BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73517)
(Xem: 62250)
(Xem: 39444)
(Xem: 31185)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thôi bỏ đi tám (Bis)

11 Tháng Mười 200612:00 SA(Xem: 814)
Thôi bỏ đi tám (Bis)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 









Nguồn: yatego.com


Ôi! Tay chúng cầm lê
Đâm người – dấu mặt
Lại vội lau tay – vu cáo – gây thù.

Phùng Cung (Trăng Ngục)

Những gia đình đông con thường nghèo, và những gia đình nghèo thường … đông con. Nghèo, tất nhiên, đi cùng với khổ. Khổ nhất là anh em phải mặc quần áo của nhau, nguời Việt gọi là mặc “khính”, cứ đứa lớn mặc chật thì đứa kế sẽ mặc tiếp.

Mặc quần áo cũ đã phiền, đi dép cũ hay đội nón cũ thì còn phiền hơn nữa, nhất là dép râu và nón cối. Loại nón này xuất hiện cùng lượt với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, như một biểu hiện cho … tai hoạ, và sự cùng khốn của người dân – ở xứ sở này.

Một cái nón cối mới tinh (đội) trông đã chả giống ai. Chơi một cái đã cũ, bẩn thỉu, và bạc phếch màu lên đầu thì thì kể như là hết thuốc! Đã có mấy thế hệ người Việt phải đội những cái nón (thổ tả) như thế, trong suốt cuộc đời không may của họ.









Cảnh vớt xác người chìm đò ở bến Chôm Lôm
Nguồn: tuoitre.com.vn


Dép râu, dường như, đã tuyệt tích giang hồ nhưng nón cối thì chưa. Xem những bài phóng sự của Tuổi Trẻ và Thanh Niên Online (hồi đầu tháng 10 năm 2006) tuờng thuật cảnh vớt xác những bé thơ chết trôi ở VN, người ta vẫn nhìn thấy nón cối lố nhố nơi những vùng quê. Ở đâu mà còn nón cối thì nơi đó cuộc đời còn … khốn nạn! Tai nạn chìm đò – ở bến Chôm Lôm, xã Mỹ Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An – chỉ là một chuyện thương tâm, trong vô số “Những Chuyện Từ Những Chuyến Đò Ngang”

Và nón cối không phải là “đặc sản” duy nhất của Chủ Nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam. Ngoài nón còn có mũ: mũ tai bèo và mũ gián điệp. Mũ tai bèo sinh sau đẻ muộn (như là thứ trang phục riêng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) và đã lặng lẽ biến khỏi cõi đơi, sau khi miền Nam (hoàn toàn) giải phóng.









“Sức ta là sức thanh niên, Thế ta là thế đứng trên đầu thù”, Phụng Quản Đức. Cờ, nón và đồ dùng (bát cơm, ca nước của CSVN; bình nước và lồng trà của CSTQ) của giải phóng quân Phụng Quản Đức cũng lặng lẽ từ trần (dù sau anh), khi miền Nam giải phóng
Nguồn: imageshack.us


Mũ gián điệp có tuổi thọ cao hơn, và là một sản phẩm quen thuộc từ lâu ở Việt Nam. Muốn biết nó lâu đến cỡ nào thì phải (kiên nhẫn) lật lại vài trang báo cũ:

Tạp chí Văn Nghệ, số ra ngày 12 tháng 5 năm 1958, có đăng lại “lời tố cáo” của một người viết báo – ký tên Hồng Vân – nguyên văn như sau:

“Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào này đã rèn luyện cho hắn cái đầu óc thích ‘ăn trên ngồi trốc’, thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn… Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc lồng lộn khủng bố, toàn bộ Đảng ta rút vào bí mật… Còn (hắn) vẫn hoạt động công khai trong phong trào truyền bá quốc ngữ.”

“Hắn” đây là ông Nguyễn Hữu Đang, đảng viên cộng sản, Thứ Trưởng Bộ Thanh Niên, Thứ Trưởng Bộ Tuyên Truyền trong nội các đầu tiên nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Và không phải là vô cớ mà báo Văn Nghệ phanh phui lý lịch (gia đình) của Nguyễn Hữu Đang, cùng với những lời vu cáo hàm hồ, như thế.

Ông (hay bà) Hồng Vân nào đó chỉ làm công việc chuẩn bị dư luận cho một màn kịch đã soạn sẵn, để trình diễn tại Toà Án Nhân Dân Hà Nội, vào ngày 21 tháng 1 năm 1960. Hôm đó, Nguyễn Hữu Đang bị kết tội gián điệp, và ông đã phải thọ án mười lăm năm tù vì tội danh này.

Uả, mà sao (khi khổng khi không) cái ông thứ trưởng lại trở thành gián điệp, kỳ cục như vậy cà? Muốn biết nguyên do lại phải lật lại vài trang báo cũ hơn nữa. Hãy mở báo Nhân Văn, số ra ngày 20 tháng 11 năm 1956, ở ngay trang nhất, để xem Nguyễn Hữu Đang đã (lỡ miệng) nhắc nhở những người lãnh đạo, ở miền Bắc VN, về chuyện phải thực thi Hiến Pháp 1946 ra sao – để cho xã hội đỡ “xộc xệch” hơn mộ t chút (Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ như thế nào?).

Nguyễn Hữu Đang (và vô số công dân ưu tú khác) đã không lần lượt phải đội mũ gián điệp, nếu cứ giữ im lặng trước cách quản lý đất nước (ngu xuẩn và ác độc) của Đảng CSVN.

Gần đây, ngày 2 tháng 9 năm 2002, hai công dân Việt Nam khác – Trần Khuê và Phạm Quế Dương – đã làm đơn xin thành lập Hội Nhân Dân Ủng Hộ Đảng và Nhà Nước Chống Tham Nhũng. Chả bao lâu sau, trên tạp chí Thông Tin Công Tác Tư Tưởng Lý Luận số tháng 2 năm 2003 (trang 20 &23) bỗng có “thông báo” – thế này:

“Ngày 2/1/2003, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố Phạm Quế Dương và Trần Khuê về tội gián điệp theo điều 80 Bộ luật hình sự …”

“Để chủ động trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương thông báo về hành vi phạm tội của Phạm Quế Dương và Trần Khuê, đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng thông báo cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ về âm mưu, ý đồ của các đối tượng trên để nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động tấn công phản bác lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Bộ Công an đang khẩn trương điều tra để đưa Phạm Quế Dương và Trần Khuê ra xét xử công khai trước Pháp lật trong thời gian tới”.

Dù Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương đã gợi ý rõ ràng như thế, hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương vẫn không bị kết tội gián điệp. Họ chỉ bị gán một cái tội vớ vẩn gì đó, và lãnh một bản án nhẹ hều: 19 tháng tù.

Cái mũ gián điệp (đã có lúc) có thể trùm gọn, và xuyên suốt, hết cả cuộc đời của Nguyễn Hữu Đang (nay) rõ ràng đã chật. Dùng để chụp (đại) lên đầu hai ông Trần Khuê và Phạm Quề Dương – ngó bộ– không xong, và cũng không yên.

Sau mười lăm năm tù, Nguyễn Hữu Đang lủi thủi trở về làng quê ở Thái Bình. Ông sống nhờ vào … côn trùng và cóc nhái. Ước vọng cuối cùng của ông, theo lời kể của Phùng Quán, là được nằm trong: “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (Ba Phút Sự Thật – Ngày Cuối Năm Tìm Thăm Người Dựng Lễ Đài Tuyên Ngôn Độc Lập).

Những kẻ đã chụp cái mũ gián điệp lên đầu Nguyễn Hữu Đang hẳn là sung sướng khi nghe được những lời trăn trối thê thảm như thế. Những kẻ định chụp mũ gián điệp lên đầu Trần Khuê và Phạm Quề Duơng, tiếc thay, không có được sự may mắn và hả hê tương tự.

Ngày 12 tháng 6 năm 2005, hai ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê đã đưa đơn kiện Đảng Cộng Sản Việt Nam vể tội xuyên tạc và mạ lỵ.

Theo qui định thì đơn kiện của hai ông phải được phúc đáp trong ba muơi ngày. Đã hơn một năm lặng lẽ trôi qua, ông Trưởng Ban Tư Tưởng và Văn Hóa Trung Ương Nguyễn Khoa Điềm đã cuốn gói … về vườn (cho nó đỡ lôi thôi) còn Đảng và Nhà Nuớc thì nhất định làm … thinh, dù hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương rất nặng lời và lớn tiếng:

“Tại sao trong khi ‘các cơ quan chức năng của bộ công an đang khẩn trương điều tra’ mà Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã vội vã đưa ra lời buộc tội và kết án, trước cả Viện Kiểm sát và Tòa án. Thử hỏi Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương có quyền buộc tội và kết án các công dân không? Và họ đã dựa trên cơ sở pháp lý nào để tùy tiện thay thế Viện Kiểm sát và Tòa án?” (Phạm Quế Dương và Trần Khuê kiện ban tư tưởng văn hóa trung ương đảng cộng sản).

“Còn Tòa án thì cụ thể đã có kết luận như thế nào? Cả hai phiên tòa: phiên xử ông Trần Khuê tại TP Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 7 năm 2004 và phiên xử ông Phạm Quế Dương tại Hà Nội ngày 14 tháng 7 năm 2004 đều không nói tới tội danh gián điệp mà chỉ nêu tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.’

“Rồi cả Tòa án Hà Nội cũng như Tòa án TP Hồ Chí Minh hầu như đều nhận thấy kết án như thế là gượng ép, không đúng thực tế nên đều tổ chức xử kín chứ không dám đàng hoàng ‘xét xử công khai’ như lời kết luận của bản Thông báo cũng như lời viết trong giấy triệu tập...”

“Thật đau lòng khi thấy trên một đất nước văn hiến như nước Việt Nam ta lại bỗng nhiên nhan nhản những gián điệp… Nhân dân thì kinh ngạc, thế giới thì chê cười cái lối vu cáo bỉ ổi, hèn hạ và độc ác nhường đó…”









Chiếc mũ tai bèo ấm tình đồng chí
Nguồn: nchsinc.com


Chửi rủa xối xả cỡ đó mà Đảng và Nhà Nuớc vẫn nhẫn nại ngồi im kể cũng là chuyện lạ, và là một chuyện … đáng mừng, ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ là giới cầm quyền bắt đầu biết lỗi, và quan trọng hơn, biết ngượng.

Và ai mà mừng sớm như vậy (kể như) là mừng … hụt, ráng chịu! Theo tin của FNA (Free News Agency), đọc được trên Người Việt Online ngày 20 tháng 10 năm 2006, mới đây, hai công dân Việt Nam khác – tên Nguyễn Chính Kết và Đỗ Nam Hải – sau khi tuyên bố thành lập Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền VN, vẫn bị công an chụp mũ là … gián điệp (Hai nhân vật đấu tranh dân chủ ở Việt Nam có thể bị truy tố với một số tội danh từ “lợi dụng tự do dân chủ”, “gián điệp”).

Thôi (Đ.M.) bỏ đi Tám ơi! Mệt quá rồi. Hơn nửa thế kỷ qua, chả lẽ không có sáng kiến hay sản phẩm gì mới mẻ khác sao mà cứ phải dùng đến nón cối và mũ gián điệp hoài như vậy? Nó cũ và … chật ních rồi, đội không vừa đầu dân Việt nữa đâu – nhất là những thằng dân (cứng đầu) như Phương Nam và Nguyễn Chính Kết. Vừa bị hai ông Trần Khuê và Phạm Quế Dương mắng cho một trận (như tát nước vào mặt) mà đã quên ngay rồi sao, mấy cha?

Tưởng Năng Tiến

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn