BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73458)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31181)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Qua hình bóng cũ

04 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 1827)
Qua hình bóng cũ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Đúng là mùa hè California đã đến rồi, mùa thu lại trở thành mong đợi. Mấy hôm nay, thời tiết luôn luôn ở mức 85 - 90 độ F trở lên, vì thế tôi cũng ở chết dí trong nhà, không đi đâu cả, nắng, nóng, ngại quá - Ở lại phòng mở quạt hết cỡ cho chắc ăn - Những giờ phút ở không, chẳng có gì để làm, đúng ra là làm biếng, ngồi đọc lại những trang sách cũ, coi TV mãi cũng nản - Tâm tư trống như căn nhà không vách - Chợt dưng, những hình bóng cũ trở về, từng bước nhỏ, xâm nhập ý tưởng. Nhìn khuôn mặt hắt phản trên tấm kiếng của tủ, nhận ra mình quả thật đã chẳng còn một chút gì xuân sắc, những ồn ào, sôi nổi và cuồng nhiệt của dòng máu thuở thanh niên bây giờ chỉ còn lại nỗi mệt mỏi, những vết hằn trên khuôn mặt, với hai con mắt bụp túi mỡ thế này thôi ư? Kỷ niệm của những mùa hè bao nhiêu năm cũ, đang dắt tay nhau về, nhận chìm tôi trong nỗi nhớ quay quắt. Gọi khẽ tên bạn bè, gọi lại từng giọt dĩ vãng. Tôi đang ngồi đây, trong căn phòng được coi như nghèo nàn ở xứ người, nhưng cũng có máy lạnh, có tất cả mọi thứ để giúp tôi không cảm thấy nóng nực và dễ thở - nghĩa là những thứ mà quê hương tôi chỉ những ai nhiều tiền mới sắm cho gia đình đưọc mà thôi. Bạn bè tôi đâu hết cả rồi, những đứa bạn học, những người bạn lính - Đồng đội, chiến hữu của tôi sao lại biệt mù tăm cá? Mỗi khuôn mặt đều có quá nhiều kỷ niệm của thuở thiếu thời, thuở hừng hực những cao vọng, những ước mơ nóng như ngọn lửa đang đốt cháy khu rừng khô mà TV đang chạy tin trước mắt tôi .

 Những người bạn của tuổi học trò, của thời làm lính lên mặt trận đi đâu? ở đâu? và về đâu hết cả rồi - Này Nghiêm Công Đức, Khải Sẹo, Hoàng Việt Thủy, Chu Văn Thiệp, Trần Đình Tự , chúng mày rủ nhau đi biệt đâu hết - Có tụm nhau lại thành một nhóm như lúc đi học, hay tứ tán mỗi thằng một ngả - Nói với chúng mày để mà nói cho có chuyện thôi, làm sao mà quần tam, tụ ngũ với nhau được như lúc còn cắp sách đến trường, hay ngả ngớn với nhau quanh cái bàn gỗ tạp - mà tao luôn đặt cho là?bàn đểu?, với những chai bia không có đá (đi hành quân thì làm gì có được đá cục) và những lon coca ngâm nước suối cho mát - Không bao giờ còn có được cái giây phút ấy nữa vì thằng Nghiêm Công Đức, thằng Tự và thằng Thiệp đã xuôi tay về cõi khác lâu rồi - Thằng Khải Sẹo dạt đi ngả nào có ai biết, thằng Hoàng Việt Thủy (có hỗn danh Nhẫn Bến Nghé) thì với mấy tấm vé số kiếm sống lây lất nơi quê nhà, cũng chả biết còn hay đã mất .

 Nghiêm Công Đức - Trên trang giấy này, hôm nay tao muốn viết cho mày, gọi mày về với tao để gặm nhấm lại những hình bóng cũ, những tháng năm của thuở học trò, của các thuở thiên đường mơ ước, còn từ sáng tới chiều, lúc nào cũng nheo nhéo thúc dục chúng mình hãy làm cái gì cho ngon, cho mát mặt mẹ cha, và tao cũng muốn gọi mày về để hỏi xem mối tình u uẩn của mày, có còn dày vò cõi hồn mày nữa không, hay cũng đã tan loãng với bụi hồng dương thế ?

 Mày có biết tại sao hôm nay tao lại chỉ nhắc về mày, gọi mày về đây không hả Đức? Thôi để tao nói phứt cho rồi kẻo lãng phí thì giờ - Sau 29 năm tan tác, cách đây mấy tháng, tình cờ, đúng ra là một duyên may, tao gặp lại con nhà Lê Đình Hải, nhà thi sĩ, văn sĩ lớn của thời cắp sách Lê Đình Mạc Vân đó - một ông nhóc mới học đệ nhất (và cả đám chúng mình nữa) tập tọe làm thơ, nhấp nhổm đòi làm văn nghệ, mà dám chê ông Tạ Tỵ là người thì một Tạ, mà óc có một Tỵ, sau khi đọc xong bài thơ ổng tặng chủ quán Hòa Mã ở Cao Thắng, đến nỗi ông Tạ Tỵ đã phải phán: " Này mấy chú bé, ta không muốn nói chuyện với các chú nữa" - Còn mày, Nghiêm Công Đức, cũng tiếp đó, mày đặt cho ông chủ H.M là thi sĩ làm thơ Nghiêng - Chẳng ai hiểu tại sao, mãi sau mày mới rỉ tai anh em "Nhìn kỹ coi, mắt ông ấy lệch, nên lúc làm thơ, viết lên giấy thì phải nghế qua,nghế lại, nên câu thơ bị nghiêng đi, không đúng sao ?"

 Thuở ấy vào những năm 1958, 1959 và 1960 đến vài năm sau này, chúng tôi là nhóm thanh niên, từ tuổi đời, đến học hành đều cùng một trường, có những người cùng lớp, trong đó Nghiêm Công Đức, Khải Sẹo, Đồng Đăng Khoa (bạn bè thường gọi khoa thuốc lào, vì mới nứt mắt, cậu Ba đã tập hút thuốc lào) - Đức thương nhớ, gặp lại thằng Lê Đình Hải, cả hai đứa cùng ngồi thật lâu không nói, vì sự xúc động và cũng để tưởng niệm quá khứ. Ông Thi,Văn sĩ Lê Đình Mạc Vân bây giờ như một cái bao gạo bị nhúng nước, xộ xệ như một mụ Mexican đã có hơn 10 đứa con - Nếu nói may mắn thì thằng Hải, thằng Kiêm Thêm được hưởng, vì chúng nó hên, ngày 30-4-75 (ngày tháng năm đểu của cả dân tộc VN, thương đau tràn ngập đất nước), thằng Hải là pilot, nên mang tàu bay thoát, thằng Kiêm Thêm cũng Không Quân, nên cậu Hai này cũng chui lọt được lưới để đến tỵ nạn ở xứ người và chọn làm quê hương mới . Nó may mắn vì các con nó có điều kiện để học hành và đóng góp khả năng cho xã hội với quê hương thứ hai - Còn hai đứa nó, bản thân cũng vẫn có những nỗi khổ, niềm đau riêng đeo đẳng, có lẽ đến cuối đời - Chẳng một ai tìm cho riêng mình được một ngày vui trọn nghĩa, một nụ cười nở hết độ vui của nó, vì dẫu gì, tất cả đều là những kẻ lưu vong, tỵ nạn, tiêu dao đời mình bằng ngày tháng đòi đoạn, nhìn về cố quận .

 Hải và tao rủ nhau đến quán cà phê, có phần nào dáng vẻ Kim Sơn, hay quán Phạm thị Trước ở Bonard của Sàigòn xưa - cũng có những bàn đặt ngoài hè, để khách ngồi với gió mát thổi về. Sau khi đã chọn một bàn khuất sau cái chậu kiểng có cây cao, hy vọng bớt nắng chiều đang chạy xiên trên đường phố - Lê Đình Hải hỏi tao, tao hỏi lại nó, toàn những chuyện lung tung, không có chủ đề, chẳng mục đích, chuyện của những anh lẩm cẩm, nghĩ lại đời mình cũng đang xế, như những sợi nắng ngoài kia . Lát sau chợt dưng Hải nó hỏi tao về mày, và muốn biết về sự ra đi quá sớm của mày, một người nuôi quá nhiều ước vọng - những mong lấp biển vá trời, chí ít, nếu cao vọng không thành, thì cũng có chút gì dương danh với đời, đền đáp một chút xíu, chỉ một chút xíu thôi ơn nghĩa của mẹ cha - Nhất là thân mẫu của mày - Hàng ngày ở trong lớp, tại bàn cà phê, hay lúc tựa cửa nhà thằng Hoàng Việt Thủy, tức ông du đãng "Nhẫn Bến Nghé", nhưng lại là đứa được coi là giỏi nhất môn Pháp văn - Mày luôn luôn nhắc đến những nhọc nhằn mẹ mình đang phải chịu đựng, khổ ải, vất vả, nhưng vẫn cười sáng khuôn mặt, mỗi khi nhìn thấy các con đi học về - Và - Đây mới là điều theo tao hiểu, mày vẫn nung nấu trong lòng, dấu thật kín ở một ngăn kéo chắc chắn nhất của tâm tư - là mày sẽ làm cách gì đấy, để chứng tỏ với Chúc, em gái bạn mày - Khải Sẹo - mày đã yêu Chúc với mối tình kín như bóng đêm, âm u trong cõi lòng và cũng đắm say quá đỗi mà chưa thấy có một lời ngỏ ý - Có lẽ với mặc cảm thân phận và cảnh nhà của mày với Chúc, nên cứ đành hé cửa nhìn theo - Rồi mang theo về chốn vô cùng"

 Trong câu chuyện tìm về những hình bóng quá khứ, Lê Đình Hải nó nói tới mày thật nhiều, Hải hỏi tao,có nhớ lần tao với Hải tình cờ đến nhà Duy Thảo, cư ngụ phía sau cà phê Năm Dưỡng, đường Nguyễn Thiện Thuật, bắt gặp mày đang ngồi như một tượng gỗ, ngoài Duy Thảo còn có hai thằng du côn Mạnh móm, Đạt sứt, mặt cũng đang nặng như viên gạch lốc - Thấy có vẻ khác lạ, tao định hỏi, Duy Thảo đã nói ngay:"Thằng Đức đến tìm mày, nó xưng tên là "Đức Thượng Đế", thằng Mạnh nực gà "sửa" nó đấy. Vỡ lẽ, tao và Hải cười sảng khoái, Hải vỗ vai mày :"Còn may đó con, quả thật còn hên lắm đó, mày nói khơi khơi như vậy, theo tao, sẽ có lúc tụi tao gặp mày trong BV Đô Thành đó" - Nhớ lại cái danh xưng "Đức Thượng Đế" của mày, lúc mới tự đặt cho mình, mày có nói với tao, là đã đọc một bài thơ, dường như của thày Nguyên Sa Trần Bích Lan, ổng làm thơ tả người ăn mày, có hai câu mày ưng nhất, và tự nhận mình là "Ông Thượng Đế" - Hai câu thơ :
Tôi thấy Ông Thượng Đế đứng ăn kem ở đầu đường.
Ông nhìn tôi, đôi mắt tỏ tình thương.

 Thế là tao lại phải mất công giải thích cho Duy Thảo, Mạnh, Đạt, để chúng nó hiểu ý nghĩa Đức Thượng Đế là Đức ăn mày, chứ không hàm ý ngông, hỗn, nhận mình là Trời, và cũng từ đó "Đức Thượng Đế" - Nghiêm Công Đức có thêm tên mới là Đức khùng nữa .

 Đức thân thương của tao, rất nhiều người có chung một nhận xét là mày khùng, mày tốc, trong đó có những người bạn cùng khóa 19 VBQG/VN của mày, ngay cả những niên trưỏng của mày cũng cùng chung nhấn định như thế, riêng tao thì không, tao không thích dùng những chữ ấy để ghép thêm cho bạn tao, người bạn đã đi chung với nhau ít nhất cũng 3 năm sau cùng của Trung học, mãi tới lúc đặt chân vào đại học, thì mỗi đứa bước qua ngưỡng cửa khác - Mày học Luật khoa Sàigòn, còn tao đi trường khác - Mặc dù tốt nghiệp văn bằng Luật học là điều tao ưa nhất, mơ ước đến nay vẫn còn, thế mà chẳng biết tại sao tao vẫn không đạt được - Lý do giản dị : Anh ruột tao đã ở đó đi ra - mà lại có học vị cao nữa - Tao không muốn theo đuôi, vì tao muốn qua mặt chứ đi phía sau nó quê lắm, và biết chắc không thể qua được , nên thà đứng ngoài nói "đểu" sẽ mạnh miệng, bạo mồm hơn - Ai kêu mày bằng tên gì, mặc kệ họ. Tao vẫn cứ gọi mày là "Đức Thượng Đế"-Từ ngày mày bỏ đi về cõi khác - mày đã trả xác thân cho mảnh đất quê hương để tạ lỗi, vì mộng ước cao như núi không thành, mấy chục năm rồi, có lần nào mày về thăm lại chốn xưa, con hẻm 242 Nguyễn Thiện Thuật, Sàigòn không, chỗ đó đâu có lạ gì, nó quá quen, quá thân thương như nhà mình phải không ? Nhà mày cũng ở cách đó không xa mấy - Con hẻm 242 ấp ủ những năm tháng của bọn mình, nhất là đối với mày Nó cho mày rất nhiều vui và cũng quá nhiều u uất, muộn phiền, ở đó có nhà thằng Khải Sẹo - Có Chúc - có nhà thằng Nhẫn Bến Nghé Hoàng Việt Thủy - Tao không hiểu lúc đã vĩnh biệt đời, mày có bao giờ tìm về chốn cũ để vời vẫy những kỷ niệm của dương trần? 

 Riêng tao, từ thuở ra đi mơ làm dũng sĩ, chưa quay về được một lần, tệ bạc như thế đấy, nhưng nói cho cùng thì cũng tội nghiệp cho tao nếu trách cứ - Tao với mày là lính, ra mặt trận cứ theo tiếng đạn mà đi, mê mải trong chiến tranh, cuồng quay trong lửa đạn, có đâu ngày tháng thong dong để ghé chốn này, vui chơi cỗ kia, lác đác mốt đôi khi có tí tẹo giờ rảnh là đi trả thù đời, chạy như kẻ lạc vía, mất hồn, mau về với vợ con chút xíu, rồi lại như ma rượt sau lưng chạy về đơn vị - Hơn nữa là sau khi tao ra trường SQTB/Thủ Đức được sáu hay bảy tháng gì đó, thì thằnng Hoàng Việt Thủy cũng nhập ngũ, nó đi sĩ quan trừ bị như tao, sau hai khóa, nghe nói lúc mãn khóa thằng Nhẫn Bến Nghé tình nguyện lên cao nguyên, vì có tình nhân là người xứ Thượng, cô giáo tại Pleiku, để cha mẹ già với con hẻm ngập đầy hình bóng đứa con trai duy nhất, việc nó tình nguyện đi lính, tình nguyện lên cao nguyên đánh giặc,cũng đã đem lại cho nó biết bao ngộ nhận -"Thằng Thuỷ nó ngu, con trai độc nhất mà không biết xin hoãn dịch vì gia cảnh dài dài, đéo biết mà làm, đã thế nó lại còn bạc nữa, bỏ cha mẹ lại trơ trọi với tuổi già " - Nhưng nếu nghĩ cho cặn kẽ thì thằng Hoàng Việt Thủy đâu có gì để phải mang tiếng ngu, nhập ngũ làm lính đánh trận, tất nhiên nó phải chịu nhiều mất mát, thua thiệt nhiều hơn cho chính nó, cũng như mày, như thằng Hải, thằng Long Tân Việt hay thằng Chu văn Thiệp, mỗi đứa cũng đều có hoàn cảnh, có lý do để "ở nhà", nhưng bọn mình đều trở thành lính, thì việc thằng Thuỷ cũng có lý do, nguyên nhân của nó, trách chi cho tội nghiệp phải không? Lên cao nguyên hay đồng bằng, ở đâu mà chẳng đạn réo, tên bay - Mày và tao, thằng Thiệp, hơn gì nó, đánh thấy mẹ, đánh từng giờ mà Việt cọâng vẫn nhiều như dế - An toàn gì hơn nó, nhiều lần chạy quên cả tên mình nữa, chứ đâu phải hễ đánh là thắng - Như trận Bình Giả chẳng hạn, vì nhảy xuống đầu tiên, đơn vị tao bị vịt con ào vô cắn, mổ, tao phải lủi vào lùm cây cà phê, bụi chuối để né chút đỉnh, vậy mà lúc tụi mày, TQLC, Nhảy Dù ào ào kéo đến thì vịt lại chạy, không dám cạp cạp một tiếng Và tao lại ra khỏi lùm bụi, đứng thẳng lưng, quên ngay mọi chuyện để nói phét tưng bừng .

 Trở lại với câu chuyện của con hẻm 242 Nguyễn Thiện Thuật, Q3 Sàigòn, nơi có nhà thằng Khải sẹo, có Chúc,người mày yêu trong cõi tình si, có nhà thằng cao bồi "Nhẫn Bến Nghé" (Tao chẳng hiểu lý do nào tên nó là Hoàng Việt Thủy, mà lại gọi là Nhẫn Bến Nghé " Đạo hiệu của nó chăng") Con ngõ ấy, khu phố ấy, đã cho bọn mình những êm ấm thơ dại, những phơi phới nguồn vui,dù đứa nào cũng thuộc loại 3 đồng 4 điếu Ruby (tức không có tiền mua cả bao) - Học sinh nghèo, lòng dạ lúc nào cũng hừng hực những cao vọng, những ước mơ - làm để dương danh - cũng có lần mày nói với tao : Thằng Khải sẹo, thằng Hải và mấy đứa kia, gia thế khá giả hơn mình, không đến nỗi phải ưu tư, đắn đo mỗi khi mua cuốn sách không hợp túi tiền - Mày đã tiếc nuối : Phải chi Bố tao làm quan lớn hơn chức ông đang có, hoặc ít anh em đi một vài đứa, không chừng cảnh nhà đỡ hơn - Tao đã phải nạt mày :"ĐM nói như cứt, mày có ý tưởng ấy trong đầu thì quả thật óc mày là bùn - Bố mày cứ phải là quan lớn thì nhà mày giàu chứ gì - Thế là mày muốn cho ông ấy là quan tham nhũnh, đục khoét phải không - Im đi, vứt cái ý cứt ấy đi - Tao đây này - Bố tao cũng là quan, mà quan to chứ bộ, nhưng quan về hưu rồi, bây giờ bệnh tùm lum, mọi việc cáng đáng do các bà chị, tao chỉ có tiền học và cỉ có thế thôi, không được một cái gì khác, tao có chán đếch gì đâu - Đi kèm trẻ nít lấy tiền may quần áo, mua sách - Mày hối hận tự sỉ vả mình vài điều luân lý rồi đấu láo tiếp - Từ ngày ra trường, rồi trận này tiếp trận hành quân khác, tao không một lần quay về chỗ đó nữa , nghĩa là hẻm 242 Nguyễn Thiện Thuật hay cà 'phê Năm Dưỡng, nó ở xa mãi đâu đâu mà gót giày của tao không có dịp đi đến nữa .

 Thằng Lê Đình Hải cho hay, nó, thằng Phạm Quang Ngọc - Nhà thơ lớn Hoài Trang - thỉnh thoảng về phép là chính nó ghé thăm ba má thằng Thuỷ, rồi đi cho hết con hẻm 242, qua nhà họa sĩ Thịnh Del xong, tụi nó trở ngược để đến trước cửa nhà mày, hoặc nhà thằng Khải sẹo - Thằng Khải cũng đã đi đâu, làm gì chả ai biết, ngoài gia đìnnh nó, còn cô Chúc, chúng nó không dám hỏi . Hai thằng nhìn quanh khu phố, từng khung cửa nhà bạn bè, cái cột đèn,nơi mỗi lần tao đến, dựa chiếc xe đạp vào đó, rồi đi khắp chốn, trở lại xe vẫn còn (vì nó cũ đến nỗi chỉ còn một nửa tay lái) - Những lần về thăm ấy, bao giờ ba má thằnng Thuỷ cũng hỏi đến tao và mày, nhất là má nó, tao cũng gọi cụ bằng máp - Bà già luôn luôn than với Ngọc và Hải, thằng Nhẫn (bà không kêu là Thuỷ) cả năm rồi nó không về thăm tao,còn hai thằng Đức, Linh ( tên của tao lúc bụi đời) cũng chẳng ghé đây nữa, bọn nó đi biệt rồi, nghe nói lũ bay toàn là lính đánh giặc không hả ? Có đứa nào làm biarô (bureau) không ? - Thật tình thì tao cũng quên nhiều thứ lắm - Tao cũng chẳng quan tâm, mày, thằng Đồng Đăng Khoa, Phạm Ngọc Khuê, đi đâu, ở đâu, và làm cái gì, bởi tao cũng có những riêng tư như mọi người, chỉ nhớ một lần, mày với tao ngồi ở nhà thằng Thủy, sau khi đã mất công đi bộ ra cà phê Gió Bắc ở Phan đình Phùng, mua 3 ly đen mang về, chỉ là cái cớ để cho con nhà Hải mập, được nghế con gái ông chủ tiệm (con ghẻ) - Nàng tên gì, chả đứa nào quan tâm, nhưng nàng được cậu Duyên Anh có vẻ thích, thì thằng Hải theo dõi hơi kỹ và có chút ghen . Ngồi bệt với nhau trước hiên nhà, hút Ruby,cà phê uống dè sẻn sợ hết, tất cả im lặng để cho mày có dịp thuyết về thời sự, về tương lai của các "ông" trong những năm sau chiến tranh - Tới lúc này, tao vẫn nhớ câu kết luận của mày :"Các bạn không thấy sao, chiến tranh ngày càng lớn, lệnh động viên đã áp dụng (K.12 SQTB/TĐ). Nếu mình không tính toán cho chín chắn, lừng khừng để bị gọi đi sĩ quan trừ bị, ở nhà phụ nữ họ thế chỗ của đàn ông trong các công sở - Hết hạn lính, mình về là hổng cẳng, nửa ông, nửa thằng là bỏ mẹ, có lẽ tôi cũng đến lúc tự lo liệu cho mình, không làm quan văn được thì đi làm quan võ, không chừng lại được tiếng thơm muôn đờ" - Và, rồi mày đi lúc nào có ai biết . Riêng tao xin được chân dạy giờ, ở một trường trung học ngọai ô, nơi xứ đạo di cư, tạm yên việc ăn học, nên quên cả dong chơi với bằng hữu - Ngày qua tháng lại, rồi tao cũng phải vào lính, đúng boong với lời phán đoán của mày, lần lượt những anh học trò, ông giáo và các ông khác nữa, dắt tay nhau gia nhập quân đội, giày saut, áo trận, lao đao, lận đận với nhau trong cuồng phong lửa đạn, kẻ còn, người mất, vơi dần đi theo năm tháng . Nếu không gặp thằng Lê Triều Dư,cùng học một lớp ở CVA, cùng khoá sĩquan hiện dịch với mày - Dư và tao cùng đến trình diện BCH/BĐQ Trung ương, để nhận đơn vị, nó nói mày về TĐ 52/BĐQ, con nhà Khoa thì không biết đi đâu, nhưng cũng BĐQ - Không hề có lời giao ước, thế mà lại cùng ở chung một binh chủng (sau đó ít lâu, cả thằng Chu văn Thiệp, niên đệ của mày, cũng là một trong những con cọp) - Biết là mày và thằng Khoa ở cùng binh chủng với tao, biết để mà biết thôi chứ có gặp nhau lần nào đâu, mặc dù đơn vị mày, đơn vị tao phục vụ, hai TĐ/BĐQ vẫn tham dự hành quân chung, từ Đất Cuốc, chiến khu D, đến Dương Minh Châu v...v..., nhưng mỗi thằng ở một cánh - Hết hành quân, mỗi đứa lo việc riêng của mình , mỗi đứa vội vã tiêu pha cho hết cái số vốn thời gian có được cho tận láng, hối hả như đứa bé khát sữa, húc đầu nơi ngực mẹ, cuống cuồng và tham lam, phải xài cho mau, lỡ mai không còn dịp để xài .

  Bởi đó, tao cũng như mày, dường như đã quên nhau trong thời gian khá lâu, dài đến mấy năm . Và rồi cũng đến lúc gặp nhau Tao nhớ không rõ lắm, hình như cuối năm 1965 hay đầu 1966, hai TĐ/BĐQ cùng tham dự cuộc hành quân truy quét bọn VC ( hình như đi vây bắt bọn đầu não Trung ương cục MTGPMN của Cộng sản) đó là TĐ33/BĐQ và 52/BĐQ của mày, do sự điều động của Sư đoàn 10 ( tên kiếp trước của SĐ 18 BB) trong lòng chiến khu D - Vùng Mã Đà, Bến Nôm, Cây Gáo . Đơn vị tao được trực thăng vận nhảy trước, tiếp theo TĐ 52, nhưng lạ một điều, suốt những ngày từ N đến N+15, bên cánh quân phía tao chẳng đụng độ gì lớn, bắn sẻ, bắn báo động để hè nhau chạy (có lẽ VC nó sợ đơn vị tao há mày ?) - Ngược lại,bên trục tiến quân lục soát của mày, thì lũ vịt con theo bén gót - Ngày thứ 12 của cuộc hành quân, đơn vị mày đã chạm địch khá nặng, Tiểu đoàn mày đã thọc ngay vào lỗ rốn tụi nó, chỗ ẩn trốn của cái gọi là Trung ương cục, nhưng bọn ?gộc? đã chạy thoát rồi, còn lại đơn vị gọi là quyết tử, bảo vệ Bộ chỉ huy, tiếng súng vang động từ 10 giờ sáng, rộ lên từng chập, rồi lại lẻ tẻ, lẹt đẹt từng viên . Cánh quân bên này tụi tao đã được lệnh dừng lại, sẵn sàng bẻ hướng để qua tiếp tay, nhưng khoảng hơn 1 giờ sau (11:30) thì đư]ợc tin bên mày đã dọn sạch bãi rác - Ngồi gần BCH/TĐ, nên tao nghe tin báo sơ khởi, ĐĐ của mày lập công đầu, tịch thu 1 ông già 61 tuổi (súng cối 61 ly), hai tiểu liên và cây trung liên nồi, các ĐĐ khác nữa cũng đang tập trung chiến lợi phẩm .

 Hành quân chấm dứt, các đơn vị về nghỉ dưỡng quân ít ngày tại tỉnh Long Khánh - Mày và tao đã gặp nhau trong quán hủ tíu kế bên Tiểu khu, lần đầu và cũng chỉ một lần ấy thôi - Tao ngạc nhiên quá khi thấy mày đeo Đại úy, hỏi :? Ê mày, bắt cái quan ba nhà nước lúc nào vậy, nhanh quá? Mày cười toáng lên :"Không, đây là lon H.T.Nh - ổng hứa kỳ này sẽ chạy cho tao đặc cách và chắc ăn nên đeo trước cho đẹp - Không dính thì ông lại bỏ xuống, ngượng đéo gì" - Từ đó, không có dịp gặp nhau nữa. Tao nghe thằng Vũ Ngọc Cới nói là sau vụ VC đánh vào Sàigòn tết Mậu Thân 1968, mày đã rời khỏi binh chủng làm Phường Trưởng, vì các lý do mà tao không thấy vui, dù chỉ là chút ít . Ở phường một thời gian ngắn, mày lại trở về với cây súng, bi đông nước bên hông, miệt mài với những cuộc hành quân, nghĩa là mày đã trở lại mặt trận, cùng các chiến hữu đi vào chỗ đạn bom, chỉ khác trước là mày đổi màu quân phục, không còn mặc đồ rằn ri nguỵ trang nữa, ông "Đức Thượng Đế" là quan của một đơn vị Bộ Binh, vùng IV chiến thuật - Thằng Cới cũng cho biết là thời gian phục vụ tại vùng IV của mày không lâu, được chừng một năm hay hơn vài tháng, thì trong một chuyến hành quân, mày đã lợi dụng lúc súng nổ, bỏ anh em, bỏ đơn vị, để nằm xuống bên bờ con kinh vô danh, bởi một viên đạn do thằng VC chó chết nào đó bắn vỡ tim mày, cũng tại mày hết Đức ơi ! Ai bảo mày có cái tật khùng điên - Đây mới đích thực là Đức khùng, Đức mát, ở hậu cứ hay ra trận, lúc nào cũng cứ đeo lon vàng choe choé trên nắp túi áo Có ai nhắc nhở thì mày vênh mặt, giọng đặc sệt mát giây :"Thế ông đi sĩ quan làm gì " Hãi đéo gì chúng nó, có lon thì phải mang - Nên nhớ đạn nó kiềng tao, bay gần đến là nó đổi hướng trúng thằng khác? - Và đến lúc nó hết ngán, vật mày xuống bên bờ kinh, với cái lồng ngực phá toang hoác, máu thắm đỏ khoảng cỏ năng, cỏ lác, mày "đi" vội như đứa trốn nợ, không kịp một lời từ biệt - Thật tệ quá ! Nghe thằng Cới nói, tao vẫn hoài nghi, hỏi :" Có chắc chắn thằng Đức tốc nó xuống dưới với ông già nó không?" " Làm sao mày biết?" - Cới trả lời :"Tao đoan quyết 100% - Năm 1971, tao được nghỉ phép, về Sàigòn, ghé nhà thăm nó, vừa bước vào phòng khách là tao nhìn thấy ngay nó ngồi trên bàn thờ - Hình của nó không phải BĐQ, mà cũng chẳng là BB - Tấm ảnh chụp lúc nó mặc quân phục đại lễ của trường Đà Lạt nhà nó - Nét mặt "thằng em" trang nghiêm thấy mà thương - Tội nhất là bà cụ mẹ nó, bà khóc hoài - Cụ nói một mình :" Sao con tôi nó lại như thế, có ai chê trách hay nói nặng nhẹ gì đâu, nó đã đi trận rồi, mấy năm chứ có ít ỏi gì, người ta cho về làm phường thì cứ yên phận, chỗ nào không làm việc, cũng là nhà binh, vậy mà nay nó nói quê quá, mai nó than ở như vầy riết rồi nó ươn người ra, bạn bè nó không nhìn mặt mình nữa, chúng nó cho mình tuột lại sau lưng, nhất định tìm cớ này, cách kia để xin ra cho được ."

 Nó là đứa bạc với gia đình, bỏ mẹ già lại, chẳng đoái hoài - Giờ thì nó toại nguyện rồi, đi luôn, đi biệt luôn - Sao ông Trời lại nỡ hại con tôi, nó làm gì ác đức đâu mà để cho nó chết thảm hả Trời cao đất dày ơi - Đột nhiên bà cụ như chợt tỉnh, quay qua hỏi tao - Lời thằng Cới - "Này ông! Hay là lúc nó ở cùng chỗ với các ông, lúc đánh nhau, nó tàn bạo và ăn ở thất đức lắm, nên phải chịu đoản mệnh chứ gì?" - Tao (vẫn lời thằng Cới) chưa biết nói thế nào thì bà cụ lại tiếp :" Không đâu, con tôi nó hiền lành, chỉ có mỗi một tội là tính nết gàn dở, nên nhiều lúc ai cũng bực mình vì nó "- Vũ Ngọc Cới thắp cho mày nén hương tưởng niệm rồi xin phép ra về, nó không dám ngồi thêm nữa, để tránh cho cụ nỗi buồn đau của người mẹ mất con, xót xa vì mất mày cứ theo năm tháng dày mãi lên,không biết bao giờ mới nguôi quên hình bóng đứa con trai, dù thế nào chăng nữa, nó vẫn là đứa bé ngốc nghếch, cần được chăm sóc cẩn thận . Thằng Cới còn nói, từ nhà mày ra, nó định đến thăm thằng Khải sẹo, lúc gần tới, nhìn thấy cô Chúc ngồi trên chiếc xích đu nhỏ trước hiên, đôi mắt ngó mông vào khoảng không, nét mặt lạnh và xa vắng như tượng, dường như đang thả hồn bay ở cõi nào . Cới nó hiểu là không nên ghé nhà Khải sẹo vào lúc này nữa, hẹn lần khác thăm nó vậy - Cới cảm thấy tâm hồn trống rỗng, nó bị ám ảnh về cái chết của mày . Tại sao mày lại đi - Có vô lý không? Nói cho ngay thì có gì đâu để luận về sự hữu lý hay vô lý - Súng đạn nổ từng giờ, mỗi bụi cây, lùm cỏ, từng bờ tre, gốc dừa của quê hương mình đều mang đầy thương tích đạn bom, thì chuyện thằng này chết, thằng kia tổ quốc tri ân cũng là chuyện bình thường, chuyện dĩ nhiên của những người lính chấp nhận đem đời mình để trang trải cho binh nghiệp -

 Dù biết thế, nhưng vẫn buồn, vì những kỷ niệm của chúng mày, những năm ở chung đơn vị . Giao tình bằng hữu giữa mày và tao, cùng những thằng bạn khác, kởi đi từ 1957 đến nay ( tính cho đúng là đến ngày mày lìa đời) đã được mấy chục năm, bắt đầu bằng câu chuyện bọn mình gồm có thằng Doanh lớn (KQ cũng đã chết) thằng Hoàn, sau là Dược sĩ Quân y, thằng Tiến mù, luật sư ở VA/USA, mày và tao . Bọn mình hè nhau đem chiếc xe đạp Mercier bằng nhôm, của thày Tr.Đ.Ý dạy Pháp văn, cột vào dây cờ, kéo lên một đoạn, giờ tan học, cụ Ý ra về không có xe, ngó quanh, miệng ca cẩm :"Quái lạ, cái xe của tôi để ở đây, có anh nào mượn đi đâu không ? Sao lại biến mất thế này ?". Nấp trong góc khuất của hành lang, nín không được, thằng Hoàn bật cười, thế là cả bọn bị bắt, kéo nhau ra đứng trước mặt thày,sau khi mày đã dắt xe trả lại cho ông cụ - Thày hỏi trong các em, anh nào đầu têu việc treo xe của thày, mày đã nhanh nhảu đưa tay :"Thưa thày, không phải dấu, con sợ chúng nó thấy xe của thày tốt, sạch quá, chúng nó nghịch, nên con buộc xe của thày lại cho nó chắc chắn". Tưởng là sẽ bị phạt, ai dè Thày Ý đã nói :"Cám ơn cái lý sự cùn của em, lần này thày tha, các em đừng có nghịch dại như thế nữa nhé, sắp thành người nhớn cả rồi". Thày Ý đi rồi, chúng mình lại phá lên cười rất sảng khoái, mày lục trong túi, còn được mấy đồng bạc, rủ nhau ra cổng trường ăn đậu đỏ bánh loọt, trả một nửa tiền, thiếu lại một nửa - Như thế đấy, kết tình bằng hữu với nhau từ thuở còn là học trò, có cả một cõi trời mơ ước trước mắt, tới những năm làm lính, mình lại là chiến hữu, cùng nhau tiêu dao ngày tháng cho trận mạc, vì thế mà tao hiểu tâm tính mày nhiều hơn những đứa khác .

 Tao đang nhớ đến mày,thằng học sinh trung học Nghiêm Công Đức, thằng con trai đi dong chơi "Đức Thượng Đế", tự nhận mình là người ăn mày trong thơ của một thi sĩ - Thằng SVSQ man man, khùng khùng, với cái tên Đức khùng hay Đức tốc . Chưa có ai có nhiều tên như mày, toàn những tên nghe qua là đã để lại một ấn tượng trong đầu người nghe . Có khá nhiều người nghĩ là mày khùng, mày mát giây Đúng quá đi chứ ! Những ý kiến, những nhận định của mày đưa ra về một vấn đề gì đấy, mọi người thấy nó ngang phè, khó chấp nhận được, riết rồi thành ý kiến khùng là phải thôi - Lúc đi học, lựa chọn cho mình một cái tên giang hồ, mày cũng lựa cái tên vừ thốt ra khỏi miệng là đã nghe một cái rầm - té ngửa - Không một ai, chẳng một người bình thường hay một đứa du côn nào lại đứng yên, khi nghe mày xưng là "Thượng Đế", cái tên cha người ta, mày có thành tích lẫy lừng gì thì cũng còn khả chấp, giá như hồi đó, mày chém thằng nào một dao như thằng Tài chém, hay đâm lòi ruột một thằng như Lâm thợ điện,thì mày đâu có phù mỏ - Không ai rảnh để nghe mày cắt nghĩa chữ Thượng Đế, chỉ vì muốn nhận mình là người ăn xin trong thơ - Khi đã trở thành sĩ quan, mỗi lần đi đáng giặc, mày cũng tự trang bị cho mình khác mọi người, ngoài khẩu Colt.45 đeo xệ bên hông, thêm vào đó là giây đạn M.79 vắt xéo qua ngực, tay lăm lăm cây M.79, sẵn sàng bóp cò cho viên đạn lao đi Có ai hỏi sĩ quan Đại Đội Trưởng đâu cần phải như vậy, mày tỉnh bơ đáp :" Cho giống Fernando Sancho, tài tử Mễ đó bạn" , đáng gọi là khùng chưa ? Còn cãi vào đâu được nữa .

 Thôi ! Đức ơi ! viết về kỷ niệm, về những ước mơ của mày, của tao, của tất cả những thằng cùng trang lứa với mình, bao nhiêu cũng không đủ và nhắc mãi cũng chẳng thừa . Hôm nay tao gọi mày về để cùng nhau ôn chuyện cũ, tao biết là độc thoại, nhưng vẫn cứ tưởng như đang có mày bên cạnh, ngồi chéo nguẩy, vói điếu Ruby kẹp giữa hai ngón tay . Tao cũng muốn nói với mày vài điều quan trọng là mày bỏ gia đình, bè bạn để giã từ cõi trần về dưới hơi sớm hơn anh em, nhanh hơn đám bạn bè cố cựu của mày, có thiệt thòi thật đấy, nhưng chỉ đối với gia đình mày thôi, đối với chiến hữu của mày gần gũi với mày, so ra mày có phúc hơn nhiều . Này nhé, mày chết đi, đồng đối đã đem được mày về tới tận nhà, để sắm cho mày một chỗ nghỉ miên viễn - Có lẽ mày còn nhớ thằng Nhật, thằng Bài hả ? Hai đứa nó đi lính Biệt Kích (nhảy toán) sau lần gặp hai đứa nó, tốt nghiệp khóa sĩ quan và hoàn tất khóa huấn luyện đặc biệt ơ Long Thành, rồi cả hai đi công tác, nhảy ra Bắc và đi biệt luôn, không về nữa - Chết chắc rồi - mất xác ở một khe núi, góc rừng nào đó, nơi đất Bắc Việt Nam, để lại nỗi mỏi mòn vô vọng cho gia đình, cha mẹ héo hon vì con mình biền biệt nơi nào . Mày thấy không, chết như mày là có hạnh phúc nhiều đấy, thằng Tự thì bị quỷ sứ, âm binh mổ bụng cho chết, vợ xin xác không cho nhận, đem quăng xuống đìa - Mẹ già lập bàn thờ con, bọn vô lại đến thóa mạ, bắt cất cái hình nhà binh đi, thay hình khác - Chúng nó hèn hạ và đê tiện như thế mà lại cai trị cả nước, thì đất nước, dân tộc, cách gì ngóc đầu lên nổi hả mày !!!

 Những thằng còn sống như tao, như Lê Đình Hải, Hoàng Việt Thủy v...v... hơn gì mày đâu - Đứa liêu lạc xứ người, làm thân lưu vong, mai này chết đi, đành gởi nắm xương tàn, cốt rụi nơi đất khách Hàng ngày ôm mối hận thù chất ngất đến mãn kiếp mà thôi - Đau đớn và tủi buồn cho người còn ở quê nhà như Hoàng Việt Thủy đấy, đôi dép nhựa lê lết hẻm này qua ngõ kia, với vài tấm vé số kiếm sống, vật vờ, khốn khó - Con của nó không được học, hụp lặn nơi con kinh nước đen Trương Minh Giảng, Nhiêu Lộc, mò từng cái bịch nylon, lượm từng thanh củi mục, bán lấy chút tiền mua gạo, đạp xích lô bị phạt thu xe - Hãy nghĩ coi còn điều nào chó má hơn những cách đối xử của lũ yêu quái thành người, nhận chìm đất nước xuống như chúng nó không ?

 Nói chuyện với mày cũng lâu quá rồi, nắng nóng làm tao mệt, bây giờ thì hãy yên nghỉ Đức nhé - Tao xin mày, nếu có còn vương vấn cõi trần, mà người ta gọi là linh thiêng, thì mày hãy phù hộ cho thế hệ mai sau của chúng mình, thay thế chúng mình mà thanh toán bầy ác điểu vẫn đang rỉa rói thân xác Việt Nam đến trơ xương từng ngày ....

Tháng 7 Cali
Nguyễn Thế Đỉnh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn