BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73238)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chín ngày trong một đời người

16 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 2660)
Chín ngày trong một đời người
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54


Khoảng 8 giờ sáng tiếng lách cách mở khóa các buồng tù vang lên rộn rã. Các tù "tự giác" được tự do đi lại mở khóa các buồng giam, gánh cơm nước uống phân chia cho các buồng. Cả ba chúng tôi đã thức dậy từ lúc 6 giờ, cả trại tưởng chừng như còn im lìm trong giấc ngủ. Nhưng không… các buồng giam như nhau đều đã dậy từ lúc 5, 6 giờ, không tiếp tục ngủ thì nằm tán gẫu cho đến giờ mở khóa. Tôi là lính mới ra xách nước từ bể nước chứa vào cái thùng nhựa màu xanh lá cây chừng 100 lít để đánh răng, rửa mặt và bể nhỏ chứa nước cho nhà vệ sinh. M.quét sân rải đầy những hoa bàng li ti, sau đó anh ta múc nước ùm ùm để tắm. Qua cơn mưa đêm trời se lạnh, tôi nhìn M.tắm mà rùng mình. Tr.T. đi đổ rác và lấy cơm nước. Ngoài cơm còn có một âu cháo sáng và một bát nhựa to đựng rau muống luộc. Không thấy có thức ăn. Có lẽ tù nhân sống dựa vào đồ ăn của người nhà tiếp tế là chính.

Tr.T. đã kiếm được cho tôi một cái bát nhựa và cái thìa cùng một cái bàn chải đánh răng tuy cũ nhưng còn khá tốt. Bàn chải đánh răng trong tù đều bị bẻ cụt cán. Nghĩ đánh răng bằng một cái bàn chải răng đã cũ, nhất là bàn chải của một người tù khác, tự nhiên thấy ghê ghê, nhưng để Tr.T. vui tôi dùng nó đánh răng luôn. Sau đó Tr.T. giục tôi ăn cháo đi kẻo đi "cung" không kịp ăn. Đúng vậy, tôi vừa mới húp được hai thìa cháo thì có tiếng gọi chõ vào: G1 đi cung. Ở đây tù nhân đã thành án cả rồi nên chỉ có tôi. Tr.T. nói vọng ra: “Chờ một chút để ông ấy ăn nốt bát cháo đã”.

"Mẹ kiếp, vào tù rồi mà còn đỉng đỉnh". Một tù "tự giác" từ ngoài nói chõ vào. Đang ăn dở, tôi đổ bát cháo xuống cống rồi đi ra. Vẫn viên đại úy công an to như tây, mặt đỏ lạnh lùng hất hàm ra hiệu cho tôi đi theo. V.L. đã chờ tôi ở cái buồng lục lăng hôm trước và dẫn tôi tới một căn phòng làm việc có biển đề "Phòng hỏi cung người nước ngoài". Phòng nhỏ chừng 12 m2 có kê một cái bàn gỗ nhỏ cùng vài cái ghế tựa bằng nhựa. Cạnh đó là một tủ đựng hồ sơ thường thấy và có một cái rèm vải che ngăn cách phòng với cái giường ngủ bên trong.

Vì còn phải chờ nhân viên camera nên V.L. pha trà mời tôi uống và chuyện vãn vài câu. Vẫn nụ cười mỉm khó hiểu, V.L. hỏi tôi: "Đêm qua bác có ngủ được không?". Tôi đáp: "Xin cảm ơn ông, tôi ngủ cũng đường được".

Nhưng rồi trung tá Th. tới ôm theo cái hộp các tông niêm phong tài liệu mà tôi chưa kịp ký hết. Thế là cả buổi sáng hôm đó tôi chỉ có việc ký xác nhận tài liệu đã thu giữ tại nhà tôi. Khoảng gần 12 giờ tôi mới ký hết, tôi nhớ mang máng là khoảng hơn "bốn trăm tài liệu". Cũng cần phải nói rõ hơn "hơn bốn trăm tài liệu" này.

Nghĩ cũng hay, cả một bộ máy cầm quyền đồ sộ với hàng triệu lưỡi lê bảo vệ mà sợ đủ thứ, sợ cả cái không đáng sợ. Có đến gần 400 "đầu tài liệu" là những bài viết từ một đến hai trang nói toàn những điều vô hại như: Về dùng ngoại cảm tìm mộ của nguyên bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Thọ Chân, của nguyên phó thủ tướng giáo sư Trần Phương, của trung tướng nguyên Phó chủ tịch Quốc Hội, nguyên ủy viên Trung ương Đảng Trần Độ. Những bài tản văn khôi hài của Giả Bình Ao, bài nói về thiền và những bài vô thưởng vô phạt… kể cả bài diễn văn hay nhất thế kỷ của một luật sư Mỹ nói về một con chó cùng cuốn sổ tay thơ của tôi, vài bài thơ gửi cho "Cô gái Nga Anbina" bán bia hơi ở Cẩm Phả cùng tấm ảnh tôi chụp chung với vợ chồng cô cũng bị tịch thu, nghĩa là thu "tất tần tật, tuốt tuồn tuột" dù những trang giấy ấy, những tấm ảnh bạn bè ấy chẳng có tội tình gì hoặc là chứng cứ của vụ án.

Còn những tài liệu bị coi như những tài liệu "xấu" thì toàn là những bài viết đầy trí tuệ của: Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Văn Đào, Trần Độ, Phan Đình Diệu, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Ngọc Uyển, Dương Thu Hương, Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Bá, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Trần Dũng Tiến… kể cả bài viết của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm, của 3 ông tướng: thượng tướng Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo và trung tướng Lê Tự Đồng… Đúng như La Rochefoucauld đã nói: "Những kẻ trí tuệ tầm thường hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ".

Thậm chí cái máy đánh chữ, một vật dùng tầm thường của thế giới văn minh thay cho một cái bút bi cũng bị tịch thu. Thế rồi từ đó loan truyền đi là thu giữ quả tang của Vũ Cao Quận hàng chục ký lô tài liệu, truyền đơn trên đường 5 và hàng mấy bao tải tài liệu tàng trữ tại gia đình. Những người tử tế thì bán tín bán nghi. Còn những "kẻ quáng gà, nghe hơi nồi chõ" thì tung tin vịt nghe mà phát khiếp.

Buổi chiều ngày 26-04-2001 mới chính thức bước vào các buổi hỏi cung thực sự do thiếu tá V.N.C. cùng trung tá V.L. và P Th. trực tiếp làm việc. Lại hỏi và đáp.

Hỏi: Anh có nhận là những tài liệu có nội dung xấu chúng tôi thu được của anh và khám xét thu được tại nhà anh có phải là của anh không?

Đáp: Vâng, tôi nhận tài liệu đó là của tôi, nhưng gọi là tài liệu có nội dung xấu thì hoàn toàn không đúng.

Hỏi: Sao lại không đúng? những tài liệu đó hoàn toàn mang những nội dung xấu chống đảng, chống nhà nước…

Và họ đem theo quyển luật (cho đến bây giờ tôi cũng chẳng biết tên đầu đề của quyển sách luật đó) và đọc cho tôi nghe và kết luận đại khái là tôi phạm tội: Lưu trữ, tàng trữ các tài liệu có nội dung xấu chống đảng, chống nhà nước xã hội chủ nghĩa… phạm vào điều 88 của bộ luật, có thể bị phạt tù từ 8 đến 15 năm.

Đáp: Những việc làm của tôi là hoàn toàn đúng với tinh thần và nội dung của điều 69 của Hiến Pháp năm 1992: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình… và điều 19 về Công Ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (Convention internationale des droits civils et politiques) mà chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết ngày 24-09-1982 với nội dung: "Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận: quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt mọi tin tức, ý tưởng, không phân biệt ranh giới hoặc bằng bản viết, bản tin…". Để phân biệt đúng, sai tôi cần được đưa các tài liệu ra tòa án xét xử. Và chỉ khi nào có sự phán quyết của tòa án thì lúc ấy tôi mới thực sự là có tội hay không có tội.

Hỏi: Như vậy nên anh cũng tham gia viết nhiều bài có nội dung xấu và phát tán để kẻ địch ở nước ngoài cũng lợi dụng để nói xấu ta?

Đáp: Đúng, tôi có viết một tác phẩm "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi". Nói là tác phẩm cho nó oai, chứ tôi là một người lính chưa cầm bút viết bao giờ. Tôi chỉ viết sự suy nghĩ của tôi rồi in thành sách gửi bạn bè đọc cho vui thôi. Còn tôi chả có liên quan gì với nước ngoài cả.

Một trong 3 người chìa ra trước mặt tôi một tờ báo nước ngoài đã qua photocopy có đăng bài viết của tôi có nội dung "Những suy nghĩ hướng về Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam" và nói: "Đây là một bằng chứng về một trong những bài viết của anh đăng trên một tờ báo nước ngoài".

Đáp: Đúng, đây là bài viết của tôi và nơi gửi là Văn phòng Bộ Chính trị.

Hỏi: Thế thì anh trả lời chúng tôi vì sao nó lại được đăng trên tờ báo nước ngoài?

Đáp: Tôi không hề có dây mơ rễ má với báo chí nước ngoài.

Hỏi: Vậy anh còn gủi đi cho những ai?

Đáp: Có chứ, tôi gửi cho nhiều bạn bè để cùng chia xẻ sự suy nghĩ cùng với tôi. Thiết nghĩ việc này là hết sức bình thường. Còn vì sao nó lại có mặt ở nước ngoài thì chính tôi cũng đang tự hỏi tôi…

Ngoài sân tiếng hò la vui vẻ của mấy anh lính trẻ bảo vệ trại giam, lúc đó đã là 4 giờ 30 chiều. Quả bóng chuyền bay qua lại, thậm chí có những cú đập bóng bay thẳng vào chỗ tôi ngồi. Nhưng việc hỏi cung vẫn chưa chấm dứt, trong căn phòng nhỏ vẫn hỏi, vẫn đáp. Rồi giờ nghỉ cũng đã tới. Làm nốt cái thủ tục không thể thiếu sau mỗi buổi hỏi cung là nghe đọc lại biên bản và ký nhận.

Trung tá V.L. mang tôi tới phòng trực của quản giáo và bàn giao. Viên đại úy trực khác với bộ mặt hiền lành ra hiệu cho tôi đi về buồng giam. Khi đi qua sân anh nói nhỏ với giọng vui vẻ, thân mật: “Bố già ơi, làm chính trị làm chi cho khổ thân già. Thôi, mong bố cố gắng ra khỏi đây cho sớm về sống với "bà bu" ở nhà, sống vui vẻ cùng con cháu”. Đây là tiếng nói thành thực của một con người đối với một con người, của một người lớp trẻ thương hại một ông già ở chốn lao tù. Giọng của anh ta không phải là giọng "chiến tranh tâm lý" vả lại anh ta chỉ là một quản giáo, câu nói của anh ta không thuộc về câu nói "nghiệp vụ". Tôi chỉ kịp cảm ơn về lời nói tốt đẹp của anh ta ở chốn bốn bề vây hãm này thì cánh cổng sắt đã sập và khóa lại.

Tr.T. và M. đã ngồi chờ tôi về ăn cơm chiều bên cái mâm trải bằng một tờ báo có bày biện thức ăn khá thịnh soạn: một đĩa nhựa để lẫn thịt gà luộc và thịt ngan rán, một bát nhựa thịt lợn ba chỉ kho, một gói ruốc trong túi nilon và một lọ nhựa muối vừng. Ngoài ra còn một âu canh nhựa bốc khói, đó là một món canh mà ở đời thường khó có. Tr.T. tươi cười giới thiệu: "Để giúp ông dễ ăn, tôi nhặt mấy chục sợi rau muống luộc ban sáng, lên xin "thầy" (ý chỉ quản giáo) ít nước sôi thả vào gói mì ăn liền và gia giảm chút mì chính…". Tôi chỉ còn biết nói: "Cám ơn các bác quá, sao các bác không ăn cơm trước mà đợi tôi làm gì cho nguội cơm". Vốn trầm lặng và ít nói, lúc đó M. mới đủng đỉnh: "Có ba anh em chờ nhau một chút, ăn trước sao đành".

Thế là ba chúng tôi sì sụp ăn ăn húp húp. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra… Ôi, cũng có những miếng ăn "quá khẩu thành tàn" mà sao miếng ăn của tôi giữa những người bạn tù sao mà thiêng liêng thế, sao mà dữ dội thế. Cuộc sống trong tù vốn đạm bạc, thiếu thốn, họ có chút ít đồ tiếp tế của gia đình đem đãi tôi cũng chỉ là bạn tù như họ, không phải họ hàng thân thích, cũng chẳng phải bạn bè. Một miếng ăn vô tư, một miếng ăn không cần trả nghĩa, mà khốn nạn thân tôi cũng chỉ là người tù như họ, tôi lấy gì mà trả nghĩa…

Ăn cơm xong, chuyện vãn một chút thì trời đã chuyển tối dần. Tr.T. kiếm được chút nước sôi pha một bát nhựa trà Thái Nguyên, ngồi nhâm nhi mỗi người một cái bánh trứng.

Cuộc sống trong tù thật là sang.

Chiếc tivi ở góc phòng bắt đầu hoạt động. Tr.T. và M.theo dõi tivi, còn tôi chuẩn bị mắc màn đi nằm. Khi mới mắc được đầu dây màn, tôi mới chợt nhớ Tr.T. và M. không có màn và không mắc màn. Tự nhiên tôi thấy xấu hổ quá, tôi vô tâm quá. Cũng may buồng tù rất sạch, quạt trần mở suốt ngày đêm nên không có muỗi . Nhưng giả thử nếu có nhiều muỗi đi nữa, tôi nỡ nằm màn để muỗi đốt hai người bạn tôi sao. Tôi cuộn màn lại và lặng lẽ nằm xuống với bao ý nghĩ miên man. Tôi hoàn toàn không lo gì thân tôi nữa, nhưng chắc giờ đây vợ tôi và các con tôi ở ngoài kia lo lắng cho tôi biết chừng nào.

Sau này khi được trả tự do tôi mới biết những người bạn già tuyệt vời và thông minh của tôi. Thanh Giang đã dự đoán trước những gì công an sẽ hỏi tôi, anh đã gọi điện thoại cho vợ tôi và dặn: "Chị sẽ đến khai báo với công an là tất cả những tài liệu của Vũ Cao Quận có là do Thanh Giang đưa và những bài viết của Cao Quận đăng ở báo nước ngoài là do Thanh Giang đưa ra. Nếu cần công an đến hỏi thì Thanh Giang sẽ trả lời".

Suy nghĩ một lúc rồi tôi thiếp đi. Nửa đêm chợt tỉnh giấc vì thấy lạnh. Thì ra trời bắt đầu, tiếng giọt mưa gõ trên nóc nhà giam. Nằm nghe tiếng mưa rơi tôi thức luôn đến sáng. Cạnh tôi, Tr.T. và M. vẫn ngáy nhẹ, đều đều. Cũng may cả ba chúng tôi không anh nào biết "kéo xe bò" cả. Nằm mãi rồi cũng sáng. Sáng ở trong tù muộn hơn ngoài đời chừng 2 tiếng, vì như thường lệ 8 giờ sáng mới bắt đầu mở cửa các phòng giam.

Hôm nay đã là sáng 27-04-2001. Lại dọn vệ sinh, lại ăn cháo sáng rồi lại đi cung. V.L. đã đón tôi ở phòng trực và dẫn tôi vào phòng hỏi cung hôm trước. thiếu tá V.N.C. đã có mặt ở đó chờ tôi. Anh pha trà mời tôi uống. Trong khi chờ đợi nhân viên quay camera đến, chúng tôi có dăm ba phút chuyện vãn với nhau. V.N.C. hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi, hỏi qua loa về hoàn cảnh gia đình tôi, một không khí thân tình, bình dị, ít ai nghĩ là chỉ giây lát nữa thôi lại là một cuộc đấu trí giữa người đại diện cho bộ máy chuyên chính với tù nhân. Cũng nên nói lại một chút là tối 27-12 Canh Thìn, tôi bị cảm liệt nửa người phải đi cấp cứu ở bệnh viện 203QĐ. Sau khi ra viện, hậu quả để lại di chứng một chân tôi luôn tê dại và đầu óc lúc nào cũng váng vất, chóng mặt nên theo đơn thuốc bác sĩ tôi thường xuyên phải uống nhiều thứ thuốc như Tanacan, Duxin, Rotunda… Mấy ngày nay không có thuốc uống, đầu óc lắm lúc quay cuồng như say sóng và đùi trái đi lại nặng như đeo chì, những dẻ sườn lồng ngực trái tê dại như ép sát vào phổi làm tôi khó thở. Này lão già Quận, trước cái thế "trứng chọi đá" có ngã trên đài thì cũng ngã cho xứng đáng, tứ túc bất hoại thì phải giữ cái óc cho tỉnh táo. Mày có thể nhận tất cả tội lỗi về mày nhưng không được phép làm liên lụy đến bạn bè. Tôi tự nhủ thầm…

Máy camera đã căn thẳng vào mặt tôi xong và micro cũng đã đặt trước mặt tôi. Ngồi trước mặt tôi là thiếu tá NC, hai bên là trung tá V.L. và Ng. Th.

Hỏi: Hôm nay chúng tôi tiếp tục hỏi anh, mong anh khai báo thành thật và có thái độ hợp tác với chúng tôi.

Đáp: Thưa các ông, tôi đã sẵn sàng.

Hỏi: Hôm qua tôi đọc bài viết gần đây nhất của anh, sao anh ngoa ngôn thế? Anh phủ nhận xã hội chủ nghĩa. Anh viết: 25 năm trước đây xã hội chủ nghĩa vẫn là con trâu đi trước cái cày. 25 năm sau vẫn cái cày đi sau con trâu. Anh không thấy thế là ngoa ngôn hay sao?

À, thì ra họ đang nói tới bài viết: "Sự ngộ nhận và những lý sự khiên cưỡng về chủ nghĩa xã hội, bài mới viết gần đây nhất của tôi, mà cũng vì bài này mà lương y Ng.Đ.K. bị mất oan cái mũ bảo hiểm xe máy tại Hải Phòng.

Đáp: Thưa ông, những luận điểm của Lênin về chủ nghĩa xã hội khác rất xa về cái xã hội chủ nghĩa hiện đang có ở Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội chỉ thực hiện ở một nước có một nền công nghiệp cực kỳ phát triển dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Cứ nhìn vào tiêu chí ấy thì Việt Nam làm gì có xã hội chủ nghĩa mà tôi phủ nhận. Sao tôi lại phủ nhận một mô hình xã hội mà nó không hề có thật. Tôi xin nhắc lại cái công thức toán học về chủ nghĩa xã hội của Lênin…

Nói đến đây V.L. ngắt lời:

- Thôi anh không được vòng vo nhiều lời. Hiến pháp nước ta đã ghi nhận nước Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, anh trả lời thẳng vào vấn đề là tại sao anh phủ nhận?…

Đáp: Thưa ông, nếu đây là cuộc hỏi cung, bắt buộc tôi phải công nhận nhà nước Việt Nam là một nhà nước xã hội chủ nghĩa thì chả còn gì để nói cả, tôi hoàn toàn công nhận như ông trung tá nói, nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng chả nhẽ một nước vào loại lạc hậu đói nghèo nhất thế giới lại gọi là chủ nghĩa xã hội sao?

Nghe thế, N.C. bảo: "Cứ để cho anh ấy nói”. Và hỏi tiếp.

Hỏi: Anh không thấy một thực tế là nước ta thay đổi rất nhiều, tiến bộ rất nhiều trên các lĩnh vực, anh phải thấy hướng phấn đấu đi lên xã hội chủ nghĩa của nước ta chứ?

Đáp: Nếu được phép nói thì thưa các ông, có họa là kẻ mất trí mới không thấy đất nước ta đang thay da đổi thịt. Nhưng là chủ nghĩa xã hội thì không. Tôi xin được nhắc lại công thức chủ nghĩa xã hội của Lênin: Chính quyền Xô Viết +Trật tự đường sắt Phổ + Kỹ thuật và tổ chức tờ-rớt của Mỹ + Nền giáo dục quốc dân Mỹ = chủ nghĩa xã hội. Cứ theo công thức của Lênin thì Việt Nam đã tiến rất nhiều, có nhiều bước tiến vượt bực nhưng gọilà chủ nghĩa xã hội thì chưa. Còn nói hướng đi lên thì tôi xin mạo muội có một ví dụ: có một vị chức sắc nọ có cậu quý tử mới học lớp 4 nhưng cứ thích mọi người gọi cậu ấy là thằng "tiến sĩ", vì ông ấy sẽ chăm lo đầu tư cho nó học hết trung học, hết đại học rồi thành tiến sĩ. Vậy thì rồi mươi, mười lăm năm sau nó có thành "tiến sĩ" thì ta gọi nó là ông tiến sĩ cũng chưa muộn. Còn phấn đấu đến xã hội chủ nghĩa, theo mấy ông Trung Quốc dự đoán phải vài trăm năm nữa mới có xã hội chủ nghĩa, mà cuộc đời thì "thương hải, tang điền" chúng ta đâu còn sống được đến ngày đó mà hưởng xã hội chủ nghĩa. Thôi thì cứ phấn đấu như Bác Hồ dặn: "Hòa bình – thống nhất – độc lập – dân chủ và giàu mạnh" thì đúng thực chất cái xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay. Nếu các ông cho phép tôi nói thêm một điển tích Trung Hoa: thời Chiến Quốc, cái ông Sở Trang Vương gì gì đó cưỡi cái xe do con ngựa kéo, mà đi đâu cũng bắt mọi người phải gọi là con hươu. Ai không gọi thì chém đầu. Kết cục vài năm sau mất nước.

Hỏi đi và đáp lại, cuối cùng gì thì gì tôi cũng ký vào biên bản nhận "tội" tàng trữ, tán phát các tài liệu xấu.

Khi đứng lên ra về, đầu óc tôi choáng váng nhưng tôi cố gượng đĩnh đạc theo quản giáo về phòng giam. Ăn cơm trưa xong, hai ông bạn tù lăn ra ngủ. Còn tôi không ngủ được, tôi lặng lẽ tuột xuống tầng dưới ngồi thẫn thờ ngắm nhìn cái cùm chân. Tôi tẩn mẩn lấy que đo thử cổ chân cẳng gà của tôi ướm vào khoen cùm thì vừa khít. Thế nghĩa là nếu chẳng may bị cùm thì khó có kẻ nào cổ chân lại bé hơn cổ chân tôi, làm tôi chạnh nhớ đến cái cùm mà Vũ Thư Hiên, người con trai của vị lão thành cách mạng Vũ Đình Huỳnh đã từng bị cùm chân chỉ trong một, hai ngày là chân sưng tấy, bị cọ sát lở loét, khi được tha chỉ còn có thể bò lết vè chỗ nằm vì không đi được.

Nhân dòng viết này, tôi xin quỳ xuống cầu xin những người cầm quyền của một chủ nghĩa nhân đạo hãy vì Chúa mà mở rộng lòng từ bi, sự trừng phạt tàn bạo có giới hạn để cho người tù còn có một cõi hoàn lương để người tù có chốn đi về. Tôi tha thiết cầu xin ông Tổng Bí thư hạ lệnh cho nới rộng khoen cùm dù chỉ 1 phân cũng để lại một tấm lòng nhân đức cao dày cho kẻ trọng tội hay kẻ tử tù nơi ngục tối.

Đến 2 giờ chiều tiếng mở khóa khua lách cách. Tôi lại lên đường đi cung. Lại hỏi và lại đáp.

Hỏi: Mục đích chuyến đi Hà Nội lần này của anh? Anh đã đến gặp những ai? Và đã nhận những tài liệu gì? Của những ai đưa? (họ lại lặp lại nhiều lần trong những lần hỏi cung trước)

Đáp: Tôi hiểu ý hỏi của các ông. Là một người dân bình thường thì việc đi từ Hải Phòng lên Hà Nội là thường tình, có công việc thì cứ đi. Chứ nói là có mục đích gì thì e rằng to tát quá. Tôi là con thứ nhưng đang làm nhiệm vụ con trưởng thay anh em quy tập mộ bố mẹ và các anh chị em tôi đã mất về một chỗ. Việc xây cất mộ đã gần xong, tôi lên báo cáo với ông anh trưởng và cô em gái tôi. Tôi thì nghèo nên mỗi lần lên Hà Nội đều tính toán, một công đôi việc kết hợp việc nhà rồi tiện thể đi thăm bạn bè. Và chuyến đi lại đúng vào dịp Đại hội IX của Đảng cộng sản Việt Nam, tôi thích tò mò nghe chuyện "bếp núc" của Đại Hội hơn là những gì đăng ở trên báo. Tôi đã thăm bác Trần Độ, bác Hoàng Minh Chính, bác Lê Hồng Hà, bác Phạm Quế Dương và Nguyễn Thanh Giang. Đã gọi là chuyện "bếp núc" của Đại Hội thì là những chuyện tầm phào, nghe để biết vậy chứ thân phận thứ dân loại 2 như tôi lo làm gì nổi chuyện của thiên đình. Cũng xin nhắc lại tôi là một công dân bình thường có phải là một tổ chức, đoàn thể gì mà đi nhận tài liệu. Mỗi người có cho tôi một vài bài viết của họ mà không tờ báo nào đăng. Mà tôi lại thích đọc những bài mà các tờ báo chính thống không thích đăng và không dám đăng. Vả lại những bài viết đó đều có tên tuổi, địa chỉ, số phone đàng hoàng. Nào là của bác Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Thanh Giang… lại nữa của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Tâm, của 3 ông tướng Phùng Thế Tài, Hoàng Minh Thảo và Lê Tự Đồng… nói toàn những chuyện tầy trời cả.

Hỏi: Thế còn bài viết của Bùi Tín, quyển Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng, bài đòi tổ chức hội nghị Diên Hồng của người nào đưa cho anh?

Đáp: Tôi đến thăm nhiều anh một lúc nên ai đưa tôi không thể nào nhớ được.

Hỏi: Anh phải khai báo thành khẩn, phải nói rõ người nào đưa cho anh để sau này chúng tôi còn xem xét chiếu cố tội lỗi anh phạm phải?

Nghe nói đến 2 chữ "tội lỗi" và "chiếu cố", tôi hơi mất bình tĩnh dù rằng mấy ngày qua tôi luôn tự nhủ phải luôn luôn bình tũnh "dĩ bất biến ứng vạn biến", tôi đáp trả có chút gay gắt.

Đáp: Thưa các ông, cái gì nhận, tôi nhận rồi. Tôi lưu trữ các tài liệu, những bài viết của những người chân chính. Tôi có truyền cho mọi bạn bè cùng đọc để biết rõ hơn về cuộc đời này mà các ông gán cho tôi tội tàng trữ tài liệu xấu, tán phát. Tôi đã nhận cả rồi, tôi cần được truy tố trước tòa án. Chỉ có trước tòa án thì mới phân biệt rõ đúng sai, mới phân rõ có tội hay không có tội. Còn bài viết của Bùi Tín, quyển Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng tôi hoàn toàn không nhớ ai đã đưa cho tôi. Nay các ông bắt được tôi mang nó, tôi xin chịu trách nhiệm về tôi.

Hỏi: Nếu anh không khai thật thì tôi nói cho anh rõ. Nguyễn Gia Kiểng là một phần tử xấu, là bạn với Phạm Quế Dương, mà Quế Dương lại là cộng tác viên của tờ Thông Luận, một tờ báo phản động của nước ngoài. Vậy những tài liệu trên chỉ có Quế Dương giao cho anh thôi.

Đáp: Đấy là ông nói chứ không phải tôi nói. Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Thanh Giang, Phạm Quế Dương… còn dám nói, dám viết những chuyện còn "tầy trời" hơn nhiều, tôi biết rõ là ông nào giao cho tôi mấy tài liệu trên, tôi sẵn sàng khai đúng người đó và một trong các ông đó đều có đủ bản lĩnh dám nhận là đã đưa những tài liệu đó cho tôi. Nên tôi không nhớ thì khai là không nhớ, chứ ông B đưa lại khai ông A thì còn mặt mũi nào nhìn nhau nữa.

Cứ truy, cứ vặn vẫn chỉ như vậy và giờ nghỉ cũng đã đến. Thiếu tá V.C.N. bảo tôi: "Anh cũng cần có thái độ thành khẩn, mềm đi một chút, đừng cứng nhắc để chúng tôi còn báo cáo lên cấp trên về thái độ tốt của anh, tạo điều kiện sớm trả tự do cho anh".

Trên đường về buồng giam, người đại úy quản giáo mới nhưng thái độ đối với tôi khác hẳn hôm đầu tiên vào trại, họ lăng lẽ nhưng đôi mắt họ nhìn tôi dịu hơn nếu không nói là đồng cảm. Tôi nghĩ không hiểu có đúng không, đã lâu lắm rồi ở đây không có "tù chính trị", nay đột nhiên như trên trời rơi xuống một ông già tù chính trị gầy gò, ốm yếu hẳn là trong trái tim sắt đá, lạnh băng của họ hãy còn lại những giọt máu của lòng nhân ái.

Đón tôi ở cửa buồng giam hôm nay là Tr.T., nhìn nét mặt ông rất vui làm tôi cũng hồi hộp. Mâm cơm trên tờ báo đã dọn sẵn, chỉ còn lại bát thịt lợn kho hôm trước còn lại và âu canh mì cọng rau muống như hôm qua có thêm đĩa cá khô kho mặn theo chế độ hàng tháng. Bên cạnh mâm còn thấy nải chuối tây, 3 quả trứng gà luộc còn âm ấm, một gói ruốc, một hộp thuốc đánh răng, 2 cuộn giấy vệ sinh, một hộp bánh trứng và 1 gói tăm.

- Khi ông đi cung, chúng tôi nhận thay ông đồ tiếp tế của bà ấy gửi vào. Tr.T. hồ hởi nói như chính ông được nhận đồ tiếp tế.

M. nói với giọng như vừa bí mật, vừa chia vui:

- Con ông cũng gửi thư vào cho ông đấy.

Nghe nhận dược đồ tiếp tế đã thấy ấm lòng, nay nghe nói có thư của con tôi, lònt tôi vui không kể xiết, vui đến nghẹt thở dù tôi mới ở tù có mấy ngày. Tôi vội hỏi thư đâu?

M. trả lời:

- Tôi chỉ được phép đọc tờ giấy đó có mấy dòng, tôi nhớ nội dung rồi. Còn tờ giấy ấy họ thu lại và xé đi rồi.

"Ai thu lại?", "Có lẽ một anh tù tự giác nào đó". Một nghĩa cử nhỏ ở chốn lao tù này làm tôi xúc động.

M. nói tiếp: "Bây giờ tôi đọc nguyên văn không thiếu một chữ nào để ông nghe:

Bố thương yêu, Mẹ và các con thương bố lắm. Bố cố ăn uống cho tốt để giữ gìn sức khỏe. Các bạn bè của bố đang đứng sau lưng bố. Cả nhà mong bố chóng trở về."

Tôi không nén được nữa. Hai hàng nước mắt tôi dàn dụa, tôi bật khóc, khóc vì sung sướng. Ôi cái chỗ dựa vững chắc của tôi: cái gia đình nhỏ bé của tôi, các ông bạn già của tôi vẫn ở bên tôi. Những người tù cộng sản ngày xưa khi họ ở trong nhà tù của bọn đế quốc, thực dân chắc họ cũng có những giờ phút sung sướng giống như tôi bây giờ khi họ được biết vợ con họ, đồng chí của họ đang ở bên họ. Nhưng họ với kẻ giam cầm họ là mâu thuẫn đối kháng, mâu thuẫn sống mái. Còn tôi, tôi đã từng là một người cộng sản nay bị cầm tù trong nhà tù của chế độ cộng sản. Cái chế độ mà tôi đã bỏ hết cả tuổi thanh xuân, dám đem nghĩa tử sinh chiến đấu bảo vệ nó khi nó còn ấu thơ, trứng nước để nó có sức mạnh, có chính quyền vững mạnh ở trong tay nó lại bỏ tù tôi. Tuy nhiên dù rằng những tội nó quy kết cho tôi thì nó vẫn là máu thịt của tôi, nó đại diện về lý thuyết cho một chủ nghĩa nhân đạo. Nếu nó biến lý thuyết nhân văn thành thực tiễn nhân văn thì nếu còn làm được cuộc đời tôi trẻ lại, tôi sẵn sàng chiến đấu vì nó, vì cái lý tưởng "chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chỉ chăm lo cho bộ da, bộ lông của mình thôi !" như Mác đã nói. Còn tôi, tôi là một CON NGƯÒI.

Ba chúng tôi lại có một bữa ăn khá xôm. Đầu tiên mỗi người ăn một quả trứng luộc. Tôi cho một vốc ruốc thêm vào bát canh cho thêm đậm đà. Cơm xong lại có trà Thái, bánh trứng, chuối tráng miệng. Xin các bạn ngoài đời đừng cười tôi vì sao tôi tả miếng ăn kỹ lưỡng thế. Bạn cứ đọc kỹ những hồi ký trong tù của các bậc tiền bối trước tôi mà xem. Ngoài đời không nói làm gì, nhưng có vào thử ở tù ít ngày nếu không có bản lĩnh thì chẳng cần dũng cảm làm gì thì chỉ miếng ăn thôi sẽ làm bạn bộc lộ rõ mình là kẻ cao thượng hay một tên ti tiện ngay.

Cả đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được vì sung sướng, vì vững tin vào những cuộc đấu trí sắp tới. Tôi sẽ "mềm" đi, sẽ nhận những "tội" gì mà chỉ bản thân tôi phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ được đem ra xét xử trước tòa án, trước bạn bè tôi, trước nhân dân tôi.

Sáng ngày 28-04-2001, vẫn đi cung.

Hỏi: Ngoài những bài viết của Bùi Tín và Nguyễn Gia Kiểng, khi khám nhà anh chúng tôi còn thu được những tờ báo phản động của nước ngoài như Tin Nhà, Việt Nam Tiến Lên. Vậy anh có tán phát những tờ báo phản động ấy cho bạn bè không?

Đáp: Tôi thường nhận được những tờ báo này qua bưu điện, không có tên, địa chỉ người gửi. Nhưng có một điều chắc chắn khi người gửi cho tôi những bài báo nước ngoài ấy đều được chọn lọc. Hoàn toàn không có những bài báo mang tính hằn học, hằn thù, kích động theo kiểu "chuyển lửa về quê hương". Xin các ông hãy đọc lại những tờ báo nước ngoài mà các ông thu giữ ở nhà tôi xem có nội dung phản động không?… Có nhiều điều họ đề cập trong đó nếu chúng ta còn có bộ óc tỉnh táo thì hãy đọc, hãy phân tích trong đó có những vấn đề nóng bỏng của đất nước mà chính các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng đang quan tâm. Vậy đâu cứ là nước ngoài là phản động. Tôi đọc để biết, để suy gẫm chứ không phát tán.

Vẫn như thường lệ, hỏi gì thì hỏi cuối cùng họ cũng dồn tới chỗ phải ký nhận là đã lưu trữ, tán phát các tài liệu mang nội dung xấu chống Đảng. Lần này tôi nhận và ký vào biên bản.

Buổi chiều đi cung về còn sớm chừng 4 giờ 30 chiều. Tr.T. giục tôi đi tắm, vì suốt từ hôm tôi bị bắt ông chưa thấy tôi tắm. Tôi mỉm cười bảo: "Tôi ở bẩn quen rồi, ở nhà 365 ngày trong một năm thì có đến 360 ngày tôi tắm nước nóng. Tôi yếu chịu lạnh lắm, dù hôm nay đang là mùa hè mà tôi ùm ùm như ông M. thì tôi bị liệt ngay".

Sáng ngày 29-04-2001 vẫn như thường lệ tôi chuẩn bị đi cung. Thật bất ngờ Tr.T. gọi ngoài cửa buồng giam chõ vào: "Ông Quận chuẩn bị đi tắm nhé, có nước nóng cho ông đấy". Tôi nhìn ra thấy một anh tù tự giác gánh một gánh nước nóng khói bốc nghi ngút. Tôi lính quýnh chuẩn bị quần áo để tắm nhưng vội hỏi Tr.T.: "sắp đi cung rồi sao tắm kịp". "Kệ, Thầy sai người gánh nước cho ông, ông cứ tắm". Tr.T. trả lời. Với một gánh nước nóng đầy phải 4 lần tắm mới hết. Đã gần 1 tuần không tắm, người tôi bẩn quá. Có sẵn nước nóng, tắm thì thùm cũng chỉ hết nửa thùng. Tôi thay quần áo, ăn mặc chỉnh tề, sơ mi đút gọn trong quần, bẻ lại cổ áo. Chỉ thiếu cái cà vạt, thì tôi có vẻ như sắp đi dự một cuộc họp hay đi ăn cưới chứ không phải là anh tù đi cung.

V.L. đã đứng đón tôi ở phòng trực. Anh hơi mỉm cười thay cho một lời chào và nói: "Bác lúc nào cũng gọn ghẽ, chỉnh tề". Tôi đáp khẽ lời cảm ơn và nói một câu hiểu thế nào cũng được: "Còn cố được lúc nào thì cố, ông V.L. ạ".

Hỏi: Ông có mối liên hệ nào với người nước ngoài?

Đáp: Tôi hoàn toàn không có mối liên hệ nào với người nước ngoài. Không có họ hàng, thân thích? (Tôi hơi mỉm cười) Tôi không có "kiều".

Hỏi: Ông cố nhớ lại xem.

Tôi đoán máy điện thoại của tôi đã bị nghe trộm, thôi đến nước này đành lật bài ngửa chơi với nhau thôi.

Đáp: Nếu gọi là có mối liên hệ thì tôi không muốn khai, vì đó là những mối liên hệ "lỏng lẻo". Tôi có một anh bạn là cựu chiến binh theo con cái sang lập nghiệp ở Úc. Tôi mới nhận được thư của anh ấy có 1 lần. Chuyện xã giao tình thường, mà lá thư đó nằm trong số tài liệu mà các ông khám nhà đã thu.

Hỏi: Chúng tôi muốn hỏi những mối liên hệ khác nữa cơ. Cụ thể ông có nhận được tiền của nước ngoài gửi cho không?

Đến đây tôi phải xin phép được nói cụ thể vấn đề tiền nong này. Tôi xuất thân thành phần tư sản kiêm địa chủ dấn thân đi theo cuộc cách mạng này từ những năm 16 tuổi, không lương lậu, không quần áo và lại càng không lóa mắt vì một thứ "tiền nong" gì. Trước mắt chỉ là gian khổ, đói rét và tôi cũng như bao người khác không hề có nợ gì cuộc cách mạng này. Nếu có nợ thì tôi nợ Tổ Quốc của tôi lầm than trong nô lệ mà là thân trai thì phải đem cái nghĩa sinh tử để đáp đền ơn nước. Và đến nay đã gần ở tuổi cổ lai hy phó thác tấm thân già này cho trời đất, tiền là cái cần nhưng không còn là cái "thiết" nữa. Chắc lại cái bài bản cũ rích là hơi một tí là vu cho chúng tôi, những người đấu tranh cho một nền dân chủ là bọn cơ hội, bọn bán nước, bọn bị những đồng "đô la xanh mướt" làm lóa mắt…

Khoảng giữa tháng 3-2001 tôi nhận được một cú phone của một người chưa hề quen biết. Tôi có một số bài viết sau này tự in thành một tuyển tập gửi vài người bạn thân xem. Nhưng nó đã "bay" xa ra ngoài sức tưởng tượng của tôi nên tôi nhận được nhiều thư của các bạn không quen biết gửi tới (tôi sẽ có một đoạn nói về vấn đề này sau) và những cú phone xa thì từ Sài Gòn, Tây Nguyên, gần thì từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam… Lần này tôi được biết người gọi phone cho tôi tên là Trần Dũng, một trí thức Việt kiều ở California, Mỹ. Tôi thuật lại cuộc nói chuyện giữa tôi và Trần Dũng và cũng là nội dung tôi khai với công an.

Người khách lạ: Xin lỗi tôi hỏi có phải là nhà ông Vũ Cao Quận?

Tôi trả lời: Thưa đúng và tôi là Vũ Cao Quận, xin lỗi ông cho tôi được biết tôi đang được tiếp chuyện ai?

Người khách lạ: tôi là bạn của ông Nguyễn Thanh Giang và Phạm Quế Dương. Ông Quận ạ, tôi đọc những bài viết của ông, văn phong của ông, tôi thích thú lắm và tôi đọc xúc động lắm. Nghe tin Thanh Giang nói ông bị mệt nặng, tôi xin có lời thăm hỏi và chúc ông mau lành.

Tôi trả lời: Hết sức cảm ơn ông, hiện giờ bệnh tình đã đỡ. Xin ông cho biết quý danh để có dịp lên Hà Nội tôi sẽ đến thăm ông.

Tôi nghe tiếng cười khẽ trong máy và nghe: “Tôi là Trần Dũng, tôi đang gọi cho ông từ California. Ông Quận ơi, nghe ông bị ốm mà tôi thì lại ở xa quá không làm gì giúp ông được. Tôi có chút quà mọn ít ngày nữa xin gửi tới ông để gọi là tấm lòng của tôi”.

Nghe xưng tên và gọi mãi từ Mỹ rồi lại tặng quà, cái tính cảnh giác của một người lính già, tôi nghĩ ngay đến mấy ông chơi trò "chuyển lửa về quê hương" đây. Thấy cũng chờn chợn tôi khéo léo thoái thác: "Ông Dũng ạ, tôi vô cùng cảm ơn tấm lòng của ông, nhưng việc ông gọi từ Mỹ về thì việc nói chuyện của chúng ta sẽ sắp gián đoạn rồi. Vả lại, ông gọi điện thoại đường dài khá lâu rồi sẽ tốn tiền lắm". Trần Dũng vội nói: "không hề gì, tôi muốn nói với ông một lát nữa". Tôi vội cướp lời: "Ông Dũng ạ, giá có dịp tôi được gặp ông, để được bắt tay ông, để cảm ơn một tấm lòng. Xin tạm biệt". Tôi cúp máy và gọi ngay cho Thanh Giang. Thanh Giang trả lời vui vẻ:

“Trần Dũng hay lắm đấy anh Quận ạ. Tôi quen anh ấy khi tôi sang Mỹ họp hội nghị". Tôi băn khoăn hỏi Thanh Giang: "Chưa biết người, chưa quen bao giờ, nghe tin tôi ốm anh ấy nói có quà tặng cho tôi để bồi dưỡng sức khoẻ. Chưa biết là quà gì nhưng có nên nhận hay không?"

Thanh Giang cười: "Trần Dũng là một trí thức tôi quen, hay lắm đấy. Có quà gì thì cứ vô tư nhận đi". Khoảng 3 hôm sau có một Việt kiều từ Mỹ về gửi cho tôi món quà 300 USD của Trần Dũng. Lần đầu tiên nhận được đô la từ đất nước của "đế quốc Mỹ" cũng sợ chứ. Có tiền tiêu nhưng sợ thì cứ sợ. Nhưng rồi tôi"lý sự": Ông Tổng bí thư Đỗ Mười nhận 1.000.000 USD của tập đoàn tư bản cá mập LG tặng, cầm ngon ơ, cầm không đỏ mặt thì tôi cầm có 300 USD thì nhằm nhò gì. Tôi thì ông Trần Dũng vì đọc sách của tôi, vì quý mến mà cho, còn ông Đỗ Mười chắc phải ký những cú thầu béo bở cho tập đoàn tư bản LG, nếu nó có lợi hàng tỷ, hàng trăm triệu đô la thì nó mới tặng ông một triệu đô la như các ông lãnh tụ thường giáo dục chúng tôi là bọn đế quốc tư bản chẳng cho không ai bao giờ...

Sau những lời khai của tôi, họ đi đến một kết luận rất kỳ quái: tiền của nước ngoài gửi cho ông, người gửi không phải là họ hàng, bạn bè thân thiết thì là tiền của kẻ địch, bọn phản động nên ông phải nộp lại cho Nhà nước... Trước cái gậy chuyên chính vô pháp luật to tướng lăm lăm trước mắt thì mọi tranh luận, mọi lý lẽ đều vô nghĩa. Chẳng "mềm" thì cũng phải mềm, tôi viết một cái thư tay gửi cho con gái tôi nộp lại số tiền 300 USD.

Ngày 30-04-2001 vẫn tiếp tục đi cung và nội dung cũ vẫn là chần đi chần lại: Mối quan hệ với những ai? Ai giao tài liệu? Có liên hệ gì với những người ở nước ngoài? Vân vân và vân vân.

Căn bệnh tê liệt chân trái có chiều hướng nặng hơn và đầu óc tôi choáng váng bồng bềnh như say sóng. Đêm nằm xoay người nằm nghiêng là đầu óc quay cuồng muốn nôn mửa, có lẽ vì không được uống thuốc. Thôi thì muốn ra sao thì ra, tôi quyết định ngày 1-05-2001 tôi không đi cung nữa. Đêm nằm tim tôi đau nhói, tôi có cảm tưởng cái chết đã lẩn khuất đâu đây. Khi 8 giờ sáng ngày 1-5-2001, tiếng mở khóa cửa buồng tù khua loảng xoảng, dù không còn ngủ nhưng tôi không dậy, Tr.T. lay tôi dậy, nhưng tôi kêu mệt. Ông lặng lẽ đi đổ rác, lấy cơm, cháo và nước uống. Sau đó ông dục tôi dậy đánh răng, rửa mặt rồi đi ăn cháo. Ông bê cháo tới tận đầu giường cho tôi. Tôi nói với ông: "Tôi thấy mệt lắm, gần mười hôm không có thuốc bệnh tôi có chiều hướng tái phát. Thôi tôi đành buông xuôi. Tôi không muốn ăn uống gì nữa. Hai bác cứ ăn đi". Ông tiếp tục dỗ dành tôi như người chị. Tôi cũng kệ và sau cùng ông nổi cáu: "Ông Quận ạ, tôi không là người lính như ông, nhưng trước khi vào tù tôi từng là một đảng viên. Tôi đã ngồi tù được 5 năm rồi mà tôi còn quyết sống để kháng án. Tôi bị chảy máu dạ dày phải đi cấp cứu đã tưởng chết nhưng tôi không hèn như ông, mới có mấy ngày tù mà ông lại định tìm đến cái chết hay sao? Ông định chết ở trong tù để lại nỗi nhục cho vợ, con là chết rũ tù. Nếu còn nghĩ đến vợ con thì ông phải sống..." Rồi ông hạ giọng: "Thôi, ông dậy ăn đi, tôi lên xin với thầy phát thuốc cho ông." Chắc có bạn cho tôi là "ca cải lương" câu nói trên hay trích đoạn lâm li, mùi mẫn trên sân khấu hoặc triết lý màn ảnh. Tôi viết lại đúng 100% câu nói của Tr.T.. Dù sao câu nói của Tr.T. cũng chưa đủ sức lôi tôi dậy thì nghe có tiếng vọng vào: "Vũ Cao Quận ra nhận đồ". Tôi nhờ Tr.T. ra nhận đồ. Khi Tr.T. mang tờ biên nhận vào để tôi ký nhận, nhìn nét chữ của vợ tôi, tôi như nhìn thấy bộ mặt đau đớn của bà. Lời "thuyết giáo của cha cố Tr.T." cộng với tình vợ chồng, cha con trộn lẫn lộn với mục đích của cuộc đời tôi, tôi vùng ngồi dậy và tự nhủ: "tiếp tục thôi".

Vừa lúc đó, P. đại úy quản giáo vội vã xộc vào buồng giam cũng là lúc tôi ngồi dậy. Thấy tôi, anh nói: "Sao lại thế, bác phải dậy mà ăn uống chứ". Tôi đáp lại: " Đã một tuần lễ nay không được uống thuốc nên bệnh cũ tái phát, tôi mệt lắm, tôi không muốn ăn uống gì nữa". P. nói tiếp: "Bác cố gắng ăn đi, tôi sẽ cho gọi bác sĩ ngay". Nói xong P. đi ra. Tr.T. mang vào lại vẫn 3 quả trứng gà luộc còn âm ấm, một gói ruốc to, một hộp bánh trứng, một gói vừng lạc và một nải chuối rất to. Tôi cố gượng húp một thìa cháo và lấy trứng gà mời Tr.T. và M. mỗi người một quả. Khoảng 15 phút sau, một tù tự giác gọi: G1 lên khám bệnh và lấy thuốc.

Tôi đi lên buồng quản giáo thì đã thấy viên thiếu tá quân y (người nói đổng cái câu: “Già rồi mà còn chống Đảng”). Giá không mang bộ cảnh phục trên người thì trông anh ta cũng có vẻ là một người tử tế. Anh nói: "Nằm xuống đây để tôi khám". Vẫn giọng nói chỏng lỏn, anh ra hiệu tôi nằm xuống. Tôi nghĩ thầm: đúng là một tên thầy thuốc bất nhân thất đức. Mày định bắt tao nằm xuống đất này khám bệnh sao?? Vì phòng quản giáo rất hẹp không có giường nhưng còn một diện tích đủ trải một chiếc chiếu. Đã vậy tao nằm cũng để thử xem ở cái chốn lao tù này liệu cái chút lương tri của xã hội chủ nghĩa có hơn gì tư bản chủ nghĩa... Tôi hơi khuỵu người xuống sàn đất để chuẩn bị nằm thì đại úy P. đi vào vội kêu lên: "Không được, các cậu nào chạy về buồng mượn cho chiếc chiếu". Một tù tự giác rất trẻ anh ta chạy vội và chỉ một loáng sau anh mang về một cái chiếu một và trải cho tôi nằm. Ngay lúc đó M. đã cầm cái gối của anh để tôi gối (cái gối rất đẹp của anh mà anh thường nói: Trông vậy mà cái áo gối của em giá trên 100.000 đồng đấy). Vào tù anh không thích dùng chung những đồ dùng riêng của anh, nhất là cái gối. Viên thiếu tá đo huyết áp cho tôi, nghe tim phổi một chút rồi lôi từ cái túi da mang theo lấy ra một số lọ nhựa đựng thuốc. Nhìn thấy khoảng hơn chục viên thuốc các loại trông xỉn xỉn ngả màu, nghĩ mà ghê. Tôi toan cầm đem về uống, nhưng là để vất đi những viên thuốc đáng ngờ đó. Viên quân y không cho, gọi đưa nước và bắt tôi uống ngay tại chỗ. Thôi thì liều đã chấp nhận cái chết vả lại chết có số, uống đại đi kẻo để người ta đè cổ móc mồm đổ vào thì chẳng ra làm sao.

P đưa tôi ra khỏi phòng quản giáo và nhẹ nhàng nói: "Bác cố gắng giữ gìn sức khỏe. Nếu khi nào cần tắm tôi lại bảo gánh nước nóng cho bác". Tưởng hôm nay được nghỉ, nhưng không...

- G1 chuẩn bị đi cung. - có tiếng nói chõ vào.

Thôi lại tiếp tục chiến đấu... tôi nghĩ vậy.

Hôm nay đợi tôi có 3 người: V.N.C., V.L. và thay cho Ng. Th. là V.S. cùng 2 nhân viên camera. V.N.C. pha nước mời tôi và anh tươi cười nói: "Chưa năm nào anh em chúng tôi phải làm việc vào ngày này. Việc khác thì nghỉ được, nhưng việc của bác, làm chúng tôi không được nghỉ".

Tôi lặng lẽ ngồi xuống ghế. Trên mặt bàn ngoài tập giấy để ghi biên bản còn có một quyển sách màu hồng nhạt. Đó là quyển "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" của tôi, tập hợp một số suy nghĩ tản mạn, văn chẳng ra văn cùng ít bài thơ "con cóc", chủ yếu tôi chỉ ra cái sai ghê gớm của Mác trong cái thuyết công hữu của ông mà để một lớp học trò lợi dụng học thuyết tai hại ấy thâu tóm toàn bộ giang sơn gấm vóc của tổ tiên ông bà để lại cho con Lạc cháu Hồng. Họ chia năm xẻ bảy làm tan nát cơ nghiệp của đất nước. Cuối cùng công nhân, nông dân và nhân dân lao động lại "trắng tay" sau hơn 100 năm chống xâm lược.

Hỏi: Quyển sách này có phải của anh không?

Đáp: Vâng, quyển sách này của tôi.

Hỏi: Những bài viết trong này là của anh cả chứ?

Đáp: Toàn bộ là của tôi với một vài bút danh khác nhau.

Hỏi: Anh có quen biết gì về ông Lê Tần không? (tôi dùng tên chệch đi).

Đáp: Tôi không phải là bạn của ông Tần. Nhân một lần đến chơi ông H.T. bạn tôi, nên tình cờ gặp ông mà thôi.

Hỏi: Anh có gửi cho ông Tần quyển nào không? Vì sách có nội dung xấu, nên người ta đem nộp cho công an. đây, anh xem...

V.S. vừa đưa cuốn sách ra trước mặt tôi, vừa bật bật những trang đầu. Cũng rất nhanh tôi nhìn thấy chữ "Phóng". À, thì ra là tên "sọc dưa" này đây. Tôi cũng cần kể qua tên này một chút. Tôi không hề biết hắn và cũng không từng là bạn của hắn. Số là hôm 27 tết Canh Ngọ, tôi bị cảm liệt nửa người phải đi cấp cứu tại quân y viện 203. tại đây tôi tình cờ gặp V. một giám đốc công ty đến thăm bạn ốm. V vốn cũng không phải là bạn mà chỉ là biết nhau trong một cuộc giao hữu bóng bàn. V. vốn là người vui vẻ, sởi lởi, lịch thiệp và đến bây giờ tôi cũng không hề nghĩ anh ấy là một tên "sọc dưa". Sau khi tôi ra viện chừng 2, 3 hôm thì V. có Phóng đi theo đến thăm tôi vào một buổi tối tại nhà tôi. Sau khi thăm hỏi và cho quà, V nói: "Em đã đọc "Gửi Lại Trước Khi Về Cõi" của anh, rất hay, có nhiều điều em tâm đắc nhưng xem chưa xong thì bị đòi lại, nên hôm nay em muốn nếu được, anh cho em một cuốn".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn