Học trò xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế…chân đi không đành
Trên hành trình xuyên Việt của ba người anh em: Lê Trí Tuệ, Nguyễn Ngọc Quang,Phạm Bá Hải, trước khi ghé thăm tôi nơi xứ Quảng Đà, họ từng ngang qua Bình Định với chai rượu Bàu Đá, làm món quà hàn huyên sau nhiều ngày xa cách,bất đắt dĩ Du Lam tôi trở thành một hướng dẫn viên du lịch…không lương, chúng tôi tới với nhau chỉ cần bằng tấm chân tình, tôi cũng chẳng có gì đãi họ ngoài một tô mì Quảng cho mỗi người, tản bộ dọc bờ sông Hàn, để nhìn mây phủ Sơn trà. Khi trời tắt nắng, lũ 4 tên chúng tôi về phía Mỹ khê để nghe tiếng sóng vỗ bờ và cũng là để anh em được hưởng thú vui hiếm có ở Sài gòn, ngụp lặn…ải êm ( Tắm truồng tiếng Campuchia) một lần cho biết biển đêm Đà nẵng.
Biển trong xanh, thưa người và mênh mông như tấm lòng của chúng tôi với nhau,trãi một tấm bạc nhựa xuống bãi biển,vài cái ly giấy, một dĩa ốc hút thứ mồi đặc sản Đà nẵng, gió biển chiều hôm thì mát lạnh, rượu Bàu Đá thì cao độ, uống qua khỏi môi như có một sợi gì nóng ấm chạy dần xuống ruột, chỉ bốn con người, mà mang đủ ba miền, nhưng với chúng tôi, chẳng thấy sự phân chia vùng miền như những người có chức trách hiện tại, họ chia nhau từng cái ghế một với sự cân đong đo đếm chính xác tới ly, tấc. Chúng tôi chia nhau phần rượu và giấc mơ tự do dân chủ cho Việt nam.
Lê Trí Tuệ, người Thành phố cảng Hải phòng, Nguyễn Ngọc Quang nơi tuyến đầu vùng I chiến thuật, Gio linh Quảng trị, Du Lam chính hiệu Đòa nẽng,và Phạm Bá Hải là Sài gòn. Chuyện trò râm ran về mỗi mãnh đời riêng của mỗi con người cho tới trăng lên,chúng tôi phải dứt ngang câu chuyện trở về và hẹn sang ngày tái ngộ.
Buổi sáng, biết thời gian không nhiều, không cậu thanh niên nào dám nằm nướng,tôi với Quang thì hơi trộng tuổi hơn, lại có gia đình nên cái chuyện ít ngủ cũng là tuổi tác thường tình, thương cho hai chàng trai còn đang “ở vậy nuôi con” phải dậy từ mờ sang,sau những sinh hoạt thường thức, chúng tôi chia tay tạm để thu xếp rồi hẹn nhau lúc 11 giờ trưa, tôi tình nguyện làm tiếp chân hướng dẫn viên du lịch miền Trung, trước khi tiễn nhau ra Bắc.
Đúng giờ hẹn, chúng tôi mang hành lý cũng chẳng có gì ra bến xe đò ra Huế.
Tôi giới thiệu với họ cảnh núi non hung vĩ của Ải Vân đệ nhất hùng quan,noi đáng tự hào của quê tôi với bài thơ của Tường Linh:
Quê hương tôi bên ni đèo Ải
Nhấp nhô bong thuyền cửa Đại, già nua nếp phố Hội an
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn,đêm Đà nẵng vọng về cơn sóng biển ( ài –êm)
Chùa non nước trầm tư hương khói nguyện,bún chợ Chùa thương nước mắm Nam ô
Có ai về Trung phước giữa mùa ngô?Thăm quê ngoại Đại bình cam đỏ ối.
Sớm Duy xuyên tơ vàng giăng ngập lối, chiều Điện bàn xe đạp nước thay mưa
Sông Thu bồn chẳng thiếu đò đưa, bùi khoai Tiên lãng, mát dừa Kiến tân…
Rồi xe cũng vào bến Huế, cái cảm giác nóng bức bối của Huế dù đã cuối hè xáp vào da chúng tôi khó chịu, điểm đầu tiên là tới thăm nhà thờ Phú cam, nơi tôi biết từ sau Mùa hè đỏ lửa 1973, trong một lần tới Huế khi 16 tuổi, ngày ấy, nơi đây có lẽ chưa có một Linh Mục mang tên Nguyễn văn Lý, người hôm nay dấn thân cho Dân chủ Việt nam dưới dòng số 4 con 8406.
Khung cảnh nhà thờ trang nghiêm và thanh vắng, trong không khí nồng ấm tình người, dù chỉ gặp nhau lần đầu, hai Linh Mục Phan văn Lợi và Nguyễn văn Lý thăm hỏi chúng tôi chuyện hoàn cảnh sống, hỏi về đoạn đường xe đã đi qua, và cũng hỏi luôn chặng đường Đất nước.
Sau vài giờ đồng hồ ngắn ngủu, hai đức cha nuối tiếc tiễn chúng tôi vì có … ai đó yêu cầu cha là không được quá thời gian tiếp khách vãng lai. Tay xách nách mang chúng tôi tìm nơi ngủ trọ. Ra khỏi cổng nhà thờ, trước mắt chúng tôi là một số người bản xứ, tuổi trên 25 cho tới gần 40. Họ đứng xa bên kia sông một nhóm với chiếc Camera, che phủ nhưng không khuất, hai đầu đường mỗi tốp 4 người. Á! Thì ra hôm nay là ngày lễ Độc lập của nhà nước Việt nam XHCN, mùng 2 tháng 9, linh tính như báo cho chúng tôi rằng chuyến du hí nầy sẽ không độc lập gì, khi có tới những quan sát viên không mời mà gặp chờ đón chúng tôi khắp mọi nẽo đường. Cố đô Huế. Nơi một thời là kinh đô của triều đại phong kiến nhà Nguyễn… hôm nay đây, trước nhà thờ Phú cam, trong một nước Độc lập tự do, chúng tôi những công dân bị chặn đường…
Thực tế, họ chưa làm gì chúng tôi cả, họ chỉ quay lén vài thước phim diện tử, họ chỉ mới đi cùng xa xa, họ đón chúng tôi có vẻ tiền hô hậu ủng, chúng tôi bước an tâm vì không sợ côn dồ nơi xứ lạ, nhờ quanh mình có một lực lượng vệ sĩ tinh nhuệ hộ tống không phải trả lương, quả xứ thần kinh hào phóng, nhờ một thời vua chúa đi qua, người Huế biết bảo vệ du khách của mình một cách hào phóng, với 4 con người, hành lý chỉ mấy bộ áo quần, mà tới gấp ba lần số người đi bảo vệ. Chẳng biết ngài tỉnh trưởng Thừa thiên có được cái diễm phúc của chúng tôi không? Cảm ơn ngài, không tiếc tiền dân chi trả để phục vụ chúng tôi, những du khách quèn chỉ dám tìm nhà trọ tá túc chứ không dám tìm khách sạn.
Cũng không thèm Mắm tôm, thứ đặc sản Huế nhưng chúng tôi dạt vào chợ Bến ngự, có lẽ họ sợ chúng tôi bị móc túi, rồi phải ngủ vĩa hè, họ cũng xông theo, kẻ nơi hàng thịt, người hàng cá, trên tay ai cũng cầm tờ báo Thanh niên hay Tuổi trẻ, dán mắt vào mỗi khi chúng tôi nhìn họ, dù không đọc, thế mới biết nét văn hóa của một cố đô xưa lan ra tới chợ…mà cũng lạ, đảo mắt quanh, thấy ai cũng khẩn trương nhỏ to trong chiếc điện thoại cầm tay, có lẻ hôm nay, Bưu điện Thừa thiên nghẽn mạch vì quá nhiều máy dùng cùng một lúc.
Ra khỏi chợ, tung tăng mấy lọ mắm tôm mua vội không cần chọn lựa, chúng tôi đi tìm chỗ trọ, cái nắng Huế buổi chiều cũng khó chịu, Huế, một đô thị nhà vườn,mỗi gốc cây ven đường, là một thanh niên tựa gốc mà không tránh nắng. Đâu đây…từ nhà ai đó vẳng ra giọng hát của Hương Mơ: … Đã bao lần anh tới Huế mộng mơ, nên ôm ấp một tình yêu dịu ngọt, vẻ đẹp Huế chẳng khi nào thiếu được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư… Không, tôi không nhìn thấy nơi họ nét mông mơ hay mộng mị gì cả, như lời cô ca sĩ ấy, họ bồn chồn như con gà mắc…đẻ dù họ ra dáng thơ mộng đứng dưới tán cây si, cây bàng.
Chúng tôi cũng tìm nhanh ra nhà trọ gần nhất, sát bên hông chợ Bến ngự, của Cty TNHH Lê Trâm tên có tiếng Ăng lê. FOR YOU. Họ không vào, nhờ cửa lớn bằng kính trong suốt. Quang vì sau nhiều ngày xa quê, mồ mã ông cha cách vài mươi cây số, anh ta nóng lòng về thắp nén nhang trên mộ, để tỏ tấm lòng, vì đất nước còn nghèo nên phải tha phương cầu thực, biết bao giờ mới trở lại vườn xưa. Quang nói vội vài câu hẹn giờ tái ngộ rồi tách ra bến xe, dù biết sẽ có chuyện chẳng lành với chú ấy, nhưng chúng tôi không đành lòng, ai cũng có quê hương, dù nơi ấy chiến tranh và con người vô tâm tàn phá, cái ước nguyện quá nhỏ nhoi nầy là điều tôi từng mơ ước ngày còn trong quân ngủ, khi ở chiến trường mà luôn mơ rằng, chỉ cần chuyến xe nào đó mang mình đi ngang qua quê hương, chỉ đi qua mà không cần dừng lại, huống hồ Quang chỉ còn cách mộ cha mình có hơn 5 chục cây số, rồi Quang đi trong cái vội vàng như thế, nhóm người ấy bấy giờ chia ra, 1/3 nổ máy theo Quang, chúng tôi vẫn quan sát xem họ có làm gì không, với một công dân yêu nước như anh, ngặt họ đều ăn mặc thường phục cả nên cũng không rõ họ là ai? Anh em tôi ái ngại dù không nói ra, cái túi xách của Quang hơi lớn hơn người khác, nhỡ họ là bọn giựt dọc kẻ đơn độc thì cũng tội Quang, chúng tôi phải nghĩ như thế, vì nếu là người tốt có lẽ thái độ họ đĩnh đạc chứ đến nỗi nào, còn nếu họ là người của nhà nước thì có việc gì phải thậm thụt bất minh? Nhưng rồi chúng tôi phải giặt giũ con người sau một ngày nhàu nát bụi đường.
Đang thay nhau tắm thì có điện thoại réo, chắc Quang có vấn đề,chúng tôi không kịp lau khô, có đứa còn tắm dang dỡ, mặc vội áo quần, tay cầm điện thoại gọi tắc xi, ba chúng tôi cùng đi cho ăn chắc lỡ bọn cướp thì còn hợp đồng đối phó,ra tới bến xe Bắc Huế, nơi Quang thông báo, chúng tôi bị cản lại không được vào,trong văn phòng ban quản lý bến xe,mỗi người một tay kéo vội những tấm rèm, chúng tôi không thấy gì cả,sử dụng điện thoại tìm dấu vết của Quang cũng không còn gọi được. Trời nhá nhem tối nơi đất khách quê người, dù chưa có gì độn bụng, chúng tôi tìm một quán cóc đối diện, ngồi lại đó và gọi mỗi người một tách cà phê, sao lúc nầy họ không quay giúp chúng tôi những thước phim?Có lẽ tâm trạng chúng tôi trong bộ phim ấy não long như cha vừa chết. Lúc nầy, chung quanh chúng tôi, những Cảnh sát sắc phục, xe mô tô phân khối lớn, ngồi quanh, họ không uống gì, chỉ ngồi nhờ trong quán.
Chờ đợi tới chừng vô vọng, trời thì tối, không rõ cụ Ngô Tất Tố ngày ấy thấy cái tiền đồ của chị Dậu thế nào, chứ chúng tôi hiểu có đợi them cũng bằng vô ích, chúng tôi ra xe về lại nhà trọ, nơi đây, những người thanh niên ấy vẫn kiên trì tựa gốc cây bàng, chúng tôi vào kiểm tra hành lý, dù không có gì quí, nhưng thói quen nhà nghèo, nhỡ mất cái xà long thì lại ”ải êm” sao? Sau đó chúng tôi xuống quán kiếm gì ăn tối, hai trong số người ấy cũng vào, họ cũng gọi thức ăn, kèm bia, họ mời chúng tôi cụng ly, quả họ thật tốt, chúng tôi chiếu lệ, rồi cúi gằm xuống tống vào cho đủ và tính tiền đứng dậy. Ra khỏi quán đã 21 giờ thiếu 15, đi tìm một tiệm Net, họ cũng theo chân bén gót, tới nơi nào họ cũng tìm cách gàn trở chuyện chúng tôi vào online thong qua chủ tiệm, cũng tới hơn 10 chỗ như thế. Cậu Tuệ bắt đầu nỗi nóng, gây gỗ sự thiếu lịch sự và thô bỉ của họ khi xem thư tín cá nhân, nhưng họ là ai mà cũng mặt dày, Tuệ gọi điện kêu cứu cảnh sát 113, khai có một nhóm người có ý đồ ăn cướp nhờ cứu, lĩnh vực nầy thì Huế có chậm, họ hẹn nhưng không tới, chán vì mất thời gian vô ích, chúng tôi về nghĩ, một người trong họ lại có nhã ý mời đi uống chút gì cho vui…trời ạ, hết biết,có phải con ngừơi không đây? Mà sao sự đổi thay cứ như hơn thay áo? Mới vừa nãy gàn trở, gây gỗ, giờ lại mời nhau tí chút cho vui, thế mới là điều lạ. Đêm ấy, suốt đêm, nhiều con người tựa vào gốc cây ngủ gà ngủ gật,mặc cho con muỗi thị thành nhiều cống rãnh làm thịt và chén một bữa no, họ bảo vệ giấc ngũ cho chúng tôi ngoài lề đường. Trời gần sáng, chúng tôi thức giấc vì cuộc gọi của Đài chân trời mới, ai đã làm chuyện nầy?Ai trong số họ? Khi chúng tôi suốt đêm rã chân tìm chỗ Online mà không được? Dù chỉ là nhắn vợ con, hay người yêu của hai chàng trai trẻ?
Diễm phúc, sau ngày lễ Độc lập là chủ nhật, diễm phúc hơn là một người trong họ mời chúng tôi uống cà phê bên bờ sông Hương, mọi dự tính du lịch, hướng dẫn của chúng tôi thế là hỏng. Tôi là trai xứ Quảng, dù bốn lửa rồi, nhưng cũng cố xem cái dư vị ngày xưa tổ tiên xứ Quảng chúng tôi lai kinh ứng thí thế nào? Cô gái Huế thế nào mà chân đi không đành? Nay thì không có cô gái Huế mà một bọn không rõ lai lịch làm chúng tôi không muốn dạo Huế. Một ngày đêm ở Huế, những tà áo dài tím Huế có còn không? Bún gân Mệ Rớt bây giờ mặn lạt? Chè Cồn Hến bắp có còn non với vị ngọt thanh của Huế? Cơm Âm phủ bây giờ sao bưng chạy đầy đừơng? Những Lăng tẩm một thời, với nón bài thơ nghiêng nghiêng chiều Đại nội, cả Huế xô bồ kém văn hóa hay chỉ là phiến diện với bọn theo chân chúng tôi, thay cho tiếng chuông Thiên mụ là những chú dế hiện đại dọc đường (ĐT cầm tay), thảo nào mà những con người một thời của Huế cũng bị lãng quên theo đà thay đổi như áo quần, những tên tuổi anh hùng đã tắm Huế đỏ lòm trong tế Mậu thân, tôi vội vàng rời Huế khi không hoàn thành làm hướng dẫn viên du lịch, hai bạn trẻ ở lại để ra thành cổ Thăng long, tôi ngậm ngùi khi trước đó khoe miền Trung của tôi với họ, cơn nắng trưa của Huế làm tôi thấy con đường thành một “Đại lộ kinh hoàng“ như năm 1972, có lẽ, Huế cần thiết phải tìm lại cho mình một truyền thống văn hóa như xưa, nếu Huế biết loại trừ những tiêm nhiễm như chúng tôi từng thấy …Tới giữa hầm Hải vân, tôi thở phào nhẹ nhõm, con tu hú bên nầy và bên kia đèo kêu tiếng khác nhau, huống hố là con người, tôi móc điện thoại gọi cho hai người bạn, biết rằng họ đã vồn vã tiễn chân hai chú ấy lên tàu ra Bắc, tôi hiểu rằng sẽ còn lâu lắm Huế mới hội nhập với kinh tế toàn cầu, sự lãng phí nhân công với chúng tôi nói lên điều ấy. Một mai, ai là doanh nhân đủ dũng khí đầu tư cho Huế. Gửi lại Huế nỗi ngậm ngùi phía bên kia đèo, tôi cũng vui vì xe ở trên quê tôi, dường như chưa bao giờ tôi gặp phải thứ gì như Huế…
DU LAM
Gửi ý kiến của bạn