Phần II
II -Đối thoại hòa hợp hòa giải
Ở phần I người viết đã trình bày rõ ràng lời kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt xóa bỏ quá khứ hận thù Quốc- Cộng rất phiến diện, không giải quyết rốt ráo toàn bộ vấn đề chính trị hiện nay tại Việt Nam. Phải đối diện với sự thật để giải quyết vấn đề quá khứ hận thù dân tộc mà người quốc gia chỉ là một bộ phận của dân tộc chứ không phải là tất cả. Có nhìn nhận như vậy, thì mới có thể đi vào thực tế đối thoại được.
Trong giai đoạn hiện nay chưa thể đi vào nội dung đối thoại hòa giải hòa hợp dân tộc, mà mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho đối thoại (nếu có?) mà thôi.
Cuộc chơi nào cũng phải có qui luật tối thiểu của nó, vậy tại sao khi đề ra đối thoại mà lại không yêu cầu hai bên phải tôn trọng qui luật của sự đối thoại công khai và sòng phẳng?
Trước khi trả lời câu hỏi này, người viết trình bày hai ví dụ điển hình để rút kinh nghiệm thực tế.
Thời niên thiếu:
Ở cái thời trẻ con còn tắm truồng ngoài đường phố, hai đứa trẻ cùng xóm, thân với nhau, chơi một trò chơi, nếu không đồng ý hai đứa trẻ này đều có thể tranh cãi, thậm chí nếu còn bất đồng thì phải nhờ người lớn giải quyết. Như vậy quy luật của cuộc chơi này là gì? Đó là sự tôn trọng lẫn nhau và hai bên có quyền ngang nhau, nếu không đạt được thuận thảo thì phải nhờ đến trọng tài, chứ không ai có quyền dùng vũ lực đến trấn áp đối phương để áp đặt lý lẽ của mình lên đối phương.
Bang giao hợp tác quốc tế:
Trong đối tác song phương hay đa phương, mọi quốc gia đều phải giữ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, có quyền đàm phán ngang nhau, nếu chưa đạt sự đồng thuận có thể nhờ đến cơ quan hòa giải quốc tế giải quyết.
Dựa trên nguyên tắc này, Việt Nam là nước kém phát triển về mọi mặt vẫn có thể đối thoại bình đẳng với những siêu cường cũng là kẻ thù trước đây như Pháp Trung Quốc và Hoa Kỳ, và các nước khác nữa để đạt đến những thỏa hiệp thương mại và được chấp thuận trở thành hội viên thứ 150 của tổ chức WTO. Đó là một thực tế minh chứng hùng hồn rằng sự tôn trọng chủ thể trong đối thoại là một điều không thể thiếu được trong đối thoại.
Nếu một bên không được tôn trọng, luôn luôn bị đe dọa trấn áp, thì không còn đối thoại nữa, mà là một sự thống trị, áp đặt tư tưởng như đã từng xảy ra trong thời thực dân xâm lược.
Trở về ý kiến của Ông Võ Văn Kiệt kêu gọi đối thoại, vấn đề chính không phải là người dân Việt và cộng đồng người Việt chống cộng không muốn đối thoại mà chính họ đã từng đề nghị đảng cọng sản đối thoại kể từ khi chấm dứt cuộc chiến cho đến nay, điển hình gần đây nhất trong vụ ông thủ tướng Phan Van Khải sang Mỹ người Việt hải ngoại cũng từng kêu gọi đối thoại theo những đề tài công khai và đưa trước, nhưng nhà nước CSVN vẫn trốn chạy trước đề nghị hợp tình hợp lòng dân đó. Dân oan nằm ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng và những lề đường Sài Gòn hằng chục năm nay chờ đối thoại với nhà nước, mà sao nhà nước vẫn né tránh?
Và sắp đến đây ông Nguyễn Minh Triết sang Mỹ có sẵn sàng đối thoại với cộng đồng hải ngoại hay không?
Như vậy vấn đề còn lại là ở chỗ đảng Cộng sản có thiện chí, có muốn đối thoại hay không?
Một khi đảng Cộng Sản chấp nhận đối thoại với dân tộc nói chung và cộng đồng người Việt quốc gia nói riêng, thì ĐCS phải tôn trọng những nguyên tắc tối thiểu như sau:
1)Tôn trọng chủ thể đối thoại:
Như trên đã nói, nhằm mục đích xóa bỏ hận thù dân tộc, như vậy chủ thể đối thoại với đảng cộng sản là người dân Việt trong và ngoài nước, họ là người có quyền lên tiếng nói trong ôn hòa và bất bạo động về bất cứ một lãnh vực nào đó cho dù là khác biệt thì không thể căn cứ vào đó để mà đe dọa, trấn áp tù đày họ.
Xét lại trong thực tế đảng cộng sản đã làm được điều này chưa? Hiện nay tất cả những người lên tiếng về dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, cũng như những dân kêu oan vẫn bị tù đày trấn áp, thì làm sao thực hiện được sự đối thoại sòng phẳng, thưa ông Vỏ Văn Kiệt?
2) Phương tiện đối thoại:
Điều cơ bản để đối thoại đó là quyền tự do ngôn luận được ghi rõ rằng trong hiến pháp, có thể thực hiện điều này qua báo chí tư nhân, thế mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã công khai cấm báo chí tư nhân lại còn rêu rao đó là ý nguyện của đa số người dân là một sự dối trá trâng tráo của một vị lãnh đạo nhà nước không thể chấp nhận được. Hiện nay hệ thống báo đài đều là của nhà nước, vậy người dân trong và ngoài nước muốn đối thoại sẽ thực hiện ở đâu?
Mục đích đối thoại là để hòa giải dân tộc vậy, mọi người dân đầu có quyền thông tin đầy đủ và tham gia cuộc đối thoại đó. Vì vậy cuộc đối thoại phải diễn ra ở trong nước và phải được phổ biến công khai trên báo đài trong đó có báo chí tư nhân. Đảng Cộng Sản đã sẵn sàng chấp nhận điều đó hay không?
Nếu người dân không được biết và không được đối thoại công khai thì tất cả mọi cuộc đối thoại (nếu có?) xảy ra không hội đủ hai tiêu chuẩn này có ý nghĩa gì không?
3) Chứng tỏ thiện chí đối thoại:
Tóm lại, tôi hoàn toàn tán đồng với ông Võ Văn Kiệt về lời kêu gọi đối thoại để đi đến hòa giải hòa hợp. Thế nhưng trước khi đi vào đối thoại, đảng Cộng Sản Việt Nam phải thể hiện thiện chí của mình bằng hành động thực tiễn, nói theo ngôn ngữ bình dân là: “có thấy mới tin” như sau:
- Trả tự do cho tất cả những người đang bị giam giữ dù có án hay chưa dưới cái tội chống phá nhà nước. Họ thực sự chỉ là những người nói lên ý kiến khác biệt của mình với nhà nước, một cách ôn hòa và bất bạo động. Trả lại quyền tự do ngôn luận cho người dân, thể hiện quyền này là tư nhân được quyền ra báo.
- Và trả lại quyền học tập sự thật cho sinh viên học sinh. Sinh viên học sinh là tương lai của đất nước họ có trách nhiệm và phải biết sự thật về lịch sử đất nước. Cụ thể là đảng phải đưa chính trị ra khỏi học đường bằng cách dẹp bỏ guồng máy chính trị đảng ra khỏi nhà trường, trả môn học Marx-Lenine trở về đúng giá trị triết học của nó. Sinh viên học sinh cũng là người dân là thế hệ sinh sau chiến tranh, không hận thù dân tộc, thì không ai được quyền mang hận thù giai cấp choàng lên đầu họ và họ cũng có quyền tham gia đối thoại công khai và sòng phẳng. Nhà nước CSVN đã từng phán xét rằng miền nam Việt Nam đã bị đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng sinh viên học sinh ở miền Nam trước 30/04/1975 vẫn có quyền hội họp, tổ chức diễn thuyết, biểu tình thị uy lực lượng để nói lên ước vọng hòa bình của mình dưới sự bảo vệ của luật pháp. Thế thì tại sao hòa bình đã ba mươi hai năm nay, mà sinh viên học sinh lại không được quyền góp ý xây dựng và phát triển cho quê hương mình? Đó là một nghịch lý không thể chấp nhận được.
- Đề nghị cuối cùng, một thực tế không ai chối cãi, thế hệ trong chiến tranh của cả hai bên đều đang bước vào ngưỡng cửa xưa nay hiếm, dù muốn hay không thế hệ này cũng phải bàn giao sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước lại cho thế hệ sau chiến tranh, vậy tại sao không tạo một diễn đàn đối thoại công khai và tự do để cho các thế hệ sau chiến tranh được giao lưu, tìm hướng phát triển tốt đẹp cho đất nước. Đó chính là bước chuẩn bị tốt đẹp để cho thế hệ này nhận lãnh trọng trách đối với tương lai đất nước. Đảng cộng sản cấm đoán điều này, thì chính đảng cọng sản là một vật cản trên đà phát triển đất nước. Phải chăng đã đến lúc đặt vật cản này vào đúng vị trí lịch sử của nó hay chưa?
4) Trưng cầu dân ý:
Cuối cùng, nếu tất cả cuộc đối thoại này không đạt được sự đồng thuận thì phải giải quyết ra sao?
Trong sinh hoạt dân chủ chỉ có một cách hữu hiệu nhất để giải quyết sự bất đồng này đó là “Trưng cầu dân ý” với sự giám sát của quốc tế.
Ông Đỗ Nam Hải là người đưa ra ý kiến trưng cầu dân ý về những vấn đề bức xúc của giới trẻ nhằm cải thiện cho chế độ, không hề tỏ ý lật đổ chế độ bằng bạo lực, như vậy là một thiện chí, một dấn thân dũng cảm của người trí thức trong giai đoạn hiện nay. Tại sao đảng cộng sản lại tìm mọi cách cô lập ông Hải từ kinh tế, phương tiện thông tin, đe dọa khủng bố tinh thần ông Hải và cả gia đình họ, đảng cộng sản đã sai lầm đẩy ông Hải từ vị trí của một công dân thiện chí xây dựng chế độ tốt đẹp hơn bằng một phương cách sinh hoạt dân chủ, sang một vị trí đối kháng như hiện nay.
Trở lại quá khứ sai lầm về hệ tư tưởng chuyên chính vô sản, những ai không vô sản đều là địch. Thậm chí đối với những người đã từng đi cùng với đảng cộng sản trong chặng đường “chống Mỹ cứu nước?” trong thành phần thứ 3 và Mặt trận Giải phóng miền Nam, nhưng không vô sản cũng đều là kẻ địch (?).Tại sao không cho họ lên tiếng nói, cho dù khác biệt thì có đáng tội hay không để bị trù dập, cô lập rồi tiêu diệt như đã xảy ra trong quá khứ, như trường hợp ông Trương Như Tản, các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trương Đình Dzu hay Nguyễn Văn Hảo, v.v…
Người quốc gia chống cộng cũng có nhiều khuynh hướng khác biệt nhau, từ chống cộng ít, đến nhiều, từ cương quyết kiên định lý tưởng đến xu thế hòa hoãn, tất cả giờ đây góp tiếng nói trong hòa bình, bất bạo động thì có cần xua đẩy họ vào vị thế mãi mãi đối nghịch nữa hay không?
Người dân oan vô tội, đòi hỏi quyền lợi chính đáng bắt nguồn từ những sai lầm của nhà nước, đảng CSVN có cần dồn ép họ vào con đường đối lập chính trị để đàn áp tù đày họ hay không? như trường hợp Bùi Kim Thành, Hồ Thị Bích Khương và nhiều người khác nữa.
Đây chính là những thất bại. Không thể để sai lầm tiếp nối sai lầm tái diễn, nếu ĐCSVN muốn đối thoại thì phải chứng tỏ thiện chí của mình chấp thuận nguyên tắc: “nếu không giải quyết được trong đối thoại thì phải đi đến việc trưng cầu dân ý”. Và những ý kiến của thiểu số cũng không vì thế mà bị tiêu diệt, mà họ có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Lịch sử đã từng chứng minh rằng ý kiến ngày hôm nay đúng nhưng không có nghĩa mãi mãi là đúng.
Phải có sự đảm bảo tôn trọng những nguyên tắc tối thiểu, và đảng cọng sản phải chứng tỏ thiện chí của mình như đề nghị trên, thì mọi cuộc đối thoại mới có ý nghĩa và đi đến kết quả mong muốn là : “Hòa giải hòa hợp dân tộc” chứ không phải là hòa giải hòa hợp Quốc-Cộng.
Gửi ý kiến của bạn