BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73362)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Chuyến Đi Tiền Đồn

09 Tháng Tám 20227:50 SA(Xem: 865)
Những Chuyến Đi Tiền Đồn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Ngày đầu năm trong ký ức tôi chợt nhớ về những chuyến đi trình diễn văn nghệ Cây Mùa Xuân trước năm 1975 thời Chánh phủ Việt Nam Cọng Hòa… Tôi thường đi đàn ủy lạo tinh thần các anh chiến sĩ nơi tiền đồn: qua các vùng chiến thuật xa xôi sỏi đá, trên những con tàu tuần duyên qua các sông rạch miền Tây hoặc đi thăm kể chuyện vui đàn hát an ủi  các thương binh tại các quân y viện nơi  các anh đang được điều trị. Lúc ấy, mỗi khi Xuân về tôi tự nguyện đi theo phái đoàn văn nghệ, lúc thì  nhóm nhỏ, khi thì nhóm lớn;  ban nhạc tôi chia nhau đi công tác và hoàn thành tốt đẹp.

Nhiều chuyến đi trong đời tạo nên những kỷ niệm khó quên nào hỉ nộ ái ố như quyển sách có nhiều chương chia từng phần: Sau khi chào đời như thế nào, thời đi học, thời dạy học, thời đi làm văn nghệ, sinh hoạt trong nhà thờ, những tháng năm trong ngục tù, dạy học ở hải ngoại, các shows nhạc đã thực hiện v.v…  tất cả tích tụ trong tôi  như một show nhạc kịch ca cảnh, một bản trường ca chia ra nhiều chương tiêu biểu cho mỗi giai đoạn sống của mình,  gồm nhiều màu sắc âm thanh, nhiều biến cường dynamic bất ngờ xảy đến không báo trước. Tôi ngụp lặn trong biển đời chơi vơi sóng gào gió thét.  Đến tuổi này, mái tóc không còn xanh, nay chỉ là một cô phụ ngồi bên ánh đèn lật  lại những trang sách, tìm chút dư hương ngày cũ tỉ tê với chính mình và chạnh lòng nhớ quê hương, nhớ về những ngày xưa lưu luyến với từng hình ảnh như khúc phim quay ngược thời gian hiện ra trước mắt mình…

 

Trường Nhạc Célicia

Tôi nhớ lại có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng  thường đến trường Nhạc Célicia của thân phụ tôi để tập dượt đàn như Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Giáo sư Hùng Lân dạy nhạc lý, Giáo sư Phạm Gia Nhiêu dạy Violin, Giáo sư Nguyễn Cầu dạy Piano, Quái kiệt Trần văn Trạch.  Và Giáo sư Piano Jacqueline người Việt lai Pháp từ  Paris về, Luật sư Nguyễn Phước Đại, Bác sĩ Bùi Duy Tâm, Nhạc  sĩ Nguyễn Hữu Thiết, tay trống Huỳnh Hường, Huỳnh Hiếu, Thầy Paul Gẩm nhạc trưởng nhà thờ Đức Bà cũng là tay Trompette xuất sắc, chú Phát  Saxso của Hải Quân,  Soạn giả cải lương bác Năm Châu,Thi sĩ Đinh Hùng, Thi sĩ Hồ Điệp, Kịch sĩ La Thoại Tân v.v… thường đến Trường Nhạc Cecilia do ba tôi làm giám đốc.

Cũng mỗi khi  có công tác văn nghệ  thì các nghệ sĩ nói trên  thường đến gặp ba tôi để nhờ ông giúp kiếm nhạc công, thành lập ca đoàn, thành lập ban nhạc, mượn  nhạc cụ hoặc mượn nơi để tập dượt… Quanh năm suốt tháng trường Cecilia ngày đêm không ngưng tiếng nhạc, nhất là vào dịp lễ trọng thể năm 1963 có  Đại Hội Thánh Mẫu ở nhà thờ Đức Bà -sau đại hội được đổi tên là  Vương cung Thánh đường- tại Thủ đô Saigon với một chương trình vĩ đại có hằng trăm Hồng Y, Giám Mục trên thế giới tụ về đó, chưa kể cả ngàn tu sĩ giáo dân cùng các ông lớn của chính phủ.  Ca đoàn và ban nhạc trên ba trăm ca viên, một trăm nhạc sĩ  tập dượt ba tháng ròng rã, trong số này có tôi vừa là “chú ký viên” vừa là nhạc sĩ nhóc cầm chầu, vừa đệm nhạc phụ vừa chạy việc linh tinh khi giờ trình diễn đến.

Thuở đó, tôi mới có mười hai mười ba tuổi thì đã được thân phụ cho kèm các em nhỏ học Violin bước đầu  hoặc Piano, nói theo bên Mỹ bây giờ là tutor, để tôi luyện tập sự kiên nhẫn và khai phá sáng tạo sư phạm, nhất là em nào kém cõi môn Piano là ba giao cho tôi “kèm cặp” các em. Khi nào có các phóng viên nhà báo đến làm phóng sự chụp ảnh thì tôi là cô giáo cầm cây thước, mở to họng để hát và họ chụp ảnh đăng trên báo; tôi  nhìn thấy mà “ớn” luôn.  Đến nay, khi tôi nhìn tấm ảnh của gần nửa thế kỷ về trước làm mình  “mắc cỡ” quá sức !

Nhà báo Chu Tử, Thi sĩ Trần Dạ Từ, và cây viết truyện phiếm với bút hiệu Tú Kếu của báo Sống thường đến trường nhạc để luyện dương cầm. Các chú ngại học với giáo sư cùng tuổi, họ đề nghị với ba tôi để tôi dạy kèm Piano.  Ba chú nhà báo này đến trường Nhạc Célicia tập đàn để tìm âm nhạc cho đầu óc giảm bớt căng thẳng bên tòa soạn, còn tôi cứ áp dụng như giáo sư nhạc.  Khi các chú gõ phím đàn sai nhịp hoặc trật số ngón tay là tôi dùng thước kẻ đập vào tay. Chú Chu Tử la:  “Đau chú, từ từ tao đàn đúng chứ mày bắt tao đàn đuợc như mày phải có thì giờ chứ…!  Chú Tú  Kếu kêu: “Con bé nầy “lấy le làm tàng hoài.”  Mày để chú tập chứ, từ từ nó cũng “dzô “cái đầu già này!” Chú Dạ Từ  thì  tĩnh hơn: “Từ từ đã cháu, chú mầy dốt phải cầm chừng chú chứ…. hề .. hề…!”

Mỗi chú đều than với ba tôi là tôi dạy nghiêm khó khăn quá nhưng các chú vẫn đến trường nhạc học và trả bài đàn đều đặn, nhất là chú Thi sĩ  Dạ Từ chịu khó chăm ngồi tập đàn với máy đánh nhịp (métronome) gõ đều.

Nhớ lại hơn năm mươi năm trước, thời gian đó thật tuyệt vời! Thời Chánh phủ Việt Nam Cọng Hòa, âm nhạc nghệ thuật như pháo nổ rực rỡ trên nền trời. Với tuổi trẻ sung mãn và nhiều nhiệt huyết; với cây đàn Organ Fafisa dây buộc trên lưng, tôi hăng hái leo lên chiếc quân xa, lên trực thăng đến tiền đồn đàn hát cho các anh nghe.  Biết bao kỷ niệm ăm ắp trong tim, ký ức thường trở về với tôi, nhất là những ngày đầu năm như hiện tại và tôi nâng niu như báu vật không có gì thay thế được!

doilinh-tiendonxaxoi

Thương Lắm Các Anh Chiến Sĩ

Thật vậy, có đến bên cạnh các anh tôi mới hiểu được sự gian khổ, chịu đựng của các  anh. Thời tiết lạnh bên ngoài thì phải có chút gì làm cho ấm áp, phải có thuốc lá hút hay trà cà phê mà uống.  Nhưng khi quân nhân đứng gác mà hút thuốc thì cũng lo cộng quân nhìn thấy rồi bắn tỉa hay nhắm tọa độ mà xạ kích. Có nhiều tiền đồn đóng quân quá xa, không dễ tiếp viện thức ăn nước uống hoặc thư từ thành phố; các anh sống chịu đựng với tinh thần can đảm cao ngất thật đáng nể phục và kính trọng. Các anh thường trải nỗi lòng mình sau những đêm văn nghệ ngồi bên giao thông hào với  tâm sự nhớ gia đình, nhớ vợ con, người yêu cách trở, những gương mặt sạm đen vì gió núi, đất biển, đôi mắt thụt sâu căng từng đêm, nhưng tinh thần kiên trì chiến đấu không mỏi mệt.

Tôi nhớ mãi câu chuyện cho đến nay mà tôi vẫn dạt dào thương mến anh chiến sĩ, người đã lột chiếc nhẫn và dây chuyền vàng cho tôi khi biết được đêm qua Việt Cộng pháo kích và đạn pháo rớt nhằm trên sân khấu, những nhạc cụ mà trong số đó có cây đàn Fafisa đầu tiên của tôi bị hư hại.  Chỉ trước đó ít phút, tôi vừa rời sân khấu chạy xuống phía dưới để tìm nước uống… Và tôi đã thoát chết trong tích tắc nhưng cây đàn thì  không còn nữa!

Tôi nghĩ đến chuyến đi ủy lạo kế tiếp làm sao có đàn đây, tất  phải quay về hậu cứ thôi. Tôi còn đang buồn khóc thì anh Được bước đến an ủi tôi và nói :

–       Không sao đâu em, vật đi thế thân. Em thoát chết, của đi thay người, về lại Sài Gòn em sắm cái khác nhé!

Tôi nghẹn ngào: Đâu phải dễ đâu anh, phải “còm-măng” tận bên Ý  cả tháng đàn mới về, rồi làm sao em đàn trong những chuyến đi  tới còn nhiều chương trình lắm!  Làm sao đây?

Lúc ấy, anh Được cỡi sợi dây chuyền vàng và chiếc nhẫn dúi vào tay tôi nói :

–        Em cầm lấy chút này mà kiếm cây đàn khác đi, anh phụ giúp em để em có tiền mua đàn khác nhé!

Tôi ngạc nhiên và xúc động về tấm lòng của một chiến sĩ có tâm hồn thương nghệ sĩ và anh cũng thường nghe biết tôi trong các chuyến lưu diễn, mấy lần trước khi tôi  đến trại của anh ủy lạo và đàn hát, anh đều đem nước uống lên cho ban nhạc. Có lần tôi nói đùa:

–       Sao chỉ có nước lạnh dzậy xếp ?  Bia đâu cho nhạc sĩ uống coi ? Uống nước đâu có sung đâu mà đàn…

Nghe xong anh lắc đầu cười xoà… Hình ảnh người anh chiến sĩ với nhiều thương cảm vẫn còn đọng lại trong lòng tôi đến giờ này không quên.

Có lần đoàn chúng tôi đi thăm quân y viện có các thương binh đang được điều trị. Chúng tôi ca hát, mang quà biếu tặng các anh, chúng tôi đi qua mỗi ghế bố có các anh nằm, có anh bị thương nơi đầu, có anh được băng bó nơi chân tay, có anh nằm thiếp đi không biết  phái đoàn vào thăm viếng. Tôi đi sang buồng bên cạnh tìm xem còn có sót anh thương binh nào hay không? Tôi vừa bước vào chưa kịp lên tiếng chào thì có một thương binh nằm bất động, tôi không thấy cánh tay đâu, hai chân bị băng bột.  Anh gọi tôi :

–       Chị ơi đến giúp tôi cái này. Cần lắm!

Tôi đến gần, anh ra dấu và nói: Chị lấy giùm tôi dưới ghế bố có cái lon. Tôi cúi xuống lấy cái lon không rồi đưa: Đây anh!

Anh đưa mắt nhìn tôi vẻ mỏi mệt. Anh nói :

–       Xin chị giúp cho tôi… tiểu!  Chị cầm giùm tôi cái chim cho tôi tiểu nha chị…  Giúp tôi đi tôi mắc quá!

Tôi hết hồn khi nghe anh nói thế…  nhưng tôi lưỡng lự thầm nghĩ rằng mình cũng phải làm để giúp anh.

–       Chị kéo quần xuống đi, nhờ chị cầm giùm mới tiểu được, không thì ướt quần hết không có quần khác để thay!

Ối dào! Lần đầu trong đời tôi gặp tình thế này, nhưng thấy anh khẩn khoản quá.  Tôi đành phải một tay cầm cái lon, tay kia kê cái chim anh bị đạn cắt đi một khúc.  Tôi vừa đế anh thông tiểu vừa hỏi cho đỡ thẹn:

–       Vậy chớ gia đình anh có biết tin anh ở đây chưa?

Anh lắc đầu không nói. Khi xong phận sự, tôi hỏi địa chỉ giúp anh để báo tin cho người nhà đến thăm, nhưng anh nói: “Không cần đâu!” Sau này, tôi mới biết anh đã có người yêu nhưng anh từ chối không cho cô ta gặp mặt. Và từ đó, thỉnh thoảng tôi vẫn thắc mắc chuyện anh ấy ra sao? Thời gian có khép lại những nghiệt ngã để anh tiếp tục sống không? Hay  như cơn gió vô tình đã mang anh đến chốn nào?

Những Chuyến Đi Văn Nghệ

Rồi con thuyền sinh hoạt văn nghệ đưa tôi đến nhiều bờ bến, từ các đài phát thanh, đến các sân khấu lớn nhỏ, đến các trại Long Bình, Phan Rang, Phan Thiết, Cam Ranh Bay, Bãi Thị Nại Qui Nhơn Bình Định, Gò Găng, Phù Cát , Đức Phổ Quảng Ngãi rồi xuống miền Tây sông nước Long An Mỹ Tho, Mỹ Luông đến Phụng Hiệp, Trà Vinh trên các sông ngòi, những nhánh sông, con kinh ngã Bảy của miền Hậu giang như mạng lưới nhện rộn rã tiếng ghe máy, tàu đò trên sông, qua vàm, qua phà… Ngày xa xưa ấy, mỗi lần chờ đợi sắp lên phà thì tôi được nghỉ chân ăn bánh mì, bánh ít, nem chua, mía ghim hay trái cây địa phương mà khách khó lòng từ chối bởi lời rao của các em bán hàng túa đến mời chào.

Hình ảnh quay ngược về lúc tôi lên tàu đò chuyển bến từ Rạch Giá đi An Thới, Phú Quốc phải qua một đêm. Trên tàu có khoảng vài ba mươi người nếu tôi nhớ không lầm, phần đông là các quân nhân, những chị vợ lính ra đảo thăm chồng hoặc mua hàng. Tôi đi chuyến tàu này lúc gần Tết để sáng ngày sau sẽ đến thăm trại tù có người bạn làm  y sĩ,  đồng thời tôi sẽ làm buổi trình diễn văn nghệ cho đồng bào.

Tàu đò đi trong đêm một lúc. Tôi nằm suy nghĩ sắp xếp chương trình cho buổi sinh hoạt văn nghệ sáng và chiều phục vụ đồng bào tại An Thới. Thình lình ở gần cuối khoang có tiếng xôn xao: Làm sao đây?  Bả sắp đẻ rồi… Không có bà mụ. Có ai biết đỡ đẻ không? Tiếng nói tiếng la dồn dập xen lẫn tiếng khóc rồi tiếng người chồng: ‘Ráng lên! Em ráng lên!”  Tôi đến gần chị và dỗ dành:  ‘Chị chờ chút xíu, tôi không biết có ai phụ đỡ chị không, tôi biết chút chút!’  Tôi nói với anh chồng: ‘Anh tìm nước nấu lên đi…’  Người chồng réo người tài công. Anh  tài công nói: “Đây làm gì có củi lửa cha nội. Thôi! Chờ chút”.

Nói rồi anh ta lấy cái nồi múc nước nấu bằng lò dầu trong khi tôi ôm sản phụ  từng hồi từng hồi chị quặn đau đẻ vừa thở hỗn hễn vừa la ông chồng đang ngồi chờ  nước nóng.

–       “Tại anh đó! Cũng tại anh! Đã nói thôi rồi mà còn… Có con trai đủ rồi còn ham…”

Anh chồng nói: “Thì kiếm thêm con gái cho nó đủ…” Cả tàu đò cười ồ lên nhưng một lúc sau chị la lên vì cơn quặn thắt làm tôi quýnh quáng…  Dù tôi có học một chút về căn bản phụ đỡ đẻ ở vài nhà hộ sinh Sài Gòn hay theo chị bạn lúc thực tập khi các bà lâm bồn.  Ví dụ như lúc khám thế nào để biết dạ con nở sâu bao nhiêu mới có đủ cho đứa bé chui ra hoặc cắt rún hay đỡ khéo đứa bé, nếu không biết cách khi đứa bé mới ra ngoài không khí trơn tuột có thể rớt như chơi vì còn dính bê bết máu, nước ối.

Nhưng lần này trên con tàu nhỏ bé thật sự không có ai phụ với tôi việc này, vì chị rên rĩ kêu la làm tôi bối rối. Tôi rửa tay trước khi khám sâu vào người chị.  Tôi nói: “Ráng lên hít sâu vào và rặn mạnh!  Chị làm theo lời tôi mấy lần mà tôi vẫn không thấy đầu đứa bé. Tôi khám lần nữa mới biết nó mới ló cái chân. Như vậy nó nằm ngược đầu, làm sao đây? Tôi đâu có học thủ thuật  cách xoay ngược đứa bé ra bằng đầu đâu, nhưng thấy bà ấy la quá chợt nhớ có đọc chuyện Nữ hoàng Cleopatra lúc sinh con tư thế phải đứng  khom lưng chứ không nằm như mình thường thấy biết mà vẫn sinh con được. Tôi làm liều kêu người chồng kiếm gối hay vật  gì kê lưng bà cao lên, chồng bà cầm chắc hai cánh tay vợ đang ghì để tôi thọc sâu bàn tay vào trong để xoay chân em bé đẩy từ trái vòng qua phải như kim đồng hồ thật nhanh để cho đầu em xoay xuống, miệng tôi không ngớt kêu chị lấy hơi sâu, đẩy mạnh và rặn hết sức để hai tay tôi kéo đầu em ra. Tôi hối anh chồng rửa dao và hơ lửa sẵn để cắt rún. Thế rồi bé gái ra khỏi bụng mẹ khóc oa oa làm tôi và mọi người trên tàu thở phào nhẹ nhỏm.  Nhìn qua ánh đèn, tôi thấy cả cánh tay tôi đầy máu. Tôi nói với anh chồng: Khi tàu đò cập bến, anh phải đem chị và em bé lên bệnh viện liền để làm thuốc và hậu trị.

Tôi trải qua những giờ phút căng thẳng và mệt mỏi nhưng hạnh phúc và cảm thấy Thuợng Đế cho tôi đôi bàn tay không phải để đàn mà còn cho tôi biết con người còn làm nên những điều kỳ diệu khác qua đôi tay sáng tạo yêu thương từ trái tim.  Biết bao nhiêu điều, bao nhiêu việc tôi muốn nói đến mỗi giai đoạn của đời tôi sau năm 1975 ở trong nhà tù với tội danh họ gán cho tôi là thành phần phản cách mạng, xúi giục quần chúng.  Bây giờ đã mấy mươi năm, tờ giấy lệnh tha đã vàng ố còn nằm trên bàn nhà tôi tại Hoa Kỳ này lại làm tôi nhớ những chiến sĩ đã có lòng thương mến tôi nơi Chí Hòa, nơi trại giam đã tìm cách quăng  các viên thuốc bổ, bọc muối xả, vài tán đường v.v… tiếp  sức cho tôi qua cửa buồng hay mỗi khi tôi đi “làm việc” với tên chấp pháp hay trưởng khu.  Tôi bước đi không nổi vì đã bị chúng tra tấn tàn bạo.  Tôi bước đi và té ngả nhiều lần, bước chân đi khập khểnh về xà lim biệt giam. Các anh cũng bị cọng sản bắt vào nhà tù với cùng tội danh như tôi, nhưng tinh thần các anh vẫn kiên cường. Dù phải ở trong buồng giam tập thể, các anh vẫn sinh hoạt sáng tạo những việc rất đáng khâm phục. Các anh khích lệ tinh thần cho tôi nơi chốn khổ hình, tôi không biết mặt biết tên nhưng vẫn nhớ như việc xảy ra ngày hôm qua.  Mỗi khi tôi đi ngang buồng tập thể, các anh hát vói ra câu nhạc “Mùa Đông Của Anh” do Trần Thiện Thanh viết mà đổi lời. Thay vì câu : “Xưa hôn em một lần rồi đau thương trọn kiếp” v.v… thì họ hát  Xưa hôn Phương một lần, rồi  anh ho lao gần chết. Em đi đi coi chừng đừng “Bánh hỏi thịt quay” có ý nhắn tôi coi chừng họ hỏi cung và “quay” có nghĩa là đánh đập.

Ngày tôi bị chúng bắt chỉ có một bộ đồ trên người, hơn ba năm ngồi trong nhà tù cọng sản, nếu các anh không giúp cây kim sợi chỉ hay nắp lon sửa bò lượm được khi tắm nắng để cắt quần dài thành quần ngắn, để phần cắt có được chiếc áo lá cho bớt lạnh, vì bộ đồ trên mình tôi chà lết trong tù vải đã mòn. Nghĩa cử cao đẹp của các anh tôi -không thể kể hết ra đây- đã cho tôi sống sót trở về đời. Tôi xin cúi đầu cảm tạ các anh nghìn lần và mãi mãi.

Những mùa Xuân đi qua trong đời là những dấu ấn kỷ niệm không phai nhòa trong tôi. Bởi vì tôi đã được nếm nhiều hạnh phúc có nụ cười lẫn những mùi vị mật ngọt đắng cay chua xót và nước mắt. Tất cả tích tụ trong tim tôi làm thành những dòng nhạc  sáng tạo đan thành những âm thanh từ đôi bàn tay Thượng Đế ban cho.

Xin cảm ơn Ngài. Tạ tình người. Cảm ơn tất cả!

                                                                                                                                                                                                           Linh Phương

Ý kiến bạn đọc
22 Tháng Mười Một 20224:38 CH
Khách
CẢM TẠ QUÝ VỊ ĐÃ ĐĂNG BÀI CỦA LINH PHƯƠNG.CHÚC QUÝ VỊ LUÔN BÌNH AN MẠNH KHÕE
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn