Ngày nay khẩu hiệu “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” đã trở nên sáo rỗng và vô giá trị. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và quá trình xã hội hóa, toàn bộ nền sản xuất đã được tự động hóa ở trình độ cao, giúp giải phóng sức lao động của con người. Ở các nước phát triển đã không còn ranh giới rõ rệt giữa người vô sản và tư sản, nghĩa là không còn người bị áp bức, trong khi các nước lạc hậu như Việt Nam vẫn đang chạy theo “Tốc độ và khối lượng”.
Chúng tôi muốn khẳng định một nguyên tắc cao nhất “Coi thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Việc các học giả Cộng sản hết lời ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh, tô vẽ cho nó những giá trị đạo đức, văn hóa và thời đại, trong khi thực tiễn xây dựng đất nước lại hoàn toàn trái ngược với sự tô vẽ đó, thì có thể kết luận sự việc trên mang bản chất lừa đảo chính trị.
Các học giả Cộng sản luôn khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.”
Điều kiện cụ thể của nước ta, từ khi Đảng Cộng sản thành lập năm 1930, đến nay đã bước sang thế kỷ 21, về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, trên 70% dân số sống bằng nghề nông, trình độ dân trí thấp kém, nhiều tàn dư của xã hội cũ vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong đại bộ phận người dân. Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng non trẻ trưởng thành sau cách mạng, hiện chiếm chưa đầy 10% dân số. Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản (giai cấp công nhân các nước công nghiệp phát triển), vậy cái gọi là vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin thực ra chỉ là sự ngụy biện.
Theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng Cộng sản phải mang bản chất giai cấp công nhân, ở đây phải hiểu giai cấp công nhân là lực lượng xã hội lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, sinh ra trong nền sản xuất đại công nhiệp, lực lượng này có xứ mệnh lãnh đạo xã hội và Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Tuy nhiên chủ nghĩa Mác đã không được giai cấp công nhân ở các nước công nghiệp phát triển phương Tây đón nhận, ngay như nước Nga khi tiến hành cuộc cách mạng vô sản chỉ là một nước công nghiệp trung bình của Châu Âu. Việt Nam chưa bao giờ có nền sản xuất đại công nghiệp, vì vậy cũng chưa bao giờ có giai cấp công nhân, hiểu theo đúng nghĩa là một giai cấp có thể đứng lên lãnh đạo xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang bản chất cơ hội, tại đại hội Đảng lần thứ X người ta nhất trí ghi trong điều lệ Đảng : “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam .” Đảng là đội tiền phong của dân tộc, nghĩa là Đảng tự cho mình như Vua; Trời sinh Đảng trị nước, Đảng là Thiên Tử. Bản chất cơ hội đã quá rõ ràng, Đảng không còn mang bản chất giai cấp công nhân, cánh cửa vào Đảng đã mở rộng cho tất cả những kẻ cơ hội.
Ông Hồ Chí Minh đã đứng trên lập trường của bần cố nông để giải thích chủ nghĩa Mác. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản phải là đội tiền phong của toàn thể dân tộc, là đại biểu trung thành lợi ích của dân tộc. Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, cho nên chính quyền đó hoàn hảo và lý tưởng đến mức có thể duy trì mãi mãi. Các học giả Cộng sản quan niệm một cách mơ hồ về nhà nước của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, họ coi đó là một phát kiến vĩ đại, là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác. Như vậy chủ nghĩa Mác với mục tiêu và phương pháp tiến hành cách mạng nhằm xóa bỏ nhà nước cùng với tất cả những tai ác mà nhà nước gây ra, thì Hồ Chí Minh lại xuyên tạc thành mục tiêu và phương pháp xây dựng “một hình thái nhà nước lý tưởng”.
Để bảo vệ cho chính quyền cộng sản được tồn tại vĩnh viễn, Hồ Chí Minh đã dạy: “Điều mấu chốt nhất của đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng” Tận trung với Đảng nghĩa là tận trung với lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông tự cho mình có quyền định đoạt vận mệnh dân tộc, ông viết “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.” Vậy nếu Đảng không còn trong sạch, sa vào tham ô hủ hóa, độc đoán chuyên quyền, làm cho đất nước ngày càng tụt hậu với thế giới, không xứng đáng là người lãnh đạo… thì Đảng có tự nguyện từ bỏ vai trò “Người lãnh đạo” hay không? Hiển nhiên là Hồ Chí Minh đã khôn khéo lẩn tránh vấn đề này, ông nói Đảng là người “đầy tớ” của dân, mỗi cán bộ đảng viên đều là người “phục sự” dân.
Để được làm người đầy tớ của dân, nghĩa là có được “chức quyền” để phụng sự dân, những người cộng sản đã phải tranh giành nhau quyết liệt, lo lót chạy chọt rất nhiều tiền. Khi đã mua được chức chạy được quyền, họ nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, bởi một lẽ giản đơn: “Đã ăn bổng lộc của Vua thì phải tận trung với Vua”. Còn người dân thì tỉnh táo nhận ra rằng họ bị lừa dối, bị mất tự do. Tư tưởng đạo đức “Trung với Đảng” là xiềng xích trói buộc quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận của nhân dân.
Triết học Mác – Lênin không phải là tri thức tuyệt đối, tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không phải là chân lý tuyệt đối và Chủ nghĩa Cộng sản khoa học cũng không phải là một học thuyết tuyệt đối. Vậy phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng về đạo đức “Trung với Đảng”, như thế nào, đây có phải là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc không? Theo Mác, đạo đức của người Cộng sản là trung thành với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân thế giới. Khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại” của Mác chính là sự kết tinh của đạo đức cách mạng. Vậy đạo đức cách mạng tuyệt nhiên không phải là trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản. Nếu như Đảng Cộng sản phản bội lại sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc, thì không ai phải có trách nhiệm đi theo và bảo vệ cái Đảng đó; “Mù quáng thờ Vua là ngu trung”, chân lý này đã được nhân dân ta đúc kết từ ngàn đời nay, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Các học giả Cộng sản khi nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đều đi đến thống nhất quan điểm cho rằng: “Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều khái niệm và phạm trù đạo đức từng quen thuộc với dân tộc Việt Nam từ lâu đời. Các khái niệm và phạm trù đạo đức về nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư,… đều là những giá trị đạo đức đã có trong nền văn hóa phương Đông hàng nghìn năm nay, trong Nho học và trong các đạo giáo khác.” Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một sản phẩm của xã hội phong kiến, các học giả Cộng sản không phủ nhận điều này, nhưng họ khéo léo tô vẽ, gọt giũa và khoác cho nó chiếc áo của xã hội mới. Chiếc áo đó tuy đẹp nhưng nó không che dấu được bản chất bên trong.
Hồ Chí Minh không chỉ xuyên tạc chủ nghĩa Mác, biến nó thành tư tưởng của cá nhân, mà còn lừa dối nhân dân rất nhiều. Chủ nghĩa Mác khẳng định cách mạng vô sản phải là sự nghiệp của giai cấp công nhân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, quân đội cách mạng trưởng thành từ những người công nhân được vũ trang. Vậy mà theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng vô sản là sự nghiệp của toàn dân, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, và quân đội phải trung thành tuyệt đối với Đảng. Tư tưởng này về cơ bản giống như tư tưởng “Trung Quân” của thời phong kiến: “Trời sinh Vua trị nước, thiên hạ thái bình.”
Trong cuốn sách “Từ nhân dân mà ra”, ông Võ Nguyên Giáp đã viết: “Nhân dân ta vô cùng vĩ đại. Quân đội ta, con đẻ của nhân dân, là một quân đội anh hùng. Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu.” Nhưng sự thật, cũng giống như các quân đội trong quá khứ, quân đội ta từ “Nông dân” mà ra, là một đạo quân nông dân. Không giống như quân đội Xô Viết trưởng thành từ các đội công nhân được vũ trang, quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành từ nông dân, lực lượng cốt cán là bần cố nông. Xét về bản chất, cái đạo quân nông dân ấy phải trung thành tuyệt đối với Đảng của nó và vị lãnh tụ của Đảng là Hồ Chí Minh.
Ngày nay, có quan điểm cho rằng câu nói “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” không phải của Hồ Chí Minh, nhưng qua quá trình nghiên cứu cẩn thận, chúng tôi đi đến kết luận câu nói trên đúng là của Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, ông Võ Nguyên Giáp đã nhớ lại: “Ngày 22 tháng 5 năm 1946, Bác lên Sơn Tây dự lễ khai giảng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn… Sau khi căn dặn các học viên, Bác nói: “Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta.” Trung với nước, hiếu với dân, câu nói của Bác giờ đây đã đi vào lịch sử…”
Vậy tại sao bây giờ lại nói “Quân đội ta trung với Đảng”, như vậy là xuyên tạc lịch sử hay sao? Chúng ta cùng trở lại lịch sử, từ cuối năm 1945, Đảng Lao động (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tạm rút vào hoạt động bí mật, Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức một mặt trận dân tộc thống nhất thật rộng rãi, đặt tên là hội “Liên Việt”. Mục tiêu hoạt động của hội là: “Độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường”. Tất cả mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, đảng phái, tôn giáo, thành phần xã hội đều có thể tham gia vào hội. Các đảng phái đấu tranh cho độc lập và dân chủ đều đứng trong hội, gồm có: Việt Minh (Đảng Cộng sản), Đảng Dân chủ, Việt Nam cách mạng đồng minh (Việt Cách) và Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc). Trong bối cảnh lịch sử đất nước có đa nguyên đa đảng, tất cả cùng đoàn kết đấu tranh cho độc lập và dân chủ, Hồ Chí Minh không thể đem áp đặt tư tưởng đạo đức “Trung với Đảng” cho các lực lượng vũ trang được. Tuy nhiên 20 năm sau, khi miền Bắc hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của Đảng, tất cả các đảng phái khác đều bị giải tán hoạt động, bị quy kết là tay sai của đế quốc và tư sản, thậm chí bị đàn áp và thanh trừng không thương tiếc. Lúc này, bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh mới bộc lộ rõ, ông đã khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát: “Các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng, trung thành với lãnh tụ Hồ Chí Minh.”
Ngày 22 tháng 12 năm 1964, nhân dịp kỷ niệm quân đội tròn 20 tuổi, Hồ Chí Minh đến thăm và căn dặn: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.” Lời căn dặn trên đã khẳng định đầy đủ, bản chất tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nó đã trở thành lời thề danh dự đối với quân đội nhân dân Việt Nam . Trong bất luận hoàn cảnh nào, kể cả khi Đảng đã trở thành lực lượng phản bội, đã thối nát và mục rỗng, khiến cho nhân dân phải rên xiết dưới ách cai trị hà khắc của Đảng, thì các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn một lòng trung thành vô hạn với Đảng.
Không còn ranh giới rõ rệt giữa những quân đội trong quá khứ và quân đội ngày nay, vì vậy cũng không có sự khác biệt giữa những triều đại phong kiến và thời đại Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “Trời sinh Đảng trị nước, Thiên hạ ấm no hạnh phúc.” Nhưng sự thật, dân ta chưa bao giờ được ấm no hạnh phúc. Hơn 80% dân số Việt Nam vẫn thuộc diện nghèo của thế giới, trong đó quá nửa là thiếu đói, họ không chỉ thiếu thốn về điều kiện vật chất mà còn nghèo nàn về đời sống tinh thần, họ lạc hậu và xa lạ với những tri thức tiến bộ của thế giới, họ chỉ biết có Bác Hồ. Chưa bao giờ họ hoài nghi hay thắc mắc tại sao Bác Hồ cả đời vì nước, vì dân mà nước ta lại nghèo, dân ta lại khổ. Đảng Cộng sản do Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện là người đầy tớ của dân mà tại sao chỉ có thiểu số đảng viên có chức có quyền là sống sung sướng, còn lại đa số quần chúng nhân dân Việt Nam thì vẫn nghèo khổ…?
Xóa bỏ thần tượng Hồ Chí Minh cùng với tệ nạn sùng bái cá nhân, chính là đánh đổ bức tường thành cuối cùng của chế độ Cộng sản. Nhân dân Việt Nam cần được cởi trói tư tưởng để vươn tới tự do và đi theo ánh sáng của văn minh. Chỉ khi nào người dân được tự do suy nghĩ và bày tỏ quan điểm, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, thì khi đó đất nước mới có Dân chủ và Nhân quyền. Hiểu được chân lý trên và theo trào lưu tiến bộ của loài người, đó chính là cách để chúng ta thể hiện lòng yêu nước; Thể hiện tấm lòng trung thành vô hạn với đất nước.
Đảng Cộng sản từ lâu đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc, cánh cửa vào Đảng mở rộng cho những kẻ cơ hội tham chức hám quyền, đồng thời đóng kín đối với những người yêu nước thương dân. Trung với Đảng là trung với những kẻ phản bội; Trung với Đảng là bất hiếu với dân.
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2007
Vũ Hải Đăng
Gửi ý kiến của bạn