BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73496)
(Xem: 62249)
(Xem: 39440)
(Xem: 31184)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về chuyện tham nhũng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa

26 Tháng Hai 20207:32 SA(Xem: 2142)
Về chuyện tham nhũng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Sau khi Hiệp Định Ba Lê (Paris Peace Accords) chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973, Quốc Hội Mỹ bắt đầu cắt giảm viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa, bất chấp sự thể miền Nam Việt Nam vẫn còn có nguy cơ bị Cộng Sản Bắc Việt thôn tính.

Bởi vì, như các sự kiện trong quá khứ từng chứng minh, Hà Nội không hề ngần ngại chuyện phải vi phạm bất cứ thỏa hiệp nào mà họ từng đặt bút ký kết nhằm đạt mục tiêu sau cùng là đánh chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam theo đúng phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà các chế độ Cộng Sản trên thế giới thời bấy giờ và ngày nay vẫn dùng làm kim chỉ nam cho mọi hành động.

Ngày 19 Tháng Sáu, 1973, Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật bổ túc Case-Church Amendment, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á vào ngày 15 Tháng Tám năm đó. Đến năm 1974, Quốc Hội lại cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa từ $1.5 tỉ mỗi năm xuống còn $700 triệu. Trong số các lý do dẫn tới việc Hoa Kỳ từ từ bỏ rơi một đồng minh thân thiết của mình tại Đông Nam Á vào lúc đó có lập luận rằng nạn tham nhũng đang lan tràn tại các cấp chính quyền và quân đội của miền Nam Việt Nam, dẫn tới hậu quả là cuộc chiến đấu chống Cộng Sản xâm lược tại Việt Nam Cộng Hòa trước sau gì rồi cũng bị thất bại, khiến cho đồng tiền viện trợ của Hoa Kỳ trở thành vô ích.

Thêm vào đó, Tướng John Murray, Tùy Viên Quân Sự tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, cũng thông báo cho Đại Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, rằng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã khởi sự hạn chế việc tiếp tế đạn dược và nhiên liệu cho các đơn vị chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật, do đó Bộ Tổng Tham Mưu  chính thức yêu cầu các lực lượng đang hành quân phải triệt để tiết kiệm bom đạn và xăng dầu để thích nghi với tình huống mới.

Chuyện tham nhũng trong các cấp chính quyền và quân đội tại Việt Nam Cộng Hòa là có thật, nhất là vào thơi điểm sau Hiệp Định Ba Lê 1973, nhưng vấn đề ở đây là mức độ tham nhũng đó ra sao, và liệu việc tham nhũng đó có phải là lý do quan trọng dẫn tới sự thể Việt Nam Cộng Hòa bị mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt hai năm sau ngày Hiệp Định Ba Lê được ký kết hay không.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không mang theo 16 tấn vàng khi rời Miền Nam Việt Nam đi lưu vong hồi Tháng Tư, 1975, như dư luận đồn đoán. (Hình: en.wikipedia.org)


1. Tham nhũng trong guồng máy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chuyện tham nhũng tuy cũng có, bởi vì nạn tham quan, ô lại trong các xã hội Á Đông và các nước chậm tiến trên thế giới đâu đâu cũng vậy thôi. Có điều, vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm nổi tiếng là liêm khiết và luôn sống cuộc đời giản dị cho tới lúc qua đời, nên đây cũng là tấm gương răn đe để cấp dưới không dám ăn cắp công quỹ hoặc công khai nhận hối lộ. Tình trạng hối mại quyền thế (kể cả chạy chọt cho con em thi đậu bằng này, bằng nọ hay chức vụ nhỏ, to) và tệ nạn đút lót để được thăng quan, tiến chức thời Đệ Nhất Cộng Hòa tuy cũng có nhưng mức độ tham nhũng theo kiểu này thật ra không đáng kể vì nó vẫn chưa trở thành một phong trào.

Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nạn tham nhũng trong guồng máy chính quyền của miền Nam Việt Nam mới bắt đầu trở nên trầm trọng, và rồi trở thành một phong trào giữa lúc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt, với nền văn hóa vụ vật chất lan tràn do sự hiện diện của nửa triệu binh lính Mỹ sang giúp Việt Nam Cộng Hòa chống đánh quân Cộng Sản xâm lược từ miền Bắc. Đút lót để có được chức vị béo bở hoặc thăng chức, chạy chọt để có được bằng cấp hay để du học, tung tiền mua chuộc quan chức để được che chở cho việc buôn lậu hàng quốc cấm, và hối lộ quan tòa để được giảm án khi phạm pháp là những hình thức tham nhũng phổ thông trong xã hội miền Nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Nhìn chung, đa số các trưởng cơ quan nào mà có quyền hành đối với dân chúng đều phải trả giá cho chức vụ đang sinh lợi cho họ, và có khi còn cho phép họ lấy lại nhiều hơn những gì mà họ đã trả cho cấp trên để mua chức vụ đó. Vì thế, giới này không ngần ngại nhận hối lộ của dân chúng tại địa phương của mình và ngay cả từ những thuộc cấp của họ để bù vào.

Cao điểm của nạn tham nhũng trong thời kỳ này là vụ buôn lậu thuốc lá thơm, rượu Tây, và hàng quốc cấm từ Mỹ Tho về Sài Gòn, thường được gọi là vụ “Buôn Lậu Còi Hụ Long An,” vì đoàn xe buôn lậu có quân cảnh hú còi dẫn đường này đã bị chận lại khi đến trạm kiểm soát Long An. Dù không có bằng chứng cụ thể, dư luận trong nước lúc bấy giờ tin rằng chính Dinh Độc Lập đã chủ mưu vụ vận chuyển số hàng lậu này, dẫn đến việc chính quyền cách chức một số giới chức hành chánh và quân đội để trả thù cho vụ làm đổ vỡ chuyến buôn lậu đó.

Có điều, sau năm 1975, khi ngôi nhà riêng của cựu Tổng Thống Thiệu tại thôn Tri Thủy ở Ninh Thuận được mở cửa cho công chúng vào xem, nhiều người vẫn cảm thấy nó không được bề thế và sang trọng cho lắm khi đem so với một số ngôi biệt thự của các chủ tịch huyện hoặc tỉnh dưới chế độ Cộng Sản ngày nay, mặc dù ông Thiệu thường bị gán cho tội tham nhũng lúc đương quyền, kể cả việc tẩu tán 16 tấn vàng ra ngoại quốc lúc rời Sài Gòn đi lưu vong (trong khi sự thật thì Tổng Trưởng Kinh Tế Nguyễn Văn Hảo của Tổng Thống Trần Văn Hương đã ra lệnh niêm phong số vàng đó lại để chờ bàn giao cho các lực lượng Cộng Sản tiến chiếm Sài Gòn hồi Tháng Tư, 1975).

Dù sao đi nữa, nạn tham nhũng của các cấp trong guồng máy chính quyền Nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa cũng được coi là trầm trọng tới mức Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã được tổng thống ủy nhiệm đứng đầu một Ủy Ban Chống Tham Nhũng cấp trung ương để đánh dẹp tệ nạn này. Sau cái chết đầy khả nghi của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, được coi là người thân tín của vị phó tổng thống, ông Hương nhìn nhận rằng “không thể nào tận diệt nạn tham nhũng tại miền Nam Việt Nam, bởi vì làm thế thì chẳng còn ai để mà làm việc cả!”

Vann Phan
Nguồn : Người Việt

Ý kiến bạn đọc
27 Tháng Hai 202011:01 CH
Khách
thua ong VANN PHAN ,can cu vao nhung dieu o tren ,toi da co cau tra loi TAI SAO? hon 40 nam no nam trong 7 LOGICAL FALLACIES SIMPLIFIED:public by SEAN HAMPTON-COLE ,ma toi moi tim ra vai tuan truoc .Ong dem so sanh voi ngon ngu cua CON NGUOI tren the gioi " BAT KE "ngon ngu cua chinh ho . Tat ca deu ap dung THANH THAO 7 PHOUNG PHAP TREN.Toi het y kien.thohuudo1955.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn