BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72823)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Màu áo HOA RỪNG

06 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 2081)
Màu áo HOA RỪNG
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Tôi đến và làm việc ở Ninh Hòa từ đầu thập niên 1970 cho đến ngày miền Nam mất.




Tên của địa danh này tiêu biểu bản tính hiền hòa chân thật của dân tình. Ninh Hòa là một thị trấn duyên hải miền Trung cát trắng, nằm ở ngã ba quốc lộ 1 và 21.
 









Thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời loạn theo đuổi binh nghiệp, đều đã hơn một lần đến và dừng chân ở Dục Mỹ, nằm trên trục giao thông 21, phía cực Tây Ninh Hòa. Nơi đây có các quân trường cấp quốc gia Lam Sơn, Pháo Binh, Biệt Động Quân với những thao trường "đổ mồ hôi" mang ý nghĩa khó quên: lò luyện thép, bãi tập trải dài giữa rừng núi sình lầy.




Tuy là một thị trấn của lính, nhưng ở đây không có nếp sống xô bồ, cuồng vội như một đô thị thời chiến như tôi được nghe thấy từ tấm bé, hay lúc còn cắp sách đến trường : cảnh "chết no" bên vỉa hè, của đoàn quân ô hợp Lư Hán trên vỹ tuyến 16, hay cảnh giải trí cuồng loạn khiêu vũ của những Lê dương từ mặt trận trở về dịp lễ 14 tháng 7 (cách-to ru dết, giết chết không tội).




Trái lại, nơi đây khi cuộc chiến toàn miền Nam đang ở thời kỳ ác liệt, mà chúng tôi tưởng như đã sống quãng đời thanh bình, giữa cái thung lũng xa xa bao quanh những trường thành của Trường Sơn phía Tây, kéo dài đến Đông Hải: Rặng núi bao quanh thung lũng này là bản doanh của các mật khu Đá Bàn ở phía Tây Bắc, mật khu Hòn Hèo sừng sững như bình phong, cao hơn về phía Đông.




Ninh Hòa có nhiều kỷ niệm với tôi. Dù những chuyện đã xảy ra gần bốn thập niên, nên mỗi lần đến thăm bạn cũ, đồng nghiệp, cựu học sinh ở Bắc California những hình ảnh thân quen từ ký ức tôi, ngược dòng thời gian hiện rõ, như chuyện mới xảy ra không lâu.,




Ngồi nơi thung lũng hoa vàng miền Viễn Tây Hoa Kỳ vào dịp hội ngộ, để ôn lại những kỷ niệm thời áo trắng, mà tôi tưởng mình đang cùng bạn hữu màu áo hoa rừng, dưới cái nóng mùa hè Dục Mỹ, trong những buổi lễ mãn khóa, hay dự những bữa cơm với chiến binh sắp rời quân trường ra tiền tuyến. Tôi tuy không theo binh nghiệp, nhưng sống và trưởng thành trong gia đình có người ở quân ngũ và đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ miền Nam. Các bằng hữu trong tấm hình ngày xưa, tháng 11 năm 1974, trong lần chào cờ nhân Đại Hội Thể Thao và Văn Nghệ tỉnh Khánh Hòa nay ở đâu? Một số lưu lạc ở phương trời Tây, hoặc thân xác đã đi vào cát bụi nơi hoang vắng như nàng Đạm Tiên thuở trước bên kia bờ đại dương!




Hồi tưởng các bằng hữu màu áo hoa rừng, tôi hãnh diện ghi nhớ ba nhân vật mà cuộc đời binh nghiệp của họ đã một lần gắn liền với quân trường Biệt Động Quân Dục Mỹ. Đêm 27 tháng 1 năm 1973, chuẩn bị ngưng bắn theo Hiệp định Paris. Năm đó, tôi không được cấp phép rời nhiệm sở trong dịp Tết Nguyên Đán. Kinh nghiệm lần ngưng bắn trước (30-7-1954 tại miền Trung) đã có giao tranh gây tổn hại càng nhiều càng tốt về phía đối phương - Thời gian trước 8 giờ sáng ngày ngưng bắn là một thời gian rất căng thẳng, lần này lại có thêm lấn đất, cắm cờ, có thể có biểu tình v...v... Chiều đó, anh em quân nhân biệt phái có mặt đầy đủ. Một Trung úy biệt phái có cấp bậc cao nhất trong anh em chúng tôi được ủy quyền chỉ huy việc bố phòng tuần tra... Màn đêm xuống dần, bầu trời cuối tháng chạp âm lịch thường tối đen như mực. Anh em chúng tôi im lặng chờ đợi bình minh hôm sau, mở đầu cho thời kỳ hy vọng thanh bình. Thời gian như ngừng trôi trong đêm tối. Bỗng từ xa có tiếng động cơ nghe rõ dần, 2 luồng đèn pha chiếu sáng trên đường nhựa rồi chiếu thẳng vào chúng tôi. Xe dừng hăûn, một quân nhân mũ nâu, quân phục màu hoa rừng tiến đến chúng tôi vẫy tay chào. A! Thiếu tá Vĩnh Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 60 BĐQ Biên Phòng . Tiểu đoàn của Thiếu tá Hùng tham gia những trận đánh mùa hè đỏ lửa ở cao nguyên: đồi Chu Pao, giải tỏa đường 14 giữa Pleiku-Kontum. Nay Tiểu đoàn về quân trường, vừa dưỡng quân, vừa tái huấn luyện và vừa bổ sung quân số. Mới hồi sáng nay, chúng tôi hẹn nhau chiều 28-1-73 hôm sau, nên sự hiện diện của các anh đêm nay đem đến chúng tôi niềm vui bất ngờ.




"Bộ chỉ huy tạm" nơi sân thượng trở thành nơi liên hoan đón giao thừa của những kẻ xa nhà .


 Chúng tôi hồi tưởng quãng đời thư sinh, rồi những ước mơ cho tương lai thanh bình, tuy biết lối ngưng bắn "da beo" hay "chó vá" gì đó chỉ đem lại thứ hòa bình mong manh. Tiếng gà tan canh từ xa vọng lại, báo hiệu bình minh của một ngày mới. Anh mời chúng tôi đi thăm các Trung đội, Đại đội thuộc Tiểu đoàn anh, đang đóng ở các điểm phòng thủ bao quanh Huấn khu. Đúng 8 giờ, chuông chùa và giáo đường đổ hồi, báo giờ ngưng bắn có hiệu lực, đồng thời cầu nguyện cho những chiến binh bỏ mình. Rồi những tin không vui như vi phạm ngưng bắn, pháo kích, thương vong, tiếp diễn cho đến ngày 30-4-1975. Nửa tháng sau, anh Hùng từ giã chúng tôi trở lại chiến trường. Từ đó chúng tôi không còn cơ hội gặp nhau nữa. Hơn nửa năm sau, chúng tôi đọc được tin phân ưu trên nhật báo Sóng Thần, Trung Tá Vĩnh Hùng đã bị địch bắn sẻ ở Thanh An, giữa Pleiku và Kontum.





Người thứ hai là Thiếu Tá Trần Thiện Khuê, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63 BĐQ Biên Phòng. Đây là Tiểu đoàn kết nghĩa với trường chúng tôi trong công tác dân sự vụ, như cấp trên chỉ định. Tháng 10 năm 1974, đơn vị anh Khuê di chuyển đến Ninh Hòa, như những Tiểu đoàn khác trở về từ tiền tuyến. Cùng là người đồng hương, câu chuyện giữa chúng tôi trở nên thân tình. Anh than thở lính bị trói tay ở chiến trường có những không ảnh ghi lại đường di chuyển của quân địch, từ bên kia biên giới vào Nam quân khu, xin phi pháo yểm trợ nhưng không được đáp ứng. Anh buồn rầu kết luận tương lai của đất nước không biết về đâu. Gặp nhau rồi chia tay, về sau chúng tôi cùng anh di tản từ cao nguyên về Tuy Hòa theo tỉnh lộ 7, rồi tan hàng, rồi tù tội.




Theo người bà con của anh Khuê kể lại thì Bố Mẹ anh đều là liệt sĩ thời chiến tranh chống Pháp. Hai ông bà đều tự vẫn trong tù. Công an yêu cầu anh nhận mình là con của cha mẹ liệt sĩ thì được tha ngay, nhưng anh khẳng khái không nhận, để chịu chung số phận như những đồng đội khác, anh thực xứng đáng "anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân".




Người thứ ba là Trung tá Trần Đình Nại, khóa 8 VBQG Đà Lạt, mang cấp bậc Thiếu úy tháng 8-1953, chuyển qua binh chủng BĐQ năm 1961. Lúc này BĐQ mới được tổ chức đơn vị cấp Đại đội. Có thể nói rằng tiền đồn heo hút gắn liền với binh nghiệp của anh Nại: Thiếu úy Trung đội trưởng đồn Lưỡng Kim thuộc Bồ Bản quận Triệu Phong, Quảng Trị (1953) - Trung tá Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện BĐQ Trung Hòa, xã Trung Lập, quận Củ Chi, Hậu Nghĩa (1968). Vị trí của quân trường này nằm giữa ba mật khu Bời Lời, Dương Minh Châu, Hố Bò. Từ quận Củ Chi đi vào, băng qua một đoạn đường đất dài 10 km đầy mìn bẫy, nên mỗi ngày có một Đại đội mở đường, tháo gỡ chất nổ, mới lưu thông được. Từ 1965 trở đi, trục lộ này không dùng được, sự di chuyển giữa Trung tâm và bên ngoài phải dùng đến trực thăng hay L.19 (Trung tâm có một sân bay nhỏ). Những Tiểu đoàn BĐQ từ chiến trường trở lại đây, ngoài tái huấn luyện còn nhiệm vụ tác chiến, ngăn chặn giao liên của quân địch giữa ba mật khu kể trên. Trung tâm là tiền đồn và cách Sàigòn 50 km - Thời gian huấn luyện là 42 ngày, vì làm cả hai nhiệm vụ, tiểu đoàn khách mất 10 nhân mạng trong thời gian huấn luyện, có ý kiến cho rằng, nên đưa Trung tâm đi nơi khác. Trung Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Quân đoàn III thời đó không chấp nhận vì đây là tiền đồn của thủ đô.




Chiến trận Mậu Thân 1968 đang hồi ác liệt ở Sàigòn. Từng Đại đội của Tiểu đoàn đang huấn luyện lân lượt rời Trung tâm bằng trực thăng vận về thủ đô, chỉ còn một Đại Đội cơ hữu ở trung tâm, địch quân biết thế, nên từ xa bắc loa kêu gọi đầu hàng, khi họ không thể nhân cơ hội tràn ngập trung tâm. Sáng ngày 8-2-1968, nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Thân, Trung tá Nại dùng xe Jeep đi ra thanh sát gần trụ sở xã thì bị phục kích và chịu số phận như Thiếu tá Vĩnh Hùng năm 1973 sau này - dù có cơ hội, cộng quân cũng không chiếm được trung tâm, tuy đêm chúng có pháo kích 100 đạn 122 ly. Sáng ngày 9-2-1968, đài phát thanh Hà Nội loan báo chiến công giết được tên Trung Tá ác ôn...




Các anh, trong số hàng trăm ngàn anh hùng vô danh đã đền nợ nước, hay bất khuất trong lao tù, đã xưng đáng nối tiếp truyền thống hào hùng của đoàn nghĩa binh từ Hoan Ái ra đất Bắc làm nên chiến thắng Bạch Đằng 939 - hay đoàn hùng binh tái chiếm Đông Đô đầu thế kỷ 15, hoặc chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi 1787.




Hôm nay vận nước gặp hồi trôi nổi, phân hóa - Các anh đã không thực hiện mơ ước của mình được "đón các anh ở năm cửa Ô", nhưng các anh cũng không hổ thẹn với trang vàng của quân sử . "Thế mới biết mệnh ấy yểu và danh ấy thọ" (văn tế Chiến sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành).




Sau cùng, tôi xin mượn câu châm ngôn trước cổng trường Võ Bị West Point tặng các anh: "Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt đi thôi" (*).


Trần Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn