Bác Sĩ Dương Hồng Ân ở Cộng Hòa Liên bang Đức mới gửi cho bè bạn khắp nơi một bản tin làm động lòng trắc ẩn: Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nghèo quá – có thể nói là nghèo nhất so với các người cầm đầu chính phủ trên thế giới!
Ông Dương Hồng Ân kèm theo tài liệu do cơ quan nghiên cứu lương bổng (WageIndicator Foundation) cung cấp, đăng trong một bài báo của một luật sư thuộc sở dịch vụ tài chính Vexcash ở Berlin, thủ đô CHLB Đức, vừa tiết lộ mức lương của các tổng thống và thủ tướng 30 quốc gia.
“Theo danh sách của Vexcash, lương của thủ tướng Việt Nam, Nguyen Xuan Phuc, thấp nhất, chỉ vỏn vẹn có 6,492 (Euro) một năm… Thủ Tướng Tân Gia Ba Lý Hiển Long hưởng số lương cao nhất 1,445,893 .” Muốn tính ra đô la Mỹ quý vị có thể tăng lên 20%, theo hối suất ngày Thứ Sáu, 25 tháng Tám. Nhân lên, sẽ thấy ông lợi tức của Nguyễn Xuân Phúc chỉ vỏn vẹn $7,790, còn thủ tướng Singapore lãnh $1,735,071, gấp 223 lần lương ông Phúc!
Nhìn vào bảng phong thần của WageIndicator, thấy Tổng Thống Joko Widodo còn được lãnh $105,854 ; tổng thống Ấn Độ chịu nghèo hơn nhưng vẫn lãnh $17,458 ! Đó là chưa kể Tổng Thống Donald Trump giàu sụ mà vẫn được phát lương $341,908 , ông Vladimir Putin được $126,246 !
Nếu bảng so sánh này được công bố thì người Việt Nam phải cảm thấy xấu hổ với dân chúng thế giới. Vì sao nước mình lại nghèo quá, lương ông thủ tướng không bằng thu nhập của một người vô gia cư đi lượm lon bán ở thành phố Westminster, California!
Nhưng khi nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy không riêng ông Nguyễn Xuân Phúc mà các người cầm quyền ở các nước Cộng Sản đều chịu hy sinh như vậy. Ông Tập Cận Bình, đứng đầu hơn một tỷ dân Trung Quốc chỉ được phát $17,458 , ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia lãnh gấp rưỡi ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng chỉ có $9,192 !
Không lẽ tất cả các ông to đầu Cộng Sản đều ăn cháo cả nhà hay sao?
Có một cách giải thích. Theo ông Dương Hồng Ân, cơ sở tài chánh Vexcash cũng nhận xét rằng “các chính trị gia lương thấp thường tham nhũng.”
Nói như vậy thì có thể hiểu được! Với số lương $7,790 một năm, làm cách nào ông Nguyễn Xuân Phúc có thể tậu mấy ngôi nhà trị giá hàng triệu đô la ở California!
Tại các nước đọc tài, nhất là dưới chế độ Cộng Sản, lương bổng chỉ có tính chất tượng trưng. Các quan chức đều có nguồn thu nhập “bên lề,” và đó mới là nguồn lợi tức chính.
Bà Tanvi Gupta, một nhà tài chánh ở Mỹ, đã liệt kê năm nước tham nhũng châu Á, dựa trên cuộc nghiên cứu của tổ chức chống tham nhũng quốc tế TI, Transparency International. Họ đã phỏng vấn 20,000 người trong 16 nước Châu Á, trong vòng 18 tháng, để báo cao cho biết bao nhiêu phần trăm trong số đó từng là nạn nhân của tham nhũng, hối lộ. Trong bảng này, nước được coi là tham nhũng nhất chính là Ấn Độ, quê hương của bà, với tỉ lệ 69%. Họ phải nộp tiền “mãi lộ” mỗi khi gặp cảnh sát, tới nhà thương, đi xin học, làm giấy tờ, và nhờ đến các công ty điện nước. Đứng thứ nhì trong bảng vàng của TI là Việt Nam! Có 65% người được phỏng vấn nói họ đã từng phải hối lộ!
Nhưng có một điều khác biệt giữa hai nước Châu Á này: Hơn một nửa dân Ấn Độ (53%) tỏ ra tin tưởng vào chiến dịch chống tham nhũng mà Thủ Tướng Narendra Modi cho xuất quân khi ông lên cầm quyền. Còn tại nước ta, 60% dân chúng hoàn toàn không tin tưởng vào chiến dịch chống tham nhũng của đảng Cộng Sản! Trong số 16 nước được IT hỏi chuyện, dân Việt Nam đứng đầu trong nỗi bi quan về tương lai đất nước!
Tại sao dân Ấn Độ có thể tin tưởng vào chương trình của Thủ Tướng Modi?
Bởi vì ông nói và làm! Quan trọng nhất, ông biết phải làm gì, và ông làm thật! Ông Modi không chỉ nhắm tuyên truyền mị dân bằng những vụ điều tra, bắt bớ, để biểu diễn trên báo, trên đài như các lãnh tụ cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam. Ông dùng những biện pháp cụ thể, thiết thực, ảnh hưởng tới đời sống!
Nếu theo dõi tin tức người ta không thấy những vụ tố cáo tham nhũng, những vụ đưa tham nhũng ra tòa, như người ta đã thấy trong chế độ Tập Cận Bình. Ông thay đổi luật lệ. Tham quan kiếm bổng lộc phần lớn là vì lợi dụng hệ thống luật lệ. Thay đổi luật, áp dụng luật nghiêm chỉnh, công bằng, là một cách hữu hiệu đầu tiên để giảm bớt nạn ăn hối lộ. Xin nêu một câu chuyện điển hình được tường thuật trên nhật báo Wall Street Journal gần đây làm thí dụ, cho thấy khi Ấn Độ thay đổi luật lệ thì có thể giảm bớt nạn tham nhũng trong guồng máy hành chánh.
Cuộc nghiên cứu của Transparency International nêu trên đây cho biết một trong những nạn tham nhũng hối lộ được người dân năm nước châu Á nêu ra nhiều nhất là cảnh sát ăn tiền tại các trạm “thu phí” trên đường. Tại Ấn Độ trước đây cũng như Việt Nam, các tài xế xe tải chở hàng trên đường trường cứ đến “trạm kiểm soát” là phải đút tiền.
Đầu Tháng Bảy năm nay, chính phủ Modi đã thay đổi toàn bộ luật thuế khóa. Mục đích đầu tiên là hợp lý hóa hệ thống thuế, hy vọng giảm bớt các loại thuế cho dân đang phải đóng góp cũng tính toán trước được số thu của nhà nước. Narendra Modi đã ban hành một thứ “thuế hàng hóa và dịch vụ” (goods and services tax, GST), thuộc loại thuế trị giá gia tăng, VAT, như đã áp dụng vào cuối thời Việt Nam Cộng Hòa. Suất thuế này sẽ thay thế hầu hết những loại thuế cả mạng lưới những thứ thuế của các tiểu bang và liên bang Ấn Độ.
Một hệ quả của luật thuế mới này là các xe tài chở hàng hóa không còn phải đóng những thứ thuế gọi là “phí” khi đi qua biên giới các tiểu bang nữa. Trước khi luật GST áp dụng, một xe cỡ hàng từ Mumbai tới Delhi phải mất 22 ngày, một phần tư thời giờ là đứng chờ ở các trạm thu phí, theo ước tính của Ngân Hàng Thế giới (World Bank). Tại mỗi trạm, phải đóng thuế, và đưa phong bì cho các viên chức.
Những trạm thu phí này giờ đã biến mất. Không những các tài xế không phải hối lộ, mà còn tiết kiệm được thời giờ, các xí nghiệp bớt được tiền xăng nhớt. Hơn nữa, các công ty có thể bỏ bớt những kho hàng rải rác trong nhiều tiểu bang, vì trước kia họ phải lập ra để tránh các loại “phí” khi qua biên giới. Bãi bỏ các trạm thu phí giúp cả nền kinh tế hữu hiệu hơn. Ngành vận tải góp phần vào 13% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Các công ty vận tải đỡ tổn phí và có thể dùng thời giờ và nhân lực vào những công việc ích lợi hơn. Người ta hy vọng riêng điều này cũng giúp GDP xứ Ấn Độ tăng thêm được 1%!
Chi phí vận tải (logistics costs) là một gánh nặng trên nền kinh tế tất cả các nước. Tại các nước tiền tiến, chi phí vận tải chiếm khoảng 10 đến 13% GDP. Tại Mỹ, năm 2008, tỉ lệ là 8.3%. Ấn Độ và Trung Quốc chậm tiến hơn nên chi 15% đến 17% vào vận chuyển hàng hóa. Nhưng Việt Nam là một quốc gia tiêu phí vào công việc này nhất: chi phí vận tải chiếm từ 20 đến 25% tổng sản lượng nội địa.
Dân Ấn Độ được thở vì luật lệ mới cắt hết những trạm thu phí xuyên tiểu bang. Công ty Patel Integrated Logistics tính sẽ tăng thêm được 25% số lợi tức. Mỗi tài xế xe tải sẽ bớt được $115 mỗi chuyến khi không phải qua các trạm “nhận phong bì.” Với luật lệ mới, chi phí vận tải trong kinh tế Ấn Độ sẽ giảm được 20%! Một nhân viên công ty bán lẻ Wal-Mart India công nhận với luật GST mới cả hệ thống tiếp liệu đã được cải thiện. Nghĩa là người tiêu thụ được hưởng giá rẻ hơn, vì các nhà bán lẻ phải cạnh tranh với nhau.
Một phóng sự của đài RFA mấy năm trước cho biết: Một chuyến xe khách đường dài từ Đà Nẵng vào Sài Gòn chỉ tốn khoản phí chừng 200,000 đồng; hoặc từ Hà Nội vào Sài Gòn chừng 350,000 đồng… Nhưng trên thực tế, mức giá đã đội lên gấp đôi, gấp ba lần bình thường, vì thu phí. Một xe chở bốn mươi khách, chạy 930 km từ bến xe Đà Nẵng vào bến xe miền Đông, Sài Gòn, tài xế đã phải chung đến mười một trạm, có ngày lên đến ba chục trạm, mỗi trạm tốn hết 500,000 đồng. Như vậy, với 11 trạm, nhà xe tốn hết 5.5 triệu đồng, tương đương với số thu của 20 người khách ngồi trên xe.”
Việt Nam phải nhìn vào bài học của xứ Ấn Độ. Muốn giảm bớt tham nhũng, muốn kinh tế có hiệu quả, thì phải bắt đầu bằng luật lệ. Thay đổi luật lệ, áp dụng nghiêm minh, công bằng, thì không những dân bớt lo hối lộ mà cả nền kinh tế quốc gia cũng phát triển hơn!
Nhưng tại sao đảng Cộng Sản Việt Nam không làm được như chính phủ Ấn Độ? Bởi vì các quan chức như ông Nguyễn Xuân Phúc với số lương chỉ có $7,790 một năm!
Ai cũng biết đó là trò bị bợm! Đảng Cộng Sản bắt cả nước sống trong gian dối! Hậu quả là không những kinh tế yếu ớt mà đạo lý cũng suy đồi! Tấn tuồng mới nhất đang diễn ra ở Hà Nội là tiêu biểu: Không ai biết Trần Đại Quang đang ở đâu! Một đảng độc quyền cai trị cả nước mà phải giấu biến ông chủ tịch nước, như mèo giấu… xú uế!
Ngô Nhân Dụng
Nguồn Người Việt