BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73502)
(Xem: 62250)
(Xem: 39442)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thêm một mộ tập thể ngày tàn cuộc chiến

07 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 1913)
Thêm một mộ tập thể ngày tàn cuộc chiến
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
HƯƠNG TRÀ, Thừa Thiên - Ông Võ Văn Hạp, một nông dân thôn Thái Dương Thượng, xã Hải Dương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, còn nhớ rõ đó là ngày rằm tháng 2 năm Ất Mão (tức ngày 27 tháng 3, 1975), sau khi tiếng súng đã ngưng, gần cửa sông cửa biển trước mặt nhà ông có xác của sáu người lính trôi giạt vào bờ.









Vùng biển Thuận An thuộc địa phận Thừa Thiên.

 Danh sách tử sĩ

 Tất cả sáu thi hài đều đã biến dạng và bốc mùi. Lúc bây giờ ở mé biển cũng có nhiều xác quân nhân VNCH trôi tấp vào, không phải chỉ riêng gia đình ông lo việc chôn cất mà trong làng cũng có nhiều người lo việc đào đất, chôn những người đã chết. Tuy nhiên, họ chỉ chôn vì vấn đề vệ sinh chứ không đánh dấu và ghi nhớ tên tuổi các thi hài như ông Võ Văn Hạp.

Sáu xác do ông Võ Văn Hạp chôn cất, ông còn nhớ “đều là quân nhân,” nhưng lúc bấy giờ ông không phân biệt được binh chủng và đơn vị, vì có người đã cởi áo hay quần.

Ghi nhận của ông Hạp cho thấy:

Thi hài thứ nhất, trên túi áo có ghi tên Phan Văn Hiệp.

Thi hài thứ hai, trên túi áo có ghi tên Nguyễn Lam.

Thi hài thứ ba có mang thẻ bài ghi tên Nguyễn Văn Sửu.

Thi hài thứ tư, sau khi gia đình tử sĩ này đến nhận, được biết tên là Võ Văn Lợi.

Thi hài thứ năm và thứ sáu không biết danh tánh.

Sau khi vớt xác vào ngày 27 tháng 3, 1975, ông Võ Văn Hạp chỉ chôn tạm bọc các thi thể bằng chiếu và vải, và sau đó khoảng 4 năm, khi gia đình lần hồi khá giả, ông cho cải táng 6 bộ xương cốt, cho vào những chiếc quách (hòm nhỏ) và chôn trên một vuông đất khô ráo, và hương khói cho đến nay.

Vào khoảng năm 1981, có một gia đình gồm hai cha con từ Gio Linh, Quảng Trị vào Thái Dương Thượng tìm chồng và con rể. Gia đình tử sĩ này cho biết, “con họ (người lính đã chết) về báo mộng cho biết nơi chôn cất” và đã đến nơi, tìm đúng chỗ và nói đúng tên họ. Đó là thi hài thứ ba tên Nguyễn Văn Sửu, nguyên là Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Quảng Trị.

Một gia đình khác từ An Hòa, Huế, tìm đến nhà ông Võ Văn Hạp theo lời chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, tìm xương cốt của con mình trong ngôi mộ thứ tư, tên là Võ Văn Lợi, một nghĩa quân thuộc làng An Hòa, cách thành phố Huế 5km về phía Bắc.

Ông Võ Văn Hạp nói ông “lấy làm lạ” là sau khi cúng kiếng tại nhà xong, ông thầy ngoại cảm này đâu có biết nơi chôn mấy ngôi mộ ở đâu, mà ông “đi phăng phăng trên con đường hai bên có hàng trăm ngôi mộ, để đến đúng nơi chôn các tử sĩ.”

Hiện nay còn bốn ngôi mộ, hai của tử sĩ Phan Văn Hiệp và Nguyễn Lam, đang chờ thân nhân và hai ngôi mộ khác vô danh.

 Nửa vòng trái đất, qua 36 năm

 Nhóm “Uống Nước Nhớ Nguồn” cũng như Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ có văn phòng đặt tại San Jose, CA (lienlactimmo@att.net) báo tin cho biết ông Trần Kháng, hiện định cư tại Na Uy, quê quán thôn Thái Dương Thượng (Thừa Thiên) cách làng An Dương, nơi có nấm mộ tập thể 132 tử sĩ khoảng 20km về phía Bắc, cho biết tin về chuyện ông Võ Văn Hạp, một người bà con của ông, cách đây gần 36 năm, mai táng 6 tử sĩ VNCH mà xác họ trôi giạt vào làng này.

Sáng Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011, chúng tôi liên lạc được với ông Võ Văn Hạp tại thôn Thái Dương Thượng.

Ông Võ Văn Hạp năm nay 58 tuổi, vui vẻ tiếp chuyện, cho biết các chi tiết đã kể trên, mặc dầu đã gần 36 năm trôi qua, vẫn còn nhớ rõ. Về thi hài có bảng tên trên áo Phan Văn Hiệp, ông cho biết người này bị cụt một chân (không nhớ trái hay phải).

Thoạt đầu chúng tôi nghĩ đó là một thương binh nhưng lập luận này không đứng vững, vì thường thương binh ít khi mặc quân phục và có mang bảng tên. Đây có lẽ người chết đã bị đạn pháo mất chân trước khi trôi giạt vào mé sông trước nhà ông Võ Văn Hạp.

Ông Hạp còn nhớ lại, vào khoảng ngày 17 tháng 3, 1975, bãi biển rất đông quân nhân chạy về, hỗn loạn trên bờ biển và ông cũng thấy có rất đông người lội ra tàu, vì lúc đó ngoài khơi có một chiếc tàu, mà lúc bấy giờ ông không biết là loại tàu gì. Mãi 10 ngày sau, cộng sản vào làng, bắt đồng bào đi họp. Đây cũng là ngày ông chôn cất sáu quân nhân đã nói trên. Vì lý do ấy, ông Hạp “thường thắp nhang trên những ngôi mộ vào mỗi ngày rằm,” là ngày ông chôn cất họ.

Ông Võ Văn Hạp tin tưởng vào sự linh thiêng và sự phù hộ độ trì của các tử sĩ này. Ông cho biết hiện nay ông có hai con gái lấy chồng ở Na Uy và ông bà đã du lịch qua đó hai lần, gia đình ông hiện nay khá giả, “cũng nhờ sự phù hộ của những người khuất mặt.”

Ông Hạp hứa là “nếu có cơ hội người dân trong làng nhớ lại những nơi chôn cất hay tên tuổi, chi tiết gì đáng nhớ,” ông sẽ thông báo cho biết.

Ông cũng cẩn thận dặn con và dâu rể về địa điểm, danh tánh những ngôi mộ trên, phòng khi ông bà đi chơi xa vắng nhà, có thân nhân người mất đến tìm mộ.

Huy Phương/Người Việt

06-01-2011

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn