BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73444)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đôi Điều cảm nhận

29 Tháng Bảy 200512:00 SA(Xem: 959)
Đôi Điều cảm nhận
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Viết tặng chú Nguyễn Thanh Giang)


Tôi là người mắc nợ ông, tuy nói ra có vẻ hơi buồn cười. Cho dù không hề gắn cho mối quan hệ này một ý nghĩ tiên tri nào, nhưng tôi không sao quên được lần ông đích thân leo tầng ba đến nhà tôi. Hoá ra từ lâu, bằng con mắt nhìn xa trông rộng, muốn tìm lực lượng trẻ kế cận cho nền dân chủ trong tương lai của nước nhà, tôi đã vô tình được lọt vào tầm ngắm của ông. Khi đó tôi vừa rời khỏi báo Lao Động thủ đô, vì đọc một số tài liệu dân chủ , và ngứa tay viết một số bài báo gửi báo nước ngoài mà bị bọn slôchome nội hoá bám theo từng bước. Quá sơ suất nên trên đường đi của mình tôi đã để lại nhiều vết lông ngỗng " chết người" đủ để bọn "sản tặc" giăng bẫy bắt giữa đường cùng tang vật. Cái "trò xưa tích cũ" của công an cộng sản ( vu cho người đọc tài liệu dân chủ là buôn ma tuý) đã lọt vào những đôi tai nhạy bén của những nhà dân chủ , trong đó có chú Lê Thăng- bạn cùng làm việc với bố tôi từ hồi còn ở Cục Quân Giới ( 1952) . Chiếc đĩa mềm duy nhất tôi may mắn giữ được sau cả vài giờ bị chúng lục soát tại nhà ( thu đi 6 kg tài liệu ứng với khoảng gần 1000 trang vi tính) và sục vào máy tính lục soát kỹ lưỡng (từ thùng rác đến các ổ cứng) đã được ông bí mật đưa đến nhà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Vốn tin vào lớp trẻ, Ông đọc không sót một câu và rất ủng hộ tôi trong cách cảm, cách nghĩ về thời cuộc, con người và xã hội hiện tại. Thậm chí ông còn nhận xét: Trong văn tôi bao hàm cả kiến thức về kinh tế, chính trị, khoa học nên tư duy có phần sắc sảo, mạch lạc- mà theo ông - trong mỗi nhà báo, nhà văn phải có cả một nhà tâm lý, một nhà kinh tế, văn hoá, xã hội giỏi, có như thế mới có thể cầm bút được.

Cuộc đời tôi bắt đầu mở ra từ lần đường đột và đáng nhớ đó. Bản thân tên của tôi là một thứ nước, tuy không đến nỗi vô vị như tính chất hoá học của nước: Không màu, không mùi, không vị, nhưng bao năm qua tôi chỉ luẩn quẩn dưới chân cầu, không sao ra sông biển để hoà nhập với vô cùng được. Trang thơ tôi thể hiện rõ nét điều băn khoăn lưỡng lự ấy:

Cuộc đời chia hai dòng trong đục,

Không sấp bên này phải ngửa phía bên kia

 Ta như thể con thuyền không lái

Thời thế này sấp ngửa khó phân hai.

Nhờ ông tôi đã lựa chọn được thái độ chính trị cho riêng mình, "không sấp bên đục, chỉ ngửa phía xanh trong". Có nghiã là hoà vào dòng chảy xanh trong của ông, tuy nguy hiểm nhưng có sự tự do nào lại không phải trả giá? Nhất định tôi phải tìm được bờ bến mới, nơi lòng sông, lòng biển chứ không thể cứ tắc nghẽn dưới chân cầu, ô nhiễm vị "tặc" của Đảng. Biết đâu, ra tới biển rồi, không chỉ mò được ngọc trai dưới đáy, tôi còn được nhìn cả những cánh buồm đỏ thắm phía khơi xa... Nhờ uy tín và thanh danh tên tuổi ông ( đúng như cái tên cha mẹ đã chọn lựa giữa hàng nghìn cái tên dung tục khác ở đời ) tôi đã được những người bạn chân thành chí cốt của ông chấp nhận, lần đầu là chú Vũ Thư Hiên - tác giả "Đêm giữa ban ngày" mà tôi đã đọc mê man suốt hai ngày hai đêm quên cả ăn, cả ngủ và triền miên sống trong dòng suy tưởng của mình hàng tháng trời sau đó. Thật không ngờ, một người đam mê văn học nghệ thuật như tôi, coi văn chương là tiêu chí của cuộc đời mình lại được núp trong tán rợp của ông, một nhân chứng lịch sử hùng hồn nhất trong thời Đảng trị, từng bị Đảng cùm kẹp suốt 9 năm trong tù, không hề tê bại ý chí mà lặng lẽ lục tìm trong ký ức những mẩu vụn đau thương của mình và bạn tù để viết lại trung thành một giai đoạn Lịch sử đen tối nhất của cách mạng Việt Nam , không phải giải phóng con người theo những lời tốt đẹp Đảng tự ngộ nhận mà nói bằng từ ngữ dân gian ... một cuộc cách mạng nhằm...” phỏng g...” con người. Sự thực những ai bị Đảng cầm tù vì bất cứ lý do vớ vẩn nào còn sợ Đảng hơn cả sự phỏng... này. Phỏng, tuy đau đớn sưng tấy lên khiến chủ nhân phải la làng bỏ chạy, cho dù có mất toi của quý cũng đâu bằng bị Đảng cầm tù và chăm sóc theo kiểu đặc biệt khốn nạn , thua cả cách đối xử của ông chủ với các vật nuôi trong nhà? 

Thời điểm ấy, tôi nghèo lắm .Giữa bối cảnh

Đất nước chìm trong cảnh mù loà

Bao nhiêu Từ Hải chết trong vây

Lại không chịu "bó thân về với triều đình" hòng ăn theo nói leo như đa phần thần dân Việt Nam khác, tất cả trông vào mấy bài báo còm mang tính văn học nghệ thuật, không hề đánh đu chính trị, thời cuộc nên lúc nào cũng chỉ là một thứ "chuột chạy cùng sào". Nhờ chú Vũ Thư Hiên bắc cầu mà tôi được "múa bút kiếm cơm" trong lĩnh vực báo chí ở hải ngoại. Trang tôi phản ảnh là thư Hà Nội, với tất cả thay đổi biến động, cảnh đẹp, nét văn hoá cũ , hoặc cảnh loạn ẩu trong thời buôỉ nhố nhăng do Đảng điều hành. Từ ấy dạ dày các con tôi mới thôi cựa quậy co thắt trong đầu. Nhuận bút ở hải ngoại dù chỉ ở mức "làm dáng" nhưng so với báo chí cộng sản vẫn là một trời, một vực. Một bài bình thường khoảng 1500 chữ, đánh đổ cả mớ bài trong nước...

Được hơn một năm, tôi ngã ngựa- có lẽ vì quá xa rờì mục tiêu của báo, chạy theo viết văn vốn là sở trường của tôi chứ không viết báo, nên không kịp thời phản ánh những vụ nổi cộm mang tính thời sự như vụ bà con vùng Hoà Lộc Thanh Hoá bị công an Trung Quốc khủng bố. Quá ngây thơ về chính, trị tôi đã cả tin lời ông tổng biên tập báo "Kinh tế và quốc phòng" là ngư dân Việt Nam cắt lưới trộm của Trung Quốc, khi bị phát hiện bắt quả tang lại bắn súng chỉ thiên lên trời theo kiểu vừa ăn cắp, vừa la làng nên bị vu là hải tặc và bị công an bạn trừng trị là đúng (!)

 Không thể vịn vai đời để sống, tôi lại phải tìm đến ông , không ngờ một lần nữa, bằng mối quan hệ bạn bè bằng hữu, bằng uy tín chính trị cũng như chuyên sâu khoa học của mình, ông lại là cầu nối cho tôi bước tới chân trời khát vọng , là nơi tôi gửi gắm tâm sự nỗi niềm tình cảm mình trước nhân tình thế thái , cũng là nơi tôi nhận về những đồng tiền tình nghiã, có tâm để làm tròn sứ mạng trong gia đình nhỏ bé của mình giữa thời buôỉ giá cả tăng chóng mặt, đồng lương vô lý xô đẩy bao con người vào thảm cảnh , ngõ cụt.

Tất nhiên nhìn một cây không thể thấy cả cánh rừng, chỉ một hiện tượng không kết luận được bản chất sự việc...thông qua công việc , tôi còn biết ông đã giang tay cứu giúp rất nhiều người có xu hướng dân chủ khác ( Vũ Huy Cương, Kim Ngân ( vợ Nguyễn Vũ Bình) và một số trí thức trẻ đang cần dấu tên v.v...Không chỉ dừng ở sự cởi mở, cảm thông chân thành mà cả vật chất, tiền nong. Vốn được thừa hưởng sự nhân đức từ cha mẹ để lại, từ sự trồng cây phúc bao năm của cả ông và người vợ nhân hậu, hiền thục mà tài sản ông không hề thiếu, ngược lại dùng bằng ngôn ngữ hiện đại của lớp trẻ còn là "hạnh phúc có sẵn và mức sống trên thời đại". Một cuộc sống mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng mong muốn ao ước và tự hào chính đáng.

Mỗi lần bước chân vào nhà ông, gặp “ ô sin ” của ông, tôi lại cảm nhận điều đúc kết trong kho tàng ca dao Việt Nam :

Nhà sang yêu kẻ thật thà

Nhà giàu yêu kẻ vào ra nịnh thần.

Thời gian đầu tôi vô cùng dè dặt vì cứ nghĩ đó là cháu ông, chí ít cũng có dây mơ rễ má ở quê hương ông, không ngờ điều ông bà tổng kết lại ngược hoàn toàn trong trường hợp này:

Xưa nay vợ giống tính chồng,

 Đời nào đầy tớ giống ông chủ nhà .

Vậy mà con bé hao hao giống ông ở nét tự tin, thân mật , không hề có bóng dáng của một kẻ nô bộc, kẻ ăn người ở trong nhà. Chỉ riêng chuyện nó ngốn gần hết tủ sách của ông rồi đưa ra những lời bình luận khen chê hết sức bình đẳng trước ông và bạn bè của ông, trong đó có tôi, cũng đủ để làm tôi kinh ngạc .

Vợ ông - bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- một cây mai dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đẹp một vẻ đẹp kiêu sa, mong manh, thầm lặng, không chịu cúi mình trước giông tố phũ phàng hay bạo lực cường quyền. Vài lần gặp bà tại nhà, tôi bỗng cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn bà một cách rõ ràng hơn, không chỉ là vẻ đẹp đơn thuần từ cái tên đưa lại. Danh ngôn nước ngoài nói: “ Sau lưng người chồng thành đạt bao giờ cũng là một người vợ nhân hậu, đảm đang, tháo vát, vẹn toàn". Trong bà không chỉ toát lên vẻ đẹp của người phụ nữ á đông: quý chồng, thương con, biết hy sinh cho tổ ấm gia đình hết mực, mà còn pha chút vẻ đẹp của người phụ nữ phương tây, với kiến thức, năng lực cũng như phẩm cách lãnh đạo. Hiện tại tuy bà đã nghỉ hưu, nhưng dư âm, lời vọng của chị em ở Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam về bà Chánh Văn phòng ngày nào vẫn còn đồn thổi mãi. Thậm chí tôi còn ngờ rằng sở dĩ bà có được cách hành sử khác người như vậy vì bà là một trong số hiếm hoi những người được học hành đến nơi đến chốn, được thừa hưởng một sự nhân hậu, bao dung từ dòng dõi, giống nòi. Cái cốt cách mà chỉ ở loài hoa mai mới có. Xưa nay cái trò cắp thúng chạy theo đàn bà là điều mà bất kể ai là người Việt Nam cũng e ngại, chỉ với bà, họ trút bỏ được thói xấu thế tục đó , như vầng mây thoát khỏi đám sương mù nặng nề che phủ trước mặt.

Ơ góc độ đời thường, không ít người bảo ông dại: Cả cuộc đời trẻ trai say chí lớn rồi , giờ về già, mệt mỏi tóc diểm sương, rũ tay áo đi, tung hê hồ thỉ đi mà vui thú điền viên cùng vợ con cháu chắt, sao đâm đầu vào bụi rậm đầy gai góc hiểm nguy làm gì ?

Phần ông, ông không quan niệm đơn giản như vậy, trái tim ông đập vì nghiã cả, nên ngay sau khi nghỉ chuyên môn, ông vò đầu bứt trán, trăn trở tìm ra lối đi mới cho vận hội nước nhà. Giữa thời buôỉ công nghệ tri thức toàn cầu, bão động đầy trời mà sao ở Việt Nam mình chẳng chịu rung rinh theo? Cứ lạc hậu theo kiểu "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để "thoả mãn bần cô nông", cơm ba bát, áo ba manh mãi sao? Trong khi tầng lớp lãnh đạo thì ăn tiêu như phá, bán cả đất đai, tài nguyên, thềm lục địa, kho vũ khí, để đổi thành USD gửi ngân hàng Thuỵ Sĩ.

Nhân đạo với chó sói là tàn ác với bầy cừu. Là một nhà khoa học chân chính, nhiều trăn trở tâm huyết với đời, ông muốn Đảng của mình thực sự phải đưa đất nước đi lên tiến kịp thời đại chứ không chỉ đề cao vai trò lãnh đạo một thời mà bỏ mặc tiến trình phát triển của đất nước trong đói nghèo lụn bại, đến mức bầy cừu không đủ cỏ mà ăn...Thế là như một quy luật tất yếu ở đời: giếng ngọt bị cạn trước, cây thẳng bị chặt trước...Thời buổi thằng dốt trị thằng giỏi, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mình bị thiên hạ, thần dân "bóc vở", "lột mẽ" huống hồ một trí thức - biết đề cao và phát huy trách nhiệm công dân như ông, không những" chỉ mặt" mà dám "bắt cả hình dong" các quan đồng chí của Đảng để phơi bày ra ánh sáng tận chân tơ kẽ tóc những việc làm bậy bạ. Trong cơn giận dữ, Đảng tung đòn cảnh cáo bằng lệnh bắt, tịch thu vi tính, máy in, cắt điện thoại v.v hòng trói cứng nhân cách và tư tưởng ông lại, làm gương cho các thần dân khác. Dòng sông đời ông 6 tháng liền không khác gì khúc sông Hồng cạn trong bài phú tụng Tây Hồ mà thơ Nguyễn Huy Lượng tả:
Xinh thay cảnh Tây Hồ

Lạ thay cảnh Tây Hồ

Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi

Hỏi rằng đây đá mọc một gò ?

Trước Bạch Hồ vào đấy làm hang

Long vương trổ nên vòng đại mạch

Sau Kim Ngưu chạy vào đây hóa trạch

Long vương đào chặn mạch Hoàng Đô...

 Chỉ một khúc sông Hồng cạn mà Bạch Hồ (cáo trắng) đào hang, Long Vương ( vua Thủy Tề ) đánh đuổi, hòng khoét sâu và mở rộng thêm ra kéo nước vào, chưa đủ cả Kim Ngưu ( trâu vàng ) tìm đến đánh nhau bất phân thắng bại, cảnh tượng như một vũng tang thương, người khơi nguồn, kẻ chặn mạch, người đắp đê, kẻ phá hoại ...

 Nhưng Đảng đã lầm, năm 1991 động vào nữ quái Dương Thu Hương, Đảng bị một bàn thua trông thấy. Cả một chính thể với gậy gộc súng ống xe cộ đồ sộ mà thua trí tuệ của một người đàn bà chân yếu tay mềm, vũ khí duy nhất là ngòi bút và miệng lưỡi. Cho dù huy động cả đám đông bồi bút, cướp diễn đàn để đe doạ, bịt miệng bà, lại bị bà vén váy quai cồng lên mà chửi, chửi đúng văn hoá, rất tri thức có bài bản... xem ra ngọn cờ cáu bẩn trong tay 15 kẻ thuộc bộ chính trị và cả bộ công an của cộng sản cũng phải thua cái váy của bà về sự sạch sẽ...

 Năm năm sau Đảng lặp lại sai lầm của mình, dù chặn mạch, bít nguồn, không cho dòng sông xanh chảy nữa nhưng uy tín khoa học, thái độ chính trị của ông trên trường quốc tế như một dòng chảy ào ạt , cuồn cuộn, khiến cả một bộ máy của Đảng phải dạt vội ra kẻo uy tín của cả cái nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam này bị trôi tuột ra sông ra biển , xuống 9 tầng điạ ngục mất. Thế là cả "trăm đánh một" mà phải chịu cụt, chịu què trước nhân cách ôn hoà, thanh cao, lồng lộng của ông. Thật là chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Từ đó, dòng chảy mang ánh sáng tri thức, dân chủ trong ông càng ào ạt mạnh mẽ, sâu lắng, chứa chan hơn. Những bài viết đầu tiên của ông còn thiên về chính trị, kén người đọc, thì càng những bài sau càng có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ văn và đời sống xã hội, giọng văn uyển chuyển mềm mại và sâu sắc hơn, Mỗi ngày qua đi lại găm sâu vào tim óc chật hẹp của bọn người độc tài, cùng neo đậu vào bến bờ tâm cảm của hàng triệu người đọc. Không cần bó đũa, người dân yếu ớt vẫn coi ông như một cột cờ để hướng mình vào, gửi gắm tư tưởng, niềm tin của mình vào một nhà dân chủ thực sự, dũng cảm như ông, đặc biệt trong thời buổi lộn ẩu, mất dân chủ trầm trọng như hiện tại.

 Sau khi bị công an bố trí vồ lần thứ 2 ông bị hầu toà liên tục, bị cánh "bạn dân" tra vấn không ngừng về nguồn gốc cuốn " Gửi lại trước khi về cõi “ của Vũ Cao Quận mà ông chủ định cho in để khơi rộng thêm phong trào dân chủ trong nước. Bị quấy đảo, phải đấu trí liên tục, cũng là chán cho thói đời điên đảo, ông gục ốm, từ ngoài 60 ky chỉ còn ngót ngét 55 ky, quả là một cái giá xứng đáng phải trả cho sự tự do, chân lý ở đời. Hệt như khi bị tống giam lần đầu vậy. Vừa gượng dạy để phất cao ngọn cờ dân chủ trong nước, ông thấy đau nhói ở sườn khi những người đồng hội đồng thuyền- từng được coi là những nhà dân chủ chân chính - bỗng quay lưng lại, phản bác ông về tội háo danh, tranh công, cướp cờ trên tay họ để nhanh chân về đích một mình, không những không "xanh cỏ" mà có cơ "đỏ ngực". Ông đau hơn cả bị công an bày đặt vây ráp công kích trả thù. Quả là làm người ở Việt Nam thật khó. Thà ông cứ "xấu đều" như mọi người: - Sinh ra là một kẻ vâng lời, lớn lên - cha mẹ sinh con, Đảng, đoàn, xã hội chủ nghĩa sinh tính. Vào Đảng để có dịp "trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí của mình", về già khuây khoả với mảnh vườn nhỏ, chậu hoa cây cảnh, mũ ni che tai, quên hết thói đời ở ngòai khuôn cửa nhà mình...Đằng này ông lại "tốt lỏi", trái tim không chịu nhét chính mình như mọi kẻ tầm thường chật hẹp khác mà thu nạp cả thế giới đại đồng, cho dù roi vung, cùm xích, bao mũi tên bắn lén quanh người

Gặp ông tại nhà trong cảnh nhập nhoạng tối, tôi thấy ông già hẳn đi, so với lần ông leo cầu thang tầng 3 hôm nào lên gặp tôi lần đầu quả là một trời một vực. Đành rằng thời gian in dấu trên khuôn mặt người nhưng sự tàn phá nặng nề của nó khi bị bạn bè hiểu lầm, bội phản, tung tin thất thiệt mới tàn ác làm sao. Vui một đêm thành tiên, phiền một đêm thành cú....Ngọn cờ dân chủ bao năm ở Việt Nam vẫn leo lét cháy, lúc mờ khi tỏ, vừa có cơ chụm lại thành vầng, vừa kịp thu hút những tiếng nói dân chủ trong và ngoài nước, những tấm lòng của hải ngoại từ 5 châu 4 biển ủng hộ, chưa kịp toả rạng... lại có cơ tan rã vì bị cả gáo nước bẩn dội ẩu vào... Giữa cảnh chiều nhập nhoạng, nghe ông tâm sự, bộc bạch nỗi lòng, từ người yêu đến kẻ ghét tôi vừa quý trọng vừa thương ông, ai sinh ra trong cõi đời trần tục này mà chẳng từng bị như ông? Nhà văn Vũ Thư Hiên - bạn ông chẳng từng nói thay nỗi niềm thảm cảnh của 81 triệu dân Việt Nam bao đời nay rồi ư? " Việt Nam mình nghèo gì thì nghèo nhưng nhất định không nghèo tin đồn". Bản thân tôi chỉ là một nữ nhi, sống đúng mực, giữ mình, mà bao lần phải vịn vào câu thơ của ông bà truyền lại để sống:

Lòng ta ta đã chắc rồi ,

Dù ai nói đứng nói ngồi ... mặc ai.

Thay vì tự xã hội hoá mình theo lời khuyên của Xukhômlinxki- ông tổ nền giáo dục Nga: "Ta sống giữa mọi người, niềm vui lớn nhất là niềm vui giao tiếp" tôi phải làm ngược lại, coi cô đơn là bạn đồng hành như nhà cách mạng Dương Thu Hương đã làm vì môi trường văn hoá của xã hội mình bây giờ ô nhiễm nặng nề quá, quạ mỗi ngày mỗi đông, công mỗi ngày mỗi hiếm. Bao nhiêu gía trị cổ truyền bị Đảng thịt, Đảng hành thông qua các cuộc cải cách ruộng đất , chỉnh huấn chỉnh quân, tự phê bình xỉ vả, khai man lý lịch, tuyệt diệt hết rồi. Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm, đại gian hùng gian ác thành lãnh đạo Đảng, nhà nước, thành tổng cục, bộ trưởng, ông nọ, bà kia. Coi lương tâm như mẩu ruột thừa cần là cắt béng luôn. Hàng triệu con người không dám vượt qua hàng rào phẩm cách, không dám sống 1 cuộc đời dân chủ cần thiết như mọi công dân các dân tộc có chủ quyền khác. Hàng triệu con người tự quên mình là loài có cánh, tự đồng nhất mình với lồng sắt nan tre, thù ghét sự lượn bay, ca hát ở ngoài lồng... Nếu ông đã bất chấp nguy hiểm, chỉ cho họ đường đi , nước bước, tìm lại ánh sáng tự do, dân chủ cho mình, thì buồn làm chi những trò trở cờ, đánh lén, cho dù trước đó họ đã từng chung một tiếng nói với ông, với dân với nước ?! Nhân vô thập toàn, 9 người 10 ý cơ mà, làm sao tìm được sự đồng cảm giữa những người hãnh tiến, háo danh, ngộ nhận...tầm thường ?

 Thời gian và cả cộng đồng dân tộc sẽ là 2 vị quan toà công minh nhất trả lại những giá trị sẵn có trong ông. Những giá trị mà không phải cứ lên gân, lên cốt hoặc giả danh núp bóng là được. Thời gian và lương tri dân tộc sẽ giúp ông lọc sạch tất cả, lấy lại những giá trị đích thực, bất biến ở đời...

Thăng Long thành hoài cổ
Trần Khải Thanh Thủy
29-7- 2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn