Xu hướng chọn Việt Nam như một chỗ để gầy dựng sự nghiệp của người Mỹ gốc Việt có gì đặc biệt, đáng chú ý? Ngọc Lan đã tìm hiểu và tường thuật.
Tải xuống để nghe.
Vì sao lại là Việt Nam?
Xin được bắt đầu câu chuyện từ Quyên – Quyên chỉ là cách gọi, không phải tên thật của nhân vật được kể trong câu chuyện này, vì cô yêu cầu ẩn danh. Quyên là một khuôn mặt quen thuộc trong các sinh hoạt văn hóa – văn nghệ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, tiểu bang California. Đây cũng là lý do khiến cô được mời về Việt Nam làm việc trong hai tháng.
Có vài lý do làm Quyên đắn đo về lời mời đó. Tuy thù lao mà đối tác phía Việt Nam đưa ra cao hơn nhiều so với mức thù lao mà Quyên thường nhận khi làm việc tại Mỹ và chuyện tham gia vào những sinh hoạt văn hóa – văn nghệ tại Việt Nam, còn đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng triệu khán giả biết đến cô, nhưng Quyên vẫn phân vân, bởi cô là một người Mỹ gốc Việt. Quyên hiểu biết về Việt Nam nhiều hơn những người Mỹ bình thường, nên cô lo âu hơn trước những thông tin về thực tế vốn đầy dẫy những bất cập tại Việt Nam.
Quyên chỉ là một trong số nhiều người Mỹ gốc Việt đã, đang và sẽ còn đắn đo về những lý do như vậy.
Những cuộc tiếp xúc với một số người đã, đang hoặc sẽ về Việt Nam như một nơi có thể tổ chức kinh doanh, phát triển sự nghiệp của riêng mình cho thấy ở họ có một số điểm tương đồng. Điểm tương đồng thứ nhất là đa số chỉ rời Việt Nam khi đang là thiếu niên. Việt Nam không phải là nơi hoàn toàn xa lạ với họ, cho nên khi chốn cũ có nhiều cơ hội phù hợp, trở về trở thành điều được cân nhắc, tính toán.
Andy Phạm - một kiến trúc sư, đang làm việc cho một công ty xây dựng ở Bình Dương, qua email trao đổi, đã giải thích tại sao anh chọn Việt Nam để làm việc: "Cuối năm 2007, tôi về Việt Nam chơi và nhận ra Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Chỗ nào cũng có dự án xây dựng trong khi tại Mỹ, công việc của tôi đang dậm chân tại chỗ. Điều đó khiến tôi nghĩ đến việc thay đổi môi trường".
Andy kể thêm rằng: "Ở Mỹ có hàng ngàn kiến trúc sư như tôi nên tôi khó có cơ hội tham gia thực hiện các dự án lớn, trong khi ở Việt Nam thì những cơ hội như vậy lại rất nhiều bởi không mấy ai chịu về Việt Nam làm việc."
Cũng vì vậy, Andy Phạm tiếp tục quay lại Việt Nam, song không phải để chơi. Andy bắt đầu tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động, gửi hồ sơ xin việc cho nhiều nơi và đến đầu năm 2008 thì tìm được việc làm tại Việt Nam .
Nguyễn Xuân Trình – một luật sư kiêm doanh nhân trở về Việt Nam cũng vì những lý do gần giống với Andy. Anh kể: "Thay vì đầu tư bên đây thì mình đầu tư bên kia. Thành công dù nhỏ cũng tạo được việc làm cho một số người. Còn thành công lớn thì tạo thêm được việc làm cho nhiều người và tôi thấy đó là điều nên làm cho nên tôi quyết định mạo hiểm".
Trình xác định:"Tôi luôn nghĩ là cuộc sống bên này chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình. Mình ít có cơ hội mang lại điều gì đó thật thiết thực cho mọi người, bởi mọi thứ hình như đã bão hòa. Trong khi trở về bên kia thì những thứ mình làm trở nên có ý nghĩa hơn".
Một Việt kiều khác là Quân Nguyễn, chủ một tiệm sushi ở Canada, cho biết tại sao anh mở thêm một tiệm sushi nữa ở TP.HCM, Việt Nam: "Tôi là dân kinh doanh nên lợi nhuận là chuyện phải đặt hàng đầu. Đầu tư vào Ấn Độ hay Phi Châu thì cũng là đầu tư. Việt Nam là quê hương của mình, ngôn ngữ của mình, nên tôi thấy thoải mái hơn khi đầu tư để kiếm tiền"
Nói cách khác, bên cạnh cơ hội gầy dựng, phát triển sự nghiệp, “gốc rễ” là yếu tố khá quan trọng khi những người Mỹ gốc Việt mà chúng tôi đã trò chuyện, giải thích tại sao họ quyết định chọn Việt Nam như một nơi có thể đầu tư. Nguyễn Quí Đức – một người Mỹ gốc Việt, chủ một bar đi kèm gallery tại Hà Nội, qua emal, tâm sự: "Tôi tổ chức những buổi triển lãm, giới thiệu âm nhạc, văn chương và phim. Tôi mời nhiều nhạc sĩ, nhà văn, hoạ sĩ của cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại, lẫn người Pháp, Đức, Sri Lanka, Úc, Thụy Điển, Mỹ, Canada và trong nước tham gia. Ngoài việc trông nom địa điểm này, tôi viết lách, làm tường thuật cho báo chí, dịch thuật. Tôi đã sống ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng.
Tôi quyết định dọn về Việt Nam vì ở Mỹ tôi không đủ thời gian và khả năng lo cho mẹ tôi khi bà bị bịnh nặng."
Những bài học và những điều phải học
Bất kể đang thành công hay đã từng thất bại trong quyết định chọn Việt Nam như một nơi để gầy dựng, phát triển sự nghiệp của mình, những người Mỹ gốc Việt mà chúng tôi đã tiếp xúc đều cùng cho rằng, dẫu Việt Nam là cố hương thì họ vẫn cần phải học để thích nghi.
Sống và làm việc tại Việt Nam có gì khác với ở Mỹ? Câu trả lời đầu tiên là ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội để gầy dựng và phát triển sự nghiệp.
Nguyễn Xuân Trình nêu một ví dụ: "Ở Mỹ, không dễ để có thể làm chủ một khu apartment nhưng tại Việt Nam, mua đất, cất một khu nhà ở cho công nhân thuê làm chỗ trọ khá đơn giản và dễ dàng"
Song Trình lại chính là một trong những người thất bại nặng nề khi đầu tư vào Việt Nam. Anh đã phải bán gần như toàn bộ cổ phần mà anh từng sở hữu trong một doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trình chia sẻ kinh nghiệm: "Khi đầu tư lớn, phải tính đến chi phí cho chính quyền. Đó là một khoản tốn kém mà người đầu tư vào Việt Nam rất khó tính chi tiết bởi nó không rạch ròi theo kiểu cộng trừ cho đâu ra đó. Đầu tư cho kinh doanh tại Mỹ cũng tốn kém nhưng theo kiểu khác. Khi xin phép, có thể tính được chi phí cho luật sư, tiền thuế là bao nhiêu nhưng ở Việt Nam, có rất nhiều thứ ‘ẩn hình’, không nghe ai nói và nếu không có ai quen biết chỉ dẫn thì không thể nào có đủ giấy tờ cần thiết cho công việc làm ăn."
Andy Phạm– người kiến trúc sư trở về Việt Nam tìm việc làm vì thấy rằng, nếu ở tại Mỹ, khó có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, cũng không hài lòng với thực tế. Anh viết trong email: Tôi làm việc cho một công ty nhà nước đã được cổ phần hóa.
Tuy nhiên cách quản lý, điều hành thì vẫn còn như thời bao cấp. Trong công việc, họ cũng có tiêu chuẩn, cũng dùng nhiều tiêu chuẩn của nước ngoài nhưng hình như họ không hiểu vì sao nước ngoài đưa ra qui định đó. Chẳng hạn họ bỏ qua các tiêu chuẩn về ‘phòng cháy, chữa cháy’ vì chưa bao giờ những vụ cháy như thế xảy ra tại Việt Nam . Họ làm cho có để đỡ tốn kém. Nói chung, họ làm việc theo cảm tính, thiếu kế hoạch, nguyên tắc. Nhiều lúc thiết kế chưa xong đã khởi công xây dựng chỉ vì cấp trên muốn kịp tiến độ.
Anh Nguyễn Quí Đức – một doanh nhân Mỹ gốc Việt, đầu tư ở Hà Nội, cũng nhận xét gần giống như vậy. Anh bảo: "Tôi phải làm quen với cách làm việc ở đây. Họ thích học hỏi nhưng không có những thói quen cần thiết như đúng giờ, đúng hẹn.
Tại đây, quan hệ, cách đối xử giữa người này và người khác là điều quan trọng. Trong công việc, người ta chú trọng đến tình cảm hơn là sự hữu hiệu. Cho dù thể chế cộng sản đang chuyển dần sang thị trường tự do nhưng họ chưa có khả năng, hiểu biết như ở nơi khác.
Họ đi rất nhanh trong nhiều lãnh vực, trong việc học hỏi cái mới nhưng người ta vẫn làm việc theo thói quen, chấp nhận hoàn cảnh, ít cầu toàn và không sắp đặt những kế hoạch dài hạn."
Điểm đáng chú ý là theo anh Đức: "Luật lệ ở Việt Nam không chặt chẽ, cách làm việc, áp dụng luật lệ từ địa phương đến các bộ, văn phòng, cơ quan còn nhiều nơi chưa thông suốt, rành mạch cho nên rất nhiều người gặp trắc trở."
Vậy những nhà đầu tư, những chuyên viên người Mỹ gốc Việt có nản không? Liệu họ sẽ bỏ cuộc? Andy Phạm nói rằng: "Việt Nam là nước đang phát triển, ít nhiều vẫn còn theo lối cũ. Mình nhập gia phải tùy tục."
Còn Quân Nguyễn thì bảo rằng: Lúc đầu rất là bực mình. Nhưng đó là chuyện trước mắt. Nhìn xa hơn một chút thì những điều bất toàn đó lại giúp mình giải quyết những vấn đề nào đó theo hướng có lợi hơn. Ví dụ như khi mình lái xe, bị cảnh sát chặn lại, mình dùng tiền giải quyết ngay, vừa lẹ, vừa khỏe. Khoản tiền đó thực ra không đáng. Chứ ở Mỹ, bị cảnh sát chặn lại thì rõ ràng rất phiền. Có muốn dùng chiêu đó cho tiện cũng đâu có được. Tôi không muốn bình luận. Chỉ nêu vì dụ về sự thích hợp giữa con người và môi trường thôi."
Vào lúc này, Trình đã quay về Mỹ sau thất bại khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, Trình cho biết: "Tôi đang tĩnh tâm và sẽ tiếp tục quay trở lại khi có cơ hội phù hợp. Nếu ai đó cần lời khuyên thì tôi cho rằng, cần biết mình muốn làm gì ở Việt Nam. Quán cà phê khác nhà hàng, khác nhà máy. Xuất cảng khác, nhập cảng, mỗi lĩnh vực đều có cái khó, cái dễ riêng."
Còn những người khác? Quân Nguyễn nhận định rằng: "Việt Nam là mảnh đất của cơ hội nên cạnh tranh nhiều hơn. Người ta giành giật, cấu xé nhau nhiều hơn. Về đây cũng là dịp để mình rèn luyện chính con người mình. Mảnh đất đó phù hợp với con người của tôi. Tôi không phải kiểu người thích cuộc sống bình dị, sáng đi làm, chiều về, mỗi tháng lãnh lương và cuộc sống cứ tiếp diễn như thế. Vì thích như vậy nên tôi chấp nhận rủi ro, chấp nhận môi trường đó."
Ngọc Lan, thông tín viên RFA
22-02-2011
Theo RFA
Gửi ý kiến của bạn