BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76236)
(Xem: 62972)
(Xem: 40378)
(Xem: 31973)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ông Hồ Yêu Nước Như Thế Nào?

21 Tháng Mười Một 200712:00 SA(Xem: 1222)
Ông Hồ Yêu Nước Như Thế Nào?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Khen ai khéo tạc bình phong,
Ngoài long, lân, phụng trong lòng gạch vôi !

(ca dao VN)
 

Ông Hồ Chí Minh có phải là người yêu nước không? Từ lâu câu hỏi không cần thiết này được đặt ra và cũng đã từ lâu nhiều người Việt Nam tham gia cứ tiếp tục tranh cãi, thậm chí theo thời gian số lượng tranh cãi chỉ có tăng chứ không giảm. Những ai đã thuyết phục được những ai, cho đến nay câu hỏi cứ vẫn giữ nguyên vị trí của nó. Một thiểu số khác thận trọng hơn đã tỏ rõ thái độ „miễn bàn“ hoặc không muốn đề cập đến vì cho đây là vấn đề nhạy cảm dễ gây tranh cãi mất “đoàn kết“, làm xấu đi tiến trình hòa giải dân tộc.

Riêng những người Việt Nam cùng chia sẻ với chủ thuyết CS, với đảng Cộng Sản Việt Nam, với nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, lẽ tất nhiên luôn đề cao ông Hồ như là biểu tượng của lòng yêu nước, là chân dung của đạo đức cách mạng và phủ nhận mọi lòng yêu nước, mọi giá trị đạo đức khác, nhất là đối với những đối tượng đối nghịch.

Thứ đến là trong giòng lịch sử cận đại của thế kỷ 20 vừa qua, đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua nhiều biến cố với biết bao sự kiện chồng chất, đan xen đôi khi cùng một lúc cần phải giải quyết, và đã được giải quyết theo hướng áp đặt tồi tệ.

Sự kiện thiếu vắng những nhà viết sử chân chính, trung thực, khoa học và khách quan ở trong nước đã là điều không làm chúng ta ngạc nhiên khi người cầm quyền là một thế lực độc tài nắm trọn quyền điều hành quốc gia hơn 30 năm nay sau giai đoạn lịch sử rối ren như đã nói. Hiện tại, không ít những người quan tâm đến lịch sử vẫn thường bộc lộ thái độ ngờ vực về những vấn đề mang sử tính cận đại của đất nước cũng là điều không khó hiểu.

Ai muốn chiếm lỉnh đỉnh cao thì phải chấp nhận mọi trận gió thổi vào mặt.

Hơn nửa phần đầu của thế kỷ vừa qua đối với dân tộc Việt Nam chúng ta, dù chấp nhận hay không chấp nhận ông Hồ vẫn cứ là con người của lịch sử, việc phê phán tốt xấu về ông cũng là chuyện bình thường. Câu hỏi không cần thiết “Ông Hồ có phải là người yêu nước không?” bắt nguồn từ 2 nguyên nhân trên.

Cần kiềm chế mọi dị ứng quá đà, mọi định kiến không mấy khách quan cũng như những miệt thị vung vít nặng tính thóa mạ để thỏa mãn cảm tính nhất thời không cần thiết khi có những tranh cãi về nhân vật lịch sử này, nhất là đối với những ai biết tôn trọng sự thật và muốn nói lên sự thật. Lại càng cần thiết cho những ai có tâm thức với quê hương đất nước cho dù ở hải ngoại hay quốc nội đang miệt mài đóng góp tâm sức trong công cuộc vận động dư luận quần chúng đấu tranh cho một tiến tình dân chủ hoá đất nước với một nền kinh tế thị trường ổn định, phát triển, công bằng, bền vững và lành mạnh.

Loại trừ, hóa giải những ngộ nhận đáng tiếc của đa số quần chúng trong nước cũng như một thiểu sổ ở hải ngoại phải là một bắt buộc. Muốn vấn đề nhạy cảm này đạt được kết quả chúng ta cần kiên trì từng bước tháo gỡ những xảo trá chằng chịt, vạch trần những bịp bợm tung hứng, những thật giả đan xen nhau về mọi mặt của đảng cầm quyền CSViệt Nam trong mưu đồ tôn vinh xưng tụng ông Hồ trước công luận trong cũng như ngoài nước.

- Bằng những lý luận, những phân tích có hệ thống, khoa học, ôn tồn giải thích vấn đề hợp lý, có dẫn chứng, đáng tin cậy và có sức thuyết phục với tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử.

- Đi sát với thực tế, tế nhị nắm bắt tâm lý sinh họat đơn giản của đại đa số quần chúng ngõ hầu tranh thủ nhân tâm, đánh đổ từng mảng tư cách của thần tượng hữu danh quá đà này mà chủ nghĩa độc tài toàn trị cố tung hô để bám vào với mục đích sống còn.

Mục đích của bài viết là mong nói lên những ngộ nhận của lịch sử, việc nói tốt hay nói không tốt về ông Hồ bởi những phần dẫn chứng mà người viết đã trích dẫn từ những nguồn khác nhau qua những bài viết nhận định về ông Hồ trước đây và hiện nay của người viết cũng không ngoài tham vọng làm giàu thêm sức thuyết phục cho việc phơi bày sự thật của nó. Có điều người viết luôn tâm niệm là tôn trọng tính khách quan và sự thật để chia sẻ cùng độc giả phải là một bắt buộc.

Thật ra yêu nước phát xuất từ tình cảm tự nhiên của con người được biểu thị qua cảm tính tích cực về nơi mình sinh ra và lớn lên. Nơi ấy có thể là một địa danh nào đó trên bản đồ, một miền xuôi, một mạn ngược, một làng quê, một thành phố hay bất cứ một không gian nào... người ta đã tha thiết gọi đó là quê hương và cũng từ đó nó được hình thành, gắn liền nhiều thế hệ với nhau trong quá khứ, trong hiện tại và cho cả tương lai.

Khái niệm đất nước hay dân tộc được nhân lên từ căn bản này mà hình thành một cộng đồng ổn định, có ý thức về sự thống nhất của mình, gắn bó với nhau bởi quyền lợi chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và cùng chia sẻ với nhau ở một tương lai chung. Xa hơn, ở một chừng mực nào đó, nó còn được biểu thị bằng những quan điểm đúng đắn, như cùng tự hào những điều đáng tự hào, những thành tựu khoa học, những thành tựu kinh tế, văn hóa và phát triển xã hội của cả cộng đồng, lẽ tất nhiên những con người liên hệ trong cộng đồng ấy cùng đều mong muốn phát triển, gìn giữ và bảo vệ.

Cũng vậy, cùng san sẻ, cùng gánh chịu cả những điều bất lợi, những thành quả không được như ý để cùng nhau khắc phục mà xóa đi những mặt tiêu cực nếu có cũng là một trách nhiệm, một thái độ tự nhiên của một cá nhân trong cộng đồng ấy.

Với giải thích trên thì hẳn ông Hồ cũng như bao người, cũng có cái tình cảm tự nhiên được biểu thị qua cảm tính tích cực về nơi ông ấy sinh ra và lớn lên như đã nói, nghĩa là ông cũng có lòng yêu nước như mọi người, điều này một cách thẳng thừng, không cần phải dài dòng phi hộ cũng không cần phải vừa viết vừa lách vừa thanh minh và người viết cũng tin chắc rằng khó có một lý luận phủ nhận nào có khả năng thuyết phục. Nhưng ông Hồ yêu nước như thế nào? Đây mới đích thực là câu hỏi mà chúng ta cần phân tích.

Với tham vọng vừa cho bản thân vừa cho đất nước, chẳng những muốn đất nước thoát khỏi đô hộ và lệ thuộc ngọai bang mà còn ôm đồm thêm chức năng của một nước tiên phong của phong trào CS quốc tế tại Đông Nam Á, có chỗ đứng tầm vóc trong cộng đồng CS quốc tế này và ông nghĩ rằng chỗ đứng ấy có được hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chỗ đứng của ông trong hàng ngũ lãnh tụ CS quốc tế, ông tin tưởng chắc nịch là như vậy và phải được như vậy.

“Từ một thanh niên yêu nước với tên gọi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trở thành lãnh tụ vĩ đại trong phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam và thế giới” (Chủ Tich Hồ Chí Minh của chúng ta).

Nên chi, bằng mọi cách kể cả thủ đoạn ông đã chọn con đường rủi ro nhất cho đất nước và buộc cả một cộng đồng dân tộc phải nỗ lực, phải đạp bằng mọi trở ngại để đạt cho được mục đích. Thế là nảy sinh ra cuộc kháng chiến 9 năm, nảy sinh ra cuộc nội chiến tương tàn trên 20 năm và hàng loạt những di hại không lường trước được ở giai đoạn tiếp theo. Ông đưa đất nước thoát khỏi thế lực ngoại bang này để đi vào quỹ đạo của một thế lực ngoại bang khác tồi tệ hơn gấp bội. Thế là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, thế là “Qủy tha ma bắt”.

Một nhà hoạt động chính trị, một người họat động văn hóa hay một người làm công tác xã hội trong một cộng đồng dân tộc, đứng trên quan điểm chân chính thì ngoài cái tình yêu nước nồng nàn họ còn biết yêu thương dân tộc, họ đặt quyền lợi cá nhân hay tập thể dưới quyền lợi của dân tộc mình. Xa hơn người yêu nước đúng đắn còn biết bắt nắm và gieo cấy những mầm giá trị mà nhân loại đã nhìn nhận vào với quê hương đất nước và lẽ dĩ nhiên biết gạt đi những chủ thuyết mị dân, hoang tưởng mà nhân loại đã từ chối nếu xét thấy nó không mang bất cứ một lợi ích thực tế nào cho cả một cộng đồng dân tộc, thậm chí còn di hại về sau.

Cũng đã từ lâu những người chủ trương đồng hóa ĐCS Việt Nam với dân tộc Việt Nam, với đất nước Việt Nam mà khẩu hiệu sau đây đã biểu lộ đầy đủ cách áp đặt nhập nhằng đó:

- Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội

- Toàn đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm học tập tư tưởng cùng tấm gương đạo đức của Hồ Chủ Tịch

- Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ tập thể v.v.., để rồi bất cứ những ai phản đối hay chỉ trích đến tác nhân đã trực tiếp đem chủ thuyết CS vào Việt Nam đều là những người chống lại dân tộc, chống lại đất nước. Tác nhân ấy chính là ông Hồ. Đối với họ ông Hồ đã trở thành một biểu tượng bất khả xúc phạm.

Hãy thử đặt câu hỏi “Ông Hồ yêu nước như thế nào?” mà tìm sao cho được câu giải đáp khả dĩ có khả năng thuyết phục nhất để có thể góp được phần nào hóa giải những ngộ nhận của lịch sử.

“Không gì quý hơn độc lập tự do” hay “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Đây là 2 câu nói hay nhất của ông Hồ, người viết xin nhấn mạnh 5 chữ “hay nhất của ông Hồ”. Nó hay là vì nó không vay mượn của bất cứ một ai so với những câu nói khác của ông, vì nó đứng trên lập trường của dân tộc mà nói lên khát vọng muôn đời của người dân Việt Nam chúng ta, chẳng những thế, nếu chịu khó phân tích và suy diễn, nó còn bao hàm ý nghĩa tôn trọng cả quyền độc lập của dân tộc khác. Nghĩ rằng, bất cứ một người yêu nước chân chính bình thường nào mà không khát khao đất nước mình được như vậy. Nhưng thực tâm giữa lời nói và việc làm của ông Hồ có đi đôi với nhau không? Đây mới là câu hỏi, người viết xin đưa ra điển hình:

Ngày 31/10/1946 nhân nhậm chức chủ tịch nước lần thứ 2, ông Hồ đã lên diễn đàn, cảm ơn Quốc hội rồi nghiêm trang tuyên bố “Lần này là lần thứ hai, Quốc hội lại giao cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm.

Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.

Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước Quốc dân, trước thế giới rằng tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam”.

“Tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam” câu nói trên của ông đã không thể nào bảo vệ tính chính danh của nó, bởi vì ngay sau đó ông đã đưa chủ nghĩa CS vào Việt Nam không bằng cửa trước mà đã phải lẻn vào cửa sau dưới tư cách là đảng viên cao cấp của đảng CS quốc tế qua chiêu bài độc lập dân tộc.

Một điển hình khác cũng có khả năng đạp đổ tính chính danh mà đảng CS Việt Nam luôn tôn vinh “cha già của dân tộc” của họ là người của dân tộc.

Năm 1950, nhân đi ngang qua đền thờ đức Trần Hưng Đạo (1226-1300), ông Hồ đã xuất khẩu thành thơ:
Bác anh hùng tôi cũng anh hùng,
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công.

Cũng có sách viết “chúc tôi cách mạng sớm thành công(?).

Hai câu Bác đưa một nước qua nô lệ, Tôi dắt năm châu đến đại đồng” của bài thơ thất ngôn bát cú trên cho thấy tham vọng của ông Hồ là như thế nào, không chỉ tham vọng thôi ông còn biểu lộ cả đức tính cao ngạo, trịch thượng đối với tiền nhân mà nguyên nhân của nó là chỉ vì ông tuyệt đối tin tưởng con đường vô sản ông đã và đang chọn là duy nhất đúng.

Thi nhân từ cảm xúc mỗi lúc tác động vào tâm cảnh của mình, để hồn trí phản ứng theo tình cảm buồn vui, một u hoài quá khứ, một nỗi niềm, một khát vọng tương lai hay một tình tự nào đó rồi vận dụng thi tứ phổ diễn nên lời mà gạn lọc thành thơ, bài thơ thất ngôn bát cú trên của ông Hồ cũng nằm trong quy luật đó.

Thế thì “Tôi dắt năm châu đến đại đồng” phải là một khát vọng nóng bỏng trong ông mà ông luôn tâm tâm niệm niệm phải thực hiện cho được, điều này chứng tỏ khi chưa có quyền lực hay khi quyền lực đã có trong tay ông Hồ hoàn toàn đứng trên lập trường của giai cấp mà đặt vị trí của dân tộc ở vào hàng thứ. Điều này cũng chứng tỏ đấu tranh cho dân tộc chỉ là phương tiện, đối với ông đấu tranh cho giai cấp, cho chủ nghĩa CS mới là cứu cánh.

Từ thực tế trên, cũng vậy, trên 20 năm lăn lộn hành nghề tình báo cho quốc tế CS với những mong mang lợi ích cho đất nước hay cho quốc tế CS (1924-1944) nghĩ rằng tự trong mỗi chúng ta đã có câu trả lời.

Cũng không phủ nhận việc ông Hồ đã thực tâm tin tưởng vào những lợi ích dù là không tưởng mà chủ nghĩa cộng sản có khả năng đem đến cho đất nước là vì với vốn liếng đèn sách nửa vời, chưa nắm bắt được khái niệm thông thường của khoa học thường thức ông đã phải lăn lộn gian khổ với đời và sau đó bước vào cuộc hành trình chính trị nhiều rủi ro và hoang tưởng. Sự kiện, mù quáng tin tưởng đến không ngần ngại rằng một mẫu lúa tại Trung Quốc có thể đạt được 333 tấn mỗi năm và ông kêu gọi mọi người dân phải tin như vậy. “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc cần phải học” mà ông viết dưới bút hiệu Trần Lực do nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1958, tr. 41 đã chứng minh được điều này.

Ông cũng mù quáng tin tưởng vào sự tốt đẹp của thế giới đại đồng, vào “bốn phương vô sản đều là anh em” để tiến hành những bước sai lầm tiếp theo cho đất nước không một do dự.

- Cải cách ruộng đất.

- Tiến hành cuộc chiến tranh đánh phá và cưỡng chiếm miền Nam.

Có một điều đáng chú ý về mặt tâm lý cũng cần phải phân tích, nếu là một người Việt Nam yêu nước, yêu dân tộc, yêu đồng bào, với gần mấy mươi năm lưu lạc xứ người, bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước... nỗi nhớ nước thương nhà luôn canh cánh bên lòng, thế mà tại sao khi về lại, vừa nhìn thấy ngọn núi đất nước, vừa nhìn thấy con suối quê hương đã không một chút ngần ngại lấy tên của ông Lê ông Mác mà đặt cho.

Cũng vậy “Ngục trung nhật ký” là một thi tập viết bằng chữ hán, là người Việt Nam yêu nước Việt Nam, yêu ngôn ngữ Việt Nam thì hà cớ làm sao ông lại làm thơ chỉ viết toàn là chữ Hán? Lại nữa, có một điều khó hiểu cần phải nói ra là trên cả trăm bài thơ trong thi tập “Ngục trung nhật ký” do ông sáng tác đã không có một bài thơ nào đề cập đến thực dân Pháp đang đô hộ đất nước Việt Nam, hay nhân dân Việt Nam đang khốn khổ sống trong sự đô hộ tàn bạo của thực dân, cũng như trên cả trăm bài thơ đó không một bài thơ nào đề cập đến quê hương đất nước Việt Nam. Trong khi đó lại có bài thơ tác giả tỏ ra uất ức vì không được cùng chung vui với nhân dân Trung Hoa nhân ngày Quốc Khánh, có một vài bài tác giả lại còn đề cao nhân dân Trung Hoa nổi dậy kháng chiến chống Nhật thì lại càng khó hiểu hơn nữa.

Cũng có một vài nghi vấn cho rằng “Ngục trung nhật ký” thực sự không do chính ông Hồ sáng tác mà là của một người khác? Nhưng đây lại là chuyện khác.

Hiện nay, ở Việt Nam đảng CS đang tiếp tục xưng tụng ông Hồ như là một nhà tư tưởng lỗi lạc, họ ra lệnh các đảng viên phải học tập trong 3 năm tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, xem đó như là kim chỉ nam cho cuộc sống và cho sự nghiệp chính trị của mình phải là một bắt buộc. Không ngừng ở đấy, họ còn sử dụng mọi phương tiện truyền thông, phương tiện giáo dục học đường ra sức truyền bá “tư tưởng và đạo đức” này trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong giới học sinh sinh viên.

Nhà nước CHXHCN Việt Nam tuyên truyền rằng “tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” đã soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc. Định nghĩa về tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 4 nội dung chủ yếu dưới đây mà họ cho là cần nắm vững:

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá nhân loại.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 70 năm qua, tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong thời gian tới.

Đảng CS Việt Nam đã ra chỉ thị số 06-CT/TW yêu cầu toàn đảng, toàn quân và toàn dân học tập tư tưởng cùng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong vòng 3 năm liền. Bài viết “Ông Hồ yêu nước như thế nào?” này như là một đóng góp cho công cuộc đấu tranh chung cũng như lật tẩy cái “thần tượng” mà đảng CS Việt Nam đã và đang rắp tâm xây dựng.

Ông Hồ yêu nước như thế nào? Không ngần ngại người viết trả lời rằng: ông ấy là người yêu nước đầy hoang tưởng và lầm lạc.

Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đầy bất hạnh vì đã có những người làm chính trị yêu nước theo kiểu như ông Hồ.

Sông Lô
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn