BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73435)
(Xem: 62247)
(Xem: 39436)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ân oán Thích Minh Hiền

09 Tháng Ba 20216:46 SA(Xem: 1661)
Ân oán Thích Minh Hiền
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Thích Minh Hiền tên thật là Nguyễn Sơn Nam, sinh quán ở Nam Định. Hộ chiếu mang tên Thích Minh Hiền, sinh quán tại Hà Nội.

Chỉ cần với tấm hộ chiếu được công an cấp ngang ngược như vậy, ai cũng hiểu thế lực của Thích Minh Hiền lớn đến cỡ nào.

Theo truyền thuyết kể rằng , Sơn là sinh viên đại học, nửa chừng bỏ vào chùa Hương xin tu. Nhờ có chữ nghĩa hơn các đồng đạo khác trong chùa,  Sơn được đại đức Thích Viên Thành trọng dụng làm thư ký ban cho pháp danh là Thích Minh Hiền. Những đồng đạo ở chùa Hương nhiều người có năm tu hơn Minh Hiền rất nhiều, nhưng họ tu lâu quá không còn bụi trần, không còn ham muốn tranh đoạt.

Bởi thế khi Thích Viên Thành mất đi vào năm ngài mới 53 tuổi sau sự kiện phát hiện trận đồ yểm ở sông Tô Lịch, Minh Hiền nghiễm nhiên trở thành trụ trì chùa Hương.

Buổi ấy dân cư chung quanh chùa kinh doanh bát nháo, chèn ép cả chùa. Minh Hiền bèn tìm cách kết giao với đám giang hồ như Vân Tóp, Ngọc xám. Phong cho đám này là thâp bát kim cương để ra oai uy hiếp đám dân bản xứ gây lộn xộn. Mặt khác Minh Hiền quan hệ với an ninh văn hoá cam kết đảm bảo duy trì đúng tinh thần đạo pháp, chủ nghĩa xã hội, dân tộc. Không để tư tưởng lệch lạc đường lối tôn giáo của đảng xuất hiện trong chùa.

Chưa hết, Minh Hiền còn chiêu mộ những nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia vào chùa làm đệ tử cho mình.

Thực sự Minh Hiền có tầm cỡ của một chính khách, y biết cách dựa vào đường lối của đảng, biết cách chiêu mộ xã hội đen, biết kiểu dụ dỗ các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ quy tụ lại để phục vụ cho y.

Năm 2008 tôi có đi theo nhóm bạn là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh vào chùa Hương. Hôm ấy chứng kiến cảnh những người bạn có học thức của mình, quỳ rạp dưới đất vái chào Minh Hiền. Hiền ngồi trên ghế như một vị chúa tể , giọng kẻ cả ban phát những lời hỏi thăm. Ai nấy được hỏi thăm đều cảm động còn hơn được Hồ Chí Minh hỏi thăm mình, họ cứ cúi đầu vâng dạ , một điều hai điều bẩm thầy.

Mình Hiền lấy mấy cái bật lửa Dupont và bút máy Monte Blanc mới mua được ra khoe với đám đệ tử, ai cũng trầm trồ là đồ quý hiếm. Dạo ấy đang rộ lên mốt người người, nhà nhà đua nhau làm nghệ sĩ nhiếp ảnh, chắc hẳn mọi người còn nhớ cái phong trào đeo khăn rằn, đầu trọc, để râu và vác ba lo máy ảnh của những hót boy như Nason. Mình Hiền cũng chơi máy ảnh và chụp ảnh. Tôi chỉ nhớ lúc đó Minh Hiền tậu ngay một chiếc máy ảnh hình vuông vuông loại đắt nhất bấy giờ, khoảng 8 nghìn usd, mặc dù trong hậu viện của Hiền đã có đầy những chiếc Leica, Sony, Canon đều thuộc hàng đắt nhất.

Sư Hiền chơi một triển lãm ảnh vô tiền khoáng hậu ở Yết Kiêu, đó là triển lãm ảnh Minh Hiền chụp Tây Tạng. Triển lãm có tên là Tây Đông Tuyết và Hoa vào năm 2008. Cuộc triển lãm này ý đồ của sư Hiền là thể hiện tài năng nhiếp ảnh của y, ngoài ra còn mang mục đích chính trị là ca ngợi sự bình yên của Phật Giáo ở Tây Tạng, không như tin đồn Phật Giáo Tây Tạng bị đàn áp. Ý đồ phục vụ chính trị của Thích Mình Hiền không chỉ nằm trong việc ngăn  chặn những  tư tưởng đi ngược với đường lối đảng mà y còn đi xa hơn là ca ngợi ngầm chế độ độc tài. Chẳng hạn như bài y viết ca ngợi Đỗ Mười có tính thiện lương như một vị Bồ Tát.

Năm 2008 ấy tôi có bài viết về Thích Minh Hiền trên blog yahoo, bài viết kể về thú chơi đồng hồ các loại đồng hồ, bật lửa, bút máy, kính mắt, máy ảnh đắt tiền của Thích Minh Hiền và con số điện thoại, biển số xe ô tô đều mang đuôi 1188 của Thích Minh Hiền.

Minh Hiền sử dụng giang hồ, an ninh văn hoá đe doạ buộc tôi gỡ bài. Nhưng không được, đám bạn của tôi đến nói tôi không gỡ bài thầy cấm họ vào chùa. Họ nói vì tôi đi với họ, thầy mới khoe mẽ thế, nếu không làm sao tôi biết mà viết, để tôi viết thế họ mắc tội với thầy.

Không muốn đám bạn bị phiền, tôi xoá bài đi. Ân oán với Thích Minh Hiền đến đó là chấm dứt, tôi không một lần quay lại chùa Hương nữa.

Cuộc đời thiết nghĩ chẳng bao giờ gặp lại Thích Minh Hiền nữa, nhiều năm trôi qua với bao sự kiện cuốn tôi theo. Thảng khi thấy bài báo viết ca ngợi Thích Minh Hiền, chỉ cười nhạt rồi để tâm đến chuyện khác nóng hổi hơn. Chỉ thấy coi thường đám bạn và đám nghệ sĩ, nhà báo, đám con nhanh đệ tử của Minh Hiền. Dù họ biết rõ Minh Hiền có thú chơi xa hoa, tốn kém hàng núi tiền, lẽ ra họ phải thấy cái tâm tu của Hiền không thanh tịnh, nhưng trái lại họ lại cho rằng sư Hiền các giàu, càng nhiều đồ đắt tiền thì càng chứng tỏ tầm cỡ của sư khủng và đáng phải trọng vọng. Nhất là biết các quan chức cấp cao như Phạm Quang Nghị, Đinh La Thăng ...hay gặp gỡ thầy, họ lại càng nể sợ và khâm phục sư Hiền hơn.

Cuộc đời thay đổi mỗi người một phương, Thích Minh Hiền vẫn trụ trì chùa Hương và vẫn sắm đều đều những thứ xa xỉ, vẫn sống trong sự trọng vọng của đám con nhang đệ tử không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Minh Hiền đi sang châu Âu nhiều chuyến, ngoài hoằng pháp vài ba bữa , chủ yếu còn lại Minh Hiền đi các hãng đồng hồ sang trọng nhất thế giới để sắm cho mình những phiên bản giới hạn.

Còn tôi, kẻ ất ơ năm nào viết trên yahoo đã sang Đức theo học bổng văn hoá của thị trưởng thành phố Weimar.

Một ngày trên tin nhắn Facebook có người hỏi tôi.

- Anh Hiếu ở Phất Lộc phải không, nhận ra em không?

Tôi nhận ra thằng đàn em từ thời tôi 20 tuổi ( tính đến giờ đã 29 năm ). Chúng tôi ôn lại chuyện cũ từ thơì trai trẻ. Đó là thằng Hiệp ở Gia Lâm. Vài bữa sau Hiệp từ Ba Lan sang thăm tôi cùng một thằng nữa. Đêm ấy chúng tôi ôn lại những kỷ niệm xưa, cuối cùng thì cả hai thằng đều ơn trời đất đã sống được đến bây giờ, sau khi điểm danh những anh em ngày ấy đều đã chết cả, không chết vì ma tuý thì cũng chết vì tù tội, đâm chém, tự vẫn hay bệnh tật.

Hiệp bấy giờ buôn đồng hồ, nó lấy hàng từ châu Âu đánh về Việt Nam. Một tháng sau hôm gặp lại ấy, nó gọi điện nói tôi nhận giúp một số tiền rất lớn.

Người ta mang đến đưa cho tôi một số tiền lớn đến nỗi chưa bao giờ trong đời tôi cầm được. Hai hôm sau Hiệp nhắn tôi mang số tiền đấy đến một khách sạn, gặp một người Tây Ban Nha, đưa cho họ và họ đưa lại 9 cái đồng hồ và một cái điện thoại Vertu.

Một tuần sau Hiệp mới sang lấy chỗ đó về. Tôi hỏi nó.

- Sao mày không nhờ thằng A.

Hiệp nhoẻn miệng cười.

- Một đống tiền, nhờ người khác, họ kêu bị mất, bị cướp thì làm gì được họ.

Tôi nhìn thằng đàn em, sau hơn hai mươi năm không gặp, ngày gặp lại nó nhờ tôi cầm hộ khoản tiền trị giá bằng mấy căn hộ tôi đã ở Việt Nam, không một tờ giấy xác nhận, chỉ có người đưa và người nhận biết với nhau.

Từ đó tôi theo nghề buôn đồng hồ, tôi chỉ chọn phân khúc tầm trung như Longines, Omega, Poljot và Rolex loại rẻ nhất. Người hâm mộ của tôi nhiều, họ tin tưởng chất lượng cũng như giá thành, rất nhiều người muốn mua làm kỷ niệm. Tôi bán đến hàng rổ đồng hồ, có tuần bán đến 30 cái. Có những cái chỉ đăng lên chưa đầy 2 phút đã có người mua, không ai mặc cả gì hết.

Tiền lời tôi bỏ ra sưu tầm đồng hồ Poljot. Vì sao tôi sưu tầm loại này, hẳn các bạn biết ở thế hệ tuổi của tôi sinh ra ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, loại đồng hồ ấy là thời thượng của những người khá giả tại miền Bắc vào những thập kỷ 80 đổ về trước. Trong góc sâu tiềm thức nào đó của tôi, cái tên Poljot như là một dấu ấn. Một phần lớn tôi mua lại của thằng Hiệp, phần còn lại nó săn hộ tôi và bản thân tôi cũng săn lùng thêm.

Một ngày có một ông bạn già đến chơi, ông nhiều năm sống ở Đức, cũng có đam mê chơi đồng hồ. Ông nói với tôi.

- Chú không nên sưu tập nhiều đồng hồ như thế này, tại chú bán toàn Omega, Rolex. Thiên hạ sẽ nghĩ tất cả chỗ đồng hồ của chú đều đắt tiền như thế,  lỡ bọn nào nó đến cướp thì sao ?

Lúc đầu tôi cũng không nghĩ ông bạn già nói đúng, nhưng dần dần về sau tôi bán những chiếc đồng hồ đắt tiền hơn như JL, Vacheron, AP, PP....tôi thấy cũng chột dạ, mỗi cái đồng hồ ít cũng hơn 10 nghìn euro. Thiên hạ ai đó đồn nhau chỗ đồng hồ Poljot của mình sưu tầm cũng đắt như thế thì đúng là hậu quả khó lường.

Người kinh nghiệm giang hồ là ngừa nguy hiểm  đến, chứ không phải đợi đến lúc nguy hiểm đến đối phó với nó để thể hiện bản lĩnh. 

Tôi tính chuyện bán bộ sưu tập đồng hồ Poljot của mình đi, đem ý đấy nói với thằng Hiệp.

Thằng Hiệp sang nhận số đồng hồ sưu tập của tôi về, tôi bẵng thời gian rất lâu không hỏi gì đến. Bởi tôi không cần đến tiền, vả lại tôi đã uỷ thác cho nó, mặc kệ nó xử lý, khi nào xong nó sẽ bảo lại cho tôi.

Bẵng đi thời gian, tôi buôn bán ngày càng dư dả với đồ gia dụng, bếp từ và đồng hồ các loại. Tôi không để ý gì đến bộ sưu tập mà mình đã gửi Hiệp.

Một lần tôi sang Balan thăm nó, thấy nó thuê hai kiot liền nhau giữa chợ làm văn phòng. Nó bảo em làm về du lịch và cờ bạc online. Nó cho tôi xem phần mềm đánh bài, đánh bạc trên mạng. Nói trong tương lai kiểu chơi này sẽ hút khác, chỉ cần ăn phần trăm là ngon.

Tôi như vịt nghe sấm, thực lòng mà nói tôi kinh qua bao món từ xóc đĩa, lô đề, bóng bánh, ba cây, chắn cạ, tá lả đến gà chọi, cờ tướng...mọi hình thức cờ bạc phổ thông cái gì tôi cũng trải qua đầy đam mê. Nhưng từ khi biểu tình cuối năm 2017, tôi từ bỏ tất cả mọi trò cờ bạc. Quên đến nỗi có lần nghe độ bóng chấp một ba phần tư, nghĩ mãi không ra là thế nào.

Thời gian sau nữa sang Balan, tôi thấy nó không còn kiot, biết cậu em làm ăn bễ rồi, nhưng cũng không hỏi sâu. Đến một ngày vào buổi tối, nó gọi điện báo.

- Anh ơi, em bị cảnh sát Đức giữ ở biên giới, lần trước em mang hàng qua biên giới, bị truy thu thuế. Ra toà bị phạt 7 nghìn euro, em đóng 5 nghìn lúc ấy. Giờ qua đây công an kiểm tra giấy tờ, họ lôi ra vụ tiền toà phat, nếu em không có thì họ quy hơn 30 euro bằng một ngày tù. Anh có chạy xuống đây giúp em được không.?

Biên giới Ba Lan và Đức cách chỗ tôi ở hơn 100 km, tôi bảo sẽ đến nộp tiền. Cảnh sát biên giới họ đồng ý cho Hiệp chờ người nhà mang tiền đến.

Tôi không đi, ở nhà gọi điện cho người quen ở khu vực ấy, nói có việc như thế, nhờ họ mang tiền đến nộp. Người quen ở đấy ngay tức khắc đến đồn cảnh sát biên phòng nộp tiền và đón Hiệp về nhà họ nghỉ ngơi, hôm sau họ chở Hiệp đến nhà tôi.

Tiếp đón mọi người chuyện trò hàn huyên, đêm ấy Hiệp ở lại nhà tôi. Lúc chẳng còn ai, tôi bảo nó.

- Thôi cái gì cũng có vận, mày bây giờ vận đen rồi, không hỏi tao cũng biết mày thế nào. Mày ở nhà mà lo quanh quẩn với vợ buôn bán ( vợ nó vẫn hàng ngày tần tảo với sạp quần áo bán buôn ). Lấy cái chỗ tiền bán bộ Poljot của tao mà làm vốn phụ cho vợ.

Hiệp tần ngần, lúc sau nó bảo.

- Chỗ đấy em gửi người ta, họ đang xem anh ạ, chỗ uy tín nên mình cũng không dám thúc họ.

Tôi không nói gì nữa, sáng sau nó sắp về, tôi mang 5 cái đồng hồ mà tôi để thay đổi nhau đeo, giữ lại cái Rolex mặt cà phê , 4 cái còn lại đưa nó bảo mang về  bán đi lấy vốn, phụ với vợ, không được chạy loanh quanh nữa.

Tưởng thế là yên, nào ngờ năm sau thấy nó cùng mấy người khác đầu tư một giàn máy tính, một nhà kho để đào Bitcoin, nó bảo cái này chắc chắn là ăn anh ạ. Mình chỉ cần có điện rẻ, cứ để máy đào, đồng tiền này còn sẽ lên nữa. 

Bây giờ thì Bitcoin lên đúng như nó nói, nhưng mà nó không trụ được đến bình minh. Cả giàn máy như một nhà máy công nghiệp nhỏ, thành đống rác phế liệu.

Hôm ấy ở nhà tôi, có người gọi đòi nợ nó tiền, tôi nghe ra là vụ làm ăn bị đổ bể, giờ quy kết trách nhiệm nhau loạn lên. Người cầm tiền đã đi, nó ở lại bị người ta đòi mặc dù nó không cầm đồng nào. Tôi phải đứng ra phân giải rồi cuối cùng trả cho người kia một nửa như yêu cầu.

Nó cúi đầu ủ rũ buông câu.

- Em làm phiền anh nhiều quá.

Tôi biết 4 cái đồng hồ AP, JL, Vacheron, Breitling của tôi đã tan nát, cả 4 cái đều bằng vàng khối 18k. Những người nào chơi nhìn hình dưới sẽ biết giá trị của chúng. Nhưng buồn hơn là thằng đàn em dìu dắt tôi vào nghề buôn đồng hồ đã lần nữa thất bại. Thực sự với mối giao tình đến nay đã ngót 30 năm, từ cái ngày mà cả hai còn tuổi đôi mươi, chúng tôi trải qua bao cay đắng cuộc đời, số tiền ấy lớn nhưng không có nghĩa lý gì với nỗi buồn người anh em mình không thành công được trong dự định.

donghocuanguoibuongio

Điều mà tôi nổi giận với nó nhất đến mức chửi rủa, là nó đã hèn nhát không thanh minh với bố nó, rằng tôi không phải là kẻ rủ rê nó. Lúc nó đưa lá thư bố nó viết, có đoạn ông bảo nó rằng.

- Nếu con không chơi với thằng Toàn Say và thằng Hiếu Phất Lộc , con đã không bị chúng rủ rê, con không theo chân chúng thì đâu đến nỗi thê thảm thế này.

Lá thư ông viết cho nó vào năm 1995, khi tôi đọc được sau này, thực sự tôi đã nổi giận vì nó đã không có lời thanh minh hoặc phản bác lại mọi thứ nó làm là tự nó, lúc ấy tôi đã ngăn cản nó, rồi nó đi theo bọn khác.thubothanghiepnoivenguoibuongio
Bây giờ ông đã mất đi, chắc khi lìa khỏi cõi đời này, ông vẫn nghĩ tôi là người đã rủ rê con ông ấy vào con đường tội lỗi. Tôi có mất đi bao nhiêu tiền đi nữa, không thể nào để ông trước khi ra đi kịp hiểu rằng tôi không phải con người như ông nghĩ. Đó là cái tôi cảm thấy đau đớn hơn nhiều so với những đồng tiền ngày hôm nay do làm ăn không gặp vận mà thằng Hiệp làm mất đi.

Tôi trả số tiền cho người đòi nó để tránh chuyện lời qua tiếng lại, tôi bảo thôi mày lấy số tiền bộ sưu tập Poljot kia của tao làm vốn buôn đồng hồ tầm trung như Omega, Longines..chịu khó săn lùng , có hàng là có khách mua, không cần lãi nhiều, chỉ cần 10 đến 15% một cái thôi. Tháng tao bán cho vài chục cái mày cũng có đủ tiền sống.

Nó cúi đầu, vâng rất yếu ớt.

Tôi gằn giọng hỏi. 

- Số đồng hồ đấy thế nào rồi?

Nó nói ngắt quãng, lo lắng.

- Em gửi ở chỗ ông Thích Minh Hiền.

Tôi gầm lên chửi thề.

- Đm.

Hiệp biết bấy lâu nay tôi rất ghét Thích Minh Hiền, nó dấu không cho tôi biết, nhiều năm qua nó là đệ tử thân thiết với Thích Minh Hiền, còn được sư Hiền ban cho pháp danh là Quang Tuệ. 

Tôi lặng người vì giận, đó là cái giận thứ hai với nó sau cái giận ngày xưa nó không thanh minh với bố nó về tôi....

Nghe cái tên Thích Minh Hiền tôi nổi giận với Hiệp, nhưng ngồi nghĩ lại, mỗi con người có cái duyên nợ chơi với nhau. Có thể tôi và Minh Hiền không có duyên nợ gì, nên ngày đầu gặp ông ta tôi không có cảm tình. Như những người bạn tôi lúc đó một lòng, một dạ thần phục ông ta như thượng đế, còn cung kính hơn cả với cha mẹ.

Mình không thể đem cái nhìn ác cảm của mình để áp đặt lên người khác. Tôi với Hiệp là chỗ tình anh em xã hội, nó với sư Hiền là nghĩa thầy trò,  thầy trò ở đây không phải là thầy trò dạy võ , dạy chữ mà là thầy trò của tâm linh, tôn giáo.

Tôi bảo ông ấy nhiều tiền, mày lấy lại chỗ đồng hồ ấy đi để tao bán mà lấy tiền làm ăn. Hay mày cúng giàng ông ấy mẹ nó rồi lên giờ không dám đòi.

Hiệp nói đã viết thư cho thầy nói xin lại chỗ đồng hồ gửi thầy, nó đưa bức thư cho tôi xem. Nó kể đến khi vào chùa gặp sư Hiền, thầy nói loanh quanh chuyện nọ kia rồi lờ đi. Nó chẳng dám hỏi nữa.  Ai lại đi cúng giàng đồng hồ cơ chứ, Phật Thánh nào mà lại nhận cúng giàng bộ sưu tập đồng hồ. Ông ấy là khách chơi đồng hồ, em đưa ông ấy xem có thích không thì ông ấy lấy. Nhưng ông ý xem xong không nói gì, lâu quá em nhắc em xin lại thì ông ấy cũng không trả lời.

Tôi hỏi hay mày mua đồng hồ cho ông ấy, chặt chém nhiều lên ông ấy nghĩ là trừ đi số ấy?

Hiệp nói em với ông ấy là thầy trò, em không làm thế, hơn nữa ông ấy toàn mua hàng chính hãng, trả tiền theo hoá đơn, gửi đồng hồ về cho ông ấy là kèm cả hoá đơn từ chính hãng. Minh Hiền còn sợ người ta chặt chém, không nhờ mua trên ebay mà phải bảo người đến tận chính hãng mới '' yên tâm không phải lăn tăn gì cả '' lời của Thích Minh Hiền trong ngoặc kép.

Hiệp gửi thư và tin nhắn suốt một thời gian dài, nhưng Minh Hiền không chịu trả đồng hồ. Tôi nói.

- Chắc ông ấy làm thất lạc rồi, thôi quy ra tiền cho ông ấy trả. Mấy trăm cái Poljot của tao sưu tập đấy, cái rẻ nhất tao đang bán bây giờ là 3,5 triệu, cái đắt nhất vàng khối là 30 triệu, tính tròn cho xong với ông ấy là 50 nghìn usd , ông ấy là dân chơi đồng hồ thì tất nhiên biết giá. Mình tính thiệt đi cho tròn, hơn ông ấy lại bảo mình ép giá này nọ.

Hiệp bảo 50 nghìn có thiệt cho anh quá không?

Tôi bảo thôi hơn thiệt chốt cho xong để có cái giá, còn ông ấy không nghe thì lấy lại số đồng hồ.

Hiệp viết thư trình bày với Thích Minh Hiền, là số đồng hồ ấy của anh Hiếu gửi bán hộ, nay anh ấy do khó khăn, không làm ăn được muốn lấy đem bán, mong thầy cho xin lại.

Thích Minh Hiền không trả lời thư, nhắn tin vào số điện thoại đuôi 1188 mà ông ta dùng bao nhiêu năm nay, ông ta cũng không trả lời. Nhờ người khác gọi cũng không nhấc máy.

Tôi viết thư gửi ông ta, vẫn xưng con gọi ông bằng thầy, cũng nói số đồng hồ ấy con gửi Hiệp, nó để nhờ chỗ thầy giữ hộ, nay con có việc cần tiền, con xin thầy cho con lấy lại bán để trang trải.

Thư tôi nhờ người thân tín với ông Hiền chuyển, ông Hiền nhận xong cũng không trả lời.

Đợi thêm thời gian dài nữa, sư Hiền không trả lời, lúc ấy dịch cúm Covid 19 bùng phát, ngăn sông cấm chợ. Tình cảnh của Hiệp khó khăn hơn trước rất nhiều, tôi bảo nó nhắn lại cho ông Hiền lần nữa. Nhưng Thích Minh Hiền tức Nguyễn Nam Sơn hay còn gọi là Sơn Nam đã như thường lệ, bậc tu hành chân chính không dính chuyện bụi trần, thị phi. Kệ là trạng thái cao nhất của thiền, ông ta thản nhiên như không biết gì, tu đến thế quả thật Minh Hiền đã ngộ đạo.

Thật trớ trêu, tôi muốn bán chỗ đồng hồ ấy đi sợ giữ bên mình gặp phường đạo tặc.

Cuối cùng thì số đồng hồ ấy lại rơi vào tay của bố đạo tặc, thầy của bọn Đường Nhuệ, Vân Tóp, Ngọc Xám.

Tôi nhờ người vào chùa nói hộ, ai cũng bảo thầy thù thì chết, đệ tử thầy toàn giang hồ cộm cán, chúng nghe thấy chuyện xúc phạm thầy, nó chẳng tha đâu.

Đành lòng tôi phải viết bài trên mạng vào năm ngoái, lần đầu tiên công khai chuyện thầy nợ đồng hồ hay nợ tiền.

Khi bài tôi viết lên, một ông anh có quen ở Berlin , một bộ đội già trước kia có uy gọi điện bảo tôi có chuyện gì với thầy, bỏ đi em ạ.

Tôi hiểu anh ta nghĩ tôi ngứa miệng chọc gậy bánh xe. Tôi gọi Hiệp sang và hẹn gặp anh.

Lúc ba người ngồi với nhau, tôi bảo Hiệp cho anh ta xem những trao đổi mua bán và những thư từ xin lại đồng hồ. Tôi trình bày cho anh thấy, không phải tôi ngứa miệng, không phải tống tiền thầy chùa. Tôi đã kiên nhẫn đến mức không thể, việc này đã kéo dài mấy năm. Không phải một phút chốc không như ý mà tôi lôi người ta ra cho thiên hạ thấy. Tôi chỉ muốn ông Hiền trả lại đồng hồ trong êm thấm. Thậm chí trước khi viết bài tôi còn thông báo sự việc đến những đại đức khác, những người quan chức phụ trách tôn giáo để họ biết vấn đề thực sự. Tôi cũng nói tôi chỉ muốn lấy tiền về  hay đồng hồ, không muốn lợi dụng để đánh phá ông Hiền hay làm nhục mạ Phật Giáo Việt Nam ( cái này chắc những ai nhận thư tôi lần đó đều thấy rằng việc tôi nói về Thích Minh Hiền ngày hôm nay thực sự là bất đắc dĩ).

Tôi nói vụ này không như những vụ khác, có những vụ anh nói bảo em bỏ qua, em bỏ luôn tức thì, vì đó là em ngứa miệng em chửi, đúng chỗ anh quen thì em bỏ. Nhưng đây là chuyên mua bán, bọn em cũng nói như van xin ông ấy từ rất lâu và rất nhiều lần. Nhưng ông ấy nghĩ quen quan chức, xã hội đen, không thèm trả lời, buộc lòng em phải làm vậy. Mong anh hiểu đừng ngăn em. Cái này em là nạn nhân, chứ không phải người đi gây sự. Nếu anh có trả thay ông ấy tiền và bảo em im em cũng không chấp nhận, nên chuyện anh bảo em thôi thì thực sự ở vụ này thực sự là không thể.

Là người trải bao nhiêu năm trong giang hồ  trong muôn vàn quan hệ với xã hội đen, doanh nhân, quan chức ông anh kia xem và nghe thấy tận mắt mọi thứ lý tình, ông thở dài.

- Đm thế này anh đéo nói mày được gì. Để anh nói lại với họ.

Mấy ngày sau anh bảo bên kia họ nói trả đồng hồ, ông em ngừng phang đi.

Tôi ngừng lại và không viết từ đó đến giờ, bây giờ đã được một năm.

Có lẽ Thích Minh Hiền đã nghĩ dùng uy danh của ông anh đó bên này doạ tôi phải im. Ông ta nhầm, giang hồ có luật của nó, chuyện phải có tình, có lý.

Thích Minh Hiền có thể dùng nhiều thế lực, ảnh hưởng để không trả tôi đồng hồ. Tôi có  chửi trên mạng thì ông ta cho người báo cáo faebook Thanh Hiếu Bùi của tôi khoá. Ông ta nghĩ rằng tôi không thể làm được gì ông ta, ông ta là bất khả chiến bại.

 Nhưng đời còn nhiều chuyện hoang đường không ai nghĩ tới, nó sẽ được kể ở phần tới đây.

Nếu điệp vụ bắt Trịnh Xuân Thanh thành công với cái tên điệp vụ VT17, thì điệp vụ HV20 đang là thất bại nặng nề của bộ công an.

Chủ mưu chính làm thất bại điệp vụ HV20 của bộ công an Việt Nam là một trùm tài phiệt quốc tế, hắn ta có một thú chơi ai cũng biết, đó là sưu tầm những chiếc đồng hồ có một không hai trên thế giới....

Các bạn đọc, có lẽ một số bạn vì khích bác và muốn phá câu chuyện mà tôi kể, nên các bạn còm những câu hoài nghi cho rằng những tình tiết tôi kể là hoang đường. Thực sự những người như các bạn, tôi chỉ chặn một cái là xong. Những người nào biết tôi từ bé, có nhiều người đang đọc ở đây, họ đã biết đời tôi vốn dĩ là câu chuyện không tưởng,  bởi từ một thằng lưu manh không học hết cấp ba trải qua bao tội danh như trấn lột, gây thương tích, mua bán ma tuý cho đến ngày nhận học bổng của chính phủ nước Đức, chẳng phải điều ấy đã là hoang đường rồi sao.

Nếu con người tôi không dám làm những việc bồng bột như đưa cho đàn em mình cả trăm ngàn usd làm ăn, tôi làm sao mà có được ngày hôm nay ở nước Đức theo dạng nhà văn do chính phủ Đức mời và cưỡi xe Lexus , đeo Patek... đời chỉ là canh bạc thôi, chỉ có điều cách thức chơi của mỗi con người khác nhau, làm chính trị như Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung cũng như là đánh bạc, làm kinh doanh như Bắc Hà cũng chỉ là đánh bạc.

Trước khi vào phần sau, phần của những câu chuyên nghe còn hoang đường hơn cả, các bạn xem bức thư mà Hiệp đã gửi xin sư Hiền lại đồng hồ, và thư sư Hiền đòi mua đồng hồ ngay tạị chính hãng.

bức thư mà Hiệp đã gửi xin sư thích minh hiền lại đồng hồthư sư thích minh hiền đòi mua đồng hồ ngay tạị chính hãng.

Người Buôn Gió
Blog Người Buôn Gió

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn