Vào thời điểm này, tháng 4 năm 1958, ít nhất cũng có hàng trăm bản “luận tội” đanh thép như thế - hoặc hơn thế - của những “văn nghệ sĩ” (cùng thời) dành cho Nhân Văn – Giai Phẩm. Cuộc đời của những thành viên trong nhóm này, và tất cả những ai có liên hệ xa gần đến họ, tưởng như, đã hoàn toàn bế mạc! Tưởng vậy thôi, chớ không đến nỗi vậy đâu!
Thời gian vẫn thường mang theo trong lòng nó những phép lạ (rất) diệu kỳ.
Mươi, mười lăm năm sau: những kẻ phải vào tù (vì tội… Nhân Văn) đều được cho về để địa phương quản lý, và những người bị cấm viết đều có cơ hội được cầm viết lại - nếu chịu chui để kiếm sống qua ngày.
Hai, ba muơi năm sau nữa: người đi tù về được trả lại thẻ cử tri và cho lãnh lương hưu, kẻ bị treo bút được trả lại thẻ hội viên nhà văn và tác phẩm lại được phép cho xuất bản - với tên tuổi (thiệt).
Và bây giờ, tháng 2 năm 2007, Bộ Văn Hoá Thông Tin vừa họp báo công bố quyết định của Chủ Tịch Nước về việc tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước cho một số những thành viên của nhóm Nhân Văn (đã chết hay sắp chết) vì họ là “các tác giả có tác phẩm hay, công trình văn học nghệ thuật giá trị cao, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”.
Thực là một nghĩa cử cao cả, tử tế và qúi hoá!
Ở Việt Nam, đã có lúc, cứ bước ra ngõ là gặp (phải) anh hùng. Nay, hễ cứ ghé mắt vào báo chí là thấy ngay những chuyện qúi hoá và tử tế (cỡ) như thế - hay hơn thế nữa!
Báo Tuổi Trẻ - số ra ngày 24 tháng 1 năm 2007 - có bài tựa là “Ý Thức Công Dân,” viết vể hai nông dân Việt Nam (ông Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Tình, ở xã Triệu Lộc Thanh Hóa) đã cứu được cả một đoàn xe lửa. Vào đêm 20 tháng 1, hai nhân vật này đã phát hiện ra một chiếc xe vận tải hạng nặng - sau tai nạn lưu thông - nằm vắt ngang qua đường ray. Thế là họ dùng đèn pin làm tín hiệu cho đoàn tầu tốc hành dừng lại. Cả hai, đều đã được ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng Giám Đốc Công Ty Đường Sắt, biểu dương và tặng thưởng 500.000 tiền mặt. Một số tiền lớn đủ để mua cả chục cái đèn pin nữa.
Theo giáo sư Tương Lai, tác giả của bài báo thượng dẫn, thì “chỉ có thể hiểu hành động quả cảm, thông minh của hai nông dân đã cứu cả đoàn tầu và hơn nghìn con người thoát hiểm trong gang tấc được thúc giục bởi ý thức công dân”.
Tôi cứ đọc đi đọc lại bốn chữ “Ý - Thức - Công - Dân”, được in rõ ràng và đàng hoàng (trên báo chí Nhà Nước) mà bần thần suốt mấy ngày liền! It’s too good to be true, man! Giá có hôm mở cửa sau, thấy vài con khủng long - đang đứng thơ thẩn giữa vườn - có lẽ tôi cũng chỉ bàng hoàng và sung sướng đến thế là cùng. Dù ở Việt Nam, thời gian mà “ý thức công dân” bị … tuyệt chủng chưa lâu đến thế!
Kể từ lúc mà toàn dân cương quyết “đi theo con đường mà Bác vô vàn kính yêu đã chọn,” dưới sự lãnh đạo sáng suốt và toàn diện của Đảng toàn năng, cùng với sự giúp đỡ tận tình - về mọi mặt- của những tổ chức và ban ngành thuộc Mặt Trận Tổ Quốc thì ý thức công dân (kể như) hết còn đất sống. Nó bắt đầu phải sống… chui.
Thò đầu ra là chết (mẹ)!
Hồi tháng 5 năm 1993, không biết nghe ai xúi (dại), một công dân Việt Nam, ông Hà Sĩ Phu bỗng dõng dõng dạc lên tiếng:
“Là một người Việt Nam có giáo dục, có văn hoá, không ai có thể cho phép mình tảng lờ, dấm dúi trong xó kiếm ăn một mình, mà phải đứng ra giữa nơi sáng sủa, nghiêm túc nói rõ ý kiến của mình với sự huy động cao nhất của trí tuệ!” - (“Đôi Điều Suy Nghĩ Của Một Công Dân.” Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản năm 96, trang 46).
Sau khi nói lên “đôi điều suy nghĩ” lôi thôi như thế,” sĩ phu họ Hà đã bị te tua và bầm dập ra sao - cả nước - ai cũng biết. Từ đó, cái gọi là “ý thức công dân” - tuởng như - là… đi đứt. Tưởng vậy thôi nhưng (cũng) không đến nỗi vậy đâu.
Cũng như cuộc đời của những thành viên trong nhóm Nhân Văn, hậu vận của “ý thức công dân” (xem chừng) cũng tốt. Không những nó vừa được cho phép xuất hiện trở lại (khỏi phải tiếp tục sống chui) mà còn được biểu dương và khen thưởng nữa – như trường hợp (kể trên) của hai người dân, ở xã Triệu Lộc, Thanh Hoá.
Vì được cổ võ và khuyến khích như thế nên “ý thức công dân” đã bùng nổ hơi (bị) lớn trong chuyện Cọp Bình Dương, xẩy ra giữa tháng 3 vừa qua. Vụ việc này, được báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh - số ra ngày 20 tháng 3 năm 2007 - tường thuật như sau:
Ông Ngô Duy Tân đang vuốt cọp con Nguồn: news.yahoo.com/AFP |
“Năm 2000, ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty bia Pacific - Thái Bình Dương có trụ sở đóng tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương tình cờ gặp một người đang mang 5 con hổ con trọng lượng khoảng 2 - 3kg đi bán với giá 180 - 200 ngàn đồng/con trong tình trạng bệnh tật, rất yếu. Vì quá lo lắng cho số phận những con hổ tội nghiệp trên, ông Tân đã liên lạc xin ý kiến và được sự đồng ý của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương về việc mua lại số hổ trên để chăm sóc. Năm 2003, ông Tân tiếp tục mua thêm 2 chú hổ con khác cũng đang trong tình trạng kiệt quệ sức khỏe với giá 35 triệu đồng.”.
Trải qua hơn 5 năm, đến nay ông Tân đã gây giống thành công đàn hổ với tổng cộng 37 con đều trong tình trạng khỏe mạnh và có sự sinh sản tốt”
Và sau khi ông Tân thành công thì có sự “dòm ngó” của những “giới chức chức năng.” Ngày 21 tháng 3 năm 200, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết là đàn hổ sẽ bị “tịch thu” và chủ nhân “sẽ bị xử lý nghiêm vì đã nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp.”
Quyết định ngang xương (và ngang ngược) này khiến mọi người… phẫn nộ. Cả nước - kể cả ông Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội, và nhiều vị Dân Biểu Quốc Hội… - đều đã nổi khùng và hăm hở vào cuộc. Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bồ: “không nên lạm dụng quyền lực để áp chế dân, thách thức công luận”.
Báo Thanh Niên, số ra ngày 23 tháng 3 năm 2007, tường thuật rằng mỗi ngày đều có “hàng ngàn bạn đọc đã viết thư, gọi điện, gửi tin nhắn đến toà soạn” tỏ ý tán đồng quan điểm vừa nêu.
Trong số này, có lẽ, đáng chú ý nhất là lời phát biểu của nhà thơ Thanh Thảo:
“Mấy hôm nay, lên bất cư tờ báo mạng nào cũng đọc thấy những ý kiến bức xúc của bạn đọc về chuyện 37 con hổ nuôi sẽ bị tịch thu bởi một công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…”
“Phía sau câu chuyện về số phận những con hổ là số phận những con người đang sinh sống bình yên trong một đất nước thượng tôn pháp luật. Tôi tâm đắc với những ý kiến rất tâm huyết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính là ở điểm đó. Từ chuyện hổ, đã đổ sang chuyện người. Ý nghĩa sâu xa của việc công luận bức xúc bảo vệ cuộc sống của những con hổ đang được nuôi chính là để bảo vệ quyền tự do được sống trong pháp luật ngay thẳng, minh bạch và nhân đạo của con người.”
Tôi xin được trân trọng chia sẻ ý kiến này của nhà thơ, cùng với không ít ngậm ngùi và … cay đắng về điều mà ông mô tả là “số phận những con người đang sinh sống bình yên trong một đất nước thượng tôn pháp luật.” Mới hai tuần trước đó, trước ngày xẩy ra vụ cọp ở Bình Dương, vào hôm 6 tháng 3 năm 2007, công an Hà Nội đã ngang nhiên bắt giam hai công dân Việt Nam là luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài. Sau đó, “chiều 12/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã ký Quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của hai bị can Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân - nguyên là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội”.
Chưa hết, báo Lao Động, số ra ngày 10 tháng 3 năm 2007, còn có “bài hài tội” với kết luận (chắc nịch) rằng hai nhân vật này “…đã kích động những người dân khiếu kiện gây rối ANTT; nhận tiền của tổ chức chống đối nước ngoài để tập hợp hình thành các tổ chức trái phép, để chống chính quyền; tuyên truyền bôi nhọ chính quyền, bôi nhọ chế độ và tàng trữ tài liệu có nội dung chông Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật trên đây … sẽ bị đưa ra truy tố trước pháp luật.”
Bộ Trưởng Tư Pháp đã “thay mặt” luật sư đoàn ở VN thu hồi bằng hành nghể của cả hai người, và báo chí của Đảng đã viết xong bản án Nguồn: DCVOnline |
Coi: Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài chưa “bị đưa ra truy tố trước pháp luật” thì ông Bộ Trưởng Tư Pháp đã “thay mặt” luật sư đoàn ở VN thu hồi bằng hành nghể của cả hai người, và báo chí của Đảng đã viết xong bản án (sẽ) dành cho họ! Như thế, có phải là “lạm dụng quyền lực để áp chế dân, và thách thức công luận” - như ông Võ Văn Kiệt đã có nhận xét trong vụ (tính) bắt cọp ở Bình Dương không?
Vậy mà sao không thấy dư luận nóng lên, không có quan chức hay ông bà dân biểu nào bức xúc vào cuộc, và (tuyệt nhiên) cũng không thấy có một người dân nào (được phép) bầy tỏ ý kiến của họ trên mặt báo hết vậy?
Ý thức công dân, ở Việt Nam, chả lẽ chỉ cao tới ngang tầm đời sống của mấy con cọp thôi sao? Với tình trạng này thì “từ chuyện hổ” muốn “đổ sang chuyện người” - như ước nguyện của nhà thơ Thanh Thảo - ngó bộ còn lâu lắm. Từ luật sư Nguyễn Mạnh Tuờng đến luật sư Nguyễn Văn Đài mới có ba thế hệ người thôi. Ít xịt hà. Cuộc cách mạng trường kỳ của những người cộng sản chắc phải cần thêm vài thế hệ người Việt nữa thì mới hoàn thành xong sứ mạng (phá hoại) lịch sử của nó.
Tưởng Năng Tiến
Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn