BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73463)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trang nhật ký cuối năm…

20 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 1155)
Trang nhật ký cuối năm…
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Cây mùa xuân trổ bông trên đất An Điền

 Sau những ngày chạy vạy tứ phương, sau những đêm trăn trở. Chiều nay tôi phóng xe từ Sài-Gòn lên An Lộc để kịp cái hẹn 16 giờ gặp T tại Bến Cát, nơi đó một số anh em TPB sẽ có mặt, chúng tôi lại có cái cơ hội nhìn thấy thật rõ những vết thương năm nào, những dòng máu đỏ, đã chảy xuống bón cho quê hương. Những khôn mặt già nua, cằn cỗi bởi những chịu đựng, khó khăn của cuộc sống, tình huống bất lợi của một thương binh thuộc cái chính quyền đối ngược với hệ thống cai trị hiện hữu trên cái nước nhà đã thay tên đổi chủ.

 Họ, những người anh em cùng mang áo lính như tôi, nhưng họ đã trở thành phế nhân, bị xã hội ngày nay ruồng bỏ, căm hận và cũng bị quên lãng trong lòng người bởi năm tháng quá dài, hay bởi những thế hệ mới vươn lên, không còn điều kiện để nhắc nhở cái quá khứ không còn gì để nhớ trong lòng họ.

 Trận mưa trước Tết đổ xuống bất ngờ… Mưa lớn, tôi phải chui vào mái hiên bên đường đứng núp, nóng ruột nhìn ra đường, những hạt mưa đang nhảy múa trên mặt lộ vừa được trải nhựa mới toanh chuẩn bị cho cái tết, đất nước này bao giờ cũng thế, khoái khoe cái sặc sở, dù trong đó nó ẩn chứa một cái tàn lụi ngấm ngầm, cũng như con đường trước mặt, phía dưới lớp nhựa này là những ổ gà, được vá víu sơ sài rồi tấp lên lớp nhựa mới… coi như xong ! Mới một cách giả tạo và đúng từ mà HỌ dùng… “không chất lượng”.

 Mưa ngưng, tôi lên cầu Bình Triệu, khi qua khỏi đường rầy xe lửa cắt ngang là tôi chạy hết ga mong cho kịp... đến sớm một chút để chuẩn bị món quà được gói ghém trong cái bao thư màu trắng, những cái bao thư mà đêm qua tôi mày mò cắt dán bằng tờ giấy A4.

Tới cầu vượt ngang xa lộ Đại Hàn, một trận mưa lớn lại ập xuống. Chui núp dưới gầm cầu, tôi bắt đầu thấy lo, cơn mưa kéo dài, dài quá cỡ với cái nôn nóng trong lòng. Bốn giờ rưởi chiều tôi mới đến Bến Cát, T đón tôi sau mấy cuộc điện thoại chỉ tọa độ trên con đường 13 dù quá quen thuộc, nhưng chính chúng tôi cũng phải tá hỏa bởi những thay đổi quá nhanh và hoàn toàn không còn nhận ra, trừ cái ngả ba rẽ vào chợ.

 Theo con lộ cũ chúng tôi tới An Điền khi chiều xuống thấp. Áp xe sát tôi, T nói vừa đủ hai thằng nghe giữa dòng xe cộ ngược xuôi:

- Thành không đi được, hắn đang bị công an làm khó dễ… Thôi mình đi.

 Thành, là một TPB mà T hẹn đi đón không thể đến để cùng ngồi chung một chiếu cho mỗi một năm có một lần, anh vừa bị công an mời lên hỏi lung tung về những khoản tiền của một ai đó thương tình anh mất cả hai bàn tay và một cẳng chân, nên gởi cho anh ít tiền qua một ngân hàng và vấn đề chỉ có thế, anh phải trả lời những câu không thể ngờ được “Ai cho anh tiền ?”… Trời ! bản thân cái thằng người thương tật đó làm sao mà biết người cho là ai? Ai mở lòng thương mình như vậy? … Và rồi để cho cái yên lành trong chuỗi ngày thương tật còn lại được bình an, anh tránh mặt chúng tôi, cắn răng tránh mặt những bè bạn cùng tàn tật mà anh thường chuyện trò khi buồn, khi vui. Đó là câu chuyện bị rắc rối mà lần đầu tiên tôi nghe tới, nhưng nó là thật tại An Điền, Bến Cát.

 Nơi gặp gỡ của chúng tôi là một phòng khách trong nhà một người quen khá tươm tất tại cái vùng quê hẻo lánh của An Điền, Bến Cát. Cái xứ kề gần với Chơn Thành, có ít nhiều tai ương khi đường máu 13 bùng nổ với mùa hè đầy nước mắt của An Lộc.

 TPB Võ văn Nhàn, tuổi gần 70 nằm trên cái giường sắt, anh trần truồng úp mặt vào tường, người phế binh tội nghiệp này từng có nhiều năm cõng thằng cháu đi ăn xin trên mảnh đất An lộc sau năm 1975, khi cái đất nước mà anh đã chiến đấu bảo vệ nó trong tinh thần của một chiến binh tự do, bị buộc phải buông súng đầu hàng, và thân phận của một quân nhân giải ngũ loại 3 có đệ tam nhân phụ cấp, cái ơn đền nghĩa đáp mà chính quyền trước đó đã cố gắng giúp anh sống còn.

 Tôi quỳ xuống bên giường lúc người cháu vội vàng mặc cho anh cái “củng” một loại quần tự chế để che đi cái xấu nhất, nhưng lại cần có nhất của một người đàn ông, tôi ngăn anh khi thấy nó không cần thiết, có lẽ vì anh cố giúp thân nhân của mình không quá lõa lồ trước một người lạ, tôi định nói một câu gì đó trước người lính cũ, nhưng anh bây giờ chỉ còn như một tảng thịt xương vô cảm giác. Nghẹn ngào nắm tay anh, tôi chỉ còn biết nắm tay anh.

 Trở ra phía ngoài, anh em TPB của chúng tôi chỉ vỏn vẹn 4 mạng đang ngồi quanh cái bàn gỗ làm bắng gốc cây khá đắt tiền, nhưng chắc chắn 3 người trong số họ không thể thấy bất cứ cái gì khi đôi mắt họ đã mù, trừ hạ sĩ Dương người MỘT CHÂN VỀ CHÔN BẠN tại An Lộc Mộ Chí mà tôi biết cách đây vài tháng, 3 thằng mù ngồi kề một thằng què, sân khấu là buổi chiều có mưa trong những ngày cận tết ở đất An Điền.

Khác những lần gởi quà cho những anh em TPB trước, tôi hoàn toàn chết điếng, không nói được câu gì, chỉ lí nhí mấy điều về nguồn gốc món quà cuối năm mà tôi muốn nó xôm tụ một chút nên gọi là “Cây mùa xuân”. Bởi tôi chợt nhớ ngày xưa, xưa lâu lắm rồi, khi ở lính tôi có nghe những câu chuyện kể nhiều năm về “Cây Mùa Xuân Chiến sĩ”. Năm nay tôi cũng làm cái cây mùa xuân nhưng nó là cây mùa xuân cho những thằng đui què còn ở lại .



 Nghe những câu cám ơn trong nước mắt của người phế binh tôi không thể cầm lòng, nhìn cái hình ảnh của anh Nhàn, một TPB đang điên loạn chờ chết tôi bùi ngùi, chính họ đã gánh cho ai đó còn nguyên vẹn, mà ai đó đâu biết cái chịu đựng ngoài khả năng của thân thể đang trong những giây phút lâm tử gần kề, nó tàn nhẫn đến mức nào?

 Không khí buồn rầu phủ lên chúng tôi, dù rằng những người anh em thương tật của tôi cũng có chút niềm vui khi có món quà từ xa gởi về. Bên cạnh họ, một bè bạn cũng thương tật, cũng bị khô kiệt như họ, đang chờ chết.

 Đang cố chuyện trò cho rôm rả một chút thì tôi nhận điện thoại từ Úc của một ông anh từng tù rạc với tôi nhiều năm, A20 Vũ trọng Khải. Anh nghe tôi báo cái việc mình đang làm, tội nghiệp ông anh của tôi, ông bảo tôi mở loa ngoài cho anh thăm hỏi anh em một tiếng, ngại làm phiền chủ nhà tôi đành chuyển lời anh và cũng không quên báo cho anh biết, món quà anh gởi cho riêng tôi, đã bị thằng em xung vào cái quỹ không đáy vào cuối năm, anh chỉ cười khì… mai mốt tao… đền.

 Tôi cũng phải cám ơn anh đã gỡ cho tôi qua cú điện thoại, chính lời thăm hỏi từ xa đó nó ảnh hưởng vô cùng, tâm lý vô cùng đối với những phận người mà họ luôn nghĩ mình đang bị lãng quên. Tự nhiên cái không khí trầm trầm đó thay đổi, những khuôn mặt nhiều u uẩn đó thấp thoáng có một chút vui.

 Hạ sĩ Dương, một người lính nhiều tình nghĩa, có nét mặt hiền từ và chất phác

Anh ngồi cạnh tôi, cho tôi cái cơ hội sờ lên cái chân giả mà anh xin được của một người bạn, sau khi bị đuổi cổ ra bệnh viện vào ngày tan trận, anh chống ba chân về quê, cặp nạng làm anh vô phương cựa quậy kiếm cơm. Anh từng kể tôi nghe về cái chân giả của anh, cái chân ngắn hơn chiều cao của anh. Vì nó là chân của thằng bạn anh, hắn lùn hơn anh, nên khi giao cái chân về với anh nó được kéo dài hơn bằng cách thông minh chưa từng thấy, anh hạ sĩ của tôi đã chêm một đống vớ, giẻ rách dưới đầu gối cụt rồi mang vào, nịt cái đai chắc hơn chút là anh có thể đi đứng, đỡ khập khiểng hơn, cái chân giả bây giờ dài thêm một chút.

 Đầu tiên chính cái Thằng Chân nầy ọ ẹ làm anh đau, nhưng anh đâu cách nào khác, phải nghiến răng tập cho cái Thằng Chân chịu chơi chung và cùng đi với anh.

Anh cười nhe hàm răng với tôi:

- Ông biết không, thét rồi quen, bi giờ dĩ nhiên nó còn ít khó chịu khi đi xa, nhưng đành vậy, có còn hơn không.

Tôi vỗ vai anh:

- Hy vọng tôi sẽ có cách giúp anh, ráng đi không chừng năm tới nếu có cơ hội tôi sẽ cưới cho anh một Thằng Chân mới hợp nhau hơn.

 Cả đám chúng tôi phá ra cười.. nhưng tôi lại run. Trời, thiệt là bậy, tôi lại hứa ẩu, làm cho anh tin, một cái Thằng Chân bộ tưởng rẻ sao? Cả đời tôi mà có đủ tiền mua nó mới là lạ.

 ***

Mặc cho hoàng hôn xuống trên đât An Điền, mặc cho đèn đường đã lên. Tôi và T quyết định vào nhà trao tận tay món quà cho Thành… một thương binh mất cả hai bàn tay và một chân, vả lại anh còn có một món quà của một ân nhân ẩn danh từ Úc chuyển về riêng cho 4 TPB và được qui định rõ ràng bằng những con số mà đám anh em chúng tôi phải bằng mọi cách trao tận tay như tôi đã trao cho Bội và Nhàn, các anh là những anh em mang cái thương tật nặng nhất trong số TPB tại Bến Cát …vừa cụt, vừa đui.

 Để Dương đứng ngoài đầu hẻm, nháy mắt tôi, T ra dấu đánh nhanh rút lẹ. 

Thành đón chúng tôi trên cái phản kê giữa nhà, và nhấc cái mông lết lần ra cạnh ngoài một cái thành thạo nhưng khó khăn, chúng tôi trao quà, nói mấy câu an ủi anh rồi rút nhanh tránh những cặp mắt đang nhìn từ bên những cửa sổ ở dãy nhà đối diện. Đúng những gì tôi nghĩ trong đầu khi nghe T báo là anh từ chối để T chở anh đến nơi cùng gặp bạn bè, anh không sợ, nhưng ngại ngần khi phải di chuyển khó khăn, mỗi lần bị cật vấn làm anh có ít nhiều suy nghĩ.

 “Mình được thương, được gởi quà qua một ngân hàng, mắc mớ chi cái tình thương từ nơi xa xôi đó mà lại bị cật vấn?” Anh phân trần một cách thản nhiên.

Đưa hạ sĩ Dương trở về Chơn Thành bằng xe đò:

- Ê, T mầy cho tao một trăm ngàn để tao cho ông hạ sĩ “Một chân về chôn bạn” mua vé xe đi.

 T móc bóp, đưa tôi tiền làm Dương luống cuống, tôi vỗ vai anh, cười cười:

- Cha nội, để dành mai ra chợ mua tí quà tết, tại tụi tui còn về SG lo cho xong mấy cái bì thư này, thôi ông chịu khó đón xe đò về không muộn mất.

 Nhìn cái dáng bước khập khểnh của Dương băng qua đường, tôi buì ngùi nghĩ đến cái chân giả của anh… Ôi cái chân không khít khao chắc làm anh khó chịu lắm?

 Tôi và T, hai thằng lại leo lên 2 con chiến mã rụng bờm, long móng hướng về Sài-Gòn.

 Buổi chiều tối ở An Điền, Bến Cát đèn ít sáng hơn, chúng tôi không đi về hướng con đường 13 đầy máu về An Lộc. Những cái phong bì còn nhiều, dự định chấm dứt công việc vào ngày mai xem ra khó mà thực hiện khi hai thằng về tới Sài Gòn còn phải ghé qua nhiều chỗ.

 8g30 tối tụi tôi ghé Mỹ, thằng bạn cùng khoá của tôi cho tới năm nay vẫn còn trên chiếc xe lăn, hắn đón hai thằng tôi ngay trên ngạch cửa. Giữa tôi và Mỹ không cần phải nói chi nhiều, tôi giới thiệu T cho nó biết.

- Tối mò như vầy mà mầy còn tới tao? Mỹ hỏi tôi ra chiều thắc mắc.

- Không sao, tao quen đi đêm mà mậy, ở cái xứ này làm ba cái vụ này mà không đi đêm sao được, thôi tao ghé mầy gởi cái bì thư mà Đức nhờ tao chuyển cho mầy, tao đi nghen, chắc sau mấy ngày tết tao mới ghé qua mầy, ngủ sớm đi thằng liệt.

Nói với Mỹ xong là tôi hối T đi cho lẹ.

Hai thằng vòng quanh một đổi mới băng qua được con kênh Nhiêu Lộc để về Lê văn Duyệt, khu thịt cầy của ngả ba Ông Tạ ghé nhà bạn của T .

 B. PH nằm liệt trên giường từ sau trận An Lộc, anh là lính sư đoàn 18BB, cấp bậc binh bét, anh chào tôi bằng cái với tay bắt và nắm chặt, bàn tay anh nhỏ nhắn như con gái và lạnh, thiếu sinh khí của một người đang sống, đang thở, nó nằm gọn trong bàn tay dầy, chai cứng, khô khốc của tôi.

 T làm một phát chào sân bằng vài câu giới thiệu rồi rút trong túi ra cái phong bì mà hắn chuẩn bị đời nào tôi chẳng biết. Tôi nghe giọng người thương binh nghèn nghẹn cám ơn ai đó, chắc là một bằng hữu, một thằng cùng áo trận như anh đã gởi cho T mang quà trao tận tay B. PH. Chiến trường máu lửa An Điền đã buộc anh nằm vĩnh viễn trên giường với cái liệt nửa người.

 Người thương binh liệt giường đó hai mắt sáng ngời, nói với tôi:

- Anh biết không tôi phải tự thắng với cái hèn của mình mới kéo tới hôm nay, 40 năm anh thấy đó tôi vẫn sống, và sống với những quá khứ một thời lừng lẫy của mình, có chi đâu mà buồn cùng thì chết, mà mình đã chết lâu rồi, chết thêm miếng nữa có sao đâu.

 Thản nhiên, hào khí, tôi phục con người nhỏ nhắn nằm liệt 40 năm đó, anh vẫn hồn nhiên, trước cái khó của riêng mình, chắc chắn có những cái anh không muốn nói ra.

Chia tay, chúng tôi ra về, tôi quay ngó lại thấy B.PH nằm quay mặt vào vách, có lẽ anh tránh không dám nhìn bóng chúng tôi mất hút sau cánh cổng chắn ngang trước nhà.

Tôi đưa T về hướng quận 7 cho hắn ghé sang nhà người bạn ở một khu kề sát Nam Sài-Gòn, Nam Sài Gòn mới mở rộng đấy ấp những nhà cao cửa rộng, đầy ấp những cảnh sang giàu, nhưng T lại đổ xe vào xóm nhà lá nằm gần cầu ông Bé trên trục hướng ra quốc lộ 4 ngày xưa.

Một ngày của tôi kết thúc. Nửa cành cây mùa xuân đã cắm và vừa cắm ở An Điền, Bến Cát, thêm vài nhánh đã trổ bông trên thành phố xưa.

Cây mùa xuân vừa héo ở Gò-Công Tây

Sáng sớm như đã hẹn, tôi tới đón T. đi về Gò-Công, theo ước tính, tôi sẽ chạy theo tỉnh lộ 50 qua phà Mỹ Lợi và cắt ngắn đoạn đường giảm đi hơn một tiếng đồng hồ, nhưng T. lại phải đón một người bạn cùng về đó, cùng mang quà của một ân nhân nào đó, nên tôi đành theo quốc lộ 4 mà về Gò-Công.

Nắng cuối đông chẳng mấy dịu tí nào, tôi toát mồ hôi với cái áo gió khá dầy, chạy sau xe T. đang đèo thêm một tay mà tôi chưa có cơ hội chào anh ta một tiếng. Xuống phà Mỹ Lợi, anh bắt tay tôi giới thiệu, à Lăng tích Hương khoá 10B/72, lại một niên trưởng, anh là thương binh của TĐ 2 Nhảy Dù rớt một chân ở chiến trường chi đó anh nói mà tôi nghe không rõ. Chạy nước rút xuống tới Gò-Công Tây đã 11giờ trưa.

 T. gọi cho Trần Tấn Minh, hẹn gặp nhau ở một cái ngả ba mà theo hướng dẫn chúng tôi phải quay lại một đỗi rồi theo con đường đất bụi mù một khoảng thật xa.

Những anh em TPB hẹn nhau trong một cái quán nghèo ven cái ao đầy bông sún và sen, chúng tôi bắt tay ngay vào cái việc trao quà đầu tiên, bởi sau đó tay đàn anh của tôi còn phải phát những gói quà và phong bì cho một số TPB mà tôi hoàn toàn không biết, nếu căn cứ vào cái danh sách mà tôi đã cẩn thận chuẩn bị từ hôm trước.

Trần tấn Minh cựu sĩ quan khoá 1/71, dĩ nhiên anh là niên trưởng của tôi.Anh đã bỏ lại hai cái chân của anh trên chiến trường An Điền, chính cái chỗ hôm qua tôi đã ngồi lại với những cựu binh nhiều thương tật. Nhìn anh đi bằng hai cái ghế thấp nhấc từng chiếc thay phiên để chuyển dịch toàn bộ tấm thân ốm tong teo, tôi rớt nước mắt, người sĩ quan QLVNCH vẫn đôi mắt sáng ngời nhưng bên trong anh là một chịu đựng, cái chịu đựng thoát ra trên nét uể oải của cái xác người tàn tạ.

Niên trưởng Minh của tôi là chủ cái tiệc dã chiến này. Hai chiếc chiếu trải trên nền xi măng lởm chởm, một số anh em tật nguyền dắt díu nhau tìm một chỗ ngồi như một đoàn quân bại trận rũ rượi, nắm tay nhau thằng mù đi theo thằng què.

 T. cầm máy, tôi nhập vai cho tròn cái nghi lễ phải có. Quà cây mùa xuân của chúng tôi chỉ đơn giản là cái phong bì, trong đó là cả một tấm lòng của những ân nhân từ một nơi tôi hoàn toàn không biết, Đức chuyển cho tôi với một lời ân cần kèm theo… “Anh cố gắng, em chạy vạy được ngần ấy”.

Tôi phải làm tròn cái vai khó chịu nhất, đi trao quà.

Tôi và T. cố gắng chứ, cố đến toát mồ hôi và bây giờ cố thêm nữa, đánh xong ở đây, vội vã quay về Sài-Gòn, uýnh tiếp.

Cũng như ở Bến Cát , tôi trao cho những người anh em thương binh của mình trong cái quán nghèo đầy ấp tình huynh đệ đó, những cái bì thư trắng được trân trọng đưa cho từng thương binh. Tôi nhìn họ, thấy họ thật xúc động, cái xúc động đó làm anh Phán, một cựu hạ sĩ quan già đã bộc bạch lời cám ơn chân thành đến các ân nhân mà anh không hề quen biết, lời tri ân mộc mạc của người dân miền Tây, nó đơn giản và đầy ân tình.

 Nhưng cái làm tôi ngỡ ngàng là khi nhìn thấy những phần quà mà ông đàn anh đi theo cùng chuyến, bày ra trên hai chiếc chiếu bông trải nối nhau, có lẽ anh đã chuyển chúng về đây từ hôm trước, tôi đoán vậy. Trên hai chiếc chiếu bông đó hơn 10 con người mang nhiều loại thương tích khác nhau, người cụt cả hai chân, người mất hai bàn tay, người nát cả hai mắt…

Một tấm biển in nhiều chữ ngang dọc đập vào mắt tôi. Tấm bảng được in sẵn trên khổ A3 nếu tôi không lầm size chữ in này là 200 và đậm nét. Cái bảng này anh ta đã nhét trên túi đeo lưng mà tôi đã thấy nó nhú ra khỏi miệng trên dọc đường về đây, nhưng nó được xếp gấp lại theo dạng chữ V, và dán trên một miếng bìa dầy:

Chân Thành Cám Ơn

Cô Lai Mỹ-Hà cùng quí ân nhân, mạnh thường quân hải ngoại tặng quà tết (2012)

Cho TPB…………( size 60)

Đã nhận 60USD và gói quà tết

 Ngày 16 tháng 1 năm

60USD = 1.250.000$

  

Tôi nhìn cái bảng, tò mò. Nhưng tất cả được giải thích ngay trên ống kính máy ảnh mà tay đàn anh đi theo chúng tôi đang thực hiện.

Anh Hương gọi một cái tên trong danh sách trải trước mặt, người thương binh có tên đứng dậy lết tới bên tấm bảng, anh ta chỉnh sửa tư thế cho những người thương binh này, rồi chụp từng bức ảnh một, từng khuôn mặt một với yêu cầu “có tay thì vịn tay vào tấm bảng, không tay thì dựa người vào nó”, tay kia cầm cái bao lì xì, một ít tiền kéo nhú ra khỏi miệng bao. Bên cạnh người thương binh chỉ có hai thứ: một gói quà gói bằng giấy bóng màu xanh hoặc đỏ, bên kia là tấm bảng “Chân Thành Cám Ơn”.

  Dĩ nhiên bức ảnh chỉ được thực hiện sau khi anh ta dùng cây bút bi ghi trên mảnh giấy nhỏ tên người nhận, rồi dán vào tấm biển,những cái tên thương binh được thay đổi mỗi lần chụp ảnh. Cái tên người nhận lờ mờ nhỏ xíu so với hàng chữ “Chân Thành Cám Ơn cô Lai Mỹ Hà…” chần dần, chiếm gần hết chiều ngang cái bảng, làm tôi hiểu ra vấn đề.

 Trời! Những cựu binh anh em của tôi được trao quà tết như vậy sao? Có phải người ta đang trả ơn cho xương máu người Thương Binh tàn nhẫn vậy sao?



 Anh ta gọi tiếp một cái tên, đương sự thương binh này vắng mặt. Tội cho niên trưởng Minh của tôi anh cố lết đi trên hai cái ghế nhấc từng chiếc, từng chiếc đến bên cạnh Hương giải thích, vì lý do sức khoẻ đương sự không thể đến được. Anh Hương lắc đầu từ chối:

- Như vậy không được, tôi chỉ trao quà cho người có tên và phải chụp ảnh như anh thấy nãy giờ.

 Những câu năn nỉ của niên trưởng tôi để nhận thế cho người vắng mặt làm tôi đau xé.

Ôi! Người ta đã tàn nhẫn ném tiền trên xương máu những người anh em cùng một thời bận áo lính như nhau…

T. nắm tay tôi, hai con mắt đỏ hoe:

- Mình về đi, tôi chịu hết nỗi rồi

- T. , ông có hứa là đưa ông Hương về SG mà?

- Trời ơi ! Làm sao tôi có thể đi với anh ta được nữa hả?

 Tôi bước tới nắm hai vai Minh, từ giã cựu thiếu úy thương binh Trần Tấn Minh, người vào lính trước tôi, hai mắt đỏ hoe anh vói tay nắm lấy cánh tay tôi:

- Anh ở lại ăn chén cháo với anh em cho hết tình.

- Anh Minh, tôi xin lỗi anh. Niên trưởng đừng buồn tôi không thể ngăn được cảnh này, chuyện của họ làm ngoài tưởng tượng của tôi.

- Mình là phế binh mà… mình chỉ nhận ân huệ để mà sống còn.

Trời ơi ! anh Minh thà rằng anh chửi thề một tiếng tôi sẽ vơi ít nhiều anh nói chi câu đó là tôi đau hơn.

 Mà không đau sao được, khi ông Hương, sau khi chụp ảnh từng người thương binh, đã bảo họ tập trung lại sát vai nhau rồi, mang tất cả các món quà xếp xen kẻ với hàng người chụp ảnh, một bức ảnh… để nói lên cái công việc mang quà cho TPB mùa xuân 2012. Dĩ nhiên 3 TPB cụt hai chân phải nhấc từng chút trên hai chiếc ghế gỗ… tập hợp theo đội hình được chỉ định.

 Tôi đau !

Tôi và T. ra về. Trước sân quán tôi quay ngó lại, Minh trên hai chiếc ghế gỗ nhìn theo tôi, hình như anh đang buồn lắm.

Trưa Gò-Công Tây, bụi mù, tôi lau cái cái kính trắng đầy mồ hôi và nước mắt nói với T.:

- Có lẽ tôi sẽ chấm dứt cái cây mùa xuân kỳ tới để không còn nhìn thấy những cảnh thương tâm dành cho những người anh em đã từng bận áo lính, bây giờ họ sau khi đã tàn phế đang ngửa tay nhận những của bố thí, và nhận nó như người ta ném đồ cho một con vật, một con vật không được thương yêu.

- Thôi ông đừng nói nữa, tôi cũng như ông, mình về đi.

 Ôi cây mùa xuân của tôi đã héo úa trên đất Gò-Công Tây, khi nó bị một cơn gió trái mùa tạt ngang làm rụng đi những mầm non mới nhú.

Giọt nước mắt của một mũ nâu già

Người lính già mũ nâu, ở cách tôi không xa nên tôi dành những phút cuối trong chuyến gởi quà cuối năm nay, để đến với anh. người thương binh già mà T. rất ân cần gởi gấm, dặn dò tôi thường xuyên đến thăm viếng anh.

Trời SG nắng thật yếu, tôi tới quận 7 vào quá trưa. Cẩn thận tôi gọi máy cầm tay cho con anh trước khi tôi đến. Khu Tân Kiểng này tôi thuộc lòng như bàn tay của mình, từng ngõ ngách tôi nhớ nằm lòng, nên không mấy khó khăn khi tìm tới anh.

Căn nhà đơn sơ thấp lè tè trên đường 33.Người lính mũ nâu 74 tuổi có gần 20 năm ở lính, nằm trên giường, chăn gối nhàu nát dưới mái tole nóng hâm hấp. Tôi cao chỉ hơn 1m7 mà phải khom lưng chui vào cái chái nơi anh nằm.

 Vừa mới ghé ngồi bên anh:

- Anh Cả, hôm nay tôi mang quà cho anh, thay mặt những anh em cựu binh đã gởi về ….

Người lính già xoay người nắm cánh tay tôi khóc nức nở:

- Tui… thật chẳng… biết… nói….

Những tiếng nấc làm câu nói anh đứt khoảng. Tôi ôm cánh tay trần của anh, vuốt ve cái lưng trơ cột xương sống, anh gầy đét, người dán trên mặt nệm cáu bẩn.Tôi bật khóc.

Hai chúng tôi khóc ngọt ngào, vợ anh đứng bên cạnh cũng nức nở khi nhìn cảnh hai người lính ôm nhau khóc trên chiếc phong bì, chứa những ân tình tha phương.

- Anh phải cố gắng giữ sức khoẻ, anh em từ khắp nơi luôn nhớ đến anh…

- Tui cố chứ…nhưng mà làm sao tui chịu được

……..

- Anh biết không, người ta nói với tui… Trong phường này có 68 người già và duy nhất mình ông là người… “tàn dư của chế độ cũ”… tui làm sao chịu được…

Tôi chết điếng, nói gì bây giờ. Ôi 36 năm ! vết thương của sơn hà đã quá đau cho những người từng một thời chiến đấu, bây giờ nó tàn nhẫn dán sát vào mảnh đời khốn khó của một thương binh, dù anh đã già lắm, già đến nỗi mà lẽ thường người ta phải trân trọng nó như một người đi trước. Nhưng ở đây, lúc này, vào cái thời điểm phát quà tết cho những người lớn tuổi mà mỗi phường xóm, chính quyền hiện hữu tổ chức như một ân huệ cho cái tuổi trên 60. Ba mươi sáu năm cái ân huệ đó vẫn được ban phát nhưng bằng một câu đính kèm… dành cho những người từng phục vụ trong chính quyền cũ.

Giọt nước mắt người chiến binh mũ nâu già làm tôi khóc, tôi khóc vì cái tình mà người lính già trước mặt, xúc động khi nghe tôi thay mặt những cựu binh từng một thời với anh, gói ghém gởi quà cho anh, nó không có đáng giá chi nhưng dậy lên trong lòng người lính một cái tình huynh đệ chi binh khiến những giọt lệ phải rơi xuống.

 Chia tay với người lính già tôi bước ra cửa, cơn xúc động làm tôi không thể nổ máy chiếc xe cà tàng, trong lúc tôi cố gắng thoát khỏi cái cảnh đau lòng càng sớm càng tốt. Và tôi biết, sau lưng tôi, bên kia bức vách người lính già đang khóc ngất, khóc trên vết thương 36 năm chưa phai và khóc trên vết thương xưa đã khiến anh mù đôi mắt.

Tôi kết thúc trang nhật ký viết cho những anh em, bè bạn đui què, sứt mẻ của tôi. Và kết thúc nó bằng câu :

Chân thành cám ơn những bàn tay từ những nơi xa lắc lơ đã tiếp sức với tôi trồng một cây mùa xuân, nở bông, héo úa, rơi lệ thay cho những hạt sương mai. Nhưng dù sao nó vẫn là “Cây Mùa Xuân” mà tôi khó quên trong đời.

Nguyễn thanh khiết

 Sài-Gòn 19-01-2012

 *Tôi quyết định gởi hai cái link nầy kèm theo, sau khi gọi cho thương binh B.PH thăm hỏi anh và nghe anh nói :

“Có những cái CHO làm tôi liệt thêm nửa người còn lại”



“Nếu anh không cảm được vết thương đó, thì đừng gởi quà vuốt ve nó”

 -Những hình ảnh đau lòng trong cách CHO mà người Thương Binh phải nhận khi đã là phế nhân.

 http://www.mediafire.com/?nbd3mss8vdqejiu

- Nước mắt những chiến binh già trên Cây mùa xuân 2012

http://www.mediafire.com/?r18hstic6ezt5ck
Ý kiến bạn đọc
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
Thư của anh TPB Đông Văn Ba Subject: Thu cua mot tpb/ 8 nam trong chien tran .. tpb/ DONG VAN BA (tieu doan 9 Nhay Du), cung la Mot Thien Nguyen vien trao QUA TET 2012 va chup hinh anh em nhan QUA trong dip nay( tai CAN THO , HAU GIANG va SOC TRANG ) DT : 0123.9902151. KINH THƯA QUÝ HỘI-ĐOÀN HẢI-NGOẠI,THƯA QUÝ ÂN-NHÂN HẢI-NGOẠI THÂN-MẾN. BƯỚC sang năm ANH-EM tập thể tpb VNCH tại quê nhà KÍNH CHÚC QUÝ VỊ MỘT NĂM MỚI AN-KHANG-THỊNH-VƯỢNG THƯA QUÝ HỘI-ĐOÀN QUÝ ÂN-NHÂN HẢI-NGOẠI,thời gian đả qua di,thắm-thoát mười mấy năm,tập thể tpb tại quê nhà,đả đón nhận những món quà nghỉa-tình ,đầy của QUY-VỊ đả trao đến tận tay anh-em tpb,do công lao cũa quý vị làm bằng tất cả mồ-hôi và cực nhọc nơi xứ lạ quê người,dành dụm chắt chiu để gửi về,do những thiện-nguyện vien chuyen tiep...đến trao tặng,chụp hình cac tpb ,để chứng tỏ ...đồng tiền của QUÝ-VỊ đả đến tận tay anh-emtpb nhận được,minh bạch chứ không lệch lạc theo một ý-nghỉ thiển-cận ma KHIET (tac gia Bai Viet "Cay Mua Xuan tpb vua heo o GO CONG TAY") tự cho mình là rung-động ,khoc loc,dau long...khi nhìn ảnh ở GÒ-CÔNG bi chup hinh , bi tui nhuc ? ? ? .....là trái ngược sự thật, KHIET muốn gì?Anh ta có ý-nghỉ đen tối gì? Co phai làm như thế để chia rẻ HỘI ĐOÀN VÀ ÂN-NHÂN HẢI-NGOẠI , có phải chăng ý-định "ngư ông đắc lợi",hoàn toàn sai-thật,anh-em chúng tôi tpb tại quê nhà không có sự rơi nước mắt tủi nhục ,như AnhKHIET vừa nói,trái lại nhận quà chụp hình là đúng .. Tất cả anh-em tpb đả nhận Qua , TIEN , xe LAC , xe lan ...va da duoc chup hinh ( cung giong nhu truong hop tang qua cua Co LAI MY HA va quy an nhan gop suc trong dip nay ) trên mười mấy năm roi ...đó là ân-tình của ân-nhân,đó là su minh bạch tai chanh của hội-đoàn và ân-nhân ...mong ước đến tận tay anh-em tpbVNCH. NHỮNG món quà đó ,An nhan va ManhThuong Quan rất trân-trọng anh-em chúng tôi ,va Ky nay...cac ban cua Co LAI MY HA (hon 40 nguoi)da chung cung gop suc cho kyQUA TET 2012 nay cung nhu vay... Giờ đây có những ân nhân--hội-đoàn hải-ngoại,đả nhiệt tinh trợ giúp bằng tình nhân-nghĩa của một con người đầy NHÂN-BẢN trong thế-giới tự-do. THƯA quý-vị tôi củng là một chiến-binh Thuoc tieu doan 9 , su doan NHAY DU ngày xưa,và cung là mot tpb cùng chung với anh-em,tôi nói bằng tất cả lòng tự -trọng của một người lính QLVNCH...đó là sự thật,chứ không như những con rối ,có ý-tưởng bệnh-hoạn,lệch-lạc,để tô vẻ cá-nhân,âm-mưugì? sau bài viết"Cay Mua Xuan tpb vua heo o GÒ-CÔNG". THỨC TỈNH ĐI ... NGUYỂN-THANH-KHIẾT .....đừng bị ru ngủ theo lợi ích cá nhân. CUỐI THƯ KÍNH CHÚC QUY HỘI-ĐOÀN VÀ ÂN-NHÂN HẢI NGOẠI MẠNH-KHỎE VẠN-SỰ NHƯ-Ý
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
Thư phản hồi post trong www.nguoivietBoston.com Khiet Nguyen February 4, 2012 at 12:53 AM Xin kính chào tất cả. Tôi là Nguyễn Thế Khiết, có theo dõi vụ này nên sau khi đọc ý kiến cũng như trình bày, giải thích của tất cả, xin mạn phép góp ý một chút. Tôi theo dõi vụ này là vì trước đây tôi đã phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân cho đến tháng Năm 1973 thì thuyên chuyển về Địa Phương Quân và làm việc tại văn phòng sau khi bị thương lần thứ ba, không còn chạy nhảy được. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đồng ý với nhau về “Của cho không bằng cách cho” thì chúng ta cũng nên nghĩ rộng sang trường hợp khác. Đó là nếu muốn chụp hình để làm bằng chứng để trình cho người gửi tiền thì cũng có nhiều cách, nên nhã nhặn và có sự trắc ẩn trong đó để người nhận tiền không cảm thấy buồn tủi. Tôi chỉ góp ý như vậy, chứ không nói rằng anh này anh kia nên làm như vậy, bởi vì như tất cả quí đồng hương đã thấy, có người nói rằng anh Nguyễn Thanh Khiết thuật lại sự việc rất đúng nhưng cũng có người nói rằng anh này lưu manh, bóp mép sự thật. Tôi thật lòng cảm phục chị Lai Mỹ Hà. Chị là người rất có lòng và thậm chí đã hạ mình xin lỗi mặc dù chưa hẳn là chị đã có lỗi. Tôi biết chị là người chị làm những gì có thể để giúp thương phế binh. Trong khi làm việc này, có thể chị đã không biết cách như những tổ chức chuyên nghiệp có cố vấn đầy đủ. Vì vậy, nếu chị có sơ xuất thì chúng ta càng nên thương chị hơn là qui trách nhiệm cho chị. Thú thật, là một người lính tác chiến, sau khi đọc e-mail của anh Thanh Khiết chuyển đến, tôi đã nổi nóng nhưng ý thức được rằng mình cần biết sự việc ra sao trước khi có kết luận. Xin cám ơn chị Lai Mỹ Hả và tất cả những ai có thiện tâm. Tôi chẳng cầu xin cũng biết Bề Trên sẽ trả công bội hậu cho quí vị.
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
Thư phản hồi post trong www.nguoivietBoston.com From: Quang Phan February 2, 2012 at 11:15 AM Nay thì mọi sự đã được tỏ tường minh bạch. Đọc lá thư gửi anh Nguyễn Thanh Khiết của bà Lại Mỹ Hà và các lá thư ủng hộ bà của các anh em thương phế binh, có lẽ tất cả mọi người trong chúng ta đều đồng ý rằng tấm lòng tri ân thương phế binh và sự cố gắng giúp đỡ họ của bà Lại Mỹ Hà cần được ca ngợi, phải được ca ngợi và rất xứng đáng làm gương cho nhiều người trong chúng ta noi theo. ” Tai nghe không bằng mắt thấy”. Ở xa, không những đọc bài viết tường thuật của anh Nguyễn Thanh Khiết mà lại còn có cả đoạn phim quay những cảnh nhận quà kèm theo thì những người ngoài cuộc tránh sao khỏi có những nhận xét, phê bình sai lầm. Trong lá thư trên, bà Lại Mỹ Hà cũng thông cảm cho những người chỉ trích khi bà viết, “Em cũng công nhận anh rất đúng vì chính em khi xem cuộn phim các anh họp mặt nhận tiền lui khui đi chụp hình nhìn thấy thật đau lòng. Em không trách anh được”. Chúng ta tin chắc rằng, và chính bà Lại Mỹ Hà cũng đã khẳng định, người phụ nữ đáng quý, đáng trọng Lại Mỹ Hạ sẽ vẫn tiếp tục những hoạt động giúp đỡ các anh em thương phế binh đang phải sống khốn khổ trong tay kẻ cựu thù.
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
(Myha Lai đánh máy lại lá thư của anh TPB Trần Tấn Minh người được ông Khiết nhắc tên trong bài viết được scan từ lá thư viết tay) Gò Công, ngày 27/1/2012. Kính gởi: Các chiến hữu, các hội đoàn và các ân nhân nơi hải ngoại, kính gởi cô Lai Mỹ Hà. Tôi được biết trên mạng có bài viết của anh Nguyễn Thanh Khiết nói về hôm phát quà cho anh em TPB/ Gò Công ngày 18/1/2012, tôi thật sự rất đau buồn phải nói lên sự thật để quý vị rỏ. Đối với anh Khiết và Lăng Tích Hương, cả 2 người cùng làm công tác thiện nguyện là đều rất tốt và đều là ân nhân của TPB Gò Công. Nhưng rất đáng tiếc vì cách làm việc của 2 anh không giống nhau mà anh Khiết chỉ trích phê bình anh Hương có phần sai lệch, anh em chúng tôi thông cảm , tôn trọng cách làm việc của cả 2 anh. Nhưng TPB Gò Công không coi việc làm của anh Lăng Tích Hương là 1 sĩ nhục như bài viết, tôi không hề nói gì và không chảy nước mắt như trong bài viết. Tôi nghĩ đây là ý riêng của anh Khiết mà thôi. Mỗi người có cách quyên tiền, có cách giúp khác nhau, tôi hiểu cô Lại Mỹ Hà là cá nhân, có lòng nhân ái, quyên tiền bạn bè và có ý giúp đỡ TPB dài lâu thì cần phải có chứng từ để tạo lòng tin với ân nhân mới giúp dài lâu được, vậy thì chúng tôi đâu có gì xem điều đó là sĩ nhục, mong cô hiểu và chúng tôi đồng cảm nghĩ với cô và anh Lăng Tích Hương. Tôi nghĩ nếu anh Khiết do không đồng cảm với anh Hương thì có thế trực tiếp đóng góp ý kiến hay hơn là đưa lên mạng, việc này làm các hội đoàn và các cá nhân có lòng nhân ái có muốn giúp anh em TPB chúng tôi nữa không? Và “kẻ khác” có thể lợi dụng khai thác và nói xấu chúng ta, gây chia rẻ các chiến hữu hoặc sự hoài nghi của các ân nhân. Một lần nữa tôi là TPB Trần Tấn Minh (ĐT: 01225030857) khẳng định bài viết của anh Khiết có quá nhiều lệch lạc, tôi mong anh Khiết và anh Hương hãy đoàn kết lại, tiếp tục giúp đỡ TPB trên tinh thần chiến hữu và thông cảm lẫn nhau, không để sự việc đáng tiếc xảy ra, anh em TPB Gò Công cám ơn và đồng cảm với cô Lại Mỹ Hà, tôi viết thư nầy bằng công tâm vì anh Khiết và anh Hương đều là chiến hữu, đều là ân nhân của TPB Gò Công, và tôi là người chứng kiến buổi phát quà tất niên hôm ấy. Thân chào các chiến hữu, hội đoàn, các ân nhân nơi hải ngoại một cái tết vui vẻ, thắm đầy tình dân tộc. TPB: TrầnTấn Minh (Thiếu uý K5/71 TĐ, TĐ 64BĐQ)
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
Thư ông Nguyễn Thanh Khiết gửi cho Lại Mỹ Hà From: nguyễn thanh- khiết To: Myha Lai Sent: Thursday, January 26, 2012 8:31 PM Subject: nguyen thanh khiết gửi Lai Myha Cô Mỹ Hà Tôi, nguyễn thanh khiết xin nghiêng mình, trước những hy sinh của cô, thật là cao cả, thật là quí phái Tôi biết cái video chó chết của tôi sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến những anh em tật nguyền đang thương của tôi. Thật là cảm động khi nghe cô phải bán đi một cái ví tay used trị giá đến $300 . Trời ! đối với tôi, đó là cả một gia tài kếch sù mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến, như vậy đối với một TPB có lẽ sẽ nuôi nấng anh ta nhiều năm. Cám ơn cô, muôn vàn cám ơn cô, đã thư cho tôi biết lòng thương tha nhân vô bờ bến đó Thưa cô Mỹ Hà Theo tôi nghĩ đọc qua bài tôi viết mắc dịch của tôi chắc cô không vui, tôi thành thật xin lỗi Tôi dĩ nhiên rất thông cảm với cô. Nhưng tôi không hài lòng, và khó chấp nhận, khi có một cách trao quà mà theo cách đó tôi nghĩ có vẻ như nhục mạ người nhận, bởi vì. Nói là quà tết, nói là cây mùa xuân... nói thế nào đi nữa. Nếu đúng nghĩa trên bình diện trả ơn những người từng hy sinh xương máu cho tồn vong của đất nước. Thì "chúng ta đang trả nợ máu xương" một món nợ không thể nào trả hết, Vậy, nếu ta không cung kinh trước món nợ đó, hay không nhận ra cái bản chất món nợ đó đúng nghĩa thì chúng ta chỉ trả nó như trả nợ ngân hàng, hay nói khác đi, vứt cho một gã ăn mày cho nó xéo đi khuất mắt Tôi nghĩ nếu cô thông minh hơn chắc chắn cái danh giá của cô đã nổ lực về cây mùa xuân chiến sĩ sẽ đạt được nhiều hơn, chỉ cần là không có tên cô trên tấm bảng mà tôi đã ghi hình. Mà nếu như vậy cũng khó cho cô... làm sao người ta biết là một kiều nữ Lại Mỹ Hà đã hiến dâng... vì chính nghĩa. Tuy nhiên tôi xin lỗi cô vì quá xúc động trước những cảnh anh em chúng tôi bị hành xử đáng thương như vậy tôi đã đọc sai cái địa chỉ email của mình để nhận những trách cứ. Thưa cô cô chỉ có hai năm làm cái việc tổn thương nầ, thật đáng tiếc Bởi vì có hàng tỷ cách trình bày với các ân nhân và mạnh thường quân. Tôi cũng có ít nhiều lần thực hiện, nhưng chưa có một ghi nhận nào trên NET để show những hình ảnh đáng trách đó Nhóm hung-viet.org đã hai năm nay liên tục quyên góp gởi về và tôi thực hiện...Bè bạn tôi những hội đoàn ở Úc Canada.... Nhưng ai biết? Chỉ có ân nhân, những người thành tâm nghĩ đến TPB mà qua tôi trao món quà đó thay họ biết mà thôi, dĩ nhiên tôi phải trình bày rõ số tiền đó, đến thế nào, cho ai, bao nhiêu..Tôi đâu cần dùng một tấm biển "Cám ơn...ông Khiết hay Hưng Việt, ân nhân...." mà vẫn thành công. Vậy chúng ta thực hiện thế nào, thì mọi người sẽ biết chúng ta muốn gì khi thực hiện nó...có thế thôi Quà nầy có đích danh chỉ 01 người gởi cho, có chú thích và có mục đích, Nó đâu cần trình bày cho chủ nhân món quà bằng hình, chỉ cần cô phone cho TPB nầy và trích trừ đi $10 tiền điện thoại, thay vì nhờ người chuyển và trả tiền chụp ảnh. (trừ phi chính cô muốn gửi tấm hình này lên net cho mục đích của mình.) Và cái nầy thì có khác gì đâu so với hình trước Nói chung cách CHO giá trị hơn món quà mình đem cho Với điều kiện người đã đem cho không cần bất kỳ một trả ơn nào hay nhằm mục đích khác thì việc đó mới gọi là bất vụ lợi Nếu không theo yêu cầu của cô thì Lăng Tích Hương đâu phải làm cái việc đau lòng như từng nói qua Xin cám ơn cô, và cám ơn một người bạn của tôi đã chuyển thư của cô đến tôi chỉ vì sai địa chỉ email . nguyễn thanh khiết (xin phép cô cho tôi được bcc thư này đến bè bạn và các ân nhân của tôi )
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
Thư Lại Mỹ Hà viết cho ông Nguyễn Thanh Khiết From: Myha Lai To: Nguyenthanhkhiet54@gmail.com" Sent: Wednesday, January 25, 2012 1:49 PM Subject: Kính gửi ông Khiết từ Lại Mỹ Hà Em là Lại Mỹ Hà người vừa quyên góp gây quỹ tặng quà Mùa Xuân cho các anh Thương Phế Binh tại quê nhà. Em đã được đọc lá thư Cây Mùa Xuân Vừa Héo… của anh và có coi đoạn phim cùng những lời tâm sự anh nói trong phim. Thật sự sáng giờ em cũng không thở được, em đau tim nặng và cao máu cho nên những sự việc như thế này em khó mà chịu đựng được dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn buồn lắm anh ạ! Em làm chương trình này đã hai năm nay. Người khen không ít, người chê cũng khá nhiều, họ bảo em không có tiền lại cứ hay làm chuyện ruồi bu! Em thất nghiệp đã 3 năm, ngày xưa muốn cho ai cái gì chỉ cần ký cái check là xong bây giờ muốn cho ai phải đi bán đồ, phải đi xin, thậm chí em còn moi heo của con em nữa. Tâm sự với anh để anh thông cảm mà thôi, em làm việc gì cũng hết cả tâm gan. Vô tình có một lần em vào Internet thấy hình các anh tội quá nên em mới hát bài hát Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh và tìm hình các anh để làm slideshow. Thời gian làm hình em đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt vì những hình ảnh các anh thật thương tâm. Khi gửi ra thì có mấy anh TPB bên nhà coi được và liên lạc với em, từ đó em qua lại và rất thương mến các anh. Khi anh Nguyen Van Bôn đau bệnh nằm nhà thương không có tiền, em bán garage sale (giống như bán đồ củ, chợ trời) để gửi cho anh. Rồi em gây quỹ cho anh Lê Phước Tứ khi đọc trên Net thấy người ta gửi tiền cho anh mà không được nhận trọn vẹn, rồi anh Bùi Phương đi mổ sạn thận em cũng gửi tiền cho anh bồi dưỡng… Hai năm nay thì em xin tiền bạn bè gửi về Tết. Năm trước được có 1,230 đô. Năm nay được 3,400 đô em đã gửi về 3,000 rồi. còn đây 400 vì Tết họ chưa chịu nhận gửi. Kỳ này kinh tế khó khăn, ban đầu em xin mấy tuần chỉ được có 120 đô. Em phải đăng bán mấy cái bóp của em mới bán được một cái 300 đô, em bỏ vào quỹ và em xin con heo của 4 đứa con em nó để dành đi chơi mùa Hè, chỉ được thêm 150 đô. Thế là mấy mẹ con gom góp bỏ vào quỹ 450 đô từ đó bà con mới cảm động gửi tiền cho và lên được 3,400. Đêm nào em cũng phải viết thư trả lời khắp tất cả mọi người, thức đến 2,3 giờ sáng! Khi gửi tiền xong xuôi em vui mừng biết bao nhiêu, khi anh Lăng Tích Hương cám ơn thì em còn giỡn và trả lời rằng: Bây giờ thì đến phiên em hỏng có tiền ăn Tết! Thật sự năm nay em đâu có ăn Tết, bạn bè biết nên đem quà cáp đến cho mấy mẹ con. (Em thất nghiệp 3 năm có 5 đứa con và một mình nuôi con. Nhà cửa, xe cộ bị mất hết vì bên này khi mình không có tiền trả thì nhà băng lấy lại hết. Ông xã em cũng thất nghiệp nhưng vì gia đình khó khăn nên thường xuyên cải vã ổng dọn ra riêng mấy năm nay!) Em là người làm việc ít có suy nghĩ chi sâu xa ngay cả khi đang nói chuyện với anh đây, nghĩ gì là em nói đó. Em chỉ cần biết là em làm không sai với lương tâm em, em chỉ muốn các anh vui là được. Em bị gia đình la em không chịu lo cho con mà lo cho người ngoài đường, vì ở đây mỗi tháng em tự nguyện nấu ăn cho 60 cụ già ở Viện Dưỡng Lão. Em nấu ăn ở nhà và mang đến đó cho các cụ. Em cực bao nhiêu nhưng nhìn thấy các cụ ăn ngon là em vui! Em cũng nấu ăn cho người không nhà, em gửi tiền về cho những em bé bất hạnh, những người bệnh hoạn mổi tháng khi em có dịp đọc được trên mạng. Từ nhỏ em mồ côi từ 3 tuổi, lang thang khắp nơi tự tìm sống nên khổ cũng nhiều cho nên giờ em làm được gì cho ai là em làm! Em không sợ cho tiếng tăm em vì thật sự thì em cũng chỉ là một người đàn bà nghèo khó, hết thời và tầm thường mà thôi cho nên em cũng không ngại gì! Em chỉ sợ cho anh Lăng Tích Hương vì anh còn đồng đội, bạn bè của anh. Nếu như có gì anh ấy bị trách móc thì em cũng buồn lắm vì công sức của anh ấy rất lớn. Anh ấy giúp em vô vụ lợi. Lần nào em gửi tiền cho ai cũng là nhờ anh báo tin xin giùm cho đồng đội. Anh ấy có được gì đâu chỉ mất công vì em cũng đâu có tiền dư cho anh ấy! Thêm một điều nữa là em chỉ sợ mọi người ngại ngùng và không ai thèm giúp nữa thì tội cho mấy anh. Bên này mỗi khi gây quỹ họ thường bảo nhau là biết có về đến tay hay không cho nên là tự dưng không cho luôn. Lý do anh Lăng Tích Hương phải chụp hình và ghi rỏ tên tuổi năm tháng khi các anh nhận tiền là vì anh TTH cũng muốn minh bạch cho chính anh là anh có đưa đến tay đủ mọi người. Anh ấy cũng muốn minh bạch cho em vì cũng đâu phải tiền của riêng em, tiền cũng xin của bá tánh, người quen có người không quen cũng có. Cho nên nếu không ghi rỏ họ có thể lầm tưởng hình lấy từ chương trình “Cám Ơn Anh” chớ không phải hình của Lại Mỹ Hà kêu gọi, hoặc hình trên Net hay là hình năm trước bỏ thêm vào năm nay. Xin anh thông cảm cho anh LTH anh ấy chỉ là vì quá cẩn thận cho em, cho anh ấy và cho các ân nhân bên này. Làm việc cũng cần minh bạch rỏ ràng. Em cũng công nhận anh rất đúng vì chính em khi xem cuộn phim các anh họp mặt nhận tiền lui khui đi chụp hình nhìn thấy thật đau lòng. Em không trách anh được. Chỉ mong ở đây sự thông cảm của anh để vẫn có thể làm được điều này mỗi năm như một an ủi cho các anh! Nếu như không ai giúp em nữa hoặc những nơi khác khi xin tiền cũng sẽ nghĩ đến tình trạng này thì không ai dám đứng ra mà kêu gọi nữa đâu. Đâu ai muốn làm việc tốt để mà mang tiếng xấu! Em đã hết lời tâm sự giờ thì chỉ còn trông mong vào sự thông cảm của anh mà thôi. Nếu anh rảnh xin cho em biết anh đã nhận thư để em không lo thư đến lộn điạ chỉ. Em nghe anh đọc email address của anh từ trong đoạn phim, hy vọng đúng. Em xin lỗi đã làm mất thì giờ của anh và em cũng sẳn đây kính chúc anh được nhiều sức khoẻ và một năm mới an lành. Myha Lai
08 Tháng Hai 20128:00 SA
Khách
Nếu quý vị quan tâm đến các anh Thương Phế Binh xin đọc và chuyển tiếp chân thành và cảm tạ quý vị: Thư xin lỗi từ Lại Mỹ Hà gửi đến tất cả quý vị: Nếu quý vị đã có lòng quan tâm đến bài viết “Cây mùa Xuân vừa héo ở Gò Công” của tác giả Nguyễn Thanh Khiết thì xin hãy bỏ thêm ít thời giờ đọc những lá thư phản hồi từ nhiều nơi mà tôi, Lại Mỹ Hà cũng đã nhận được để biết thêm vì sao ông Khiết đã viết bài này! Tôi không dám biện minh cho mình vì sự thật tôi cũng đã có lỗi trong vụ việc này vì là hành động riêng cá nhân nên tôi thật lòng nhận lỗi! Trước hết là với các anh TPB, nếu như em đã làm điều gì sĩ nhục đến các anh như anh Khiết nói trong cách giao quà Tết của em thì em xin các anh tha thứ! Em không kinh nghiệm trong việc quyên tiền, chỉ là sự bộc phát trong lòng mà làm nên công việc này mà thôi, không gì hơn là mong đem đến các anh chút quà mọn vui Tết và cũng như lời thăm hỏi an ủi từ một người phương xa nhưng trái tim vẫn còn gửi lại quê nhà! Tất cả các ân nhân đã đóng góp không có một lỗi nào, tất cả đều là do sự sắp xếp làm việc của em mà ra! Công việc em là viết thư đến khắp nơi và quyên tiền rồi gửi về. Em không trực tiếp giao quà cho các anh nhưng anh TPB Lăng Tích Hương là người đảm nhận trách nhiệm này và anh ấy là một ngư ời rất tốt, rất thương đồng đội! Nếu các anh không thương yêu nhau thì còn ai thương yêu các anh hơn nữa! Rất tiếc em đã không biết đặt cho chương trình này một cái tên mà lại dùng chính tên của mình cho nên cũng khó trách người ngoài nghĩ là em tự đánh bóng cho tên tuổi của mình! Mà anh LTH lại vô tình viết tên em quá to, quá rỏ, em nào dám nói với anh làm như vậy! Em cứ tưởng dùng tên mình thì khi bạn bè thân hữu xem hình sẽ biết chắc là hình của sự quyên góp của em! Cũng giống như quyển sách nào cũng đều có ký tên tác giả! Chỉ giản dị có vậy, như anh Khiết viết bất kỳ bài thơ bài văn nào cũng đều có ký tên. Em không nghĩ đó là một chuyện quá đáng nhưng thôi có lẽ em đã không nghĩ sâu xa mà thôi! Em cũng xin lỗi anh Lăng Tích Hương vì việc này mà mọi người hiểu lầm luôn cả anh chỉ vì tánh cẩn thận của em! Thật sự đã có mấy người không tin anh ở đây nên em phải muốn anh chụp hình từng người để cho mọi người tin tưởng tiền đã đến tay từng người nhận! Có người đã bảo em khi em hết lòng bênh vực anh là nếu như những lần trước họ giao lần này họ không giao thì sao! Anh em mình chỉ thư từ email qua lại mấy năm nay mà vẫn không biết mặt nhau, nhưng em thấy tình anh đối với bạn bè khi anh viết về họ làm em cảm động và tin tưởng anh tuyệt đối! Nhất là những lần nhờ anh chuyển tiền cho ai, anh đều làm cẩn thận! Nhưng còn những người khác thì khó mà bắt họ cũng nghĩ như mình! Coi như lần này mình bị nạn mà lại may mắn vì nhờ đó mà mình học hỏi được nhiều kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn cho những lần tới. Em sẽ không quên các anh, em có nghe các anh nói là: “Sẽ không có 2013 nữa đâu vì cô Lại Mỹ Hà sẽ không làm nữa!” Trừ khi nào em không còn sức nữa thôi, em tin bạn bè và những người chung quanh sẽ vẫn giúp em chung xây công việc này. Em xin hứa với các anh và với tất cả m ọi người em sẽ cẩn thận hơn và làm tốt hơn. Em cũng xin lỗi anh Khiết đã làm anh buồn lòng và cũng thành thật cám ơn anh. Tuy những lời thư của anh viết như mũi tên bắn vào tim em nhưng từ đó em mạnh mẽ hơn và hiểu chuyện hơn! Em hy vọng với tinh thần làm việc hết lòng và lý tưởng như anh thì sẽ mang lại niềm vui cho nhiều người. Em mong rằng một ngày nào đó khi anh đã thông cảm cho em thì mình có thể cùng nhau làm công việc này. Mỗi người một việc mình cùng nhau an ủi các anh! Viết lá thư này cho tất cả, em thấy như bao nhiêu tảng đá đè nặng em mấy ngày nay đã được trút bỏ. Cám ơn tất cả, cám ơn đời! (Xin quý vị đọc những lá thư phản hồi) 1/ Bài viết của ông Nguyễn Thanh Khiết 2/ Thư của Lại Mỹ Hà viết cho ông Khiết 3/ Thư ông Khiết viết lại cho Lại Mỹ Hà 4/Thư ông Pham Nguyen viết cho Lại Mỹ Hà (nhưng hình như cùng tác giả NTK) 4/ Thư của anh TPB Trần Tấn Minh người được ông Khiết nhắc tên trong bài viết 5/ Thư của anh TPB Bùi Phương 6/ Thư của anh TPB Đông Văn Ba 7/ Kế tiếp là những lá thư phản hồi của khắp nơi….trong link: http://nguoivietboston.com/?p=4556
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn