Phía Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ trưởng công an cố gắng tìm kiếm kênh liên lạc với giới chức chính phủ Trung Quốc để tìm kiếm một thoả thuận là đưa bà Thoa và nhóm người áp giải về.
Ngày 4 tháng 2 năm 2021, tròn 20 ngày sau chuyến bay kỳ lạ kia, những người đang chăm lo đời sống cho 6 chiến sĩ an ninh Việt Nam nhận được một ngỏ ý từ một người Việt Nam, anh ta mong muốn 6 chiến sĩ an ninh được về vào ngày 6 tháng 2.
Lời ngỏ ý của anh ta được chấp nhận, nhưng bên chấp nhận nói rằng có thể phải sang ngày thứ hai, tức ngày 8 tháng 2 năm 2021. Bởi việc di chuyển người từ đảo Hải Nam về trong lúc dịch bệnh e rằng khá mất nhiều thời gian vì đi đường bộ, đường thuỷ. Cùng lúc ấy một thông báo của họ gửi đến lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thông báo về dự định trao người và đề nghị phía Việt Nam phối hợp.
Thế nhưng ngay hôm sau, trong Bộ Công An đã tiết lộ ra ngoài một tin tức, những người phụ trách điệp vụ VH20 đã hân hoan thông báo rằng do họ có những biện pháp tâm lý chiến, đối thoại mềm dẻo đã dẫn đến việc bên kia phải trao trả 6 người về Việt Nam.
Sự hân hoan quá sớm này thành tai hại, phía những người chăm sóc 6 chiến sĩ an ninh đã xác minh lại với người Việt ngỏ ý xin cho 6 người về. Rằng có phải anh ta được phía an ninh Việt Nam tác động để nhờ xin người về. Câu hỏi ẩn chứa đằng sau dĩ nhiên không nói trắng ra, nhưng ai cũng hiểu, đó là anh ta có phải làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam không?
Người xin hộ về tự nhiên tai bay vạ gió, mua dây buộc mình. Anh ta thanh minh, có thể phía công an Việt Nam họ thấy tin thả người về, họ tự nhận công lao như thế để cứu vãn phần nào về điêp vụ VH20 bất thành. Còn nếu anh ta là người của an ninh Việt Nam, điệp vụ VH20 có khi đã sang chiều hướng khác.
Ngày 8 tháng 2 năm 2021, thành phố Lạng Sơn tiếp đón những đoàn xe khác nhau, của nhiều cơ quan khác nhau đổ về. Nhưng không có sự trao trả người nào diễn ra.
Vài ngày sau đó, bộ trưởng Công An Tô Lâm gửi lời mời thiết tha đến bộ trưởng Công An Trung Quốc Triệu Khắc Chí sang Hà Nội để dự hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm giữa hai nước. Ngày 19 tháng 2, tại hội nghị, Tô Lâm kể công lao đã thực hiện nhiều yêu cầu của Trung Quốc như bắt các tội phạm TQ lẩn trốn tại Việt Nam và khẩn khoản yêu cầu phía công an Trung Quốc hợp tác xác minh các vụ mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và việc giải cứu phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc.
Tất nhiên mục đích chính mà Tô Lâm đề cập là vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa, vừa nhờ cậy vừa tung ra đòn đe nẹt cho nhóm những người đang chăm sóc bà Thoa và 6 chiến sĩ an ninh Việt Nam.
Dư luận hôm đó cho rằng phía TQ cứ quan khâm sai sang nghe báo cáo nhân sự mới của khoá 13 đảng CSVN, thực sự thì chuyến đi của Triệu Khắc Chí không phải mục đích như vậy. Nhân sự nội bộ đảng CSVN đã được thống nhất và tham khảo ý kiến trong nội bộ đảng và các lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu từ trước trung ương 14 cả chục ngày, tức từ đầu tháng 1. Triệu Khắc Chí sang với mục đích yêu cầu phía công an Việt Nam tiếp tục làm mạnh những đường dây ma tuý từ Lào vòng qua Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu các bạn chú ý theo dõi, trong những năm vừa qua, công an Việt Nam phá rất nhiều vụ ma tuý lớn, đặc biệt là Heroin, hầu hết những đường dây này đều hướng về nơi tiêu thụ ở biên giới phía Bắc.
Đáp lại yêu cầu của Tô Lâm về vụ bà Hồ Thị Kim Thoa, phía Trung Quốc trả lời không biết.
Không biết đó là câu trả lời hữu nghị nhất Triệu Khắc Chí có thể dành cho Tô Lâm.
Bởi nếu biết, phải đi ngược lại vụ an ninh Việt Nam bắt giữ ba người Trung Quốc tại Pháp lúc trước. Vụ nhầm lẫn tai hại ấy vì bắt giữ một nhà tài phiệt, một công dân có vị trí quan trọng của Trung Quốc, trong khi giam giữ còn xảy ra xô xát, hành vi bắt giữ thô bạo như rải đinh, đánh thuốc mê, giam giữ nơi bí mật. Lúc ấy phía Việt Nam đã thoả thuận với Trung Quốc xin thả nhà tài phiệt và cô gái đi cùng, chỉ giữ bà Thoa để tiến hành thủ tục với Pháp đưa về. Nhà tài phiệt được người của chính phủ Trung Quốc hộ tống ra sân bay về nước, nhưng đến sân bay anh ta lộn ngược lại Paris, những người hộ tống anh ta không ai dám ngăn cản vì biết cá tính ngang tàng của một võ sĩ trong con người anh ta, hơn nữa là ảnh hưởng của anh ta , nếu ngăn cản chuyện xảy ra ẩu đả ở sân bay là điều không thể tránh khỏi, khống chế và dùng vũ lực với anh ta thì những người hộ tống không được phép làm. Lệnh trên là bảo vệ anh ta về an toàn chứ không phải là áp giải.
Chỉ hai tiếng sau khi rời khỏi sân bay, anh ta đưa ra thông điệp, bọn tao đi ba về phải ba. Trả nốt bà Thoa lại cho tao, nếu không chỉ ngày mai tao tổ chức họp báo mời cảnh sát Pháp, đại diện ngoại giao các nước, truyền thông quốc tế đến để nói về hành vi khủng bố, bắt cóc người của cơ quan an ninh Việt Nam xảy ra tạị Pháp.
Phía Việt Nam lúc ấy đã phải cầu cạnh Trung Quốc xoa dịu anh ta và đồng ý trao trả bà Thoa lại cho người của lãnh sự Trung Quốc, để họ bàn giao lại cho anh ta.
Với diễn biến trước đó như thế, câu trả lời không biết của Triệu Khắc Chính là không thể nào khác được. Ông ta muốn nhắc phía Việt Nam, nếu khơi lại chuyện này thì sẽ không chừng chuyện bên Pháp cũng bị khơi lại. Tóm lại ông ta không muốn dây vào việc mà bộ công an Việt Nam đã làm đầy tai tiếng do sự bất cẩn trước kia.
Điều ấy có nghĩa, không có con đường chính thức nào để làm cơ sở đưa 6 người an ninh Việt Nam kia về nước, nó cũng có nghĩa việc đưa bà Thoa về từ Trung Quốc là điều không thể thống nhất trong hội nghị hợp tác giữa hai bộ công an an hai nước lần này.
Lúc chưa xảy ra vụ rải đinh, ép xe bắt bà Thoa. Tôi đã viết trên facebook của mình, bài hát số 33 có tên Người Về của Phạm Duy hay tắt đi, vì có thể làm hàng xóm phiền.
Sau khi bà Thoa được trao trả lại, tôi viết một stt nữa ý nói hãy để những người xa nhà trở về ăn Tết, không thành được đâu, đêm hôm giá lạnh của tháng 12 xứ trời âu, nhìn họ nhấp nhổm ngồi trong xe ô tô ngoài đường tội lắm.
Nếu không cay món nợ với Thích Minh Hiền, có lẽ chẳng bao giờ tôi viết ra câu chuyện này, có rất nhiều tình tiết tôi còn chưa nói hết, những tấm hình chẳng hạn như lúc trao trả bà Thoa và nhiều tấm hình, clip khác tôi chưa thấy cần thiết phải đưa ra.
Người ép tôi viết ra câu chuyện này, không ai khác, chính là trụ trì chùa Hương, đại đức Thích Minh Hiền, kẻ chơi hàng hiệu toàn loại phiên bản giới hạn, độ ăn chơi của Hiền nếu xếp hạng trong các sư sãi Việt Nam phải đứng tốp đầu, câu nhất Quyết, nhì Nghiêm, tam Hiền, tứ Nhã là chỉ xếp hạng về thế lực trong giáo hội Phật Giáo. Còn về độ ăn chơi, xa xỉ và mất phẩm chất Thích Minh Hiền phải đứng đầu.
Trước khi sang phần sau, mời các bạn đọc lại bài thơ nổi tiếng của Hoàng Trung Thông, nói về những người chiến sĩ lên đường đi chiến đấu, cũng xin gửi tặng bài thơ này đến cấp trên, đồng đội và gia đình của 5 người chiến sĩ an ninh ( một người đã về sẽ nói ở phần sau ), đôi khi chúng ra cũng nên đọc một bài thơ, nghe một bản nhạc để giảm sự căng thẳng hàng ngày.
BAO GIỜ TRỞ LẠI.
Các anh đi
Ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi
Bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi
Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau
Anh giờ đánh giặc nơi đâu
Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng
Giảm tô hai vụ vừa xong
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường
Dẫu rằng núi gió đèo sương
So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi
Bấm tay tính buổi anh đi
Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về ?
Lúa xanh xanh ngắt chân đê
Anh đi là để giữ quê quán mình
Cây đa, bến nước, sân đình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
Hoa cau thơm ngát đầu nương
Anh đi là giữ tình thương dạt dào
Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong
Chờ mong chiến dịch thành công
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ
Anh đi chín đợi mười chờ
Tin thường thắng trận, bao giờ về anh ?
Người Buôn Gió
Blog Người Buôn Gió