BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73213)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ về phương diện quốc gia : Nguyễn Cao Kỳ

15 Tháng Hai 200312:00 SA(Xem: 1141)
Nghĩ về phương diện quốc gia : Nguyễn Cao Kỳ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong truyện Kiều, sau khi quan Tổng đốc Hồ tôn Hiến lừa Từ Hải ra hàng rồi bất thần đem quân đánh úp khiến Từ Hải uất ức chết đứng và Thúy Kiều cũng vỡ mộng làm phu nhân đem danh giá về cho mẹ cha gia đình như lời Hồ tôn Hiến dụ dỗ. Vì không muốn Từ Hải làm một Hoàng Sào ở biên thùy nên Kiều mới khuyên Từ hải về hàng với ước mong chân thành là 'phu quí, phụ vinh.'..Nào ngờ cuộc đời không đẹp như giấc mơ của người đàn bà đã trải qua bao đau thương bầm dập như Kiều mà số kiếp còn tiếp tục giáng cho Kiều một đòn tối độc cuối đời là sự phản trắc của Hồ tôn Hiến và sự lật lọng này làm đời Kiều thêm một lần nữa, là bao nhiêu dòng nước mắt lại phải chảy ra để trả cho xong số kiếp đoạn trường mà trời đất đã dành cho người con gái cao quý, trung nghĩa nhưng cũng đầy bất hạnh này.
Sau khi Hồ tôn Hiến cho phép Kiều chôn cất Từ Hải cho tròn nghĩa phu thê, đêm ấy Hồ tôn Hiến mở tiệc khao quân và cho mời Kiều đến đánh đàn giúp vui tiệc. Trong bữa tiệc Hồ đắm say sắc đẹp cũng như tiếng đàn của Kiều nên đã ỡm ờ ướm hỏi Kiều là sau khi Từ Hải chết rồi thì Kiều có tính chuyện xây dựng tình cảm nữa hay không. Kiều khéo léo từ chối cho rằng trong người Kiều đang có người thác oan (Từ Hải) trú ngụ. Đoạn này được cụ Nguyễn Du tả lại như sau:

'..Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây
Nghe càng đắm ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình !
Dạy rằng, "Hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai"
Thưa rằng, "Chút phận lạc loài"
Trong mình nghĩ đã có người thác oan
Còn chi nữa cánh hoa tàn
Tơ lòng đã dứt dây đàn Tiểu Lân
Rộng thương còn mảnh hồng quần
Hơi tàn được thấy góc phần là may !


Đêm ấy, quá sung sướng với chiến tích mới đạt được của mình, Hồ quá chén, lòng tưng bừng rộn rã yêu đương trước vẻ đẹp cũng như tiếng đàn của Kiều, nên không cầm lòng được và buông ra những lời trăng gió cợt nhã Kiều. Nói chung, trong bể tình ái yêu đương với đàn bà, Hồ cũng bình thường như bao người đàn ông khác trên thế gian là lộ rõ cái bản năng cố hữu của một người đàn ông, lúc nào cũng mong muốn chinh phục một đóa hoa tuyệt sắc. Nhưng sáng ra khi tỉnh rượu say, Hồ mới sửng sốt giật mình những chuyện ong bướm trăng gió yêu đương cuồng nhiệt tối hôm qua với Kiều vì Hồ không phải là một người dân bình thường không tên tuổi mà là một đại quan của triều đình. Hồ nói rõ lý do tại sao Hồ phải giật mình:

Hạ công chén đã quá say
Hồ công đến lúc sáng ngày nhớ ra
Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên trông xuống người ta trông vào


À, ra thế ! Hồ sợ dư luận chung quanh đàm tiếu chuyện tiệc tùng trăng hoa của Hồ với Kiều. "Quan trên trông xuống" và "người ta trông vào" chuyện gió trăng của Hồ thì còn gì là thể thống triều đình, quốc gia. Cái hoảng hốt giật mình của Hồ lúc tỉnh dậy có lý do như thế đó! Hồ không muốn thiên hạ đánh giá Hồ là thứ trăng gió thường tình:

Phải tuồng trăng gió hay sao?
Sự này biết tính thế nào được đây?


Và Hồ đã tính ra được một con đường chạy làng tuyệt diệu là gán gả Kiều cho người thổ quan nhằm che dấu tất cả những chuyện trăng gió tối hôm qua nhằm che mắt dư luận thế gian. Đó là con đường mà Hồ đã tính để tránh bị dư luận lên án không tốt và như thế là ảnh hưởng đến cho triều đình vì Hồ đang là Tổng Đốc của triều đình. Sự chạy làng tình cảm này có vẻ không được quân tử và đạo nghĩa nhưng đối với một người cầm cân nẩy mực đại diện cho triều đình như Hồ thì cũng khó có cách giải quyết nào ổn thỏa hơn. Sự gán ép duyên này làm cho Kiều lại càng thêm chua chát, buồn bã vì vừa mất chồng xong lại phải nên duyên với ông thổ quan không quen biết này. Cho rằng sự bất hạnh mà trời đất dành cho mình đến thế là quá đủ nên khi di ngang sông Tiền đường, Kiều nhất định nhảy xuống sông quyên sinh để rũ sạch nợ trần.

Công nha vừa buổi sáng ngày
Quyết tình, Hồ mới đoán ngay một bài
Lệnh quan, ai dám cãi lời
Ép tình mới gán cho người thổ quan
Ông tơ thực nhé đa đoan
Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên?
Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền
Lá màn rủ thấp ngọn đèn khêu cao
Nàng càng ủ liễu phai đào
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
Đành thân cát lấp sóng vùi
Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh !
Chân trời mặt bể lênh đênh
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào ?
Duyên đâu, ai dứt tơ đào
Nợ đâu, ai đã dắt vào tận tay !
Thân sao thân đến thế này !
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi !
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!
Một mình cay đắng trăm đường
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi !
Kiều tự tử ở sông Tiền Đường nhưng không chết và cuối cùng gặp lại người yêu cũ Kim Trọng cùng gia đình cha mẹ, em gái Thúy Vân và giúp cho đoạn kết của Truyện Kiều có hậu, mua vui cho người đời được vài trống canh như nhà thơ tác giả Nguyễn Du mong ước.
Truyện Kiều xảy ra hồi Gia Tĩnh triều Minh, nghĩa là khoảng năm 1500 bên Tàu, Nguyễn Du đã mô tả cái tâm lý của ông quan Tổng đốc Hồ tôn Hiến lo sợ khi tỉnh rượu vì hôm qua vừa trải qua chuyện gió trăng với một người đàn bà xa lạ. Quan Hồ tôn Hiến sợ rằng miệng tiếng thế gian đàm tiếu sẽ làm mất thanh danh triều đình mà ông là người đại diện nên mới bày trò gả ép Kiều để mong mọi chuyện vui chơi rượu chè bên người đẹp sẽ đi vào quên lãng. Suy nghĩ của quan Hồ tôn Hiến là suy nghĩ của một một quan chức biết nể vì đến cái uy tín của cái chế độ tức cái triều đình mà ông đang phục vụ. Đó là một suy nghĩ của một người đại diện chính quyền có trách nhiệm, biết chuyện phải trái của mình làm. Ông là người đại diện cho triều đình, đại điện cho quốc gia cho nên hành vi không được danh chính ngôn thuận của ông không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân ông mà còn ảnh hưởng đến triều đình và quốc gia mà ông đang phục vụ. Cần nhắc lại thêm một lần nữa suy nghĩ của ông.

Nghĩ mình phương diện quốc gia
Quan trên trông xuống người ta trông vào
Chúng ta đánh giá Hồ tôn Hiến là người không được quân tử cho lắm khi đưa ra lời kêu dụ Từ Hải về hàng rồi bất thần đánh úp. Nhưng sư lo lắng về uy tín và danh dự cho triều đình quốc gia trước những hành động khuất tất ông vừa phạm cũng nói lên được ông là một quan chức có trách nhiệm, có lòng tự trọng và liêm sỉ. Ông đã liên kết rất đúng sự thể diện của quốc gia và hành vi của người đại diện cho quốc gia đó. Có nghĩa là nếu người đại diện quốc gia làm những hành vi thiếu đạo đức, đúng đắn thì chắc chắn danh dự và uy tín của quốc gia sẽ bị thương tổn.
Sau quan Tổng đốc Hồ tôn Hiến chừng 500 năm, năm 2003 vừa rồi dư luận người Việt hải ngoại xôn xao bàn tán, phẫn uất giận dữ khi có một ông quan từng là Phó tổng thống, thủ tướng, Thiếu tướng, Tư lệnh Không quân, dù trong bước lưu vong nước mất nhà tan, đã tuyên bố những câu hết sức bỉ ổi khi ông quyết định về cộng tác với kẻ thù Cộng sản. Ông không có ý thức danh dự quốc gia mà quan Tổng đốc Hồ tôn Hiến có được 500 năm trước đây. Đó là quan Nguyễn cao Kỳ, một thứ "chó nhảy bàn độc chính trị" đã gây nhiều tai tiếng cho quốc gia miền Nam Việt Nam, gây nhục nhã cho dân chúng vì những lời tuyên bố vô liêm sỉ, vô trách nhiệm đáng lý phải có ở một lớp người đại diện quốc gia.
Đầu đuôi câu chuyện là từ một bài báo mang tên "Chào đón trở lạI" (Welcome back) của ký giả David Devoss vào số tháng 9 năm 2002 của công ty Asia-Inc. Bài báo này gây một sự phẫn nộ của dân tỵ nạn Việt Nam hải ngoại quốc gia trên thế giới. Bài báo nói ông Kỳ muốn triều cống Trung Cộng mỗi năm nếu ông là người lãnh đạo Việt Nam. Một lời phẩm bình khác cho rằng câu nói của ông Kỳ, "Ai cũng mong muốn thế hệ tới sẽ cung cấp một Đặng tiểu Bình Việt Nam" (Nguyên văn: Everyone is looking to the next generation to provide a Vietnamese Deng Xiaoping) là một câu nói sỉ nhục người Việt Nam vì không ai muốn có một tên đồ tể Thiên an Môn như Đặng tiểu Bình lại lãnh đạo Việt Nam cả.

Nói chung toàn bài toàn phỏng vấn đã cho thấy Nguyễn cao Kỳ là thứ cà chớn ba làng. Những chương trình phát thanh Việt Nam, trên Internet và báo chí hải ngoại đều nghiêm khắc phê phán Kỳ đã trả lời một cuộc phỏng vấn có nội dung giống như ông ta đang bán linh hồn của ông cho bọn quỷ đỏ rồi. Và vì ông là người lãnh đạo quốc gia miền Nam trước đây dân miền Nam cảm thấy bị xúc phạm và sỉ nhục nhiều. Bởi vậy mới có sự phản ứng dữ dội và quyết liệt nổi lên khắp mọi nơi. Nước đã mất, nhà đã tan mà vẫn còn bị cấp lãnh đạo cũ làm nhục tập thể tỵ nạn như thế này thì quả tình đau đớn thật. Bị phản ứng mạnh của dân tỵ nạn, Kỳ lên tiếng chối những gì đã phát biểu với ký giả David DeVoss. Nhưng chuyện đời không dễ phủ nhận đơn giản như Nguyễn cao Kỳ lên tiếng để khỏa lấp những điều sai trái ông gây ra. Đã có người đã viết thư đến thẳng cho ông chủ bút Stuart Parrot vào ngày 30 tháng 10 năm 2002, để tìm hiểu sự thật về bài phỏng vấn theo địa chỉ Internet: Davidadevoss@cs.com. Ông chủ bút xác nhận sự trung thực của bài phỏng vấn và sẵn sàng đăng những ý kiến phê bình về bài phỏng vấn trong số sau. Nói như vậy để chứng tỏ sự phủ nhận của Nguyễn cao Kỳ về bài phỏng vấn là một chuyện làm "chữa cháy" thiếu can đảm, thiếu lương thiện và thiếu liêm sỉ của một người đã từng ở cương vị lãnh đạo quốc gia

Xin phép trích dịch lại toàn bộ bài phỏng vấn để người đọc có một cái nhìn tổng quát về cái nhìn méo mó, bệnh hoạn, hèn nhát của người lãnh đạo cũ Nguyễn cao Kỳ về vấn đề Việt Nam.

Asia Inc: Làm cách nào mà ông được giấy phép để làm chuyến du lịch đầu tiên về Việt Nam trong vòng 23 năm qua?
Nguyễn cao Kỳ: Khi ông Đỗ Mười còn là Tổng bí thư Đảng, ông có nói đến chuyện mời tôi về, nhưng chỉ nói thế thôi. Giờ đây họ mới thấy nhu cầu cần thiết mời tôi về. Tôi luôn nói là tôi sẽ về nếu chuyến đi của tôi giúp ích được gì cho đất nước. Tôi sẽ cùng đi với một số bạn bè làm thương mại, nhiều người trong bọn họ là những nhà đầu tư có khả năng.

Asia Inc: Ông có bỏ ra nhiều thì giờ ở Á châu không?

Nguyễn cao Kỳ: Tôi trở về Á châu vào năm 1983, phần lớn là thăm xã giao ông Tổng thống Phi Ferdinand Marcos. Vào cuối thập niên 80, phần lớn tôi sống ở Bangkok nơi người bạn tôi tên Tay Chung-Hai, một nhà thầu cung cấp về sản phẩm về rượu và thuốc lá lớn nhất Singapore, có một căn condominium ở đó. Ngày nay, tôi sử dùng thời gian một phần ba của năm nằm ở Á châu, thường ở lâu chừng 2 tháng. Tôi là Thủ tướng Việt Nam 40 năm trước đây, nhưng tôi vẫn còn có bạn ở đây, tôi sống với họ

Asia Inc: Những năm sau chiến tranh, ông điều hành một tiệm rượu (liquor) ở California và một thuyền đánh tôm ở Louisiana. Hiện nay ông làm ngành nghề gì?

Nguyễn cao Kỳ: Tôi chú tâm nhiều đến ngành Địa ốc ở Á châu. Những người bạn của tôi có những dự án hỏi tôi là tôi có thể giới thiệu cho họ những người có thể giúp vào dự án đó. Vì thế tôi giúp giới thiệu, sắp đặt sao cho đúng người vào đúng việc. Vợ tôi là Le Kim Nicole, biết mọi chi tiết. Tôi chỉ lo chuyện giới thiệu thôi.

Asia Inc: Điều trở ngại lớn nhất đối với chuyện đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam là gì?

Nguyễn cao Kỳ: Đó là chính quyền hiện tại. Loại người mang súng giỏi khó đủ điều kiện để xây dựng một nền kinh tế. Mọi người đều trông mong giai đoạn kế tiếp sẽ sản sinh ra một Đặng tiểu Bình Việt Nam. Nhưng nếu thế hệ này muốn có một quốc gia giàu mạnh, nó phải cần có sự giúp đỡ từ bên ngoài, đặc biệt là từ những người trẻ hải ngoại. Trong vòng 30 năm qua, đồng bào tôi đã thu thập nhiều kiến thức ởø thế giới bên ngoài. Cách duy nhất để biến Việt Nam thành một con rồng là tổng hợp loại kiến thức này. Sự trở về của thế hệ chúng tôi và, quan trọng hơn nữa, là sự trở về của những người trẻ Việt Nam hải ngoại sẽ báo hiệu một giai đoạn mới.

Asia Inc: Có phải ông thực sự không thực tế chút nào khi ông mong mỏi Người Mỹ gốc Việt hiện đang có công ăn việc làm tốt và cuộc sống ổn định trở về một quốc gia còn đang bị đánh giá là đang phát triển và coi họ như là những người ngoài không?

Nguyễn cao Kỳ: Riêng ở Mỹ có 2 triệu người Việt. Những người trẻ không có lối suy nghĩ và nói năng giống như thế hệ của chúng tôi, nhưng họ nói là họ yêu quê hương họ. Không, tôi không mong mỏi một Bác sĩ Việt Nam đang có lương 200.000 dollars một năm ở đất Mỹ bỏ công việc của anh ta và trở về Việt Nam. Nhưng có thể anh sẽ hàng năm trở về chừng một tháng để làm việc, và thỉnh thoảng đóng góp cho một hội từ thiện Việt Nam. Dù sao đi nữa, bạn không cần mọi người trẻ Việt Nam về lại quê hương. Mười lăm nhà doanh nghiệp tốt có thể thay đổi cả đất nước.

Asia Inc: Có loại đầu tư nào ở Việt Nam hôm nay sẽ dẫn tới một số lượng người trở về thỏa đáng hay không?

Nguyễn cao Kỳ: Du lịch là ưu tiên đầu tiên. Việt Nam là một quốc gia xinh đẹp và, không giống như Singapore, Hồng Kong và Tokyo, giá sinh hoạt ở Việt Nam rẻ lắm. Giá cả là một vấn đề, đặc biệt đối với những nhóm hướng dẫn du lịch Á châu. Thật ra tuyệt đối không có ý nghĩ nào lưu tâm đến cách khai thác thị trường những điểm chính hấp dẫn ở Việt Nam. Đất nước này có những bờ biển đẹp, nhưng nhà nước cứ nghĩ là một viện bảo tàng chiến tranh sẽ là nơi thu hút du khách. Hà Nội nên tìm cách giới thiêu những gì của cái đất nước đến một triệu người Mỹ đã có lần có mặt trên đất nước này trong chiến tranh. Hầu hết họ giờ đây giữ những chức vụ quản lý và họ đều có gia đình. Tôi cá là hàng ngàn đàn ông Mỹ sẽ thích thú mang những đứa con trai của họ tới Việt Nam để chỉ cho chúng thấy cái địa bàn mà 30 năm trước đây họ đã chiến đấu một cuộc chiến tranh nhỏ bẩn thỉu. (Nguyên văn: I bet thousands of men (Americans) would love to take their sons to Viet Nam to show them the base where 30 years ago they fought a dirty little war.). Một điều nữa: thay vì tính tiền lệ phí Visa đối với du khách, tại sao không cho miễn phí đi? Chính phủ phải làm bất cứ gì có thể làm được để tạo sự dễ dàng cho thiên hạ tới để tiêu tiền.

Asia Inc: Còn những lãnh vực nào có vẻ hứa hẹn nữa không?

Nguyễn cao Kỳ: Giáo dục là một cơ hội nữa. Những trường đại học của Aseans nên mở những phân khoa ở Việt Nam.

Asian Inc: Mười lăm năm trước đây, có một người Việt tỵ nạn hô hào cho chuyện hòa giải bị đưa đến sự cô lập hay còn bị đối xử tệ hại hơn nữa. Liệu người dân ở Little Saigon của vùng Nam California còn ủng hộ sự khởi xướng này không?
Nguyễn cao Kỳ: Vẫn thường có những người chống cộng cuồng nhiệt (fanatic anti-communism), nhưng ngày nay những người chống cọng không là gì cả. Nixon có nói về "đa số thầm lặng" của người Mỹ! Ồ, cộng đồng Việt tỵ nạn cũng có một loại như vậy đấy. Trải qua nhiều thập niên tôi đã bảo với mọi người là hãy quên chiến tranh đi và nên nghĩ đến sự hòa hợp hòa giải (reconciliation). Điều duy nhất mà những người Mỹ gốc Việt muốn là có một nước Việt Nam dân chủ, phú cường.

Asia Inc: Liệu một nền kinh tế tiến bộ có thể làm đẩy nhanh tiến trình cải tổ dân chủ không?

Nguyễn cao Kỳ: Dứt khoát là như vậy. Hãy thử nhìn qua Thái Lan, Đài Loan và Nam Hàn. Bốn mươi năm trước đây, những quốc gia này chỉ có một đảng cầm quyền (one party system). Ở Đài Loan, nếu anh không phải Quốc Dân Đảng, coi như anh đi đong. Cũng như chẳng có tự do chính trị dưới chế độ Phác Chính Hy ở Đại Hàn hay Sarit Thanarat ở Thái Lan. Nhưng ở trong mỗi quốc gia đó những nhà độc tài dùng quyền lực của họ để xây dựng quốc gia. Họ cải tiến giáo dục và làm cho giá thực phẩm xuống thấp đến nỗi giai cấp trung lưu không cần phụ thuộc vào nhà nước một chén cơm nào. Giai cấp trung lưu làm ra tiền không còn lệ thuộc vào chính phủ. Giờ đây những công dân của ba quốc gia trên có đủ năng lực để lèo lái cuộc sống riêng của họ.

Asia Incs: Liệu Việt Nam có thể giảm thiểu được tệ nạn được tệ nạn tham nhũng không?

Nguyễn cao Kỳ: Không có quốc gia nào không có tham nhũng. Ở Trung Hoa, Thái Lan hay Đài Loan một thương gia tìm cách hối lộ để đề án của ông ta được chấp thuận trong 2 tháng thay vì một năm. Bạn có thể làm như thế ở Mỹ hay ở Đức, nhưng ở đó được gọi là sự đóng góp chính trị (Political contribution). Điều khác biệt là ở Thái Lan, khi bạn trả tiền, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người mà bạn hối lộ. Ở Việt Nam họ lấy tiền của bạn mà vẫn chống đối dự án của bạn. Việt Nam có mức độ tham nhũng cao. Có một ước lượng cho rằng chỉ có 30 phần trăm tiền quỹ quốc tế là có thể đến tới những nơi dự tính. Thế hệ của thời chiến tranh Việt Nam biết chuyện tham nhũng cũng sắp qua rồi va họ rán tìm mọi cách để bỏ túi được chừng nào hay chừng nấy

Asia Incs: Nhưng dựa trên chuyện lao động rẻ ở Việt Nam thì chuyện tham nhũng lan tràn có trở thành một thứ chi phí không có thể chấp nhận được phải không?

Nguyễn cao Kỳ: Có một sự cạnh tranh ráo riết đối với sự đầu tư từ nước ngoài. Có một khối lượng tiền lớn đổ vào Đông Nam Á Châu trong thập niên 1980 và đầu thập niên 90 đã bỏ qua Việt Nam bởi vì còn có nhiều người miền Nam phải tái giáo dục. Khi anh sử dụng quyền lực kiểu này anh có thể thống nhất quốc gia nhưng không đoàn kết được lòng người. Người miền Nam có thể đầu tư gì đây trong một quốc gia vốn đối xử anh ta như một công dân hạng hai? Và nếu nửa dân số quốc gia ngại ngùng bỏ vốn đầu tư, thì tại sao người ngoại quốc lại có thể làm chuyện ấy? Hà Nội nói họ muốn hòa giải, nhưng điểm mạnh của họ bây giờ là giá đất đai của họ rẻ hơn Bangkok hay Hồng Kông. Điều không may là chính quyền không tận dụng lợi thế của nó. Hà Nội nghĩ rằng bởi vì Bangkok lấy 5 dollars mỗi bộ vuông square foot), họ có thể lấy giá 4 dollars mà thôi. Có điều không may là cơ sở thương mai của Việt Nam chỉ có giá trị 50 cents mà thôi. Hà Nội muốn so sánh nhưng không có sự so sánh như thế được.

Asia Inc: Mô hình phát triển nào Việt Nam nên theo bây giờ?

Nguyễn cao Kỳ: Việt Nam phải đi theo mô hình Trung Cộng. Nếu tôi là người lãnh đạo Việt Nam, tôi sẽ nói Bắc Kinh rằng tôi chấp nhận làm cậu em nhỏ. Mỗi một năm tôi sẽ đi Bắc Kinh và mang một món quà cho Đại đế (emperor) của Trung Cộng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ lại đồng ý trở thành một quận lỵ xa xôi của Trung Hoa. Nếu Trung Cộng đòi hỏi như thế, tôi sẽ chạy tới ông anh lớn của tôi là Hoa Kỳ.

Asia Inc: Đầu tiên là ông điều hành một quốc gia, rồi đến điều hành tiệm rượu. Giờ cuối cùng thì ông tính đường về quê hương. Hình ảnh gì không phai nhạt trong trí óc ông về cuộc sống tỵ nạn ở Mỹ?

Nguyễn cao Kỳ: Tôi đến một chỗ bán xe ở Fairfax, Virginia (dealer xe). Người bán xe nhận ra tôi và nói tôi có thể lái thử chiếc xe Coupe Deville một vài vòng. Thế là tôi lái xe đi, trong khi mặc quần short ngắn và áo thun T shirt. Khi có một cảnh sát viên lái xe mô tô 2 bánh thổi còi bắt xe tôi ngừng lại vì xe chưa có dấu hiệu dán giấy ghi danh thuế xe nha lộ vận (no registration sticker ). Tôi có vẻ khả nghi và không nhớ nổi tên đường tôi đang sống. Ông cảnh sát hỏi, "Anh đang có việc làm chứ?" "Không," tôi trả lời. "Ồ thế à! Thế thì trước giờ anh có từng làm công việc gì chưa?" Tôi nói với ông tôi đã từng làm Thủ tướng Việt Nam.

Đó là bài phỏng vấn của Nguyễn cao Kỳ với ký giả David Devoss của tờ báo Asia-Inc. Nói chung điểm gây phẫn nộ thứ nhất là ông Kỳ đã chấp nhận về làm ăn buôn bán với Cộng sản và thứ hai là ông dè bĩu cuộc chiến tranh mà ông gọi là "dơ bẩn nhỏ" (dirty litlle war), một cụm từ mà Phan nhật Nam gọi là "tồi tệ tàn nhẫn". Vì ông đã từng là cấp lãnh đạo miền Nam trước đây, nên những lời tuyên bố vô trách nhiệm và vô liêm sỉ của ông đã làm cho dân miền Nam ở hải ngoại cảm thấy khó chịu, bực tức và phẫn nộ. Gia đình thân nhân họ đã đổ máu trong một cuộc chiến để rồi bây giờ người lãnh đạo gọi cuộc chiến ấy là dơ bẩn thì đó là một sự hạ nhục không thể tưởng tượng. Chính quyền Cộng sản kể từ sau 30 tháng 4, 1975 đã có một chính sách thâm độc để tiêu diệt những người ngã ngựa miền Nam và đem cả đất nước Việt Nam xuống hố khổ đau. Cuộc tranh đấu chống lại nhà cầm quyền độc tài phi nhân này đã kéo dài từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam cho đến bây giờ. Máu của những chiến sĩ tranh đấu cho tự do đã đổ và tình hình tranh đấu hôm nay có phần rục rịch và le lói một vài ánh sáng hy vọng. Nguyễn cao Kỳ đã không làm được gì trong cuộc tranh đấu hào hùng này, giờ này lại còn "nối giáo cho giặc", luôn tính toán phương kế này nọ để làm cho cộng sản khá hơn. Ông bảo đời sống kinh tế khá hơn thì dân chủ sẽ tới. Người ta cũng buồn cười cho cái lý luận ấu trĩ dốt nát của một con người có thời lãnh đạo miền Nam. Hãy nhìn gương Trung Cộng. Trung Cộng cho phép cởi mở về kinh tế thị trường để đời sống dân chúng được sung túc hơn, nhưng khi anh em sinh viên tụ tập ở quảng trường Thiên an Môn để đòi dân chủ thì Đặng tiểu Bình gửi xe tăng đến tàn sát ngay. Điều đó nói lên rằng sự cởi mở về kinh tế không đồng nghĩa với sự nới lỏng về dân chủ như Nguyễn cao Kỳ đã nhận định.
Đại úy Nhảy Dù Phan nhật Nam cũng phẫn nộ như bao nhiêu người khác. Ông Nam đã viết một bài nhan đề "Nghĩ về hiện tượng người muốn vất bỏ căn cước quân nhân", trong đó ông lên án nặng nề tên phản bội Nguyễn cao Kỳ như sau:

"Đấy chính là ngôn ngữ của Nguyễn cao Kỳ - ngôn ngữ của một kẻ phản bội, vô ơn đối với những chiến hữu - những người lính đã trải thân giữ vững miền Nam trong suốt ba thập niên từ 1954 - 1975 cũng đồng thời xây đắp nên công danh, sự nghiệp của cá nhân tên gọi Nguyễn cao Kỳ. Chúng tôi không hề quá lời. Sợ rằng không đủ chữ nghĩa để nói lên hết lòng phẫn nộ - Sự phẫn nộ chính đáng của người lính chiến đấu vì nghĩa vụ cao thượng bảo quốc, an dân. Cơn phẫn nộ không phải do lần đầu bị xuyên tạc, mạ lỵ, vấy nhục, bởi chúng tôi đã quen, hằng tập thói quen chịu đựng tình cảnh bị nhục mạ hạ tiện này đến từ đám báo chí ngoại quốc, các thành phần thiên tả, từ phía kẻ thù, kể cả cách đánh giá hàm ý coi rẻ của một số thị dân miền Nam trước 1975. Nhưng chúng tôi vẫn giữ chắc tay súng chiến đấu trong một cuộc chiến dai dẳng tàn khốc, và kể đến hôm nay 27 năm sau ngày mất miền Nam, sức chiến đấu kia không hề tàn lụi, bởi sức sống của dân tộc Việt mãi bền vững, và chúng tôi là những người lính thuần thành của dân tộc khổ nạn siêu việt này.
..Nguyễn cao Kỳ, ông đắc tội vô cùng với anh linh của liệt sĩ, anh hùng đã chết để sáng danh cuộc chiến đấu mà ông vừa tuôn lời vấy nhục. Có nghĩa - ông đã vất bỏ căn cước quân nhân của mình - ông không xứng đáng ở cùng đội ngũ chúng tôi - người lính VNCH."


Những lời lên tiếng của Phan nhật Nam về bài phỏng vấn của Nguyễn cao Kỳ như thế cũng quá rõ ràng và đầy đủ. Tiếng nói của Phan nhật Nam coi như đại diện giới quân nhân miền Nam nói riêng và đại diện nhân dân miền Nam nói chung.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn cao Kỳ tuyên bố láo lếu và nhảm nhí làm nhục tập thể mà ông ta là người lãnh đạo. Trước đây mấy chục năm, lúc còn làm Phó tổng thống VNCH, ông qua Paris tham dự Hòa Đàm Paris. Giữa kinh thành ánh sáng Paris của Pháp, máu cao bồi tếu nổi lên, ông ăn chơi vung vít làm cho thế giới coi thường và kẻ thù VC có cơ sở đánh phá. Ông quên mình là phương diện quốc gia, mà chỉ hành động theo bản năng và ý thích riêng của mình cho thỏa thích. Rồi những hậu quả xấu xa do hành động nhảm nhí của ông gây ra thì quốc gia dân tộc phải lãnh đủ. Đời ông có lẽ ông không có thời giờ đọc sách đạo lý thánh hiền, tìm hiểu về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; không có thời gian nghiền ngẫm chuyện Kiều để hiểu vì sao ông quan Tổng đốc Hồ tôn Hiến luôn nghĩ đến chuyện "nghĩ mình phương diện quốc gia" nên Nguyễn cao Kỳ đã có lối hành xử đáng chê trách như đã nói ở trên. Nếu ông chỉ cần một chút suy nghĩ về tư thế lãnh đạo, đại điện quốc gia của mình thì khi hành xử cái gì cũng phải thận trọng, đắn đo vì hành động của mình có thể gây phương hại đến cho danh dự và uy tín của quốc gia. Đời Nguyễn cao Kỳ chỉ thích đá gà, chỉ thích lái máy bay quân sự hay trực thăng đi tán gái, thích làm sát thủ (lady - killer) trên sàn nhảy với đàn bà, nên khi ông đứng vào hàng ngũ lãnh đạo quốc gia là coi như quốc gia phải lãnh đủ những hành động nhảm nhí, thiếu suy nghĩ của ông. Ông không bao giờ nghĩ đến "phương diện quốc gia" cả. Ông chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của bản thân mình. Đáng buồn cho miền Nam có thứ lãnh đạo tồi bại như Nguyễn cao Kỳ!
Cách đây mấy năm nước Mỹ có xảy ra vụ Xì-căng-đan giữa ông Tổng thống Clinton và cô sinh viên tập sự Monica. Ông Clinton này cũng chưa có cơ hội đọc truyện Kiều, ông cũng không biết "nghĩ mình phương diện quốc gia". Là một vị nguyên thủ quốc gia mạnh nhất thế giới là Mỹ, ông không suy nghĩ trước sau, ông đem em sinh viên tập sự Monica vào trong tòa Bạch ốc để đóng phim con heo. Chuyện sau này lở vỡ ra, xấu mặt không chỉ bản thân ông, gia đình ông mà nước Mỹ cũng bị ô uế lây vì những hành động thiếu đạo đức của ông tổng thống ham vui này.
Hôm nay phân tích và phê phán Nguyễn cao Kỳ cũng chỉ với ước mong và đất nước Việt Nam ngày mai không bao giờ có thứ lãnh đạo tồi bại, vô liêm sĩ, không bao giờ nghĩ đến danh dự quốc gia dân tộc như thế nữa. Thế hệ lãnh đạo quốc gia Việt Nam mai sau là một thế hệ có tài, có đức, có liêm sỉ, có lòng tự trọng, có cung cách xử sự quân tử, chính nhân. Một thế hệ lãnh đạo như thế chắc chắn sẽ đưa nước Việt Nam đi lên để sánh vai với các nước khác khắp năm châu. Người Việt Nam sẽ không còn tủi hổ khi nhìn về đất nước mình nữa mà thay vào đó là lòng sung sướng tự hào mình là con dân nước Việt, là con Rồng cháu Tiên của bốn ngàn năm văn hiến hun đúc tạo dựng mới có được ngày hôm nay. Lịch sử không phải là chuyện ngẫu nhiên trên trời rớt xuống, lịch sử được hình thành bởi con người và sẽ tiến hóa theo hướng đi tới có tính toán nghĩ suy của con người. Đất nước Việt Nam sau này có rạng ngời thì cũng là do mỗi công dân Việt hôm nay góp tay, góp sức để tạo nên một tiền đồ tươi sáng cho quê hương, đất nước. Người lãnh đạo có tài năng, có liêm sỉ là một cái đầu tầu, đầu tầu có sáng suốt, có năng lực thì mới kéo con tàu đến bến vinh quang. Đó là quy luật kim chỉ nam muôn đời của thời đại. Quy luật này vẫn đúng khi nhân loại bắt đầu bước vào thiên niên kỷ thứ 3.

Lawndale, một trưa nắng ráo đầu xuân Quý Mùi 2003.
Trần Viết Đại Hưng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn