BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73851)
(Xem: 62301)
(Xem: 39493)
(Xem: 31216)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Các Kiện Hàng Người Khổng Lồ Rỉ Sét

21 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1556)
Các Kiện Hàng Người Khổng Lồ Rỉ Sét
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Phản Ứng của Thế Giới

'Một vấn nạn nhân đạo mang tầm vóc lịch sử.'

'A humanitarian problem of historical proportions.'

Thông cáo đặc biệt về Tị Nạn Đông Dương tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tokyo.

(Hong Kong Government Information Services)

 


Tàu Huey Fong cập bến Hồng Kông với một kiện hàng gồm 3.318 người


do đảng CSVN xuất cảng vào tháng 12-1978,


Kiện hàng người khổng lồ đầu tiên của Hà Nội được sắp xếp đưa ra biển vào mùa Thu năm 1978.[30] Thương nhân Singapore tên Tay Kheng Hong, 51 tuổi, là một trong vài nhân vật chủ yếu cộng tác với Hà Nội trong cuộc buôn dân lần đó cũng như trong một vài đợt sau này. Sau ngày Sài Gòn thất thủ, Tay Kheng Hong bị kẹt lại ở Việt Nam và chỉ được công an cấp giấy phép cho trở về quê quán vào tháng 4-1978, có lẽ với nhiệm vụ chuẩn bị cho kế hoạch buôn dân của Hà Nội. Vào tháng 6 năm đó, Tay Kheng Hong bắt đầu làm việc với cộng tác viên tên Tăng Tạ Sơn vốn còn đang ở thành phố Hồ Chí Minh (tên mới của Sài Gòn) và công an Bộ Nội Vụ để tổ chức kiện hàng người đầu tiên bao gồm đa số Hoa kiều cùng dân Việt giàu có.

Vào ngày 24-8-1978, chiếc tàu cũ tên Southern Cross được bao thuê từ Singapore để đi Bangkok chuyên chở một kiện hàng muối. Sau khi rời khỏi hải phận Singapore, tàu Southern Cross chuyển hướng về thành phố Hồ Chí Minh và đã được chính quyền cộng sản tại đây đón tiếp nồng hậu. Thay vì nhận một kiện hàng muối, tàu Southern Cross thâu thập 1.250 hành khách; và để được phép ra đi, mỗi hàng-vận nhân phải trả từ 6 đến 8 lượng vàng cho Hà Nội và từ 1 đến 2 lượng vàng cho nhóm tổ chức.[31] Tàu buôn người Southern Cross sau đó rời Việt Nam với lá cờ cỏ sao vàng treo lủng lẳng phía trước mũi và được ca nô phi tiêu của hải quan hướng dẫn ra hải phận quốc tế.

Trước khi ra biển, thuyền trưởng Southern Cross đã đánh điện kêu gọi được giúp đỡ bởi vì tàu vừa mới vớt được hàng trăm thuyền nhân ngoài hải phận quốc tế. Kuala Lumpur nghi ngờ thiện chí của lời khẩn cầu này cho nên cấm tàu Southern Cross vào hải cảng Mã Lai. Singapore cũng phản ứng tương tự cho nên cuối cùng tàu Southern Cross phải bỏ kiện hàng người xuống hoang đảo Pengibu của Nam Dương vào ngày 21-9-1978. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã can thiệp và vận động với Jakarta để cho các hàng-vận nhân này được tạm trú tại vùng đảo Bintan phía Nam Singapore trong khi chờ đợi cơ hội định cư.

Sự thành công của tàu Southern Cross khiến giới lãnh đạo Hà Nội hồ hởi và tiếp tục làm việc với Tay Kheng Hong để tổ chức thêm một đợt buôn người khác vài tuần sau đó. Vào ngày 15-10-1978, tàu Golden Hill vốn đã phục vụ trên 30 năm được tậu với giá 125.000 Mỹ-kim ở Singapore để đưa về Hồng Kông phá bỏ hầu lấy sắt phế thải. Tàu Golden Hill sau đó được đổi tên thành Hai Hong và vừa rời Singapore lại chuyển hướng về Vũng Tàu để đón một kiện hàng khoảng 1.200 người. Lần này gian thương Tay Kheng Hong đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam lường gạt; tàu Hai Hong bị bắt buộc phải nhận thêm 1.300 hàng-vận nhân miễn phí. Tay Kheng Hong không có cách chọn lựa nào khác hơn là cay đắng chấp thuận yêu cầu tối hậu của Hà Nội bởi vì nếu không thì tàu Hai Hong khó có thể rời khỏi hải phận Việt Nam, và mối lợi đầu cơ của hắn sẽ tiêu tan.

Vào ngày 24-10-1978, chiếc tàu phế thải Hai Hong chở một kiện hàng người bao gồm 2.449 hàng-vận nhân kể cả gia đình của Tăng Tạ Sơn, cộng tác viên đắc lực của Tay Kheng Hong tại thành phố Hồ Chí Minh. Bão Rita vốn đang tàn phá biển Nam Hải lúc đó đã khiến tàu Hai Hong phải đổi hướng đi Hồng Kông để tiến về Nam Dương. Jakarta e ngại một kiện hàng người khổng lồ khác của Hà Nội sẽ bị trút xuống lãnh địa Nam Dương cho nên ra lệnh cho tàu Hai Hong phải rời hải phận quốc gia. Tàu Hai Hong trực chỉ Mã Lai nhưng vẫn không được phép đổ người. Sau đó thủy thủ đoàn dự định rời hải cảng Klang để đi Singapore nhưng tình trạng củ kỹ bệ rạc khiến tàu không rời khỏi hải phận Mã Lai nổi.

Trong suốt giai đoạn này, kết quả điều tra tàu Southern Cross, Hai Hong và một số tàu khác của các chính phủ quan tâm từ Kuala Lumpur, Jakarta đến Canberra, Washington cho biết đảng Cộng Sản Việt Nam đang tổ chức buôn lậu lương dân để kiếm vàng và quý kim; và kế hoạch buôn người tàn nhẫn này đe dọa đẩy toàn chương trình cứu trợ và định cư thuyền nhân vào tình trạng hiểm nghèo. Trong quá khứ, thuyền nhân là những người tị nạn đi tìm tự do trên những chiếc ghe nhỏ và họ đã được nhân dân và chính quyền láng diềng đón tiếp, giúp đỡ cũng như cho tạm trú trong khi chờ đợi được đi định cư. Trong chiến dịch buôn người của Hà Nội trên các chiếc tàu khổng lồ như Southern Cross và Hai Hong, vấn đề tư cách tị nạn bắt đầu được bàn luận và phân tích kỷ lưỡng hơn bởi các nhân vật chịu trách nhiệm về chính sách quốc gia, kể cả nhân viên Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Làm sao mà các hàng-vận nhân có thể được xem là dân tị nạn chính thống khi họ rời Việt Nam một cách đường đường chính chính với sự giúp đỡ và che chở của chính quyền Hà Nội? Tiêu chuẩn "bị đàn áp" (persecuted) vốn là tiêu chuẩn duy nhất để được cấp quy chế tị nạn theo công pháp quốc tế khó mà có thể áp dụng cho nhóm hàng-vận nhân từng được công an Bộ Nội Vụ tiếp đón, bảo vệ và đưa lên các chiếc tàu khổng lồ như Southern Cross và Hai Hong để ra đi một cách an toàn.

Chính phủ Úc lên tiếng là các chuyến buôn người của Hà Nội trên những chiếc tàu sắt to lớn phải thất bại bởi vì nếu không thì khó có thể ngăn chận bàn tay mại dân bất nhân của đảng Cộng Sản Việt Nam.[32] Bộ Trưởng Di Trú và Nhân Chủng Michael MacKellar tuyên bố: 'Chúng ta hiện có nhiều dấu hiệu đầu tiên là những cá nhân không có lương tâm đang gắng sức kiếm lời từ tình trạng tị nạn Đông Dương hiện nay.. Úc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thâu nhận nhiều ngàn dân tị nạn chân thật, nhưng tôi muốn báo trước rõ ràng là chúng tôi sẽ không chấp nhận các vụ liên quan đến âm mưu đen tối nhằm trốn tránh khó khăn.' [33] Nam Dương, Mã Lai và các quốc gia Đông Nam Á khác đồng chia xẻ quan điểm của Úc về kế hoạch buôn dân của Hà Nội.

Trong các ngày đầu của vấn nạn Hai Hong, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc dự định phân loại hàng-vận nhân trên chiếc tàu phế thải này là dân nhập biên bất hợp pháp. Tuy nhiên khi sức khỏe của các nạn nhân này xuống dốc trầm trọng vì điều kiện sinh sống bất lợi trên con tàu rỉ sét, lòng nhân đạo và sự xúc động nhất thời đã thay thế lý trí và khiến Cao Ủy Tị Nạn LHQ phải ra thông báo công nhận hàng-vận nhân trên tàu Hai Hong là dân tị nạn.

Vấn nạn Hai Hong chấm dứt vào tháng 11-1978 nhưng kế hoạch buôn dân của Hà Nội vẫn tiếp tục bởi vì đảng Cộng Sản Việt Nam không thể bỏ qua một mối lợi khổng lồ thâu thập được từ khổ cảnh thuyền nhân, đặc biệt là khi cộng đồng quốc tế chưa có phản ứng hiệu quả. Đa số các kiện hàng người của Hà Nội chứa khoảng vài trăm lương dân trở lại, nhưng cũng có khoảng nửa chục kiện hàng chứa hàng ngàn người được công an Bộ Nội Vụ phê chuẩn cho ra khơi trên những chiếc tàu rỉ sét và đã làm chấn động các chính quyền lân bang. Vào tháng 12-1978, tàu Huey Fong cập cảng Hồng Kông với một kiện hàng gồm 3.318 người.[34] Ba ngày sau, tàu Tung An chở 2.318 hàng-vận nhân đến Phi Luật Tân.[35] Hai tháng sau đó, Hồng Kông phải đối đầu với 2.651 hành khách của Hà Nội đi trên tàu Skyluck vốn trước đó đã bỏ 600 người tại vùng đảo Palawan của Phi Luật Tân.[36] Vào ngày 26-5-1979, tàu Sen On cũng được biết đến dưới danh hiệu Kina Maru rồi Seng Cheong đã ủi vào đảo Lantau của Hồng Kông với 1.433 hàng-vận nhân.

Sự liên kết giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và bè lũ gian thương quốc tế để buôn lậu lương dân chỉ chấm dứt khi cộng đồng thế giới cực lực phản đối kế hoạch buôn người tàn nhẫn này, và đám thương cẩu ở nước ngoài bị chính quyền địa phương đe dọa bắt phải chấm dứt công việc hợp tác mại dân với Hà Nội hoặc bị giam cầm và truy tố hình sự cũng như chế tài. Hsu Wen-hsin, thuyền trưởng của tàu Huey Fong, 6 phụ tá của hắn và 4 thương gia liên hệ đã bị Hồng Kông đưa ra tòa về tội buôn lậu sau khi tàu được cho cập bến vào ngày 19-1-1979;[37]Hsu và các phụ tá cũng như một thương nhân đã bị kết án hơn 50 năm tù sau đó. Đối với nhóm tổ chức tàu Skyluck, chính quyền Hồng Kông truy tố Thuyền trưởng Hsiao Hung-ping và 4 phụ tá về tội gian mưu vào tháng 2-1979. Thủy thủ đoàn của tàu Sen On cũng phải chịu một số phận tương tự; 4 người trong ban tổ chức đã bị kết án về tội giúp đỡ ngoại dân nhập cư trái phép. Tại Phi Luật Tân, chủ tàu Tung An đã bị phạt về tội vi phạm luật di trú. Trong khi đó, Mã Lai dùng luật An Ninh Quốc Nội năm 1960 để bắt giữ mà không cần phải truy tố Serigar, thuyền trưởng tàu Hai Hong, và đầu đàn nhóm tổ chức là Tay Kheng Hong và Lee Sam. Singapore bỏ tù Allan Ross và Chong Chai Kok bởi vì vai trò của họ trong vụ tàu Southern Cross và Hai Hong. Chính quyền Singapore cũng hủy bỏ giấp phép hành nghề của Thuyền trưởng Sven Olof vì Olof đã tích cực nhúng tay vào vụ tàu Southern Cross.

Các quốc gia quan tâm đã nhanh chóng chia xẻ tin tức tình báo liên quan đến bè lủ gian thương có liên hệ với Hà Nội để tiêu diệt dự tính buôn người trong trứng nước.[38] Tất cả các chủ tàu cũng như thương cẩu trù định làm ăn với đảng Cộng Sản Việt Nam thường xuyên được cơ quan an ninh địa phương thăm hỏi cũng như khuyến cáo về hậu quả nghiêm trọng của vấn đề. Singapore đã đập tan một mạng lưới quốc tế chuẩn bị làm ăn với Hà Nội bao gồm 4 thương nhân địa phương, 2 công dân Đài Loan và một thương nhân Nam Dương gốc Hoa; nhóm người này dự định dùng tàu Tonan Maru để thâu nhận một kiện hàng người với 'sự đồng lõa của giới cầm quyền Việt Nam' ('complicity of Vietnamese authorities').

Một dự tính buôn người khác xảy ra vào tháng 2-1979 liên quan đến tàu Lucky Dragon bị phá hỏng bởi vì Hồng Kông đã kịp thời phân phối tin tình báo cho nhiều chính quyền lân bang một cách hiệu quả. Báo South China Morning Post từng tường thuật lời của John Slimming, Giám Đốc Nha Thông Tin Hồng Kông: 'Có nhiều lý do để nghi là chiếc tàu này có thể đang chuẩn bị vào hải phận Việt Nam để thâu nhận hành khách trả cước phí.'[39]

Vụ tàu Sea View chứa đựng nhiều tình tiết lý thú hơn bởi vì khi Hồng Kông - lúc đó còn là thuộc địa Anh - nhận được tin tình báo cho hay là tàu này đang thả neo dừng lại cách sông Sài Gòn khoảng 16 hải lý vào tháng 6-1979, Luân Đôn lập tức triệu Lê Kỳ Giai, đại diện sứ quán Hà Nội, lên Bộ Ngoại Giao để phản đối hành động buôn người tàn nhẫn này. Giai phủ nhận vai trò của đảng Cộng Sản Việt Nam trong vấn đề mại dân, nhưng lời lên án chính thức này của chính quyền Anh đã có hiệu quả ngay lập tức. Vào ngày 13-7-1979, tàu Sea View phải rời hải phận Việt Nam mà không nhận được kiện hàng người của Hà Nội.

Nhờ vào sự hợp tác nhanh chóng và hiệu quả của các chính quyền quan tâm cho nên đảng Cộng Sản Việt Nam đã thất bại trong âm mưu tầm lợi lâu dài trên sự tủi nhục của nhân dân. Song song với nỗ lực tích cực truy tố cũng như chế tài bè lũ gian thương bốc vác các kiện hàng người của đảng Cộng Sản Việt Nam, cộng đồng thế giới đã thành công trong việc sử dụng áp lực ngoại giao để ngăn chận kế hoạch buôn lậu lương dân của Hà Nội.

Hàng-vận nhân chui rúc trên những chiếc tàu rỉ sét do bọn thương cẩu quốc tế và đảng CSVN tổ chức lèo lái.



Phụ Chú:

30 Tin tình báo cung cấp hình của một nhân vật bí mật gọi là ông Lý ('Mr. Leé) được Hà Nội sử dụng để liên lạc với đám thương cẩu qu ốc tế nhằm tổ chức các kiện hàng ngườị Ông Lý nói được tiếng Việt, tiếng Quan Thoại, Phúc Kiến và một ít tiếng Quảng Đông.

31 Một lượng vàng cân nặng khoảng 1.21 ounces. Vào giai đoạn 1979 và 1980, giá vàng vọt từ $275 Mỹ-kim/ounce lên đến $850 Mỹ-kim/ounce.

32 Tại Úc, một nhóm hổn tạp gồm có phe tả, phe bảo thủ cực hữu và thành phần kỳ thị chủng tộc đã chống lại việc định cư thuyền nhân. Họ miệt thị dân tị nạn Việt Nam là phần tử lười biếng và tổ chức họp báo để phản đối chính sách nhân đạo của chính phụ Nhưng chỉ một niên kỷ sau đó, chính những thuyền nhân này đã tạo được nhiều tiếng vang hiển vinh cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ chánh trường Úc. Ghe tị nạn đầu tiên cập bến Úc là chiếc KG 4435 do anh Lâm Bình, 25 tuổi, điều khiển rời Kiên Giang với 4 thanh niên khác.

33 'We now have the first indications that unscrupulous people are attempting to profiteer in the present Indochinese refugee situation.. Australia has played a major part in accepting many thousands of genuine refugees, but I give strong warning that we shall not accept cases involving subterfugé

34 Cảnh sát Hồng Kông tìm được 3.273 lượng vàng trị giá HK $6,5 triệu trên tàu Huey Fong. Đảng CSVN đã nhận tiền mãi lộ trị giá ít nhất từ 4 đến 5 lần số lượng vàng này hay khoảng 12.000 đến 15.000 lượng vàng trước khi cho phép tàu Huey Fong rời hải cảng Việt Nam.

35 Theo lời khai của một nhân chứng Việt Nam trước tòa Phi Luật Tân thì ít nhất là 240 người đã mất mạng trong khi chen lấn nhau lên tàu Tung An vào tháng 11-1978.

36 Sau khi rời Việt Nam vào ngày 24-1-1979, tàu Skyluck đã chuyển vàng sang tàu United Faith ngoài hải phận quốc tế trước khi nhập cảng Hồng Kông vào ngày 7-2-1979. Số lượng vàng này đã được tàu United Faith âm thầm chuyển vào thị trường buôn lậu của Hồng Kông.

37 Chính quyền Hồng Kông tu chính Luật Thương Hải (the Merchant Shipping Bill), Luật Di Trú (the Immigration Bill) và một số luật khác để tăng hình phạt tù (lên đến 4 năm) và tài chế (từ $40.000 lên đến $1 triệu) để đối đầu với thành phần thương cẩu cộng tác với Hà Nội để chuyên chở các kiện hàng ngườị Bọn buôn người được Hồng Kông đánh giá nguy hiểm không kém đám buôn lậu thuốc phiện.

38 Vào tháng 2-1979, Hồng Kông tổ chức nhóm đặc nhiệm về tàu tị nạn Refugee Ship Unit hoạt động bí mật dưới sự chủ huy của Tim Frawley để theo dõi hành vi của công an Bộ Nội Vụ Việt Nam và đám thương cẩu Hoa kiều ngoại quốc nhằm ngăn chận các kiện hàng người của Hà Nội.

39 'There are reasons to suspect that this ship may be planning a rendezvous in Vietnamese waters to pick up fare-paying passengers.' South China Morning Post, 2 March 1979.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn