Phần I
Nhân ngày 30/4/2007 ông Võ Văn Kiệt nguyên thủ tướng nước CHXHCNVN đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Xuân Hồng ký giả đài BBC, như là một hình thức kêu gọi đối thoại hòa hợp hòa giải.
Hưởng ứng lời kêu gọi đó và để dễ dàng có sự đồng cảm trong đối thoại, người viết tự giới thiệu vài dòng về bản thân.
Ông và tôi cùng sinh ra và lớn lên tại miền Nam Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử đã ở hai vị thế đứng khác nhau. Thế nhưng cả hai từng có chung một động tác vào một thời điểm. Ông với tư cách cựu thủ ướng, cựu đảng viên cao cấp của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng góp ý kiến yêu cầu đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đổi mới hơn nữa để hội nhập vào thế giới. Tôi, trong tư cách là cựu tù cải tạo, bằng nỗi ưu tư cho dân tộc, đã có ba bài góp ý đại hội X, từng xúc động khi viết bài “Đảng CSVN cần bao nhiêu máu và nước mắt nữa để xây dựng xã hội chủ nghĩa (XHCN)”:
Phải đối diện với thực tế, máu và nước mắt của thôn xóm tôi, của đồng bào tôi, của các anh, các chị là đảng viên cộng sản và của những tầng lớp con cháu sau này đã đổ ra trong quá khứ và sẽ đổ ra tương lai để hòa chung với nhau không phân biệt giai cấp, không phân biệt chính kiến hay ý thức hệ để vẽ lên bức tranh hoành tráng “XHCN” mà đảng đang tự hào, kiên định thực hiện. (Nguồn: www.doithoai.com)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhân danh đảng CS long trọng tuyên bố: “Tôn trọng ý kiến khác biệt”. Ông được ưu tiên vào hàng ghế đại biểu, không biết vì lý do gì ông đã không tham dự để chứng kiến sự thật của lời tuyên bố đó. Và cho đến nay ông cũng chưa công khai phát biểu ý kiến của ông về cái gọi là thành quả đại hội X. Riêng tôi, trong một bài viết về “cuộc cách mạng trắng tức là cách mạng giáo dục tại Việt Nam”, đã có nhận định rằng:
Theo tinh thần văn bản hiến pháp 1992 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có thể kết luận như sau: Kết quả Đại hội 10 của đảng Cọng Sản Việt Nam là một điều sỉ nhục lớn lao cho dân tộc Việt Nam. (Nguồn: www.danchimviet.com)
Tôi đã từng thầm mong ước ba triệu đảng viên ĐCSVN, 600 tờ báo quốc nội và hàng trăm đài truyền thanh truyền hình phục vụ cho chế độ hãy lên tiếng và cho tôi một lời phản biện đúng đắn, để tôi có thể tuyên bố rút lại bài báo đó, để cho dân tộc tôi khỏi bị nhục nhã. Tôi mong là tôi sai, nhưng tiếc thay điều đó lại không đến trong thực tế.
Một điều may mắn, bài báo đó lại đang được diễn đàn Đàn Chim Việt chọn lựa làm bài văn đề nghị bạn đọc tranh luận cho một cuộc thi viết về đề tài giáo dục. (www.danchimviet.com). Hiện còn hiệu lực, rất mong ông có thời gian đọc qua loạt bài báo đó và có ý kiến gì về “quyền học tập sự thật của thế hệ sinh viên học sinh” ngày nay, xem như là một đề tài trao đổi của tôi đến với ông, sau khi tôi đã có ý kiến về bài phỏng vấn của ông. Có qua, có lại mới toại lòng nhau, sòng phẳng trong đối thoại, phải không ông? Chân thành mà nói rằng những lời viết trên đây không phải là một thách đố mà chính là một lời mời trân trọng của người viết đến không những riêng ông Võ Văn Kiệt mà còn đến với tất cả những ai còn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Tôi là một người đang nghỉ hưu, chữ danh và lợi không còn là mục đích cần đạt đến trong cuộc sống, nói như vậy để chứng minh một điều tôi chỉ là một người dân thầm lặng đi trong dòng lịch sử.
Trong tinh thần xếp lại quá khứ, trên cả hận thù, tôi sẽ không đi sâu vào quá khứ hận thù mà sẽ đối thoại những vấn đề thực tế hiện tại nhằm đạt đến ước vọng của ông đề ra. Tôi đối thoại cùng ông với tư cách là người dân Việt Nam trong tâm tư tình cảm của người đứng bên dòng sông Bến Hải, đã không còn là lằn ranh địa dư quốc - cộng nữa mà đã trở thành một chứng tích phân biệt giai cấp vô sản và không vô sản, một khi cây tầm vông vạt nhọn vẫn còn nằm ngang trên cầu Hiền Lương ngăn cách đôi bờ dân tộc vậy. Ba mươi hai năm hòa bình với bao thăng trầm lịch sử, là một thời gian đủ dài để đặt câu hỏi “ Đã đến lúc cây tầm vông này chấm dứt nhiệm vụ hay chưa?”
Phần đối thoại sẽ triển khai theo từng nội dung:
- Xếp lại quá khứ
- Đối thoại đi đến hòa giai hòa hợp
- Bầu cử quốc hội và người tự ứng cử
I - Xếp lại quá khứ?
Cảm nhận đầu tiên là tôi hoàn toàn đồng ý với ông về cách đặt vấn đề là tại sao kẻ thù trong chiến tranh như Pháp, Mỹ, Trung Quốc còn có thể trở thành bạn, thì tại sao người Việt chúng ta lại không thể ngồi lại với nhau để đối thoại. Thế nhưng tôi không đồng ý với ông trong cách triển khai giới hạn vấn đề chỉ có quá khứ hận thù Quốc – Cộng mà thôi. Vì làm như vậy đã gây ra nhiều ngộ nhận đưa đến bế tắc không giải quyết được gì cả.
Trong bài phỏng vấn, đặc biệt nhấn mạnh đến quá khứ hận thù Quốc- Cộng, ông cho rằng nếu không có yếu tố ngoại nhập thì người Việt hai bên có thể ngồi lại với nhau giải quyết được. Tôi có thể đồng ý với ông về luận điểm này vì rằng cuộc chiến vừa qua khó tránh khỏi, bởi vì đất nước Việt Nam nằm trong một vị trí tiền đồn của vừa của khối tự do và lại vừa là tuyến đầu của khối cộng sản. Thế nhưng toàn bộ vấn đề hòa giải hòa hợp mà ông chỉ nhằm xếp lại quá khứ hận thù Quốc - Cộng, chẳng những không giải quyết dứt điểm vấn đề mà còn đem lại sự nghi ngờ rằng không biết ông có thiện chí và thật tình trong kêu gọi hòa hợp hòa giải hay không?
Trên cương vị từng là một cựu thủ tướng, tất nhiên ông phải thấy rõ hết mọi vấn đề của quá khứ cần giải quyết, chứ không chỉ có một vấn đề Quốc - Cộng. Thật vậy ở đây có đến ba loại quá khứ cần giải quyết như sau:
1) Quá khứ hận thù Quốc Cộng
Có thể quy lỗi cho chiến tranh có yếu tố ngoại nhập như ông từng đề cập, chiến tranh đã chấm dứt, và cũng không cần tranh cãi là ai phải chịu trách nhiệm về quá khứ hận thù này, nên trả về cho lịch sử phán xét.
Một câu hỏi cần đặt ra là có cần thiết để kêu gọi quên loại quá khứ này không? Có thể quên được chăng? Một khi quá khứ này đã gắn liền với con người từ lúc nhỏ cho đến khi cận kề ranh giới của cuộc sống. Theo quy luật tự nhiên con người càng lão hóa lại càng mong muốn ôn lại quá khứ.
Nên chăng để cho vấn đề này tự lụi tàn theo quỹ thời gian còn lại của mỗi người?
2) Quá khứ hận thù dân tộc
Đây là loại hận thù phát xuất từ những chính sách sai lầm nhằm thực hiện Xã Hội Chủ Nghĩa trên đất nước Việt Nam của đảng cộng sản như cải cách ruộng đất, vụ án “Nhân văn Giai phẩm”, “vụ án xét lại”, “cải tạo công thương nghiệp”, “đánh Hoa kiều”, “bán bãi lấy vàng, đẩy dân ra biển đông” và “chính sách cải tạo đối với quân nhân, dân chính của Việt Nam Cộng Hoà”. Loại quá khứ hận thù dân tộc này giữa người cộng sản và dân tộc xảy đến cho tất cả gia đình hai miền Bắc Nam có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ chứ không riêng gì thế hệ trong chiến tranh.
Loại quá khứ hận thù này xảy ra trong thời gian hòa bình, hoàn toàn không có yếu tố ngoại nhập.
Như vậy, phải khẳng định rõ ràng là:
- Người quốc gia không gây ra hận thù dân tộc mà chỉ là nạn nhân.
- Người Cộng Sản gây ra hận thù dân tộc xuất phát từ chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giai cấp. Đảng Cộng Sản phải có trách nhiệm giải quyết.
Quá khứ hận thù Quốc - Cộng và quá khứ hận thù dân tộc là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau về bản chất và xuất xứ, cũng như người phải chịu trách nhiệm.
Những ai đồng hóa vấn đề quá khứ hận thù dân tộc với hận thù Quốc – Cộng là người không lương thiện, cố ý trốn tránh trách nhiệm. Đổ tội lên người quốc gia là chống phá đất nước, chia rẽ và gây hận thù dân tộc là lối tuyên truyền bịp bợm, dối trá cần phải chấm dứt.
Tôi đặt bút viết ra dòng chữ này không nhằm khơi sâu hận thù mà nhằm chỉ rõ ai là người có trách nhiệm và phải làm điều gì để giải quyết dứt điểm quá khứ hận thù.
Đến đây đã có người lập luận rằng, những chính sách sai lầm đã thuộc về quá khứ, và cái hậu quả của nó, cũng khó mà giải quyết một sớm một chiều. Vậy có thể nào tạm gác qua một bên để có thể đối thoại hòa giải được không?
Câu trả lời: Có thể được nếu đảng Cộng Sản thực tâm nhìn thẳng vào thực tế giải quyết loại sai lầm dưới đây
3) Quá khứ sai lầm về hệ tư tưởng
Đây là loại quá khứ sai lầm quan trọng nhất và là nguyên nhân chính của mọi nguyên nhân sai lầm trong quá khứ. Đó là sự sai lầm về hệ tư tưởng Marx- Lenine, chuyên chính vô sản, là lý tưởng của đảng cộng sản Việt Nam đã cố tình áp đặt lên đầu dân tộc Việt Nam trên nửa thế kỷ nay.
Sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, đảng cộng sản đã thống nhất địa dư đất nước, nhưng lại chia rẽ dân tộc thành hai giai cấp vô sản và không vô sản. Chỉ có vô sản toàn thế mới có thể đoàn kết lại, còn không vô sản như trí phú, địa, hào, tôn giáo... là kẻ địch phải bị tiêu diệt dưới nhiều hình thức như đánh tư sản, học tập cải tạo, cải cách ruộng đất, đuổi Hoa kiều, bán dân ra biển Đông, quy hoạch cướp ruộng đất, bóp miệng dân không cho nói...
Sự sai lầm của hệ tư tưởng này không chỉ xảy ra trong quá khứ mà còn duy trì trong hiện tại đó là đảng Cộng Sản Việt Nam với cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa. Đây chính là vấn đề cần giải quyết minh bạch và sòng phẳng.
Có người sẽ nói đây là vấn đề nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam, nhưng vì đảng mang danh là lãnh đạo nên có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ dân tộc.
Trong quá khứ đảng đã từng sai lầm, mà hiện nay lại càng sai lầm hơn nữa để đưa đến sự khủng hoảng niềm tin hiện nay.
Một câu hỏi rất day dứt không thể không đặt ra: Tại sao đảng rêu rao và bắt buộc người dân học tập tư tưởng Hồ Chí Minh từ nhà trường cho đến khu phố, trong khi đảng luôn luôn phản bội ông Hồ Chí Minh?
- Ông Hồ từng tuyên bố : “Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lê nin.” (1). Tại sao đảng cọng sản lại áp đặt là Hồ Chí Minh có tư tưởng và bắt dân học tập?
- Ông Hồ viết di chúc với ước nguyện hỏa thiêu thân xác, thì đảng xây lăng, ướp xác lại còn giở trò làm xác giả để triển lãm cho khách du lịch. (www.danchimviet.com)
- Ông Hồ trong di chúc kêu gọi đoàn kết đấu tranh vô sản,trái lại đảng cho đảng viên làm kinh tế không giới hạn qui mô.
- Ông Hồ mong muốn xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân thì đảng thấy dân thì bỏ chạy trốn. Tại sao?
- Ông Hồ chủ trương dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, thì đảng cố tình bóp miệng dân, không cho nói.
- Từ hiến pháp đầu tiên của ông Hồ cho đến hiến pháp 1992 đều quy định người dân có quyền tự do ngôn luận và tự do ứng cử và bầu cử, nhưng hiện tại những quyền này hoàn toàn bị tiêu diệt.
- Tại sao? và tại sao?...
Đây là những bằng chứng cụ thể và xác thật về sự phản bội. Nếu ngụy biện cho rằng ông Hồ đã sai, đảng CSVN cần phải làm ngược lại những gì ông Hồ đã chủ trương, thế thì tại sao không đem ông Hồ trở về bảo tàng viện lịch sử kể cả Marx-Lenine? Tại sao không chính thức vứt bỏ hệ tư tưởng Marx-Lenine và Hồ Chí Minh?
Đảng phải giải quyết dứt điểm quá khứ sai lầm về hệ tư tưởng, không gì khác hơn là giải tán đảng Cộng Sản, sửa đổi hiến pháp, và cắt cái đuôi XHCN.
Thế hệ trong chiến tranh đã khai sinh đảng CSVN, đấu tranh chuyên chính vô sản, giờ đây đã thấy đó là một sự sai lầm, là nguồn gốc của sự hận thù dân tộc hiện nay, nhưng lại không đủ can đảm khai tử nó. Tại sao?
Đảng cộng sản và lý thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa đã đóng xong vai trò lịch sử của nó rồi phải chấm dứt mới có thể đối thoại hòa giải hòa hợp dân tộc.
Những đảng viên cộng sản thuộc thế hệ trong chiến tranh nếu không tự giải quyết sai lầm này mà lại bàn giao lại cho thế hệ sau chiến tranh giải quyết thì đó chính là một tội ác, một trọng tội không những đối với lịch sử dân tộc mà còn là một trọng tội đối với hàng con cháu đảng viên Cs kế thừa. Tại sao hận thù bắt nguồn từ sai lầm của thế hệ trước lại để cho thế hệ sau gánh chịu? Đó là một nghịch lý không chấp nhận được.
Giờ đây tuổi tác của thế hệ trong chiến tranh nói chung vào hàng hưu trí, đã đến lúc chuẩn bị đặt vấn đề bàn giao trách nhiệm cho thế hệ sau chiến tranh.
Có thể nói rằng: thế hệ trong chiến tranh của người quốc gia chống cộng sẽ ra đi thanh thản, đã làm tròn trách nhiệm của mình, tuy mục tiêu chưa hoàn thành do lực bất tòng tâm, thế hệ sau có thể hãnh diện tiếp nối mục tiêu của cha anh mình là đấu tranh dân chủ tự do cho đất nước.
Đối với người cộng sản ra đi để lại sai lầm, để lại hận thù cho con cháu mình, quí vị có thể thanh thản được không? Có uất ức hay không khi thấy lý tưởng một đời chiến đấu giờ đây hoàn toàn trở thành những điều xảo trá mà phải để lại cho con cháu như là một di sản vậy? Có cha mẹ nào để lại tội ác và sai lầm cho con cháu hay không? Nếu tin như ông Hồ đã tin: con người có linh hồn để có thể đi thăm cụ Mác, cụ Lenin, thì linh hồn quý vị có thể yên nghỉ được không khi nhìn thấy con cháu ruột thịt của mình sẽ khốn khổ trong máu và nước mắt của hận thù do quý vị để lại?
Chỉ có một cách duy nhất và không còn cách nào khác là quý vị phải đối diện và dũng cảm giải quyết sai lầm đó cho dù phải chịu đau đớn hay mất mát. Đó chính là cái giá phải trả cho sự sai lầm của đảng cọng sản, chứ không phải là của dân tộc Việt Nam.
Một ai đó đã nói: “Có niềm tin là có tất cả”. Đảng cộng sản không giải quyết vấn đề này để đem lại niềm tin trong đảng và nhân dân, thì làm sao người quốc gia nói riêng và toàn dân tộc nói chung còn có niềm tin để đi đến đối thoại hòa giải hòa hợp được?
Ghi chú: (1) Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tt. 150-152. Theo đoạn văn nầy, trong một cuộc đối thoại ngắn, Hồ Chí Minh hai lần xác nhận mình chẳng có tư tưởng gì ngoài chủ nghĩa Marx-Lenin.
Gửi ý kiến của bạn