BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73542)
(Xem: 62255)
(Xem: 39451)
(Xem: 31188)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Hoàng Mạnh Hùng về Duyên Anh

02 Tháng Tư 20231:20 CH(Xem: 236)
Phỏng vấn Hoàng Mạnh Hùng về Duyên Anh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hưng Việt: Thưa anh, trước nhất, xin được biết về tiểu sử của anh.

Hoàng Mạnh Hùng: Tiểu sử của tôi chẳng có gì khác là sinh ra nơi quê mùa đồng chua nước mặn nhưng may mắn được đi tỉnh học. Sau làm nghề dạy học, vì cho là nghề đó có ích lợi lâu dài.

HV: Tiếng đồn "ăng ten" đã có từ thời anh Duyên Anh trong tù Phan Đăng Lưu, Chí Hòa?

HMH: Hồi tù tại Phan Đăng Lưu và Chí Hòa, chưa hề thấy ai nói Duyên Anh làm ăng ten. Mãi khi ông đi "lao cải", một số bạn tù được tha về, đến thăm, nói nhiều chuyện động trời về ông, tôi vẫn không tin. Hỏi lại chính đương sự có tai nghe, mắt thấy không, thì đều được trả lời là không, cũng chỉ nghe nói đi nói lại.

HV: Theo "Nhà Tù", tại phòng 3C-1, anh đã làm quen và tâm sự với anh Duyên Anh:

- Trước ngày bị bắt, tôi định đi gặp ông.

- Làm gì?

- Mời ông xuất ngoại với chúng tôi.

- Để làm gì?

- Chiến đấu!

Thưa anh, điểm đặc biệt nào nơi con người Duyên Anh khiến anh chưa từng quen biết với anh ấy nhưng vẫn tin tưởng rằng Duyên Anh có khả năng chiến đấu? Và chiến đấu như thế nào? Tại sao Duyên Anh mà không là các nhà văn khác?

HMH: Vì làm nghề dạy học, tôi có đọc cuốn "Bò sữa gậm cỏ cháy" và một số tác phẩm, thấy ông là nhà văn dí dỏm của tuổi trẻ, có tư tưởng, có tâm hồn, có nhiệt huyết, có văn tài. Sau đó, đọc các bài báo của ông, thấy văn ông viết có "lửa" hơn các cây viết thành danh khác, rất thích hợp với công cuộc chiến đấu.

Việc chiến đấu quang phục Việt Nam, theo tôi, chỉ có thể do thế hệ lãnh đạo trẻ ở cả hai miền Nam Bắc lẫn hải ngoại. Vậy, phải khiến họ quan tâm, thay đổi cách suy nghĩ. Muốn thế, phải có cơ quan ngôn luận (đài phát thanh, tờ báo). Nghĩa là phải nói, phải viết sao cho hấp dẫn đối với họ. Mà, cũng theo tôi, ông Duyên Anh, nhà văn của tuổi trẻ, có cái khả năng viết đó. Sau này, tôi lại biết ông có cả khả năng nói năng hấp dẫn nữa. Với tên tuổi của ông, cảm tình tuổi trẻ dành cho ông, chỉ còn ông cần bớt tính cao ngạo quá đáng đi một chút.

duyenanh

HV: Cũng trong "Nhà Tù", Duyên Anh viết:

- Tại sao trước 1975 ông không tìm tôi?

- Tôi ngại.

- Ngại gì?

- Ông cao ngạo bỏ mẹ đi ấy, tìm ông sợ ông đồng hóa với bọn bẩn, ông chửi mất mặt. Nhiều người ghét ông cũng vì ông cao ngạo!

Quen và thân với Duyên Anh từ trong tù, xin được biết ý kiến riêng anh về tính cao ngạo của Duyên Anh. Cao ngạo với ai và cao ngạo như thế nào? Theo anh, trong tù, những hạng người nào ghét Duyên Anh nhất?

HMH: Qua các bài viết, ông coi thường mọi người có địa vị, bằng cấp, giầu có, tiếng tăm. Nên có thể nói ít người ưa ông, vì trước kia bị ông "đánh đấm" cũng có, vì khi cùng ở trong tù ông cũng vẫn tiếp tục chỉ trích chính họ đã làm mất miền Nam cũng có.

HV: Một đoạn khác trong "Nhà Tù":

- Người ta sẽ dùng ông như một kẻ châm lửa cho một phong trào.

- Ai là người ta?

- Tuổi trẻ có tâm hồn.

- Tôi rất mong được hầu hạ những người ấy. Những người ấy có quyền cưỡi lên lưng tôi...

Tại sao và do đâu mà anh tin rằng nhà văn Duyên Anh có khả năng châm lửa cho phong trào, có khả năng thu hút tuổi trẻ...?

HMH: Do những điều tôi nêu ra ở câu trả lời trên. Do tôi biết cảm tình của những độc giả trẻ đối với ông.

HV: Xin anh cho biết tại sao trong tù, anh Đằng Giao "không mày tao, không ông không tôi" với anh Duyên Anh mà chuyên gọi Duyên Anh là "ông thầy"?

HMH: Trong tù, tôi thấy ít người mày tao với nhau. Vì là người tứ xứ gộp lại, kể cả những người đồng vụ có lẽ cũng chỉ mới kết nạp nhau mà thôi. Thực ra Đằng Giao cũng có xưng hô ông/tôi với Duyên Anh. Lúc vui miệng thì kêu là "ông thày". Theo tôi, có vẻ trong giới viết lách họ có một cách xếp hạng riêng, là người nổi tiếng thì được làm đàn anh chăng

HV: Về nội các của Đinh Xuân Cầu, anh Duyên Anh đã tâm sự nhiều với anh khi ở trong tù. Xin anh kể lại những chi tiết nào có thể chia sẻ được về sự suy nghĩ, sự đánh giá của Duyên Anh với nội các ấy?

HMH: Theo ông tâm sự thì sự gia nhập của ông phần lớn là do lời hứa được mang gia đình ra ngoại quốc trong lúc ông bị ở thế bí. Ông hoàn toàn đồng ý với tôi là ông Đinh Xuân Cầu “ngây thơ” đến mức bị gạt, tính làm những chuyện buồn cười như... họp báo tại... Sài Gòn, ra Đệ Thất Hạm Đội... tấn phong nội các!

HV: Trong "Mùa Thu Cuối Lối", anh viết:

" Ông Duyên Anh vào tù rồi mà vẫn tiếp tục gây sự với đủ mọi hạng người: tướng tá, tổng bộ trưởng, dân biểu, cha cố, sư mô, khoa bảng, tư sản..., nghĩa là không ngần ngại gây ác cảm với bất cứ kẻ nào mà ông cho là có tội trong việc làm mất miền Nam."

Theo anh, tại sao anh Duyên Anh chuyên gây sự với những hạng người ấy? Nếu được, anh có thể cho biết về những nhân vật nào "được" anh Duyên Anh "hỏi tội" nhiều nhất?

HMH: Câu này đã trả lời ở trên. Nếu hài danh tánh ra thì biết giấy bút nào cho đủ!!!

HV: Anh có thể cho mọi người biết thêm về tình trạng thăm nuôi của gia đình anh Duyên Anh vào những năm tháng ấy?

HMH: Ông Duyên Anh được bà ấy thăm nuôi dồi dào chẳng kém bất cứ nhà tư bản Tàu, Việt nào và ông tương đối hào phóng với đám “con bà phước”.

HV: Một đoạn khác trong trong "Mùa Thu Cuối Lối":

"Thế cũng chưa đủ, một buổi trưa, cán bộ Vũ trực gác hành lang. Vốn ăn chịu nhiều, anh ta pha bình trà và mở khóa giả bộ gọi ông (Duyên Anh) ra "làm việc", rồi hai người ngồi ở đầu cầu thang uống nuớc nói chuyện. Trong phòng, mọi người ngủ trưa. Riêng Huy vẫn theo dõi. Hết phiên gác, cán bộ Vũ mở khóa, trả ông lại phòng.

Ông liền bô bô:

-Mẹ kiếp, cán bộ lái xe "gíp" cho ra ngoài ăn hủ tíu uống cà phê đá đã đời.

Mọi người đưa mắt cho nhau, biểu đồng tình.
Huy lườm ông ta:


- Vì lý do gì mà ông phét lác ghê vậy?

Trường hợp anh Duyên Anh được gọi ra ngoài ngồi nói chuyện với cán bộ xảy ra thường xuyên trong suốt thời gian anh ấy ở tù? Ngoài Duyên Anh, có ai khác được hưởng cái "đặc ân" ấy?

HMH: To nhỏ nhờ vả (theo tôi, bằng cách cho quà cáp, tiền bạc hậu hĩ đối với mấy người cán bộ trại giam nghèo túng) thì là chuyện đương nhiên. Còn lần gọi ra ngồi nói chuyện đó là duy nhất. Những người khác có được vậy hay không, tôi không rõ, vì giản dị là tôi không theo dõi vả cũng khó mà xét đoán, khẳng định với danh nghĩa “gọi ra làm việc” ai là ăng ten ai không, trừ một vài người nhân cách quá tệ mạt.

HV: Anh có thể kể cho mọi người biết thêm những kỷ niệm giữa anh với anh Duyên Anh. Giữa anh Duyên Anh với những bạn tù văn nghệ khác như Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Đằng Giao... Các bạn văn nghệ ấy đối xử với Duyên Anh như thế nào? Những ai thân với anh Duyên Anh nhất? Những người bạn của Duyên Anh trong tù có phản ứng thế nào khi nghe tiếng đồn Duyên Anh là "ăng ten"?

HMH: Giữa tôi và Duyên Anh thì chỉ có thể nói là hoàn toàn đồng ý về mục đích, phương thức đấu tranh. Còn các đồng nghiệp của ông ta, ít ra bề ngoài, đều tỏ ra thân tình, cũng vì giản dị là, đối với họ, ông khá hào phóng. Thân nhất, chắc là những người tự nhận là đàn em của ông, như Đằng Giao, Đoàn Kế Tường, Dương Đức Dũng.

HV: Ngoài các bạn văn nghệ, Duyên Anh có giao tiếp với ai khác? Những người ấy đối xử với Duyên Anh ra sao?

HMH: Bị nhốt chung trong phòng suốt ngày suốt đêm, thì làm sao chẳng có giao tiếp. Nhưng theo tôi thấy thì đám hình sự, đám chính trị trẻ, và mấy cụ lớn tuổi không nhiều tiếng tăm xưa kia (trước sau không bị ông... hỏi thăm sức khoẻ), thì quí ông ta, phần vì ông tỏ ra biết người biết của, phần ông cởi mở, ưa đùa giỡn.

HV: Các anh Đằng Giao, Đặng Hải Sơn, Dương Đức Dũng sau khi ra tù đã kể cho anh nghe những gì về anh Duyên Anh ở Xuyên Mộc?

HMH: Những người mà tôi biết chắc chắn có ở chung với ông tại Hàm Tân, Xuyên Mộc đều ở trong giới viết lách và thông tin. Tôi có hỏi họ về chuyện Duyên Anh làm ăng ten (để chắc dạ là mình không nhận định lầm người). Mấy người này đều xác nhận không có và đều hứa có dịp sẽ lên tiếng thanh minh. Một số người đã làm chuyện này. Như anh Quỳnh (Việt Tấn Xã) ở Việt Báo Kinh Tế, anh Tường (Sóng Thần) trong tác phẩm in trong nước.

HV: Được biết anh "phục" Duyên Anh qua những bài phóng sự ký tên Thương Sinh. Anh có thể cho biết tại sao? Ảnh hưởng những bài viết Thương Sinh trên các trang báo miền Nam thời ấy? Giới trẻ ngày ấy nghĩ như thế nào về Thương Sinh?

HMH: Người xưa dạy: Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa. Tôi nghĩ là Thương Sinh đã nói đến nơi đến chốn. Những bài viết trong tờ Con Ong, giống như các loại “phiếm luận” của Chu Tử, Sức Mấy, Kiều Phong,... tố cáo những lố lăng, thối nát tham nhũng của các nhân vật của giai đoạn nhiễu nhương có làm cho các “ông/bà lớn” dè dặt đi nhiều. Tôi không biết lúc đó giới trẻ nghĩ như thế nào về Thương Sinh. Tôi không đề cập với họ. Vì mong muốn chính họ tự nhận định và phán xét về người về việc, thay vì bị ảnh hưởng ý kiến riêng tư của tôi trong việc đồng ý với luận điệu của Thương Sinh.

HV: Nhân dịp sang Mỹ, anh Duyên Anh đã tá túc nhà anh. Anh ấy tâm sự gì với anh mà anh có thể chia sẻ được? Với tư cách là một người bạn của Duyên Anh, anh có ý kiến, thái độ thế nào đối với những người chống đối, vu khống Duyên Anh là "ăng ten"?

HMH: Ra ngoại quốc rồi, thì ông có thế giá lại, nhiều người đưa đón nên ông chẳng có thời giờ trò chuyện nhiều. Ông thích làm công chuyện cho thật huê dạng, mà tôi thì không có điều kiện, nên ông ít khi ở với tôi lâu, mà luôn luôn đi đây đi đó.

Tôi có nói với ông là ra ngoài này rồi, chuyện “đánh đấm” không còn cần thiết nữa. Nhưng có lẽ ông được khuyến khích tiếp tục, nên nghe đâu việc ông bị hành hung là chuyện ân oán giang hồ gì đó.

Theo tôi, vu khống cho ông Duyên Anh có hai loại. Một là những “nạn nhân” của ông rửa hận. Hai là những người chống cộng cực đoan, nghe thiên hạ nói ổng làm ăng ten là đủ nực, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, rồi nói đi nói lại cho hả. Bản thân tôi chưa gặp người nào xác nhận là chính mình mắt thấy tai nghe ông Duyên Anh lập công báo cáo cán bộ về bạn đồng tù (làm ăng ten).

Tuy nhiên, ông Duyên Anh cũng biết hệ lụy của việc “đánh đấm trong chốn gió tanh mưa máu” (nói theo kiểu ông), nhưng ông thường nói với tôi là sẵn sàng chấp nhận, kiểu “ăn thua mẹ gì, sao ông cứ đếm xỉa đến lũ đó” (cũng nói theo kiểu ông)!

HV: Muốn đánh giá trung thực về một nhân vật, hãy đợi khi nhân vật đó nằm xuống. Câu nói này ứng dụng như thế nào đối với trường hợp nhà văn Duyên Anh?

HMH: Ngay cả khi họ nằm xuống chán ra rồi cũng đã chắc gì trung thực. Vẫn tiếp tục có những dữ kiện mới được khám phá ra. Còn đã là người của quần chúng (public figure) thì phải chấp nhận sự đánh giá ngay khi còn sống, khi đang làm việc. Có thế mới biết đúng sai, để mà tránh chuyện lầm lẫn, hay, tệ hơn, cố tình làm bậy.

Riêng trường hợp Duyên Anh, thì đã nhiều lần tôi nói với ông là, sau 1975 rồi khi ra hải ngoại, đối tượng và chủ đích không còn như trước nữa, chẳng nên gây thị phi vô ích, kể cả đối với những người không tốt đối với ông. Nhưng ông cho rằng: Mẹ kiếp! Phải phân minh. Nó cắn tôi một, tôi cắn lại nó mười! Còn những người ghét ông, thiết tưởng phải trưng ra cái sai, cái bậy của ông, chứ riêng về bài vở của ông hồi còn trong nước tuy có tính cách đả phá, nhưng chúng vẫn hàm ý xây dựng. Đó là chuyện tất nhiên, khó mà làm khác. Cha ông mình đã dạy: Thuốc đắng dã tật.

HV: Người cộng sản rất giỏi ly gián, anh có nghĩ việc chụp mũ Duyên Anh là một đòn thù mà họ gán cho một "Biệt Kích Văn Nghệ"?

HMH: Cộng sản thì cái gì mà họ chẳng làm. Họ vừa có huấn luyện, có người, vừa có điều kiện. Nhưng chẳng phải họ giỏi mà chỉ là mình dốt. Nên cứ bị sa bẫy hoài hoài. Nghĩa là trong việc hành hung ông Duyên Anh, họ có làm hay không không là điều quan trọng. Nhưng nếu do... phe mình hành động mà không căn cứ vào cái gì xác thực, hoặc chỉ căn cứ vào những việc ti tiện thù hận riêng tư mà không nghĩ đến chuyện làm thui chột một nhân tài ở phe mình, thì là điều đáng trách.

HV: Anh có nhận định gì về những đóng góp của Duyên Anh trên mặt trận văn hóa sau 1975 ở hải ngoại?

HMH: Tôi thấy đóng góp của ông ta khó có ai bằng. Có đến cả gần hai chục tác phẩm của ông không có điều kiện để xuất bản đúng với nhu cầu giai đoạn, hiện nằm xó, thật đáng tiếc.

Tháng 12 Năm 2003
Nguyễn Tiến Đức - Hưng Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn