Chiều thứ bẩy, 28 tháng 12 năm 2002, trên hai chục công an hùng hổ vây bắt vợ chồng đại tá Phạm Quế Dương và người cùng đi là nhà báo – cựu chiến binh Hồ Thu, hiện đang công tác tại Nhà Xuất bản Văn hoá Phổ thông Hà Nội, bắt cả hai thanh niên con nhà báo Cung Văn ra tiễn chân tại ga Sài Gòn. Khám xét hành lý ngoài tư trang chỉ có 3 tài liệu :
1 - danh sách những người tham gia “ Hội Nhân dân ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng ” ( 6 trang ),
2 - dự kiến các văn phòng của Hội chống tham nhũng ( 1 trang ),
3 - bài viết của học giả Trần Khuê tranh luận với ông Trần Bạch Đằng về vấn đề biên giới Việt Trung ( 7 trang ) và khoản tiền mang theo trên một triệu đồng VN và 2001 Đôla Mỹ.
Vậy mà họ tống giam bà vợ đại tá Phạm Quế Dương suốt 11 ngày trong điều kiện vô cùng khổ ải. dã man. Bắt mặc quần áo tù, nằm sàn ximăng, giam vào phòng kín ngột ngạt chỉ có một lỗ thông hơi mà bà phải thường xuyên ghé mặt vào đấy để thở, trong khi bà chưa bị kết án và vẫn là một đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam ! Ông Hồ Thu, một cựu chiến binh, cán bộ đương chức cũng bị bắt giam vô cớ trong điều kiện hết sức nghiệt ngã. Đề nghị ông hãy thẳng thắn lên tiếng tố cáo mạnh mẽ. Khi được thả, bà Phạm Quế Dương nhất quyết đòi được gặp chồng, họ nói dối bà rằng chồng bà đã được đưa ra Hà Nội. Về nhà không thấy chồng, bà đau buồn vật vã vì đã không tỉnh táo nhất quyết ở lại cùng chồng. Cho đến nay, người ta vẫn không cho biết chồng bà bị giam ở đâu và cho bà xem văn bản thông báo chồng bà mắc tội gì.
Bắt đại tá Phạm Quế Dương chiều thứ bẩy trên đường ông bà ra ga về Hà Nội sau một tuần thăm Sài Gòn, Vũng Tàu ... thì chiều chủ nhật công an đến khám nhà, tịch thu tài liệu, lấy đi máy tính, máy in, điện thoại di động và bắt học giả Trần Khuê.
Các ông Trần Khuê, Phạm Quế Dương có tội gì mà bị chính quyền đối xử tàn bạo đến thế ?
Tháng 9-2001 hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương đã chính thức nộp đơn xin Nhà nước cho thành lập “ Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ Nhà nước chống tham nhũng ”. Theo nguyên tắc, nếu Nhà nước không có công văn chính thức phủ nhận thì coi như đơn đề nghị đã được chấp thuận. Ông Trần Khuê đã thành lập trang web trên intơnet để giới thiệu với đồng bào trong nước và nước ngoài vè Hội Chống tham nhũng này, ông cũng đã dự kiến thành lập một số văn phòng của Hội ở trong và ngoài nước để tăng cường sức hoạt động của Hội cho có hiệu quả cao, đồng thời kêu gọi hỗ trợ tài chính để có kinh phí cho Hội hoạt động vì trong đơn xin thành lập các ông đã tình nguyện không xin kinh phí của nhà nước.
Đã lâu người ta thù ghét các ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương vô cùng vì ông Trần Khuê đã dám đi thị sát biên giới để phê phán Hiệp định biên giới Việt Trung, đã viết “ Đối thoại 2000 “, “ Đối thoại 2001” ... rồi lại đi tranh luận quyết liệt với Hội đồng lý luận Trung ương, với Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương Đảng ..., dám đòi bỏ điều 4 trong Hiến pháp khẳng định vị trí lãnh đạo độc tôn vĩnh viễn của đảng Cộng sản Việt Nam.
Người ta thù ghét ông Phạm Quế Dương vì ông đã viết rất nhiều bài phê phán lãnh đạo, phê phán các vị tai to mặt lớn, chỉ trích gay gắt cả công an, cả Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cả Toà án. Xuất thân từ trí thức tham gia cách mạng từ tuổi còn trẻ, ông đã lăn lộn qua nhiều chiến dịch, đã đánh Điện Biên Phủ, đã giữ rất nhiều trong trách trong quân đội. Ông vốn là người tôn trọng lẽ phải, đã từng xả thân bảo vệ cho đồng đội bị oan dù đấy chỉ là một người lính dướí quyền hay vị đại tướng tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp; đã từng kiên trì đeo đẳng hàng chục năm cùng bà con dòng họ quê hương thiết tha đòi Tử Dương Vọng Đình. Người ta bảo ông có máu Lục Vân Tiên sẵn sàng quên mọi hiểm nguy đối với bản thân để xông trận đấu tranh với bất kể thế lực nào, chức tước nào bảo vệ những gì ông cho là cần bảo vệ. Chùa Một Cột còn đấy là nhờ một phần công ông rất lớn. Những người trong ban xây Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã từng kiến nghị rời bỏ chùa Một Cột. Thử hỏi mấy ai dám lên tiếng ngoài những người như Phạm Quế Dương. Giữ được chùa Một Cột nhưng sau đó người ta lại bỏ cho cây đa cổ thụ bên chùa có nguy cơ chết lụi. Phạm Quế Dương lại chính là người đứng ra cùng các vị sư ra sức tổ chức cứu sống cây đa...
Ông có niềm tin tôn giáo nên ông cứ thẳng như mực tầu chỉ nhìn vào lẽ phải, vào công lý, không quan sát sự nham hiểm, sự độc ác của các đối thủ. Gần đây bè bạn và “ tay trong ” đã thông báo cho ông biết rằng không chỉ công an mà thượng cấp đã có chủ trương bắt và sẽ trừng trị nặng ông cùng một số người khác trong nhóm dân chủ. Ông dường như không quan tâm đến những lời cảnh báo ấy nên khi cùng vợ vào Thành phố Hồ Chí Minh ông ghé thăm Trần Khuê, thế là ông sập bẫy của chính quyền.
Để chuẩn bị trừng trị ông rất nặng cho thoả sự căm tức bấy lâu nay, người ta đang tung dư luận khắp nơi. Nào là Phạm Quế Dương là gián điệp làm tay sai cho nước ngoài, nào là Phạm Quế Dương đã khai nhận rằng đã nhận của nước ngoài 14 ngàn Đô. Có người lại bảo không phải chỉ 14 ngàn, ông ấy có 4 tài khoản để nhận tiền nước ngoài và đã nhận hơn hai chục ngàn Đô. Có công an lại bảo rằng ông ấy nhận đến hơn năm chục ngàn Đô. Cái luận điệu tung tin bịa đặt này người ta đã từng thấy từ năm 1999, khi bắt nhà trí thức Nguyễn Thanh Giang họ đã đăng bằng giấy trắng mực đen hẳn hoi ngay trên Tập san thông báo của Thành uỷ Hà Nội rằng Nguyễn Thanh Giang nhận tiền của nước ngoài và đã làm tay sai cho nước ngoài. Không chỉ thông báo chính thức bằng văn bản, họ còn nói chuyện trong hội nghị hay rỉ tai đây đó nhiều chuyện khủng khiếp, kể cả chuyện bịa đặt để bôi xấu đời tư rằng ông là con nuôi của Pháp lai.
Ông Phạm Quế Dương nhận bao nhiêu tiền của nước ngoài. Điều đó có gì là hệ trọng. Dù là 14 ngàn hay 50 ngàn thì cũng thấm gì so với hơn một triệu Đô nhận tiền hối lộ của tư bản Hàn Quốc của ông cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười ! Ông Phạm Quế Dương được giải thưởng bẩy ngàn Đô của tổ chức Quan sát Nhân quyền Quốc tế. Ông lại là cộng tác viên của một tờ báo ở Canada. Nhận tiền thưởng, tiền trợ giúp, tiền đóng góp dù là của người trong nước hay người nước ngoài đều không có gì là tội lỗi. Lợi dụng chức quyền Tông Bí thư như Đỗ Mười để nhận hối lộ của tư bản thì mới có tội. Thế mà ông Đỗ Mười chẳng sao cả, vẫn đi đây đi đó rao giảng đạo đức, chỉ đạo Bộ Chính Trị băm vằm đâm chém tướng Trần Độ khi ông đã chết nhằm trả thù Trần Độ đã mắng mỏ Đỗ Mười khi ông là cấp trên của Đỗ Mười.
Không tiện kết tội đại tá Phạm Quế Dương qua các bài viết chỉ trích phê phán những chủ trương, chính sách sai lầm, những vị tai to mặt lớn tha hoá biến chất, người ta xuyên tạc, vu cáo ông là gián điệp, lu loa bôi nhọ ông nhận tiền của nước ngoài. Cái ngón võ này vừa dã man, vừa hèn hạ đê tiện. Rêu rao như vậy thì có tác dụng gì. Đại tá Phạm Quế Dương, đã từng tôi rèn trong lò lửa cách mang này hơn nửa thế kỷ, từng là sỹ quan cao cấp trong quân đội lâu năm, từng là Đảng viên kỳ cựu ( ông chủ đông xin ra khỏi Đảng chỉ vì để phản đối việc khai trừ tướng Trần Độ). Lu loa rằng chỉ vì vài chục ngàn Đôla mà các thế lưc bên ngoài có thể biến ông thành gián điệp, phản bội tổ quốc thì khác nào tự bôi nhọ, tự đánh giá quá thấp bản chất của những đảng viên cộng sản, những chiến sỹ, sỹ quan của quân đội nhân dân Việt Nam ?
Tôi rất mong những người yêu nước, tôn trọng công lý, lẽ phải, các nhà trí thức, nhưng đồng đội xưa, các quân nhân cách mạng hãy đồng thanh lên tiếng đòi chấm dứt ngay những trò vu cáo xấu xa độc ác, hãy thả ngay đại tá Pham Quế Dương và học giả Trần Khuê. Đừng làm ngơ, đừng thờ ơ vô trách nhiệm bởi vì như thế là dung túng cho tội ác, cho bạo quyền. Tôi rất mong lãnh đạo Đảng và Nhà nước hãy đừng trở nên quá cuồng bạo để chính quyền không mang tiếng là độc tài, phát xít mà là nước xã hội chủ nghĩa triệu lần dân chủ hơn tư bản.
Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2003
Trần Dũng Tiến
Người bảo vệ Bác Hồ những ngày đầu Cách mạng
Quyết tử quân 1946
12 ngõ Cự Lộc, Thượng Đình
Thanh Xuân – Hà Nội
ĐT 8586321 ( bị CA cắt từ tháng 9/2001 nhưng vẫn đến thu tiền bảo trì )
Nơi nhận :
- Gia đình bà Phạm Quế Dương & Trần Khuê và con cái các vị Các vị cựu TBT Lê Khả Phiêu, tân TBT Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An, thủ tướng Phan văn Khải để bảo vệ lẽ phải.
-Các báo, đài để lên tiếng
- Bè bạn gần xa
Gửi ý kiến của bạn