác Lê Tần mà thôi.

Hỏi: Thế còn N.M.S.? Thế còn ông H.G., Đ.M. thì sao? Tại sao anh cứ để chúng tôi hỏi đến người nào thì anh mới khai người đấy.

Đáp: Tôi mới quen N.M.S. chưa bao lâu. Vả lại tôi không muốn anh ấy vì tôi mà lụy. Vâng, tôi có tặng cho N.M.S. một quyển. Còn bác H.G. là một bậc lão thành cách mạng, tuổi gần như bậc cha chú của tôi. Tôi chưa bao giờ dám nhận là bạn của bác ấy nên rất ít khi giao tiếp. Tôi không có sách tặng bác ấy. Vả lại mới đầu tôi mới in có mấy quyển, đâu có nhiều mà tặng.

Giờ nghỉ trưa cũng đã đến. Trước khi trở về buồng giam, thiếu tá V.N.C. trân trọng đưa tôi một gói quà là hộp bánh và nói: Hôm nay nhân dịp ngày Quốc tế lao động 1-5, mấy anh em chúng tôi có món quà tặng bác.

Thú thật tôi hơi ngỡ ngàng và xúc động vì bất ngờ. Thôi thì món quà vì "nghiệp vụ" hay gì gì chăng nữa ở giây phút ấy tôi cũng chẳng cần phân tích làm gì mà tôi thành thực cảm ơn các anh, cảm ơn những tấm lòng. Việc tặng tôi hộp bánh không những làm tôi ngỡ ngàng mà làm cho hai cậu tù tự giác có mặt lúc đó cũng ngạc nhiên vì một tù nhân bị gọi lên hỏi cung mà lại được tặng quà. Không hiểu trước đó có tiền lệ nào chưa nhưng mấy ngày sau đó khi tôi bị giải qua các tốp tù tự giác, các chàng trai nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm hơn.

Buổi chiều hôm đó tôi "khai" nốt người cuối cùng cũng được tôi tặng sách là trung tá công an V.Đ.T. đã về hưu, người lính cũ của tôi cách đây 40 năm khi tôi là trung đội trưởng. Cũng xin nói qua một chút về V.Đ.T. cách đây 3 năm khi anh nghe tin tôi bị khai trừ khỏi đảng, anh tìm đến gặp tôi với lòng thương người thủ trưởng cũ của mình, từ đó anh gắn bó với tôi trong tình cảm như anh em thân thiết.

Sáng ngày 2-5-2001, sau bát cháo sáng tranh thủ vài phút trước khi gọi đi cung, tôi cùng Tr.T. và M. nhâm nhi mỗi người một cái bánh trứng, có trà Thái và tráng miệng mỗi người một quả chuối. Suốt hơn một tuần ở tù lần đầu tiên tôi thấy M. vui vẻ và cởi mở: "Nói thật với bác Quận, ở ngoài đời mỗi sáng như thế này em tiêu ít nhất cũng 100.000đ. Vào đây thèm đủ mọi thứ nhưng rồi cũng quen". Tr.T. nói tiếp: "Tôi đoán ông Quận sắp được tha rồi, vì tôi và bác M. sắp chuyển về chỗ cũ ". Rồi họ kể cho tôi nghe chỗ ở của họ là những buồng giam từ 80 đến 100 người với đủ nỗi khổ: chật chội, nóng bức, ăn uống, tắm giặt... với đủ hạng người việc "chí chóe anh chị" cũng khá thường xuyên. Nhưng ở cái nơi tưởng như u tối đó cũng không thiếu nghĩa cử, những tình người cao thượng, tốt đẹp giữa những người tù với nhau cũng đáng để khối kẻ ngoài đời tự do nhâng nhâng rao giảng đạo đức cũng phải xấu hổ.

Khoảng 8 giờ 30 tôi lại đi cung. Số người hỏi cung vẫn như hôm trước, nhưng có khác là thiếu tá V.N.C. ngồi ở buồng trong chỉ đạo, còn trực tiếp vẫn là 2 trung tá V.L. và V.S.

Hỏi: Quyển sách của anh chúng tôi thấy photo khá nhiều. Vậy anh đã in bao nhiêu quyển và còn cho những ai. Anh có tặng cho các ông Hà Nội không?

Đáp: Tôi không có nhiều tiền nên photo nhiều lần, mỗi lần khi thì 2 quyển, khi thì 3 quyển nên cũng chẳng nhớ cụ thể là bao nhiêu quyển. Có thể là 15 quyển gì đó. Còn nói là tặng thì cũng xin được nói hơi dài dòng một chút, nếu các ông cho phép.

Hỏi: Được thôi, anh cứ nói cụ thể cho chúng tôi nghe.

Đáp: như hôm trước tôi đã nói, tôi có phải nhà văn, nhà quái gì đâu. Ở Hà Nội mới đầu chỉ dám tặng tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và nhạc sĩ Đ.Q.T. Sau được khen là đọc tàm tạm được nên tôi mạnh dạn "phạm thượng" tặng các bậc đàn anh như: trung tướng Trần Độ, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn văn Đào, đại tá nguyên Tổng biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự Phạm Quế Dương, cựu chiến binh quyết tử quân Trần Dũng Tiến, nhà báo Cam Ly, nhà nghiên cứu Hán nôm Trần Khuê, lương y Nguyễn Đắc Kính, các cựu chiến binh Trần Bá, Dương Sơn...

Cứ hỏi, cứ đáp xung quanh cuốn sách của tôi rồi cũng hết giờ. Khi trở về buồng giam lúc đi ngang qua chỗ mấy người tù tự giác mặc áo sọc trắng đen đang làm lao động dọn sân thì một người tù đã có tuổi đứng dậy nói khẽ: "Họ đang rất lúng túng khi đưa ông ra xử trước tòa". Lời nói ngắn gọn của người tù kết hợp với dự đoán của Tr.T. hồi sáng, tôi cũng hơi ngỡ ngàng, vui sướng. Vì trước đây mấy hôm có tin "thoảng" đến tai tôi là có khả năng họ định giam tôi 2 tháng. Chả lẽ họ lại tha mình sớm thế sao? Lúc đó tôi nào đâu có biết những người bạn già của tôi ở Hà Nội như: Thanh Giang và cựu chiến binh quyết tử Trần Dũng Tiến... đã viết những bài phản kháng rất quyết liệt về việc bắt giữ tôi để nhân dân trong nước và thế giới biết.

Buổi chiều sau khi tiếp tục tra hỏi chán chê về cuốn sách, họ đưa ra một quyển về luật xuất bản gì đó, bìa màu lam thẫm và quy tôi tội vi phạm luật in ấn, xuất bản trái phép, có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng. Mới đầu tôi kiên quyết không nhận, tôi in cho bạn bè đọc, có bán chác gì đâu mà vi phạm pháp luật. Nhưng mọi biện luận của tôi đều vô ích, trước áp đặt của quyền lực, tôi ký nhận. Thôi thì lại chờ ra trước tòa hãy hay. Còn nếu bị phạt tiền thì cứ việc trừ vào đồng lương hưu xương máu cũng được vì tôi tuy "lạc hậu" đẻ những 5 con vịt trời, các cháu đã lớn cả và rất có hiếu sẽ nuôi tôi đến cuối đời, vả lại tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa.

Sáng ngày 3-5-2001, nhân sự hỏi cung tôi vẫn như hôm trước, nhưng có nội dung mới: chiếm dụng bí mật quốc gia.

Hỏi: Chúng tôi khám ở nhà anh, thu được những tài liệu thuộc về bí mật quốc gia như bài nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và bản thông báo của ủy ban dân vận Trung ương về vụ Thái Bình, vi phạm luật này có mức án tù từ...

Lại vẫn chuyện tù từ mấy năm đến mấy năm, hôm nay tôi không còn nhớ nữa. Thì ra họ đang hỏi tôi về "Lược ghi bài nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại hội nghị toàn quốc về xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày 21-5-1999 tại Hà Nội", và bản thông báo của Ủy Ban Dân vận Trung ương về sự nổi dậy chống bọn cường hào ác bá ở Thái Bình của hàng vạn nông dân Thái Bình. Quái, một bài nói chuyện trước hàng mấy trăm con người của Tổng bí thư thì còn gì là bí mật nữa. Nhưng cứ cho là bí mật đi nữa thì bí mật của đảng đâu phải là bí mật quốc gia. Và tôi có phải là đảng viên đâu mà phải giữ cái "bí mật cho đảng" và thấy cần cho nhiều người cùng đọc. Rồi nữa, cái bản thông báo, đã gọilà thông báo thì còn quái gì là bí mật nữa. Nhưng rồi trước cái La raison du plus fort est toujours la meilleure (lý lẽ của kẻ mạnh luôn luôn đúng), bởi vì 2 cái bản kể trên bị photo nhiều lần nhòe nhoẹt rất khó đọc có in mỗi chữ "mật" theo kiểu dấu củ khoai. Biết thân phận, tôi chả tranh cãi nữa và nhận "tội".

Nhân thể cũng cần nói qua một chút về "Bài nói của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu". Phải nói đây là khí phách dũng cảm của một Tổng bí thư khi phải thừa nhận những thói hư, tật xấu, những thoái hoá đến nghiêm trọng của một đảng luôn luôn khoe khoang là một đảng vĩ đại, giống như mặt trước của chiếc huân chương mạ vàng sáng chóe bao nhiêu thì mặt sau của nó cũng xù xì ghê gớm. Trong chuyện cổ Hy Lạp có chàng dũng sĩ A Sin anh hùng là thế, dũng mãnh là thế, bách chiến bách thắng, chỗ yếu sinh tử là một cái lỗ cỏn con ở gót chân, còn toàn thể là bất khả chiến bại. Thế mà chỉ với một phát tên của thần Apollon vào đúng gót chân mà thân anh hùng để hận mãi với ngàn thu. Còn qua bài nói của Tổng bí thư thì đảng ta có "cái gót chân A Sin" gần như toàn thân. Nói dại, có chuyện gì xảy ra thì chỉ có sức mạnh 4000 năm của dân tộc Việt Nam mới bảo vệ được đảng, sẽ ngăn chặn được không phải một mũi tên chứ trăm mũi tên của thần Apollon hiện đại cũng không thể nào quật ngã được đảng ta. Làm sao đảng có thể trông cậy vào số đảng viên cơ hội, chạy quyền, chạy chức, tham nhũng, hối lộ, quan liêu, cửa quyền, lộng hành, nhũng nhiễu lại có thể bảo vệ được Đảng. Tiếc lắm thay…

Đáp: Tôi chưa bao giờ nghĩ đó là bí mật quốc gia. Khi tôi nhận được từ những bạn bè đến tay thì nó đã nhàu nát và rất mờ. Chứng tỏ là đã có rất nhiều người đọc.

Hỏi: Anh có thấy ở trên đầu hai tài liệu đều có dấu "Mật" không?

Đáp: Có, tôi có thấy, những dấu mật này, thậm chí tối mật hoặc tuyệt mật, tôi thấy ở những bà bán chè chai, đồng nát có rất nhiều trong đống giấy phế loại từ các cơ quan nhà nước bán ra mà dấu còn đỏ tươi chứ không đen xì như dấu đã qua photo.

Hỏi: Nhưng đây là những tài liệu thuộc phạm vi của Trung ương nghiên cứu, không thuộc phạm vi phổ biến rộng rãi trong xã hội. Do đó việc anh lưu trữ là vi phạm luật chiếm hữu bí mật quốc gia.

Giờ đi cung đã đến, anh tiễn tôi ra cửa.

Hôm nay đợi tôi ở phòng hỏi cung đủ bộ ba: thiếu tá V.N.C. và 2 trung tá Ng Th. và V.L. cùng 2 nhân viên camera. Mở đầu cuộc hỏi cung, thiếu tá V.N.C. "biểu dương" tôi: qua 9 ngày làm việc, anh đã khai báo thành khẩn, thành thực hợp tác và đã "nhận ra" những lỗi lầm của mình. Vậy tôi yêu cầu anh có thái độ tích cực hơn nữa để chúng tôi báo cáo với cấp trên có sự chiếu cố, khoan hồng để trả tự do cho anh. Và họ quy tôi 3 tội:

1. Tàng trữ, lưu hành, tán phát các tài liệu có nội dung xấu.

2. Chiếm dụng các tài liệu bí mật quốc gia.

3. Vi phạm luật xuất bản, tự ý in ấn sách.

Sau 8 ngày hỏi cung căng thẳng, giằng co giữa tài liệu xấu hay không xấu, bí mật hay không bí mật, vi phạm luật xuất bản hay không vi phạm luật... làm tôi mệt mỏi mà căn bệnh tiền đình tiếp tục tăng khi tôi không có thuốc uống nên tôi buông xuôi, tôi ký nhận vào biên bản. Nếu bạn nào cho tôi là ngây thơ thì tôi cũng xin chịu, nhưng tôi nghĩ cái nhà nước pháp quyền này còn phải đưa tôi ra tòa, tôi còn có dịp kháng cáo, có dịp bác bỏ những quy kết tội vô căn cứ này.

Thấy tôi ký xong, V.N.C. lại một lần nữa "biểu dương" tôi và nói: "Để tạo cho cấp trên có căn cứ để xét sớm trả tự do cho anh, anh viết một cái đơn xin khoan hồng".

Tôi buông bút xuống bàn và giọng tôi đanh lại: "Thua các ông, tôi ký vào biên bản không có nghĩa tội danh của tôi đã được xác định. Chỉ có tòa án mới là nơi phán quyết tội danh của tôi. Ngay cả lúc ấy tôi cũng không cần xin khoan hồng, huống chi bây giờ tôi chưa phải là tội nhân, tôi không có việc gì phải xin khoan hồng. Tôi sẵn sàng ở tù 10 năm chứ quyết không xin khoan hồng"

V.N.C. bảo: "Thái độ của anh phải mềm đi thì tôi mới báo cáo lên trên tạo thuận lợi cho anh".

Tôi cần được trả tự do nhưng xin khoan hồng thì không.

Giọng V.N.C. dịu lại: "Thế thì theo anh nên viết thế nào?"

Tôi nói: Lời đề nghị được không?

V.N.C. đồng ý nhưng với mấy điều kiện: thứ nhất là từ nay không viết lách gì nữa, thứ hai là cắt đứt liên lạc, không liên hệ với mấy ông Hà Nội, thứ ba là không tham gia lập các tổ chức, các CLB tự do... không lưu trữ tán phát tài liệu...

Tôi đồng ý nhưng viết theo cách của tôi, đại để:

Lời đề nghị trả tự do với 3 cam kết: Thứ nhất là tôi già rồi từ nay về vui cùng con cháu, không viết lách gì nữa. Thứ hai tôi chưa bao giờ có ý định và cũng không tham gia các tổ chức, các phong trào tự do vì không thích hợp với mục đích của tôi. Thứ 3 là tôi "tuyệt giao về mặt thời sự chính trị" với các ông Hà Nội nhưng về tình nghĩa bạn già thì tôi không thể bỏ bạn bè được. Nếu có các tài liệu tôi xem thì đốt đi hoặc công an cần tôi sẽ "nộp" cho công an nghiên cứu.

Sau này tôi nghĩ cứ buồn cười về cái bản cam kết mà về mặt pháp lý cam kết mà chẳng cam kết gì cả. Không viết lách gì là không viết cái gì? Các bạn già của tôi ở Hà Nội là những công dân tự do ai đời một cơ quan thi hành pháp luật lại vi phạm pháp luật vì cấm công dân này không được "chơi" với công dân kia. Nghĩ cũng kỳ...

Còn tài liệu trôi nổi nếu đưa cho công an đọc có hại gì đâu. Tôi e công an đọc nhiều quá lại bị "nhiễm trùng" thì nguy. Nhất là khi tôi nói: Tôi không phải là người duy nhất ở Hải Phòng lưu trữ tài liệu, mà còn có hàng trăm người khác có tài liệu như tôi. trung tá V.L. có hỏi: nếu anh biết những ai có, anh nên khai cho chúng tôi... Tôi trả lời: Thưa ông, điều này các ông phải tự tìm hiểu, chứ tôi không phải là một Indicateur. V.L. hơi sững lại, tôi hiểu là anh có biết tiếng Pháp. Còn tôi tập tọe dăm ba câu tiếng pháp từ hồi còn Ê lê măng te cách đây gần 60 năm còn rơi rớt lại, vì dùng tiếng ta thì hơi sỗ sàng quá. Vâng, tôi không phải là một tên chỉ điểm.

V.N.C. lại yêu cầu tôi làm một bản hợp tác với công an, tôi đồng ý ngay vì hợp tác với công an để cùng giữ vững trật tự an ninh cho xã hội là nhiệm vụ của bất cứ người dân nào. Nhưng tôi yêu cầu cho biết nội dung cụ thể. Sau khi V.N.C. cho biết nội dung tôi viết đại để:

"Nếu có bất cứ ai đến vận động tôi tham gia các tổ chức, các phong trào, các CLB để gây rối loạn xã hội thì tôi can ngăn họ và nếu họ cứ cố tình tổ chức thì tôi sẽ "báo" cho công an".

Khi tôi đang viết, để khích lệ tôi, V.N.C. nói: "Anh cứ yên tâm, chúng tôi hoàn toàn giữ bí mật, giữ danh dự cho anh để không ai được biết việc hợp tác này". Tôi ngừng ngay bút lại và nói: "khi tôi đặt bút viết cam kết hoặc hợp tác này, tôi cũng có những nguyên tắc riêng của tôi là nhất quyết không bao giờ phản bội lại bạn bè. Nếu sau này các ông thấy tôi không làm đúng các cam kết hoặc hợp tác không đúng mức, các ông cứ cho công bố các bút tích, các lời nói của tôi các ông ghi được ra công khai trước tòa án, trước một cuộc họp báo chẳng hạn, trước công chúng, tôi cũng chẳng lo ngại gì".

Đòn cuối cùng ra tiếp của V.N.C. là tôi sẽ viết một "bản kêu gọi" các bạn Hà Nội và Hải Phòng đừng tiếp tục làm những việc như tôi đã làm. Tôi nhìn thẳng vào mặt V.N.C. hơi mỉm cười và trả lời.

- Thưa ông, các bạn bè tôi, nhất là các bạn Hà Nội là những bậc công thần cách mạng, nhiều người tuổi vào bậc cha, chú, đàn anh, trình độ học vấn uyên bác và cấp chức cao hơn tôi mấy cái đầu. Còn tôi chỉ là tên vô danh tiểu tốt, một dân quèn, tôi lấy danh nghĩa gì mà dám ra "Lời kêu gọi". Tôi lại sẵn sàng ngồi tù 10 năm chứ tôi mà viết thì khi gặp họ thì chỉ có cắn lưỡi mà chết cho rồi. Tôi không phải là một tên chiêu hồi.

Nghe tôi nói vậy V.N.C. cũng không ép tôi. Giờ làm việc buổi sáng cũng đã hết, nhưng tôi cũng chưa hề nghĩ đó là buổi đi cung cuối cùng sau 9 ngày trong tù. Một buổi làm việc với một không khí tương đối thoải mái, không vui mà cũng chẳng buồn.

Khi tôi về buồng giam thì Tr.T. và M. đã chờ sẵn tôi bên mâm cơm. Cơm xong vẫn còn bánh trứng và chuối tráng miệng cùng nước trà Thái của Tr.T.. tôi đi rửa bát xong thì Tr.T. đưa tôi một lưỡi dao cạo croma mới tinh và bảo: "Ông cạo râu đi". Tôi ngạc nhiên vì sao ông kiếm đâu ra của quý này, vì làm gì có người tù nào được dùng dao cạo râu, toàn dùng nhíp nhổ thôi. Tôi chợt nhớ có hôm Tr.T. bảo tôi: "Ông Quận ạ, râu ông tốt quá rồi, ông nhổ râu đi". Nói xong ông đưa tôi cái nhíp nhổ râu. Tôi cám ơn và từ chối với lý do tôi toàn cạo râu, nay nhổ râu thì đau lắm. Thôi ở trong tù tập để râu luôn. Chẳng hiểu Tr.T. bằng con đường nào kiếm cho tôi lưỡi dao cạo này. Tr.T. còn cẩn thận hỏi: Ông có biết cạo không có cán dao không? Ở hoàn cảnh này không biết thì cũng phải biết, tôi lùa ngón tay giữa vào khe lưỡi dao và phải loay hoay mất 15 phút tôi mới làm vệ sinh xong bộ râu. Trưa hôm nay cả 3 người đều không ngủ, vừa nằm vừa chuyện vãn, Tr.T. và M. đưa cho tôi địa chỉ gia đình và sau này khi ra tù tôi đã đến thăm gia đình hai người và gửi chút quà.

Khi tiếngmở khóa các buồng giam vang lên, tôi đang gấp gọn chăn màn, thì đại úy Ph. xuống báo thu xếp quần áo tư trang rồi lên phòng quản giáo. Tôi lật đật thu xếp nhưng có gì đâu mà thu xếp. Tôi cởi bộ xu vết tơ măng, lột cái áo may ô tụt nốt cái quần đùi nghĩa là "tú nuy" rồi mặc lại cái áo sơ mi, cái quần nâu. Còn để lại tất: cái chăn len và cái màn tuyn mới, một bộ quần áo thay đổi, bộ quần áo lót, hai đôi tất, nghĩa là bỏ lại tất (sở dĩ tôi kể hơi tỉ mỉ là vì giữa thời buổi "thừa mứa quần áo" ở ngoài đời thì trong tù vẫn còn nhiều người không có quần đùi, áo lót). Riêng cái ba lô vì một lý do không thể nói được trong hồi ký này, tôi nói với M. là tôi mượn phải đem về trả. Sau này tôi nhờ vợ anh gửi vào tặng anh cái ba lô to hơn và mới. Chuẩn bị xong, tôi ôm lấy M. rồi ôm chầm lấy Tr.T. khóc nức nở, khóc cho nỗi tủi nhục của tuổi xế chiều. Phút bịn rịn chia tay kẻ ở người ra lòng thương cảm làm tôi quên hẳn nỗi sung sướng của chính tôi. Khi lên phòng quản giáo, đại uý Ph đã pha trà sẵn mời tôi. Anh chúc tôi trở về mạnh khỏe. Còn tôi chúc anh hạnh phúc và đày lòng nhân đức.

Khi lên phòng trực, họ lạikhám ba lô, một cái ba lô rỗng không. Lần này tôi không bị khám người. trung tá V.L. đưa tôi vào phòng hỏi cung ngồi chờ Ban giám đốc công an xuống tận trại giam đọc lệnh trả tự do cho tôi. Ngồi chờ chừng 10 phút thì tôi được đưa lên phòng họp ở tầng 2. Đến nơi, tôi thấy có ông phó giám đốc sở công an, Thượng tá L, trưởng phòng Điều tra xét hỏi, trung tá K, trưởng phòng PA25 và khoảng 7, 8 thiếu, trung tá khác cùng nhân viên kỹ thuật camera. Tôi không biết gọi buổi tiếp xúc đây là buổi tiếp xúc gì, sau mấy câu mở đầu của ông phó giám đốc công an, đó là ông Th. một người trông còn rất trẻ, dáng dấp một sinh viên, một doanh nghiệp trẻ hơn là một người đang mang trọng trách của một cơ quan chuyên chính. Ông cho phép tôi tự do phát biểu với thời gian làm việc khoảng 1 tiếng.

Tôi phát biểu không dài, khoảng 10 phút. Tôi khẳng định tôi hoàn toàn không có tội nếu chiếu theo Hiến pháp và luật phát của nước CHXHCNVN, những điều tôi viết là những suy nghĩ, kiến nghị của tôi gửi lên đảng, lên nhà nước. Tôi chả có điều gì phải chống đảng, chống nhà nước cả nên những việc làm của tôi không thể ghép vào tội chống đảng, chống nhà nước.

Còn về phía ông phó giám đốc phát biểu, ông nói những việc làm vừa qua của tôi là chống đảng, chống nhà nước. Căn cứ vào luật pháp tôi phạm các tội: tàng trữ, tán phát những tài liệu xấu, chống đảng, chống nhà nước; chiếm giữ tài liệu bí mật quốc gia và vi phạm luật xuất bản phải đem truy tố trước tòa án, trước pháp luật. Nhưng vì nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, bản thân có một số đóng góp vào công cuộc cách mạng của đất nước, nên xét chưa đến mức đưa ra xét xử. Do vậy với "sự khoan hồng" của đảng, của nhà nước nên ông tuyên bố trả tự do cho tôi.

Tôi cũng đã lường trước được những gì ông sẽ nói nên khi ông hỏi tôi có cần phát biểu gì nữa không thì tôi hiểu đây đâu có phải là lúc tranh luận nên tôi xin cảm ơn.

Trái lại với hôm bị bắt, quang cảnh đông đúc công an ở xung quanh tôi trong phòng không hề có cảm giác căng thẳng, một không khí "có vẻ" vui bình thường như một cuộc họp cơ quan. Cam phận là một người tù, tôi không nghĩ tới việc bắt tay nhưng khi ra về các anh đã vui vẻ bắt tay tôi.

Một chiếc U-oát chờ dưới sân và chở tôi về số 14 Lê Quýnh. Tôi lại được dẫn vào một phòng họp ở tầng 2, ở đó tôi thấy ngoài số cán bộ công an của phòng điều tra xét hỏi còn có mặt vợ tôi, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, thiếu tá phó trưởng công an phường, đại úy hộ tịch viên phường Cầu Tre. Thiếu tá V.N.C. lên tuyên bố lý do trả tự do cho tôi với nội dung luận tội tôi giống như ông phó giám đốc công an đã nói cách đây gần 1 tiếng. Lại một lần nữa được các anh vui vẻ bắt tay ra về. Thủ tục cuối cùng là tôi phải ký vào 3 tờ lệnh trả tự do cho tôi. Sau khi ký xong, tôi đề nghị được giữ một tờ để mang về với lý do "trình" địa phương và giữ làm kỷ niệm, nhưng V.N.C. khéo léo từ chối với giọng nói vui: thôi, bác giữ làm gì cái của nợ này. Tôi phải gửi đi lưu ở 3 nơi, bác a.

Con gái tôi đi xe máy đón tôi ở cổng. Thấy tôi cháu khóc vì sung sướng. Cháu chở tôi về nhà ông anh rể vợ tôi ở ngã Năm chứ không chở thẳng về nhà. Mấy phút sau tôi được ông anh rể cho biết: thím ấy sợ về bây giờ còn sớm, bà con xóm làng cười cho. Đợi tối thím ấy thuê taxi lên đón chú về. Trời ơi, tôi phải tự hào và ngẩng cao đầu mà nhìn đời chứ, sao vợ tôi lại sợ vớ vẩn thế này? Nói vội một câu với ông anh rể, tôi ra thuê xe ôm về ngay nhà. Lúc đó là 5 giờ chiều.

Khi về đến nhà, hàng xóm kéo đến đầy nhà. Cô hàng xóm bán bia đầu xóm to béo vừa cười mà nước mắt ràn rụa ôm tôi xốc bổng lên và nói: xem bác vào tù mà sút bao cân nào? Mọi người cười ồ vui vẻ. Một lát sau một bà cụ già ở sâu trong xóm 82 tuổi lò dò chống gậy ra chia vui với tôi và bà nói: “Ôi chao, hôm nghe tin em bị bắt, chị nghĩ thương ứa nước mắt”.

Có lẽ không cần phải tả thêm nỗi sung sướng của vợ tôi và 3 cô con gái sau 10 đêm mà tôi bị giam giữ là 10 đêm nước mắt. Số nước mắt này cộng lại sức nặng của nó nặng gấp trăm lần nước mắt của mẹ tôi, của vợ tôi khóc thương cho số phận của tôi trong chiến tranh giữ nước.

Những ngày tiếp sau bạn bè, hàng xóm tiếp tục đến chia vui "tai qua nạn khỏi". Các bác trong chi bộ cũ, trong cựu chiến binh nơi sinh hoạt cũ của tôi lần lượt đến thăm. Đồng đội trong trung đoàn Cờ Đỏ anh hùng cũ của tôi đến động viên, an ủi. Có 2 vị lão thành cách mạng từ Hà Nội đến tận nhà thăm hỏi. Và tôi còn nhận được nhiều cuộc điện thoại từ Dăk Lăk, Tây Nguyên, Thái Bình, Hà Nội và các bạn ở ngay trong Hải Phòng mà tôi chưa có dịp quen biết cũng gọi điện đến chia vui, thăm hỏi. Cũng hơi đặc biệt là có một dòng thơ trích của một bạn vô danh gửi đến vẻn vẹn có mấy dòng. Trích đoạn thơ tặng Hăng ri mác tanh, chiến sĩ hoà bình Pháp:
Hăng Ri Mác Tanh
Chúng nó giam không cho anh nói.
Nhưng giam sao được ánh mặt trời chói lọi.
Nhưng giam sao được cả cuộc đời

Có lẽ anh động viên tôi "hơi quá" vì thân phận tôi chỉ là hạt bụi của cuộc đời này. Rồi cũng mấy dòng ngắn ngủi của một nhạc sĩ Hà Nội: Chị Lan ơi, nói hộ thằng em là em thương anh Quận lắm lắm lắm!. Tôi đội ơn anh, "cái thằng em" ấy cũng đã 65 tuổi rồi.

Ba ngày sau khi tôi ra tù tức là ngày 7-5-2001 một đoàn từ Hà Nội đi ô tô xuống thăm tôi gồm cựu chiến binh Trần Dũng Tiến (trưởng đoàn), đại tá Nguyễn Hữu Ích, nguyên Tư lệnh phòng không, đại tá Thế Kỷ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và cựu chiến binh Nguyễn Sắc nguyên Phó Tổng giám đốc liên hiệp dệt 8-3 với 19 huân chương lấp lánh trên ngực. Các anh vừa đi dự lễ truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Liệt sĩ Vũ Thị Kính, tức Trần Thị Khang, em ruột cựu phó chủ tịch HĐBT (nay là Phó Thủ tướng) theo giấy mời của huyện Mỹ Hà được ủy quyền của tỉnh Hưng Yên tạt thăm tôi. Qua cuộc tiếp xúc này tôi được biết đôi điều về việc công an Hải Phòng bắt tôi, những diễn biến xảy ra trong những ngày tôi bị giam giữ, và khi về còn bị trạm kiểm soát Quán Toan gây phiền hà.

Việc ra lệnh bắt tôi là do công an Hải Phòng. Đó là một điều hết sức thường tình như vẫn bắt các kẻ tội phạm khác. Nhưng hình như công an Hải Phòng chủ quan quên một điều là đằng sau tôi là các bạn tôi, là một nhà nước pháp quyền sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật và đằng sau nữa là nước ta đã ký vào bản công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Convention internationale des droits civils et politiques) ngày 24-9-1982 thì dù một chính quyền dù lộng quyền đến đâu cũng phải e sợ dư luận nhân dân nước mình và dư luận quốc tế chứ. Hơn hai trăm năm trước đây, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế những vần thơ lục bát vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự:
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào...

Cái câu "lộng ngôn" của Lênin cách đây gần trăm năm không thể dùng được nữa rồi: "Chính quyền vô sản là chính quyền không bị luật pháp nào hạn chế cả" (Lênin toàn tập – NXB Tiến Bộ – tập 37 – trang 297)

Tôi bị bắt chiều 24-4-2001 tức là 2 ngày sau khi Đại hội lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam bế mạc với câu tổng kết chiến lược của tân Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: "Trí tuệ – Đoàn kết – Dân chủ – Công bằng – Văn minh" còn nóng hổi. Lập tức, Trần Dũng Tiến, người trực tiếp chiến đấu bảo vệ bác Hồ từ những ngày đầu CMT8 cũng là người đầu tiên viết bài phản ứng rất quyết liệt về việc bắt giữ tôi trái phép với đầu đề "Chẳng lẽ lại khởi sự bằng đàn áp ư?“ gửi tới Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chủ tịch nước Trần Đức Lương, Quốc Hội, Thủ tướng Phan Văn Khải, bí thư Hải Phòng Tô Huy Rứa và các cơ quan thông tin đại chúng. Trong đó có một số đoạn ông nêu: Khi nghe tin Vũ Cao Quận bị bắt, Nguyễn Thanh Giang đã nghẹn ngào thốt lên: thật là đảo điên, tàn bạo hết chỗ nói. Sao không làm vào một lúc nào khác, hoặc sớm hơn, hoặc muộn hơn mà nhằm ngay lúc Tổng bí thư mới vừa đăng quang để gây náo loạn thế này. Hoặc tôi cũng mong ông bí thư Thành ủy Hải Phòng Tô Huy Rứa hãy ra lệnh tha ngay Vũ Cao Quận.

Cũng vì bài viết phản đối quyết liệt về việc bắt giữ tôi mà ngay ngày 26-4-2001 các đài BBC, Hoa Kỳ, RFI và Châu Á Tự Do... đưa tin về dư luận thế giới phản ứng về việc bắt giữ vô cớ cựu chiến binh Vũ Cao Quận. Tiếp theo đó các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng chất vấn và phản đối việc bắt giữ CBB Vũ Cao Quận gửi đến chính phủ Việt Nam. Không thể im lặng trước sự bất bình của dư luận thế giới, chính phủ ta phải đưa bà Phan Thúy Thanh phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra "đỡ đạn" và chối tội là tin về việc bắt giữ ông Vũ Cao Quận là vu cáo với ý đồ xấu vì việc bắt ông Vũ Cao Quận là hoàn toàn không có!!!

Thưa bà Phan Thúy Thanh đáng kính! Tôi với bà không hề có oán thù gì, tôi chắc là bà cũng không định vu khống tôi và tôi cũng không có lý do gì để vu khống bà. Ở thân phận một con chim mồi, ở cái thế bà không thể không nói, nhưng việc tôi bị bắt bỏ tù là có thật 100%. Tôi có thể thông cảm với bà, nhưng với cương vị là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và cũng là người đại diện quốc gia trên chính trường bà cũng cần biết cái gì mình nên làm và cái gì vì còn chút tự trọng ít ỏi của bà, xin bà đừng làm.

Xin nói tiếp về đoàn Hà Nội xuống thăm tôi, ngoài việc các bác đem lại nguồn an ủi tinh thần vô cùng quý giá với gia đình tôi, các bác Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương và Nguyễn Thanh Giang gửi tặng một số tiền 1.000.000đ. Lương y Nguyễn Đắc Kính tặng 10 thang thuốc bổ tự tay mình cắt thuốc. Mấy ngày sau tôi tiếp tục nhận được một số tiền của những người chưa từng được biết như: bác Kim, một vị lão thành cách mạng gửi tặng 200.000 đ, bác Thanh (bác có đề là một người yêu những người dân chủ) gửi tặng 50.000đ. Và đặc biệt là một món tiền gửi tặng 300.000đ của cháu sinh viên P.X.H. ở trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội làm tôi xúc động và băn khoăn, vì các cháu sinh viên nào có giàu có gì. Cháu là ai vậy? Cháu đang ở nơi đâu? Trung tá về hưu P.N.G. ở Hải Phòng tặng 300.000đ. Một thanh niên mới quen như người bạn qua đường đã đi xe máy đến tận nhà tặng tôi cái máy chữ xách tay xinh xắn.

Rồi tiếp những ngày sau, tôi nhận được bài viết 5 trang của một cử nhân luật rất trẻ Lê Chí Quang với đầu đề "Cây Phượng Vĩ Nở Hoa Trái Mùa" (Thư Gửi Một Chiến Sĩ Cách Mạng Mà Tôi Chưa Được Gặp Mặt) có đoạn: trong cả thành phố Phượng đỏ này, tôi đang lưu ý đến một cây phượng già khẳng khiu. Cây phượng đã gần 70 tuổi, trải qua bao phong ba bão táp, sóng gió của cuộc đời mà vẫn vươn lên thẳng thắn… Hoặc: Tôi đã nghe nhiều người nhắc đến tên ông, tôi cũng đã đọc những bài viết của ông… Cây phượng vĩ Vũ Cao Quận mãi mãi thắm đỏ cùng nước non… Nghe tin ông bị bắt hôm cuối tháng tư vừa rồi, chúng tôi không thể không bàng hoàng, xót xa cho thân phận của ông… Với bài "Thổn Thức Vũ Cao Quận" (nhân đọc tập sách "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi") của Viện sĩ – tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, 15 trang, trích dẫn cuốn sách của tôi, có đoạn: Vậy mà trái tim Vũ Cao Quận cứ từ bi, bác ái quá. Ông không hờn trách, không giận dữ thét gào mà ngay trong song sắt xà lim vẫn thầm thì hát lên: Tôi yêu cuộc đời này (đây là đầu đề tên một bài thơ tôi làm trong 9 ngày bị giam giữ). Một lần nữa với bài "Vũ Cao Quận Được Trả Tự Do, Một Biểu Hiện Đổi Mới Tích Cực" của cựu chiến binh Trần Dũng Tiến để chào mừng thời kỳ đổi mới Nông Đức Mạnh. Trong bài "Tại Sao Nghịch Cảnh Chính Trị Cứ Tiếp Tục Tái Diễn" của các cụ lão thành cách mạng trung ương và Hà Nội có đoạn: Ngay cả ông Vũ Cao Quận… thì các nhà lãnh đạo của ngành công an tìm cách làm khó dễ… hành hạ tới số…

Bài của đại tá nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có đoạn: Xin anh đừng để ấn tượng tốt, rất tốt về tân Tổng bí thư gắn liền với đàn áp, giam giữ (như trường hợp với đ/c Vũ Cao Quận)…

Bài viết "Không Nên Đưa Dùi Cui, Roi Điện Vào Mặt Trận Đấu Tranh Tư Tưởng Và Lý Luận" của đại tá Trần Nhật Độ, 55 tuổi đảng, nguyên chính ủy Binh chủng đặc công có đoạn: Vụ bắt Vũ Cao Quận ngày 24-4, hai ngày sau khi kết thúc Đại Hội IX của đảng vừa mới xác định Đại Hội: Trí tuệ – Dân chủ – Đổi mới – Đoàn kết có 4 điều đáng nói: bắt với cái cớ không đáng gì lại không có lệnh, khám nhà không có lệnh và không có đương sự tại nhà… người phát ngôn BNG khi trả lời các đài phương Tây lại phủ nhận không có sự việc ấy… Nói dối một lần, sau họ không tin vào tính trung thực của người phát ngôn…

Bài viết gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của nhà lão thành cách mạng Trần Đại Sơn 54 tuổi đảng có đoạn viết: Bắt anh Vũ Cao Quận, một cựu chiến binh kỳ cựu, một đảng viên kiên cường đấu tranh bị chúng khai trừ ở Hải Phòng… xin hỏi đồng chí Bí thư thành ủy Tô Huy Rứa có chỉ đạo việc này không?… bắt và tha anh Vũ Cao Quận lợi hay hại gì cho cách mạng?

Sau những bài viết, những lá thư động viên an ủi, bênh vực cho cái phận "mỏng cánh chuồn" của tôi là những cuộc thăm viếng của các bạn già có trẻ có phần nhiều tôi chưa được quen biết như anh em bác Kh, nguyên cán bộ của Tổng cục Chính trị, bác V.M.N., lão thành cách mạng, của một giám đốc tư nhân trẻ P.H.S. và anh có nhã ý thuê một phòng khách sạn thành phố để được nói chuyện tâm tư suốt một đêm chỉ để bày tỏ tấm lòng tâm đắc sau khi được đọc "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" của tôi. Nhân đây cũng coi như là một đôi lời gửi tới ông Phan Khắc Hải, thứ trưởng bộ Thông tin – văn hóa ra lệnh cấm lưu hành và thu hồi tác phẩm "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" của tôi. Khi đã là chân lý thì không che chắn nổi đâu. Dù khiêm tốn đến mấy, tôi cũng dám đem sinh mệnh của tôi để bảo đảm, để khẳng định những suy ngẫm về cuộc đời này, cái cuộc đời tôi và ông cũng chung sống nhưng "đồng sàng dị mộng" vậy.

Vẻn vẹn hơn 10.000đ trong túi, người cựu chiến binh thương binh N.H.T. từ một làng quê nghèo thuộc huyện Thanh Liêm – Hà Nam lặn lội với cái tuổi 75 dưới trời lạnh giá ra tận Hải Phòng để được biết mặt Vũ Cao Quận sau khi được đọc "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" và cầm theo một lá thư của V.C.K. một cựu chiến binh 56 tuổi đang trên giường với bệnh chứng nan y mà cái chết ngày đêm đang rình rập đã viết: “Anh Quận ơi, em cũng họ Vũ với anh, nhưng em may mắn được biết anh sau khi em đọc "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi". Thế là em giải tỏa được những vướng mắc về chủ nghĩa Mác trong suốt hơn 30 năm qua và hiểu tường tận "chân tướng" qua cách viết nôm na dễ hiểu của anh… Em muốn ra thăm anh quá mà không thể…”

Một lá thư của một nhạc sĩ Hà Nội Đ.Q.T viết: “Tôi đã đọc những bài viết của anh, chắc anh cũng chưa già lắm. Thôi anh cứ coi em như thằng em trai anh đi. Đọc bài viết của anh thú vị lắm với bao điều em tâm đắc. Mong được đón anh ở Hà Nội để được biết anh… (hóa ra ông em nhạc sĩ này cũng 65 cái lá vàng rơi rồi).

Một lá thư của vị lão thành Ng Th. L. ở phố Cầu Gỗ – Hà Nội viết: “Tôi được biết ông qua tác phẩm "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" . Ông Quận ạ, tôi đã ở cái tuổi 92 mùa thu, tôi đã đọc nhiều sách, nhưng lần đầu tiên tôi được đọc một cuốn sách hay (có thể vì xã giao bác L. khen hơi quá, nhưng bác viết vậy tôi chép nguyên văn).

Nhà báo lão thành C.L. là bậc thầy của tôi, qua tác phẩm của tôi khi chưa được biết ông, ông cũng gửi lời tâm đắc. Và cách đây chừng một tuần, tôi có nhận được một cú phone của một người bạn được gặp cách đây 2 năm mà đã đem lòng quý mến: có phải ông Vũ Cao Quận ở Hải Phòng đây không? Với giọng vui vẻ, hồ hởi và ngôn ngữ rất lính tráng ông nói: Tôi là đại tá Đ.T, đây, tôi vừa lĩnh huy hiệu 50 năm tuổi đảng và 300.000đ kèm theo. Nhưng từ nay nên gọi tôi là cư sĩ Đ.T. vì tôi từ giã Mác - Lênin để nghiên cứu về thiền. Ông hãy ghé sát tai vào máy ông có nghe thấy tiếng gì không? Hơi lạ lùng và làm theo lời ông, tôi nói: tôi có nghe tiếng loạt soạt trong máy như tiếng giở sách. Ông nói: Đấy là tiếng tôi giở cuốn "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" của ông, tôi mới được đọc mấy hôm nay. Vũ Cao Quận thật tuyệt vời, càng đọc càng thấy hay. Hiện nay tôi có một tiểu đội đại tá cùng sư 308 cả, đều đọc cả rồi. Với bọn trẻ thì tôi chưa thật rõ, nhưng lớp già tuổi tôi thì cả Hà Nội đều xem rồi. Vũ Cao Quận hay lắm… Rồi ông phàn nàn cuốn sách đến tay ông bị qua photo quá nhiều lần nên mờ, hơi khó xem, ông mong có một cuốn nguyên bản.

Thưa ông thứ trưởng, tôi không phải là kẻ hãnh tiến, mèo khen mèo dài đuôi nhưng ông là người có quyền lực, ông có dám chơi trò "quân tử tàu" không? Đối thoại, tranh luận công khai đàng hoàng để nếu nhân dân kết luận tôi đáng bị "dựa cột" tôi rất sẵn sàng. Tôi chỉ dám giới thiệu bạn đọc trong nước để ông nghe, chứ kể những cú phone từ Mỹ, từ Pháp gọi về tâm đắc, tán thưởng… thì ông lại vu cho là kẻ địch, một luận điệu rẻ tiền và cũ mèm. Cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ nằm trong tay, các ông luôn luôn chơi cái trò thiếu "minh bạch" để thế giới chê cười, còn nhân dân Việt Nam thì quá hiểu rồi. Con hồ ly tinh tu luyện hàng ngàn năm khi biến thành người vẫn không giấu nổi cái đuôi, huống chi các ông mới chỉ có mấy chục năm. Cuộc đời có nhân, có quả đã thấy nhãn tiền rồi. Tạm biệt ông để tôi trở về với "Chín Ngày Trong Một Đời Người" của tôi.

Tôi cũng xin xá lỗi trước hương hồn các "sư phụ về tù đày" như thiếu tướng Đặng Kim Giang, vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh người bí thư đầu tiên của bác Hồ, Vũ Huy Cương nhà báo… và các bậc "bị tù nhưng chưa chết" đang sống nốt những ngày cuối cùng của đời mình như Hoàng Minh Chính, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Phùng Văn Mỹ… cùng bao nhà lãnh đạo chính trị, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, cán bộ cao cấp quân đội từng bị tù đày… đừng bĩu môi trách mắng tôi: cái thằng Vũ Cao Quận vô danh tiểu tốt mới tù có 9 ngày mà đã "nhắng" lên…

Vâng, mới chỉ có 9 ngày trong một đời người cũng đủ mang nỗi đau này xuống đến "tuyền đài chưa tan". Tôi xin "ăn theo" câu thét gọi nổi tiếng thế giới đau khổ của Julius Fucik bằng câu nói của mình "Hỡi nhân dân, tôi yêu quý người, hãy cảnh giác"

Đôi dòng suy nghĩ về những người công an Hải Phòng


Trong 9 ngày ngồi tù, khi trở về tự do, tôi không thể không nói về những người công an mà tôi trực tiếp tiếp xúc. Cổ nhân cũng từng dạy "hay khen, hèn chê". Trong nỗi cay đắng của riêng tôi, tôi đã thấy những "cái hay" của những người công an bắt tôi và bỏ tù tôi.

Có thể có rất nhiều bạn tôi có những "cái không hay" mà ngành công an còn nợ họ, quả thật tôi không dám to gan đem "cái hay" này để trừ "cái không hay" kia và cũng xin các anh đừng vội "chửi" tôi: Lại một thằng chân gỗ. Đã gần 70 tuổi đầu còn đe thân làm kiếp "chó săn chim mồi" làm gì.

Cái thời của những "Huỳnh Ngự" (một nhân vật công an trong tác phẩm "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên) chắc đã qua rồi. Hoặc nếu có còn thì chỉ còn rơi rớt đâu đó, nhưng chắc là ít tàn bạo hơn, ít cuồng tín hơn.

Trung tá Ph. (theo tôi suy đoán) là người điều tra, theo dõi chuyên án của tôi và cũng là người đầu tiên bắt tôi ở Quán Toan. Nhưng đến hôm nay quan hệ giữa tôi và anh như quan hệ giữa những người bạn bình thường (còn nếu là một thứ tình bạn "nghiệp vụ" thì đó là nhiệm vụ, là chức trách của anh, tôi không quan tâm lắm), chúng tôi đôi ba lần gặp nhau ở quán bia nhâm nhi một chút gì đó, nói một vài câu chuyện gì đó về cuộc đời, tuy nhiên tôi cũng không ngây thơ đến nỗi không hiểu đây là một thứ quan hệ "mèo vờn chuột" nhưng dù sao vẫn tốt hơn là phải đập bàn đập ghế với nhau, thậm chí phải dùng tới "dùi cui" thì lại là điều không còn gì để nói nữa.

Khi tôi bị bắt giữ ở đường 5, các anh có thừa quyền lực để cho tay tôi vào còng số 8, nhưng điều đó đã không xảy ra. Cứ cho đó là một thủ đoạn thì tôi cũng thầm cảm ơn các anh. Rồi sau 9 ngày hỏi cung căng thẳng thì có, nhưng chưa một lần nào có lời nói gay gắt với tôi lại càng không hề có đập bàn, đập ghế quát tháo nặng lời. Lớp trẻ công an bây giờ có trình độ học lực cao, văn minh hơn, thích đấu trí bằng cái đầu thay cho đấu trí bằng cơ bắp. Ví dụ như Trung tá V.L. có nụ cười bì hiểm như "La Joconde" đã từng là học sinh chuyên toán đoạt giải nhì toán thành phố, nhỏ nhẹ hiền lành. Thật là thú vị khi nói chuyện với trung tá Ng.Th., anh cởi mở đậm tính chất phác của người nông dân, không gây sợ hãi cho người bị tiếp xúc. Ngay cả trung tá V.S. tôi nói vui với các bạn là anh công an có bộ mặt "gang thép" nhất, khi có một câu nói của anh làm tôi không hài lòng, anh cũng dễ dàng xin lỗi ngay dù rằng anh có đủ "quyền lực" theo gương những người có thế lực trong giới cầm quyền, hình như trời sinh ra họ, họ không hề biết xin lỗi ai bao giờ dù họ có lỗi đến mười mươi.

Sau những ngày trở về, nhịp sống giữa tôi với cơ quan công an cũng dần dần "bình thường hóa" tôi đã đến thăm nhà riêng của ông K., trưởng phòng an ninh văn hóa tư tưởng, ông có một bà mẹ chân chất, vui tính tuy ở thành phố nhưng vẫn vấn vương hơi hướng nơi đồng nội và một người vợ cùng cô con gái lịch sự, mến khách. Đến thăm vợ chồng trung tá Ph. để đáp lễ, tôi đã gặp vợ anh, một cô giáo hiền hậu xinh đẹp để đáp lễ khi các anh đến thăm gia đình động viên, an ủi vợ con tôi. Thì ra đằng sau những người công an cũng chẳng khác chúng ta khi họ cũng có những người mẹ, người vợ hiền hậu, những đứa con hiền lành dễ thương như gia đình anh, gia đình tôi mà tôi đã từng dự kiến trong bài thơ "Gửi anh công an an ninh chính trị" trước cái ngày tôi bị bắt. Với những gia đình đầy tình nhân hậu Việt Nam như thế và với trọng trách giữ gìn an ninh cho Tổ quốc tôi chỉ biết cầu mong các anh hoàn thành nhiệm vụ, ý thức được những việc phải làm và những việc không nên làm vì đằng sau "thanh gươm và lá chắn" còn tình nghĩa con người với con người. Tôi cũng rất bất ngờ và hân hạnh hai lần được ông phó giám đốc và ông giám đốc CATP mời lên nói chuyện, một cuộc nói chuyện hết sức bình thường. Sẽ rất vô lý là tự nhiên hai ông công an quyền lực đứng đầu thành phố lại bỗng nhiên "mất thì giờ" để nói chuyện với một anh dân quèn như tôi, đây là chưa nói đến một người đã có "tiền sự". Đúng là như vậy, cuộc nói chuyện "không tiền khoáng hậu", một cuộc tọa đàm nhẹ nhàng. Nếu nói là không có yêu cầu gì thì không đúng, chỉ duy nhất có một yêu cầu là cùng ngành công an thành phố đóng góp cho sự nghiệp chung vì an ninh của thành phố nói riêng và an ninh của Tổ quốc nói chung. Tôi là một người lính già há lại không biết cùng mọi người giữ vững an ninh của Tổ quốc hay sao?

Và cũng nhân dịp gặp ông phó giám đốc công an, lần đầu tiên tôi mới có dịp tiếp xúc ông L., thượng tá trưởng phòng điều tra – xét hỏi. Cuộc gặp ngắn ngủi chừng 5 phút, vẫn ông già mặc bộ com plê nâu giản dị mà tôi đã tả ở đầu cuốn hồi ký này, với nụ cười hiền lành ông nắm chặt tay tôi, không một lời dặn dạy, không một lời khuyên bảo, ông chỉ nhẹ nhàng nói:

"Chúng mình già cả rồi, chúc bác mạnh khỏe và vui vẻ sống cùng con cháu". 

Tôi vui vẻ nhận lời chúc của ông vì sống vui vẻ cùng con cháu là lối sống "an toàn" nhất trong cái xã hội còn ngột ngạt vì thiếu tự do dân chủ này. Trong tôi còn lưỡng lự giữa cái "vùng lên" hoặc "buông xuôi" cho những ngày còn lại cuối đời này.

Vâng, hãy để tôi suy nghĩ theo danh ngôn của triết gia Pháp René Descartes "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại".

Thay cho lời kết


Đã đến lúc tôi khép lại những dòng hồi ký cũng đã khá dài và còn một lẽ nữa là những cơn choáng do thiểu năng tuần hoàn não và những cơn co thắt tim bất chợt do thiểu năng mạch vành, tôi cố viết vài lời cuối cũng chỉ dám nghĩ là để cho con cháu của tôi hiểu tôi. Còn nếu may mắn lọt tai, lọt mắt các bạn bè cũng là dịp tôi tâm tư cùng các bạn.

Con đường quá khứ đang trải ra phía sau lưng tôi với những hân hoan, hứng khởi lao vào vòng xoáy của cuộc Cách mạng, rồi trải qua cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp rồi chống Mỹ với niềm cả tin pha lẫn cuồng tín, đau thương và mất mát, máu và nước mắt để làm trọn nghĩa vụ của một người lính đem thân trai dấn thân vào chốn sinh tử để đền đáp ơn nước rồi đến hôm nay tôi đứng trên mảnh đất của hiện tại bàng hoàng, ngơ ngác nhìn về tương lai mờ ảo của con đường phía trước, con đường tiến tới tự do dân chủ, ấm no hạnh phúc còn đầy gập ghềnh quanh co xa vời vợi. Thế mới biết:

Thế gian vạn sự giai báo ảnh
 
 
Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình

Tạm dịch:

Sự đời có khác chi bọt nước
 
 
Muôn kiếp còn chăng m ột chút tình

Cũng xin với các "nhà lý luận quáng gà" đừng chụp cho cái mũ "chống này, chống nọ”. Những kẻ cơ hội lại hay gán ghép cho những người trung thực là kẻ cơ hội thì tôi có một “ranh ngôn” mới nghĩ ra:

“Chỉ có kẻ đào ngũ trước cái chết chứ chưa thấy kẻ nào đào ngũ trước quyền lực nó nằm trong tay…!”

Xin nhắc lại câu nói của Sextus Empiricus: “Cối xay của tạo hóa nghiền chậm chạp, nhưng nghiền rất tinh vi”. Để nhắc nhở cho hậu thế nhớ rằng: lịch sử rất công bằng sẽ dần dần tước đoạt những vòng nguyệt quế trên đầu những kẻ lộng quyền và quàng những vòng nguyệt quế vinh quang đó cho những người xứng đáng trước sự chứng kiến của trời của đất, của lòng người dù có phải “tam bách dư niên hậu!”.

Vì căn bệnh, những ngón tay tôi càng run rẩy mổ phím chữ không còn chính xác mà những dòng hồi ký này nó tuôn ra như từ một cái vòi nước, không kịp “nghĩ nháp”, cũng không đủ sức viết nháp, nghĩ tới đâu thì “mổ cò” tới đó, nên câu cú lủng củng, diễn đạt thiếu mạch lạc, mắc lỗi chính tả cũng khá nhiều mong được lượng thứ.

Xin dùng bài thơ nghĩ khi 9 ngày bị giam ở trong tù để kết thúc những dòng hồi ký này:


Tôi Yêu Cuộc Đời Này


Thế đó. Tự nhiên bỗng ngồi tù
Một ngày như thể tự ngàn thu
Ngẫm đời mới thấy hay hay nhỉ?
Chẳng bạn, chẳng ta, chẳng phải thù !


 Đứng lặng bên song sắt xà lim
Tán bàn lảnh lót vọng tiếng chim
Tự do… những thấy xa vời quá
Xót cuộc đời ta, nhói con tim


Ta nghe còi rúc báo tầm tan
Thương hè rộn rã tiếng ve ran
Phượng đỏ rực trời bên hè phố
Lửa lòng thiêu đốt cháy tâm can


Dòng đời vẫn cứ trôi, trôi mãi
Chân lý. Người ơi… chốn nơi đâu?
Cửa sắt đang nặng nề đóng lại
Đâu dễ gì giam được cái đầu


Sắp cổ lai hy, bỗng vào tù
Âu là… kỷ niệm buổi tàn thu
Mùi đời đã trải bao sinh tử.
Một kiếp nhân sinh: Kiếp phù du


Tôi biết rằng tôi: Chấu đá voi
Nhưng vẫn là con của giống nòi
Thế cờ thôi đã đành lỡ bước
Tôi khép lòng tôi trong đơn côi… !


Những ngày đông lạnh cuối năm Tân Tỵ
01-02-2002

Người lính già
Vũ Cao Quận



[1] UAZ, một loại xe command-car do Liên Xô (cũ) sản xuất.
[2] Phòng giam này rõ ràng không phải là phòng giam bất kỳ, mà là một phòng giam đặc biệt, như sau này tác giả mới biết rõ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn