BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73540)
(Xem: 62254)
(Xem: 39451)
(Xem: 31187)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Gặp gỡ cuối năm ta nhớ chuyện gần chuyện xa

08 Tháng Hai 20246:50 SA(Xem: 479)
Gặp gỡ cuối năm ta nhớ chuyện gần chuyện xa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Lần đầu tiên tôi gặp Phạm Thị Hoài, tác giả của “Thiên sứ”, “Mê lộ”, “Man nương”, “Marie Sến”, “Thực đơn Chủ Nhật” là vào tháng 2 năm 2004 khi chị đến Đại học U.C. Berkeley nói chuyện về văn học Việt Nam hậu đổi mới.

Nhà văn Phạm Thị Hoài, bìa trái, chị Nguyễn Nguyệt Cầm và giáo sư Peter Zinoman tại U.C. Berkeley tháng 2-2004 (Ảnh Bùi
Nhà văn Phạm Thị Hoài, bìa trái, chị Nguyễn Nguyệt Cầm và giáo sư Peter Zinoman tại U.C. Berkeley tháng 2/2004 (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Chủ Nhật tuần qua chị Hoài từ Berlin qua California chơi, chị Nguyễn Nguyệt Cầm, giảng viên Văn học Việt Nam tại Đại học Berkeley, có tổ chức giao lưu tại nhà nhưng giờ chót vì cảm cúm nên nên hủy và thu xếp cho tôi cuộc gặp ở San Jose.

Sau 20 năm trông chị Hoài vẫn trẻ như xưa, mà theo tiểu sử trên mạng, hai tháng nữa chị sẽ bước vào tuổi 64. Chị nói chế độ ăn uống là tác động chính trên thân thể con người, rồi mới đến thể dục thể thao.

Chiếc áo chị mặc có vẻ như áo dài hay áo thụng, cũng là kiểu áo như hôm chị đến Berkeley. Đặc biệt mái tóc ngắn không ai khác có, những đường cắt cao trên đỉnh trán, thật ngắn gọn hai bên tai và vẫn đen tuyền. Kiểu tóc mà hai chục năm trước một sinh viên đến nghe chị diễn thuyết đã nói “Cô ấy có mái tóc thật ấn tượng”, như tôi ghi lại trong bài viết trên tạp chí Văn số 86&87, tháng 2&3 năm 2004 phát hành ở California.

Bạn sinh viên ngày ấy đang học năm thứ tư khoa công nghệ thông tin, nay là giảng viên toán tại một đại học cộng đồng và là chồng của một nữ tiến sĩ Đại học Berkeley trước đây có bài đăng trên talawas, tranh luận nảy lửa về nữ quyền với chị.

Nhắc đến Phạm Thị Hoài, ngoài những tác phẩm văn chương, nhiều người biết đến chị hơn qua diễn đàn talawas.org từ 2001 đến 2008, rồi chuyển sang talawas blog cho đến tháng 11 năm 2010 thì chấm dứt. Chị nói khi đó trí thức và công an trong nước sáng thức dậy, bật máy lên, vào xem ngay talawas hôm nay có bài gì.

Năm 2004, sau buổi diễn thuyết tôi gặp lại chị tại nhà anh Phạm Ngọc Lân và chị Quản Mỹ Lan ở San Jose. Trò chuyện với nhau nhiều hơn về sinh hoạt văn học, báo chí trong nước và hải ngoại, tìm hiểu thêm về talawas do chị lập ra vài năm trước, tôi biết diễn đàn này không chỉ có văn chương mà bao gồm cả đời sống và chính trị theo mọi trường phái, khuynh hướng. Từ đó tôi đã đóng góp cho talawas hơn một trăm bài viết thuộc nhiều thể loại.

Tôi yêu thích talawas về nội dung và một điểm quan trọng nữa là chị trân quí tiếng Việt nên chữ nghĩa trong đó rất chuẩn mực. Nhớ khi nhận lời cộng tác, chị gửi cho tôi bản hướng dẫn cách viết chữ hoa, cách dùng các dấu chấm, dấu phẩy, ngoặc kép và một số tiêu chí sử dụng tiếng mẹ đẻ cho đúng, vì chị thấy tình trạng ngôn ngữ viết của người Việt ngày càng đi xuống.

Hai mươi năm sau, nhận xét về báo mạng, kể cả những trang mạng truyền thông tiếng Việt quốc tế, chị thấy vẫn còn nhiều lỗi biên tập sơ đẳng.

Gặp nhau tại quán cà phê Philz cạnh trường San Jose State University. Chị và luật sư Nguyễn Hữu Liêm chọn espresso, tôi thích cappuccino. Cà phê mang ra, cả ba chúng tôi đều thất vọng vì đã quen hương vị Starbucks.

Chờ “hai thằng cu” đang đi tìm chỗ đậu xe. Chị gọi chồng và con trai là “thằng cu lớn” và “thằng cu bé”, ngôn ngữ đặc trưng miền Bắc, dễ thương như văn chương của Phạm Thị Hoài có chút tục tằn trong đó.

“Hai thằng cu” đến, chúng tôi chuyển qua Starbucks gần bên để có cà phê Mỹ chính hiệu. Cậu con trai có bằng tiến sĩ toán từ Đại học Berkeley và đang dạy ở Stanford. Chị hỏi chúng tôi có thấy nét gì giống chị không? Khuôn mặt với mái tóc dài, không thấy có nét Việt. Nhìn kỹ, tôi nói gien Đức áp đảo quá, cậu cười, nói nếu cắt tóc đi thì có chút Việt.

Gặp chị, tôi có thắc mắc vì sao talawas nhiều lúc khó truy cập, ngay cả lúc này vào được trang mạng cũng rất chậm. Chị nói talawas có bị đánh phá, không biết từ đâu và phải tốn thời gian nhờ chuyên viên kỹ thuật sửa chữa và bảo trì.

Chị có ý định làm báo trở lại như talawas không? Tôi hỏi. Chị minh định là không và than thở người đọc không còn vì văn hóa đọc ở Việt Nam và cả hải ngoại giờ không có, độc giả còn lại toàn các cụ già. Chị nói chúng mình có lẽ là thế hệ sau cùng ở nước ngoài còn đọc và viết được tiếng Việt, chứ đến đời con, chúng chẳng quan tâm nhiều đến nguồn cội.

Bận rộn với công việc, cuộc chơi chữ nghĩa của chị không nhộn nhịp như trước, nhưng bài nào đăng trên tạp chí TRẺ ở Florida, rồi chị đưa lên Facebook, cũng sôi nổi, đanh thép và rất “phong cách Phạm Thị Hoài” như nhiều bạn đọc nhận xét.

Vài năm trước chị viết một bài, theo tôi là thật sâu sắc, về sự kiện ngày 30/4/1975 khi Việt Nam Cộng hòa đầu hàng mà đã có nhiều tranh cãi, giành công giữa hai sĩ quan Quân đội Nhân dân. Chị phân tích và chiếu rọi vào kiến thức, tâm lí của bộ đội cộng sản qua văn bản đầu hàng chỉ có 2 câu và 77 chữ do Chính ủy Bùi Văn Tùng viết cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc, ghi âm vào máy của một ký giả Đức và phát trên đài Sài Gòn chiều hôm đó.

Nhắc đến làn sóng người Việt tiếp tục bỏ nước ra đi, nghe chị kể chuyện thấy nhiều người Việt từ miền Bắc ra đi, dù có những cái chết như 39 nạn nhân trong thùng đông lạnh, nhưng rủi ro không phải là cao. Tìm đường vượt biên vào được Đức, Ba Lan hay Hà Lan, Anh Quốc, người Nghệ An, Hà Tĩnh đi trồng cỏ, phụ nữ Quảng Bình làm gái mại dâm mà theo chị không có gì đáng trách vì họ mưu sinh bằng thân xác trời cho. Hơn hẳn những quan chức, cán bộ tham nhũng bóc lột dân.

Ba chúng tôi râm ran chuyện Đông chuyện Tây. Những bài triết khó hiểu của anh Liêm, nhiều khi không lôgíc nhưng lại có kết luận đúng. Còn dễ hiểu là như bài viết “Hình ảnh người cộng sản cuối cùng” đăng trên BBC Tiếng Việt năm 2021 vào lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nắm giữ quyền lực thêm một nhiệm kỳ nữa. Một bài viết đã làm sôi máu nhiều người, vì làm gì còn có người cộng sản chân chính.

Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế vừa bị bắt. Vì tham ô, vì phe phái đánh nhau hay vì ông đã hơn một lần lên tiếng trước thế giới là Việt Nam cần có tự do báo chí? Chúng tôi cũng không quên những người chống Trung Quốc đã lần lượt vào tù, rồi được ra nước ngoài. Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Bắc Truyển đã được tự do bên trời Âu-Mỹ, nhưng vẫn còn Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng và hàng trăm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm khác.

Tiến sĩ Nguyễn Sơn Lộ năm ngoái bị kết án 5 năm tù qua một phiên tòa bỏ túi. Từng du học Đông Âu, ông có chủ trương khác với nhiều nhà đấu tranh là muốn “khai dân trí”, còn ông muốn “khai quan trí” nên các sách tài liệu của ông chỉ gửi cho một số ủy viên Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Ông không có Zalo, Facebook hay X. Ông là con nhà nòi, thân sinh là những nhà ngoại giao và thân phụ từng làm đại sứ ở châu Âu, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng nghe những đề nghị cải cách của ông.

Mới từ Việt Nam về lại Mỹ sau chuyến đi từ Bắc vào Nam nói chuyện triết học và ra mắt sách, anh Liêm có nhận xét là nhiều người Việt trong nước kể cả giới trí thức, văn nghệ mê Trump lắm. Chị Hoài hỏi thẳng anh có ủng hộ Trump hay không? “Definitely not,” – hoàn toàn không, anh Liêm trả lời.

Một bạn của tôi từ Đại học Berkeley, về Việt Nam làm việc đã hơn hai chục năm nói rằng anh không hiểu vì sao mà trong nước, từ ủy viên Bộ Chính trị cho tới bà bán rau ngoài chợ đều ủng hộ Trump. Chị Hoài lí giải, đối với người Việt trong nước nhắc đến đảng Dân chủ Mỹ họ cho là nghiêng về cộng sản, còn theo chị Hoa Kỳ đang có khuynh hướng chính trị gần hơn với các nước Tây Âu. Người Việt mình, với kinh nghiệm quá khứ, cái gì gần với cộng sản là họ sợ nên nhiều người ủng hộ Trump. Chị nhận xét: “Người Việt sợ cộng sản, nhưng còn sợ Trung Quốc hơn.”

Biden-Trump có thể lại cùng lên võ đài chính trị Hoa Kỳ, mà khi tôi bày tỏ hy vọng có một cặp võ sĩ khác, như Nikki Haley đấu với Gavin Newsom, chị Hoài chê thống đốc tuổi trẻ tài cao, đẹp trai của California. Chị có vẻ tin chắc Trump sẽ được đảng Cộng hòa đề cử, nhưng tôi nghĩ khác vì vẫn còn sớm để biết Trump có là ứng viên của đảng này hay không. Như năm 2016 bên đảng Dân chủ có Bernie Sanders nổi lên trong các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, đến tháng 6 thì Hillary Clinton vượt qua và được đảng Dân chủ đưa ra đấu với Donald Trump.

Chị quan ngại nếu kết quả bầu cử tháng 11 tới đây mà Trump thua sát thì sẽ có nội chiến. Sống ở đây gần nửa thế kỷ, tôi không nghĩ nước Mỹ sẽ có nội chiến và tin vào luật pháp Hoa Kỳ. Nếu Trump được đảng Cộng hòa tiến cử và thua thì sẽ không xảy ra bạo loạn một lần nữa, như vụ tấn công vào trụ sở Quốc hội ngày 6/1/2021.

Chuyện bầu cử, người Mỹ gốc Việt cũng có bên này bên kia như bao công dân khác. Bạn nào dựa theo theo triết lí chính trị của đảng thì khó thay đổi quan điểm. Có bạn nhìn vào sinh hoạt đời sống, an ninh xã hội hay vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới và sẽ quyết định chọn ai trong ngày bầu cử. Chọn đảng ở Mỹ dễ như trở bàn tay, lá phiếu trong ngày bầu cử mới thực sự quan trọng.

Chủ Nhật tuần trước có buổi văn nghệ, gặp gỡ nhạc sĩ Diệu Hương tại nhà bạn ở San Jose. Tối đó tôi gặp lại hơn chục bạn học cũ từ Đại học U.C. Berkeley, có người theo Dân chủ, người ủng hộ Cộng hòa nhưng vui vẻ trò chuyện, cười nói tếu táo bên nhau. Nhắc lại chuyện xưa với những tết sinh viên thật vui với Táo quân, hát hò, những buổi picnic, văn nghệ. Hơn 40 năm sau, bây giờ là những kỹ sư, luật sư, tiến sĩ khoa học, chuyên gia tài chánh, doanh nhân bước vào tuổi hưu hay cũng gần đến.

Chúng tôi có diễn đàn riêng, nhiều khi cũng tranh cãi sôi nổi về chính trị nước Mỹ. Bạn đọc có thể ngạc nhiên khi biết dân học Berkeley mà theo Cộng hòa. Không ngạc nhiên gì đâu, vì từ thời sinh viên và cho đến nay ngoài Sproul Plaza trong sân trường vẫn có bàn sinh hoạt của sinh viên theo Đảng Cộng hòa bên cạnh sinh viên Dân chủ, cũng như bàn của sinh viên Israel bên cạnh sinh viên Iran, sinh viên Palestine. Đó mới là nước Mỹ. Vùng Vịnh San Francisco nổi tiếng là phóng khoáng nhất – most liberal – trong các cuộc bầu cử vẫn có ứng viên Dân chủ và Cộng hòa tranh đua.

Gần 50 năm trước chúng tôi gặp nhau trong lúc chân ướt chân ráo đến Mỹ, bơ vơ lạc lõng nơi sân trường, rồi tụ họp thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại U.C. Berkeley, được khai sinh 45 năm trước vào ngày 20/1/1979. Hôm nay có vợ chồng anh Dư Minh Trọng là chủ tịch đầu tiên vào năm 1979 và vợ chồng anh Nguyễn Khánh là chủ tịch trong những năm kế tiếp. Ngày đó chúng tôi lo học nhưng không quên thuyền nhân vượt biển. Hôm nay nhớ đến những tù nhân lương tâm, mong sớm thấy bình minh trên quê hương Việt Nam.

San Jose là thung lũng điện tử nên có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học Berkeley chọn làm nơi an cư lạc nghiệp. Bước vào đời mấy chục năm trước, mua nhà mượn tiền trả góp trong 30 năm nay đã hết nợ. Nhà dưới phố trên một triệu, trên đồi vài triệu đôla. Có bạn còn làm chủ cả máy bay trực thăng. Không còn nợ, với gia sản là căn nhà thì đúng là triệu phú.

Bạn hữu đến nghe nhạc, góp tiếng hát, trên 50 người, có thành viên trong ca đoàn nhà thờ, trong nhóm “Du ca Bắc California” hay nhóm “Hát cho giấc mơ Việt Nam”. Diệu Hương cất tiếng “Vì đó là em”, ca khúc dấu ấn của chị đã được Quang Dũng đưa lên đỉnh điểm từ hơn hai thập niên trước. Chị hát nhiều, nhưng ấn tượng với tôi và bà xã là các ca khúc “Mình ơi” và “Hãy nói với tôi một lời”.

Chị Diệu Hương cho biết qua tết, cuối tháng Ba sẽ có sô nhạc Diệu Hương và Ngô Thụy Miên ở San Jose.

Bùi Văn Phú
Nguồn : Đàn Chim Việt

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn