BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 78625)
(Xem: 63529)
(Xem: 41016)
(Xem: 32614)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cũng Là Thư Ngỏ: Những Lời Gan Ruột

02 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 1001)
Cũng Là Thư Ngỏ: Những Lời Gan Ruột
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.73
Bố tôi sinh năm 1917. Đến năm 1947 thì bố tôi được kết nạp vào Đảng. Theo bố tôi kể lại, hồi ấy vào Đảng dễ lắm! Miễn là đồng ý với tôn chỉ mục đích của Đảng, nhưng phần đông Đảng viên lúc đó trình độ văn hóa rất thấp, thậm chí là không có. Ai cũng tự hào về giai cấp cùng khổ và dốt nát của mình. Bố tôi được học qua yếu lược, ngoài chữ Quốc ngữ, bố tôi còn biết chút ít tiếng Pháp và chữ Hán. Tính tình bố tôi cương trực, thẳng thắn. Vào Đảng xong, bố tôi đi bộ đội, làm trợ lý chính trị cho một tiểu đoàn. Chuyện này được ghi trong hai huy chương kháng chiến và chiến thắng hạng nhất, lâu ngày quá tôi không nhớ được phiên hiệu tiểu đoàn nào. Được vài năm trong quân ngũ, vì lý do sức khỏe nên bố tôi được trở về địa phương. Ông trúng thường vụ cấp xã. Trong giai đoạn gọi là “đấu tranh chính trị”, bố tôi bị quy sai là phản động và phải nghỉ công tác, đến năm 1956 mới được phục hồi. Ông làm chủ tịch ủy ban hành chánh xã Quỳnh Ngọc một khóa rồi đi thoát ly. Phải nói là bố tôi rất tin tưởng và chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, kể cả khi bị bọn tay chân của Đảng đối xử một cách thậm tệ. Đấy là điều đáng tiếc nhất của bố tôi. Trần Đức Thạch Nếu như không có Đảng cộng sản xuất hiện thì có lẽ bố tôi đã thành nghệ sĩ. Ông biết làm thơ và thơ rất hay. Nhờ có tâm hồn nhạy cảm mà bố tôi đã phát hiện ra rất sớm bệnh quan liêu hách dịch của cơ chế cầm quyền mới. Năm 1959, bố tôi công tác ở trại phong Quỳnh Lập, ông đã viết một bài thơ để đầu tranh với tay tỉnh ủy viên Lê Kim Xuyến. Bài thơ “Đảo điên” được viết lên một bức tường trắng bằng mực tím:
Ở đây điên đảo lại đảo điên
Cỏ dại mọc đầy núi triền miên
Trằn lưng ra chạy lăn tụt xuống
Tuếch miệng khéo lời nhảy trào lên
Đầy hơi địa vị cười ti hí
Nghẹt thở cá nhân nói chẳng nên
Cây cao bóng cả che mờ lối
Cội nẩy mầm xanh khó đường lên…

Năm 1971 thì ông được nghĩ hưu. Theo quy định lúc đó thì trừ Hà Nội, Hải Phòn, còn lại thì người nghĩ hưu muốn về đâu ở đâu cũng được. Bố tôi trở về quê, nguyện vọng chính đáng ấy không ngờ gặp phải sức ngăn cản vô lý quyết liệt của chính quyền địa phương, nơi mà trước đây ông làm nguyên thủ. Chúng không cấp đất ở cho ông, từ chối nhận mọi giấy tờ thủ tục về sinh họat Đảng cũng như hành chính. Bố tôi phải ra mép bờ sông dựng tạm một túp lều để cha con tôi tá túc. Thời kỳ bao cấp khắc nghiệt nói làm sao hết sự khổ ải, cái ăn cái mặc đều tem phiếu, mà bị tước đi thì khác gì trừng phạt, hành tội. Mẹ tôi mất từ năm 1966 nên bố tôi một mình “gà trống nuôi con”. Được đứa con nào lớn lên là cho vào nơi lửa đạn. Anh tôi thương binh (đã mất), chị tôi thanh niên xung phong (đã mất), và tôi vào bộ đội 1972, vậy mà chúng đối xử với bố tôi như một quả bóng bàn, xã đẩy lên huyện, huyện đẩy xuống xã. Khổ thân cho bố tôi phải đi “mòn đường chết cỏ” mà lũ Đảng và chính quyền khốn nạn lúc đó vẫn không giải quyết. Hôm bố tôi trực tiếp gặp hỏi tay bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi, tay này xuất thân là dân buôn bò nên rất lẻo mép và hách dịch, bố tôi nói:

- Nếu các đồng chí không giải quyết tôi sẽ ra hỏi thẳng Trung ương.

Hắn trả lời bố tôi rất thẳng thừng :

- Trung ương giải quyết, về đây tôi không giải quyết ông đâm tôi à?

Bố tôi ngao ngán vì cách trả lời vô nguyên tắc của tay bí thư huyện ủy đã từng khạc đờm, hỷ mũi vào dậu bò để lừa người mua là bò chửa, mà không khỏi lo lắng cho đội ngũ của Đảng nay mai. Ông chán ngán đến mức không thèm đi lên về xuống nữa, mọi thủ tục giấy tờ xếp dưới đầu giường cho mối mọt đục gặm. Năm 1976 tôi từ chiến trường về, số phận tôi cũng giống như bố tôi. Chính quyền địa phương không nhận giấy tờ và không cho tôi nhập hộ khẩu. Tôi trở thành kẻ lưu vong trên chính quê hương Tổ quốc của mình từ đó đến nay. Mặc dù 1978 tôi đã tự thiêu để đòi quyền làm người và phản đối sự bất công, vậy mà… Tôi có cảm giác các tổ chức của Đảng và chính quyền của đất nước này như đui như điếc. Tại sao chúng nó lại nhẫn tâm với gia đình tôi như thế ? Chưa hết đâu, hồi mấy anh em chúng tôi đang ở chiến trường, bọn công an huyện Quỳnh Lưu còn hành hạ bố tôi mất nửa tháng chỉ vì đôi câu đối bố tôi viết tặng bạn :
To đầu, béo bụng, hách dịch, phơi bộ mặt, giàu có thối tha đều không tốt.
Cứng cổ, to gan, đấu tranh dịu đôi mày, đói, no trong sạch mấy cũng hay.

Tinh thần ý nghĩa câu đối ấy là gì mà chúng nó bắt giam bố tôi oan uổng 15 ngày? Trên thế giới này có nhà cầm quyền nào vừa ngu dốt vừa tàn bạo như chúng nó không? Lẽ ra, theo như chúng nó tuyên truyền thì gia đình tôi được xếp vào loại có công, thậm chí là phải ưu tiên về mặt chính sách. Đằng này chúng dùng thủ đoạn “chó gặm xương chó” rất táng tận lương tâm để đối xử với các đồng chí, đồng bào của mình.

Nhiều người nói rằng không phải riêng biệt gia đình tôi bị oan mà còn rất nhiều gia đình khác cũng bị oan không kém. Chuyện này nên hiểu thế nào về chế độ Xã hội Chủ nghĩa ưu việt của chúng ta đây? Chúng tôi nên cảm ơn Đảng và Chính phủ vì lẽ gì nhỉ?

Hàng mấy chục năm cắn răng chịu đựng. Tôi đã dùng đôi bàn tay mình làm đủ mọi nghề lương thiện để tồn tại, cố gắng phấn đấu để trờ thành người cầm bút. Tôi hiểu ra, gia đình tôi có công với Đảng chứ với đất nước dân tộc thì chẳng có đóng góp gì. Tôi thay mặt gia đình đòi hỏi Đảng phải trả công cho chúng tôi là đúng.

Nhưng Đảng lấy gì mà trả? Bản thân Đảng cũng là những kẻ ăn bám nhân dân. Có một cách mà Đảng có thể trả công được, không phải cho tôi mà cho tất cả mọi người. Đấy là trả lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân. Chấp nhận đa nguyên đa Đảng để xây dựng xã hội tiến bộ. Có như thế những Đảng viên oan ức như bố tôi nơi suốt vàng mới yên lòng được. Riêng tôi, đã gần 60 tuổi rồi, thời gian tồn tại trên quả đất này không được bao lăm nữa. Những năm cuối đời tôi mong muốn đem toàn bộ tâm lực phụng sự đất nước và dân tộc này bằng ngòi bút. Tôi thẳng thắn đề nghị bộ chính trị và ban chấp hành Trung ương Đảng cấp cho tôi tờ giấy “chứng nhận là người yêu nước và phụng sự dân tộc, bất khả xâm phạm”. Để cánh công an và nhà cầm quyền các địa phương khỏi phải quấy rầy sách nhiễu khi tôi đi lấy tư liệu. Việc này tôi nghĩ là trong tầm tay của Đảng, có thể quyết định ngay và chẳng tốn kém gì. Tôi vào tuổi già rồi, chẳng có tham vọng làm ông to bà lớn gì mà Đảng phải lo. Cả cuộc đời vất vả, khổ sở vì Đảng, bây giờ được ưu tiên làm việc hết mình là tôi mãn nguyện. Tôi đề nghị thiết thực như vậy là vừa qua đã có một số nơi quấy rầy, sách nhiễu, mà ngay cả hiện nay, chúng nó còn lăm le gây trở ngại cho tôi.

Lẽ ra tôi không thèm nói gì nữa với một chế độ đã làm tan nát cả gia đình tôi. Song nghĩ đến đất nước dân tộc mà bắt buộc tôi phải mở miệng nói ra những lời gan ruột. Đây cũng là thư ngỏ của tôi gửi đến triều đình Ba Đình.

Nhân cái gọi là Quốc Khánh ngày 2-9.

Trần Đức Thạch
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn