BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73219)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chất sống trong Vè - hay thực chất cuộc sống ở CHXHCN Việt Nam

12 Tháng Tư 200712:00 SA(Xem: 1544)
Chất sống trong Vè - hay thực chất cuộc sống ở CHXHCN Việt Nam
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Từ đã lâu rồi, từ “Tháng Tư Đen” 1975, người Việt chúng ta – nhất là những người trong cộng đồng tán cư – đã luôn luôn phải đối phó với một số câu hỏi khó ai có thể giải đáp một cách ngắn gọn...

Suốt 10 năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, chẳng hạn, nhiều người trong cộng đồng chính mạch – tại Úc thì là người Úc, tại Mỹ là người Mỹ, tại Pháp là người Pháp – ngay bằng hữu thân tình thỉnh thoảng cũng cứ hỏi ta: “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam đã có hoà bình mà sao các ông lại bỏ xứ ra đi sống đời tị nạn?”

Cứ bình tâm mà xét thì khi hỏi thế, người ta có thể chỉ muốn chia sẻ với ta nỗi niềm ly hương day dứt của di dân tứ xứ và tìm hiểu thêm về cuộc sống ở bên nhà nhưng làm vậy, họ cũng chứng tỏ không biết gì về đời sống thời hậu chiến ở Việt nam. Như họ có thể còn nghĩ nhưng không nói rõ ra thì sau một cuộc chiến 30 năm, nước ta đã độc lập, thống nhất thì Tự do và Hạnh phúc chẳng chóng thì chầy cũng phải tới..., thì sao ta lại không ở lại góp phần kiến thiết xứ sở?

Tôi cũng phải nói thêm là một câu hỏi đơn giản như thế mà lắm lúc cũng làm tôi giận nảy đom đóm mắt... Có lần bị một đồng nghiệp trẻ, gốc Hoa kiều Mã Lai Á, “chất vấn” đại khái thế thôi mà tôi đã lồng lộn: Not YOU, too! Stupid idiot! (Phóng dịch là: “Chẳng lẽ mi cũng nghĩ như bọn tóc hung ư, thằng ngu kia!” nhưng cái ý tại ngôn ngoại thì là: “Mi là dân Mã Lai Á, nước mi cũng đã bị Mã cộng tìm cách khống chế cả bao nhiêu năm... mà sao mi lại hỏi một câu ngu ngốc đến thế ư!”). Thế rồi, tôi bỏ đi, làm cho mấy đồng nghiệp cứ há hốc mồm ra, chẳng hiểu sao hết.

Bây giờ, nghĩ lại vụ đông khẩu đó, tôi còn cảm thấy ê ê cái mặt...

Thực vậy, anh bạn tôi hồi đó mới 24-25 tuổi đầu thì làm sao biết gì về Thời kỳ Khẩn trương ở đất Mã Lai! Hơn nữa, anh ta du học ở Úc thì dù muốn dù không, cũng chỉ đọc sách báo Úc và, do đó, cho đến khi Bức tường ô nhục bị nhân dân Bá Linh đập bỏ, đã bị lôi cuốn vào Tư trào thời đại (Zeitgeist) – mà trong tư trào này thì Hồ Chí Minh thường được đề cao là “Cha già dân tôc” ta, cộng sản Việt Nam được vinh danh là “chiến sĩ tự do" – thì anh đồng nghiệp có hiểu lầm thì mình cũng phải thông cảm ít nhiều và giải thích cho anh ta một chút chứ!

Nhưng muốn “bằng hữu vận” cũng mất công chứ đâu có dễ!

Lại xin dẫn chứng bằng một tỉ dụ liên hệ đến chính cái “tôi” khả ố.

Tôi còn nhớ mồn một hồi mới định cư ở Melbourne, cứ lâu lâu lại gặp một bài báo dè bỉu là thủ đô Sài Gòn có tới 500.000 phụ nữ làm cái nghề điếm nhục của Cô Kiều hồi cổ lưu lạc ở chốn lầu xanh. Lẽ dĩ nhiên, ký giả Úc viết thế chỉ là vì phát ngôn viên cộng sản Việt Nam đã lắm phen lên án chính quyền Miền Nam là thối nát, văn hóa Miền Nam là đồi bại, văn học Miền Nam là đồi trụy, mà ngay nếp sinh hoạt thường nhật của dân Miền Nam cũng là đồi tệ, rồi đưa ra con số bịa đặt kia ra làm “bằng” xã hội Miền Nam đã băng hoại, luân thường đạo lý không còn gì nữa!

Thế là trong một lá thư gửi tất cả các báo lớn, tôi đã lưu ý họ năm điểm: (1) Sài gòn hồi đó có 3.000.000 dân; (2) Trong số vừa kể thì hơn 11/2 triệu còn là trẻ vị thành niên và độ 300.000 đã trên 60, tức là không thể hành nghề đĩ cái, đĩ đực được; (3) Với số còn lại, nếu ta lại loại bỏ nam giới ra khỏi phương trình thì tất cả nữ giới đều làm nghề bán phấn, buôn son cả; (4) Khi lập lại luận điệu cộng sản Việt Nam, báo chí Úc đã vô hình trung ám chỉ là tất cả phụ nữ thủ phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), kể từ các bà cố, bà nội, bà ngoại đến vợ con chúng ta đều làm nghề bán trôn nuôi miệng hết; (5) Sao báo chí có thể cù lần đến thế!

Cũng nên biết không một tờ báo Úc nào chịu đăng lá thư của tôi nhưng sau đó, cũng không tờ báo lớn nào nhắc đến con số quái đản kia nữa!

Bây giờ mà còn ai viết “nhảm” như thế thì không chừng ta chỉ cần “phản pháo” bằng câu vè tả Bến Ninh Kiều ở Cần Thơ sau ngày “giải phóng” -
Chiều chiều, trên bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng Bác, đĩ nhiều hơn dân

– hay giảng cho họ câu vè “Đại thắng lợi”, “Bác Hồ lộng kiếng” thực ra lại có nghĩa là “đợi thắng lại, liệng cống Bác Hồ” thì giới ký giả Úc có thể cũng vỡ lẽ!

Tôi nói đến chuyện lá thư gửi toà soạn các báo Úc chỉ là để lưu ý cử tọa việc đánh đổ thành kiến là việc rất khó, nó đòi hỏi một cố gắng liên tục của nhiều giới, chứ không phải cứ có ai đi thuyết trình dăm ba nơi, viết được vài bốn bài báo, hay cho in một hai cuốn sách là đối tượng của ta sẽ xét lại lập trường.

Lẽ dĩ nhiên, trong nỗ lực giải độc dư luận, mỗi người chúng ta đều có phận sự. Lấy trường hợp bần bút, chẳng hạn, vì được tạo hóa ban cho một bộ óc không đến nỗi đặc sệt, lại được may mắn làm việc mấy chục năm trong các tổ chức truyền thông quốc tế, tôi đã có ý viết một hai cuốn sách, chỉ cốt hóa giải lập luận của giới khoa bảng Âu Mỹ về lịch sử đương đại nước ta. Như tôi còn nghĩ thì ở Thế Giới Thứ Ba, không sách sử nào có thể trung thực bằng tiếng nói của người trong cuộc – mà ở Việt nam, tiếng nói này thường được cô đúc trong những bài vè nhân dân thấp cổ bé miệng hay kể với nhau về cuộc sống. Cũng nên biết là hồi mới viết sách này, tôi đã có ý nối gót các sử gia tiền bối, chẳng hạn, tác giả ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN và ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA, chọn một cái tựa gì như VIỆT NAM THỰC LỤC DÂN BIÊN hay VIỆT QUỐC KIM SỬ DIỄN CA nhưng suy đi tính lại thế nào rồi tôi lại thôi. Tôi chỉ e là các bạn trẻ không hiểu những chữ như “thực lục”, nên đã chọn một tựa đề nôm na hơn: Việt Sử Đương Đại Qua 200 Câu Vè Bất Hủ.

Thế rồi, tôi còn nghĩ là giả dụ cộng đồng tán cư có diễm phúc sinh được một Tư Mã Thiên thứ hai và ông này viết được một tuyệt tác như cuốn SỬ KÝ thì Hà Nội và giới trí thức khuynh tả các nơi cũng sẽ ra sức phá đám mà phá không xong thì họ sẽ tìm cách “khóa mồm” ổng lại. Sự cách biệt giữa số sách giới thuyền nhân mình viết về chiến tranh trước kia và hiện tình đất nước (có cả trăm cuốn) và con số được các nhà xuất bản lớn cho in (chỉ đếm trên đầu ngón tay) minh chứng sự thật: Việt Nam không phải là ưu tư của giới lái sách và viết sử Âu Mỹ.

Chỉ xin dẫn trường hợp thi sĩ Nguyễn Chí Thiện làm bằng. Những thi phẩm ngùn ngụt uất nộ chế độ độc tài toàn trị, những bài ông viết thẳng thừng lên án thói sát dân, hại nước của họ Hồ, những đóng góp của ông vào kho tàng văn chương nhân loại đã được chuyển ra cả chục ngôn ngữ nhưng đã bao giờ những cơ quan thông tin uy tín như tờ Bưu báo Washington(Washington Post) ở Mỹ, Thời báo (The Times) ở Anh, Thế giới (Le Monde) ở Pháp có đặc ký lớn về ông, về thái độ bài Cộng không nhân nhượng của ông? Đã có nhà xuất bản lớn nào ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp chịu đầu tư vào một bản dịch HOA ĐỊA NGỤC? Năm 2000, ông còn soạn một tập truyện ngắn rất đặc sắc, cuốn HỎA LÒ, và cuốn này đã được chuyển ngữ rất sướng đạt mà sao đến giờ, độc giả Anh ngữ vẫn chưa được thưởng thức? (Theo tin giờ chót thì “nay mai”, Đại học Yale sẽ xuất bản sách này nhưng cái “nay mai” này là bao giờ thì chưa ai rõ!)

Vì tình hình xuất bản sách Việt học là thế nên tôi đã chọn một phương thức đặc biệt để kể chuyện đương đại. Tôi đã quyết định chỉ dựa vào bia miệng, loại sử liệu phản ảnh rõ rệt nhất tâm tư người dân, trong hiện tình đất nước chỉ là những câu vè dân gian ta hay nghe kể ở đầu đường cuối phố. Nhưng vè lại là một loại thi văn quốc cấm nên tác giả thường phải lách nhiều hơn viết: gặp mấy câu đó, tôi đã phải giải thích thêm. Lấy mục từ Sửa Saichẳng hạn, câu vè chỉ có 14 chữ –
Sửa sai rồi lại sửa sai
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.

– thì nếu chỉ đọc phớt qua, làm sao mà thanh niên đời bây giờ hiểu là vè đó ám chỉ biến cố gì! Vì thế mà tôi đã phải viết mấy trang trình bày bối cảnh câu bia miệng mộc mạc kia, chỉ là vụ Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ), một thảm họa, ngay theo số liệu của Hà Nội, đã đưa 172.008 người đến cõi tử – mà đó là chưa kể số chết chùm theo, ít ra cũng lên tới nửa triệu. Nhưng ngay với những số liệu như thế, ít ai có thể mường tượng được không khí khủng bố đỏ rừng rực từ 1953 đến 1956, nên tôi đã chọn in mấy tấm hình của nhiếp ảnh gia Nga Dmitri Baltermants, một chứng nhân cực hiếm, đã ghi được trong ống kính hình ảnh một phiên Toà Án Nhân Dân Đặc Biệt [2].

Thảm kịch “học tập cải tạo” cũng vậy... Ai cũng biết hồi mới về thành, cộng sản Việt Nam đã bỏ tù cả triệu thành phần quân cán chính Miền Nam. Nhưng mới một thế hệ sau mà nỗi oan khiên ngợp trời dội đất đó đã gần như rơi vào cõi lãng quên: ai còn nhớ, còn nói về sự dã man của cộng sản Việt Nam [3] ở các nhà tù “tít mù rừng sâu"? Để ngăn chặn không cho Cộng sản tiếp tục vặn vẹo sự thật trong giai đoạn lịch sử tới, tôi đã sao lục mấy bài vè về những “thằng làm thì đói, thằng nói thì no” như:
Tội gì không biết tội gì
Sáng ra lãnh củ khoai mì ăn chơi.

Có biết bài vè vừa trích thì người đời sau mới hiểu rõ những câu như:
Năm đồng đổi lấy một xu
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy!

– chỉ là nói về vụ đổi tiền ít ngày sau “giải phóng” và cái lịnh ác ôn của chính phủ Cộng Hoà Lâm Thời Miền Nam Việt Nam buộc hầu hết các thành phần có học phải trình diện đi tù... “mút mùa lệ thủy”. Biết thế rồi thì ắt ta sẽ hiểu tại sao cộng sản Việt Nam lại cứ ngoan cố gọi hệ thống nhà tù khổ sai ở CHXHCN Việt Nam là những “trường học”... nhưng học đường gì mà ở “tít mù rừng sâu” và học hành gì mà đến “trắng xóa mái đầu"...?

Xin đọc cả bài để cử tọa thưởng thức cho trọn vẹn:
Nước ta không có nhà tù
Chỉ toàn trường học tít mù rừng sâu
Học cho trắng xóa mái đầu
Thân làm phân bón tưới màu cỏ hoa.
Học cho tan nát cửa nhà
Biến thành dã thú thì ra khỏi trường.

Về chuyện tự do, dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân ý cũng vậy... Ta mà không ghi lại những bài vè lên án cộng sản Việt Nam gian lận bàu cử, vi phạm nhân quyền, coi dân như rơm rác thì không chừng có lúc bọn đầu nậu độc tài đảng trị này lại cho in hàng vạn cuốn sách, khoa trương chính họ đã có công dân chủ hóa đất nước.

Chính vì thế mà không những tôi đã chọn in bài “Bầu cử ở CHXHCN Việt Nam” năm 1991 –
Ông Anh, Ông Kiệt, Ông Mười
Dở khóc, dở cười, biết chọn ông nao?
Ông nào, ông nảo, ông nao
Một đồng, một cốt làm sao bây giờ?
Cửa mở phải có giấy tờ
Đổi Mới nhìn lại vẫn thờ mấy ông!
Đèn cù cứ chạy lòng vòng
Dân chủ cái còng, Độc lập đói ăn,
Hạnh phúc chú Cuội cung trăng,
Nhân dân đói khổ nhăn răng chết dần.

– mà trong phần giải thích, tôi còn sao lục thêm hai câu lời lẽ quê mùa nhưng ý tứ sắc bén hơn bội phần:
Đảng ngồi Đảng lắc bầu cua
Mánh mung, chôm chĩa, chẳng thua cửa nào.
&
Đa tài, đa lộc thì mừng
Đa thê cũng được nhưng đừng đa nguyên!

Nhưng đã nói chuyện Việt Nam mà không đề cập gì đến cuộc chiến 10.000 ngày thì quả là còn thiếu sót. Tuy tiếng súng đã ngưng nổ trước đây 32 năm, gia đình nào cũng còn mang mấy vết thương còn rỉ máu. Ai sao thì tôi không dám nói chứ chính tôi thì tôi có quen một cặp vợ chồng già có bốn người con trai mà hai đã hi sinh cho Chính nghĩa Quốc gia, hai đã cống hiến mạng sống cho Cách mạng Cộng sản.

Chẳng trách đôi vợ chồng già này lúc nào trông cũng ngơ ngơ, ngác ngác!

Ngay trong gia đình nhà tôi, may mắn có lẽ không ai bằng, mà cũng có một bà chị và hai đứa cháu ruột chết tức tưởi ở đâu không rõ.

Chỉ vì thế mà ở Huế, chẳng hạn, cứ mỗi dịp đầu Xuân, lại có cả vạn hộ vừa ăn Tết vừa sụt sùi cúng giỗ người thân đã bỏ mạng trong mấy tuần cộng sản Việt Nam kiểm soát cố đô năm 1968. Tuy nhiên, trước Tết Mậu Thân, nhân dân ta cũng đã kháo nhau:
Bao giờ hồ cạn, đồng khô
Chinh rơi, giáp rách, cơ đồ mới yên.

Để hiểu bài vè này, các bạn trẻ phải biết hồ thì dĩ nhiên là cái hồ nước nhưng ở đây cũng chỉ Hồ Chí Minh, đồng là cánh đồng lúa nhưng cũng chỉ Phạm Văn Đồng, chinh thì là cái chiêng nhưng cũng chỉ Trường Chinh Đặng Xuân Khu, và giáp thì là cái áo giáp nhưng cũng chỉ Võ Nguyên Giáp. Vậy thì theo cái nhìn của đám lê dân thấp cổ bé miệng, ai đã gây chiến với nhân dân Miền Nam rồi lại cứ nhất định phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”? Thì còn ai nữa!
Từ khi ta có Bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào.
Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào
Toàn dân đói khổ... đau nào đau hơn?

Sau khi họ Hồ chết thì dân ta còn ăn nói bộc trực hơn. Không biết hồi đó, có nhiều người Hà Nội nghe Đài Gươm Thiêng Ái Quốc hay không, nhưng khi đài này phát lại bài Lá Thư Gửi Mẹ của một bộ đội vô danh chết ở Đức Cơ – với mấy câu như:
Tại sao người ta bắt con đốt xóm phá cầu
Dùng chất nổ gây tang tóc thương đau?
Đã nhiều lần tay con run rẩy
Phải gài mìn để rồi chợt thấy
Xác người rơi, máu đổ chan hoà.
Máu của ai? Máu của bà con ta
Của những người như con như mẹ...

– thì dân ta còn hận cấp lãnh đạo hơn. Thế là vè dân gian mới có những bài như:
Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Đồng
Cả ba đồng lòng giết chết con tôi.

Nhưng chỉ ít lâu sau thì dân ta đã sửng cồ:
Trường Chinh, Lê Duẩn, Văn Đồng
Ba thằng cùng béo vặt lông thằng nào?
Vặt lông cả đám cho tao
Xỏ xâu chung vào, đem cả ra phơi!

Và đến khi cộng sản Việt Nam về thành (1975) thì dân Việt Nam đã vận dụng biệt tài văn chương làm những bài thần sầu quỷ khốc như:
Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý
Đồng khởi vùng lên mất Tự do!

Lẽ dĩ nhiên, sách VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI có tới 350 trang thì nó còn có vô số kiệt tác khác. Một cố tri, khi được xem bản thảo bài này, đã cứ nằng nặc đòi tôi phải chọn thêm ba bài “Lấy chống cán bộ” (1), “Đảng viên trung kiên” (2), và “Nói phét giỏi” (3). Tôi cũng muốn chiều ý ông bạn già nhưng lại sợ trong có người tưởng mấy bài đó là hay nhất! Cả ba bài đó hay thì có hay thật nhưng vè dân gian ta, bài nào cũng có khía cạnh đặc thù, khó có thể so đọ...

Nhưng rồi tôi cũng chiều ý bạn và bây giờ mới mời bà con cô bác thưởng thức bài “Lấy chồng cán bộ”, chỉ có hai hàng:
Khoai lang úng nước, khoai lang sùng
Lấy chồng cán bộ, lấy thằng khùng sướng hơn!

Bài “Đảng viên trung kiên” thì nguyên văn như sau:
Ngang lưng thì thắt phương châm
Đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương
Chân mang đôi dép lập trường
Đi hoài chẳng biết con đường là mô.

Tôi cũng phải nói ông bạn tôi “khoái” nhất là bài lên án tệ báo cáo láo và chỉ tay năm ngón, nhan đề là “Nói phét giỏi”, nguyên văn như sau:
Nói phét giỏi, Tán gẫu hay
Thôn lừa xã, xã lừa huyện
Một mạch lừa đến Quốc vụ viện.
Ra văn kiện
Từng cấp, từng cấp, ra sức niệm
Chỉ lo truyền đạt, không lo thực hiện.

Nghĩ cho cùng thì VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI còn vô số tuyệt tác như thế nên tôi còn nhiều điều muốn trình làng. Khổ một nỗi là tôi không mặt dạn mày dày như Hồ Chí Minh/Trần Dân Tiên nên chẳng thể tự tung tự hứng, nhưng tôi cũng phải lập bô là lão ký giả Minh Võ, tác giả hai bộ sách để đời – HỒ CHÍ MINH: NHẬN ĐỊNH TỔNG HỢP và PHẢN TỈNH PHẢN KHÁNG: THỰC HAY HƯ? – đã viết một bài điểm sách 12 trang trên Đàn Chim Việt mà ông vẫn bảo chỉ mới nói lên được 1/20 nội dung cuốn sách. Minh Võ viết thế thì ta hãy biết vậy... Tôi chỉ muốn thêm là đằng sau mỗi bài vè, thực chất cuộc sống quả đáng phàn nàn nhưng dùng làm chứng tích lịch sử sống thì câu nào cũng sinh động, nùng đạm nhất dĩ quán chi, chân như như Phật pháp. Vè dân gian có giá trị lịch sử rõ ràng như thế đó!

Như ông Nghiêm Văn Thạch đã giới thiệu với độc giả Thông Luận thì VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI “có thể làm người chưa đọc sách nghĩ đây là cuốn sách ... tếu chẳng gì sâu sắc. Lầm to! Người đọc nhiều khi tìm được những sự kiện và tài liệu có khi chưa từng được tiết lộ và bỗng nhiên cảm thấy hiểu lịch sử nước ta hơn.”

Tôi không dám đánh giá sách này cao như Minh Võ và Nghiêm Văn Thạch, nhưng tôi phải cám ơn hai ông đã bắt trúng mạch: tôi viết sách đâu phải là để mua vui cho độc giả trong một vài trống canh, mà là để giúp tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại biết vì sao họ lại có mặt ở phương Tây và tiếp tay giới cao niên lưu ý con cái về thực trạng xứ sở từ 60 năm nay, nhất là qua tâm lý của quần chúng khố rách áo ôm, sống ở Thế kỷ XXI mà vẫn đói khổ như trước thời Cách mạng kỹ nghệ thế kỷ XVIII.

Trước khi kết thúc bài này, tôi còn phải xin thưa thêm một điều:

Không như Khổng Khưu khi họ Khổng sưu tập và san định hơn 300 bài thơ trong KINH THI – là để dạy người đời “tư vô tà” (đừng nghĩ bậy) – tôi đã sưu tập có chừng 200 bài vè dân gian trong Việt Sử Đương Đại Qua 200 Câu Vè Bất Hủ chỉ là để giữ lại tiếng nói trung thực của nhân dân ta trong buổi mạt pháp... chứ với tập đoàn cầm quyền ma giáo hiện nay ở Hà Nội, ta không thể loại bỏ trường hợp họ có thể ra luật xẻo môi, cắt lưỡi bất cứ ai truyền rao những bài vè bất lợi cho họ.

Thực vậy, trong làng cao niên ở đây, có lẽ ai cũng biết là hồi Việt Nam mới lọt vào quỹ đạo chính trị Pháp, vè dân gian ở chốn kinh kỳ có câu –
Phế vua không Khả
Đào mả không Bài.

– rõ ràng là khen ngợi Ông Ngô Đình Khả, thân phụ cố Tổng thống Đệ nhất Cộng hoà Ngô Đình Diệm, đã chống một viên Khâm sứ có ý truất phế Vua Thành Thái và ca tụng Ông Nguyễn Hữu Bài, nhân vật đứng đầu Nội các khi Vua Bảo Đại du học ở Pháp, có lần phản đối một viên Khâm sứ khác đã ra lịnh quật mồ Vua Tự Đức!

Thế mà hồi gần đây, có người bảo tôi có bộ sử in ở trong nước lại sửa vè trên là:
Đày vua, ông Khả
Đào mả, ông Bài

đổ tội phế vua cho Ông Khả và tội đào mả cho Ông Bài. Thật là đổi trắng thay đen, nhưng tôi mới biết sơ vụ này, lạiI chưa thấy cuốn sách kia ra sao nên phải dè dặt. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhấn mạnh: nếu sự đời quả có thế thật thì đây là một cách viết sử ác ôn, không chấp nhận được!

Viết sử mà viết với phong thái đó thì chỉ có Hồ Chí Minh và bọn con cháu ông ta mới cam tâm làm! Ai chưa tin cộng sản Việt Nam là vua nói dối, là chúa nói đểu thì nên giở sách NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ ĐỜI HOẠT ĐỘNG CỦA HỒ CHỦ TỊCH của Trần Dân Tiên/Hồ Chí Minh và đọc mấy đoạn ông ta viết để bôi nhọ nhà đại lão cách mạng Nguyễn Hải Thần và văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Làm như họ Hồ thì còn ra cái thể thống gì nữa, còn gì là cái thành ý, cái chánh tâm của bậc sĩ phu đời xưa, còn chi là cái lương tri, cái công tâm của người trí thức đời nay!

Bần bút đã viết VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI QUA 200 CÂU VÈ BẤT HỦ chỉ là để phòng hờ trường hợp có kẻ bóp méo lịch sử, ngồi chồm hổm trên sự thực như thế!

Bài đến đây có lẽ đã đủ dài để giới thiệu VIỆT SỬ ĐƯƠNG ĐẠI, nói lên ‫– thực chất cuộc sống ở bên nhà, một đề tài ai ai cũng phải để tâm theo dõi thì ta mới có hi vọng hội nhập xã hội tiếp cư đa văn này mà vẫn giữ được lòng tự cường sắc tộc – mà có làm thế thì chúng ta mới sống được một cách hiên ngang trong xã hội chính mạch.

Với cuốn Việt Sử Đương Đại Qua 200 Câu Vè Bất Hủ, tôi cũng có ý bắt chước Khổng Khưu nói mình chỉ “thuật nhi bất tác” (thuật lại chứ không sáng tác). Mà đúng vậy! Sách này thực ra là do toàn thể nhân dân ta trứ tác chứ không phải là do công sức riêng ai. Vậy bạn đọc để bụng khen ngợi ai thì xin hãy khen tập đoàn tác giả vô danh được bình giải trong sách, chứ đừng khen người đứng tên soạn sách nhưng nếu sách có chỗ bất cập – chính tôi cũng đã đỏ mặt vì mấy chữ viết sai chánh tả – thì lỗi đó chỉ là lỗi người làm sách làm việc tắc trách!

Xin cám ơn tất cả đã chịu khó xem bài kể chuyện.
Trăm năm bia đá cũng mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.

(Ca dao)

Melbourne, 12.04.2007
Nguyễn Ngọc Phách


Chú thích của tác giả:

[1] Thuyết trình của tác giả Nguyễn Ngọc Phách hôm ra mắt cuốn Việt Sử Đương Đại Qua 200 Câu Vè Bất Hủ ở Toà Thị chính City of Yarra, Victoria, Australia, 7/4/2007.

[2] Suốt 50 năm qua, văn đàn CHXHCN Việt Nam không có đến một bộ sách kể chuyện CCRĐ một cách chân thành, đầy đủ. Ngay cuốn BA NGƯỜI KHÁC của Tô Hoài (viết từ 1992 nhưng phải sửa đi sửa lại mấy lần mới được xuất bản hồi năm ngoái) cũng chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ nhoi, là thói hoang dâm vô độ của đội ngũ CCRĐ. Phải biết Tô Hoài đã từng tham gia CCRĐ nên có thể ông viết sách này chỉ để chuộc tội chứ thật quả ông đã không tiết lộ được điều gì mới mẻ! Mà tác phong vô đạo của đội viên CCRĐ thì đã bị nhân dân lên án từ lâu trong những câu vè như:
Đội về, đội dựa vào mông
Đến khi Đội rút, con bồng con mang.

[3] Già cả mà quên (hay bỏ qua) những chuyện không hay không đẹp trong quá khứ thì cũng tốt đấy, nhưng nếu ai cũng nghĩ thế mà không chia sẻ kinh nghiệm sống với con cháu và bạn bè thì: (1) người Tây phương sẽ tưởng chúng ta là tị nạn kinh tế, (2) con cháu chúng ta cũng không hiểu tại sao chúng ta lại bỏ nước ra đi, và (3) có lúc chúng có thể trách chúng ta làm chúng “mất gốc". Muốn tránh chuyện đó, cứ lâu lâu giới cao niên lại phải tâm sự với thế hệ trẻ mới được.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn