BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73504)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Huế Ơi!

05 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 1495)
Huế Ơi!
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tôi có nửa phần xương thịt Huế trong người nhưng không biết nhiều về quê quán của cha. Tôi nói giọng Huế lúc còn tiểu và trung học nhưng lớn lên lại pha giọng Nam rồi giọng Bắc vì ảnh hưởng của những người quen sống gần. Tôi đó, lại đổi sang giọng Huế cố hữu khi bắt được thổ âm quen thuộc trong đám đông có “người ngoài mình” đang trò chuyện. Bạn bè thấy vậy chọc quê. Tôi vờ đi.



Nhưng tôi không biết nhiều về Huế như giọng nói trọ trẹ của mình. Huế với tôi như một người bà con xa từ lâu không gặp. Sinh ra và lớn lên từ một tỉnh phía nam đèo Hải Vân, tôi gần nơi đây, quấn quít và thương yêu thành phố này hơn như thuở nào ba tôi một lần bày tỏ khi gặp mẹ. Ba bỏ nơi chào đời, vượt đèo về phương nam. Hơn trăm cây số ngày đó xa ngút ngàn. Ba qua được Hải Vân cao năm trăm thước rồi dính luôn với đất Quảng. Sống tha phương chết tìm về. Ba tôi không có được cơ hội như vậy. Ông ở quân đội rồi chết. Xác chôn ở Đà Nẵng.

Đó là lý do không ai đưa tôi trở lại Huế. Mẹ tôi sợ về ngoài đó vì không người quen thêm nữa đời sống chật vật và cường độ chiến tranh làm một trăm cây số của quốc lộ số một, giữa Đà Nẵng Huế dài thêm. Xe hàng bị trúng mìn, bị bắn sẻ làm mẹ có thêm lý do để giữ tôi ở lại một chỗ. Cho đến ngày bác tôi ngoài Phú Vang vào thăm, dắt thằng cháu côi cút về làng cho biết.

“Bác ơi, con mỏi cẳng quá.”

Đứa nhỏ đi trụt phía sau gọi với. Người bác dừng chân chờ cháu. Ông nhìn ánh trăng mới lên nửa ngọn tre, chiếu ánh sáng vàng vàng huyền ảo trên con đường nhựa. Giờ này xe chạy đường Huế – Thuận An đã nghỉ. Hai bác cháu đáp chuyến xe hàng liên tỉnh đến Huế quá trễ. Chiếc Phi Long sơn đỏ vàng dừng lại ở bến An Cựu khi trời nhá nhem tối. Không còn xe về dưới chợ Nọ nữa. Thằng nhỏ nhìn Huế cái gì cũng lạ. Vừa đi vừa ngó khi qua khỏi đập Đá.

“Còn xa không bác?”

“Qua khỏi Vỹ Dạ, mình đến chợ Mai…”

Bác trả lời. Đứa cháu nhỏ không làm sao biết được khoảng cách về làng. Tên nào cũng lạ trong đầu thằng cháu còn học đệ nhất cấp.

“Làng mình ở Dương Nổ, bên này chợ Nọ.”



Bác nói thì cháu nghe vậy. Từ lúc nhỏ đến giờ có ai kể cho nó biết. Nhưng cũng lâu lắm rồi màu vàng trăng trên con đường nhựa của đêm đi bộ từ Huế về nơi sinh ra của người cha vẫn còn trong trí nhớ nó. Trăng đẹp vô ngần xen kẻ giữa những rặng tre theo bước chân của hai bác cháu. Trăng như đi theo con đường, đôi lúc vằng vặt lưng trời, đôi lúc ẻo lả trên đầu ngọn cây. Đến lúc hai bác cháu đứng lại nghỉ chân trăng cũng dừng lại. Có tiếng nói của người dân vệ gác đường.

“En đi mô giờ ni?”

Bác nó trả lời:

“Tui đi về chợ Nọ. Ở Đà Nẵng ra ngoài ni chuyến chót. Kẹt trên đèo nên trễ chuyến xe buýt về Thuận An.”

Ông vấn điếu thuốc rê. Người lính dân vệ ngồi xuống đường.

“Trời có trăng. Đi bộ như ri chắc gần khuya mới tới. Trong nớ (Đà Nẵng) có chi vui không hí?”

Hai người lớn nói chuyện tầm phào với nhau. Hút hết điếu thuốc vấn người bác kêu cháu đi tiếp. Thằng nhỏ đã muốn nằm trên đường nhựa ngủ một giấc.

“Mệt quá. Còn xa không hả bác?”

“Gần tới rồi thằng cha mi. Về dưới cho ôn thấy mặt. Mình đi con.”

Họ đến chợ Nọ cũng gần nửa đêm. Mấy đứa con bác thức dậy nhìn thằng em họ. Tụi nó mân mê từng món quà nhỏ người cha mang về; bu quanh “thằng Đà Nẵng” vì thấy nó lạ. Nó cũng nói giọng Huế nhưng không nặng bằng đám con bác. Trước khi đi người mẹ dặn có món quà phải đưa tận tay bác gái. Nó không biết là gì vì mẹ gói cẩn thận. “Trong mấy người con ông nội bác ni nghèo nhất. Con đưa cho bác nói mẹ gởi.” Bác gái kéo tôi đến gần ngọn đèn nhìn cho rõ mặt. “Giống ba mi như đúc!” Huế bắt đầu với tôi như vậy đó, gia đình bác Tê….

Buổi sáng thức dậy thằng nhỏ đi ra sau hè. Người chị đưa cái gáo dừa chỉ chiếc lu đựng nước.

“Rữa mặt súc miệng đi em.”

Nó làm theo lời chỉ dẫn. Ngậm một bụng nước, lục bục trong miệng rồi nhổ ra trên sân đất. Trước nhà là đường lộ dẫn về Thuận An. Vượt qua chục thước đường đá là con sông. Sông tên gì không ai nói nó biết. Người ta lấy nước dùng trong nhà, giặt đồ ở cái bến này. Đó còn là chỗ để tắm.

“Mi thấy ôn chưa?”

Nó ngước lên nhìn người chị họ.

“Chưa?”

“Tới đây tao chỉ cho. Sáng mô ôn cũng ra vườn. Đứng chỗ ni thấy được nì.”

Người chị dơ tay chỉ.

“Ôn đó tề. Ôn đứng làm chi ở bụi chè tàu.”

Nó nhìn ra một ông lão mặc áo trắng, tóc bạc, chống gậy lom khom phía bên kia, cách một khoảng vườn rộng.

“Muốn qua thăm ôn không tao dẫn đi.”

“Muốn.”

“Tao nghe nói ôn thương mi lắm vì ba mi là con út. Ba mi đi lính chết hả?”

“Ba tao tử trận. Người ta ghi rứa trong giấy khai sinh.”

Lúc đó chưa có nhiều bài hát về lính, chưa có hoạt cảnh góa phụ ngây thơ trên đài truyền hình số 9. Mẹ tôi mất người chồng trong chiến tranh. Người góa phụ đầu tiên của khu phố. Mẹ nói năm đó năm tuổi của ba. Bạn bè ngang lứa ông cũng bị nạn nhưng còn sống. Chỉ ba tôi vắn số. Người ta chở quan tài ba bằng xe Dodge nhà binh, cờ vàng ba sọc đỏ phủ lần cuối và hàng nến thắp. Qua đường Gia Long trước nhà xe chạy gập ghềnh. Còn trong trí nhớ tôi đó. “Ba tao tử trận”, tôi buồn buồn nói câu đó nhưng hãnh diện. Lớn thêm tí nữa mới biết đó là một bất hạnh. Tôi không được gần cha và xa lạ luôn với quê hương của người.

Mười mấy năm sau tôi không còn dịp trở lại quê nội thăm bác. Nghe nói bác cố kiếm đứa con trai nên gia đình đã tăng nhân số. Chỉ toàn con gái. Người chị họ quấn quít với tôi ngày xưa đã lập gia đình, với ai tôi không biết. Quê nội vẫn còn xa lạ trong tôi nhưng đọc những bài viết về Huế lòng không khỏi bùi ngùi. Đến ngày về một đơn vị thứ dữ, hậu cứ nằm Sài Gòn lại nghe toàn giọng Huế. Ứng chiến chiến trường Hậu Nghĩa, học tập chiến tranh chính trị để giữ tinh thần sau những ngày bỏ miền Trung không làm tôi bớt lo lắng bồn chồn khi phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tới tấp. Phi cơ chở người di tản từ miền Trung. Thằng cháu, dân đại đội 1 Trinh Sát Dù tìm người chú nhỏ tuổi thua mình là tôi. “Cả giòng cả họ kẹt hết ngoài nớ rồi chú ơi!” Nó muốn khóc. Tôi biết làm sao khi lòng như tơ vò. “Huế mà ta sẽ trở lại”, tôi nhớ tên một bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và biết rằng khó, rất khó giữa thời binh lửa mênh mang này.

Người lính chung trung đội ngồi lom khom trên ghế đá. Hai tay anh ta cầm cái bóp, mắt nhìn chăm chú vào đó. Anh mới trở lại sau chuyến phép từ quân y viện. Tôi biết anh ta đang coi hình người thân.

“Ai rứa?”

“Vợ tôi.”

Nhìn người trong hình tôi ngờ ngờ, vờ hỏi thử tên:

“Bà xã ông tên gì?”

“Hoa.”

Tôi nói ngay liền:

“Người Huế phải không? Con ông Tê ở chợ Nọ?”

“Răng mi biết?”

“Tại tui thấy giống bà chị họ, đoán càng.”

Hai đứa nó nhận bà con. Anh này ở chung trung đội, chồng chị họ tôi, người con thứ của bác. Không nói hai đứa đều biết chị Hoa bị kẹt ngoài Huế. Anh xuống tinh thần. Tôi biết anh khóc khi thấy con mắt đỏ hoe. Những ngày đóng quân ứng chiến ở Sài Gòn coi như “chết rồi”.

“Thôi cũng mong bả đừng bồng con chạy loạn. Chết quá trời.”

Hai anh em tôi biết nói gì hơn.

Ngày về từ Xuân Lộc, đơn vị bị phục kích ngang đường qua Bình Giả. Trung đội được lệnh băng suối lên lấy cây cối. Anh rễ họ tôi “lạnh cẳng” chần chừ. Đó là lúc anh làm khinh binh hai. Anh nói nhỏ vào tai tôi: “Chừ mà bị thương không ai cứu đâu.” Tôi hiểu anh còn vợ, đứa con mới chào đời kẹt ngoài Trung nên không hối. Đại đội trưởng chửi như vải trấu vào mặt cũng kệ mẹ. Anh đi chậm như rùa câu giờ. Khinh binh một đã vượt qua mặt anh. Tôi biết nói sao giờ trong hoàn cảnh này.

Chút Huế theo tôi vào đến miền Nam là thế đó. Trong danh sách những người được đề nghị đi phép khi còn nằm dọc quốc lộ 15 có anh ta. Anh nói sẽ về nhà người chị ruột ở Bình Dương. Tôi nghe thì biết vậy. Lúc này đâu có nơi nào bình yên. Ngày hôm sau tiểu đoàn đánh Phước Tuy. Anh bị kẹt luôn đâu đó vì cái phép hăm bốn tiếng. Hy vọng anh tìm về được với vợ, người chị họ tôi ngoài Huế.

Huế ơi! Tôi là một đứa con không biết gì về chốn đó. Tôi đã đến như một người khách rồi ra đi (không phải) mà như dửng dưng. Chào Huế. Chào con đường trăng thuở nhỏ, chào đồn phòng ngự quận lỵ có cái lô cốt bỏ hoang. “Huế mà ta sẽ trở lại” vẫn còn xa.

An Phú Vang
27 tháng Bảy, 98
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn