BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72637)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Câu chuyện dì Xinh

10 Tháng Tám 20226:58 SA(Xem: 686)
Câu chuyện dì Xinh
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Thời bấy giờ, tôi khoảng chừng 14 tuổi. Nhưng ở nhà quê nên tôi vẫn có thói quen tắm truồng, nhất là lúc trời mưa… Mẹ tôi mỗi lần nhìn thấy tôi thường rêu rao: trông nó kìa, tổng ngổng tồng ngồng, lớn phổng phao như thanh niên rồi đấy. Rồi bà cười khanh khách. Chị tôi chêm vào: mẹ đừng khen hão, chừng tý tuổi nữa, khối cô chanh cốm ngấp nghé đấy. Mỗi lần nghe như thế, tôi đã bắt đầu biết ngượng.

Thật ra chị và mẹ tôi chẳng phải chỉ hãnh diện về cái thân xác tổng ngổng, tồng ngồng mà thôi đâu. Từ cái thân xác ấy, họ còn ngưỡng vọng về một đứa con trai sau này học thành tài, đem lại tiếng thơm cho gia đình. Con đường mà hai anh lớn của tôi đã đạt được. Trong cả làng, Ngoài Tú Thịnh, anh cả tôi đã đậu tú tài và đang chuẩn bị đi du học bên Pháp. Anh thứ hai đang học ở bậc thành chung. Còn tôi, từ năm chưa được 10 tuổi đã được gửi lên tỉnh học.

Hè năm nay, không khí gia đình tôi có vẻ khác thường, không giống như mọi khi. Tôi thấy các chị và mẹ tôi đang chuẩn bị sắm sửa, may quần áo mới cho tôi. Ai cũng có vẻ chiều tôi một cách khác thường. Tôi có nghịch ngợm, phá phách, thầy mẹ tôi cũng bỏ lơ đi. Các chị chăm bón, gắp đủ thứ vào bát cơm của tôi. Chị giáp tôi lấy hai tay ôm cái đầu tôi nói như rên rỉ: chị nhớ em, chị thương em. Cha xứ cũng ra vào nhà tôi khác thường, thầm thì to nhỏ. Tôi biết nhưng cũng chẳng hỏi. Tôi chỉ linh cảm là đời sống của tôi sẽ có những thay đổi lớn trong nay mai. Tôi chờ đợi. Chỉ mãi đến tối hôm trước khi lên Hà Nội. Thầy tôi gọi vào buồng bên cạnh khay đèn thuốc phiện nói vài lời: Mai con đi Hà Nội với thầy lên Hà Nội học. Thầy tôi chỉ nói có thế. Tôi chỉ ậm ừ. Thế là đời tôi đã được định xong.

Sáng hôm sau, lễ xong, tôi và thầy tôi ngồi xe tay kéo lên Phủ Lý, cách đó chừng 7 kilômét. Rồi từ Phủ Lý lấy xe hàng lên Hà nội.

Xe hàng thời bấy giờ còn chạy bằng hơi nước nên mỗi xe ở đằng sau có một nồi súp to lớn đun bằng than đá. Chẳng may nếu có trời mưa to, than trong nồi tắt ngúm, thế là xe không chạy phải chờ.

Lên đến Hà Nội, hai bố con ngủ lại một đêm tại nhà ông Nghị N..một người giầu có trong làng. Hôm sau thuê xe lên Bắc Ninh. Địa phận Bắc Ninh là nơi tôi sẽ nhập học để đi tu làm các chú.

 Nhưng khốn thay, trước đó 5 hôm, máy bay Mỹ đã đến bỏ hai quả bom làm sụp tòa nhà 3 tầng của nhà xứ. Nó rơi đúng vào nhà chủng viện. Chủng viện phải giải tán. Người ta kháo nhau rằng, bom nổ như thế, căn nhà 3 tầng sụp đổ với bao nhiêu người chết, vậy mà pho tượng thánh giá ngoài sân vẫn không hề hấn gì. Nhiều người xì xầm: ”Chúa làm phép lạ đấy”.

 Phần tôi, chỉ thất vọng tự nhiên mà không có chỗ học. Tôi và thầy tôi bắt buộc phải ghé về làng Bâm Thanh Giả để cùng đi với mấy chú khác cũng đang tập trung ở đấy. Họ chuyển tất cả chúng tôi lên mạn ngược.. Tôi theo thầy tôi chẳng còn biết mình đi đến đâu nữa, buồn vui lẫn lộn. Đến làng Bâm thanh Giả ngủ trọ qua đêm để chờ sáng đi tiếp.

Sáng sớm ngày hôm sau, đã đến lúc bố con phải chia tay nhau ở đây. Thầy tôi về lại làng. Còn tôi tiếp tục đi nữa… Cuộc chia tay trong im lặng. Chả ai nói câu nào. Thói quen của thầy tôi vẫn thường ít nói với con cái. Mãi đến lúc tôi cùng với mấy các chú khác lên xe, thầy tôi nói với được một câu:

Thôi con đi đường bằng an. Nhớ viết thư về cho thầy mẹ.

Bọn tôi gồm mấy người trẻ với một thầy già ra ga Xép, rồi từ ga Xép lấy Ô tô ray đi Lạng Sơn. Ông thầy già ít lời. Bọn trẻ cùng đi cũng im lặng, chỉ liếc mắt nhìn nhau. Cho đến lúc đến Lạng Sơn mà chưa ai nói với ai một lời nào. Nhưng tự thâm tâm, cả bọn đều nghĩ từ nay cùng chung một con đường và cùng chung một số phận. 

Đến Lạng Sơn, lại phải lấy xe kéo tới Mỹ Sơn. Đoạn đường từ Lạng Sơn đến Mỹ Sơn có ba cây số, nhưng đầy cam go và nguy hiểm, vì đường đi vắng vẻ ít ai qua lại. Hai bên đều là rừng, cây cối rậm rạp. Đầy đe dọa. Lại còn phải đi qua Bãi Trận. Ở đọan đường này, ngoài cái sợ cọp vồ, lại sợ bọn cướp thường ẩn nấp thừa dịp bắt cóc thanh niên đưa sang biên giới bán sang Trung Quốc. Cọp từ sau đám lau sậy hay cỏ tranh, nấp sẵn đâu đó, chỉ nhẩy xổ là tha đi một mạng người. Rồi mất tăm, mất dạng. Vốn lì lợm, nhưng lúc này tôi cũng lẩm nhẩm đọc kinh. Nhìn mấy chú khác, anh nào anh nấy đều run như cầy sấy. May quá, mọi người đến nơi bình an. 

Tạ ơn Chúa. Ông thầy già đã thốt lên như thế khi đến nơi.. và đây là câu nói đầu tiên trong ngày trong suốt đọan đường ba cây số này…

Chúng tôi ở tạm nhà xứ Mỹ Sơn được mấy bữa. Chưa biết phải làm gì. Lại có lệnh cha xứ bắt đi xa nữa. Cho mãi đến sau này, bọn tôi vẫn không hiểu lý do tại sao không được ở Mỹ Sơn mà quyết định gửi tạm bọn tôi lên Quảng Uyên, cách Cao Bằng ba mươi hai cây số.

Bọn tôi ngồi xe khách đi lên hướng Quảng Uyên. Xe chật ních người ì à, ì ạch phun khói bò lên những con dốc ngược lượn quanh. Xe cứ thế đi qua hết động Tam Thanh, rồi Kỳ Lừa, đến Đa Sầm, rồi dừng lại ở Đông Khê như thể cho xe nghỉ mệt, sau đó độ một tiếng đồng hồ thì đi Thất Khê. Càng đi lên, phong cảnh càng thêm hoang vu. Dân cư thưa thớt dần. Có những đoạn đường hằng vài cây số không thấy một bóng người. Đôi khi xa xa, phía triền núi thấy bóng dáng những người dân sơn cước đi một hàng dài lượn quanh ven triền núi. Bóng họ in lên triền núi như một cái đuôi dài.

Tôi cảm thấy thèm bóng người qua lại. Cái thiếu duy nhất ở rừng núi là thiếu bóng dáng người, cộng thêm thiếu tiếng động quen thuộc.

 Đường đi nay mỗi lúc một quanh co, leo núi lên dốc, xuống lủng. Mây bay là là trước mặt. Có lúc mọi người có cảm giác vừa đi qua khỏi một làn mây mỏng như sương khói. 

Đến Thất Khê cả bọn nghỉ lại chờ xe khác. Tôi và mấy người bạn lại vào trọ ở nhà xứ Thất Khê chờ xe khách. Mỗi tuần chỉ có vài chuyến xe từ Thất Khê đi Quảng Uyên. Buổi chiều hôm đó, mấy anh em rủ nhau ra tắm ở con sông Kỳ Cùng. Đã mấy ngày không tắm nên dơ dáy, ai cũng vui thích rửa dáy và nay mới nghe thấy tiếng cười đùa. Nhưng khi về lại nhà xứ thì được tin Cha Đệ, cha xứ ở đây đã bị Việt Minh bắt dẫn đi thủ tiêu ở núi Bò Mã. Nghe tin cả bọn rụng rời vì sợ hãi chẳng biết số phận mình ra sao ?

 Mấy người bàn tính muốn bỏ về. Buổi tối chỉ biết ngồi ôm nhau khóc.

Từ Thất Khê lên Cao Bằng còn bảy mươi cây số. Lại đi xe khách. Trong xe, phần lớn hành khách đều mặc quần áo mầu chàm, có người lưng đeo thêm gù ở đằng sau. Trời đã lành lạnh. Cái lạnh của vùng cao biên giới. Trong xe, chẳng ai nói với ai một tiếng nào, cả đám người dân vùng cao cũng giữ im lặng như thế. Họ câm lặng như núi rừng. Họ bí ẩn như những rừng cây âm u. Từ Cao Bằng đến Quảng Uyên còn 30 cây số. Xe phải mất hai tiếng đồng hồ mới leo nổi con đèo Mã Phục hay còn gọi là đèo ngựa quỵ.

Quảng Uyên là một vùng lòng chảo chung quanh dựa vào những dãy núi đá cao bao bọc dựng đứng như những bước trường thành. Con người bị vây bọc tứ phía, thu nhỏ lại. Mặt trời mọc trễ, lặn sớm. Mãi chín giờ sáng mới nhìn thấy mặt trời hiện lên đằng sau các dãy núi, nhưng đến khoảng bốn giờ thì đã lặn mất tiêu rồi. Ngày thì ngắn, đêm thì dài. Không khí ở đây đã lạnh lạnh mặc dầu là mùa hè. Châu Quảng Uyên chỉ còn cách biên giới Trung Quốc khoảng hai mươi lăm cây số. Tại đây cũng có đồn Tây là Phủ Trùng Khánh. Ở đó có Quan Châu Việt Nam và lính khố xanh giữ đồn.
truongson

Đến nơi thì bọn tôi được cha Báu, một cố Tây râu xồm và chú Klâu, người Mương Khao là Mán Trắng ra đón tiếp. Thoạt nhìn thấy cố Tây cao lớn dềnh dàng trong chiếc áo thâm trùng cụt lửng mà gấu áo chừng như muốn bò lên đến tận đầu gối để lộ hai ống quần tây kaki. Trông đến buồn cười mà không dám cười. Chiếc áo của ông bạc mầu đến muốn rách. Sống đạm bạc đến dơ bẩn. Hình như ông đã quen với lối ăn mặc đó rồi. Hàm râu dài đến ngực, đầu lốm bạc, phất phơ mái tóc phong sương. Cố có hai con mắt to, xanh trong, tròn như hai hòn bi ve lộ ra dáng uy nghiêm, nhưng chất phác. Bằng vào vóc dáng bề ngoài như thế làm bọn tôi tin tưởng và có cảm tình, dù vẫn còn e dè sợ hãi.

Thử thách đã đến.

Thời bấy giờ, người ta quan niệm tu là phải chịu khổ, phải vâng lời. Càng chịu nhiều khổ sở như ăn uống thanh đạm túng thiếu cộng với cái lạnh của núi rừng thì việc tu trì càng có cơ tốt đẹp. Đi tu mà sướng thì còn tu nỗi gì, ở ngoài đời cho xong.

Tiếng là lên để đi học, nhưng học được một hai tuần, sau đó cố Tây không dậy học nữa. Chắc cố quên béng lời hứa với cha Lãng rồi. 

Chúng tôi phải trông mấy chục bò sữa cộng thêm một con bò đực giống, cả hơn trăm gà đẻ, mấy chục gà Nhật, hằng trăm gà trắng lê gốp, loại gà đẻ hai trứng một ngày rồi một đàn ngỗng, một đàn mấy chục con dê để lấy sữa cho hai cha. Một ngày từ bốn giờ rưỡi sáng tới tối nào cắt cỏ, cắt lá cho bò sữa, rải muối cho dê và bò liếm để ngừa bệnh. Sau đó đã hết đâu, còn vắt sữa, gom trứng để bán cho đồn tây, lượm xương bò đốt rồi tán hoà vào cháo cho gà lê gốp ăn để đẻ nhiều trứng, sau chót là chăn đàn bò đi ăn cỏ.

Vài chú mà chừng đó công việc như của một đồn điền nhỏ nên vất vả vô cùng. Làm việc tối tăm mặt mũi còn bị cha Báu mắng chửi. Cha vừa có cái bề ngoài, hiền từ, dân giã, vừa khó tính gắt gỏng, keo kiệt.

Phần chúng tôi, vừa vất vả làm việc như trâu bò, vừa nhục, vừa đói. Tôi cũng không biết than thở với ai. Vì mọi người đều khổ sở, đều cùng hoàn cảnh. Tối về vừa mệt, vừa đói lăn ra ngủ để mai dạy sớm đi làm.

 Tình cảnh này không phải là đi tu, mà là đi đầy. Đôi lúc, tôi chẳng còn có thì giờ nghĩ đến gia đình nữa. Nhiều đêm, tôi lén lút khóc thầm. Tối và mấy anh em chùm chăn ôm nhau khóc nhớ nhà, nhớ đời sống dưới miền xuôi.

Nhà xứ có gần hai mươi dì phước số phận cũng chẳng hơn gì. Chúng tôi hằng ngày, chỉ biết có dì Xinh nấu bếp. Dì người dân tộc Mán, tuổi áng chừng 17 được gửi đi học làm bếp Tây hai ba tháng ở Cao Bằng. Vì thế, dì đuợc sang nhà xứ nấu bếp hầu hai cố. Từ sáng sớm đến tối mịt, dì lo hầu ba bữa cơm cho các cố, rồi cơm cho các chú và cơm nước cho các dì trong nhà dòng. Chẳng mấy lúc thấy dì rảnh tay, cứ hết việc nọ lại đến việc kia.

 Phần các dì khác có phần vất vả nặng nhọc hơn. Các dì phải làm ruộng, làm rãy, nuôi heo, gà, trồng mía, khoai lang, trồng rau. Làm quần quật mà không được hưởng. Tiền bán trứng, rau trái đều nộp cho cha xứ. Mỗi năm các dì lấy ra một số tiền nhỏ để mua cá khô, mắm muối dành ăn cả năm…

Trước khi ăn, phần cơm các chú phải đợi cố đến kiểm soát bằng cách khoắng lên xem dì Xinh có bỏ thêm đồ ăn gì không rồi mới dơ tay làm phép. Nhìn cố vén tay áo lên đến tận khủy, hai bàn tay với những ngón như chuối lùn mũm mĩm thịt với một lớp lông tơ vàng rậm rạp cầm cái môi khuấy một cách cẩn trọng, nghi ngờ dơ cái môi lên xoi. Có vẻ chưa tin hẳn vào mắt mình. Khoắng lần nữa mới thôi. Chậu canh lõng bõng nước trong lơ như có thể soi thấy mặt cố khi ông cúi xuống. Cố dơ tay làm phép như Chúa thời xưa biến nước thành rượu. Chỉ khác là nay nước hoàn nước.

Nhưng đói khổ thòm thèm nên chú nào cũng mắc bệnh ăn vụng. Ăn vụng từ củ khoai đến xương gà rô ti do dì Xinh dúi cho. Đói quá nên gặp gì ăn nấy, cái gì có thể ăn cắp được thì ăn cắp chẳng còn biết sợ cha, sợ tội là gì nữa. Trong bốn chú, hầu như người nào cũng bị phù thũng, chân xưng lên vì có nước, mặt xanh bủng, hơi thở nặng nhọc, hai mắt nhấp nhánh liên hồi như có châm kim, lửa đốt.

Dì Xinh đặc biệt thương tôi nên thường dúi vào tay tôi khi miếng thịt gà, hoặc bò, khi nắm xôi. Gặp tôi là Dì Xinh nhoét ra cười, nghẻo cái đầu một cái rồi mới đi. Những khi rỗi rảnh, dì đòi xem bàn tay tôi vì thấy mịn trắng và đẹp. Dì ngây thơ kêu” Gì mà trắng ngần”. Rồi lại cười. Dì thích hát bài Mà u sơ kưa, U sưa ku la. Giọng trong và lơ lớ, ngứt đọan nửa chừng. Những lúc đó, tôi thấy dì thật sung sướng.

Đến bữa ăn, các chú hì hụp húp lấy húp để. Cháo nóng, chộn với mồ hôi hay nước mắt hay cả hai vô tình rơi xuống bát cháo để rồi vô tình cũng nuốt chửng vào bụng. Bao nhiều ưu phiền, tủi nhục, cố nuốt cho qua trong sự im lặng cùng cực. 

Nói cho cùng các chú chả có tội gì, người có tội là cố. Tội của cố là vì để có kẻ no nguời đói. Mà cố cũng chẳng có tội, vì cố nghĩ rằng đói no là thân phận chúng tôi rồi. Được thế đã là may. Có thể, trong bụng cố nghĩ rằng, cố đã đầy lòng tử tế và thương người

Các dì phước có trồng một vườn rau, nhưng trồng mà không được ăn. Thật ra thì có đủ thứ cả gà vịt, thịt heo, thịt bò, sữa bò. Chỉ có tội là không được ăn. Dư thừa mà vẫn đói. Các chú buộc lòng phải lội bộ vào chân núi hái rau tầu bay về luộc chấm muối ăn.

Có lần, tôi lân la nói chuyện với dì Xinh hỏi dì có buồn không.

Dì chỉ cười. Nụ cười đến đôn hậu. Thì cũng buồn chứ. Dì thêm, nhưng đã chót dâng mình cho Chúa rồi. Rồi dì hỏi ngược lại: Thế còn chú thì sao? Tôi trả lời. Sao trên giời. Dì ạ, của đáng tội em buồn chẳng còn thiết gì sất. Chỉ mong về xuôi thôi. Càng sớm càng tốt. Dì như đánh rơi giọt nước mắt nói nhỏ nhẹ: chú còn có cơ để về lại, còn tôi chả biết đến bao giờ? Có khi sống và chết ở đây cho đến trọn đời

. Tôi bạo dạn nắm lấy tay dì thương cảm, dì để nguyên. Bàn tay mụ mẫm, nhưng chai sạn hơn tay tôi. Bàn tay của núi rừng từ nhỏ đã cầm dao, cầm dựa phát lá, phạt cây.

 Dì ngước nhìn tôi, đối mắt trong láy mà lòng chẳng nói.

Tôi thầm nghĩ trong bụng: Dì Xinh nói đến là gở. Tại sao, trong bấy nhiêu người đi tu, từ các chú đến dì Xinh đều có tâm trạng buồn như vậy? Việc đi tu để làm gì, có ích gì, chỉ để chuốc vào mình nỗi buồn như đá đeo cả đời sao? Tự nhiên, trong đầu tôi đặt ra những dấu hỏi không có câu trả lời. Tôi cũng không muốn nghĩ tiếp nữa.

Cuộc đời trong nhà xứ có lẽ chỉ có ngày chúa nhật là được thong thả. Vì đó là ngày của Chúa. Mọi người được nghỉ ngơi, trừ công việc phải chăm nuôi cho gia súc. Sau lễ sáng chúa nhật là các chú có quyền đi chơi quanh quéo tùy ý như đi câu, bắt cá hay vào rừng kiếm rau tầu bay về luộc ăn thêm vv. 

Vào lúc gần trưa, tôi đang ngồi trước vỉa hè thì thấy dì Xinh đi qua về hướng nhà thờ. Tôi tò mò lẽo đẽo theo sau. Dì vào nhà thờ quỳ gối đọc kinh một lát thì chèo lên gác chuông. Chắc là để hóng mát hay sao đó. Tôi cũng lóc cóc leo lên theo. Lên đến nơi thấy dì đang đứng ở phía cửa sổ nhìn xuống phía triền núi. Dõi mắt ra xa, dì nhìn không chớp mắt như mơ tưởng về cuộc sống nơi ấy. Tôi yên lặng đứng nhìn dì. Chập sau như có linh tính, dì giật mình quay lại thấy tôi đứng đằng sau dì từ hồi nào. 

Dì cười không nói. Tôi im lặng đến sau lưng nhẹ cầm tay dì. Dì để yên. Chúng tôi cùng quay ra nhìn xuống phía chân đồi. Cả một miền cỏ xanh rì trải ra trước mắt. Trên gác chuông im ắp không tiếng người. Cạnh nhà thờ như có ai hờ khóc. Tiếng chó tru ở một chỗ xa nữa chắc tận xóm trong. Hình như bên trong và bên ngoài gác chuông là hai thế giới khác nhau. Mùi tóc của dì. Như mùi cỏ dại, ngai ngái quện vào mũi tôi. Chúng tôi đứng sát gần như gang tấc. Tôi ngây dại. Đúng lúc đó có tiếng kẹt cửa và tiếng người bước chân lên gác chuông. Tự nhiên không ai bảo ai, tôi và dì đều hốt hoảng. Tôi nắm tay dì nấp vào một xó kẹt.

 Hoá ra là Bõ Tâm. Bõ lên kéo chuông nguyện 12 giờ.

Cả hai chúng tôi nay dõi mắt nhìn bõ Tâm như xem một tấn tuồng. Vô tình, dì đứng sát vào người tôi mà không hay. Thoạt đầu, bõ dợm người đu cái giây xuống, vừa ghìm đủ để quả chuông đánh một tiếng chuông. Một tiếng bỏ lửng. Sau đó, như lấy tấn, bõ ghì dây chuông để đừng có tiếng phản hồi. Bõ sửa sọan tiếng thứ hai. Cũng một cách thức như thế. Lại du dây chuông, lại ghìm, lại lấy tấn giữ quả chuông nằm im. Rồi tiếng thứ ba. Dứt tiếng ba. Bõ như nghỉ lấy sức và hếr sức bình sinh giật giây chuông thật mạnh. Quả chuông lắc như điên cuồng, va bên này phản hồi bên kia. Lúc này bõ như con nhái bén, chỉ cần giữ dây chuông cho chặt, đu đưa theo đà chuông, lúc bên này, lúc văng sang bên kia. Bõ như chấp nó. Người và chuông đọ sức. Trên gác chuông tiếng kính coong inh ỏi đến điếc tai, mà hưng phấn. Tôi và dì đưa mắt đảo qua đảo lại theo nhịp qua lại của bõ Tâm không chớp mắt.

Kéo một hồi như thế thấy đủ, bõ từ từ tuột xuống sàn gác. Chân dính sàn, bõ ghì dây chuông. Chuông tiếp tục lôi thếch bõ lên, bõ theo đà chuông nhún lên, nhưng cũng ráng ghì xuống. Vài lần như thế, chuông như kiệt sức không đụng đậy nữa.

 Người bõ vã mồ hôi sau cuộc đọ sức. Bõ trở lại là bõ, hiền lành đến yếu đuối trong tấm thân gầy guộc chỉ còn xương. Có lẽ ý nghĩa đời sống của bõ chỉ ở những lúc này, lúc đọ sức, lúc đu đưa vật vã. Hết đọ sức, bõ trở thành con người tầm thường. Bõ nghỉ một chút, chậm rãi, nặng nề, đầu cúi gặp như thể đã tiêu hao hết sức lực. Quẹt trán lau mồ hôi, bõ xuống thang gác chuông từ hồi nào.

Để cho bõ đi xa, tôi và dì Xinh dời tay nhau, lặng lẽ đi xuống.

Như thể chúng tôi từ một thế giới khác trở về. Như thể chúng tôi vừa phạm một tội không tên. Dì đi bên cạnh tôi mà không nói một lời. Phải chăng giữa hai người đã có gì đổi khác?

Nói về bữa cơm của các dì thì có phần sang hơn của các chú một chút, vì các dì được ăn thêm món thịt bò bạc nhạc. Số là có một gia đình người Thổ mỗi tuần làm ba bốn con bò, họ lấy thịt xấy làm thịt bò khô gửi từng bao tải xuống Hà nội. Phần xương, họ cho các dì lấy về nạo ra được tý thịt, tý gân , phần còn lại xương xẩu tán ra làm đồ ăn cho gà. Nhưng cuối cùng so ra các chú, các dì còn thua bầy chó tây của cha, vì chó còn được ăn thịt bò.

Các cha là Tây nên ăn theo lối Tây. Sáng có bánh mì, sữa tươi, các loại mứt, hoa trái. Trưa tối thịt gà rô ti, thỏ heo, thịt bò phi lê tùy bữa. Thứ tư, thứ sáu các cha kiêng thịt chỉ ăn trứng hoặc cá. Chả có gì để trách các cố được. Bên nước họ, các cố có thể cũng ăn uống như vậy. Họ cũng chịu cảnh xa nhà, xa quê hương xứ sở của họ để lên tận miền Sơn Cước đèo heo hút gió này? Đối với họ, thế cũng là khổ lắm rồi. Nhưng bài kinh buổi sáng đọc ra rả nào là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho khách đỗ nhờ? Tại sao đọc thì như vậy, sống thì như vậy? 

Tôi mất hẳn hướng đi chẳng còn tin ai nữa…

Thấm thoát, tôi đã ở đây được hơn nửa năm trời. Nhiều lúc không khỏi ngạc nhiên. Núi rừng làm da dẻ tôi xạm lại. Công việc vất vả biến tôi thành một thanh niên cường tráng lúc nào không hay. Tôi hết là trẻ con. Chẳng những thế, trong tôi như có một sức lực hoang dã khác hẳn trước đây. Tôi không còn là tôi nữa.

Nhân dịp tết trên mạn ngược, cả bọn chúng tôi gồm 5 người, 4 chú với thầy Được đã được các cố cho xả trại xuống Chợ Châu Quảng Uyên xem họp chợ. Trong dịp này, cha Báu phát cho mỗi cậu năm đồng bạc, số tiền chỉ đủ ăn quà vặt. Đó là tiền công cả năm làm việc quần quật. Các chú nay được dịp ăn no đến lòi kèn ra.

Ở chợ Châu, nay nghe có tiếng pháo nổ. Tiếng trống chim vỗ bập bùng vào hai đầu trống phá vỡ cái u tịch thinh lặng của núi rừng. Lều quán được dựng lên sơ sài với vài thân cây chỏng chơ, mái lá gồi nghiêng ngả. Rải rác đâu đây cũng có những quán hàng ăn, có chỗ bán nước, uống rượu. Gọi là quán cho sang, có khi chỉ có một cái chõng với mấy ghế đẩu kê thấp. Khung cảnh họp chợ, ăn uống, quần áo đủ mầu sắc là những ngày hội khó quên, sau đó trả lại cho núi rừng cái thầm lặng mỗi ngày của nó chờ đợi đến dịp khác.

Dân miền Sơn cước đều đi chân đất. Mùa đông sơn cước, gió lạnh từ khe núi chung quanh thổi ra lạnh buốt tay chân. Vì vậy, mỗi người dân ra khỏi nhà đều xách theo một cái giỏ, trong có để một bát ăn lớn có đựng than hồng để thỉnh thoảng hong tay chân cho khỏi cóng.

Họ sống cực khổ như thể số phận họ từ khi sinh ra đã như thế rồi. Hình như họ không biết buồn. Gương mặt họ phẳng lặng không buồn cũng không vui. Gió núi, sương mờ lạnh căm. Lòng người cũng lặng câm.

Ở dưới chợ Châu Quảng Uyên, thôi thì đủ các sắc dân từ người Thượng, Mường Mán, Mèo, Lô Lô, Nùng, Nùng an, Mán sơn đầu, người Mông Đen, Mông Hoa, Đào Đỏ rủ nhau về họp chợ. Tuy họp chợ chung như thế, nhưng người Mông thì lấy người Mông, người Dao lấy người Dao. Họ không thích chung đụng với người Kinh. Không biết từ đâu qua các khe núi họ lũ lượt túa ra đi hàng một, lưng đeo gù, hoặc đội một cái rổ tre cao lênh khênh ở trên đầu. Nếu chim bay từng đàn để cản sức gió, người sơn cước đi hàng một để tựa nhau mà đi. Họ không rảo bước, vì đi mau sẽ kiệt sức giữa đường. Cứ thế, họ kéo về đây với đủ cách ăn mặc với đủ sắc mầu phân biệt các sắc dân. Đàn ông thì ăn mặc sơ sài. Các cô, các bà thì diêm dúa hơn. Các cô váy đến gót chân có thêu chỉ mầu sặc sỡ. Áo thì chẽn bó lấy ngực, mầu trắng hoặc mầu đen, có thêu tua từ trên cổ xuống dưới thắt lưng bụng trông đến đẹp mắt. 

Họ ăn mặc có phần đẹp và sặc sỡ hơn gái Kinh nữa. Sự phân biệt sắc dân chỉ dựa vào quần áo. Như người Mông Đen thì mầu đen, người Dao mũ đỏ, người dáy mặc áo ngắn, Xã phó thì thêu hoa văn. Họ gù về đây đủ thứ thổ sản để trao đổi với sắc dân khác.

Và dù khác sắc tộc, họ đều nói chung tiếng nói Thổ Tầy.

Người dân thiểu số mừng ngày Hội Rượu vào khoảng tháng hai một cách tưng bừng náo nhiệt. Cả năm mới có một ngày. Họ ăn uống ca hát cả ngày cho tới đêm khuya. 

Họ ăn thứ cơm lam, món cơm nếp đặc biệt của người miền núi. Gạo đã ngâm được nhồi vào trong những ống nứa non có mùi của cây nứa. Ngoài cơm Lam còn có Xôi Tổ kiến cũng đặc biệt lắm. Các ổ kiến làm tổ trên những tàng cây cao đẻ ra trứng như tổ ong. Họ lấy bùi nhùi hun cho kiến sợ bò đi nơi khác. Sau đó trèo lên cây gỡ những trứng kiến mầu trắng đem trộn với cơm rồi hấp lên. Xôi tổ kiến ăn vừa bùi, vừa thơm. Ngoài ra họ cũng ăn lợn quay ướp với lá cây mác mật. Người ta có thói quen gọi là lợn cắp nách (thứ lợn ăn cỏ ở rừng, màu da đen xịt, nhỏ thịt). Loại cây mác mật này chỉ thấy ở trên rừng của dân thiểu số.

Dịp này, dì Xinh cũng được phép ra trại cùng mấy dì khác. Dì là nữ tu duy nhất thuộc sắc dân thiểu số. Chắc là Dì vui như mở cờ trong bụng chẳng khác gì chim về tổ. Chỉ tiếc là dì không còn bà con thân thuộc nữa. Tôi chỉ thấy lấp loáng bóng dì giữa những đám đông. Tôi nghĩ bụng trong dịp này thể nào dì cũng lén uống rượu. Và uống đủ loại trà như trà mã điển, trà cảo sơn, trà hạ thảo vv.. Tôi tự nhiên mỉm cười.

Gọi là họp chợ, nhưng cái chính vẫn là gặp gỡ để vui chơi và để uống rượu. Rượu là chất súc tác của ngày lễ hội. Họ uống hết vò rượu này đến vò rượu khác cho đến say mèm. Cả trai lẫn gái, đàn ông đàn bà đều thi nhau uống cho đến đêm. Trai gái được dịp gặp gỡ, tỏ tình. Họ hẹn nhau chỉ chờ đến dịp lễ hội để được gần gũi, để ôm hôn nhau và để ngồi lên đùi nhau…

Đối với người dân thiểu số, vấn đề trinh tiết được coi là nhẹ khác hẳn người kinh. Các cô được dịp chọn người nào thích hợp thì tự nhiên đưa nhau lên núi tìm chỗ vắng, chỗ lùm cây để làm tình. Nếu hai người hợp nhau thì họ tính đến chuyện cưới hỏi, nhược bằng không thì thôi. Người con trai, con gái lại tìm dịp khác để gặp gỡ quen biết. Vì thế, gái thiểu số thường đã ăn ở với người nọ, người kia trước khi chính thức cưới nhau.

Ngay cả những trai gái đã có vợ có chồng rồi không ưng ý nhau cũng tìm dịp này để hẹn hò với người khác. Thế là có cảnh thay đổi vợ chồng xảy ra. Lại có màn ghen tuông. Đôi khi có đâm chém, đổ máu…

Cuộc sống người dân thiểu số vui buồn gói trọn trong những ngày lễ hội. Sau đó là những ngày tháng dài vất vả làm nương rãy, săn bắn. Ai cũng trải qua những ngày tháng hạnh phúc mà cả năm mới có một lần. Sau này, họ sẽ có dịp hồi tưởng lại những ngày tháng đã qua như một giấc mơ hạnh phúc chả bao giờ có thể quên được.
Đó là tất cả đời họ.

Đến buổi chiều, tôi định trở về nhà xứ. Tôi dảo một vòng dáo dác tìm dì Xinh. Dì đang ở giữa một đám trai tráng uốn éo nhảy múa theo nhịp trống. Cả một đám đông mà như thể là một. Như có một sức sống. Một linh hồn. Khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tiếng bập bùng của trống chim, những hình hài múa nhảy uốn éo chập vào nhau dưới ánh lửa, những cô gái áo quần xô lệch, những bộ ngực thanh niên căng cứng.

 Phải chăng đó là thế giới của dì, thế giới của cội nguồn, của căn tính dì? Dì đã ở đó mà ra, đã lớn lên từ đó và sẽ mãi mãi là thế không dời. Chia cắt dì Xinh ra khỏi thế giới ấy, dì sẽ mỏi mòn, khô cạn.

Biết như thế, nhưng lòng tôi tự nhiên tức xôi lên như có lửa giận. Tôi xồng xộc xông vào đám đông tới chỗ dì Xinh. Chẳng nói chẳng rằng, mắt long xòng xọc, tôi giật mạnh cánh tay dì. Dì nhìn xửng tôi, trố mắt ngạc nhiên, ngơ ngác đến như không hiểu được.

Nhưng rồi đôi mắt dì dịu lại, ẩn nhẫn và khuất phục.

Tôi lôi bừa dì như lôi một con súc vật ra khỏi đám đông người. Dì thuận theo đà tay kéo mạnh của tôi ngã chúi xuống rồi gượng đứng dạy đi theo. Mặt dì tái nhợt, hoảng sợ. Tội dì, nhưng tôi mặc kệ. Tôi bước như chạy, kéo dì xềnh xệch theo sau. Nhiều lúc vướng vào bụi cỏ hay bụi gai làm dì ngã dúi, sướt cả tay chân. Kệ, tôi cứ lôi dì đi. Vừa đi tôi vừa lầu bầu mắng chửi điều gì không nhớ nữa. Dì im lặng không nói.

Cứ đi như thế mà chưa biết mình đi đâu. Ánh nắng chiều đã chiếu xiên khoai, chỉ còn một dải nhỏ le lói như sắp tắt. Sương mù đã xuống. Đã khá xa những tiếng trống bập bùng nghe như tiếng vỗ tay. Cái không gian của đám người ăn uống nhảy múa mỗi lúc mỗi lùi xa. Trời như tối sập xuống. Trên vai thấm sương lạnh. Tôi đã kéo lê dì đi như thế cho đến khi không còn nghe tiếng trống hay tiếng người nói nữa. Đã xa thật xa. Tôi kéo dì, ôm sát lại gần kiếm chỗ ngồi nghỉ mệt.

 Đến một gò đất không xa, tôi đẩy dì ngồi xuống như ném một bao rác. Dì ngồi bệt xuống thở dốc ra. Tay chống cằm. Chiếc khăn chùm đầu xô lệch xõa tóc. Chiếc áo chùng thâm của dì bê bết đất, nhiều chỗ đã rách. Trông dì như một con vật bị thương. Nghĩ mà thương. Rồi tự nhiên dì ngả đầu lên vai tôi như hết còn muốn chống đỡ. Tay tìm tay, rồi mắt môi miệng và cứ thế cuốn lốc, cuộn tròn.

Dì Xinh như chợt tỉnh cái giấc mơ gần 10 năm tu trì của khắc nghiệt và bạo liệt. Dì như vừa trút bỏ được một sức nặng trì kéo của những huấn lệnh ngàn cân đè dí lên dì từ bao lâu nay. Dì tìm lại được nguồn cơn của bản ngã núi rừng, của nguyên sơ cội nguồn. Cái cội nguồn trong như tiếng suối reo, ngọt như mật ong vừa gỡ trong bọc, đầm đậm như mùi bắp nướng hay mùi măng tre vùi trong bếp lửa. Nó tự nhiên, trong sáng tròn đầy, viên mãn mà chứa chan. Nơi dì, tiềm năng của tuổi dạy thì với những ham muốn lâu ngày tưởng đã bạo liệt cùng lúc trỗi dạy như tiếng réo gọi của tuổi đôi mươi.

 Dì sống lại cái tuổi dậy thì nguyên sơ và chân thật đã từng bị nén chặt bởi những khuôn vải trắng quấn chung quanh ngực. Dì tháo gỡ thật nhanh, vứt tung toé những khuôn vải như tháo những dây xiềng xích lòi tói. Hình như thể, đây mới là lúc Dì tìm được lại được mình.. Núi rừng như che chở, gió như vuốt ve vỗ về, không gian như bao bọc. Mầu đen của đêm tối như đồng lõa biến cái không gian nhỏ bé đó thành một thế giới thần tiên.

Dì ngụp lặn trong tôi, ấn sâu chan hòa như một cuộc hoá thân giải phóng mình.

Vào một lúc nào đó trong cái cõi người, dì rú nhẹ gọi: chú ơi, em thấy như có sóng đang cuồn trong bụng của em. Dì mê man, dại cuồng. Chập sau, nghe tiếng dì nức nở. Lòng tôi man man sung sướng, chen lẫn sợ hãi và hối hận. Tôi ôm dì vỗ về qua cơn thổn thức. Một mặt, tôi muốn trả dì về với núi rừng của dì. Nếu không, dì sẽ chết khô trồi như cây không có nước trong những lời kinh nguyện, bên cạnh những con người cứng khô sơ xuội như xác ướp, hay như băng đá thiếu tính người. Tôi là người đã đưa dì trở về trên một dòng sông lai láng, tuôn trào của hạnh phúc, lênh đênh tới bến bờ mê..Cơn mê hoang dại của kiếp người như tiếng réo gọi muôn thuở. Một mặt tôi sợ hãi.

Tôi nằm đấy. Ngửa mặt nhìn lên cõi không trung bao la không mảnh vải. Dì Xinh bênh cạnh với quần áo đen nhà tu xô lệch nguyên thủy.. Có gì cần phải che đậy nữa.. Tôi như muốn kéo dài cái phút giây cảm giác đầu đời vừa đi qua. Chóng vách đến không kịp cảm nhận là điều gì thực sự đã xảy ra. Cũng chẳng biết gọi tên nó là gì. Chỉ có một điều rõ rệt là, thoáng qua một chút hoảng sợ, tôi cảm thấy một an vi, một nỗi bình an nội tại từ chốn thâm sâu của bản thể, từ cõi lòng đến thân xác.

Ngửa mặt lên nhìn trời, thấy trời đất bao la. Không gian như vút lên cao, trải dài ra như vô tận, cất nhẹ thân xác tôi lên, bồng bềnh trôi nổi đem so với hình hài bé nhỏ li ti xác thân người với cõi bao la vô tận. Nghe đâu đây, có tiếng người lao xao không rõ. Nghe xa xôi mà văng vẳng. Tiếng rú bâng quơ của một tên say rượu. Tiếng trống bập bùng như tiếng của loài ma quái..Thế giới như gần gũi là là mặt đất, đôi lúc lại bay bổng đến chóng mặt. Đôi lúc, tôi có cảm giác không thuộc về thế giới người nữa. Thế giới người với bon chen, ty tiện và phiền đa. Tôi đang ở một nơi nào vô định đến quên lối về. Gò đất chúng tôi vừa nằm như một ngọn núi cao sừng sửng, bụi cây gần đó tưởng như một rừng cây um. Tôi bất động, lãng đãng, thần trí lâng đâng trôi dạt nhấc tôi lên, dâng cao, đậu trên những đám sao trời, bồng bềnh theo những đám mây. Thế giới con người, thế giới của các dì như những bóng đen khốn khổ, thế giới của ông cố đạo với những bủn xủn ngặt nghèo như sụt dưới chân tôi.

Lòng lâng lâng, thảnh thơi. Đời như một giấc mơ- huyễn hoặc và quyến rũ- xa dời tất cả. Quên tất cả, hình hài đến thể xác, đến tinh thần. Thời khắc như đọng lại không trôi nữa. Chẳng biết khoảng thời gian đã trôi qua bao lâu…

Mảnh trăng đổ xuống những vệt sáng loang loáng trên những phần thân thể dì Xinh trắng nhễ nhãi ma quái, trên những phần đùi trắng bạch còn để lại dấu vết của những giọt hạnh phúc đã bắt đầu khô cứng như lớp vẩy cá. Chiếc áo chùng thâm nay đã nham nhở như những vết tích tủi nhục cả một thời con gái. Tôi lấy mảnh vải áo chùng đắp lên phần đùi của dì và nói nhỏ: em ơi, hãy ngủ đi.

Ngủ để quên cái quá khứ đọa đầy tuổi trẻ.

Chúng tôi thiếp đi một giấc dài giữa cảnh trời đất bao la. Chả biết là bao lâu nữa như giữa cõi tiên và cõi tục. Mấy con kiến bò lên bụng dì Xinh cắn nhồn nhột làm dì tỉnh thức. Dì Xinh ngơ ngác tỉnh dạy, cúi xuống phủi lại quần áo, kéo lại những vết nhăn do chứng tích đêm qua còn để lại..Dì như tiếc nuối quãng giây vừa qua. Cảm nghiệm siêu hình như vừa chợt đến nay mất đi không còn nữa. Dì không dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào tôi như mọi khi. Sự hốt hoảng thức dậy của thực tế trước mặt trở về. Dì cuống cuồng lo sợ. Chúng tôi lẳng lặng trở về nhà khi trời đã chạng vạng sáng.

Dì Xinh trở lại cái trạng thái đời thường, như thể vừa bị bắt gặp quả tang vừa đi ăn trộm.

Tôi thở dài chép miệng. Phải chăng câu chuyện trở về cội nguồn của Dì Xinh chỉ là một giấc mơ?

Tôi buồn nghĩ rằng: Bao giờ chúng ta ra khỏi chốn lưu đầy này? Dì hối hả rảo bước như thể muốn rút ngắn lại con đường từ cánh rừng về nhà xứ.

Tôi để mình Dì Xinh đi trước và thong thả bước về nhà.

Hình như, mùa xuân của chúng tôi vừa đi qua và mùa đông ngặt nghèo đã trở lại..

Chẳng biết bị tra vấn làm sao, dì Xinh đã đổ vấy câu chuyện vắng nhà suốt đêm qua lên đầu thầy Được. Tại sao dì đã không thú thật khai ra tôi? Tôi chẳng biết nữa. Câu chuyện Thầy Được, dì Xinh thành lớn, có một đồn mười. Thầy Được có muốn cãi cũng vô ích. Ai cũng tin chắc rằng truyện tồi bại đó do thầy Được quyến rũ dì Xinh mà ra. Thầy Được không duyên, không cớ trở thành con chiên gánh tội thiên hạ. Hồi chuông tắt lửa (Hồi chuông buổi tối báo hiệu mọi người trong làng đến giờ tắt đèn đi ngủ) cũng là hồi chuông báo nghiệp chấm dứt cuộc đời tu trì của thầy.

Cố Báu hay tin, không hỏi không rằng, đã quyết định gửi thầy Được về lại tỉnh Lạng Sơn cho Cha Minh quản lý. Đức Cha bèn sai thầy đi coi họ Bản Đầy mà chữ đầy ở đây ứng với trường hợp đi đầy của Thầy Được. Quá buồn, đúng hơn là quá nhục nhã và quá cực khổ..Vài tháng sau, thầy Được xin Đức Cha cho hồi tục, nghĩa là tu xuất và xin được chân gác cầu Kỳ Lừa. Nghe nói sau này, thầy Được đã lập gia đình ở đó.

Dù sao thì số phận thầy Được vẫn còn may mắn hơn dì Xinh.

Phần dì Xinh, bề trên quyết định gửi dì về lại bên nhà dòng để ăn năn, xám hối. Từ nay, cái điều tồi tệ đó sẽ theo bám suốt cuộc đời còn lại của dì. Bám cho đến lúc chết. Nước nào rửa cho sạch. Bà Nhất đã phạt dì phải chăn nuôi một đàn lợn. Đến bữa ăn, dì không được ngồi cùng bàn với các dì khác, mà phải quỳ dưới đất, lấy tay vốc cơm ăn với muối trong vòng 3 tháng.

Đã nhiều lần, tôi tính lên thú tội hết với cố Báu, nhận hết trách nhiệm về mình. Nhưng tôi không đủ can đảm. Mỗi chiều thứ sáu xưng tội với cố Báu, tôi đổ hết cái tội thuộc điều răn thứ sáu đó lên đầu cái Mơ, một cô bạn gái tại quê tôi. Mỗi thứ sáu, vô bằng vô cớ, tôi tưởng tượng ra những điều phạm tội với Mơ, đưa cố Báu vào một sa mù. Cố thắc mắc, cố nghi ngờ, cố hỏi vặn vẹo.. Tôi gian dối, bịa chuyện ra nặng nhẹ tùy lúc như một thứ trò chơi đuổi bắt… Cố càng muốn biết rành rõi, tôi càng lếu láo.

Phần dì Xinh, có nhiều hôm, trời nắng chang chang, dì đang cúi rạp mình trên chiếc thuyền thúng vớt bèo về băm cho lợn. Tôi ái ngại mà lòng thấy phẫn hận không yên. Một lần, tôi đã bơi ra phụ vớt bèo cho dì. Dì sợ mà vẫn ham muốn, nở nụ cười héo hắt từ mấy tuần nay. Bèo vớt xong, đầy thuyền thúng. Tôi bất chợt một tay kéo thật mạnh dì ngã dúi xuống nước, tay kia đẩy chiếc thuyền thúng vào bờ.. Dì chới với sợ hãi ghì chặt lấy tôi. Dì sửng sốt, ngạc nhiên, nhưng lại hứng phẫn quá đỗi để tụt cái quần xuống lúc nào. Hai tay dì bá chặt cổ tôi, chân quặp lấy ngang người. Và đến một lúc nào đó, dì lại rên rỉ: chú ơi, em bị sóng nhiều ở bụng. Suốt đời tôi sau này, không bao giờ tôi có thể quên được cái cảnh hôm ấy.

Sau cái lần ấy, thấy không thể tiếp tục ở cái nhà xứ khốn khổ này lâu hơn nữa, tôi tìm cách gửi thư cho thầy mẹ tôi gửi tiền lên để tôi hồi tục. Tôi nguyện với lòng là sau khi về lại nhà, sẽ tìm cách cứu dì Xinh ra khỏi cái nơi ấy. Tôi đã nói với dì và đã hứa chắc với dì như thế.

Nhưng rồi chiến tranh mỗi ngày, mỗi lan rộng, tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.

Nguyễn Văn Lục
Nguồn : Đàn Chim Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn