BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73479)
(Xem: 62247)
(Xem: 39438)
(Xem: 31182)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về những lần thất bại… Nhân đọc : "Trả Ta Sông Núi", Hồi Ký Phạm Văn Liễu - Văn Hóa; Houston, Texas, 2004

10 Tháng Mười 200412:00 SA(Xem: 2203)
Về những lần thất bại… Nhân đọc : "Trả Ta Sông Núi", Hồi Ký Phạm Văn Liễu - Văn Hóa; Houston, Texas, 2004
51Vote
46Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.17
Phần Một.

Dẫn nhập: Trong khoảng thời gian dài suốt hơn một thập niên sau 1975, cụ thể những tháng năm bị giam nơi đất Bắc từ mùa Hè 1976, những người tù Miền Nam vào những lúc quẫn bách, tuyệt vọng đồng có băn khoăn trao đổi: Cớ sao phải đến nông nổi nầy?! Mối bận tâm nói ra không riêng cho phận người tù, nhưng bởi nhìn quanh dày đặc cảnh khổ của dân tình Miền Bắc - Tình trạng khốn cùng đè xuống phận người từ một thuở rất lâu mà không biết đến bao giờ, làm thế nào để cất bỏ được. Nỗi khổ cũng không riêng đối với người dân, nhưng chùng lấp, cùng khắp không sót một ai. Từ bà cụ già với chỉ tiêu 25 cây nứa (quy định bởi Hợp Tác Xã Tiểu Công Nghệ vùng Xã Việt Hồng, Việt Cường, Yên Bái) đến người nữ cán bộ công an cấp bậc trung úy thuộc Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa, trên đường dẫn tù về trại buổi chiều cuối năm, gió bấc, mưa phùn rả rích, thấm đẫm, rét buốt. Người nữ cán bộ bỏ vội đoàn nữ tù (đang có trách nhiệm coi giữ), xắn quần, cởi phăng áo rét, nhào xuống chiếc ao sên sết bùn hôi để giành dựt với đám tù người Nam (là chúng tôi) những con cá mắc cạn với lời thảng thốt cuống quýt. Cho tôi, để cho tôi. Các anh hãy bắt hộ tôi!! Lẽ tất nhiên chúng tôi đang là những hình hài ốm yếu, xanh xao vì đói, lạnh, nhưng tình cảnh người đàn bà (những nữ tù lẫn nữ cán bộ công an) thiếu thốn, đói khổ vẫn gây động mối thương tâm xót xa hơn. Hóa ra tất cả đều thấm chung một Cơn Đau. Hóa ra tất cả đồng chịu nguồn thống khổ nhục nhằn. Cớ sao cả nước phải chịu nông nỗi nầy? Cớ sao Miền Nam phải lần thua cuộc thảm hại? Cớ sao lực lượng quốc gia dân tộc liên tục lâm tình thế thấât bại não nề?! Lần sau nặng nề hơn, tuyệt vọng hơn lần trước, bắt đầu từ 1945 đến buổi chung kết 30 tháng Tư, 1975 mà đến nay (đầu Thế Kỷ 21) vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Và đang bước vào năm thứ ba-mươi, chỉ còn thiếu mấy tháng kể từ thời điểm uất hận kia.

Nhìn lại Mối Đau: Thế nên, chúng tôi đọc tập hồi ký của Đại Tá PhạmVăn Liễu với hy vọng tìm thấy câu trả lời trung thực, hợp lý đối với vấn nạn khắc nghiệt nhưng luôn có giá trị: “Tại sao chúng ta -Tất cả chúng ta đã thua trận: Trận chiến Dành Quyền Sống cho Người để Xứng Danh Hãnh Diện là Dân Tộc Việt. Tại sao? Cũng bởi, hơn hẳn một câu trả lời tổng quát đối với hoàn cảnh, tình thế chung - Trả Ta Sông Núi riêng đối với chúng tôi (những người lính, lớp tuổi trẻ lớn lên nơi Miền Nam) lại là một đáp số cụ thể - xuyên qua những giòng chữ viết, những trang hồi ký, chúng tôi nhận ra vóc dáng, phận nghiệp của một người đã đi chung con đường với chúng tôi. Khác chăng, người niên trưởng đi trước chúng tôi một thập niên, lớn hơn một thế hệ. Nầy đây, người cũng đã là một cậu thiếu niên lòng bừng bừng thúc dục bởi những lời ca cảm xúc dựng nên cảnh tượng uy nghi hùng tráng của một thời oanh liệt.
Cùng nước mắt về Thành Thăng Long, thành cao đứng,
trong khói mây chiều án trên giòng sông.

Bài ca xưa cũ nầy không chỉ là những nốt nhạc, tiếng, lời của một bài hát riêng cho tuổi thiếu niên, nhưng quả thật đã hiện thực rất đầy đủ đối với nhiều thế hệ người Việt buổi huy hoàng chiến thắng của một giòng giống kiên cường. Nhị Hà còn kia. Nhị Hà còn đó. Thăng Long ngày nào cờ khoe sắc phất phới. Loa vang xa, tiếng trống hú. Tiếng thét vang theo trống thành. Bao năm xưa các chốn cũ vẫn phảng phất nét oai linh.. Từ thúc dục những lời ca, do nung nấu vì quốc sỉ bị tổn thương bởi chế độ thuộc địa thực dân Pháp, những thiếu niên của năm 40 kia đã “lên đường cứu nước” qua vai trò học viên-chiến sĩ (vừa học, vừa chiến đấu hành quân, chống Pháp lẫn Việt Minh) trong tập thể Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn do Quốc Dân Đảng lập nên ở Yên Báy (*). Họ đã ra đi như một nghĩa vụ linh thiêng, nối tiếp công cuộc bất thành của lớp cha, anh - Những chiến sĩ của phong trào yêu nước Quốc Dân Đảng mà dấu máu vẫn còn rất mới của lần Lãnh Tụ Nguyễn Thái Học cùng mười-hai đồng chí bị xé thân nơi đất Yên Báy, ngày 13 tháng Sáu, 1930 - Những con người hùng vĩ dẫu “không thành công cũng thành nhân”, đã dụng xác thân quyết tử để Tổ Quốc Quyết Sinh, đốt ngọn đuốc tiên phong soi sáng khối người Việt quyết chiến đấu dành Độc Lập Dân Tộc.
(*) Chú ý phân biệt Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn của Việt Minh do Hồ Chí Minh lập ra ở Tông (Sơn Tây), khai giảng ngày 22 tháng, năm 1946.

Lần dấn thân cũng có nghĩa nuôi dưỡng, phát huy truyền thống giữ nước dậy nên từ Thế Kỷ 19 với những tiền nhân bất khuất: Trương Công Định, Thủ Khoa Huân trong Nam; Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng ngoài Bắc. Tiếp theo, vào những năm 50, lớp thiếu niên kia đến tuổi trưởng thành; và thêm một lần, họ lập lại cách thế tự nguyện nhập cuộc qua tham dự vào đội ngũ Người Lính Quốc Gia, gánh vác cuộc chiến liên tục bị kẻ nghịch ngụy danh xuyên tạc, cũng luôn hứng chịu lừa dối từ những đồng minh không thực tâm. Tương tự như thế, chúng tôi đã đi đúng con đường khó khăn nầy với hết thời tuổi trẻ không được quyền lựa chọn, bắt đầu thập niên 60 khi lằn ranh Quốc-Cộng đã hoàn tất, Hiệp Định Genève 1954, là một sự đã rồi.

Chúng tôi cũng chứng kiến đủ cách giết người vô cớ, oan uổng, và cực độ vô ích của cán bộ Việt Minh (cộng sản) đối với những người dân quê vô tội, do người dân kia đã tin tưởng mang trong người một tờ “giấy màu trắng, chữ viết mực xanh, con dấu đỏ” của một Uûy Ban Nhân Dân Xã chứng nhận cho họ được phép di chuyển từ xã sở tại đến một địa phương khác. Tờ chứng minh thư nầy đã trở nên là chứng cớ cho một bản án tử hình, vì một cán bộ Việt Minh (gặp phải trên đường đi) không biết đọc, nên có quy kết: “Đây là dấu hiệu ba màu xanh- trắng- đỏ của cờ Tây, vậy kẻ ấy ắt là tên Việt gian tay sai cho giặc!!” Sau nầy, cách tuyên án tương tự được lập lại ở Huế dịp bộ đội cộng sản tạm chiếm thành phố từ Giao Thừa Mậu Thân, 1968; và trong những ngày tháng Ba, tháng Tư, năm 1975, bởi lính Khmer Đỏ đối với người Campuchia; hoặc cán bộ cộng sản địa phương nơi những vùng Tuy Phong (Tuy Hòa); Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi). đã hành xử, quyết định sinh mạng hàng ngàn người bị quy kết những tội danh, “ngụy quân, ngụy quyền, và tay sai phản động” (bao gồm những “chức sắc như liên gia trưởng; khuôn hội trưởng Phật Giáo; trùm họ Đạo Công Giáo” và con em vị thành niên của họ) Những cái chết hờn oan mà Trả Ta Sông Núi đã miêu tả đủ cường độ bi thảm qua kinh nghiệm của bản thân người viết, với sinh mệnh những chiến hữu Quốc Dân Đảng - Những người trẻ tuổi tình nguyện gánh vác nghĩa vụ gìn giữ quê hương trong một thời bạo loạn, trên đường rút quân từ Yên Bái lên Lào Cay để qua Trung Hoa hầu tránh cơn tàn sát do binh lính thực dân Pháp lẫn bộ đội Việt Minh phối hợp tiêu diệt trước ngày Hồ Chí Minh ra lệnh toàn quốc kháng chiến, 19 tháng 12, 1946.
Và trước 1975, chúng tôi cũng đã nhiều lần vào Trại Quân Kỷ Bộ Tổng Tham Mưu; bị giam nơi Quân Lao Gò Vấp; ra Tòa Án Mặt Trận Bến Bạch Đằng vì mối tội kết nên từ những giòng chữ viết: “Gây hoang mang, nguy hại tinh thần chiến đấu của QLVNCH, làm lợi cho cộng sản.” Chứng cớ có thể nêu ra với những tính danh bằng hữu: Ngô Thế Vinh, Nguyên Vũ, Thế Uyên.
Sau 1975, chúng tôi bị lưu đày ra Miền Bắc, chịu chung trại tù Thanh Cẩm, Thanh Hóa (như Thiếu Úy Phạm Văn Liễu đã mắc phải vào tháng 3, năm 1953 cùng với vài ba hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Liên Đoàn Biệt Kích Nam Định), nhưng với sai biệt về số lượng tù - anh em chúng tôi bị giam giữ nơi hệ thống trại nầy nhiều đến năm, ba ngàn trong suốt hạn kỳ không có kết thúc. Và như nếu dụng tâm trốn trại thì cái chết chắc hẳn là điều ắt phải đến; không phải cách chết toàn vẹn thây xác, mà chỉ đến sau những trận đòn gớm ghê kinh hoàng, cực độ tàn nhẫn: Trường hợp bi thảm của Thiếu Tá Không Quân Đặng Văn Tiếp, anh Lâm Thành Văn chủ nhân một hãng xe đò vận tải - Những người tù miền Nam bị bắt lại sau lần vượt trại, chỉ còn sức kêu lên tiếng uất hận đau thương trước khi đi khuất. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ (nay ở Úc) được sống sót do được đánh giá đã là một thây ma. Cuối cùng, trong hàng ngũ Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam (thành lập năm 1981 tại Mỹ), những nhân dáng, tính cách của Lê Hồng, Nguyễn Trọng Ni, luôn hiện diện mãi dẫu họ đã vắng mặt từ bao năm. Bởi đấy là những chuẩn úy, thiếu úy cùng chia những ngày bão lửa nơi Tiểu Đoàn 3, Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, lúc chúng tôi vừa qua tuổi hai-mươi, mà nay họ đã oan khuất mất dấu nơi những vùng đất không tên, do những nguyên nhân không hề được giải thích, trong vũng tối, bởi những âm mưu thâm hiểm. Quả thật, chúng tôi đi cùng một đường với người, và việc được kể ra trong Trả Ta Sông Núi mà không hề thiếu sót bổn phận, kinh qua đủ tất cả tình huống ngặt nghèo, và không hề vắng mặt tại những thời điểm nguy nan cũng như Người Lính Phạm Văn Liễu vậy.

Và chúng tôi cũng chịu chung hệ quả cay đắng về những lần thất bại (chính trị lẫn quân sự) đã diễn ra suốt hai thập niên 60, 70 nơi Miền Nam. Chính thế hệ chúng tôi và vain, triệu dân, lính ở Miền Nam chứ không ai khác.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc có đến 600.000 người Việt chết trên đường vượt biên ra khỏi nước trong suốt hơn mười năm sau năm 1975; Việt Nam là một trong số mười quốc gia nghèo nhất thế giới sau gần ba mươi-năm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa; Con trẻ, thiếu nữ, đàn bà Việt bị bán qua Đài Loan với giá vài ba trăm đô-la trong những dịch vụ (do chính quyền Hà Nội chủ trương, đề xướng, điều hành) gọi là “Trao đổi hôn nhân với người nước ngoài”, hoặc để làm vật mãi dâm khắp vùng Đông-Nam Á; Hà Nội có khu chợ chuyên bán máu người; Ở Quảng Trị, trên đồng cháy nơi Lao Bảo, Khe Sanh, lũ lượt đoàn người đi hành nghề “đập đạn trái phá, bom chưa nổ”.
Vậy, thưa cùng Niên Trưởng Phạm Văn Liễu, hóa ra Chúng Ta -Tất cả chúng ta (trong hay ngoài quân đội) cùng chung gánh nặng về những lần Thất Bại. Hóa ra chúng ta (không phân biệt người trong nước hay ở nước ngoài) cùng thấm chịu một Mối Đau không có khả năng giải quyết. Vậy phải tìm cho ra cội nguồn cay đắng nầy dẫu hôm nay đã quá muộn màng. Trách nhiệm lỗi lầm nầy từ đâu? Do ai? Tại sao?
Phần Hai.
Sự Thật Ở Nơi Đâu? Hồi Ký Trả Ta Sông Núi tiếp mở ra những Sự Thật mà tác giả do một nghiệp vận kỳ lạ đã luôn có mặt trong những tháng năm lịch sử nửa thế kỷ - Nhân chứng Phạm Văn Liễu đã tham dự ở những vị trí then chốt, tại những thời điểm quyết định. Đấy là người sĩ quan mang cấp bậc đại úy (1954) đồng nhiệm vụ thành lập binh đoàn Thủy Quân Lụïc Chiến, tiền thân của Binh Chủng TQLC sau nầy, đại đơn vị lãnh nhiệm vụ tổng trừ bị quốc gia trong hai thập niên 1960-70 cho đến hồi tàn cuộc. Và không chỉ trong những nhiệm vụ thuần túy quân sự, vị Thiếu Tá Tham Mưu Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quân Sự Quang Trung kia lại là một trong những nhân vật chủ yếu của lần binh biến 11 tháng 11, 1960 - Biến cố tiền đề cho lần lật đỗ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm ba năm sau vào ngày 1 tháng 11, 1963. Và tiếp theo một loạt biến cố chính trị-quân sự: Đảo chánh; phản đảo chánh; chỉnh lý; biểu dương lực lượng; xuống đường; xung đột tôn giáo; Miền Trung ly khai; người Mỹ đỗ quân; hành quân mở rộng qua Campuchia, Hạ Lào; Việt Nam Hóa chiến tranh; Hiệp Định Paris. dẫn đến ngày tàn cuộc 30 tháng Tư, 1975. Ngoại trừ lần binh biến 1 tháng 11, 1963 (khi Thiếu Tá Phạm Văn Liễu đang lưu vong ở Campuchia do lần thất bại của vụ việc 11 tháng 11, 1960); Trung Tá Phạm Văn Liễu (tiếp lên cấp đại tá, 1965) hầu như có mặt trong tất cả mọi vụ việc với chức năngï chỉ đạo, hoặc tham mưu:
Lần Biểu Dương Lực Lượng 12 tháng 9, 1964 với chức vụ Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 7 Bộ Binh (đơn vị chủ lực của lần biểu dương). “Để tránh sự theo dõi của Ban Cố Vấn Mỹ, tôi ra lệnh Phòng 3 soạn thảo kế hoạch hành quân tại vùng Cái Bè-Cai Lậy để có lý do chuyển quân (về Sài Gòn biểu dương lực lượng). Ngay chiều Thứ Bảy, 12 tháng 9, tôi ra lệnh cho các đơn vị bắt đầu chuẩn bị “hành quân”(TTSN, Tập 2, trg 157).

Cuộc Đảo Chính Hụt 19 tháng 2, 1965: “Thời kỳ nầy tôi vẫn còn giữ chức Thứ Trưởng Thanh Niên, và ông Kỳ (Nguyễn Cao) làm tổng trưởng. Khoảng gần trưa, đại Tá Nhan Minh Trang đến báo tin anh em sẽ làm đảo chính. Tôi vội lái xe vào trại Phi Long (Tân Sơn Nhất). Trung Tá Nguyễn Ngọc Loan đang bị trói trên một chiếc ghế. Đại Úy Cổ Tấn Tinh Châu, tiểu đoàn trưởng TQLC vào trình diện tôi cho biết có nhiệm vụ chiếm phi cảng. Tôi bảo Đại Úy Châu hãy ở nguyên chỗ, nếu có gì tôi sẽ cho biết sau.” (TTSN, Tập 2, trg 223-224). Cuộc đảo chính tiếp theo diễn tiến. “Gần trưa (ngày 20 tháng 2) Tướng Thi (Nguyễn Chánh) vào tới Biên Hòa (từ Đà Nẵng). Dưới sự chủ tọa của Thủ Tướng Quát (Phan Huy), và hai tướng Thi-Kỳ, chúng tôi quyết định bắt giữ nhóm cầm dầu và lật đỗ Tướng Khánh.. Xế trưa đó, Tướng Khánh tới Biên Hòa. Thoạt tiên tôi muốn bắt giữ ông Khánh ngay, và sắp xếp cho anh em TQLC thực hiện.” (TTSN, Tập 2, trg 229).

Lần Bẻ Gãy cuộc Đảo Chính Ngày 20 tháng 5, 1965. “Từ đầu tháng 5, 1965, tôi nhận được nhiều tin dồn dập về âm mưu đão chính của Phạm Ngọc Thảo. Vào giữa tháng, tôi triệu tập tập một phiên họp kín tại Tổng Nha Cảnh Sát để bàn thảo cách đối phó.. Dù có bằng chứng rõ ràng về nhóm chủ mưu, tôi cho lệnh Sở Hoạt Vụ chỉ ra tay ít giờ trước hạn định khởi sự để “nuôi” thêm những thành phần đồng lõa.”(TTSN, Tập 2, trg 259-260).

Và với vị thế thành viên của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Tổng Giám Đốc CSQG Phạm Văn Liễu đã có chủ trương: “Trẻ Trung và Lành Mạnh Hóa Quân Đội” qua đề nghị mạnh mẽ. “Trong một buổi họp vào tháng 9, 1965, tôi nêu lên trường hợp Tướng Trần Thiện Khiêm, đương kim đại sứ tại Hoa Kỳ. Tôi đề nghị UBLĐQG nên triệu hồi Đại Tướng Khiêm và cho ông ta giải ngũ.” (TTSN, Tập 2, trg 323-324).

Cuối cùng, công tác trọng đại, quyết định sự mất, còn của Miền Nam: Lần chuẩn bị thành hình chính phủ quân nhân với cơ chế Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Đại Tá Phạm Văn Liễu luôn dự phần: “Ngay sau khi Y Sĩ Quát (Phan Huy) từ chức (Thủ tướng chính phủ dân sự), tôi điện thoại báo cho Tướng Thi (Đà Nẵng), và yêu cầu ôngvào Sài Gòn càng sớm càng tốt.. Chúng tôi dùng tư thất anh Đinh Trình Chính, bộ trưởng thông tin làm nơi hội thảo và bàn bạc phương cách chấm dứt tình trạng nhiểu nhương vô chính phủ. Sau khoảng gần một tuần lể chuẩn bị, tôi được anh em giao trách nhiệm thuyết trình về tổ chức chánh phủ mới”. Và sau lần bầu bán những nhân sự vào hai chức vụ quan yếu kể trên, ông lại được giao phó: “Trước khi mãn họp, Tướng Kỳ nhờ tôi tham khảo và mời các nhân vật dân sự tham gia nội các..” (TTSN, Tập 2, trg 299-303)

Đến đây chúng ta có thể tạm ngưng phần trích dẫn đánh dấu ở thời điểm người viết hồi ký phải rời khỏi nước ngày 29 tháng 4, 1975, để nhìn lại hệ quả của những công việc mà Đại Tá Phạm Văn Liễu đã ý thức trách nhiệm thi hành - với những hệ quả tai hại lẫn tai họa không thể bù lấp - mà nạn nhân trước tiên không ai khác ngoài bản thân, gia đình, đồng chí, chiến hữu của chính ông.
Về cuộc Nổi Dậy Ngày 11 tháng 11, 1960, ông nhận định: “.Thực ra không có một kế hoạch tỉ mỉ nào; từ đầu, đã có nhiều nhóm khác nhau” (TTSN, Tập 1, trg 377). Khi cuộc binh biến chưa diễn ra, ngày 10 tháng 11, ông đã có nhận xét về bản thân, đối với những người cùng cuộc: “.Tôi chán ngán bỏ về giường nằm. Vừa bực tức, vừa trách mình ngu dại liên hệ với những tay mơ, háo sát” (TTSN, Tập 1, trg 386). Và ý nghĩ trên máy bay trên đường đào thoát qua Campuchia sau lần nổi dậy thất bại: “.Tôi cố dấu tiếng thở dài. Khởi nghĩa chống lại một chế độ đã cai trị hơn sáu năm với mạng lưới công an, mật vụ chằng chịt mà nhóm (nhân sự tổ chức đảo chánh) làm như rủ nhau vao Chợ Lớn nhậu nhẹt, du hí. Kế hoạch thì đầu Ngô mình Sở, hay nói đúng hơn chẳng có kế hoạch gì.” (TTSN, Tập 1, trg 421).

Về lần Biểu Dương Lực Lượng 12 tháng 9, 1964 thì đưa đến kết quả: “Nhiều đơn vị cũng gọi máy cho tôi (PVL), nói không muốn tiếp tục nữa.. Cuộc đảo chính đã mất hết chính nghĩa” (TTSN, Tập 2, trg 160).

Lần Phản Đảo Chính 19 tháng 2, 1965 thì được giải quyết theo cách thức: “.Tôi phóng xe lên thẳng phi trường Biên Hòa để tìm cách đối phó với tình thế. Ông Kỳ đang ngồi đánh mạt-chược. Vẫn không rời bàn mạt-chược, Tướng Kỳ đáp: Ông làm cách nào đánh lại tụi đảo chính đi. Tôi sẽ cho thằng Phạm Phú Quốc lên vùng, đặt dưới quyền điều khiển của ông.” (TTSN, Tập 2, trg 228).
Hóa ra là như thế, ở Sài gòn, nơi Miền Nam, cái gọi là “cơ quan lãnh đạo cuộc đảo chính” lại là, “không có một tổ chức nào cả”, với những người nắm chức vụ “chỉ huy đất nước” thì đang “bận rộn sắp xếp những quân bài mạt-chược”; và những người “đại diện dân cử” chỉ toàn một tập đoàn “trục lợi, gia nô.” Thế nên, ngày 30 tháng Tư, 1975 đã xẩy đến như một điều tất nhiên qua đúc kết của chính tác giả sau khi bị cất chức tổng giám đốc ngành cảnh sát: “Thất bại của chế độ chống Cộng Miền Nam phần lớn do sự kèn cựa, ganh tị, tranh đoạt danh lợi cho cá nhân hay phe phái.” (TTSN, Tập 2, trg 380).
Vâng, nay nơi đất Mỹ, chúng tôi đọc ra những giòng chữ trên trong cùng tận não nề, với câu hỏi xưa cũ luôn hiện mới: “Vậy, hôm nay ở nước người chúng ta có thể làm được những gì? Như thế nào?”

Phần Ba:
Lịch sử chỉ là lần lập lại. Vấn nạn về nguyên nhân thất bại (của lực lượng Tự Do-Dân Chủ Việt Nam) hoàn toàn không thuộc của riêng một giai tầng người Việt nào; cũng thế, tác giả tập hồi ký do một lời nguyền từ thuở xa xưa, đã luôn luôn tự thân nhắc nhủ. “Với ai đó, “Tổ Quốc; Núi Sông; Dân Tộc”. có thể chỉ là những ý niệm trừu tượng, nhưng đối với Thế Hệ 1945 chúng tôi, đó là những đối tượng thiêng liêng, đầy sủng kính” (TTSN, Tập 3, trg 86). Thế nên, sau một thời gian hai năm tạm quên nghĩa vụ chung để lo gánh nặng gia đình, năm 1976, 1977. Người Lính Phạm Văn Liễu lại tiếp lên đường. Cũng không đợi ông lên tiếng, những người bạn, chiến hữu đã đến tìm ông trước. Những Lê Văn Thái, Lê Hưng hay người bạn trẻ (so với tác giả, và ở thời điểm ngay sau 1975) Đinh Thạch Bích, đã từ California vượt ngàn dặm xuyên bang, ngủ đêm ngoài trời tuyết để ngày mai nói với ông lời tâm huyết: “Anh em qúy ông, anh em tin ông, đã đến lúc ông phải đóng góp sức mình và khả năng, trí óc với anh em” (TTSN, Tập 3, trg 54). Ông dần di chuyển khỏi Carbondale, Illinois đến Austin, Texas, rồi từ đây qua Sacramento (Thủ Phủ CA) để dễ dàng xuống Miền Nam (nơi tập trung số đông người Việt); và tiện liên lạc với Miền Đông (Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn) với mục đích mong tìm kiếm, thăm dò, tập hợp người Việt của nhiều lứa tuổi, thuộc nhiều thành phần xã hội. Từ những người quen thân (đã thành danh, giữ chức phận lớn trước đây tại Miền Nam như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Tướng Nguyễn Chánh Thi.); hay mới lần đầu sơ kiến, nghe đến (người thuộc thế hệ trẻ trưởng thành ở hải ngoại như Huỳnh Lương Thiện, Đỗ Thông Minh.) Tất cả đều chung lòng nung nấu: “Phải làm một cái gì!!” Nhưng mục tiêu chung nhất nầy chưa hẳn đủ, những cá nhân người Việt sau thời kỳ tao loạn, phân ly, lưu vong đã trở nên là đối tượng của một tâm thức đầy nghi kỵ, nếu không nói là chống đối lẫn nhau. Bởi thế, lần chuẩn bị cho việc thành lập Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản (CĐNVTNCS) đã không giúp cho các tổ chức, cá nhân gần gũi nhau hơn, nhưng là dịp để thấy rõ ra tính dị biệt, xung khắc giữa các tổ chức, thành phần nhân sự. “Không ngờ, càng nghe những tin vui mở mang lực lượng (Lực Lượng Quân Dân Việt Nam - LLQDVN) bên Miền Tây, Minh (Hoàng Cơ, Phó Đề Đốc Hải Quân thuộc cánh Miền Đông) càng tỏ vẻ khó chịu.” Nhưng những nhân sự Miền Đông cũng không hẳn là thuần nhất bởi: “Minh cho biết không còn cộng tác với Luật Sư Lê Chí Thảo (Chuyên viên ngoại giao cao cấp của Đệ Nhị Cộng Hòa) - Người Minh hằng coi trọng như một quân sư” ở thời điểm trước đây không lâu (TTSN, Tập 3, trg 103-108). Và không những chỉ là phản ứng tâm lý riêng của một cá nhân; nhân sự tên gọi Hoàng Cơ Minh đi đến hành động cụ thể qua quyết định: “Tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) phải được thống nhất nên một khối, tổ chức nào gia nhập MT đều phải bắt buộc phải giải thể. Thà mất lòng trước được lòng sau, Lực Lượng Quân Dân Việt Nam (LLQDVN) phải tự giải tán trước làm gương cho các hội đoàn khác.” HCMinh thúc dục PVLiễu để hoàn tất sự việc: “Quyết định nầy được hợp thức hóa vì, “với vốn tính cả nể và dễ tin, tôi (PVL) ký vào bản giải thể LLQDVN đã được Minh đánh máy sẵn”; và sau đó dù biết rõ rằng: “Tướng Thi (Nguyễn Chánh) và tôi (PVL) đều bị Hoàng Cơ Minh dối trá và lừa bịp”, người tổ chức Phạm Văn Liễu vẫn tiếp tục công việc: “Minh và tôi thảo luận và đi đến quyết định chia (MTQGTNGPVN) làm hai bộ phận: Tổng Vụ Quốc Nội và Tổng Vụ Hải Ngoại. (TTSN, Tập 3, trg 159)”; và ông giữ chức Tổng Vụ Trưởng Vụ Hải Ngoại bao gồm Hoa Kỳ, Châu Âu, Á Châu, Nam, Trung Mỹ. Hoàng Cơ Minh giữ chức Tổng Vụ Trưởng Vụ Quốc Nội và lên đường qua khu chiến Thái Lan cùng với sáu thành viên (Trung Tá Lê Hồng, lữ đoàn phó Lữ Đoàn I Dù phụ trách quân sự-pnn) từ ngã phi trường San Francisco.

Trước giờ ra đi, Trần Minh Công, đại diện các anh em miền Nam Cali trao cho Minh một bì thư với lời chí tình: “Đây là 9,000.00 (chín ngàn) Mỹ Kim anh em quyên góp, nhờ tôi đem trao cho các anh, và cầu chúc các anh chân cứng đá mềm, thành công trong mọi việc”. Anh Công trong cơn xúc động nói tiếp: “Nếu sau nầy các anh cần tiền, tôi sẽ bán cái nhà gia đình tôi đang ở để giúp kháng chiến”. Và, “Anh Nguyễn Văn Ngân, đại diện nhóm sinh viên Berkeley, cũng trao tặng Minh 2, 000.00 (hai ngàn) MK. Minh cầm hai bì thư lấy tiền ra đếm, rồi bỏ ngay vào túi áo, nói: “Đồng tiền liền khúc ruột, không tin ai được”” (TTSN, Tập 3, trg 165). Đến Bangkok ngày 20 tháng 8, 1981 nhóm tiền phương MT bị chận tại phi trường vì không có giấy nhập cảnh. Bởi Minh đã quá tin lời Nguyễn Chí Trung (nhân viên tình báo của thời Đệ Nhất Cộng Hòa tại Thái) đinh ninh sẽ có đại diện chính phủ Thái ra đón (!) Đoàn bị trục xuất qua Nhật, nhờ tổ chức Người Việt Tự Do (nhóm Đỗ Thông Minh, Huỳnh Lương Thiện) tận tình giúp đỡ, nhất là giáo sư Teruo Tonooka vận động cho tạm trú tại Nhật ba tháng, xong từ đây về lại Thái thuê đất của Tướng (hồi hưu) Sutsai, một làng nhỏ sát biên giới Lào-Thái, thuộc quận Đệt, tỉnh Ubon. Lẽ tất nhiên đất thuê trả tiền.
Ở Mỹ, người tổ chức Phạm Văn Liễu ra sức phát triển Tổng Vụ Hải Ngoại, được đông đảo các thành phần ưu tú trong cộng đồng người Việt tham gia; duy sự kiện giao các Vụ Tuyên Vận, Tài Chánh cho anh em nhà Hoàng Cơ đồng bị phản đối, ngoại trừ Vụ Kiều Vận do Hoàng Cơ Trường (Y Sĩ TĐ8TQLC) được anh em tín nhiệm. Tuy nhiên MT vẫn được Cụ Phạm Ngọc Lũy thành lập Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến tích cực giúp đỡ.

Dẫu cho có những dấu hiệu bất toàn buổi ban đầu, phong trào vẫn phát triển mạnh với những sự kiện quan trọng: Lễ Tuyên Bố Cương Lĩnh Mặt Trận tổ chức tại chiến khu Thái Lan với sự tham dự của Tổng Vụ Trưởng Phạm Văn Liễu (Hiệu Trần Nam Sơn, bí danh Anh Bảy); Ngô Chí Dũng đại diện tổ chức Người Việt Tự Do (Nhật); hai ký giả, phóng viên Hoàng Xuyên, Nguyễn Văn Ấn và một vài người nữa. Phái đoàn rời Mỹ ngày 22 tháng2, 1982, buổi lễ dự trù cuối tháng tại vùng biên giới Tỉnh Ubon, đối diện Thị Xã Paksé của Lào bên kia sông Mê-Kông. Sau những rắc rối chậm trễ vì giấy tờ, phái đoàn được vào khu chiến dự lễ có khoảng 200 tay súng trình diện, được chia thành các toán 18, 27, 36.. (với tổng số là “9”) - Bí danh của Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh, “Anh Chín”. Hai phóng viên Hoàng Xuyên, Nguyễn Văn Ấn quay được đoạn phim kháng chiến sau nầy hãng CBS cắt, xén, lồng lời bình luận thành một đoạn phim tài liệu dài khoảng 10 phút, quảng bá thanh thế mặt trận. Buổi lễ có kết quả tốt dẫu cuối cùng đã có đối thoại sau đây giữa hai nhân vật cầm đầu hai tổng vụ (quốc nội và hải ngoại) tại Bangkok. Phạm Văn Liễu cáo buộc Hoàng Cơ Minh những điều:
- Không thành thật đối với phái đoàn quốc ngoại bằng cách dàn dựng sự việc: Ngày vào khu chiến đi mất hai ngày, một đêm, (từ biên giới Thái-Lào để gây ấn tượng: Khu chiến nằm sâu trong đất Lào). Ngày ra chỉ đi khoảng ba giờ.
- Phô trương lực lượng kháng chiến quá lộ liễu, giả tạo; hơn quá nửa (120 người) kháng chiến quân là người Lào.
- Dàn cảnh ký giả Hoàng Xuyên đóng hai ngàn Mỹ Kim để bắt kẹt người nầy.
- Tịch thu phim, ảnh của người vào làm phóng sự.
- Nguyễn Thành Tiễng (Chi bộ Hawai, vốn trung úy pháo binh) quá sợ hãi, xin trở về Mỹ.
Và cuối cùng, điều nghiêm trọng nhất: Hoàng Cơ Minh tiếm danh xưng Chủ Tịch Mặt Trận.

Nhưng dẫu đã có nặng lời do những xung khắc kể trên, Tổng Vụ Trưởng Phạm Văn Liễu với chủ trương “lộng giã thành chân” tiếp tục vận động Cụ Phạm Ngọc Lũy (Phong Trào/QGYTKC) tổ chức Lễ Giỗ Hùng Vương (3 tháng 4, 1982) gây thanh thế và quỹ yểm trợ cho mặt trận với đỉnh cao là Đại Hội Chính Nghĩa 1983. Ngày 16 tháng Tư, 1983 từ Thái Lan Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh cùng bốn người thân tín đến Hawaii trước, xong đáp xuống phi trường Los với y phục bà ba đen, khăn rằn, dép râu, cung cách “cách mạng” của Hồ Chí Minh trong tư thế “anh hùng cứu quốc trở về từ khu chiến”. Không chỉ là vẻ kiêu hãnh bề mặt, Minh chỉnh Trần Minh Công (Cựu Đại Tá Viện Trưởng Học Viện CSQG Thủ Đức - nhân vật thứ ba của tổ chức): “.yêu cầu chiến hũu Công xưng hô cho nghiêm tú” tại nhà riêng, khi Công gọi Minh với danh xưng thân mật “anh Minh”. Minh còn “hù” Công với xấp hình “một kháng chiến quân bị xử tử hình ở chiến khu!!” (TTSN, Tập 3, trg 316-317) Chưa hết, ra đám đông, gặp báo chí phỏng vấn, Minh trả lời với ký giả Báo Japan Times: “Đã kết hợp được 36 tổ chức kháng chiến trong nước (VN), dưới tay có 10, 000 tay súng” (TTSN, Tập 3, trg 319). Nhưng không chỉ là những va chạm trong lời nói, cách xử sự cá nhân, mà dẫn đến những đổ vỡ trong tổ chức, điều hành nhân sự. Ngày 18 tháng 6, 1984 Hoàng Cơ Minh từ “khu chiến” trở về Mỹ (nhưng thật sự từ Tokyo (Nhật) chứ không là Thái Lan) gặp riêng Phạm Văn Liễu để đặt vấn đề về việc tổng vụ trưởng hải ngoại (PVL) cách chức vụ trưởng vụ tài chánh của Hoàng Cơ Định và vụ tuyên vận của Nguyễn Xuân Nghĩa. Theo lời yêu cầu của Minh, Ban Chấp Hành TVHN triệu tập phiên họp ngày 14 tháng7, 1984 để giải quyết nội vụ (về Định và Nghĩa). Tổng Vụ Trưởng Hải Ngoại Phạm Văn Liễu giữ nguyên quyết định; Hoàng Cơ Minh vắng mặt kể từ đây, và phiên họp ngày 23, 24 tháng 11, 1984 là cuộc họp chót có tham dự của Hoàng Cơ Định. Kết cuộc xẩy đến: “Ngày 29 tháng 12, 1984 Hoàng Cơ Minh với tư cách là Chủ Tịch Mặt Trận (không do ai bầu hoặc đề cử) đồng thời cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc (chưa bao giờ được thành lập) ký quyết định số 037/ HĐKCTQ giải nhiệm ông Trần Trung Sơn (Phạm văn Liễu). Minh thường sống tại Hawaii hay Nhật Bản. (TTSN, Tập 3, trg 445)”.

Do áp lực của Hà Nội, chính phủ Thái quyết định giải tán khu chiến của mặt trận tại Ubon. Tháng 8, 1987 ông Minh cho lệnh chuyển trại lên Miền Bắc, lộ trình bám sát biên giới Thái-Lào. Lực lượng kháng chiến không còn những người chuyên nghiệp quân sự như Dương Văn Tư, Lê Hồng chỉ huy; lại thêm kháng chiến quân đi báo cho Pathet Lào để trả thù cho anh em bằng hữu (bị ông Minh ra lệnh sát hại). Pathet Lào tuy không tinh nhuệ nhưng được trang bị vũ khí, đạn dược đầy đủ, quen thuộc vùng trấn đóng. Kháng chiến quân lần lượt ngã gục, ông Minh và mấy người thân cận cũng không thoát chết. Tháng 10, 1987 đài phát thanh và báo chí Lào loan tin đã tiêu diệt lực lượng Hoàng Cơ Minh. Tháng 12, 1987 báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân chính tức loan tin về phiên tòa xử các kháng chiến quân và chi tiết về cái chết của Minh, kèm theo hình ảnh. Nhưng viện lý do (bảo mật tổ chức) nhóm đầu lĩnh mặt trận không công bố tổn thất nhân sự, nhất quyết tuyên bố: “Chủ tịch Hoàng Cơ Minh vẫn còn sống và vẫn lãnh đạo công cuộc kháng chiến tại quốc nội” (TTSN, Tập 3, trg 445-448).

Việc làm của Vụ Trưởng Vụ Hải Ngoại Phạm Văn Liễu được Duyên Anh đánh giá nhân dịp nhà văn sang Hoa Kỳ (6, 1988): “Anh đã đem cái bình vôi treo lên cây đa, cây đề trước đình làng. Một mình anh sơn quét cho nó chưa đủ, anh còn kêu cả dân làng tâng bốc, lễ lậy. Anh và dân làng đã phạm một sai lầm to lớn, như anh đã thường phạm trong suốt cuộc đời anh.. Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ nếu không có anh cõng (bỏ hai chữ), đưa (bỏ hai chữ) lên vai trò cai trị đất nước, thử hỏi (bỏ hai chữ) làm sao nghênh ngang võng điều được..” (TTSN, Tập 3, trg 447-408) Hẳn người viết hồi ký Phạm văn Liễu nhận định lời của Duyên Anh đúng đắn nên ông nhắc lại lần thứ hai, thứ ba trong suốt những nhiều trang của tập sách cuối cùng.

Kết từ: Vấn đề của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam với những người tổ chức, lãnh đạo, điều hành, thực hiện đến nay đã hơn hai mươi năm. Nhiều người đã chết, Hoàng Cơ Minh, Dương Văn Tư, Lê Hồng, Nguyễn Trọng Ni, Ngô Chí Dũng. và nhiều người nữa không rõ tính danh. So với vạn, triệu người đã chết trong chiến tranh; chục ngàn người chết nơi lao tù cộng sản; trăm ngàn người chết người chết trên đường vượt biên giữa biển khơi, dọc biên giới ba nước Đông Dương. Số lượng người chết trong cuộc chạm súng nơi biên giới Lào-Thái vào những ngày tháng 8 năm 1987 kia quả chỉ là con số tương đối nhỏ. Nhưng một người chết vẫn mang ý nghĩa bi thảm - Một Con Người bị hủy hoại. Và từ đó đến nay, người Việt trong nước cũng như ở nước ngoài vẫn hằng mang một nỗi trông chờ: Chờ được sống Xứng Đáng Tính Danh Người. Và câu hỏi xưa cũ còn nguyên giá trị: Chúng ta phải làm gì? Phải làm gì?

CA, 10 tháng 10, 2004
Nhớ “Tháng Mười” ở Miền Nam
Phan Nhật Nam
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn