BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77465)
(Xem: 63331)
(Xem: 40777)
(Xem: 32400)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Chút Kỷ Niệm với BIỆT ĐỘNG QUÂN

08 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 2683)
Một Chút Kỷ Niệm với BIỆT ĐỘNG QUÂN
510Vote
41Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.712

(Viết tặng Tập san BĐQ và các bạn đồng khóa 105 Nhảy Dù. Luôn luôn tưởng nhớ anh linh Tướng Trần Văn Hai)


 Cuối 1967, Lê Phú Nhuận bị gọi động viên vào Thủ Đức rồi đến Dương Phục và sau đó là tôi. Sau này tôi và Nhuận được biệt phái trở lại Cục Vô Tuyến Truyền Thanh, Dương Phục về Đài Quân Đội. Chúng tôi vẫn là những người bạn thân, chia sẻ với nhau những tin tức mặt trận với cường độ các cuộc chạm súng ngày một dữ dội hơn. Chúng tôi không còn thời giờ nào để thực hiện những dự án tự nguyện đi dự những khóa học đặc biệt, nhất là khóa rừng núi xình lầy và viễn thám, để có dịp thử sức chịu đựng của mình nữa.



 Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, Dương Phục đã vào đến Tchepone nhưng rồi lại phải rút ra theo Sư Đòan 1. Cũng vào khoảng thời gian ấy tôi bị gọi về để giữ một vai trò khác: trưởng phòng Bình Luận và đặc phái viên của Vô Tuyến Truyền Thanh tại Phủ Tổng Thống. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là người đi rất khỏe và hay đi kinh lý dài ngày. Những chuyến đi như thế rất vất vả, một ngày ông đi như vậy đến cả chục địa điểm. Ngồi trực thăng lên xuống ngày vài chục lần, "thổi harmonica" (gặm bánh mì), uống nước bi đông cũng đủ sức giúp tôi xuống cân rất mau. Thời đó, phương tiện điện thọai còn rất khó khăn, chất lượng xấu và chậm tiến hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á. Cho nên khi về nghỉ ngơi tạm ở một thành phố nào đó, chúng tôi mất rất nhiều thời gian kiếm chỗ gởi tin để Đài Saigon có thể loan trước Đài BBC. Vị Tổng Giám Đốc của chúng tôi giai đọan này là Trung Tá Phạm Hậu, ít khi chấp nhận chuyện một chuyến đi của Tổng Thống có đặc phái viên của Đài theo, mà lại loan tin chậm hơn BBC hay VOA. Vì thế cho nên, tôi phải tìm ra cách gởi tin trong một thời gian nhanh nhất: viết dần trên máy bay hay trực thăng, tìm kiếm những hậu cứ của những đơn vị quân sự mà tôi quen biết để gởi tin qua hệ thống điện thọai quân sự, thay vì dùng hệ thống viễn liên của bưu điện. Nhưng dù sớm thì cũng phải đến 9 giờ tối mới xong mọi chuyện. Về tới khách sạn cũng gần 11 giờ. Chỉ còn có cách kiếm chỗ bán cháo trắng hột vịt muối mà thôi.

 Vào giai đọan cao điểm của kế họach Việt Nam hóa chiến tranh, tôi được đôn lên chỉ huy Sở Thời Sự, một loại công vụ hay gặp nhiều rắc rối và phiền toái nhất của Hệ Thống Truyền Thanh, nhưng song song vẫn phải làm công việc của một đặc phái viên. Tôi bơi ở trong cái giòng chảy của những biến chuyển rất nhanh, cho đến trưa ngày 30-4-1975, vài ngày trước ngày tôi còn 34 tuổi. Phim cháy.

 Ngày nay, nhìn lại những công việc mà chúng tôi đã từng làm, từng trải qua, khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, hai đồng nghiệp thân thiết từng chia sẻ với tôi những cảm quan, và cách nhìn cuộc chiến Việt Nam, lúc trà dư tửu hậu trong cảnh lưu vong là Nhuận, Phục thường hỏi tôi: có tiếc gì không? Tôi nói không cần suy nghĩ: còn gì để thua nữa mà tiếc.

 Chúng tôi đã chứng kiến cuộc chiến đấu của những người lính VNCH, đã thấy họ tử trận hay phải để lại một phần thân thể nơi chiến trường, đã thấy họ chiến thắng, và không hiếm những khi họ nếm thảm bại. Chúng tôi không hề thấy lính nào hào hoa, cũng chẳng thấy lính nào là nữ hòang của chiến trường. Lính là cực, là nhọc, là mồ hôi, là máu, là súng, là đạn, là can đảm, là hèn nhát. Họ chiến đấu không phải là để được tôn vinh là hào hoa hay là nữ hòang. Họ chiến đấu vì chính họ, gia đình họ, vì lý tưởng tuổi trẻ. Hồi Tết Mậu Thân lần thứ hai, tôi và Dương Phục bị kẹt ở mặt trận Tân Thới Hiệp. Đơn vị mà chúng tôi đi theo có nhiệm vụ phải chiếm lại cái am xây bằng đá ong gần nhà máy Vị Hương Tố. Trong am bọn Việt Cộng bố trí một tổ tam tam: một B-40, một thượng liên và một AK-47, lựu đạn chày. Suốt từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều, đơn vị này mở nhiều đợt xung phong, nhưng đều vô iệu.

 Một phi tuần AD-6 vần vũ, lồng lộn trên trời, nhưng đành chịu vì những người lính trong đơn vị vừa rồi không thể lùi ra xa đủ an tòan, để oanh tạc cơ oanh tạc. Lính chết và bị thương được lôi ra gần chúng tôi, thân thể đầy máu và rên la. Trong lúc ấy, lệnh từ chiếc CNC bay trên đầu chúng tôi chuyển xuống qua chiếc loa phụ nhỏ của chiếc PRC-25 của người Đại Đội Trưởng nằm cách tôi vài thước, giọng cứ đều đều: "Vào đi em, lon đấy em, vào đi em...". (Ý là hãy cố gắng tiến vào đi, lon thăng cấp chờ sẵn). Tôi hoàn toàn phản đối cách này. Tôi cho rằng cái đích của cuộc chiến đấu của những người lính qủa cảm này không phải là lon lá. Mạng sống của chính mình và của các đồng đội, không thể đánh giá bằng một lời hứa thăng cấp vào hòan cảnh đó. Hứa nhử như thế là xỉ nhục họ. Cái mà người lính cần lúc đó là sự trợ lực tinh thần và sự điều động khôn khéo của người chỉ huy cao cấp hơn, để giúp họ thóat khỏi thế kẹt. Cuộc phản công tạm ngưng ban đêm và sáng sớm hôm sau. Viên sĩ quan đại đội trưởng đã chỉ huy lính của ông kiễn nhẫn phá thế cài răng lược của địch phía sau, và cho lính lùi ra xa hơn để cho trực thăng võ trang làm thịt bằng hỏa tiễn.

 Tôi chứng kiến bối cảnh trên nhiều lần và ở nhiều nơi khác nhau trên các mặt trận. Thời chiến tranh, biết bao nhiêu sai lầm được bỏ qua, không được đề cập đến trên báo, trên đài, cũng chỉ vì không ai muốn người lính ở tiền tuyến hoang mang. Nhưng đám sâu mọt không hiểu thế. Chúng lợi dụng những taboo đó để làm lợi cho cá nhân mình. Trong đời sống, kể từ lúc còn làm việc bên cạnh những người lính, đủ lọai, từ lính làng, lính quận, lính tỉnh cho tới lính mặc quân phục ngụy trang, tôi tự xây dựng cho mình một quan niệm về người lính VNCH qua những thông điệp, những ước mơ bình thường, mà họ gởi gấm những người làm truyền thông như chúng tôi. Có một lần, trước khi vào Khe Sanh, sinh họat với lính của Đại Đội Hắc Báo ngoài PK.17, tôi hỏi cảm tưởng và ước mơ của một anh binh nhất năm anh tròn 20 tuổi thì được trả lời:"Ước mơ à, nhỏ lắm: chiến tranh mau chấm dứt để tôi được về quê làm ruộng".

 Một lần khác, vào quán cơm bình dân tại chợ Hàn, Đà Nẵng để dùng cơm trưa. Bên cạnh có vài người lính mũ nâu cũng ngồi ăn. Thấy tôi quần jean, áo lính, giầy map, ba lô nón sắt, máy ghi âm, cổ đeo hai ba cái thẻ (lối ăn mặc chung của các phóng viên mặt trận ở câu lạc bộ báo chí sau viện bảo tàng Chàm), một người lính hỏi: "phóng viên chiến tranh hả, từ Cùa hay Ba Lòng về?". Tôi cười hỏi: "Sao biết". Một người khác: "Giầy và quần áo bụi, bùn đỏ lòm". Tôi hỏi" Nghĩ sao về đời lính". Một người trong nhóm nói: "Cũng khổ, tụi tôi như con ghẻ, bị xài cạn láng". Tôi hiểu những người lính này ám chỉ đến điều gì. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng chỉ biết cười xòa, hút với nhau điếu thuốc rồi chia tay.



 Ba mươi năm trôi qua như một giấc ngủ trưa. Biết bao biển dâu, nên ngày nay tất cả chúng tôi, những phóng viên tiền tuyến đầu tiên của ngành, sẽ không còn lại một chút gì dấu vết của những ngày tháng cũ, nếu không có những ký ức không bao giờ quên được. Riêng đối với những niên trưởng đã cùng với tôi đổ mồ hôi ở khóa 105 Nhảy Dù, tôi mới chỉ gặp lại niên trưởng Ngô Minh Hồng với cái chân vẫn còn vết thương từ một vụ pháo kích của VC ở Bình Long. Thỉnh thoảng tôi có gặp ông Thuyết "lì". Ổng cứ nhắc bữa nào phải họp khóa. Tôi hứa nhưng tới nay vẫn còn "cuội" vì bận mưu sinh quá.

 Còn với cố Thiếu Tướng Trần Văn Hai, tôi cũng đã vài lần mô tả những ngày cuối cùng của ông, nhưng vẫn quên một chi tiết đáng nói. Sau khi mất Ban Mê Thuột, tôi có xuống thăm ông ở Bộ Tư Lệnh Sư Đòan 7 BB ở Đồng Tâm. Lần đó, ông từ chối không cho tôi phỏng vấn. Ngược lại ông đưa tôi lên trực thăng bay gần một tiếng đồng hồ trong vùng Tiền Giang và về sát Saigon. Khi quay trở lại Bộ Tư Lệnh để dùng cơm, ông nói: "Tình hình đáng buồn lắm. Anh chỉ có thể nói với cậu như vậy thôi".

 Ba mươi năm sau, tôi vẫn chưa thể hiểu, đây có phải là lời tiên tri của một vị tướng mà cái chết đã trở thành linh thiêng như ông hay không?

Vũ Ánh

Theo Tập San Biệt Động Quân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn