BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73542)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Qua rồi một góc đời ta

09 Tháng Giêng 20247:34 SA(Xem: 403)
Qua rồi một góc đời ta
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Những ngày đầu năm, qua Giáng Sinh, qua Tết dương lịch là bắt đầu đếm những thời khắc chầm chậm cho đến Tết ta. Đêm về sáng, trong cái yên tĩnh lạ thường của vùng ngoại ô. Tôi ngồi bật dậy như chạm phải một dòng điện chạy dọc sống lưng, trong cái đợi ngủ không thể đến, tự nhiên những khuôn mặt cũ hiện lên trong trí nhớ mù mờ của mình.

Một sự tiếc nuối thời son trẻ chăng? Không phải. Một giật mình khi chạm cái ngưởng của sống và chết chăng? Cũng không phải. Đúng lý nó phải có một nguyên nhân, một tiền tố để cái đầu lắc lư vài lần xem trong khối óc có nhiều cặn bã là cái gì khiến mình không ngủ và phải nhớ đến vậy. Hóa ra nó chỉ là cái ý thức mơ hồ về những người quen có, tình thân có, sắp hàng theo tuần tự thời gian chạy qua rồi mất hút.

Tôi mở máy, lục trong tàng kinh các của mình, những hình ảnh còn lưu giữ, chợt ứa nước mắt. Những thứ còn giữ kia chỉ là tàn tro của những đời người đã cùng tôi bất hạnh đi chung một khoảng thời gian lâu… Khá lâu.
.
Tôi thấy bức ảnh nhỏ xíu chụp bằng điện thoại của ai đó đã gởi cho tôi, bức hình khi tôi và A20 Quân Cảnh Nguyễn Văn Y đang chào tay vĩnh biệt A20 Phạm Văn Hải.

Tự nhiên những gì lưu giữ về Phạm Văn Hải ( Hải Cà) sống dậy, nó lừng lửng mọc lên trong đầu.

Ngày đó lâu lắm thì phải, mấy mươi năm chứ ít gì, tôi và Hải Cà ở chung một đội tại cái trại tù Trại Trừng Giới khốn kiếp ở tuốt xứ Tuy Hòa, với cái ám danh mà sau này nó luôn dính liền với anh em bè bạn của tôi, “Trại A20”. Ngoài cái tên tù đó nó còn một danh gọi khác “Thung Lũng Tử Thần”, nghe xong là muốn lùng bùng lỗ tai.

Nguyễn Văn Hải từ trại Z30C lên trại này thì phải, nhập vào đội của tôi, một đội toàn mang án tập trung cải tạo trộn lẫn chính trị phạm cùng sĩ quan trình diện với nhau. Đầu tiên chúng tôi thuộc đội 8, phân trại E, trại A20, với hòm thư bưu điện 1870 Đồng Xuân, Phú Khánh.

Phạm Văn Hải-2011
Phạm Văn Hải-2011

Hải Cà lớn tuổi hơn tôi nhiều, ngày anh vào lính chắc tôi còn đi học là khác. Anh sinh hoạt chung với đại úy Nguyễn Hạnh, cả hai đều là dân số của “tổ già, yếu”, các công việc của một kẻ bị đày cũng được giảm một phần nặng nhọc, vả lại anh cũng thuộc nhân vật cần phải lưu ý dưới góc nhìn của thằng an ninh trại, lý đo đơn giản là anh cùng Nguyễn Hạnh trốn khỏi trại và bị bắt lại trên đường về Sài Gòn.


Vóc người nhỏ con, đẹp trai và có một cái tật như nickname của anh, cà lăm. Nhưng đặc biệt anh hát rất hay, đánh đàn giỏi và không bao giờ cà khi hát. Những anh trong quân đội cùng đơn vị với anh như lão Trần Mạnh Tôn từng kể lúc hai ông ở Sư Đoàn III. Khi đụng trận Phạm Văn Hải không cà chút nào, và là một trong những đại đội trưởng đánh giặc hăng nhất. Ở chiến trường khi có tiếng súng nổ là Hải vừa máy nội bộ vừa máy liên lạc với bộ chỉ huy sư đoàn, Hải lệnh lạc như bắp rang không vấp một chữ.

Tôi ở chung với anh gần 5 năm trong cái thung lũng đó. Rồi bẳng đi một dạo có đến 20 năm. Anh định cư ở Mỹ, chúng tôi mất liên lạc với nhau. Ngày A20 Đoàn Bá Phụ qua đời. Các cựu binh của Trại Trừng Giới đến viếng tang, tôi thấy anh xuất hiện.

Bùi Đạt Trung chuyển cho tôi số máy của anh trong một thư dài ghi những tuổi tên tham dự tang lễ của Đoàn Bá Phụ, cựu đại đội trưởng 73 Nhảy Dù, tôi thấy anh đứng kề bên Đại Úy Mai Đức Phi, người sau này thay anh Phụ cầm đại đội khi anh ấy bị thương.

. Mấy mươi năm anh chẳng thay đổi gì lắm, vẫn khuôn mặt đó, vẫn nét điển trai nhưng có một chút điềm đạm hơn xưa. Một chiều tôi gọi cho anh, nghe tôi xưng danh anh bắt đầu cà, hình như trong anh em, tôi biết rất rõ cái cà của Phạm Văn Hải. Khi anh xúc động thì khoảng cách cà của anh kéo dài thêm. Hai anh em nhắc chuyện xưa dăm câu, thăm hỏi, tôi nhắc đến Đại Úy Nguyễn Hạnh, người từng chung mâm, từng trốn trại với anh, anh chỉ nói một câu:

– Anh sẽ thư cho Khiết và nói cái này, nó dài như xe lửa không thể qua điện thoại được đâu.

Đùng một cái, năm sau tôi lại nghe tin anh bệnh nặng và chuẩn bị về Việt Nam, quyết chết trên mảnh đất anh từng một thời chiến đấu, rồi tù đày. Cú “trở lại quê nhà để nằm xuống” của anh làm anh em phải một phen ngồi lại tính kế. Sau cùng các anh mua vé một chiều cho anh khi nhiều bác sỹ nổi tiếng của Mỹ chào thua bệnh ung thư tuyến tụy của anh.

A20 Mạc Đìa gọi phone cho tôi vào sáng chủ nhật, lúc tôi còn nằm nướng trên giường:

– UK, anh đang ở Đường Sách kế bên Bưu Điện, mi chạy ra ngay, đi với anh tới chỗ này.

Mạc Đìa & Út Khiết
Mạc Đìa & Út Khiết

Tôi biết Mạc Đìa thường lang thang về Việt Nam khi anh rảnh tới mức không biết làm chuyện chi cho hết phần đời còn lại của anh. Mạc Đìa từng cùng tôi sống ở Thung Lũng chết chóc ngày xưa, lúc đó tôi ở một đội đi lao động bên ngoài trại, còn anh là y tá trại coi cái vườn thuốc nam chung với bác sỹ Lịch.

Hai anh em gặp nhau, anh bảo tôi chở anh đi thăm Phạm Văn Hải.

Cái chung cư anh Hải về tạm ngụ trước khi về đất nằm ở vùng Bình Thạnh, trên một con đường ngoằn ngoèo đến nỗi tôi chỉ lái xe theo sự hướng dẫn của anh Mạc Đìa mà chẳng thèm để ý tới những cua quẹo hết trái tới phải.

Hải Cà ốm tong teo đến độ tôi nhìn không ra, con người điển trai của thuở nào nằm dán sát trên mặt nệm, anh xanh xao chỉ còn xương da, ánh mắt vẫn tinh anh như xưa.

– Ối trời Khiết ! Mạc Đìa làm sao ông liên lạc được với nó vậy?

– Anh em tụi tôi gặp nhau hoài mà, tôi không báo trước cho ông, là để xem ông nhận ra nó không thôi mà.

– Nó từng gọi cho tôi khi tôi chưa bệnh và đang lang thang ở Mỹ.

– Vậy sao?

Phạm Văn Hải (trên giường bệnh)
Phạm Văn Hải (trên giường bệnh)

Cầm tay anh tôi không khỏi xúc động, con người này từng một thời chia với tôi những đắng cay nhiều năm trong trại giặc, bây giờ ra thế này, một trong những cựu binh từng một thời kiêu hãnh bây giờ là thế, với những giây phút cuối đời cô đơn tột cùng, quay lại để được chết trên chính quê hương của mình.


Chia tay ra về, tôi lu bu với những công việc lặt vặt không ra chi của mình. Cho đến một ngày, Bùi Đạt Trung gọi cho tôi:

– UK anh Hải Cà vừa mất, mi chạy sang thay mặt anh em Trại Trừng Giới đến với anh ấy.

Vậy đó, cái hình tôi chào tay vĩnh biệt Phạm Văn Hải còn đó, cả bức ảnh tôi đẩy quan tài Hải Cà vào lò thiêu còn kia… Anh đi rồi !

Vĩnh biệt A20 Phạm Văn Hải
Vĩnh biệt A20 Phạm Văn Hải

Đám tang của anh chỉ dăm người trong gia đình, bạn bè thì hầu hết ở xứ người, chỉ có tôi và Quân Cảnh Nguyễn Văn Y đến đưa tang. Dù anh Nguyễn Văn Y vào Trại Trừng Giới sau chúng tôi nhiều năm, khi tôi, Hải cà và những anh em sĩ quan trình diện đã rời khỏi trại này vào cuối năm 1987. Nhưng nó là cái đặc thù của tình nghĩa của những con người có cái tên sau con chữ A20. Những ai từng qua trại này trước hay sau đều là cựu binh A20, là tù nhân ở trại Xuân Phước, những người từng bước qua Thung Lũng Tử Thần.

Hỏa táng A20 Phạm Văn Hải
Hỏa táng A20 Phạm Văn Hải

Tháng 11-2013 Luật sư Trần Danh San, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam ra đi. Một giờ sau khi nghe tin anh qua đời, tôi viết cho anh bài thơ vĩnh biệt, Cái tướng lưng gù gù, thấp người lúc nào cũng tỏa hào quang, chịu đựng và dấu trong lòng một nỗi đau của anh vẫn như một thứ hình ảnh rất quen với tôi, tại cái trại A20 đó, tôi không cùng đội với anh, nhưng sáu năm dài ở chung một nhà, nằm cách nhau vài người trong dãy nhà tù chật chội đầy ấp những căm hận. Trừ những lúc anh bị tống vào biệt giam, khoảng thời gian còn lại, anh là một trong những bậc trưởng bối tôi hay lân la tìm đến học hỏi.

Gởi người cố cựu
….
người đi ! ừ cứ đi như thể
đã cạn một vò rượu tiễn đưa
từ phương Nam theo gió theo mưa
lời vĩnh biệt gởi người cố cựu

A20 nguyễn thanh khiết
22g 12-11-2013
để vĩnh biệt A20 Trần Danh San
(Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam)

Cơ duyên tôi đến gần anh San cũng chẳng có gì tình cờ, đàn anh của tôi Vũ Hùng Cương cũng là dân trường Luật, còn có các ông Ngô Khắc Tỉnh, và Ngô Khắc Tịnh, hai ông này là bậc lão bối thì khỏi phải bàn, những bản mặt có dính dán tới trường luật ở trại này không nhiều lắm, chung đội thì chẳng có ai, ngoài luật sư Nguyễn Hữu Giao bị bắt chung vụ của anh San, anh San chắc cũng thấy điều đó. Ban đầu tôi hay lân la với anh Nguyễn Chí Thiệp, cựu phó tỉnh Quảng Nam, anh San chắc lưu ý tôi từ đó, sau này anh với tư cách trưởng bối trường Luật, anh dạy tôi nhiều thứ, Thời đó tôi gần như thuộc nằm lòng bản tuyên ngôn của những người cùng khổ mà anh đọc qua loa phóng thanh tại nhà thờ Đức Bà khi anh bị bắt, từ những tình cảm len lén trong bối cảnh tù đày không thể lộ ra ngoài đó, anh em chúng tôi để lại trong lòng nhau một thứ gì đó rất lớn mà không thể nói ra.

A20 Luật sư Trần Danh San trong tang lễ A20 Đoàn Bá Phụ
A20 Luật sư Trần Danh San trong tang lễ A20 Đoàn Bá Phụ

Tôi và anh ra về trong đợt thả cuối của thời gian xóa án Tập Trung Cải Tạo. Anh, tôi, Vũ Hùng Cương và một số đông nữa cùng mang án tập trung nên đương nhiên chấm dứt hình phạt khi “bản án tập trung cải tạo bị khai tử”, sau những mặc cả của nhà cầm quyền và phía Mỹ nó là cái cớ hợp pháp để đưa sĩ quan trình diện ra khỏi trại đồng loạt và chính danh hết hạn tù và được đi định cư theo diện H.O.


Cũng như tôi hay bất cứ anh em nào thuộc diện chính trị (không đi trình diện học tập như các sĩ quan) đều không thuộc là những người được đi định cư. Tôi không biết anh vượt biên lúc nào, cho đến khi, nghe tin luật sư Nguyễn Hữu Giao, người từng nằm kề bên anh San suốt thời gian trong trại, qua đời tại Pháp, tôi cố liên lạc với anh qua vài anh em quen biết mà không được. Những giây phút cuối đời anh, tôi nhận một bức ảnh Vũ Hùng Cương và Vũ Ánh đến thăm anh tại bệnh viện. Vài hôm sau nghe tin anh mất.

Trong trại tù này, tôi trẻ nhất nhưng may có những người đi trước dẫn dắt mình suốt thời gian 10 năm dài. Dĩ nhiên ngoài cái ơn diều dắt đó tôi còn một thứ tình đồng tù, hơn thế nữa chuyện gần gũi nhau trong điều kiện nghiệt ngã ở một trại tù quả không đơn giản, phải có tâm, phải có tình thì mới gần nhau được, dưới một chế độ sinh hoạt luôn bị dòm ngó, dưới con mắt cú vọ của anten từ bốn phía.

Luôn phải cảnh giác thì chuyện đôi lời tâm sự với nhau không phải là dễ dàng.

*****

Ngày 15-03-2014 A20 Vũ Văn Ánh tức Nhà báo Vũ Ánh qua đời đột ngột, chóng vánh làm anh em bất ngờ. Mới tháng trước anh còn thư cho tôi, dặn dò nhiều chuyện. Tôi nhận tin anh mất trên báo Người Việt tờ báo anh đang làm chủ bút.

Viết bài thơ “Vĩnh Biệt Vũ Ánh” tôi gởi cho Đinh Quang Anh Thái, định sẽ nhờ anh ấy đốt trước bài vị anh Vũ Ánh, như nén nhang từ xa xôi. Đinh Quang Anh Thái xin phép tôi sử dụng bài thơ, sáng hôm sau Đỗ Dũng (em của A20 Đỗ văn Minh, “Minh Cà Chua”) đọc bài thơ trên sóng phát thanh Người Việt, chuyện này làm tôi cũng ít nhiều phải đương đầu với những rắc rối trong tình thế một tù nhân dù đã ra khỏi trại giam nhiều chục năm, và còn liên lạc với “Ngụy quân, ngụy quyền cũ”.

Anh Vũ Ánh qua đời, với các cựu tù A20 là một mất mát lớn, trong tình cảm cá nhân tôi bị mất nhiều hơn. Những tháng năm trong trại giam Vũ Ánh dạy tôi rất nhiều, anh là một trong những đàn anh gần gũi nhất trong tập hợp những người tương đối trẻ mà tôi học được từ họ suốt những tháng năm đi đày của mình, vả lại Vũ Ánh là một trong những khuôn mặt đầu tiên, tôi tìm gặp lại qua thư từ, qua điện thoại sau 20 mươi năm từ ngày rời trại giam Xuân Phước.

Anh là một trong những cựu A20 đã góp mặt trong việc tạo dựng một trang web để các anh em đồng tù ngày trước có chỗ liên lạc nhau, bên cạnh đó là những khuyến khích của các anh lớn hơn như: anh Tây Nhà Đèn Nguyễn Trọng Nghị, anh Vũ Trọng Khải ở Úc, những người ít nhiều đã lưu lại trong lòng anh em tù cũ những tình cảm đặc biệt qua những lần đấu tranh chính trong nhà giam. Hơn thế nữa, Vũ Ánh là cây đinh của Trại Trừng Giới, thủ lĩnh tờ báo Hợp Đoàn từng lưu hành trong cái trại giam nổi tiếng khắc nghiệt nhất nhì của Việt Nam sau 1975.

Làm báo thì ai làm cũng được, nhưng báo kiểu gì? Kiểu bồi bút, kiểu lá cải thì có gì phải nói. Thứ báo đấu tranh, nổi dậy, ngay trong nhà tù mới là một chuyện gần như không ai ngờ tới, được mấy người dám làm khi mạng sống của họ như chỉ mành treo chuông, khi cuộc đời họ chỉ là những tử tù không có án tiết. Cái án chế độ treo trên cổ sẽ kéo dài tới bao lâu?

Tờ báo chui này có một hồ sơ dày cộm, vào năm 1985 – 1986. Những khuôn mặt bị tình nghi dính dáng tới tờ báo dù được thả về, đã bị hốt lại và tập trung tại trại T20 khi bộ Nội Vụ quyết lật lại hồ sơ. Và anh Vũ Ánh đã đứng ra nhận hết trách nhiệm. “Chỉ mình anh ta thực hiện”. Dĩ nhiên công an làm sao tin được, khai thì khai cho có lệ chứ thật sự chúng cũng biết ai là tác giả những bài huấn thị có trong tờ báo, những bài chính trị nặng ký của anh Trần Danh San, của anh Nguyễn Chí Thiệp, của anh Vũ Ánh và một lô máu mặt của Trại Trừng Giới. Chúng cũng quá biết những người nắm chốt chuyền tay tờ báo cho nhau, từ Hải Bầu, Trần Bửu Ngọc, đến Bùi Đạt Trung, Hải Cà, Phạm Đức Nhì….

Những ngày tháng gặp lại nhau sau khi tan hàng tại trại A20 năm 1987, tôi vẫn liên lạc với anh Vũ Ánh. Khi anh nằm xuống tôi lại nghe thêm chuyện đau lòng nữa. Anh chúc thư cho chị Yến Tuyết người 40 năm trước cùng anh nắm tay nhau rời đài phát thanh cuối cùng khi Sài Gòn thất thủ, sau này là vợ anh. Dù lúc đó với tư cách trưởng phòng tin tức nước ngoài của đài phát thanh Sài Gòn, anh có triệu cách ra đi an toàn.

Xuất bản quyển Thung Lũng Tử Thần, tác phẩm cuối cùng anh viết, làm phương tiện giúp cho những cựu tù A20 còn trong nước đang gặp khó khăn.

Suốt những năm tháng sau 1975, có bao nhiêu trại tù, có bao nhiêu người đi tù. Trong đó mấy ai có tinh thần đó, nhân cách đó.

Không thể dùng con chữ nào hơn cho tình nghĩa đó, điều mà tôi tiếc chính là trong bài thơ vĩnh biệt anh tôi chưa kịp nghe sự việc này, nếu không sẽ không có con chữ nào đủ để vĩnh biệt anh cho xứng với nghĩa khí của người đã nằm xuống.

Thung Lũng Tử Thần- Vũ Ánh
Thung Lũng Tử Thần - Vũ Ánh

Nhưng mà nói sao thì anh cũng đi rồi, đã trở về Đồi Vĩnh Biệt rồi. Chỉ còn lại cái cúi đầu của những người quen biết anh và … đang sống.

Sau này, khi anh mất, tôi còn lại Vũ Hùng Cương. Cứ hàng năm vào ngày mất của anh Ánh, qua anh Cương, trước bàn thờ của anh Ánh, anh Cương cùng tôi thắp nén nhang online.

*****

Năm 2017, Trại Trừng Giới có 2 cái tang, Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và Nguyễn Quang Trình.

Tôi không thân thiện lắm với nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, xét về tình cảm tôi mến anh Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn hơn anh Nghiêm, dù trong quân đội hai ông đều là Trung Tá và đều là những người có sinh hoạt văn học nghệ thuật và tiếng tăm khá lừng lẫy. Có lẽ tính anh Tuấn dễ gần gũi hơn. Nghe tin anh Nghiêm qua đời tôi cũng có đôi câu gởi người về đất.

Khi còn liên lạc nhau, lúc anh ấy chưa ngả bệnh, tôi cũng thư từ qua loa, vốn dĩ tôi ít nhiều không hài lòng khi nhớ xưa kia anh từng có một bài nhạc viết trong trại tù A20, ca từ làm nhiều anh em không vui. Dù cố giải thích cho tình huống một cá nhân trong điều kiện tù đày đi nữa cũng gây ít nhiều phẫn nộ của anh em, nhất là những người trẻ. Bởi dù sao anh từng là nhạc sĩ nổi tiếng với tác phẩm gần như bất tử “Gọi Người Yêu Dấu”, cú viết lách đó chắc làm anh sau này có nhiều trăn trở.

Riêng cái ra đi của Nguyễn Quang Trình làm tôi buồn lâu lắm.

Trình lớn hơn tôi 1 tuổi, nhưng hắn là tay gắn bó từ suốt mấy năm ở trại tù, rồi gặp nhau nhiều lần khi quay về nhà tù lớn. Trình là dân Không Quân, Nguyễn Thanh Tùng nhỏ hơn tôi 1 tuổi, dân Văn Khoa và tôi, là ba thằng trẻ ở nhà 3 phân trại E, Trại Trừng Giới. Trình nằm ở đội 20, tôi và Tùng chung đội 8, rồi sau đó cùng chuyển sang đội 15. Ba thằng chúng tôi hay cà kê với nhau những khi nhàn rỗi, cả 3 thằng đều có những điểm nhìn khá gần gũi với nhau. Tiếc là khi rời trại cùng một ngày, tan hàng mãi 20 năm sau, chỉ có tôi và Trình liên lạc được nhau. Nguyễn Thanh Tùng biến mất, chẳng biết nó có vượt biên như Trình được hay không.

Những lần Trình về Việt Nam người hắn tìm đầu tiên là tôi, có lần tôi hỏi hắn:

– Sao mày về hoài vậy, mày giàu lắm hả?

– Trời! Mày tưởng tao nhiều tiền sao? Vé máy bay hầu hết là Linh mục Nguyễn Quang Hồng mua cho tao đó chứ.

– Thầy Hồng, hóa ra bây giờ lên chức rồi hả? Nhớ xưa chung đội, tao vẫn gọi ông ấy là thầy Hồng, và bây giờ cũng thế. Hôm trước thư cho ông ấy tao còn gọi anh Hồng nữa chứ.

Hình như đám trẻ tuổi của Trại Trừng Giới ngày xưa, dù mấy mươi năm có nhiều thay đổi, cái tình qua cách cư xử vẫn như ngày nào. chúng tôi không muốn nó phải đổi thay theo thời gian, cố giữ những gì đã qua như một thứ cần trân quí, kể cả khi xưng hô với nhau.

Nguyễn Quang Trình - Nguyen Thanh Khiet
Nguyễn Quang Trình (gặp nhau lần cuối)

Lần cuối tôi ngồi với Trình tại phòng của tôi, nó yếu hẳn đi, thay đổi thời tiết và kiệt lực lần này hắn trắng bệch ra. Nó vẫn cười cười


– Tao không biết chịu được bao lâu nữa nhưng còn về, tao sẽ tới mày, nếu có cơ hội tao sẽ phổ mấy bài thơ mày viết mà tao thích, nhưng thiệt tình lúc này tao hay mệt quá.

– Mày cần phải nghỉ ngơi chứ, đi hoài như vầy, mỗi chuyến mất mấy ngày trên phi cơ sao chịu nỗi.

Nó cười, nụ cười méo mó nói không thành lời

Rồi bất thần tôi nghe báo, nó vội vàng bay về Úc và vào thẳng bệnh viện. Sức nó kiệt rồi, cho dù là một võ sư thượng đẳng cũng không né nỗi cái định mệnh tàn bạo, cái vòng sinh tử tai ương của tạo hóa. nhất là nó cũng từng bị đày ải nhiều năm, ra vào biệt giam mấy lượt, tuổi thọ bị rút ngắn bởi những trận đòn thù.

Ba ngày trước lúc nó mất, anh Vũ Trọng Khải gọi tôi từ Úc và online cho tôi nhìn nó đang nằm trên giường bệnh, tôi muốn nói với nó một câu gì đó, nhưng nó đã hôn mê mấy hôm rồi. Nhìn nó từ từ vào cõi chết lòng tôi se lại. Thấy anh Khải cầm bàn tay bất động của Trình, tôi đau lắm, Đó là cái chết của một người bạn tù duy nhất làm tôi khóc khi viết bài thơ vĩnh biệt nó. Anh Khải đã in bài thơ gắn trên tràng hoa tang thay tôi tiễn nó đi.

Tôi sống sờ sờ ra đó, tiễn đưa, đưa tiễn từng người anh em đã sống sót cùng mình nhiều năm tháng, từ trong nhà tù khắc nghiệt nhất của miền nam, rồi sau đó tìm gặp nhau chia sớt bao điều, nhắc nhớ bao chịu đựng và căm phẫn nhiều năm không thể phai trong cái tình từ trong địa ngục như vậy. Không đau sao được, không tiếc sao được?

Những ngày tháng cuối của năm, tôi cũng biết mình bước cái tuổi thất thập cổ lai hy, khi nằm xuống người còn sống cũng ghi trên bia mộ mình là hưởng thọ, nhưng tôi vẫn phần nào đó không hài lòng. Có thể đường tôi đi không tới, hay thời gian không đủ để lót bước chân tôi. Những gì từ tim óc mình viết xuống hình như chưa đủ. Nói như anh Nguyễn Chí Thiệp từng khuyên tôi:

“Còn viết được, em cứ viết dù không cho ai thì cho riêng mình cũng được”.

Có khi tôi nghĩ mình thôi đừng viết gì cả, những điều đó nói với ai đây? Những hình ảnh, những suy nghĩ đó có khi, người còn sống hôm nay, những người trẻ tuổi hơn tôi có thể không hiểu gì cả, thậm chí còn coi đó là một loại chữ nghĩa nhằm xưng tụng một thời đại bất hạnh đã qua, hay thậm tệ hơn, có thể bị xem là những câu cú tự đánh bóng cá nhân mình, hoặc ai đó đã được nhắc đến.

Điều này cũng đúng. Chỉ có người nào sống, từng sống trong bối cảnh đó, từng chiêm nghiệm nó mới cảm thông được.

Nhưng cũng tội cho lớp người như chúng tôi, những sự thật đó không ghi lại thì mai sau nó sẽ chìm trong mớ lịch sử rối tung, có thể, khi tất cả lớp người mà anh em thường bảo là loại chuyển tiếp của một giai đoạn thời cuộc, đã thực sự chết hết, Không ghi lại, không nói ra sẽ là một đắc tội với đám trẻ mai sau, lớp đàn em sẽ nguyền rủa rằng bậc đi trước không nói hết những gì mình từng qua, thậm chí còn hơn thế nữa là bị buộc tội là đám người dấu diếm sự thật hay sợ hãi trước lịch sử.

*****

Thích Tuệ Sỹ qua đời, dù không sống chung với ông trong cùng một nhà hay chung đội, bởi A20 Phạm Văn Thương là tên cúng cơm của Tuệ Sỹ. Ông vào trại Xuân Phước, khi tôi đã ra khỏi nơi đó, nghe đâu lần thứ 2 khi bị bắt Tuệ Sỹ bị đưa từ Xuân Lộc lên A20, được một thời gian thì bị đày ra Bắc. Nói cho cùng cũng là một cựu tù, ngoài cái tình của Trại Trừng Giới tôi còn kính ông qua chân dung của một tu sĩ chính nghĩa đức cao vọng trọng. Tôi cũng thường đọc thơ của ông, có lẽ ông là một tu sĩ làm thơ duy nhất tôi đọc. Cho nên khi Tuệ Sỹ nằm xuống tôi cũng ghi vài câu vĩnh biệt một cựu tù A20 trong cái nhìn ngưỡng mộ pha một chút tình cố cựu.

*****

Cuối tháng trước, Nguyễn Đình Toàn gác bút, tôi nhận tin từ một người bạn, tôi rất buồn, dù trước đó không lâu tôi từng thấy anh trên diễn đàn, hình ảnh anh gầy gò gần đất xa trời, đủ cho tôi có một chuẩn bị tâm lý. Nhưng với anh Toàn là người mà tôi xem là thân quen ngay từ những ngày đầu tiên tôi đi tù, chúng tôi chung một trại giam T20, thì quả không thể kìm giữ được cảm xúc mất mát của mình được. Anh đối với tôi như một người anh trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng của những năm 1977 lúc miền Nam đang trở mình, khi nhận ra cái thê thảm sau ngày hái được hai chữ “Thống Nhất”. Lúc mà những tinh hoa của miền Nam, các văn nghệ sĩ, thậm chí các tu sĩ lần lượt bị đưa vào trại giam, qua nhiều hình thức, bắt bớ, gài một cái tội vô duyên nào đó, hay bị gọi đích danh để đi tù, nhất là sau đợt quét sạch văn hóa đồi trụy. Chúng tôi chung một phòng giam, trong hoàn cảnh không thể tin bất cứ một ai, vậy mà anh em chúng tôi tìm tới nhau, gắn bó trong cái nhà tù chật hẹp, đói khát tại trung tâm thành phố, trại giam số 04 Phan Đăng Lưu. Anh đã hát cho tôi nghe những bài nhạc anh viết bằng tim óc, có lẽ tôi là một trong số những người đầu hiếm hoi nghe được khi nó mới được khai sinh. Hơn hai mươi năm sau, trở về từ trại tù tôi nghe lại nó, mỗi lần nghe dòng nhạc đó lại nhớ đến anh. Những chiều tối bên trong khung cửa nhà lao anh hát nhỏ cho tôi nghe “Tôi vẫn cố bám lấy đất nước tôi…”, “Tôi còn trẻ tôi không muốn bỏ ngang đời”….

Chúng tôi chia tay nhau tại trại Phan Đang Lưu từ 1978, tôi bị đày lên trại Z30D, lúc đó tôi không biết anh Toàn bị đày về đâu, Trại T20 chỉ là trại tạm giam, chờ hồ sơ kết thúc thì sẽ bị đày ra các trại lao động. Mãi hai mươi năm sau qua một người bạn, tôi có được email của anh, chúng tôi thăm hỏi nhau, và nhắc kỷ niệm những ngày đầu tiên của đời đi tù. Với ngần đó, tôi phải gõ xuống dăm lời vĩnh biệt anh. Nguyễn Đình Toàn người tù thân quen đầu tiên trong kiếp đi đày của tôi.

Thói thường loại ai điếu cho những người tiếng tăm lừng lẫy như vậy, đa phần chỉ là đu dây danh tiếng. Tôi bất cần, bởi tôi vẫn như lòng mình, sống và sống đúng nhịp đập con tim, sống đúng cái tên cha mẹ sinh ra và đã định danh để sống thực.

Những người quen biết của tôi lại không may là những nhân vật có ít nhiều người biết tới, có khi tôi viết về họ cũng bị ít nhiều dèm pha, tôi mặc kệ.

Những câu cú tôi viết xuống, có dăm bè bạn đọc qua than một câu “Viết thực quá sẽ sinh mích lòng”, một phê phán rất miền Nam, tôi chỉ trà lời với bè bạn một điều “Thà đừng viết, nếu viết thì phải thực”. Dĩ nhiên cũng ít nhiều đụng chạm, biết sao hơn, tên tôi là thế, tôi luôn sống và viết như vậy.

*****

Trước ngày anh Toàn ra đi những anh em cựu binh cũng thư báo cho tôi, nhiều rất nhiều cựu tù A20 nằm xuống, đa số là những anh từng chung một nhà một đội thời tôi đi tù và đa số họ đã qua con tuổi thất thập, và thậm chí còn sống dai lên tới hàng 90. Tình cảm con người quả thực trong nó có một thứ hạng buộc phải có, đành phải vậy, cái cảm xúc cũng theo từng cá nhân gắn bó với mình.

Những tuổi tên trong danh sách đã qua đời là những người cùng tôi có một khoảng thời gian tù đày chung một trại, thậm chí chung nhà, chung đội. Cái danh sách mỗi ngày càng dài thêm:

Lương Văn Ngọ, Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn, Huỳnh Văn Hồng là những sĩ quan mang hai mai có đế, rồi đến các anh trẻ hơn một chút chết vào con tuổi 80: Nguyễn Văn Học, Mai Đức Phi, Trần Đình Ngọc, Trương Vãng Liên, trẻ thêm chút nữa : Tôn Thất Lưu, Giang Văn Hai…Họ là những cựu binh chiến đấu cho đến khi tan hàng, họ là những người từng nhiều năm tháng mang phận tù đày từ nam chí bắc. Họ đi rồi, chết cả rồi …Tôi quả thật rất cô đơn trên trái đất này.

Nói cho cùng, có phải tôi sống còn để nhìn thấy, nghe biết và tiễn đưa những người cố cựu hay không? Bản thân tôi lúc nào cũng nghi rằng mình đang làm nhân chứng cho những cái chết… không nên chết.

nguyễn thanh khiết
03-01-2024

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn